Học

NPGQKH-Thiên thứ ba

THIÊN THỨ BA

BÌNH ĐẲNG QUAN CỦA PHẬT GIÁO

Bình đẳng là danh từ hiện nay người ta thường luôn luôn bàn đến, nhưng với ý nghĩa còn trong phạm vi cục hạn hẹp hòi, vì chỉ nói và áp dụng nó trong địa hạt chính trị, kinh tế, cơ hội giáo dục, quyển lợi nam nữ, mà không thể giảng cứu được đến triệt để của nghĩa chữ Bình đẳng. Phần nhân sinh lại có rất nhiều sai khác như luận về Gia thế, Tướng mạo, Phẩm tính, Trí tuệ, Thể cách thì có sang hèn, tốt xấu, cứng mềm, khôn dại, mạnh yếu, còn về căn bản thì chưa thể bình đẳng được. Nhưng nói theo giáo nghĩa Phật giáo, đó chẳng qua sự sai biệt của giả tướng, chứ nói đến lý thể của nó thì thật ra, bình đẳng tuyệt đối. Cho nên Kinh Phật nói “Tâm, Phật, chúng sinh; cả ba đều không sai khác và bình đẳng trong bình đẳng”. Phật giáo nói bình đẳng không phải chỉ trong một bộ phận, mà là bình đẳng toàn diện. Không riêng nói bình đẳng giữa người với người, bình đẳng giữa Phật với Phật, mà người với Phật, người với động vật, người với Thiên thần quỷ ngục đều là bình đẳng. Không riêng nói loài hữu tình bình đẳng, mà tất cả Tâm pháp, tất cả Sắc pháp, Tâm pháp và Sắc pháp, Nhân pháp và Quả pháp, không cái gì là không bình đẳng. Nghĩa là “Pháp ấy bình đẳng không có cao thấp”. Song chúng sinh vì có tướng sai biệt, nên mờ mất Bản tính, sinh tâm điên đảo tà kiến, rồi lầm thấy tất cả đều sai biệt, chứ thật ra hết thẩy Bản tính đều y nhiên bình đẳng, chưa từng thay đổi; đó là nền gôc lý luận của Phật giáo, toàn bộ giáo nghĩa cũng đều từ đó mà sinh ra.

A.- GIẢ TƯỚNG CỦA NHÂN NGÃ.

Phật giáo nói thân người là do năm uẩn tập hợp thành; năm uẩn là năm nhân tố: Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc thuộc vật chất; Thụ, Tưởng, Hành, Thức là bốn món tác dụng thuộc tâm. Thụ là sức cảm thụ khổ, sướng, buồn, vui; Tưởng là sức tư tưởng hoặc tưởng tượng; Hành là hành vi và tâm lý tạo tác ra Thiện hay Ác; Thức là sức phân biệt hoặc phán đoán các sự việc. Nếu đem phương diện vật chất ra để cứu xét thì, thân thể của mỗi người không ngoài da, lông, xương, thịt, máu, dãi, và nếu đem đến nhà Hóa học thí nghiệm để phân tích, thì kết quả không thứ gì là không do một nhóm lớn nguyên tử là Thán, Khí, Dưỡng, Đạm , Lân, Giáp, Cái, Thiết v,v… kết hợp mà thành. Thân thể của bạn như thế, thân thể của tôi như thế, cho đến thân thể các động vật trên thế giới tất cả cũng đếu như thế. Tôi không thể nói Nguyên tử Thiết (sắt) trong thân thể của tôi và trong thân thể của bạn có gì khác nhau. Lại đứng về phương diện tinh thần mà luận, Thầy Mạnh Tử trước đã nói: “Cái lòng thương xót người đều có đấy, cái lòng hổ thẹn người đều có đấy, cái lòng phải trái người đều có đấy, cái lòng khiêm nhượng người đều có đấy”. Đó là nói bất cứ người nào cũng đều có đủ bốn món tác dụng tinh thần: Thụ, Tưởng, Hành, Thức. Suy ra nữa đến các loài động vật tuy cái tác dụng Tưởng, Hành, Thức không mạnh bằng loài người nhưng cái tình cảm Thụ khổ, vui thì thật là rõ ràng và dễ thấy. Từ loài cao đẳng động vật đến loài hạ đẳng động vật, không vật nào là chẳng biểu thị cái tâm tình tham sống sợ chết, tránh khổ tìm vui. Cho nên Đức Phật nói tất cả hữu tình đều có đủ Phật tính, bình đẳng không hai. Thế mà chúng ta cứ chấp theo cái thân thể do năm uẩn tập hợp vọng sinh ra các thứ chấp: Ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã  ái v.v…, rồi đem cái ngã để đối chiếu với người, và cho đó là tuyêt nhiên không đồng, đối với cái giả ngã thì hết sức cung phụng bao nhiêu cũng chẳng đủ, nên từ nơi này qua nơi khác để mưu tìm danh dự lợi ích, sao cho tất cả đều trở về phần mình, thậm chí không tiếc sát hại chúng sinh, lấy máu thịt của chúng để cung nuôi miệng. Nếu có người nào hơi làm tổn hại đến danh dự lợi ích của giả ngã, thì sinh tâm hờn giận, phiền não, và không tiếc đem toàn lực ra để cùng người tranh đấu, nếu sức lực không đủ, thì lại dùng cái tâm mánh lới, thủ đoạn, uy quyền, lừa dối để mong có ngày thủ thắng. Họ có biết đâu Ngã vốn là giải ngã, dịch cũng chẳng phải là thật dịch, một ngày nào đó ngộ được lý này, người ta mới cảm thấy sự chấp trước kia là phi lý.

Kinh Phật dạy: “Nhân duyên sinh các pháp, Ta nói tức là không, pháp ấy là giả danh, danh ấy là trung đạo nghĩa”. Hiện nay người đời bị chấp đắm vào cái Ngã tức là Thân ngũ uẩn do nhân duyên sinh. Ở phần Tâm pháp là Thụ, Tưởng, Hành, Thức đã không thể sinh ra cái ngã; ở phần vật chất là lông, da, xương, thịt, máu, dãi cũng chẳng sinh ra cái Ngã được, đến như trong  những hạt nguyên tử cũng lại không thể thấy được cái ngã. Bởi vậy nói đến chỗ tuyệt đối thì cái ngã tướng ấy là không, nhưng nói theo nghĩa thế tục, thì tạm đặt ra cái giả danh ấy là có. Song điều cần nhất là chúng ta không nên sinh tâm chấp trược, và không khởi ra ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái, xem người với ta là bình đẳng nhất thể, chỉ biềt vì tất cả chúng sinh mưu tìm lợi ích; đó mới là làm theo Trung đạo và thực hành đúng giáo nghĩa của Phật gíao vậy. Tiến lên một bước nữa, Phật giáo không những nói người không có ngã tướng , mà đến tất cả Pháp cũng không có ngã tướng. Nói Pháp không có ngã tướng tức là Pháp không có tự tính, bởi vì hết thảy Pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh; nếu Pháp có tự tính hoặc thật thể thì bất tất phải đợi đến chứng duyên sinh; chẳng những vật chất là như thế, mà đến tất cả Danh từ, tất cả Học thuyết, tất cả Chủ nghĩa cũng đều như thế cả. Ví như quốc gia là do ba nhân tố: Đất cát, nhân dân, chủ quyền hòa hợp mà thành, nếu mất đi một hay chỉ có một trong ba nhân tố đều không thể gọi là quốc gia, và nếu tách rời ba nhân tố ra thì quốc gia đều không có tự thể. Vì nó không có tự thể, nên nói quốc gia là giả tướng do ba nhân tố mà sinh ra. Lại như quân đội cũng không có tự thể, vì thật ra, đó chẳng qua là một đoàn người thuộc trăm họ đã chịu việc huấn luyện và võ trang về quân sự đó thôi. Chúng ta quan niệm như thế, mới có thể hiểu rõ được chân tướng của sự vật, mà không bị giả tướng làm mê hoặc, và sinh ra các tà kiến. Cũng thế, đến như tất cả học thuyết không môn nào là không do một nhóm danh từ tập hợp lại thì đâu có phải là thật thể của Chân thường bất biến. Hiện nay có rất ít người cởi bỏ được cái giả tưởng ràng buộc của Nhân ngã, Pháp ngã để nhận lấy cái chân thật làm nơi nương tựa; người đó, trong Phật pháp gọi là “ngu si”, là “đáng thương xót”. Có người gạn hỏi: “Nếu quả thế thì Phật pháp cũng không có tự tính, là không, là giả rồi sao?” Đáp: “Đúng vậy, không sai, và có nhận xét như thế  mới là người hiểu rõ Phật pháp ”. Kinh Kim Cương dạy” “Gọi là Phật pháp, tức không phải Phật pháp”. Lại nói: “Nếu người nào nói Như Lai có thuyết pháp, tức là báng Phật, không hiểu được điều Ta nói vậy. Này ông Tu bồ đề, thuyết pháp là không có Pháp để thuyết, đó gọi là thuyết pháp”. Phật vì chúng sinh mà thuyết pháp là bởi chúng sinh ngu si, chúng sinh có nhiều phiền não tà kiến nên Phật nói ra nhiều Pháp môn để đối trị. Vì thế, Phật pháp là kiến lập trên phương diện ngu si của chúng sinh, nếu chúng sinh hết ngu si thì Phật pháp cũng không còn nữa.

B.- CHÂN NGHĨA CHỮ KHÁCH QUAN.

Muốn tìm hiểu chân nghĩa một sự vật gì, người ta thường hay dùng hai chữ Khách quan,  và cho đó là tinh thần Khoa học; nhưng thật ra, hai chữ đó chưa mấy ai nghiên cứu được đến triệt để. Vậy nói theo Phật giáo thì đã có quan (xem xét) tức phải có năng quan (người xem xét) và sở quan (vật bị xem xét). Năng quan là chủ, sở quan là Pháp, nên hễ có sở quan tất thị là Chủ quan. Còn nói khách quan, thì nó là hữu tình hay vô tình? Nếu nói là vô tình thì không có quan, mà nói hữu tình thì quan ấy là Chủ quan. Chủ với khách không có giới hạn nhất định, đối với ta thì họ là khách, nhưng đối với họ thì họ là chủ. Cho nên hai chữ khách quan mà thế tục thường nói đều chưa phải rốt ráo. Bây giờ theo nghĩa thế tục để nói thì, khách quan không ngoài ba điểm:

1) Không có cảm tình xen lẫn.

2) Y theo nơi sự thực được công nhận.            

3) Căn cứ vào lý trí để phán đoán.

Người thế tục chỉ căn cứ ở ba điểm ấy đã cho là khách quan rồi, nhưng nói tới chỗ rốt ráo của Phật giáo thì thứ Khách quan ấy chưa phải là triệt để. Phật giáo cho rằng tất cả các Pháp bản lai vốn thanh tịnh , bình đẳng, chỉ vì chúng sinh ngu si nên ở trong tướng thanh  tịnh bình đẳng lầm thấy có ngã tướng, chấp làm thật có. Vì thế đối với tất cả sự vật chung quanh, ta đều chấp cho là không phải ta đích thực. Phàm cái gì phi ngã mà thuận với ta thì sinh lòng tham ái, nghịch với ta thì sinh ra ghen ghét. Chúng sinh này như thế, chúng sinh khác tất cả đều như thế; do đó ta đã đánh mất cái bản lai thanh tịnh, bìn đẳng, mà biến thành vẩn đục và bất bình đẳng. Ví như một ao nước mùa xuân đang và thanh bình như gương, bỗng đem hòn đá ném vào trong ao, khiến trên mặt nước thành ra vô số những      lớp hình vòng tròn, mỗi một cái vòng tròn ví như một ngã tướng của chúng sinh, từ trung tâm đó lại khởi ra vô số những làn sóng hình tròn, dần dần lan rộng ra ngoài, vì những làn sóng hình tròn xung kích lẫn nhau, khiến mặt nước đang thanh tịnh bình đẳng sinh ra cái tướng vẫn đục bất bình. Sự bất bình ấy làm cho không môt phần tử nước nào trên mặt nước là không phải chịu ảnh hưởng sóng động của các trung tâm kia. Chỉ một ví dụ này ta có thể xét biết tất cả sự vật trên thế giới không vật nào là không có chủ quan chúng sinh xen lẫn vào trong đó, như thế không thể được là sự lý khách quan, vì do rất nhiều sự lý chủ quan dệt lại mà thành. Cho nên phải dùng số lượng của Nghi khí mới có thể đo lường và công thức của toán học mới có thể tính ra, nhưng cũng không lìa khỏi chủ quan được. Chỉ bao giờ Ngã tướng tiêu diệt, năng quan và sở quan chấm hết, nhiên hậu mới thấy được thuần chân lý của khách quan. Không Ngã tướng và không Năng Sở, ví như mặt nước không có sóng, phẳng lặng như gương. Vật đến thì hình tượng hiện ra như thế mới thật là khách quan.

C.- TỪ BI VỚI BÁC ÁI.

Các nhà tôn giáo xướng lên thuyết Bác ái, những nhà học giả không bàn xét đến lý chân thật, đua nhau họa theo, và cho đó là thiên kinh địa nghĩa, Phật giáo chẳng những không nói Bác ái, mà còn cho là “ái” là cái nhân của khổ não và gốc của sự sinh tử. Vậy Phật giáo nói từ bi, các tôn giáo nói bác ái khác nhau ở điểm nào?

Xin trả lời rằng: Hai thuyết này ý nghĩa tuyệt nhiên không giống nhau; bởi vì đã gọi là “ái” (yêu), tất có năng ái (người yêu) và sở ái (kẻ được yêu), đã có năng sở (người yêu và kẻ được yêu), tất có  Nhân Ngã (người và ta), lấy Ngã làm năng ái, Nhân làm sở ái. Đã có tướng Nhân Ngã, tức là có tâm phân biệt, yêu ta hơn yêu người, thế gian thường tình đếu như thế cả, đó gọi là tục kiến; nhưng nếu yêu người hơn yêu ta, thì cũng trở thành thiên kiến. Hơn nữa, đã gọi là “yêu”, tất phải có điều kiện để yêu, ví dụ: Ta yêu người kia vì tướng mạo đẹp, học vấn giỏi, phẩm tính tốt; nhưng tướng mạo, học vấn, phẩm tính không phải là cố định, chẳng phải là tuyệt đối; một mai theo thời gian biến đổi không còn đẹp, giỏi, tốt được như xưa hoặc chẳng được bằng người, thì sinh ra chán ghét không còn trở lại yêu người ấy nữa. Tiến thêm một bước để nói, cái gì ta yêu thì người khác cũng yêu, ta yêu nên lấy đó làm vật sở hữu của ta, và người khác phải mất cái vật để yêu của họ, vì ta được mà người mất, người được mà ta mất, cho nên sinh ra tâm ghen ghét, phát ra ở việc làm là giết hại, trộm cướp, dâm dục, và xét đến kết quả của nó là oán ghét nhau mà phải gẳp gỡ là khổ, cầu mong việc gì mà không được toại ý là khổ, yêu muốn mà phải xa lìa là khổ. Vì thế, Phật nói “Ái” là gốc của luân hồi sinh tử và nhân của ưu bi khổ não. “Ái” đã là cái nhân nhiễm trược, thì “Bác” dù có nghĩa là “rộng rãi” đến đâu đi nữa cũng không thế nào biến ô nhiễm làm thanh tịnh được. Đó là cái lý do Phật giáo không đề xướng thuyết “Bác ái”.

Lại có một câu nói cửa miệng là: “Ái Ngã Địch Nhân” (tôi yêu kẻ địch của tôi), đó là một câu nói mà các nhà tôn giáo thường đề cập đến. Nhưng thật ra, đã gọi là kẻ địch, ắt hẳn trong tâm đã có tướng đối địch,đối với tướng đối đich mà khởi ra tâm thù oán, hờn giận, ghen ghét, chứ quyết không thể sinh ra tâm vui mừng, hòa nhã thương yêu được; ví dù họ có miễn cưỡng thương yêu kẻ thù địch của họ đi nữa, đó chẳng qua cũng chỉ là cái tâm hư ngụy giả dối mà thôi. Phật giáo thì không bao giờ nói đến cái tâm ấy, mà chỉ dạy chúng ta đối đãi với bọn người làm não hại ta, trước hết, phải có quan niệm bình đẳng, mà không có tư tưởng đối địch, và cũng không cần yêu thương đến họ, mà chỉ nên khởi tâm đại bi đồng thể, bằng cách tìm mọi phương pháp làm cho họ tiêu tan cái tâm ác hại, chuyển thành cái tâm vui mừng, đó mới đúng là Phật pháp.

Nghĩa chính của hai chữ Từ bi, theo Phật giáo giải thích: Từ là cho vui, Bi là cứu khổ. Từ bi không phải lấy cái “Ngã” làm trung tâm xuất phát mà kiến lập trên thể tướng bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Như vậy, Từ bi với Bác ái khác nhau. Ở trên đã nói, đứng về phương diên vật chất, thì tất cả chúng sinh đều cùng một thể không sai khác; đứng về phương diện tinh thần, thì tất cả chúng sinh đều có tâm thức, vả lại, tinh  thần lại không có thể phân chia giới hạn được, như thế chứng tỏ là tất cả chúng sinh đều bình đắng nhất thể. Nên chữ Từ trong Phật giáo cũng gọi là Bình đẳng từ, Vô duyên từ, Bi là Đồng thể bi. Chúng ta khi luyện tập pháp “Từ bi quán” trước hết, phải quán nghĩ tất cả chúng sinh (trong đó có ta) là bình đẳng nhất thể, nếu thấy chúng sinh cần dùng vật gì, ta nên tùy phận, tùy sức giúp đỡ cho họ vật ấy khiến họ được đầy đủ và vui thích. Trong khi ta thí xả, cần nhất là không nên tưởng nghĩ rằng ta là người cho, kẻ kia là người được cho, và cũng

không nên tưởng nghĩ đến những tài vật mình cho nhiều hay ít; có như thế mới không sinh tâm ngã mạn không cầu danh dự, không mong báo đáp, không duyên với mọi tướng; đó mới gọi được là Vô duyên từ - Bình đẳng từ. Nếu thấy chúng sinh có điều gì đau khổ, không phân biệt kẻ kia với ta, và nên phát tâm đại bi, tùy phận, tùy sức để cứu giúp cho họ qua khỏi sự đau khổ. Trong khi ta cứu độ chúng sinh cũng không nên tưởng nghĩ đến tướng ta, tường người, không cầu danh dự báo đáp, không trụ vào mọi tướng, đó mới gọi được là Đồng thể đại bi.

Ta đã hiểu rõ lý luận của hai chữ Từ bi rồi, tự nhiên không còn giết hại chúng sinh để dinh dưỡng cơ thể, không còn lấy của cải phi nghĩa để tiêu xài xa phí, và cũng không còn tham yêu sắc đẹp để khởi tâm dâm dục. Bởi khi ta đã giác ngộ được mình với các loài vật như gà, vịt, trâu , bò v.v… đều cùng chung một bản thể, của cải sắc đẹp cũng không phải ngoài tâm ta mà có, cho đến người tham và vật bị tham cũng đếu không có nữa; song chúng sinh sỡ dĩ phạm vào tội Sát, Đạo, Dâm đó chẳng qua chỉ là do “ngu si” mà thôi. Lại nũa, sau khi ta hiểu rõ lý luận của từ bi rồi thì đối với những vô số sự tích cảm ứng của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm không nên cho là mê tín và hư ngụy, vì ta biết rằng Pháp thân Bồ tát với bản tính chúng sinh là Bình đẳng nhất thể, cho nên, ta có cảm, thì Ngài có ứng, nhưng cần phải đầy đủ lòng chí thành khẩn thiết, bằng không thì sẽ sẽ bị tham dục phiền não làm chướng ngại, khó cùng với bản thể để tương ứng. Nếu Bồ Tát với bản tính chúng sinh là Bình đẳng nhật thể, cho nên, ta có cảm, thì Ngài có ứng, nhưng cần phải đầy đủ lòng chí thành khẩn thiết, bằng không thì sẽ bị tham dục phiền não làm chướng ngại, khó cùng với bản thể để tương ứng. Nếu Bồ Tát với bản tính chúng sinh không  đồng nhất thể, cùng chiếm lấy một khoảng không gian nhất định, thì Bồ tát không thể tùy duyên ứng hiện và đi lại cõi nhân gian để cứu ứng những phiền muộn khổ não cho chúng sinh được.

D.- BIỆN BIỆT VỀ THIỆN ÁC.

“Không làm các việc ác, thường làm các việc lành”, đó là hai câu mà đứa trẻ con ba bốn tuổi cũng có thể nói được. Và hai câu này, không những chỉ riêng Phật giáo chuyên dùng làm tiêu ngữ, mà các tôn giáo khác cũng đều nói như thế, bởi vậy có một số người không chịu nghiên cứu để tìm hiểu thêm hơn, liền căn cứ vào câu nói ấy, rồi cho rằng tất cả các tôn giáo đều là tốt, đều là khuyên người làm việc thiện, nhưng với người có đầu óc khoa học, thì không bao giờ họ chịu tin nhận được một cách mơ hồ giản dị như thế, mà ngược lại, họ cần hiểu biết bằng sự phân tích kỹ càng và đúng đắn.

Các tôn giáo định nghĩa hai chữ “Thiện Ác” ra sao?Tiêu chuẩn của Thiện Ác là gi. Mục đích khuyên người bỏ Ác làm Thiện thế nào?

1.- Định nghĩa hai chữ Thiện Ác: Các tôn giáo định nghĩa không nhất định, có tôn giáo cho sự cúng bái tổ tiên là Ác, nhưng Phật giáo và Nho giáo lại cho là Thiện. Có tôn giáo nói các loài động vật là do Tạo vật chủ sinh ra để cung cấp cho loài người, giết chúng và ăn thịt chúng đều không kể là Ác. Có tôn giáo chủ trương chỉ được ăn thịt một giống động vật trong các giống động vật khác, nếu ăn thịt nhiều giống động vật, thì mới kể là Ác, nhưng Phật giáo thì không cho phép giết hại một giống động vật nào, giết hại như vậy là Ác.

2. –Tiêu chuẩn của Thiện Ác: Các tôn giáo cũng bất nhất: phần lớn tôn giáo chỉ căn cứ vào giới điều của vị giáo chủ đã lập ra, bất cứ ai hễ phạm giới điều là Ác, nhưng Phật giáo thì chia giáo điều rất rõ ràng kỹ lưỡng, người tại gia có giới điều của người tại gia, hàng xuất gia có giới điều của hàng xuất gia, đến như tiêu chuẩn của Bồ tát giới với Tỳ khưu giới cũng lại khác nhau. Vậy nên có người tại gia phạm giới thì không phải là Ác, mà người xuất gia phạm cùng giới ấy lại kể là Ác. Có người giữ giới Tỳ khưu phạm luật không phải là Ác , nhưng người trì giới Bồ tát phạm cùng luật ấy lại kể là Ác.

3.- Mục đích khuyên người bỏ Ác làm Thiện:  Các tôn giáo cũng không đồng : Có tôn giáo bỏ Ác làm Thiện để cầu sinh Thiên đường, có tôn giáo bỏ Ác làm Thiện để mong làm đấng Thánh bậc Hiền; nhưng Phật giáo bỏ Ác làm Thiện là để cầu giác ngộ chân lý bình đẳng tuyệt đối, chứ không cầu hưởng Ph. Do đó, khi xét bàn hai chữ Thiện Ác, thì ta không thể đơn giản như một số người đã tưởng tượng vậy.

Phật giáo, bàn về đạo lý Thiện Ác rất là tinh tế. Nói về Thiện có chia ra “HànhThiện” và “Chỉ Thiện”, “Hữu lậu Thiện” và “Vô lậu Thiện”. Hành Thiện là chỉ về việc Thiện tích cực. Hữu lậu Thiện là chỉ về việc Thiện  còn lẫn lộn  phiền não chưa được triệt để và thiếu sót, Vô lậu Thiện là chỉ việc Thiện không còn phiền não đã đến chỗ rốt ráo tròn đầy. Người thế gian  đối với hai chữ Thiện Ác phần lớn chưa phân biệt được rõ ràng, cho nên, có một số người thường nói: “ Tôi chỉ thường làm việc theo lương tâm, tự hỏi tâm mình không trái hổ, và từ trước đến nay chưa làm việc gì ác”. Nhưng thật ra câu nói ấy đâu đã là phải hoàn toàn theo giáo nghĩa tròn đầy của Phật giáo  (liễu nghĩa giáo), thì họ tuy tự nói rằng không làm việc ác, song kỳ thật trong một ngày từ sáng đến tối chưa giờ phút nào họ rời bỏ được Ngã si, Ngã kiến, Ngã mạn, Ngã ái, làm việc gì cũng chỉ mưu toan làm lợi ích cho riêng mình và tự gieo lấy hạt giống phiền não đau khổ. Vậy cái mà họ tự gọi là Lương tâm, là do sáu thức hư vọng  phân biệt mà có, Phật giáo gọi là sáu kẻ giặc thường cướp đoạt gia bảo và não hại chúng sinh. Bởi họ đã chìm đắm sâu nặng trong vòng ngu muội, nên nhận giặc làm con; hằng ngày, hằng giờ tạo ra những nghiệp ác mà không tự biết. Cho nên một người muốn bỏ ác làm thiện, trước hết, phải hiểu rõ chân nghĩa của Thiện ác, nhiên hậu mới biết điều nào nên bỏ, điều nào nên làm. Muốn hiểu rõ chân nghĩa của Thiện ác, trước hết phải hiểu rõ “Bình đẳng quán” của Phật giáo. Chiếu theo “Bình đẳng quán” của Phật giáo thì tất cả chúng sinh đều là bình đẳng không có  “Năng”, không có “Sở”, không có “Nhân”, không có “Ngã”. Chúng sinh vì ngu si nên ở trong cái không Nhân Ngã lầm chia ra có Nhân Ngã , bởi Ngã kiến đó mà sinh tâm Ngã mạn, cho ta là trọng yếu hơn người để được người kính yêu ta, rối đem hết sức mình ra thu vét lấy những vật chất có thể hưởng thụ để cung phụng cho “ta”, đó là cái đầu mối tạo ra mười thiện ác: Tham, sân, si, sát, đạo, dâm, lưỡng thiện, ác khẩu, vọng ngôn, ý ngữ; cho đến tất cả phiền não, tà kiến cũng đều từ đấy mà sinh ra. Nói cách dễ hiểu hơn, nếu còn Ngã kiến, thì bất luận đối với người, đối với mình lợi hại như thế nào,  và tất cả tâm lý hành vi còn tương ứng với Ngã kiến thì đều là ác nghiệp; trái lại, nếu Ngã kiến không còn thì tất cả hành vi đều là Thiện nghiệp. Song vì chúng sinh từ đời vô thủy đến nay chứa góp “Ngã kiến” sâu nặng, nên Đức Phật đã dùng phương tiện thuyết pháp, dựng nên những tiêu chuẩn, để chúng sinh lần theo thứ lớp mà tu tập. Còn với tôn giáo khác không cho việc sát hại động vật là ác, thậm chí lại nói động vật có sinh mệnh mà không có linh tri, hoặc nói đó là đấng tạo vật sinh ra để cung cấp cho loài người ăn dùng, nói thế, chẳng những là không hiểu rõ chân lý mà còn là tà kiến nữa. Lại có tôn giáo cho việc tín ngưỡng một Thần hoặc nhiều Thần là Thiện, người tin thì được phúc sinh Thiên đường, người chẳng tin thì phải tội đọa địa ngục. Quan niệm này, theo Phật giáo, nếu xét về tín ngưỡng những thần đó, tức là trái với bình đẳng tính là Ác chứ không phải là Thiện. Lại nữa, Phật giáo chủ trương bất luận Thiện hay Ác đều từ trong tâm địa phát ra, chứ không như thế gian chỉ chú trọng vào sự tướng. Ví như ta thấy người này đánh hoặc mắng người kia, ta chưa thể căn cứ vào sự tướng ấy mà định đoạt được là Thiện hay Ác, ta cần phải xét rõ tâm địa của người ấy thế nào, nhiên hậu mới quyết đoán được. Nếu vì lợi ích cho người, thì tuy đánh mắng cũng vẫn là Thiện, nếu vì lợi ích riêng mình, thì dù cung kính người cũng lại là Ác. Theo trong Bố tát giới đàn thì, phàm người trì giới Bồ tát, đã phá trừ Ngã kiến, nhưng nếu vì lợi ích cho chúng sinh, thì dù làm những việc đánh mắng cho đến sát hại cũng không kể là ác và trái lại… Ví như trong nước có một ông vua tham bạo, ham tài, hiếu chiến, làm cho vô số nhân dân phải tổn thất gia tài, nguy vong tính mạng, người trì giới Bồ tát không thể khoanh tay đứng nhìn, mà phải đem hết trí lực ra để tìm cách can ngăn ông vua hung bạo ấy, nếu cần có thể đem giết đi cũng không phạm vào giới sát. Do đó mà chứng minh được rằng Phật giáo là một tôn giáo tích cực và hợp lý biết dường nào… (Xem tiếp Thiên thứ tư)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6058771