Học

PHPT2 K.VIII - Bài thứ 7: CHƯƠNG OAI ÐỨC TỰ TẠI

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 2

Khóa VIII: KINH VIÊN GIÁC

(PHIÊN DỊCH VÀ LƯỢC GIẢI)

* Ngài PHẬT ĐÀ ĐA LA dịch chữ Phạn ra chữ Hán

* Tu sĩ THÍCH THIỆN HOA dịch chữ Hán ra chữ Việt

Bài thứ 7: CHƯƠNG OAI ÐỨC TỰ TẠI

1. NGÀI OAI ÐỨC TỰ TẠI BỒ TÁT HỎI PHẬT

Khi ấy ngài Oai Ðức Tự Tại Bồ tát ở trong đại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng rồi chắp tay kính cẩn, đảnh lễ dưới chân Phật và quỳ thẳng bạch rằng:

- Bạch đức Ðại Bi Thế Tôn, xin Ngài vì chúng con, phân biệt chỉ dạy “phương tiện để nhập Viên Giác tánh, khiến các vị Bồ tát nhờ nghe viên âm(1) của Phật mà giác tâm được quang minh, chẳng nhơn tu hành mà vẫn được lợi ích lớn.

Bạch đức Thế Tôn, thí như cái thành lớn (Viên Giác) có bốn cửa (các phương tiện), hành giả muốn vào cửa nào cũng được, đâu phải chỉ có một con đường.

Cũng thế, các vị Bồ tát tu hành, làm trang nghiêm cõi Phật và thành đạo Bồ đề đâu phải chỉ có một phương tiện. Cúi xin đức Thế Tôn vì chúng con chỉ dạy các phương tiện tu hành và thứ lớp làm sao, để các vị Bồ tát trong pháp hội này và chúng sanh đời sau cầu pháp Ðại thừa, đều được khai ngộ và mau vào biển Ðại tịch diệt (Viên Giác) của Như Lai.

Ngài Oai Ðức Tự Tại Bồ tát thưa thỉnh như vậy 3 lần, chắp tay kính cẩn, lễ Phật rồi trở lui.

LƯỢC GIẢI

Ðại ý đoạn này nói: Thành Viên Giác không hai, nhưng cửa phương tiện đi vào rất nhiều. Xin Phật vì các vị Bồ tát hiện tại và chúng sanh đời sau tu Ðại thừa, chỉ dạy các phương tiện và thứ lớp tu hành như thế nào, để hành giả mau được vào thành Viên Giác.

Kinh Lăng Nghiêm chép: “Quy nguyên tánh vô nhị, phương tiện hữu đa môn”. (Trở về tánh “Bản nguyên” thì không hai, nhưng phương tiện đi vào lại có nhiều cửa).

2. PHẬT KHEN NGÀI OAI ÐỨC TỰ TẠI BỒ TÁT

Khi đó đức Thế Tôn khen ngài Oai Ðức Tự Tại Bồ tát và dạy rằng:

- Này Thiện nam, quý lắm! Ông vì các vị Bồ tát hiện tại và chúng sanh đời sau, thưa hỏi Như Lai về các phương tiện tu hành. Ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ dạy.

Khi đó ngài Oai Ðức Tự Tại Bồ tát cùng với đại chúng cùng yên lặng, chăm chú và hoan hỷ nghe lời Phật chỉ giáo.

3. PHẬT DẠY: CẢNH “VIÊN GIÁC” KHÔNG HAI NHƯNG PHƯƠNG TIỆN VÀO CÓ NHIỀU ĐƯỜNG

- Này Thiện nam! Tánh Viên Giác nhiệm mầu vô thượng này, nó trùm khắp cả 10 phương và sanh ra chư Phật cùng tất cả các pháp. Bởi tất cả chúng sanh cùng với chư Phật đồng một bản thể bình đẳng không khác, nên người tu hành khi đã trở về tánh Viên Giác, thì thật ra không có hai nơi; song những phương tiện để nhập Viên Giác lại có vô lượng.

Vì trình độ của chúng sanh không đồng, nên các phương tiện trở về tánh Viên Giác có sai khác, nhưng không ngoài ba phương tiện sau này.

LƯỢC GIẢI

Ðại ý đoạn này nói: Viên Giác không hai, song phương tiện tu  hành để nhập Viên Giác thì có nhiều pháp. Nhưng không ngoài ba pháp môn là: Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu ở sau đây. 

4. TU PHÁP “XA MA THA” (TỨC LÀ TU CHỈ HOẶC GỌI LÀ TU ĐỊNH)

- Này Thiện nam! Nếu các Bồ tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, thì y theo tâm Viên Giác thanh tịnh này mà giữ cái hạnh yên lặng và lóng các vọng niệm. Khi các giác quan vọng thức phiền động đã lặng rồi, thì trí huệ thanh tịnh phát sanh. Lúc bấy giờ cái thân tâm hư vọng sanh diệt như khách và nhiễm ô như bụi này, từ đây diệt hết. Khi đó trong nội tâm của hành giả sanh ra vắng lặng và nhẹ nhàng thư thới (tịch tịnh khinh an) nên chư Phật trong mười phương thế giới đều hiện ra trong tâm của hành giả, rất rõ ràng như bóng hiện trong gương. Phương tiện tu hành như thế, gọi là “Xa ma tha” 

LƯỢC GIẢI

Ðại ý đoạn này Phật nói: “Bồ tát khi ngộ được tánh Viên Giác thanh tịnh rồi, thì dùng tâm thanh tịnh này để lóng các phiền não vọng thức. Khi các cặn cáu phiền não đã lóng đứng rồi, thì trí huệ thanh tịnh phát sanh. Lúc bấy giờ hành giả quan sát lại thân tâm hư vọng như khách, huyễn hóa lăng xăng như bụi đều diệt hết (ngã, pháp không còn).

Bởi các vọng hoặc nhiễm ô đã diệt hết, tâm được thanh tịnh, nên 10 phương chư Phật hiện ra trong tâm của hành giả. Cũng như ly nước được lóng trong, thì các bóng ngoài hiện vào, kinh chép: “Chúng sanh tâm nhược tịnh, Bồ đề ảnh hiện trung” (Nếu tâm chúng sanh được thanh tịnh, thì bóng Bồ đề tự hiện vào)

Lưu ý: Trong kinh này nói: “Chỉ, quán”, không đồng với “Chỉ, quán” của Tiểu thừa. Vì “Chỉ, quán” của Tiểu thừa là phải dùng phương tiện của bên ngoài để tu. Còn lối “Chỉ, quán” của Ðại thừa là xứng theo bản thể của chơn tâm mà “Chỉ” và “Quán”, nên có phần cao siêu hơn. 

5. TU PHÁP “TAM MA BÁT ĐỀ” (TỨC LÀ TU QUÁN, HOẶC GỌI TU HUỆ)

- Này Thiện nam! Nếu các Bồ tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, thì y theo tâm Viên Giác thanh tịnh mà quán sát tâm tánh, thân căn và trần cảnh này đều là vật huyễn hóa. Lúc bấy giờ Bồ tát khởi ra cái trí như huyễn để trừ các pháp như huyễn; làm các hạnh như huyễn để hóa độ chúng sanh như huyễn. Bởi Bồ tát tu pháp quán như huyễn này, nên phát Đại bi tâm(2) thương xót  cứu khổ tất cả chúng sanh mà vẫn nhẹ nhàng thư thới (Đại bi khinh an) không tham trước luyến ái nơi chúng sanh.

Tất cả Bồ tát, đều y theo pháp quán như huyễn này mà tu hành, lần lần tăng tiến. Ban đầu quán cảnh là huyễn, nhưng người quán chưa phải huyễn; sau người quán cũng là huyễn và cuối cùng hoàn toàn xa lìa các tướng huyễn (lúc bấy giờ cái phi huyễn hiện ra). Thế là Bồ tát đã hoàn thành được pháp quán mầu nhiệm này. Bồ tát lần lượt tiến tu, cũng như đất làm cho mầm mộng lần hồi được sanh trưởng. Phương tiện tu như thế, gọi là “Tam ma bát đề”.

LƯỢC GIẢI

Ðại ý đoạn này Phật dạy: “Khi Bồ tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, y nơi tâm Viên Giác này mà quán các pháp, nào căn, trần và thức đều là huyễn hóa. Lúc bấy giờ Bồ tát khởi cái trí như huyễn để diệt các vô minh phiền não như huyễn, tu các hạnh như huyễn, để hóa độ chúng sanh như huyễn. Ðến khi các huyễn cảnh đã không, huyễn trí cũng hết, nào tâm, cảnh, năng sở đều tiêu, hoàn toàn xa lìa các huyễn tướng rồi, thì tánh Viên Giác phi huyễn hiện ra. Như tiếng ồn của học trò hết sau tiếng gõ bảng của thầy giáo, lúc bấy giờ cảnh yên tịnh hiện ra.

Thí như người ngủ, chiêm bao thấy giặc bao vây, đem binh diệt trừ v.v… Khi giặc trong chiêm bao tan (cảnh huyễn hết) binh lính hết (Ingười quán huyễn không) và tâm chiêm bao cũng không còn (huyễn trí hết) thì tâm giác ngộ tự nhiên hiện vậy (Viên Giác hiện).

Bồ tát y theo tánh Viên Giác tu pháp quán như huyễn này, từ chỗ cạn đến chỗ sâu, ly được một phần huyễn tức là chứng được một phần giác. Cũng như cái mầm chồi, y nơi đất mà lần hồi nảy nở.

Kinh này Phật dạy tu pháp quán như huyễn, giống như kinh Kim Cang Phật dạy:

Nhứt thế hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ, diệc như điển

Ưng tác như thị quán.

Nghĩa là:

Nên quán như thế này:

Cái gì có làm ra

Ðều như mộng, huyễn, bọt

Như bóng, sương và chớp.

Lưu ý: Nhờ pháp “Chỉ” mới dừng đứng các vọng niệm đương khởi và sẽ khởi bên trong. Khi vọng niệm không còn khởi, thì “chơn tánh” tự hiện bày.

Nhờ pháp “Quán” mới rõ các cảnh hiện tiền như huyễn, để đối trị tâm tham luyến thân, cảnh và xa lìa ngã chấp, pháp chấp. Khi ngã pháp hết thì Viên Giác hiện ra.

6. TU PHÁP “THIỀN NA” (TỨC LÀ CHỈ, QUÁN ĐỒNG THỜI TU, HAY GỌI LÀ ÐỊNH HUỆ SONG TU)

- Này Thiện nam! Nếu các Bồ tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh tâm rồi, thì y như tâm Viên giác này mà tu: Không chấp thủ pháp “Quán như huyễn”, và pháp “chỉ tịch tịnh”. Bồ tất rõ biết thân tâm này đều là vật ngăn ngại, còn tánh Viên Giác (vô tri giác minh) thì không bị các vật làm chướng ngại, lại còn siêu vượt ra ngoài những cảnh chướng ngại (sanh tử) và không chướng ngại (Niết bàn); nó vẫn thọ dụng thế giới và thân tâm ở trong cõi trần này, mà không bị cảnh trần ràng buộc, mặc dù phiền não hay Niết bàn cũng không làm lưu ngại nó được. Thí như tiếng “boong” của chuông, tuy ở nơi chuông mà vẫn thoát ra ngoài chuông.

Bồ tát lúc bấy giờ, ở nơi nội tâm được vắng lặng. Rất nhẹ nhàng thư thái, nào ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng, bốn tướng đều chẳng còn và được tùy thuận cảnh giới Viên Giác tịch tịnh mầu nhiệm. Bồ tát tu pháp phương tiện này, gọi là tu “Thiền na”.

LƯỢC GIẢI

Thiền na Tàu dịch là “Tính lự”. Chữ “Tính” tức là “Chỉ” (Ðịnh). Chữ “Lự” tức là “Quán” (Huệ).

- Pháp “Xa ma tha” thì tu về “Chỉ là Ðịnh

- Pháp “Tam ma bát đề” tu về “Quán” là Huệ

- Pháp “Thiền na” này Chỉ và Quán đều tu, khiến cho Ðịnh và Huệ được quân bình.

Ðại ý đoạn này nói: Bồ tát khi ngộ được tâm Viên Giác thanh tịnh rồi, y theo tâm này mà tu, không dùng pháp “Chỉ” và “Quán”. Bồ tát rõ biết thân tâm này đều là vật chướng ngại, mà tánh Viên Giác không chướng ngại. Mặc dù thọ dụng thân này, tâm này và thế giới trần cảnh này, mà tánh Viên Giác vẫn hoàn toàn siêu vượt ra ngoài các cảnh chướng ngại và không chướng ngại, cho đến phiền não hay Niết bàn cũng không lưu ngại nó được. Cũng như tiếng “boong” của chuông, vượt ra ngoài chuông.

Khi đó Bồ tát diệt hết bốn tướng (ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng), nhập vào cảnh giới Viên Giác. Bồ tát tu phương tiện này gọi là tu “Thiền na”.

7. TU PHÁP PHƯƠNG TIỆN NÀY LỢI ÍCH RẤT LỚN

- Này Thiện nam! Ba pháp môn này, đều là phương tiện để nhập Viên Giác tánh. Mười phương các đức Phật đều nhơn phương tiện này mà được thành Phật. Mười phương các vị Bồ tát, tu các phương tiện hoặc đồng hay khác, nhưng cũng đều y ba pháp môn này mà được chứng ngộ hay thành Viên Giác.

- Này Thiện nam! Giả sử có người tu theo đạo Phật, hóa độ được muôn ức vị A La Hán và Bích Chi Phật, nhưng lợi ích không bằng có người chỉ trong giây phút tùy thuận và tu tập pháp môn Viên Giác vô ngại này.

LƯỢC GIẢI

Ba pháp môn “chỉ, quán và chỉ quán song tu” này là cái phương tiện để nhập Viên Giác tánh . Tất cả chư Phật và Bồ tát cũng đều y theo ba pháp môn này mà được thành đạo chứng quả.

Những người giáo hóa ngàn muôn ức Thinh văn và Duyên giác tuy nhiều, nhưng thuộc về Tiểu thừa quả, nên sự lợi ích không bằng người trong giây phút, tùy thuận tánh Viên Giác. Vì tùy thuận tánh Viên Giác tức là vào cảnh giới Phật, nên lợi ích lớn hơn.

8. PHẬT NÓI BÀI KỆ TÓM LẠI NGHĨA TRÊN

Khi đó đức Thế Tôn muốn tóm lại các nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:

Oai Ðức! Ông nên biết:

Viên Giác tánh không hai,

Phương tiện tu có nhiều.

Như Lai tóm chỉ bày

Không ngoài ba pháp này:

Tu pháp “Chỉ” vắng lặng,

Như bóng chiếu trong gương.

Tu pháp “Quán” như huyễn,

Như mộng (mầm, chồi) lần lần lớn.

Chỉ, Quán đồng thời tu,          

Như tiếng “boong” của chuông.

Ba pháp môn mầu nhiệm,

Ðều tùy thuận Viên Giác.

Mười phương các đức Phật,

Và các đại Bồ tát,

Nhơn đây được thành đạo.

Ba pháp, chứng hoàn toàn,

Là rốt ráo Niết bàn.

LƯỢC GIẢI

Ðại ý bài kệ này Phật nói: Tánh Viên Giác không hai, nhưng các phương tiện tu hành có vô số. Song, không ngoài 3 pháp môn là: Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu. Các đức Phật và các vị Bồ tát cũng đều y ba pháp này mà được thành đạo. Chứng 3 pháp này được hoàn toàn thì rốt ráo quả Niết bàn.

Ba pháp môn này cũng đều gọi là ba pháp “Chỉ” hay ba pháp “Quán”

1. Xa ma tha là “thể chơn chỉ”, tức là “không quán”, y theo chơn đế mà tu.

2. Tam ma bát đề là “phương tiện tùy duyên chỉ” tức là “giả quán”, y theo tục đế mà tu.

3. Thiền na là “nhị biên phân biệt chỉ”, tức là “trung quán”, y theo trung đế mà tu.

Nếu phân tách mà nói, thì ba pháp Chỉ gọi là “Xa ma tha”, còn ba pháp Quán gọi là “Tam ma bát đề”. Chỉ và Quán không hai gọi là “Thiền na”.

______________

(1) Viên âm (là tiếng tròn): Tiếng nói của Phật đầy đủ ý nghĩa, tùy theo trình độ của người cao thấp đều được hiểu ngộ.

(2) Bồ tát phát tâm Ðại bi: Bồ tát nhận thấy tất cả chúng sanh cùng với mình đồng một bản thể chơn như bình đẳng không hay không khác. Vì thế mà Bồ tát phát tâm thương xót tất cả chúng sanh, nên gọi là “Ðại bi tâm”

Bồ tát rộng độ chúng sanh, mà không thấy chấp có mình năng độ và người được độ. Bởi không chấp tướng “ngã, nhơn,” như thế, nên Bồ tát làm không biết bao nhiêu việc lành, độ vô số chúng sanh mà tâm vẫn nhẹ nhàng thư thái (khinh an).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6058363