Học

PHPT2 K.VIII - Bài thứ 2: CHƯƠNG PHỔ HIỀN

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 2

Khóa VIII: KINH VIÊN GIÁC

(PHIÊN DỊCH VÀ LƯỢC GIẢI)

* Ngài PHẬT ĐÀ ĐA LA dịch chữ Phạn ra chữ Hán

* Tu sĩ THÍCH THIỆN HOA dịch chữ Hán ra chữ Việt

Bài thứ 2: CHƯƠNG PHỔ HIỀN

1. NGÀI PHỔ HIỀN HỎI PHẬT

Khi ấy ngài Phổ Hiền Bồ tát, ở trong đại chúng đứng dậy đi quanh bên hữu của Phật ba vòng rồi chắp tay đảnh lễ và quỳ thẳng bạch rằng:

- Bạch Ðức Ðại bi Thế Tôn, xin Ngài vì các vị Bồ tát ở trong hội này và tất cả chúng sanh đời sau tu Ðại thừa, từ bi chỉ dạy phương pháp tu hành để vào cảnh giới Viên Giác thanh tịnh.

Bạch Thế Tôn, nếu chúng sanh biết các pháp đều như huyễn, thân và tâm này cũng huyễn, thì cần gì phải tu? Tại sao còn dùng cái “huyễn” trợ lại tu “pháp huyễn” làm gì?

Lại nữa, nếu các pháp hư huyễn đều diệt hết, thì thân tâm này cũng diệt; nếu thân tâm đều diệt thì lấy ai tu hành mà gọi là “tu pháp như huyễn”?

Bạch Thế Tôn, nếu các chúng sanh không tu hành, vẫn ở mãi trong cảnh sanh tử huyễn  hóa mà chẳng tự biết, thì làm sao dẹp trừ các tâm vọng tưởng, để giải thoát được sanh tử luân hồi?

Xin Phât vì chúng sanh đời sau, chỉ dạy phương tiện tu tập và thứ lớp tu hành như thế nào, để cho chúng sanh khi nghe đến cảnh giới Viên Giác thanh tịnh này, y theo đó tu hành, vĩnh viễn xa lìa được các vọng huyễn.

Ngài Phổ Hiền Bồ tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính cẩn lạy Phật rồi trở lui.

LƯỢC GIẢI

Ðại ý đoạn này là ngài Phổ Hiền Bồ tát hỏi Phật:

1. Nếu tất cả chúng sanh biết các pháp đều như  huyễn, thì cần gì phải tu, vì nó là huyễn. Tại sao còn dùng cái huyễn (thân tâm) tu pháp như huyễn làm gì?

2. Nếu chúng sanh chấp là huyễn mà không tu, thì vẫn ở mãi trong sanh tử luân hồi, làm sao được giải thoát?

Xin Phật từ bi chỉ dạy phương tiện tu hành và phải tu tuần tự như thế nào, mới nhập được cảnh giới Viên Giác thanh tịnh?

2. PHẬT KHEN NGÀI PHỔ HIỀN

Khi đó Ðức Thế Tôn khen ngài Phổ Hiền Bồ tát và dạy rằng:

Này Thiện nam, quý lắm! Ông vì vị Bồ tát hiện tại và chúng sanh đời sau, hỏi về phương tiện và thứ lớp tu tập pháp môn “Như huyễn Tam muội”(1)  của Bồ tát, khiến cho chúng sanh xa lìa các huyễn. Vậy các ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông khai thị. 

Khi đó, Ngài Phổ Hiền Bồ tát và đại chúng đều hoan hỷ, kính cẩn và chăm chú nghe lời Phật chỉ giáo.

LƯỢC GIẢI

Văn Thù và Phổ Hiền là hai vị đại Bồ tát, ngài Văn Thù tiêu biểu cho đại trí. Ngài Phổ Hiền tiêu biểu cho đại hạnh. Có Ðại trí (căn bản trí) mới phá trừ được căn bản vô minh. Có Ðại hạnh mới hoàn thành được công hạnh của Phật. Người tu hành lúc nào cũng phải đủ cả “Trí và Hạnh”. Có “Trí” mới phá đưọc vô minh và thấu rõ chơn lý. Có “Hạnh” mới đạt được chơn lý, hoàn thành quả Phật.

Ðoạn này Phật khen ngài Phổ Hiền Bồ tát, vì chúng sanh mà hỏi pháp tu “Như huyễn Tam muội”

3. PHẬT TRẢ LỜI CHO NGÀI PHỔ HIỀN

- Này Thiện nam! Tất cả các cảnh vật huyễn hóa (thế giới, chúng sanh) của chúng sanh, đều sanh trong tâm Viên Giác mầu nhiệm của Như Lai. Các pháp hư huyễn có diệt, mà tánh Viên Giác vẫn không diệt. Cũng như hoa đốm sanh trong hư không, các hoa đốm hư huyễn kia có hoại diệt, mà tánh hư không chẳng hề hoại diệt.

LƯỢC GIẢI

Hoa đốm là dụ cảnh vật, hư không là dụ Viên Giác. Ðại ý đoạn này là nói các pháp giả dối hư huyễn giữa này, đều sanh trong Viên Giác (Chơn tâm). Các pháp hư huyễn diệt mà Tâm Viên Giác không diệt. Cũng  như các hoa đốm sanh trong hư không, các đốm có diệt mà hư không không diệt. 

4. PHẬT DẠY PHÁP TU ĐỂ NHẬP VIÊN GIÁC

Khi các huyễn cảnh diệt rồi, thì cái huyễn tâm của hành giả cũng theo đó mà diệt luôn. Ðến khi các huyễn (năng và sở) đều diệt hết, thì cái tâm Viên Giác không vọng động tự hiện.

Bởi đối với vọng huyễn mà nói “Viên Giác” nên Viên Giác cũng trở thành vọng huyễn, vì còn ở trong vòng đối đãi vậy. Ðến cảnh giới này, nếu nói “có Viên Giác” thì chưa rời vọng huyễn đã đành, mà nói là “không Viên Giác” thì cũng chẳng rời được vọng huyễn. 

Thế nên, các vọng huyễn (có và không) đều phải bị diệt hết rồi, mới gọi là Viên Giác.

LƯỢC GIẢI

Ðoạn này lý lẽ uyên thâm, có 5 từng:

1. Huyễn cảnh diệt

2. Huyễn tâm cũng diệt

3. Các huyễn (năng, sở) diệt hết, tâm “Viên Giác” hiện bày.

4. Bởi đối vọng huyễn mà gọi “Viên Giác” nên Viên Giác cũng trở thành hư huyễn. Vì còn ở trong vòng đối đãi phân biệt, nên chưa phải là “Viên Giác”.

5. Nếu “chấp có Viên Giác” thì ở trong vòng vọng huyễn mà “chấp không Viên Giác” cũng còn ở trong vòng vọng huyễn. Các vọng huyễn: có, không, sanh, diệt, phải, chẳng v.v... đều phải diệt hết rồi, thế mới đúng là “Viên Giác”.

Ðại ý đoạn này nói: “Tánh Viên Giác” (Chơn tâm) không thể dùng lời nói mà luận bàn được, cũng không dùng ý nghĩ mà suy nghĩ được. Nếu vừa móng tâm động niệm, nghĩ thánh nói phàm, cho thế này là vọng, thế kia là chơn, như thế là hãy còn trong vòng đối đãi, hễ còn đối đãi phân biệt, thì đều là vọng huyễn cả; phải rời hết các vọng huyễn mới đúng là “Viên Giác”.

5. PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP LY HUYỄN

Này Thiện nam! Tất cả các vị Bồ tát và chúng sanh đời sau, cần phải xa lìa các việc như sau:

1. Xa lìa các cảnh giới huyễn hóa hư vọng. Nhưng còn cái “Tâm biết xa lìa”;

2. Cái “Tâm biết xa lìa” đó cũng là huyễn, nên cũng xa lìa luôn;

3. Cái “xa lìa” đó cũng là huyễn, nên cũng phải xa lìa;

4. Cái “lìa cái xa lìa” cũng là huyễn, nên cũng phải xa lìa luôn;

5. Phải không còn cái gì để “xa lìa” nữa, như thế mới gọi là trừ được các huyễn.

Tỷ như người kéo cây lấy lửa, dùng hai miếng củi tre cọ xát nhau; cọ cho đến khi lửa phát ra, trở lại cháy hai miếng tre; cháy đến lúc củi hết, lửa tàn tro bay, bấy giờ chỉ còn đất trống.

Dùng “cái huyễn” tu các “pháp huyễn” cũng thế. Khi các huyễn diệt hết rồi, không phải là đoạn diệt, mà lúc bấy giờ tánh Viên Giác tự hiện bày.

LƯỢC GIẢI

Ðại ý đoạn này nói: Người tu hành trước hết phải lìa các huyễn cảnh, sau lìa huyễn tâm; lìa cho đến không còn cái gì để lìa nữa, thế mới là lìa được hết các huyễn. Lúc bấy giờ cái phi huyễn là “Viên Giác tánh” hiện ra. Như thế thì “Viên Giác tánh” không phải là đoạn diệt.

Như người kéo lửa (dụ cho tu như  huyễn) ban đầu dùng hai miếng củi tre cọ nhau (dụ cho tâm và cảnh), khi lửa phát ra trở lại cháy hết củi đến lúc lửa tàn tro bay (tâm cảnh đều  hết), bấy giờ chỉ còn đất trống (dụ cho Viên Giác). 

6. PHẬT DẠY: “GIÁC NGỘ” KHÔNG CÓ TUẦN TỰ, “RỜI HUYỄN” CHẲNG CẦN PHƯƠNG TIỆN

- Này Thiện nam! Khi biết được các pháp hư huyễn, tức là lìa được các huyễn, chớ không cần phải có phương tiện gì khác. Lìa được các huyễn tức là “Giác”, cũng không có lớp lang tuần tự gì.

Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời sau, y như thế mà tu hành, mới xa lìa được các huyễn.

LƯỢC GIẢI

Phật dạy người biết được các pháp là hư huyễn thì không còn cố chấp và tham luyến các pháp nữa, tức là lìa được các huyễn rồi, chớ không có phương pháp tu tập nào khác.

Câu này giống như câu trong Kinh Lăng Nghiêm: “Giác mê, mê diệt” (Giác ngộ được cái mê, thì cái mê ấy hết) Cũng như người khi biết mình là chiêm bao, thì không còn chiêm bao nữa.

Lìa được các vọng huyễn, tức thì “Viên Giác” hiện bày, thế nên không có lớp lang từng bực. Dụ như khi ánh sáng đến, thì cái tối liền diệt; tối vừa diệt thì sáng vừa hiện, không có lớp lang tuần tự chi hết.

Ðoạn trước ngài Phổ Hiền có hỏi thứ lớp tu pháp môn như huyễn thế nào. Ðến đoạn này Phật trả lời đã xong.

7. PHẬT NÓI BÀI KỆ TÓM LẠI CÁC NGHĨA TRÊN

Khi ấy Ðức Thế Tôn muốn tóm lại nghĩa này, nên nói bài kệ rằng:

Phổ Hiền! Ông nên biết:

Các vô minh huyễn hóa

Của tất cả chúng sanh,

Từ vô thỉ đến giờ,

Ðều sanh trong Viên Giác

Của các Ðức Như Lai.

Cũng như các hoa đốm

Sanh trong thái hư không,

Hoa đốm diệt hết rồi,

Hư không vẫn trong tịnh.

Các huyễn từ “Giác” sanh,

Huyễn diệt, “Giác” viên mãn,

Viên Giác không vọng động.

Các Bồ tát hiện tại

Và chúng sanh đời sau,

Thường phải xa lìa huyễn.

Xa lìa cho hết huyễn,

Như lửa từ cây sanh

Trở lại cháy hết cây;

Lửa tàn tro bay tận.

“Giác ngộ” không tuần tự.

“Phương tiện” cũng không cần. 
LƯỢC GIẢI

Ðại ý bài kệ này Phật dạy: Các vô minh vọng huyễn của chúng sanh từ vô thỉ đến giờ, đều sanh trong tâm Viên Giác của Như Lai. Ðến khi các vô minh vọng huyễn diệt rồi, thì tâm “Viên Giác” hiện ra, không có tuần tự và cũng không cần có phương tiện gì khác.

Dụ như hoa đốm sanh trong hư không, khi hoa đốm diệt hết thì hư không tự trong tịnh. Và như lửa từ trong cây sanh, trở lại đốt cháy cây, đến khi củi hết lửa tàn, khói tan tro tận, lúc bấy giờ chỉ còn bầu trời trong suốt. 
LƯU Ý

Trong chương Phổ Hiền này, chúng ta nên lưu ý về câu hỏi của ngài Phổ Hiền và lời đáp của Phật, vì rất quan hệ đến đời tu hành của chúng ta.

Ngài Phổ Hiền hỏi rằng: “Ðã là huyễn thì cần gì phải tu? Tại sao còn dùng thân tâm như huyễn để tu hành như huyễn?”. Ðoạn này chúng ta hiểu lầm, thì không sao khỏi sanh ra những vọng chấp: “Thân huyễn, cảnh huyễn, tu học cũng huyễn v.v...” rồi trăm việc lành đều bỏ xuôi, thật là nguy hiểm vô cùng!

Vậy ta cần phải xét kỹ về đoạn trả lời của Phật. Ðại ý Phật dạy rằng: Tuy biết các pháp là “huyễn” nhưng cần phải tu mới đạt đến chỗ “phi huyễn” (chơn). Cũng như: vẫn biết “tiếng gõ bảng” của thầy giáo cũng là ồn, nhưng nếu không có “tiếng gõ bảng” của thầy giáo, thì không sao dẹp được hết tiếng ồn ào của học trò. Ðến khi hết tiếng ồn ào của học trò thì tiếng gõ bảng cũng không cần nữa.

Tổ sư đã dạy: “Hữu vi tuy nguy, xả chi tắc Phật đạo nan thành”; nghĩa là các việc tu hành đều thuộc về hữu vi pháp, tuy biết là vọng, nhưng nếu bỏ đi không tu thì khó thành đạo Phật. Cổ nhơn dạy: “Ðạp gai lấy gai mà lể” hay là “Phải dùng giặc để dẹp giặc” cũng là nghĩa ấy.

Vẫn biết “Viên Giác” tánh “không phải huyễn”, nhưng muốn nhập Viên Giác thì phải dùng huyễn để trừ huyễn. Khi các huyễn diệt hết, thì tánh “Viên Giác” mới hiện

Cổ Ðức dạy: “Thật tế lý địa bất thọ nhứt trần, vạn sự môn trung bất xả nhứt pháp”, nghĩa là: Về chỗ lý tánh chơn thật (Viên Giác) thì không thọ một mảy trần; nhưng về sự tướng tu hành, thì không bỏ một việc nhỏ.

Ðây là một quy tắc từ nghìn xưa. Những vị tu hành được thành đạo quả, không một ai vượt ngoài quy tắc này.

 ______________

(1) Chữ “Tam muội” Tàu dịch là “Ðịnh” hay “Chánh thọ”. Vì nhiếp tâm chuyên chú một chỗ, không cho xao lãng, nên gọi là “Ðịnh”. Ngài Tôn Mật nói: “Rõ thấu thân và tâm đều như huyễn, thầm hiệp với Chơn như, như thế gọi là “Chánh thọ”.

Nghĩa bóng của chữ “Tam muội”, là chỉ cho công việc làm đã quá thuần thục. Như người niệm Phật, có khi niệm mà có lúc lại quên, còn bị các vọng niệm xen tạp, như thế là chưa được tam muội. Bao giờ người niệm Phật, chỉ ròng rặc một niệm Phật thôi (nhứt tâm bất loạn) không có một niệm gì khác xen vào, đi đứng nằm ngồi, bất luận chỗ nào hay lúc nào, từ năm này cho đến tháng nọ, cũng vẫn nhớ niệm Phật, như thế gọi là được “Niệm Phật Tam muội”.

Chúng ta quán các vật đều hư huyễn; nhưng có khi lại thấy là thiệt, như thế chưa được “Như huyễn Tam muội”. Bao giờ đi đứng nằm ngồi, bất luận giờ phút nào hay nơi nào cũng đều thấy các pháp hoàn toàn hư huyễn, như thế là chúng ta được pháp “Như huyễn Tam muội”. 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6717146