Học

100 Câu hỏi Phật pháp (Tập 2) - Câu 51 - 60

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 2)

Tỳ kheo THÍCH PHƯỚC THÁI

 

51. Trong chiêm bao thấy sát sanh không biết có tội không?

Hỏi: Kính bạch thầy, trong giấc chiêm bao con thấy con giết nhiều cá. Vậy con có mang trọng tội sát sanh hay không? Xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ. Con rất lo sợ.

Đáp: Xin thưa ngay để Phật tử yên tâm là không có gì tội lỗi mà Phật tử phải lo sợ. Tại sao? Vì đó chỉ là giấc mộng. Đã mộng thì làm gì có thật đâu mà Phật tử lo sợ. Trong giấc mộng, chỉ có ý thức hoạt động thôi. Cho nên, nó không có năng lực tạo thành nghiệp. Đã không phải thành nghiệp, thì làm gì có quả báo tội lỗi? Sở dĩ Phật tử thấy giết nhiều cá như thế, có thể là do túc nghiệp sát sinh (nói cách khác là tập khí) hại vật của Phật tử trải qua nhiều đời hoặc trong hiện đời kể ra cũng khá sâu nặng. Nếu như trong hiện đời nầy Phật tử không có sát sanh hại vật nhiều, thì đó là hiện tượng bởi do nhiều đời trước. Đây là những hạt giống (tập khí) mà chính do Phật tử đã hành động huân chứa sâu vào trong kho A lại da thức.

Chính vì thế, nên trong lúc ngủ thì những hạt giống nầy từ trong vô thức nó trồi lên và ý thức duyên vào đó để tác động thành hiện tượng chiêm bao thấy sát hại sinh vật. Như vậy, tôi thành thật khuyên Phật tử nên sám hối và cố gắng tu tạo thêm nhiều phước lành. Nhờ đó, mà tội sát sanh hại vật trong nhiều đời cũng như hiện đời của Phật tử sẽ được giảm bớt và lần lần sẽ được chuyển hóa không còn. Nên nói tu là chuyển nghiệp. Nếu nghiệp quả không chuyển được thì thử hỏi chúng ta tu hành để làm gì?

Tóm lại, việc chiêm bao thấy giết nhiều cá của Phật tử không thành tội. Đã không thành tội nghiệp, tất nhiên sẽ không có quả báo. Phật tử đừng lo sợ. Kính chúc Phật tử tinh tấn tu hành và chóng đạt thành sở nguyện như ý.

52. Sau khi chết cái gì bị thọ hình hành phạt đau khổ trong địa ngục vô gián?

Hỏi: Kính thưa thầy, khi ta chết, thân tứ đại tan rã. Nhưng tại sao các cực hình trong địa ngục vô gián còn hành phạt trên thân xác của người chết? Hai việc nầy có phải mâu thuẫn nhau không? Mong thầy giải thích cho chúng con rõ.

Đáp: Xin thưa ngay là không có gì mâu thuẫn cả. Phật tử nên nhớ rằng, thân tứ đại tuy có tan rã, nhưng nghiệp thiện ác mà chúng ta đã gây tạo, thì sẽ không bao giờ mất. Vì tất cả đều được huân chứa vào trong kho tàng thức hết. Nếu cho rằng mất hết, thì sẽ rơi vào tà thuyết của phái “Đoạn Kiến” ngoại đạo. Như thế, thì sẽ không tin có quả báo đời sau. Và như thế, thì thế gian nầy sẽ trở thành đại loạn. Vì không còn ai tin tưởng vào luật nhân quả báo ứng nữa cả. Và như thế, thì quả thật đó là một họa hại rất lớn cho xã hội loài người.

Để Phật tử hiểu rõ hơn về vấn đề nầy, tôi xin tạm nêu ra đây một thí dụ. Thí như trong lúc Phật tử chiêm bao, thấy mình bị rắn cắn hay bị ma quỷ rượt bắt, thử hỏi lúc đó Phật tử có hốt hoảng kinh sợ không? Vậy thì cái gì làm cho Phật tử hốt hoảng kinh sợ? Có phải cái thân kinh sợ hay là cái tâm thức của Phật tử kinh sợ? Rõ ràng, cái thân xác của Phật tử thì đang nằm ngủ mê say trên giường kia mà! Như vậy, thì thử hỏi cái gì sợ hãi và cái thân nào cấm đầu cấm cổ chạy trối chết để tìm phương thoát nạn? Có phải cái thân Phật tử đang nằm ngủ chạy không? Không phải cái thân đó, vậy thì cái thân nào chạy?

Như vậy, trong lúc chiêm bao ta vẫn thấy có thân và có sự buồn khổ hay vui sướng. Có lúc ta thấy mình đi chơi ăn uống nhậu nhẹt say sưa tiệc tùng với bạn bè. Cũng có khi mình cảm thấy đói khát khổ sở đi lang thang tìm kiếm thức ăn. Và đôi lúc lại thấy thân mình bị người khác đánh đập hành hạ rất là đau đớn khổ sở! Và có lúc lại thấy thân mình nhẹ nhỏm bay bổng lên trời cao v.v…Vậy thì, cái thân mà ta cảm nhận có sự vui khổ như thế là cái thân nào? Có phải cái thân ta đang nằm ngủ hay cái thân trong chiêm bao?

Cũng thế, khi ta đọa vào địa ngục a tỳ bị hình phạt đau đớn khổ sở, trạng thái đó cũng giống như trong lúc ta đang chiêm bao thấy thân ta bị hành phạt đau khổ vậy. Tuy cái thân xác tứ đại đã tan rã, nhưng tùy theo cái nghiệp ác đã gây tạo, mà ta phải chiêu cảm thọ cái báo thân khác để thọ khổ ở trong địa ngục. Và cái báo thân nầy, với con mắt phàm tục của chúng ta thì làm sao ta thấy được? Cũng giống như trong lúc ta đang chiêm bao, thấy thân mình đang hoạt động ăn uống, nói cười, vui chơi hoặc bị người khác tra tấn hành phạt đánh đập v...v… vậy thì, thử hỏi có ai thấy được cái thân đó không? Tuy không ai thấy biết, mà cái thân đó có cảm nhận những việc xảy ra hay không có? Chắc chắn không ai dám phủ nhận là không có cái thân đang xảy ra trong chiêm bao.

Tuy nhiên, có điều, ta cũng nên biết rằng, những hiện tượng xảy ra trong lúc chiêm bao là không thật, nhưng đang khi chiêm bao ta vẫn cảm nhận là thật có. Nếu không, thì tại sao ta lại cười khóc và lo sợ? Chỉ khi nào ta giật mình thức dậy, thì mới biết đó là cảnh tượng trong chiêm bao và chừng đó bao nhiêu sự lo âu sợ hãi mới thực sự tan biến hết. Cũng thế, tuy cảnh tượng bị hành phạt khổ sở ở trong địa ngục là không thật, nhưng trong lúc còn đang mang nghiệp thức si mê, tất nhiên là ta cũng phải cảm nhận sự đau khổ. Bao giờ chứng ngộ được chân lý toàn triệt rồi, thì lúc đó ta mới nhận ra rằng cảnh giới địa ngục là hư giả không thật. Như Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đã nói trong Chứng Đạo Ca:

Chứng thật tướng vô nhơn pháp

Sát na diệt khước A tỳ nghiệp.

Muốn diệt hết nghiệp a tỳ trong một sát na, với điều kiện là chúng ta phải thực chứng “Thật Tướng” của vạn pháp.

Thế mới biết, một người đã gây tạo tội ác, sau khi chết đọa vào địa ngục a tỳ như Phật tử đã nói, thì sự hành phạt khổ đau, tất nhiên là không phải ở nơi trên thân xác tứ đại, mà chính là do ở nơi thần thức của họ cảm nhận cái báo thân địa ngục thọ khổ đó thôi. Khác nào như người sợ hãi trong giấc chiêm bao vậy. Tuy thân xác không biết gì (dụ như thân xác tứ đại đã bị tan rã) nhưng tâm thức của họ thì lại quá khiếp đảm chịu đựng khổ đau. Như vậy, địa ngục có là có đối với những ai đã gây tạo tội lỗi. Còn không có là đối với những người mà họ không gây tạo ác nghiệp. Như cảnh tượng đau khổ trong chiêm bao là có đối với những người mà họ đang ngủ say chiêm bao. Còn không có là đối với những người không ngủ.

Chúng tôi thiết nghĩ, qua thí dụ đó, chắc có lẽ Phật tử cũng tạm hiểu phần nào và sẽ không còn cho là mâu thuẫn nữa. Thật ra, vì chúng ta còn sống trong vòng vô minh nghiệp thức, nên sự hiểu biết của chúng ta rất là cạn cợt hạn hẹp sai lầm. Chỉ nhận thức theo quan niệm phân biệt của vọng thức phàm tình mà thôi. Khác nào như người bị bịnh nhặm mắt, thấy hoa đốm lăng xăng trong hư không. Nhưng kỳ thật thì hư không vốn không có hoa đốm. Sở dĩ thấy thế là bởi do bị bịnh nhặm mắt mà ra. Còn đối với những người không bị bịnh nhặm mắt thì họ thấy trong hư không là cả một bầu trời trong tạnh.

Theo thế giới quan của Phật giáo, thì trong vũ trụ bao la có muôn loài chúng sinh mang nghiệp báo khác nhau. Tùy theo mỗi nghiệp báo mà chúng sanh thọ mỗi thân hình khác nhau. Báo thân loài người là một trong vô số báo thân. Do đó, nên sự thọ khổ ở cảnh giới địa ngục cũng là một báo thân. Đó là, chúng ta nhìn theo quan điểm sự tướng. Nếu căn cứ vào lý tánh, thì địa ngục có ra cũng chính là ở nơi tâm ta. Những hình phạt bị khổ đau vày vò bức bách khó chịu, cũng chính do ở nơi tâm ta thọ nhận. Tất cả đều từ tâm mà ra. Địa ngục hay thiên đường, sanh tử hay Niết bàn, không có gì ngoài tâm ta cả. Tâm vô minh vọng chấp đó là địa ngục. Tâm sáng suốt buông xả mọi thứ dục tình đó là tâm hạnh phúc Niết bàn.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin được nói thêm để Phật tử có thể hiểu rõ hơn giữa thân và tâm. Để Phật tử biết rõ cái nào quan trọng và cái nào thứ yếu. Nếu xét kỹ, thì cái thân nầy giống như chiếc xe. Chiếc xe tuy đủ bộ phận, nhưng nếu không có anh tài xế lái, thì chiếc xe vẫn phải nằm yên một chỗ. Như vậy, chiếc xe tùy thuộc vào anh tài xế mà có hoạt động. Như có người dùng cây đập mạnh vào chiếc xe, thử hỏi chiếc xe có bị đau không? Chiếc xe là vật vô tri vô giác làm gì biết đau. Tuy chiếc xe không đau, nhưng anh tài xế rất đau. Bởi anh ta cho chiếc xe đó là của ảnh. Do sự chấp chặt đó nên ai đụng tới chiếc xe là đụng tới ảnh. Do đó mà anh ta phải ra sức cố bảo vệ chiếc xe tối đa. Tuy dù có cố gắng bảo vệ tới đâu, nhưng cuối cùng chiếc xe đó cũng không thể nào tồn tại.

Xét kỹ, cái thân nầy cũng giống như chiếc xe. Tài xế là dụ cho tâm thức của chúng ta. Khi tâm thức còn ở trong thân, thì nó điều khiển cái thân. Cái thân hoạt động là do nó. Khi nó ra khỏi thân, giống như anh tài xế ra khỏi xe, thì dù cho cái thân vẫn còn đủ bộ phận đó, nhưng tuyệt nhiên không có hoạt động gì cả. Lúc đó, người ta gọi là chết. Như vậy, cái gì biết đau? Cái xe đau hay anh tài xế đau? Cái thân đau hay tâm thức biết đau? Rõ ràng là cái tâm thức biết đau. Nhưng lâu nay, tại vì mình chấp chặt cái thân nầy là mình rồi, nên mình nói cái thân đau chớ ít có ai biết đó là cái tâm đau. Vì thế, nên Phật nói tất cả đều do tâm ta mà ra. Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ tạo tác tất cả. Kinh nói: “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức” là thế.

Như vậy, sự cảm nhận biết khổ hay vui là chính ở nơi tâm chớ không phải ở nơi thân. Tuy rằng giữa thân và tâm có sự liên quan mật thiết với nhau. Thân chỉ là một sự quan hệ công cụ của tâm mà thôi. Nói cách khác, tâm là gốc mà thân chỉ là ngọn phụ thuộc. Do nghĩa nầy, nên khi sống ta nên khéo biết lợi dụng thân để tu hành. Lợi dụng khác với nghĩa nô lệ hay hủy hoại. Ta không nô lệ hay hủy hoại nó. Mà ta cần phải trân kính và biết ân nó. Vì nhờ nó mà ta mới tu hành giải thoát. Cũng như ta phải khéo biết lợi dụng chiếc xe để chở ta đến nơi an toàn mà ta mong đến đích.

Hiểu thế, thì hằng ngày chúng ta không nên nô lệ cho thân, vì có nô lệ cho nó, cưng chiều nâng niu nó đến đâu, cuối cùng rồi nó cũng phải tan rã. Thế nhưng, ở đời, ít có ai nghĩ đến cái tâm mà ai ai cũng chỉ lo cung phụng và bảo vệ cho cái thân. Bởi thế, nên Phật mới quở chúng ta là những kẻ si mê điên đảo. Do chấp cái thân nầy quá sâu nặng nên đến khi chết rồi mà người ta vẫn nghĩ còn mang nó theo. Giống như Phật tử nghĩ, nếu như không có cái xác thân tứ đại, thì cái thân nào chịu hành phạt khổ sở ở nơi địa ngục vậy. Đó là căn bịnh chấp ngã sâu nặng chung của tất cả chúng sanh.

53. Tam bành lục tặc là gì?

Hỏi: Kính thưa thầy, con thường nghe nói tam bành lục tặc mà con không hiểu tam bành là gì? Và lục tặc là sao? Kính mong thầy giải đáp cho con hiểu. Con cám ơn thầy.

Đáp: câu hỏi của Phật tử nó có liên quan đến một điển tích. Tam bành theo học thuyết của Lão Tử cho rằng, cái Thần (tinh thần) của con người ở vào 3 nơi. Một ở óc, hai ở minh đường (quả tim), ba ở dạ dày.

Theo sách Thái thượng tam thi trung kinh thì: “Thượng thì tên Bành Cừ vốn ở đầu con người; trung thì tên Bành Chất vốn ở bụng con người; hạ thì tên Bành Kiên ở chân người. Ba thần nầy gọi là thần Tam Bành hay xúi giục người làm bậy. Đến ngày Canh Thân, ba vị thần nầy lên tâu với Ngọc hoàng Thượng Đế cho người mau chết để khỏi phải theo dõi nữa. Người ta tin rằng những sự giận dữ, nóng nảy là do thần Tam Bành xúi giục gây ra. Để cho con người dễ làm bậy”.

Chính vì sự giận dữ nóng nảy sân hận nầy, mà người ta gây ra không biết bao nhiêu điều họa hại. Chẳng những họa hại cho chính bản thân mình mà còn làm khổ lụy tổn thương cho không biết bao nhiêu người khác. Sự thù hận chém giết lẫn nhau của nhơn loại ngày nay, cũng do con người không kềm chế được lòng sân hận nóng nảy nầy mà ra. Chính do điển tích trên, mà mỗi khi con người nổi nóng lên chửi bới đánh đập hoặc hành hung sát hại người khác, thì người ta thường nói, ông đó hay bà đó tam bành đang nổi lên dữ tợn thấy mà phát sợ!

Trong Truyện Kiều có câu:

Mụ nghe nàng nói hay tình

Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên.

Đó là nói tam bành. Còn Lục tặc, đây là người ta y cứ vào giáo lý nhà Phật mà nói. Lục là sáu, tặc là giặc. Sáu giặc gồm có: “sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp”. Sắc là chỉ chung cho các thứ sắc đẹp người và vật. Thinh là những thứ âm thanh có năng lực quyến rũ hấp dẫn kích động lòng người. Hương, nói chung là các loại mùi thơm. Vị là mùi vị của các loại phẩm vật. Xúc là sự tiếp xúc giao nhau giữa căn và trần. Pháp là pháp trần là những hạt giống gieo vào trong tâm thức do sự tiếp xúc giữa căn và trần mà có. Thế nhưng tại sao gọi sáu thứ nầy là giặc? Vì sáu thứ nầy làm cho người tu hành không được an ổn. Nó có một ma lực hấp dẫn lôi cuốn làm cho sáu căn (6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), của người tu hành luôn luôn bị dao động xáo trộn bất an. Chính vì 6 căn đắm nhiễm ở nơi 6 trần nên gây ra cho người tu một chướng ngại rất lớn trên bước đường tu hành giải thoát. Do cớ đó, nên nhà Phật gọi nó là sáu thứ giặc.

54. Suối vàng và chín suối ý nghĩa giống nhau hay khác nhau?

Hỏi: Kính thưa thầy, thường con nghe người ta nói, người chết xuống suối vàng hay chín suối, con không hiểu suối vàng chín suối là gì? Mong thầy giải thích cho con rõ. Con kính cám ơn thầy.

Đáp: Hai chữ “Suối vàng” người ta dịch từ chữ huỳnh tuyền. Huỳnh là màu vàng còn tuyền là suối. Nghĩa là suối nước màu vàng. Theo truyền thuyết của người Trung Hoa, thì người ta tin rằng, ở dưới âm phủ có chín cái suối nước vàng. Chín suối do dịch từ chữ cửu tuyền của chữ Hán. Suối vàng hay chín suối là chỉ cho chỗ ở của người chết. Sở dĩ có truyền thuyết nầy, theo sử liệu ghi lại là người ta y cứ vào câu chuyện xảy ra ở đời Xuân Thu Chiến Quốc. Câu chuyện nói về bà Khương Thị vợ của vua Trịnh Vũ Công.

Truyện tích kể rất dài dòng, nhưng ở đây, tôi chỉ xin kể ngắn gọn tóm lược mà thôi. Đây là câu chuyện nói về chúa nước Trịnh là Trịnh Trang Công tên là Ngộ Sinh. Ông nầy rất có hiếu với mẹ. Mẹ của ông là bà Khương Thị. Bà nầy là vợ của vua Trịnh Vũ Công. Bà có hai người con. Người lớn là thái tử Ngộ Sinh, sau lên ngôi là vua Trang Công. Còn người con kế tên là Đoạn. Tuy cả hai đều là con của bà, nhưng bà lại thương không đồng. Bà có ác ý hay ghét Ngộ Sinh, vì khi sanh Ngộ Sinh ra một cách thình lình làm bà chịu nhiều đau đớn khổ sở. Và kể từ đó, bà cho Ngộ Sinh là đứa con oan gia bất hiếu, vì hành hạ bà đau đớn ngay từ lúc đầu. Do đó, mà bà sanh tâm ác cảm với Ngộ Sinh. Ngược lại, bà rất thương yêu nuông chiều người con kế tên là Đoạn.

Vì có ý muốn cho Đoạn lên làm vua, nên bà tìm đủ mọi phương cách thủ đoạn dèm pha hãm hại Trang Công. Việc hãm hại của bà kể từ khi Trang Công còn làm thái tử, cũng như sau khi ông nầy lên làm vua. Về sau, việc âm mưu hãm hại của bà bị bại lộ. Trang Công biết được em mình là Đoạn nổi loạn phản nghịch, nên cử binh đánh dẹp và cuối cùng Đoạn phải tự tử. Từ đó, vua Trang Công mới an trí mẹ mình nơi vắng vẻ và thốt lên lời thề nặng là: “Chẳng phải chốn suối vàng thì chẳng nhìn mặt nhau”. (Bất cập huỳnh tuyền vô tương kiến dã).

Trang Công vốn là người con có hiếu nên sau đó nhà vua nghĩ lại, cảm thấy rất hối hận về việc xử tệ bạc với mẹ mình, nhưng đã lỡ thề nặng nên nhà vua không biết phải làm sao để gặp lại mẹ mình. Bấy giờ, có ông quan cận thần tên là Đình Khảo Thúc biết ý Trang Công, nên ông ta tìm cách giải lời thề bằng cách là cho người đào đất đến tận mạch nước, rồi cho xây cất một cái nhà nhỏ bên cạnh suối nước. Xong, liền cho người dẫn bà Khương Thị xuống đó ở. Mục đích là để cho Trang Công xuống đó gặp lại mẹ. Quả thật khi gặp lại, hai mẹ con ôm chằm lấy nhau khóc than một cách thảm thiết! Vì lẽ đó, nên mới có câu chuyện là gặp nhau ở suối vàng.

Trong truyện Kiều có câu:

"Đã không kẻ đoái, người hoài

Sẵn đây ta thắp một vài nén hương

Gọi là gặp gỡ giữa đường

Họa là người dưới suối vàng biết cho”

Tóm lại, nói suối vàng hay chín suối ý nghĩa không khác nhau, cả hai đều là chỉ cho chỗ ở của người chết vậy.

55. Tại sao người tu pháp môn niệm Phật không thờ riêng Đại Thế Chí mà thờ đức Quán Thế Âm?

Hỏi: Kính bạch thầy, trong kinh nói, Bồ Tát Quan Thế Âm do tu thiền mà chứng đạo, trái lại, Bồ Tát Đại Thế Chí do tu niệm Phật mà chứng đạo. Thế thì, tại sao những ngưòi tu theo pháp môn niệm Phật mà không thờ riêng tượng Bồ Tát Đại Thế Chí ( có thờ chăng cũng thờ chung tượng Tam Thánh ) mà lại riêng tôn thờ hình tượng Bồ Tát Quan Thế Âm? Xin hỏi, lý do tại sao phải thờ như thế? Và thờ như vậy có đúng không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.

Đáp: Xét trên phương diện hành môn, thì Phật nói có vô lượng pháp môn, tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người mà chọn lựa cho mình một pháp môn tu thích hợp. Phương tiện bày ra tuy nhiều, nhưng cứu cánh đạt thành quả vị Phật thì chỉ có một. Như cái nhà tuy có nhiều cửa vào mà căn nhà thì chỉ có một. Tùy theo sở thích, ai thích cửa nào thì bước vào cửa đó. Điều quan trọng là phải bước vào đúng cửa đã chọn. Một khi đã chọn lựa kỹ càng rồi, thì cứ thế mà thẳng tiến vào. Có thế, thì mới thực sự vào trong ngôi nhà được.

Đối với hai vị đại Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí trong lúc tu nhân, hai Ngài đã tự chọn cho mình một pháp tu riêng. Người chọn tu Thiền, tức Bồ Tát Quán Thế Âm từ “Nhĩ Căn” “phản văn văn tự tánh” mà vào. Người chọn tu Tịnh, tức Bồ Tát Đại Thế Chí từ “Thiệt Căn” và Ý Căn (nói rộng là thu nhiếp sáu căn) mà vào. Nghĩa là theo sự trình bày của Ngài trong Kinh Lăng Nghiêm thì, chỗ nhân địa tu hành của Ngài là do dùng tâm niệm Phật mà ngộ được “vô sanh nhẫn”. Như vậy, ta thấy giữa Thiền và Tịnh tuy có hai, lối vào tuy có khác, nhưng cứu cánh quả chứng thì không hai. Đó là yếu lý dung thông hội chứng của Phật pháp vậy.

Nhiều người tu hành thời nay, vì không hội thông được pháp tu, cho nên dễ gây ra tình trạng nghi ngờ và thậm chí họ còn kích bác chống đối nhau. Ai có quan niệm đó, thì hãy xem noi theo tấm gương của hai vị Đại Bồ Tát nầy.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm, nếu nhìn vào hình tượng Tam Thánh thì, chúng ta cũng có thể thấy rõ sự biểu trưng cho sự hội thông đó. Hai vị Bồ Tát đứng hầu hai bên trái, phải của đức Phật A Di Đà. Trái, phải là hai, như Thiền, Tịnh là hai, nhưng tánh giác nào có hai. Đứng về mặt sự tướng, danh ngôn đối đãi, thì thấy dường như có hai, nhưng đứng về mặt bản thể lý tánh thì không khác, tức muôn pháp đồng nhứt thể. Nhìn trên mặt hiện tượng thì thấy có muôn ngàn lượn sóng lớn nhỏ khác nhau, nhưng thể nước chỉ là một. Đức Phật A Di Đà là tiêu biểu cho tánh giác vượt lên trên đối đãi nhị nguyên. Đó là biểu thị cho sự hội nhập dung thông triệt tiêu nhị nguyên đối đãi vậy.

Người tu hành mà còn thấy có hai bên: Tịnh khác, Thiền khác, đạo khác, đời khác, anh khác, tôi khác v.v…thì làm sao ngộ được tự tánh? Không ngộ được tự tánh, thì làm sao giải thoát? Chính do vọng chấp thiên kiến nầy nên chúng ta mới thấy có những cặp đối đãi nhị nguyên. Đây là đầu mối của sự tranh chấp hơn thua đấu đá chém giết lẫn nhau. Thế giới đảo điên thác loạn cũng bởi do cái nhìn “biến kế” vọng chấp nầy mà ra. Từ đó, con người tạo ra vô số nghiệp ác, để rồi phải chiêu cảm thọ lãnh vô số nghiệp quả khổ đau. Vì thế, mà con người mãi phải chịu trầm luân nổi trôi trong biển đời đầy đau thương khóc hận. Kinh Duy Ma Cật ở phẩm “Pháp Môn Bất Nhị” đã dạy rõ cho chúng ta bài học “Không Hai” vô giá nầy. Nhưng rất tiếc thay! Con người vì vô minh che lấp nên chưa nhận ra được cái chân lý siêu việt nầy.

Phật tử hỏi tại sao người tu theo pháp môn Tịnh Độ, lẽ ra là phải tôn thờ tượng Đại Thế Chí mới phải, vì Ngài tu theo pháp môn niệm Phật mà được chứng quả Thánh. Thế nhưng, hầu hết Phật tử (dù tu theo Tịnh Độ Tông hay các Tông phái khác) cũng đều thờ riêng hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Lý do tại sao?

Xin thưa, vì mỗi vị Bồ Tát đều có phát khởi hạnh nguyện riêng. Do vì trong lúc tu nhân, các Ngài mỗi người đều phát đại nguyện độ sanh khác nhau. Như Bồ Tát Quán Thế Âm Ngài phát đại nguyện là tầm thinh cứu khổ chúng sanh ở cõi Ta bà nầy. Bất luận chúng sanh nào, khi gặp hoạn nạn khổ đau, mà hết lòng thành tâm xưng niệm danh hiệu Ngài, thời Ngài sẽ hiện thân đến để cứu độ họ. Bởi do hạnh nguyện đó, nên Ngài có nhân duyên rất lớn với chúng sanh ở cõi nầy. Vì vậy, mà chúng ta không lạ gì khi thấy hầu hết các nước tu theo hệ phái Phật Giáo Phát Triển đều có tạc tượng tôn thờ hình tượng của Ngài. Sở dĩ người ta tôn thờ Ngài là vì người ta rất tin tưởng vào việc cứu khổ cứu nạn theo bản nguyện của Ngài.

Còn Bồ Tát Đại Thế Chí mặc dù Ngài chuyên hành trì theo pháp môn niệm Phật mà chứng đạt Thánh quả, nhưng Ngài không có phát nguyện rộng lớn độ sanh ở cõi Ta bà nầy như Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài chỉ phát nguyện phụ lực với đức Phật A Di Đà để tiếp dẫn những chúng sanh nào có nhân duyên niệm Phật A Di Đà được vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc. Và Ngài chỉ trực tiếp giáo hóa chúng sanh ở cõi nước đó mà thôi. Căn cứ vào bản nguyện độ sanh của Ngài như thế, nên người ta không có thờ riêng hình tượng của Ngài giống như Bồ Tát Quán Thế Âm. Người ta chỉ thờ Ngài qua hình tượng Tam Thánh mà thôi.

Ngược lại, riêng Bồ Tát Quán Thế Âm không những Ngài phát nguyện phụ lực tiếp dẫn chúng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc giống như Bồ Tát Đại Thế Chí, mà Ngài còn phát nguyện thị hiện 32 ứng thân ở cõi Ta bà nầy để hóa độ chúng sanh. Bởi lý do đó, nên người ta mới tạo tượng tôn thờ riêng Ngài. Thờ như thế quả đúng với bản nguyện độ sanh của Ngài, chớ không có gì là sai trái cả.

56. Thực phẩm chay nhưng thực đơn nêu toàn đồ mặn?

Hỏi: Kính thưa thầy, Phật dạy người Phật tử nên tránh những thứ dục nhiễm, những thứ có tánh cách gợi cảm làm cho con người sanh tâm đắm nhiễm. Nhưng con không hiểu sao, ở các tiệm cơm chay, người ta hay bày thực đơn tên gọi những thức ăn toàn là đồ mặn nghe thật hấp dẫn. Nào là cá kho tộ, gà xé phay, mì vịt tiềm v.v… Xin hỏi lý do tại sao phải đặt tên như thế? Và như thế có phải gợi cho người ta ăn chay mà còn nghĩ tưởng đến đồ mặn hay không? Và việc làm đó có mang tội hay không?Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.

Đáp: Xin thưa ngay chúng tôi không phải là người đặt ra tên gọi của những thức ăn đó. Vì vậy cho nên, tôi không thể nào trả lời chính xác cho Phật tử thỏa mãn được. Vả lại, đây là lãnh vực chuyên môn trong phạm vi thương mãi. Đã thương mãi, tất nhiên ai cũng muốn có lợi nhuận. Dù đó là bán thức ăn chay. Tôi nghĩ, nếu Phật tử trực tiếp hỏi những người đặt ra tên gọi của những thức ăn đó, thì có lẽ họ sẽ trả lời chính xác và chắc chắn là hay hơn tôi. Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, thì tôi cũng xin mạo muội góp chút ngu ý trong vấn đề nầy.

Tôi đồng ý với Phật tử, Phật dạy người Phật tử nên tránh những thứ dục nhiễm, những thứ có tánh cách gợi cảm làm cho con người sanh tâm đắm nhiễm. Tuy nhiên, trong nhà Phật thường có nêu ra hai thứ dục nhiễm: thiện nhiễm và ác nhiễm. Dục nhiễm ác là những thứ mà một khi con người vướng vào thì rất là đau khổ. Như những thứ dục nhiễm say sưa rượu chè, cờ bạc, hút xách xì ke ma túy v.v…Đó là những thứ gây ra có tác hại rất lớn cho sức khỏe bản thân cũng như làm tan vỡ mất đi hạnh phúc gia đình và có ảnh hưởng không tốt đối với nhân quần xã hội. Những thứ đó, là Phật tử chúng ta cần nên tránh. Tuy nhiên, đối với những thứ dục nhiễm thiện có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội, thì ta cần nên tích cực cổ xúy, thật hành và phát triển. Như những dục nhiễm thiện: ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, lễ bái, hành thiện lợi tha v.v… đó là những thứ dục nhiễm thiện mà ta cần phải phát huy cổ võ mạnh mẽ. Người tu hành ở nơi nhơn thừa và thiên thừa, thì Phật dạy cần phải có những thứ dục nhiễm thiện. Nói rõ ra là chúng ta cần phải tập cho mình có những thói quen tốt, đó là thiện nghiệp. Thói quen ăn chay, là một trong những thiện nghiệp mà người Phật tử cần phải phụng hành.

Việc đặt tên gọi giả danh cho những thức ăn mang tính gợi cảm thích thú, theo tôi, đó cũng là một bí quyết thủ thuật rất hay của những nhà làm thương mãi mà họ đã tư duy đặt ra. Bí quyết đó nhằm đánh động được tính hiếu kỳ của con người. Đã biết đó là tiệm cơm chay, thì dù cho tên gọi có hấp dẫn đến đâu đi nữa, thực chất của nó cũng vẫn là đồ chay mà thôi. Tên gọi chẳng qua cũng chỉ là một thủ thuật khai thác lòng thị hiếu hấp dẫn khẩu vị của con người. 

Có gợi cảm đặc biệt như vậy, thì mới có thể lôi cuốn hấp dẫn thực khách ăn chay. Cách bày ra đó, ngoài việc đánh động thị hiếu tò mò của con người ra, nó còn có một tác dụng là làm cho người ta không gây thêm tội sát sinh hại vật nữa. Đó cũng là cách bày ra phương tiện tốt. Nói thế, hoàn toàn tôi không có ý biện minh hay xu phụ theo những chủ nhà hàng chay. Xin Phật tử chớ vội hiểu lầm. Tôi nghĩ, việc làm đó, tuy mang tính thương mãi, nhưng cũng là điều rất tốt. Trong một quốc gia nếu có được nhiều tiệm cơm chay và nhiều người ăn chay như thế, thì đó là một điều đại hạnh cho quốc gia đó. Vì ít ra, cũng còn có nhiều người lương thiện.

Tôi nghĩ, dù cho họ đang ăn chay mà lòng họ có nghĩ tưởng đến đồ mặn đi chăng nữa, theo tôi, cũng không có gì là mang tội cả. Nếu bảo nghĩ đến là có tội vậy thử hỏi những người không ăn chay mà họ vẫn nghĩ đến đồ mặn vậy là đều có tội hết hay sao? Nên nhớ, Phật tử đang tu theo nhơn thừa kia mà! Hơn nữa, những người vào quán ăn chay, đâu phải tất cả đều là thực khách Phật tử hết. Có những người họ không phải là Phật tử, nhưng họ thích ăn chay, như vậy, chả lẽ họ không được quyền nghĩ đến đồ mặn (mạng) hay sao? Nếu chỉ có ý thức nghĩ đến thì đó chưa hẳn là thành tội. Tuy rằng, ý thức là chủ động để sai khiến thân và miệng tạo nghiệp. Nhưng ở đây ta thấy, những người một khi đã bước vào tiệm ăn chay, tất nhiên là lòng họ đã có phát khởi thiện tâm rồi. Nếu không, thì họ vào quán ăn chay để làm gì? Dù họ ăn với lý do kiêng cử hay thay đổi thử khẩu vị cũng là điều tốt cả. Ít ra, họ cũng tránh được một bữa ăn trên sự đau khổ kêu la giãy chết của những loài sinh vật khác. Dù trực tiếp sát hại hay gián tiếp cũng thế. 

Vả như, hằng ngày cả nhơn loại đều đắm nhiễm thức ăn chay như thế, thì thử hỏi thế giới loài người sẽ ra sao? Có phải sống trong cảnh thái bình an lạc hết không? Đã bày ra như thế mà vẫn còn quá ít người đắm nhiễm. Nếu không bày ra tên gọi hấp dẫn đó, thì thử hỏi có được bao nhiêu người bước vào quán cơm chay? Riêng chúng tôi, thì chúng tôi cũng rất ước mong mọi người đều đắm nhiễm thức ăn chay qua giả hiệu đồ mặn. Có thêm được một người ăn chay, thì xã hội sẽ bớt đi một người sát hại sanh vật. Sát sanh hại vật còn không có, nói chi đến cảnh tượng giết người. Đã thế, thì làm gì nhơn loại còn sống trong cảnh phập phồng lo sợ hiện tượng đao binh chiến tranh khủng bố xảy ra nữa chớ?!

Tóm lại, theo tôi, việc đặt giả hiệu gọi thức ăn đồ mặn như thế, cũng là một cách rất hay để khêu gợi cảm giác thưởng thức háo ăn của con người. Và những thực khách thưởng thức ăn chay qua nhãn hiệu đồ mặn đó, giả như có vọng tưởng nghĩ đến đồ mặn đi chăng nữa, cũng là điều tốt chớ không có gì là tội lỗi cả. Và người đặt ra tên gọi cũng không có tội lỗi gì. Biết đâu nhờ sự gợi cảm đó mà Phật tử thích ăn chay. Khi ăn chay lâu ngày trở thành thói quen. Từ đó, Phật tử phát tâm ăn trường chay luôn. Như vậy, có phải nhờ nghĩ tưởng giả hiệu đồ mặn mà trở thành người ăn chay trường, thế thì, không phải tốt lắm hay sao? Như vậy, có đắm nhiễm cũng là một điều rất tốt chớ không có tội lỗi chi cả. Hiểu thế, thì chúng ta cần nên cám ơn người bày ra tên gọi giả hiệu đồ mặn. Nhờ họ mà người ta mới phát tâm ăn chay nhiều.

57. Cách thờ Phật và Quy y Tam Bảo như thế nào mới đúng?

Hỏi: Kính bạch thầy, con là Châu Anh, con có một thắc mắc kính xin hỏi thầy: Gia đình con muốn lập bàn thờ Phật tại nhà. Có người cho rằng có thể đặt bát hương chung thờ Phật và thờ thần linh. Có người nói phải lập bàn thờ Phật riêng làm con rất bối rối. Con xin thầy chỉ dạy làm cách nào mới đúng và nên thờ tượng Phật nào tại nhà. ( Ba con mất được 1 năm, mẹ con theo Tịnh độ tông và đang tu tập Thiền tông ). Nhân đây, con hỏi thêm một câu, mẹ con khuyên con nên quy y Tam bảo. Nhưng con chưa tìm hiểu kỹ nên chưa dám nghe theo. Con xin thầy chỉ cho con biết sau khi quy y thì có gì khác với cuộc sống bình thường không? Con cần phải làm những việc gì và không được làm những việc gì? Con kính cám ơn thầy.

Đáp: Trong câu hỏi của Châu Anh, gồm có 4 vấn đề mà Châu Anh muốn biết. Để tiện bàn giải, tôi xin nêu ra đây từng vấn đề một để xin chân thành góp ý.

1. Châu Anh nghe người ta nói có 2 trường hợp trái ngược nhau:

a. Nên lập bàn thờ Phật chung với thần linh.

b. Nên lập bàn thờ để thờ Phật riêng.

Do hai ý kiến trái nhau, nên Châu Anh đâm ra hoang mang phân vân không biết phải thờ Phật như thế nào mới đúng.

Theo lời Phật dạy, trời thần vẫn còn là chúng sinh, vẫn còn phải chịu trôi lăn trong tam giới. Do đó, nên khi quy y Tam bảo, Phật dạy người Phật tử không được quy y với thiên, thần, quỷ, vật. Vì thần cũng là một loại quỷ, nhưng chẳng qua loại quỷ có thế lực quyền uy cao hơn những loài quỷ khác, nên người ta gọi là thần. Nói chung là quỷ thần. Đã thế, thử hỏi làm sao quỷ thần dám ngồi chung một bàn với Phật? Thần có ác thần và thiện thần. Những vị thiện thần thì luôn luôn phát nguyện hộ trì chánh pháp của Phật.

Tôi rất thông cảm cho sự băn khoăn bối rối của Châu Anh. Tại vì Châu Anh chưa có cơ hội để học hỏi nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng về Phật pháp, nhất là về phương diện đời sống tâm linh mang tính siêu hình. Vì thế, nên Châu Anh mới có sự băn khoăn thắc mắc nghi ngờ về vấn đề đó. Hơn nữa, chính người nói thờ Phật chung với thần linh, thật ra bản thân của họ cũng chưa hiểu gì về Phật pháp cả. Nghĩa là họ không phân biệt sự sai khác hơn kém giữa thần linh và chư Phật, Bồ tát.

Người nói, nên thờ Phật riêng, chứng tỏ người đó có hiểu phần nào về cách tôn trí thờ phụng. Và họ biểu lộ được tấm lòng tôn kính ở nơi đức Phật. Vì họ biết giữa Phật và thần linh có sự khác biệt rất xa. Thiết nghĩ, Châu Anh nên nghe theo lời khuyên của người đó.

Nói tóm lại, qua câu hỏi nầy, thì tôi thành thật khuyên Châu Anh nên thiết lập bàn thờ Phật riêng và chỉ thờ một vị Phật mà thôi. Nên nhớ phải thiết lập bàn thờ nơi chỗ trang nghiêm thanh tịnh. Đó là vì chúng ta biểu lộ lòng tôn kính ở nơi đức Phật. Có thế, thì chúng ta mới có thêm nhiều phước báo.

2. Nên thờ tượng Phật nào? Theo Châu Anh nói, người mẹ theo Tịnh Độ tông, nhưng hiện thời bà lại tu theo Thiền tông. Thông thường, người Phật tử tu theo tông nào thì người ta hay thờ tượng Phật cho phù hợp với tông chỉ của mình đang tu theo tông đó. Tuy rằng, Phật nào cũng thờ được cả. Vì đã là Phật thì tất cả đều như nhau, Phật Phật đại đồng, không có gì là sai biệt. Tuy nhiên, điều nầy còn tùy theo quan niệm và Tông phái mà người đó đang tu theo. Do đó, nên việc tôn thờ Phật tượng có sai khác. Xưa nay, người tu theo Thiền tông, thì người ta chỉ tôn thờ một tượng Phật Thích Ca. Vì đức Phật Thích Ca do tu Thiền mà chứng quả. Ngược lại, người tu theo Tịnh độ tông, thường người ta hay thờ đức Phật Di Đà hoặc là thờ tượng Tam Thánh (Di Đà, Quan Âm và Thế Chí). Vì người ta muốn sau khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Mà thế giới Cực lạc là do Phật Di Đà làm giáo chủ. Cho nên người ta chí thành quy hướng tôn thờ và niệm danh hiệu của Ngài để cầu vãng sanh về cõi đó.

Vấn đề nầy, theo ý kiến của tôi, thì tôi thành thật khuyên Châu Anh tốt hơn hết là Châu Anh nên hỏi qua ý kiến của mẹ, xem thử mẹ thích thờ tượng Phật nào. Nếu như hiện giờ Châu Anh còn đang chung sống với mẹ, thì nên tôn trọng ý kiến của mẹ. Tùy theo sở thích của bà mà thỉnh Phật về thờ. Như thế thì tôi nghĩ, sẽ được tốt đẹp cho cả hai. Vì đó cũng là cách làm cho mẹ vui và cũng không trái ý của bà mà gây nên phiền lòng giữa mẹ con với nhau không tốt. Vì chưa thỉnh Phật về nhà thờ mà tình mẹ con đã bất đồng bị sứt mẻ rồi, thì điều đó không nên. Như thế, thì dù cho mình có thỉnh Phật về thờ thì cũng không có ông Phật nào chứng minh cho lòng mình điều đó. Đó là điều mà tôi thành thật khuyên Châu Anh cần nên hỏi qua ý kiến của mẹ.

3. Có nên quy y Tam bảo theo lời mẹ khuyên hay không? Điều nầy, thiết nghĩ, Châu Anh cũng không nên vội gấp. Vì bất cứ việc làm nào, trước khi quyết định, mình cũng phải tìm hiểu suy tư cho thật kỹ càng. Việc thông thường còn như thế, huống gì là việc quy y Tam bảo. Đó là một quyết định tối ư hệ trọng cho đời sống tâm linh suốt cả cuộc đời của mình sau nầy. Do đó, nên mình cần phải cân nhắc tìm hiểu cho thật kỹ càng thận trọng trước khi quyết định.

Tuy nhiên, việc quy y có đôi khi, người ta vẫn quy y trước rồi sẽ học hỏi tìm hiểu Phật pháp sau. Lý do, là vì người ta sợ quỷ vô thường thình lình cướp mất đi mạng sống. Nếu như thế, thì e rằng, chừng đó có muốn quy y thì cũng đã quá muộn màng chậm trễ rồi! Theo tôi, thì Châu Anh, nếu muốn quy y theo lời mẹ khuyên, thì cũng tốt không có sao đâu. Tuy nhiên, sau khi quy y Tam bảo rồi, Châu Anh nên cố gắng siêng năng nghiên tầm trau dồi học hỏi Phật Pháp. Mục đích là để cho mình biết rõ đường lối tu hành, không bị rơi vào con đường tà ngoại. Và như thế mới có lợi ích thiết thực cho sự tu hành và mới thực sự thăng tiến xứng danh mình là người con Phật.

Điều nầy, tùy Châu Anh quyết định phương cách nào cũng được. Một là tìm hiểu trước rồi quy y sau, hoặc quy y truớc rồi tìm hiểu học hỏi Phật pháp sau. Cả hai đều có lợi ích cả. Tuy nhiên, theo tôi, thì có đôi khi nhờ có quy y rồi, nên mình mới chịu nỗ lực gia công nghiên tầm học hỏi. Vì đó là điều do mình ý thức bổn phận của mình. Cũng như mình có vào trường rồi thì mình mới cố gắng gia công học hành. Còn không vào trường, thì mình đâu có chịu học hành. vì không có ai thức nhắc khuyên bảo hay bắt buộc mình cả.

4. Châu Anh hỏi sau khi quy y rồi đời sống có thay đổi như trước khi mình chưa quy y không? Hay cũng vẫn bình thường không có gì khác lạ? Và mình cần phải làm gì? Dĩ nhiên, sau khi quy y Tam bảo mình phải giữ gìn Tam quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng) và đồng thời mình cũng phải giữ gìn 5 giới cấm tức 5 nguyên lý đạo đức căn bản của người Phật tử tại gia để tăng thêm nhơn cách đạo đức phẩm giá của một con người. Năm nguyên lý đạo đức Phật dạy gồm có:

Thứ nhứt, Phật dạy người Phật tử không được sát hại sinh vật, chủ yếu là không được giết người. Nguyên lý đạo đức nầy là Phật dạy nguời Phật tử phải có lòng từ bi thương yêu muôn loài mà tôn trọng mạng sống cho nhau. Vì loài nào cũng đều ham sống sợ chết cả. Hơn nữa, còn tránh được quả báo oán thù hiện tại và mai sau.

Thứ hai, Phật dạy người Phật tử không được gian tham trộm cắp, vật gì của người ta mà người ta không cho thì mình không được lấy. Nghĩa là không được ngang nhiên chiếm đoạt cướp lấy vật sở hữu của người làm của mình. Nguyên lý đạo đức nầy là Phật dạy người Phật tử phải tôn trọng tài sản của người khác. Tài sản của mình nếu vô cớ bị người chiếm đoạt, tất nhiên là mình rất đau khổ. Người khác khi mất tài sản họ cũng đau khổ luyến tiếc như mình.

Thứ ba, Phật dạy người Phật tử khi có gia đình rồi không được làm việc tà hạnh tư thông dâm loàn làm mất trinh tiết gây tổn hại danh giá của người khác phái. Nguyên lý đạo đức nầy, chủ yếu là Phật nhằm bảo vệ mái ấm hạnh phúc gia đình, làm cho vợ chồng và gia đình luôn luôn có được nếp sống an vui yêu thương hòa kính lẫn nhau.

Thứ tư, Phật dạy người Phật tử phải luôn luôn tôn trọng sự thật, không được nói dối. Nói dối hay nói láo là chuyện có nói không, chuyện không nói có, hoặc dùng những lời lẽ thêu dệt, việc ít xích cho nhiều, gây nên đôi đàng xích mích với nhau. Không nên dùng lời ác khẩu trù rủa chửi mắng đối phương v.v… Nguyên lý đạo đức nầy, chủ yếu là Phật muốn cho người Phật tử phải luôn luôn trau dồi nuôi dưỡng đức tánh thành thật và phải nói lời ái ngữ thương yêu tôn trọng hòa kính với nhau. Đây là phương cách nhằm bảo vệ uy tín cho mình và người.

Thứ năm, Phật dạy người Phật tử không được uống rượu tức là những thứ mang chất kích thích tố làm cho con người mê say đắm nhiễm mất đi nhơn cách phẩm giá đạo đức con người. Vì những loại có chất ma túy nầy, nó tác động gây nên rất tai hại cho mình, gia đình và xã hội. Vì thế, Phật răn cấm không cho người Phật tử dùng đến. Vì một khi bị mê say đắm nhiễm nó rồi, thì con người rất là đau khổ. Và từ đó không những có hại cho bản thân mà còn gây nên tệ hại mất đi mái ấm hạnh phúc gia đình. Nguyên lý đạo đức nầy, chủ yếu là Phật nhằm nâng cao phẩm giá đạo đức con người trong việc bảo vệ hạnh phúc cá nhân và gia đình vậy.

Đại khái, đó là năm điều cấm giới căn bản đạo đức mà người Phật tử sau khi quy y rồi, thì Phật khuyên phải nên gìn giữ cẩn thận không được phạm phải. Giới luật của Phật chế ra, không phải là điều bắt buộc làm cho con người mất đi tự do, mà trái lại Phật muốn bảo vệ tự do hạnh phúc tối đa cho con người.

Như vậy, sau khi quy y đời sống của mình có thể thay đổi làm mới tốt đẹp hơn. Nhưng với điều kiện là mình phải vâng theo lời Phật dạy mà giữ gìn giới cấm và làm những điều phước thiện lợi lạc cho mình và người. Nói rộng ra là cho cả nhân quần xã hội. Do đó, sự quy y Tam bảo và giữ gìn giới cấm rất có lợi cho đời sống của mình. Còn việc sinh hoạt hằng ngày Châu Anh vẫn sinh hoạt giao tiếp bình thường không có gì thay đổi. Tuy nhiên, Châu Anh đã có sự thay đổi làm mới cuộc đời của mình theo con đường thiện nghiệp để được an lạc hạnh phúc.

Tôi chỉ trình bày nêu ra một cách khái quát, để cho Châu Anh có một khái niệm qua thôi. Mong rằng, nếu có dịp, Châu Anh sẽ tìm hiểu nghiên cứu học hỏi nhiều hơn. Tìm hiểu học hỏi để tự trau dồi tu tâm sửa tánh, cho đời mình ngày càng thăng hoa tốt đẹp hơn. Sự tìm hiểu học hỏi, đối với thời đại kỹ thuật điện tử thông tin toàn cầu hiện nay, thì thật là quá ư tiện lợi. Vì hiện nay, phương tiện truyền thông giúp cho người ta tìm hiểu học hỏi Phật pháp không còn là vấn đề trở ngại khó khăn nan giải như xưa nữa.

Kính chúc Châu Anh chóng đạt thành sở nguyện.

58. Tại sao ngày 23 tháng chạp lại đưa Táo Quân về trời?

Hỏi: Kính bạch thầy, hằng năm đến ngày 23 tháng chạp, con thấy người Việt mình hay có tục lệ là cúng đưa ông Táo về trời. Thú thật là con không hiểu cái tục lệ và sự cúng kiến nầy như thế nào? Kính mong thầy hoan hỷ giải thích cho con hiểu. Xin cám ơn thầy.

Đáp: Việc thờ cúng nầy, đây là một tập tục đã có từ lâu. Đối với người Việt Nam chúng ta, ngoài việc thờ cúng tổ tiên ông bà ra, người mình còn có thờ cúng các vị thần linh khác nữa. Trong các vị thần linh mà người ta thờ ở trong nhà, thì thần Thổ công đã được mọi người quan tâm thờ cúng nhiều nhất. Người xưa có câu: “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá”. Thổ công là vị thần cai quản trông coi gia cư định sự họa phúc kiết hung cho gia đình. Đây là vị thần đứng đầu của các vị thần khác. Người ta quan niệm rằng, trong nhà thờ thần Thổ công, thì không có ma quỷ nào dám xâm nhập phá phách quấy nhiễu những người trong nhà.

Sở dĩ người ta gọi là Táo Quân, tức ông vua Táo gồm có cả ba vị: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. Thổ công là thần đất cũng là thần trông coi việc bếp núc. Tục thường gọi là vua bếp. Người ta tin rằng ngày 23 tháng chạp, Thổ công lên chầu Trời tâu bày mọi việc xấu tốt của trần gian. Vì vậy, người ta bày biện thức ăn chay, mặn tùy gia chủ để thiết cúng gọi là ngày tết ông Công. Vì ông đóng vai khách quan ghi chép hết mọi việc hung kiết xảy ra trong gia đình để ông về chầu Thượng đế ở trên thiên đình mà tâu hết mọi việc. Do đó, muốn được yên ổn người ta phải cúng tế như lo lót cho ông để ông chỉ tâu điều lành tốt không nên tâu điều xấu ác.

Như trên đã nói, Vua Bếp gồm có ba vị thần linh. Thế nhưng lý do nào gọi Vua Bếp mà gồm chung có ba vị thần nầy? Bởi người ta căn cứ vào sự tích nói về Vua Bếp mà nêu ra. Chuyện tích tuy dài, ở đây chúng tôi chỉ xin được tóm lược một cách ngắn gọn mà thôi.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng, người chồng tên Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con. Một hôm, Thị Nhị bị chồng đánh rồi bỏ nhà ra đi. Trong lúc ra đi, nàng gặp một người đàn ông tên là Phạm Lang. Hai người tư tình cảm thông nhau và trở thành đôi vợ chồng. Trong khi đó, Trọng Cao sau khi vợ bỏ nhà ra đi, chàng ta hối lỗi nên quyết định đi tìm vợ để chuộc lại lỗi lầm. Trên đường lang thang tìm kiếm, bỗng một hôm, chàng ta tình cờ gặp lại Thị Nhi. Hai người rất mừng rỡ trong nỗi xúc động ngẹn ngào. Trong lúc hai người đang than vãn chuyện trò, thì Phạm Lang về gặp. Thị Nhị quá xấu hổ thẹn thùng, nên đâm đầu vào đóng lửa mà chết. Trọng Cao thấy vợ chết vì mình, nên cũng nhảy vào lửa chết theo. Phạm Lang thấy vậy, muốn chung thủy với vợ nên cũng chết theo luôn. (có thuyết thì nói cả ba người đều chết trong đống rơm)

Thượng đế thấy ba người trọn tình chung thủy nên mới phong cho là Táo quân và mỗi người giữ một việc:

Phạm Lang là Thổ công trông nom việc trong bếp.

Trọng Cao là Thổ địa trông nom việc trong nhà.

Thị Nhi là Thổ kỳ trông nom việc chợ búa.

Do tích trên, nên người ta mới thờ cúng ba vị thần nầy gọi chung là cúng Táo quân vào ngày 23 tháng chạp hằng năm.

59. Thờ linh ảnh ở trong chùa, nhưng cúng kỵ giỗ ở nhà có được không?

Hỏi: Kính thưa thầy, ba con mất đã lâu ( 1999 ) và ảnh của ba con thì thờ ở chùa Quang Minh. Mỗi năm, đến ngày kỵ giỗ, chúng con tụ về nhà má con để cúng, còn ở Việt Nam em con cúng giỗ có thỉnh thầy đến nhà tụng kinh, nhưng không có đến chùa cúng giỗ nơi thờ hương linh. Vậy, xin hỏi gia đình chúng con cúng như vậy có được không? Kính mong thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con.

Đáp: Theo phong tục nước ta, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, quan trọng nhất là ngày kỵ giỗ. Ngày giỗ hay còn gọi là ngày kỵ nhật, chính là ngày kỷ niệm người đã qua đời. Sau khi an táng người đã chết, thì các thân nhân con cháu trong gia đình sự thương nhớ từ từ sẽ nguôi ngoay dần và tất cả đều trở lại đời sống sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, hằng năm khi đến ngày kỵ giỗ, con cháu dù cho có bận rộn công ăn việc làm đến đâu, thì cũng phải nhớ ngày kỵ giỗ của người chết mà quy tụ về một nơi để cúng giỗ. Nơi đó thường là nơi từ đường, tức là nơi thờ phụng người chết. Nói cúng giỗ, chỉ có những người theo tôn giáo (mà tôn giáo đó) phải chấp nhận sự thờ cúng tổ tiên thì mới nói cúng. Ngoài ra, có những tôn giáo không chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên, thì người ta chỉ nói là làm giỗ kỷ niệm mà không nói cúng giỗ.

Trường hợp của Phật tử, việc thờ cúng người cha mất đã lâu, trong gia đình thân nhân của Phật tử theo phong tục lễ nghi thiết cúng như thế thì không có gì là sai trái. Việc thỉnh hương linh và gởi di ảnh thờ ở trong chùa, đó là việc làm đúng theo lệ thường của người Phật tử. Mục đích của việc làm nầy là trong thân nhân muốn cho hương linh ở trong chùa ngày đêm lắng nghe kinh kệ để sớm thức tỉnh tu hành chóng được giải thoát. Đó là một việc làm rất tốt và rất phù hợp với lễ nghi Phật giáo. Tuy nhiên, không phải vì thờ hình ảnh hay linh cốt trong chùa mà mỗi năm các thân quyến con cháu phải về chùa cúng giỗ. Điều nầy, còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sinh sống gia đình của mỗi người.

Ngày nay, có những gia đình Phật tử ở thành phố, vì nhà cửa chật chội nên họ thường cúng giỗ ở trên chùa để tiện việc mời khách và cũng đỡ vất vả cho gia đình. Trường hợp của Phật tử thì có khác, gia cảnh tương đối có đầy đủ tiện nghi, không nhứt thiết phải làm như thế. Theo tôi, đến ngày kỵ giỗ, Phật tử chỉ cần mua chút ít hoa quả nhang đèn mang đến chùa (nơi thờ linh ảnh) và hết lòng thành kính đảnh lễ dâng lên cúng dường Tam bảo. Đồng thời, cầu nguyện cho hương linh của người mất chóng được siêu sanh thoát hóa. Chỉ ngần ấy là đủ rồi.

Sau đó, thì Phật tử và những con cháu trong gia đình tùy nghi thiết cúng tại tư gia. Điều quan trọng của việc cúng kỵ giỗ nầy, theo Phật dạy người Phật tử không nên vì người chết mà sát sanh hại vật để thiết cúng. Nếu thế, thì chỉ gây thêm tội lỗi cho người sống lẫn người chết mà thôi. Do đó, muốn cho hương linh chóng được siêu thoát, thì thiết nghĩ, Phật tử nên y cứ theo lời Phật Tổ chỉ dạy nên thiết cúng đồ chay là tốt nhứt.

Đã nói là ngày kỷ niệm, tất nhiên với thâm ý là để nhắc nhở cho con cháu ghi nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà hay cha mẹ mà con cháu nên hết lòng quy kính noi theo. Đó mới thật sự là tưởng niệm đền đáp công ơn của người đã chết. Không nên vì người chết mà tạo thêm ác nghiệp làm khổ đau cho người đã chết. Như thế, thì đó không phải là cách báo hiếu. Như Phật tử đã nói, mỗi kỳ cúng giỗ, em của Phật tử ở bên Việt Nam có thỉnh thầy đến tư gia để tụng kinh cầu siêu cho hương linh. Điều đó, thì thật là quý báu tốt đẹp. Tôi xin hết lòng tùy hỷ tán dương công đức của việc làm nầy.

Tóm lại, việc thiết cúng kỷ niệm ngày giỗ cho thân phụ của Phật tử như thế, theo tôi, thì không có gì là sai trái đối với phong tục lễ nghi của người mình. Chỉ có điều là nên tránh sát sanh hại vật để thiết cúng, thì đây mới là điều đáng nói và tốt nhất. Chẳng những ích lợi cho người đã chết mà còn ích lợi cho những người còn sống nữa. Kính mong Phật tử nên ghi nhớ lời Phật Tổ chỉ dạy mà thật hành theo. Được vậy, thì kẻ còn và người mất cả hai đều được ân triêm lợi lạc vậy.

60. Làm sao cho bớt cơn nóng giận?

Hỏi: Kính bạch thầy, xin thầy chỉ cho con phương cách nào để cho con bớt nóng giận. Dù con biết rằng, khi con giận và nổi nóng thì con cố gắng niệm Phật nhưng thật sự trong lòng con rất là tức tối mà không biết phải làm sao cho hết tức?

Đáp:  Giận là một thứ tập khí thuộc căn bản phiền não lâu đời. Nó là một trong ba thứ có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Nó thuộc loại câu sanh hay bản hữu chủng tử. Khi có mặt ta là đã có mặt nó. Ba thứ đó là: “Tham, Sân, Si”. Trong kinh thường gọi ba thứ nầy là “Tam độc”. Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta trôi lăn xuống lên chịu nhiều đau khổ trong tam đồ lục đạo, cũng bởi ba thứ nầy làm tác nhân tạo nghiệp. Tuy nhiên, tùy theo tập khí sâu cạn do sự huân tu chuyển hóa của mỗi người mà cường độ hiện hành của nó có nặng nhẹ, mạnh yếu khác nhau.

Trường hợp tập khí nóng giận của Phật tử kể ra cũng khá sâu nặng. Vì thế, nên khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng, thì Phật tử liền nổi nóng lên dữ tợn. Khác nào như lửa cháy phừng bốc lên cao ngọn. Dù Phật tử đã có cố gắng chiết phục bằng cách niệm Phật, nhưng cũng không thể dằn được cơn giận tức. Với tâm hành giận tức như thế, thì thật là đau khổ! Tôi rất cảm thông cho nổi đau khổ của Phật tử, bởi do những cơn giận tức nổi lên hoành hành làm cho tâm trí của Phật tử rối loạn bất an. Tuy Phật tử đã cố gắng hết sức để khắc chế nó, nhưng cũng không thể nào khắc chế làm giảm cường độ nó được. Đây là tâm bệnh chung của chúng sanh, đâu phải chỉ riêng có mình Phật tử.

Muốn chữa cháy của ngọn lửa sân hận nầy, trong kinh Phật có nêu ra nhiều phương pháp chữa trị. Tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người mà áp dụng mỗi phương cách trị liệu khác nhau. Nhưng phương pháp nào, Phật dạy chúng ta cũng phải sử dụng trí huệ quán chiếu sâu vào nội tâm. Tuyệt đối, không nên ức chế đè nén. Vì đè nén cơn giận tức, chỉ làm cho nó càng nặng sâu thêm. Trong đạo Phật rất tối kỵ và không chấp nhận việc đè nén dằn ép nầy. Bởi đó không phải là phương cách giải quyết hữu hiệu tuyệt hảo làm cho ta hết đau khổ. Càng ức chế đè nén nó chừng nào, thì lòng bực tức sân hận của ta càng tăng trưởng lớn mạnh thêm chừng nấy. Đến một lúc nào đó, ta không còn ức chế đè nén sức ép của nó nữa, thì chừng đó nó sẽ nổ tung lên dữ dội và tàn phá rất mãnh liệt. Đây là một hậu quả rất tai hại, mà không ai có thể lường trước được. Bằng chứng như những thảm cảnh khủng bố giết người gây nên sự tàn sát đẩm máu, không biết bao nhiêu người đã chết và bị thương tích, thật là khiếp đảm hãi hùng!

Đạo Phật dạy ta cần phải nhận diện và chuyển hóa cơn giận. Khi ta giận ta cũng có thể biểu lộ nói rõ cho đối phương biết là ta đang bực tức buồn giận họ. Ta có nỗi khổ niềm đau riêng của ta. Ta nên bày tỏ nỗi khổ của ta một cách rất chân tình và thật thà với người mà ta đang giận. Ta giận họ có thể vì họ không làm cho ta vừa ý. Ta phải nói rõ lý do để cho họ hiểu và cảm thông cho ta. Hoặc cũng có thể ta có những tri giác sai lầm về họ. Ta cần phải thiết lập truyền thông để tìm hiểu cặn kẽ kỹ càng nhau hơn. Ta không nên nuôi dưỡng chất chứa hận thù trong lòng. Vì đó không phải là thái độ khôn ngoan hành xử của ta. Ta cần phải bắt nhịp cầu cảm thông để ta và họ có cơ hội giải tỏa những khúc mắc nội kết của vấn đề.

Khi trao đổi bàn giải với nhau, cả hai nên dùng lời ái ngữ ôn hòa và phải tỏ ra một cách hết sức thành thật cởi mở. Cả hai nên dẹp bỏ lòng tự ái kiêu căng ngã mạn. Vì lòng tự ái là con đẻ của bản ngã. Chính nó gây nên thù hận và giết chết đời ta. Một khi đã giải quyết ổn thỏa thông cảm với nhau rồi, thì ta cảm thấy lòng ta như trút đi một gánh nặng ngàn cân. Bấy giờ, tâm hồn ta trở lại tươi mát nhẹ nhàng và cảm thấy thương yêu nhau nhiều hơn. Đó mới thực sự là phương cách hóa giải hận thù một cách tuyệt hảo vậy. Bằng ngược lại, ta cứ mãi ôm ấp hận thù, chỉ làm cho ta và người đau khổ sâu thêm chớ không có ích lợi gì.

Tâm lý thường tình, khi nổi giận là ta muốn trừng phạt nặng nề đối phương làm ta giận. Đó là ta tạo cho hai bên trở thành đối nghịch thù ghét lẫn nhau. Và như thế, thì cả hai đều có những nỗi khổ niềm đau như nhau. Người trừng phạt và kẻ bị trừng phạt cả hai đều phải bị mất ăn mất ngủ. Thắng cũng khổ mà bại cũng khổ. Tốt hơn hết là ta nên buông xả cho lòng ta được an vui thanh thoát. Dại khờ gì mà ta phải ôm ấp nỗi khổ cho riêng mình!

Là Phật tử, Phật dạy ta không nên nuôi dưỡng hạt giống thù hận ganh ghét với bất cứ một ai. Đôi khi ta sai lầm mà ta vẫn cứ khư khư cố chấp bảo thủ cái định kiến của ta. Lòng tự ái của ta lúc nào cũng muốn ta phải lấn lướt hơn người. Muốn hạ nhục người mà ta căm tức thù ghét đến tận cùng đau khổ thì ta mới hả dạ. Tâm trạng đó, thật là quá ác độc! Dù cho ta có thỏa mãn vị ngọt của sân hận, nhưng lòng ta luôn luôn bất an và đau khổ. Đó là điều mà ta tự chuốc quả khổ cho ta và làm tan nát đổ vỡ tình thân thuộc, bạn bè thân yêu của ta mà thôi.

Ta nên biết rằng, khi người nào đó nói hoặc hành động làm cho ta đau khổ, thì trước tiên người đó đã chuốc lấy đau khổ trước rồi. Do đó, ta nên cảm thông thương xót họ hơn. Vì họ cũng có nổi đau khổ riêng. Có thể họ chất chứa nội kết sâu dầy nhiều hơn ta. Bởi họ là người chưa từng biết chăm sóc cơn giận. Hạt giống giận hờn của họ luôn ẩn tàng sâu kín trong tâm thức. Muốn nhận diện bản chất của nó thật không phải dễ dàng. Vì nó vốn không có nơi trú ngụ. Nhưng ta nên biết rằng, muốn vô hiệu hóa cơn giận tức trước khi nó bộc phát, Phật dạy ta nên thường xuyên quán chiếu sâu vào nội tâm và phải luôn thực tập chánh niệm. Có mặt trời ý thức chánh niệm soi sáng, thì sự nhận diện để chuyển hóa cơn giận sẽ không còn là vấn đề khó khăn nan giải nữa. Giận tức không phải là kẻ thù của ta. Mà nó chính là một phần tử của tâm thức ta. Ta và nó không phải là hai kẻ thù đối nghịch. Mà ta và nó là đôi bạn tri kỷ thân thiết với nhau. Vậy ta cần phải luôn quan tâm để ý chăm sóc vỗ về an ủi nó nhiều hơn.

Nếu ta vung vãy những lời nói cay cú độc ác làm tổn thương cho người ta đau khổ, thì chính ta đã rước lấy nỗi khổ đau trước rồi. Ta nên ý thức rằng, ngậm máu phun người tất phải dơ miệng mình trước. Như thế, thì mình và người đều đau khổ như nhau. Chỉ cần ta khéo biết vỗ về an ủi chăm sóc khi cơn giận nổi lên, thì cường độ của sự giận tức sẽ không còn cơ hội bộc phát mạnh mẽ. Nguồn tuệ giác của đạo Phật giúp cho ta tháo gỡ thoát qua những cơn si mê giận tức nầy. Ta chỉ cần quán chiếu thật sâu và thật kỹ ở nơi chính mình và ở nơi tha nhân. Cần lấy gương soi lại gương mặt mình khi cơn giận tức nổi lên. Nhìn thấy chắc là ta sẽ phải ghê tởm cho ta lắm! Một gương mặt hình thù thật quái dị hung tợn rất là khó coi. Cái nhân như thế, thì cái quả đời sau chắc chắn là ta sẽ trở nên xấu xí vô cùng. Nhận thức rõ điều đó, cũng giúp cho ta bớt đi cơn giận dữ. Vì không ai muốn mình trở thành một kẻ xấu xí như quỷ Dạ Xoa, La Sát bao giờ!

Tóm lại, muốn chữa trị cơn giận tức cho có hiệu quả, theo tôi, thì ta có thể ứng dụng thực tập 4 nguyên tắc căn bản sau đây:

  1. Phải thường xuyên thực tập chánh niệm bằng cách theo dõi hơi thở.
  2. Lời nói và hành động phải luôn có mặt trời ý thức soi sáng.
  3. Phải quán niệm thật hành lòng từ bi trải rộng tấm lòng yêu thương. Hãy mở rộng trái tim yêu thương cư xử, bao dung, tha thứ và hài hòa trong nếp sống giữa tình người với nhau.
  4. Hãy quán chiếu thật sâu vào tâm thức để nhận diện thấy rõ hạt giống sân hận và nên chuyển hóa nó ngay từ trong trứng nước.

Đại khái đó là 4 nguyên tắc chính yếu mà Phật tử nên cố gắng thực tập một cách thường xuyên. Có thế, thì thói quen giận tức của Phật tử sẽ từ từ lắng dịu lại và một ngày nào đó tự nó sẽ yếu dần không còn bộc phát mạnh bạo làm Phật tử đau khổ nữa. Mong Phật tử chịu khó thực tập thường xuyên để có được đời sống an lạc và hạnh phúc. Kính chúc Phật tử sẽ gặt hái thành công trong sự chuyển hóa tu tập nầy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6700112