PHPT2 K.VI - Bài thứ 5: A NAN NGHI: NẾU CÁI “THẤY” LÀ MÌNH THÌ THÂN TÂM NÀY LÀ AI?
PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 2
Sa môn THÍCH THIỆN HOA
KHÓA VI: TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT HAY LÀ ÐẠI CƯƠNG KINH LĂNG NGHIÊM
Bài thứ 5: A NAN NGHI: NẾU CÁI “THẤY” LÀ MÌNH THÌ THÂN TÂM NÀY LÀ AI?
I. A NAN NGHI: NẾU CÁI “THẤY” LÀ MÌNH THÌ THÂN TÂM NÀY LÀ AI?
A Nan thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu cái “thấy” này thật là “tâm” con, thì thân tâm của con hiện nay đây là ai? Và nếu cái “thấy” thật của con, thì nó phải hiện ở trước, khiến cho con thấy được nó.
Lại nữa, thân tâm của con hiện nay đây, biết phân biệt được nó (cái thấy), còn nó không biết phân biệt được thân tâm con. Xin đức Thế Tôn mở lòng đại bi chỉ dạy cho kẻ chưa ngộ này.
II. CÁI THẤY (TÂM) RỜI TẤT CẢ HÌNH TƯỚNG
Phật dạy A Nan:
- Ông nói “cái thấy phải ở trước mặt để ông thấy nó”, nói như vậy không phải, vì nếu cái “thấy” thật ở trước mặt ông, ông thấy được nó, thì cái “thấy” đó ở chỗ nào phải có nhất định và phải chỉ ra được.
Nay ông ngồi trong rừng Kỳ Đà, xem các cảnh vật, đưa tay chỉ ra từng món: chỗ im mát kia là rừng cây, cái sáng chiếu nọ là mặt nhựt, nơi ngăn ngại này là vách, chỗ trống đó là hư không; cho đến cỏ cây hoa lá, các vật lớn nhỏ tuy khác, song đều có hình tướng, có thể chỉ ra được cả. Còn cái “thấy” nếu nó thật ở trước mắt ông, thì ông nên lấy tay chỉ chắc chắn, cái nào là cái “thấy”. Nếu hư không là cái “thấy” thì cái gì là hư không? Còn nếu cảnh vật là cái “thấy”, thì cái gì là cảnh vật? Đối với các cảnh vật sum la vạn tượng, ông nên chín chắn phân tích rõ ràng, rồi chỉ cho ta xem, cái nào là cái “thấy” cũng như chỉ các vật, không có lầm lộn.
A Nan thưa:
- Bạch Thế Tôn! Con mở tầm con mắt và đưa tay chỉ khắp tất cả, thì đều là “vật” chớ không có cái nào là cái “thấy”. Dù cho bực Bồ tát cũng không thể phân tích ở nơi muôn vật để chỉ riêng cái “thấy” ra được; huống chi chúng con là hàng sơ học Thinh văn, làm sao chỉ được.
Phật dạy:
- Phải lắm!
LƯỢC GIẢI
Tâm không phải cái hình tướng, cũng như vàng không phải là vòng, kiềng, xoa, xuyến, v.v...
III. CÁI THẤY (TÂM) TỨC TẤT CẢ PHÁP
Phật dạy rằng:
- Này A Nan! Như lời ông nói: “Trong các cảnh vật, không thể chỉ riêng cái “thấy” ra được”; vậy nay ông đứng trước các cảnh vật chỉ lại coi, cái nào không phải là cái “thấy”?
A Nan thưa:
- Con hiện đang xem tất cả các cảnh vật, không biết cái nào không phải cái “thấy”. Nếu rừng cây kia không phải cái “thấy”, thời làm sao thấy được rừng cây. Còn rừng cây là cái “thấy”, thì sao gọi là rừng cây. Lại nữa, hư không nếu không phải là cái “thấy”, thì làm sao thấy được hư không . Còn nếu hư không tức là cái “thấy”, thì làm sao thấy được hư không. Còn nếu hư không tức là cái “thấy” thì sao lại gọi là hư không. Con chín chắn suy nghĩ: Cái nào cũng là cái “thấy” cả.
Phật dạy:
- Phải lắm!
Khi đó đại chúng nghe lời Phật nói như vậy, tất cả đều hoang mang lo sợ, vì không biết nghĩa ấy thế nào.
LƯỢC GIẢI
Tâm đã sanh ra các pháp, thì pháp nào cũng là tâm cả: cũng như vàng đã làm ra tất cả đồ trang sức thì món nào cũng là vàng cả.
IV. PHẬT TRẤN TĨNH ĐẠI CHÚNG
Phật thấy A Nan và đại chúng hoang mang, sợ hãi, nên sanh tâm thương xót, liền an ủi A Nan và đại chúng rằng:
- Như Lai nói chơn thật, chẳng dối trá, không phải như chúng ngoại đạo Mạc Già Lê, nói năng rối loạn không nhất định đâu. Các ông nên bình tĩnh và chín chắn suy xét lại, chớ để cho Như Lai thêm lòng thương xót.
V. NGÀI VĂN THÙ ĐÚNG LÊN THƯA HỎI
Khi ấy Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương tử thương cả bốn chúng, nên đứng dậy lạy Phật, cung kính chắp tay và thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn! Trong đại chúng đây chưa hiểu cái nghĩa: Các cảnh vật là cái “thấy” hay không phải cái “thấy”?
Bạch Thế Tôn! Các cảnh vật hiện tiền đây, nếu là cái “thấy”, thì phải chỉ ra được; còn nếu không phải cái “thấy”, thì đáng lẽ không thể thấy được. Vì trong đại chúng không hiểu nghĩa này thế nào, cho nên mới sợ hãi, hoang mang. Cúi xin đức Như Lai duỗi lòng từ bi chỉ dạy cho biết: Các cảnh vật hiện tiền đây, cùng với cái “thấy” này, nguyên là cái gì? Trong đây không có cái “phải” và cái “không phải”.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này lý thâm, nên ngài Văn Thù mới đứng lên thưa hỏi: người học phải suy xét nhiều mới hiểu được.
Nói cảnh vật và cái thấy, tức là chỉ cả vật chất với tinh thần đồng một thể tánh chơn tâm. Vì chơn tâm thì không thể suy nghĩ và luận bàn được, phải tự ngộ mà thôi, nên nói, “nguyên nó là cái gì?” (vì không thể nói ra được). Bởi nó rời đối đãi thị phi, nên nói “trong đó không có cái phải và cái không phải”.
VI. PHẬP DẠY: CÁI “THẤY” KHÔNG CÓ “PHẢI” VÀ “KHÔNG PHẢI” (THỊ, PHI THỊ)
Phật kêu ngài Văn Thù và đại chúng, dạy rằng:
- Mười phương các đức Phật và các vị đại Bồ tát an trụ trong chơn tâm rồi, thời không còn thấy thật có các cảnh vật là căn, trần, thức nữa. Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy, nguyên là “chơn tâm”. Đã là chơn tâm, thì đâu còn có “phải” hay “không phải” nữa. Như ông là Văn Thù, vậy có thể nói ông là “thật” Văn Thù hay “không thật” Văn Thù được không?
Văn Thù thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chính như thế đó, con là Văn Thù rồi, thì không thể nói “thật Văn Thù” được; vì nếu nói “thật Văn Thù”, thì phải có ông Văn Thù giả (thứ hai). Song con nay đã là Văn Thù rồi, thì không thể nói “thật” hay “không thật” được.
LƯỢC GIẢI
Chơn tâm không hai, nên không còn thị và phi đối đãi; không thể nói “quấy” đã đành, mà nói “phải” cũng không trúng. Bởi vì nó ngoài vòng đối đãi, cũng như ông Văn Thù là Văn Thù, không thể nói: “thật” hay “không thật” được .
***
Phật dạy:
- Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy cũng lại như vậy, đều là thể tánh chơn tâm, vì vọng động mà có ra: thấy nghe và các cảnh vật. Nó cũng như mặt trăng thứ hai, đâu có gì mà nói “phải” hay “không phải”. Nghĩa là chỉ có một mặt trăng chánh, (chơn tâm) trong đó không có cái “phải” mặt trăng hay “không phải” mặt trăng.
Nay ông thấy có cái “thấy” và “cảnh vật bị thấy” đó là vọng tưởng; còn đối với thể tánh chơn tâm, thì không còn nói phải hay không phải được. Bởi thế nên chơn tâm nó ra ngoài cái phạm vi “chỉ bày” và “không chỉ bày” của ông rồi.
LƯỢC GIẢI
Suy nghĩ không tới, nói năng không nhầm. Đại ý đoạn này nói: Chỉ có một chơn tâm, không thể nói phải hay không phải, nó vượt ra ngoài sự đối đãi và nói năng phân biệt.
Vì vọng động mà sanh ra có vật chất (cảnh) và tinh thần (tâm). Cũng như chỉ có một mặt trăng chánh, không thể nói phải mặt trăng hay không phải mặt trăng; vì lòa mà thấy in tuồng có mặt trăng thứ hai.
VII. A NAN NGHI “CHƠN TÂM” ĐỔNG VỚI THUYẾT “TỰ NHIÊN” CỦA NGOẠI ĐẠO.
A Nan thưa:
- Bạch Thế Tôn! Ngày trước Phật ở tại núi Lăng Già, có dạy cho ông Đại Huệ Bồ tát v.v... rằng: “Các chúng ngoại đạo kia thường chủ trương thuyết “tự nhiên sanh”, còn ta thời nói “các pháp do nhơn duyên sanh”, nên không đồng với thuyết của các ngoại đạo kia”.
Hôm nay nghe lời Phật dạy, thì con hiểu cái “chơn tâm” này in như tự nhiên mà có; chớ không phải “nhơn duyên sanh”, vì nó rời tất cả các vọng tưởng điên đảo, không sanh, không diệt. Cúi xin Phật từ bi chỉ dạy cho con ngộ được chơn tâm thường trụ này, mà không lạc vào thuyết “tự nhiên” của các tà đạo.
LƯỢC GIẢI
Cái chơn tâm này, nó tuyệt đối đãi, ngoài thị và phi. Nếu còn chấp có, không, thị và phi, nhơn duyên hay tự nhiên, v.v... đều không trúng cả. Song chúng sanh vì cái mê chấp nhiều đời, cũng như cây chuối nhiều bẹ, lột hết bẹ này, thì nó bày ra bẹ khác. Phật vừa bác xong thị và phi, thì ông A Nan liền chấp nhơn duyên và tự nhiên, v.v... Than ôi! Lưới mê nhiều đời chồng chập, thật khó trong một lúc vẫy vùng ra khỏi!
VIII. PHẬT BÁC CÁI CHẤP “TÂM TỰ NHIÊN MÀ CÓ”
Phật dạy rằng:
- Ta đã dùng nhiều phương tiện và thành thật chỉ dạy cho tường tất như thế, mà ông cũng chưa hiểu ngộ, lại còn mê muội chấp là tự nhiên nữa.
A Nan, nếu thật tự nhiên, thì ông phải chỉ rõ cái “thấy” này, lấy gì làm cái thể tự nhiên của nó? Lấy cái “sáng” làm tự nhiên hay lấy cái “tối” làm tự nhiên? Lấy cái “trống không” làm tự nhiên hay lấy cái “ngăn bít”, v.v... làm tự nhiên?
A Nan, nếu lấy cái “sáng” cho là tự nhiên cái thể của nó như vậy, thì khi tối lại, đáng lẽ ông không thấy được tối. Cho đến lấy cái “tối” v.v... làm thể tự nhiên của nó, thì khi sáng đến, cái thấy của ông phải mất, làm sao thấy được cái sáng, v.v...
IX. A NAN LẠI NGHI TÂM DO “NHƠN DUYÊN SANH”
A Nan thưa:
- Bạch Thế Tôn, cái thấy này nếu không phải tự nhiên mà có, thì chắc do nhơn duyên sanh. Con hiểu như vậy chẳng biết có phải không? Xin đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy.
X. PHẬT BÁC CÁI CHẤP “NHƠN DUYÊN SANH”
Phật bác rằng:
- Ông nói “nhơn duyên sanh”. Vậy nay ta hỏi ông: Cái thấy này là nhơn duyên cái sáng mà có, hay nhơn duyên cái tối mà có? Nhơn duyên cái trống không mà có, hay nhơn duyên cái ngăn bít, v.v... mà có?
A Nan, nếu nhơn duyên cái sáng mà có, thì khi tối đến, ông phải không thấy được cái tối; còn nhơn duyên cái tối, cái trống, cái bít, v.v... cũng vậy.
XI. PHẬT DẠY: CHƠN TÂM KHÔNG THỂ SUY NGHĨ VÀ LUẬN BÀN ĐƯỢC
Phật dạy:
- A Nan! Ông phải biết: Cái thấy (tâm) này không phải “nhơn”, không phải “duyên”, không phải “tự nhiên”, và cũng không phải “không tự nhiên”, không cái “phi”, không cái “bất phi”, không cái “thị”, không cái “phi thị”, nó rời tất cả tướng, mà chính là tất cả pháp. Như thế thời ông làm sao để tâm suy nghĩ cho tới, dùng lời nói luận bàn cho kịp và gọi nó bằng thứ gì được. (Ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng, ly danh tự tướng).
Nếu ông để tâm suy nghĩ và dùng lời nói luận bàn, thì cũng như người quơ tay chụp bắt hư không; chỉ thêm mệt nhọc, chớ làm sao mà chụp bắt hư không cho được.
LƯỢC GIẢI
Đến chỗ cao siêu tuyệt diệu thì không còn suy nghĩ, luận bàn được; nếu còn suy nghĩ luận bàn được thì không phải là cao siêu tuyệt diệu.
Bởi thế nên đức Thích Ca đóng cửa thất tại nước Ma Kiệt, ông Duy Ma Cật ngậm miệng tại thành Tỳ Da, tổ Đạt Ma ngồi tại chùa Thiếu Lâm, day mặt vô vách chín năm, không nói một lời, đều vì cái lý cao siêu, không thể luận bàn được.
XII. A NAN TRỞ LẠI NGHI “NHƠN DUYÊN SANH”
A Nan thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Cái “thấy” này nếu không phải “nhơn” không phải “duyên”, tại sao đức Thế Tôn thường cùng với các thầy Tỳ kheo nói: “Cái thấy phải đủ bốn duyên mới sanh”; như nhơn hư không, ánh sáng, tâm và con mắt mới sanh. Vậy nghĩa này thế nào?
Phật dạy rằng:
- Này A Nan, ta nói thuyết nhơn duyên, là đứng về phần sự tướng (hiện tượng), chỉ các pháp trong thế gian mà nói, chớ không phải chỉ cho lý tánh tuyệt đối (bản thể) vậy.
LƯỢC GIẢI
Về phương diện pháp tướng (mượn danh từ triết học nói cho dễ hiểu, gọi là phần hiện tượng) nói về “thức”, thì Phật nói có căn, trần, thức và nhơn duyên, v.v...Còn đứng về phương diện pháp tánh (mượn danh từ triết học nói cho dễ hiểu, gọi là phần bản thể) thì không còn danh tướng, nói năng kêu gọi hay suy nghĩ được.
Bởi thế nên trong kinh, Phật nói: “Đạo ta cao siêu không thể suy nghĩ và luận bàn được”. Kinh này là nói về phần lý tánh tuyệt đối.
XIII. PHẬT GẠN HỎI LẠI CÁI “THẤY” ĐỂ CHỈ RÕ CHƠN TÂM
Phật hỏi:
- Này A Nan! Bây giờ ta hỏi ông: Người đời thường nói “tôi thấy”. Vậy thế nào là “thấy” và thế nào là “không thấy”?
A Nan thưa:
- Người đời nhơn có ánh sáng mới thấy được các vật, thì gọi là “thấy”; còn không có ánh sáng, chẳng thấy các vật, thì bảo rằng “không thấy”
Phật dạy:
- Nếu không có ánh sáng mà bảo là không thấy, thì khi tối đến đáng lẽ ông cũng không thấy được cái “tối”? Còn như ông thấy được cái “tối”, thì khi đó chẳng qua không có ánh sáng mà thôi, chớ sao lại nói “không thấy”?
Lại nữa, nếu khi tối ông không thấy được cái “sáng”, mà ông cho là không thấy, thì khi sáng ông không thấy được cái “tối”, đáng lẽ cũng phải bảo là không thấy mới phải. Như vậy, thời “tối” và “sáng” cả hai đều phải bảo là “không thấy” hết.
Bởi thế, ông nên biết: “tối” và “sáng” hai món trần tướng nó tự thay đổi với nhau, còn cái “thấy” của ông lúc nào cũng có. Vậy thì thấy “tối” và “sáng” đều gọi là thấy cả, tại sao khi thấy tối, ông nói “không thấy”?
XIV. PHẬT CHỈ CÁI THẤY KHÔNG PHẢI VỌNG, SONG CHƯA PHẢI LÀ CHƠN TÂM
(Đoạn này nguyên ở trước, nay dịch giả đem lại đây cho thuận nghĩa).
Phật dạy A Nan rằng:
- Cái “thấy” của ông đó, không phải là vọng, song chưa phải là “chơn tâm”. Nó cũng như mặt trăng thứ hai (do lòa con mắt mà có) tuy không phải bóng mặt trăng dưới nước, nhưng chưa phải là mặt trăng chánh.
LƯỢC GIẢI
Mặt trăng chánh là dụ cho chơn tâm, mặt trăng thứ hai là dụ cho cái thấy, nghe v.v... các giác quan về phần trực giác. Bóng mặt trăng là dụ cho vọng tưởng phân biệt.
Đại ý đọan này nói cái “thấy” không phải vọng tâm, nhưng cũng chưa phải là chơn tâm, nghĩa là nó gần với chơn tâm mà thôi. Cũng như mặt trăng thứ hai do lòa con mắt mà có; nó không phải bóng mặt trăng dưới nước, nhưng cũng chưa phải là mặt trăng chánh.
***
Phật dạy:
- A Nan, ông phải biết: Khi ông thấy sáng, thì cái “thấy” của ông không phải là cái “sáng”; khi ông thấy tối, cái “thấy” của ông không phải là cái “tối”; khi ông thấy trống không, cái thấy của ông không phải là cái “trống không”; khi ông thấy ngăn bít, cái “thấy” của ông cũng không phải là cái “ngăn bít”.
LƯỢC GIẢI
Nói cái “thấy” chớ kỳ thật là chỉ chung cho cả cái “nghe, hay, biết”. Nói “sáng, tối, trống, bít” là chỉ chung cho các cảnh vật.
Đại ý đoạn này nói: Khi thấy các cảnh vật, thì cái “thấy” không phải là cảnh vật.
XV. PHẬT CHỈ CHƠN TÂM LẦN THỨ SÁU
Phật dạy:
- Ông đã hiểu rõ bốn nghĩa này rồi; ông nên hiểu thêm lên một từng nữa: Khi “chơn tâm” đã khởi ra cái “thấy” (các giác quan), thì cái “thấy” không phải là “chơn tâm”; cái “thấy” còn cách biệt với chơn tâm, (vì còn một lớp mê), cái “thấy” không thể bì kịp với “chơn tâm” (đoạn này Phật mới chỉ chính xác cái chơn tâm)
LƯỢC GIẢI
Mượn danh từ triết học nói cho dễ hiểu: Khi bản thể (tâm) khởi ra hiện tượng (các giác quan) thì hiện tượng không phải là bản thể, hiện tượng còn cách biệt với bản thể, hiện tượng không thể bì kịp bản thể. Cũng như khi nước đã biến thành sóng, thì sóng không phải hoàn toàn là nước, sóng còn sai biệt với nước (vì bị gió xao động), sóng không thể bì kịp với nước.
Đành rằng “tâm” cùng với cái “thấy” v.v... không hai, nhưng vì mê nên tâm biến thành ra các giác quan thấy nghe hay biết. Lúc bấy giờ cái thấy nghe hay biết, không phải là chơn tâm. Ngộ rồi thì cái thấy nghe hay biết mới gọi là “chơn tâm”. Song khi chưa ngộ thì không thể nói cái thấy, nghe, v.v... các giác quan là chơn tâm được.
Cũng như nước với sóng không khác, nhưng vì gió động nên nước biến thành sóng; lúc bấy giờ sóng không phải là nước, nước cách biệt với sóng. Đến khi hết gió xao động thì sóng trở lại thành nước. Nhưng khi còn động thì không thể nói sóng đó là nước.
***
- Như thế thời, ông làm sao lại nói là “nhơn duyên, tự nhiên, hòa hợp, và phi hòa hợp”được. Các ông là hàng Thinh văn, trí thức hẹp hòi, không thông hiểu được thật tướng (chơn tâm). Ta đã chỉ dạy nhiều lần rồi, vậy các ông nên khôn khéo suy nghĩ và cố gắng tiến lên tu hành, chớ nên giải đãi trên con đường Bồ đề.
Bình luận bài viết