Học

Tạng thư sống chết - 3

 TẠNG THƯ SỐNG CHẾT

(The Tibetan Book Of Living And Dying)

Nguyên tác: SOGYAL RINPOCHE

Ni sư THÍCH NỮ TRÍ HẢI dịch

 

3. TƯ DUY VÀ THAY ĐỔI 

Hồi còn bé ở Tây Tạng, tôi có nghe câu chuyện về bà Krisha Gotami, một thiếu phụ có cái diễm phúc được sống vào thời Phật. Đứa con đầu lòng của nàng mới chừng một tuổi bỗng nhiên ngã bệnh và chết. Quá đau khổ, nàng ôm xác con đi lang thang khắp các nẻo đường, gặp ai cũng xin cứu cho nó sống lại. Một số người tảng lờ, vài người cười nhạo, nghĩ nàng đã điên, nhưng cuối cùng nàng gặp một người thông minh chỉ cho nàng biết đức Bụt là người duy nhất trên đời có thể làm được cái phép lạ mà nàng đang cần. Bởi thể nàng tới nơi Bụt, đặt xác con dưới chân ngài và kể lại chuyện trên. Bụt lắng nghe với lòng bi mẫn vô biên, rồi ngài nhẹ nhàng bảo:

- Chỉ có một cách duy nhất để hàn gắn nỗi đau buồn của con. Con hãy xuống phố, xin về cho ta một hột mù tạt từ một nhà nào chưa hề có người chết.

Gotami sung sướng đi ngay xuống phố thị. Nàng đứng trước ngôi nhà đầu tiên và nói:

- Bụt đã bảo tôi đi tìm một hột mù tạt từ nơi nhà chưa từng biết đến cái chết. Người trong nhà nói:

Nhiều người đã chết trong nhà này.

Nàng đến nhà kế tiếp, và cũng được bảo:

Trong gia đình chúng tôi, có vô số người thân đã chết.

Cứ thế qua đến nhà thứ ba thứ tư cho đến khi nàng đã đi quanh hết cả thành phố, và nhận ra rằng cái điều kiện mà Bụt đặt ra không thể nào thực hiện. Nàng bèn đem xác con đến nghĩa địa và nói lời cuối cùng vĩnh biệt nó, rồi trở về nơi Bụt. Ngài hỏi:

Con có đem lại hột mù tạt đó không?

Nàng đáp:

Thưa Bụt không. Con bắt đầu hiểu được bài học Bụt cố dạy con. Sự đau khổ đã làm cho con mù quáng, và con nghĩ rằng chỉ có con là khổ vì cái chết.

Phật hỏi:

Tại sao con trở lại?

Nàng đáp:

Để xin Bụt dạy cho con chân lý về chết là gì, cái gì ở đằng sau và bên kia sự chết, và có cái gì ở trong con sẽ không chết hay không.

Đức Phật khởi sự giảng dạy cho nàng.

- Nếu con muốn biết sự thật về sống và chết, con hãy tư duy liên tục về điều này: “Có một định luật duy nhất trong vũ trụ không bao giờ thay đổi, đó là mọi sự đều chuyển biến vô thường. Cái chết của con con bây giờ đã giúp con thấy được rằng cái thế giới của sinh tử mà ta đang sống là một biển khổ vô biên không thể nào chịu nổi. Chỉ có một con đường duy nhất ra khỏi vòng sống chết bất tận đó là con đường giải thoát. Vì sự đau khổ đã khiến con sẵn sàng học hỏi, và tâm con sẵn sàng mở ra để đón nhận chân lý, nên ta sẽ khai thị cho con”.

Krisha Gotami quỳ dưới chân Bụt và theo Bụt suốt quãng đời còn lại của nàng. Khi gần chết, nàng đã giác ngộ.

CHẤP NHẬN CÁI CHẾT

Câu chuyện về Krisha Gotami chỉ cho ta một điều mà ta có thể chiêm nghiệm nghiền ngẫm: Một sự xúc chạm gần gũi với cái chết có thể đem lại một sự tỉnh thức thực sự, một sự chuyển hóa trong toàn bộ nhân sinh quan của ta.

Hãy lấy ví dụ cái kinh nghiệm cận tử. Có lẽ một trong những khải thị quan trọng nhất của nó đã chuyển hóa con người trải qua kinh nghiệm ấy như thế nào. Những nhà nghiên tầm đã lưu ý một số hậu quả và biến đổi đáng ngạc nhiên nơi những người ấy: Đó là họ bớt sợ hãi và biết chấp nhận sự chết; họ quan tâm đến việc giúp đỡ người khác nhiều hơn, họ càng thấy rõ tầm quan trọng của yêu thương, họ ít quan tâm đến những theo đuổi vật chất, họ càng tin tưởng vào chiều hướng tâm linh và ý nghĩa cuộc đời, và dĩ nhiên họ càng mở rộng niềm tin về đời sau. Một người đã nói với Kenneth Ring:

- Tôi đã được chuyển hóa từ một con người lạc lõng lang thang không mục đích, không thiết gì trong đời ngoài ra là tài sản vật chất, đến một người có định hướng, có động cơ sâu xa, có một mục đích trong cuộc đời, và một niềm tin mãnh liệt rằng sẽ có một quả báo vào cuối cuộc đời. Lòng say mê của cải, ham muốn sở hữu vật chất nơi tôi đã được thay bằng sự khát khao tìm hiểu về tâm linh và ước mong thấy thế giới được cải thiện.

Một phụ nữ nói với Margot Grey, một nhà nghiên cứu Anh quốc về kinh nghiệm cận tử:

Tôi dần dần cảm thấy có một ý thức cao về tình yêu, khả năng cảm thông, khả năng tìm thấy niềm vui và lạc thú trong những việc nhỏ nhặt tầm thường nhất quanh tôi... Tôi phát sinh một lòng bi mẫn lớn lao đối với người bệnh và người sắp chết, và hết sức mong sao cho họ biết và ý thức được rằng tiến trình chết chỉ là một sự nối dài của đời sống.[1] 

Tất cả chúng ta đều biết những khủng hoảng đe dọa sự sống như bệnh nặng, v.v... có thể phát sinh những chuyển hóa sâu xa tương tự. Freda Naylor, một bác sĩ can đảm ghi nhật ký khi chết vì bệnh ung thư như sau:

Tôi đã có những kinh nghiệm mà có lẽ không bao giờ tôi có được, về điều nầy tôi phải cảm ơn bệnh ung thư. Sự khiêm cung, giảng hòa với cái chết của chính tôi, nhận ra năng lực tâm linh tôi - một điều luôn làm tôi ngạc nhiên - và nhiều điều khác nữa về chính mình mà tôi đã khám phá bởi vì tôi đã dừng tại chỗ, xác định lại và tiến lên.[2]

Nếu chúng ta quả có thể “xác định lại và tiến lên” với lòng khiêm cung và cởi mở ấy, và thực sự chấp nhận cái chết của chúng ta, thì ta sẽ tự thấy mình sẵn sàng hơn để đón nhận những chỉ dẫn về tâm linh để tu tập. Sự sẵn sàng đón nhận này còn mở đến một khả năng khác kỳ diệu hơn: Khả năng phục hồi đích thực.

Tôi nhớ một phụ nữ Mỹ trung niên đến viếng Dudjom Rinpoche tại Nữu ước vào năm 1976. Bà ta không đặc biệt quan tâm gì tới Phật giáo, nhưng bà nghe nói có một bậc thầy vĩ đại đang ở trong thành phố. Bà đang ốm nặng, và trong cơn tuyệt vọng bà muốn thử bất cứ gì, cả đến sự viếng thăm một bậc thầy Tây Tạng! Lúc ấy tôi làm người thông dịch.

Bà vào phòng, ngồi trước mặt Dudjom Rinpoche. Bà quá xúc động bởi chính tình trạng mình và sự hiện diện của ngài, tới nỗi bà òa lên khóc. Bà la lên: [1] [2] 

- Bác sĩ của tôi bảo tôi chỉ còn sống vài tháng nữa. Thầy có thể nào giúp tôi không? Tôi đang chết.

Ngạc nhiên cho bà làm sao, một cách nhẹ nhàng đầy từ mẫn Dudjom Rinpoche khởi sự cười khúc khích. Rồi ngài bình tĩnh nói:

- Bà thấy, ai trong chúng ta cũng đang chết cả. Chỉ là vấn đề thời gian. Một số người chết sớm hơn người khác, thế thôi.

Với những lời ít ỏi đó, ngài giúp bà ta thấy được tính chất phổ quát của sự chết, và cái chết sắp tới của bà không phải là duy nhất. Điều ấy làm bà đỡ lo. Rồi ngài nói về chết và chấp nhận cái chết. Ngài nói về niềm hy vọng ở trong sự chết. Và cuối cùng ngài cho bà một phương pháp tu tập để chữa trị, mà bà đã hăng hái tuân theo.

Không những bà khởi sự chấp nhận cái chết, mà nhờ tu tập một cách hoàn toàn thành khẩn, bà đã khỏi bệnh. Tôi đã nghe nhiều trường hợp khác, có những người được chẩn đoán là bệnh đã tới thời kỳ sau chót, chỉ còn sống vài tháng, nhưng khi họ đi vào độc cư, tu tập tâm linh, thực sự đối mặt với chính mình và với cái chết, thì họ lại hết bệnh. Điều này cho ta thấy gì? Rằng khi ta chấp nhận chết, chuyển hóa thái độ của ta đối với cuộc đời, và tìm ra mối liên hệ căn để giữa sống và chết, thì lúc ấy, một khả năng chữa trị kỳ diệu có thể xảy ra.

Những Phật tử Tây Tạng tin rằng những bệnh như ung thư có thể là một lời cảnh cáo nhắc ta nhớ rằng ta đã lãng quên những khía cạnh sâu xa của bản thể ta, những nhu cầu tâm linh chẳng hạn. Nếu ta nghiêm túc đón nhận sự cảnh cáo này, và thay đổi một cách căn bản chiều hướng cuộc đời ta, thì rất có hy vọng chữa lành không những thân xác ta mà cả toàn thể con người ta nữa.

SỰ THAY ĐỔI SÂU XA TRONG TÂM ĐỂ

Tư duy sâu xa về vô thường, như Krisha Gotami đã làm là thấu hiểu tận trong tim bạn cái sự thật được diễn tả trong những câu thơ của một bậc thầy hiện nay, Nyoshul Khenpo:

Bản chất mọi sự đều huyễn hóa phù du

Những người nhận thức nhị nguyên thường xem khổ là vui

Như kẻ liếm mật nơi lưỡi dao bén.

Đáng thương những ai bám chặt vào thực hữu

Hãy xoay sự chú ý vào trong, hỡi bạn thân.

Nhưng thật là khó làm sao để xoay chú ý vào trong! Chúng ta dễ dàng quen thói cũ, đặt ra những mẫu mực để nó trở lại khống chế mình! Mặc dù, như bài thơ trên cho thấy, chúng đem lại đau khổ cho ta, ta vẫn chấp nhận chúng một cách cam chịu, vì đã quen đầu hàng chúng. Chúng ta có thể xem tự do giải thoát như một lý tưởng, song khi động tới những thói quen của mình, thì ta hoàn toàn biến thành nô lệ.

Tuy thế, nhờ tư duy mà ta có thể dần dần đạt đến trí tuệ. Chúng ta có thể một ngày nào đó nhận ra rằng mình đang tái đi tái lại những mẩu mực cố định, và khởi sự mong muốn thoát ra. Dĩ nhiên chúng ta có thể rơi trở lại vào thói quen, nhiều lần, nhưng dần dà cũng có thể ngoi lên khỏi chúng và bắt đầu thay đổi. Bài thơ sau đây nói cho tất cả chúng ta, gọi là “Tự truyện trong Năm Chương”:

1. Tôi đi xuống đường phố

    Có một lỗ sâu bên vệ đường

    Tôi rớt vào đó.

    Tối chới với vô phương.

2. Tôi đi xuống cũng con đường ấy

    Có một lỗ sâu bên vệ đường

    Tôi làm bộ như không trông thấy

    Tôi lại rớt như thường.

    Tôi không ngờ mình ở ngay chỗ cũ

    Nhưng đó đâu phải lỗi tại tôi

    Mất nhiều thời gian mới hòng ra được.

3. Tôi cũng lại đi con đường cũ

    Có một lỗ sâu bên vệ đường

    Tôi thấy nó vẫn đang ở đấy

    Và tôi vẫn rơi vào. Đó là thói quen

    Mắt tôi vẫn mở

    Tôi biết mình ở đâu

    Đấy là lỗi tại tôi

    Tôi liền ra tức khắc.

4. Tôi đi xuống con đường phố cũ

    Có một lỗ sâu bên vệ đường

    Tôi đi quành qua nó.

5. Tôi đi xuống bằng con đường khác.

Mục đích của tư duy về cái chết (tử tưởng) là làm một cuộc đổi mới thực sự trong đáy tim bạn, và tập khởi sự tránh cái “lỗ sâu bên vệ đường” bằng cách “đi con đường khác”. Thường điều này cần có một thời gian nhập thất quán tưởng sâu xa, vì chỉ có vậy ta mới có thể mở mắt thực sự để thấy ta đã làm gì với cuộc đời ta.

Nhìn thẳng cái chết không nhất thiết phải hãi hùng ghê gớm lắm. Tại sao không tư duy sự chết khi bạn đang cao hứng, thoải mái, nằm trong giường ấm áp tiện nghi, hoặc khi bạn đang trải qua dịp nghỉ lễ, đang lắng nghe bản nhạc mà bạn yêu thích? Tại sao không tư duy sự chết khi bạn đang hạnh phúc, khỏe mạnh, đầy tin tưởng và hoàn toàn an vui? Bạn có để ý rằng có những giờ phút đặc biệt trong đó bạn có khuynh hướng nội quán hay không? Hãy làm việc với những giây phút ấy một cách nhẹ nhàng, vì đấy là những giây phút bạn có thể có được một kinh nghiệm mãnh liệt sâu xa, thay đổi toàn thể quan niệm của bạn về thế giới. Có những thời điểm trong đó những niềm tin cũ của bạn trước kia tự động sụp đổ hoàn toàn, bạn tự thấy mình được đổi mới hẳn.

Sự quán niệm cái chết sẽ đem lại cho bạn một ý thức sâu xa về sự từ bỏ trong đạo Phật, Tạng ngữ là Ngé jungNgé có nghĩa là “thực sự” hay “quyết định”, jung là “ra khỏi”, “ngoi lên”, hay “sinh ra”. Kết quả sự tư duy thường xuyên và sâu xa về cái chết là, bạn sẽ thấy mình “ngoi lên” khỏi những mẫu mực thói quen của mình, thông thường là với cảm giác ngấy chán đối với chúng. Bạn sẽ thấy mình càng lúc càng thêm sẵn sàng rũ bỏ chúng, và cuối cùng bạn có thể thoát khỏi chúng một cách êm thấm nhẹ nhàng, “như rút một cọng tóc ra khỏi một thỏi bơ”, các bậc thầy đã ví dụ.

Sự từ bỏ mà bạn sẽ đạt tới ấy, đem lại cho bạn vừa nỗi buồn vừa niềm vui: Buồn vì bạn nhận thức được cái vô vị của những thói cũ nơi bạn, và vui vì cái tri kiến sâu xa dần dần mở ra trong bạn, khi bạn có thể buông bỏ những thói cũ. Đây không là một niềm vui phàm tục, mà là một hỉ lạc làm phát sinh một năng lực mới mẻ, thâm hậu, một niềm tin, một cảm hứng bền bỉ thoát thai từ nhận thức rằng mình không phải là tên nô lệ cho những thói quen của mình, quả thế mình có thể ngoi lên khỏi chúng, rằng mình có thể thay đổi, và trở nên càng ngày càng giải thoát tự do.

NHỊP TIM CỦA THẦN CHẾT

Sẽ không có hy vọng nào biết được cái chết nếu nó chỉ xảy đến một lần mà thôi. Nhưng may thay, cuộc đời toàn thị chỉ là một màn luân vũ của sống và chết, một cuộc nhảy múa của vô thường. Mỗi khi tôi nghe tiếng thác đổ, hay tiếng sóng vỗ vào bờ, hay tiếng tim tôi đập, tôi lại nghe tiếng của vô thường. Những thay đổi ấy, những cái chết nhỏ ấy là những móc nối sống động giữa ta với sự chết. Đó là mạch nhảy của thần chết, là nhịp tim của thần chết, nhắc ta buông mọi sự ta đang bám víu.

Bởi thế ta hãy làm việc với những thay đổi ấy ngay bây giờ, trong đời sống: Đấy là cách thực sự để chuẩn bị cho cái chết. Đời sống có thể đầy những nỗi đau thể xác và tinh thần, đầy những gian khổ, nhưng tất cả những thứ này lại là những cơ hội giúp ta có thể chấp nhận cái chết. Chỉ khi ta tin tưởng mọi sự vẫn trường tồn, thì ta mới không thể rút bài học từ biến dịch. Khi ấy ta như bị nhốt kín, và trở nên tham lam níu kéo (chấp thủ). Chấp thủ là nguồn gốc mọi vấn đề của chúng ta. Vì vô thường đối với chúng ta có nghĩa là lo âu bất trắc, nên ta bám vào, níu kéo mọi sự một cách tuyệt vọng, mặc dù mọi sự đều biến đổi. Chúng ta sợ phải buông xả, và có thể nói là chúng ta sợ phải sống thực sự, vì tập sống thực sự có nghĩa tập buông xả. Và đấy là bi kịch, là sự nghịch lý của cuộc đấu tranh hòng tiếp tục bám víu: Không những điều ấy là bất khả, mà nó còn mang lại cho ta cái khổ mà ta muốn tránh. Cái ý định đằng sau sự bám víu tự nó có thể không có gì quấy; không có gì sai lầm trong sự việc ta muốn được hạnh phúc an vui, nhưng cái điều ta muốn níu kéo thì tự bản chất đã là không thể níu kéo được. Người Tây Tạng nói rằng: “Chúng ta không thể rửa tay hai lần trong cùng một dòng nước”, và “Dù có ép mạnh bao nhiêu, bạn cũng không thể ép cát ra dầu”.

Thâm nhập lý vô thường thực sự chính là dần dần tự giải thoát khỏi chấp thủ, khỏi quan niệm sai lầm tai hại của ta về trường tồn, khỏi sự say mê an ninh bảo đảm trên đó ta dựng xây mọi thứ. Dần dà, ta nhận ra rằng, cái cơn nhức nhối tim gan mà ta phải trải qua do cố níu những gì không níu được, suy cho cùng thực không cần thiết. Lúc đầu, ngay đến chuyện này cũng thật khó mà chấp nhận, vì ta chưa quen thuộc. Nhưng khi càng suy nghĩ và tiếp tục suy nghĩ, tâm trí ta sẽ dần dần thay đổi. Sự buông xả bắt đầu có vẻ tự nhiên hơn, và càng ngày càng dễ. Có thể phải cần nhiều thời gian để những sự điên rồ của ta lắng xuống, nhưng càng tư duy, ta càng phát triển cái tri kiến của sự buông xả, chính lúc đó một sự đổi mới xảy ra trong lối nhìn của ta đối với mọi sự.

Quán niệm tính vô thường mà thôi chưa đủ, bạn phải làm việc với nó trong cuộc đời của bạn. Cũng như học y khoa cần cả lý thuyết lẫn thực hành, học sống cũng vậy, và trong sự học sống ở đời, sự thực hành nằm ngay đây, trong phòng thí nghiệm của biến dịch. Khi những đổi thay xảy đến, chúng ta tập nhìn chúng với một tuệ giác mới. Mặc dù mọi sự vẫn tiếp tục xảy ra như trước, song một cái gì trong ta sẽ đổi khác.

Hoàn cảnh bây giờ đối với ta có vẻ thoải mái hơn, bớt căng thẳng khổ nhọc, và dù có trải qua những cuộc bể dâu, chúng ta cũng ít kinh hãi trước ảnh hưởng của chúng. Mỗi cuộc bể dâu đem lại cho ta thêm một ít thực chứng, và quan niệm của ta về sự sống trở nên càng ngày càng sâu sắc và khoáng đạt hơn.

LÀM VIỆC VỚI NHỮNG ĐỔI THAY

Ta hãy thử một thí nghiệm. Hãy nhặt một đồng xu lên, và tưởng tượng nó là cái đối tượng mà bạn đang bám víu. Bạn hãy giữ nó thật chặt trong nắm tay đối diện với mặt đất. Bấy giờ nếu bạn buông ra hay thả lỏng nắm tay, bạn sẽ mất cái mà bạn đang nắm giữ. Chính đó là lý do làm bạn phải nắm lại.

Nhưng có một khả năng khác: Bạn có thể buông ra mà vẫn giữ được đồng xu đó. Bạn duỗi cánh tay, để ngữa nắm tay cho đối diện với bầu trời. Rồi bạn thả nắm tay, thì đồng xu vẫn còn nằm trên bàn tay mở của bạn. Thế là bạn buông xả mà đồng xu vẫn còn là của bạn, mặc dù xung quanh nó là hư không bao la.

Bởi vậy vẫn có cách để chúng ta có thể chấp nhận vô thường mà vẫn thưởng thức được hương vị cuộc đời, và đồng thời không bám víu. Ta hãy nghĩ đến những gì thường xảy ra trong những mối tương quan. Phần lớn chỉ khi sắp mất bạn, người ta mới nhận ra mình thương bạn, và khi ấy người ta càng bám chặt hơn. Nhưng càng níu kéo thì người kia càng thoát ly, và mối liên lạc giữa họ càng mong manh hơn.

Chúng ta muốn có hạnh phúc, nhưng chính cái cách ta theo đuổi hạnh phúc lại quá vụng về đến nỗi nó chỉ đem lại thêm nhiều phiền muộn. Thông thường ta tưởng chừng ta phải giữ kỹ để có được cái gì mà ta cho là sẽ bảo đảm hạnh phúc của ta. Ta tự hỏi: “Làm sao ta có thể sẽ bảo đảm một cái gì nếu ta không thể sở hữu nó?” Quá thường khi, ta lẫn lộn sự bám víu với tình yêu. Ngay cả khi mối tương giao thật tốt đẹp, thì tình yêu vẫn thường bị hỏng do sự bám víu, từ bám víu có nỗi bất an, chiếm hữu và kiêu căng; và khi tình yêu bay mất, thì bạn chỉ còn lại những hoài niệm để chứng tỏ tình yêu của bạn, đó là vết sẹo của sự bám víu.

Vậy thì làm thế nào ta có thể vượt qua sự bám víu? Chỉ bằng cách trực nhận bản chất vô thường của nó; sự nhận chân này sẽ giải thoát ta khỏi nanh vút của tính chấp thủ. Chúng ta sẽ thoáng thấy được như các thiền sư đã nói, thái độ đích thực đối với sự đổi thay là: Ta như thể bầu trời đang nhìn mây bay qua, hay “giải thoát như thủy ngân”. Khi thủy ngân giọt trên đất, bản chất nó là vẫn nguyên vẹn không lấm bụi. Khi ta theo lời dạy của các bậc thầy, dần dần buông bỏ sự bám víu, thì một lòng bi mẫn bao la cũng nảy sinh trong ta. Những đám mây vô minh chấp thủ tan biến, và mặt trời là trái tim yêu thương chân thực bỗng chiếu sáng. Chính lúc ấy từ bản thể sâu xa, ta bắt đầu nếm được hương vị câu thơ chứa đựng chân lý siêu thoát củaWilliam Blake:

Kẻ nào ràng buộc mình vào một lạc thú

Làm hỏng đôi cánh cuộc đời;

Kẻ nào chỉ hôn hạnh phúc khi nó lướt qua

Sẽ sống trong ánh mặt trời Bất tận.

TINH THẦN CHIẾN SĨ

Chúng ta có thói quen tin rằng nếu ta buông xả, ta sẽ không còn gì. Nhưng cuộc đời luôn luôn cho thấy cái ngược lại. Đó là, sự buông xả chính là con đường đưa đến giải thoát tự do.

Cũng như khi sóng đánh vào bờ, những mỏm đá không thiệt hại gì mà còn được giũa mòn và chạm trổ thành những hình dáng đẹp, nhân cách chúng ta cũng vậy, có thể được un đúc nhờ những cuộc đổi thay, những góc cạnh thô nhám được giũa mòn và trở nên mềm mại. Nhờ những đổi thay mà ta có thể dần phát huy một thái độ hòa nhã nhưng không ai lay chuyển nổi. Lòng tự tín nơi ta càng thêm tăng trưởng và từ đó tự nhiên tỏa ra sự tử tế từ bi, đem lại niềm vui cho người khác. Chính thiện tính ấy là cái gì còn lại sau khi chết, cái thiện tính căn để sẵn có trong tất cả mọi người chúng ta. Toàn thể cuộc đời chỉ là để dạy cho ta làm thế nào để hiển lộ thiến tính ấy, và luyện cho ta thực chứng nó.

Bởi thế mỗi khi những mất mát, vỡ mộng trong đời dạy cho ta về vô thường, chúng lại đưa ta đến gần sự thật hơn. Khi bạn từ trên cao rớt xuống thì chỉ có một chỗ duy nhất có thể đậu lại, đó là nền mặt đất, nền tảng của chân lý. Và nếu bạn có tuệ giác do sự tu tâm đem lại, thì việc rớt xuống tuyệt nhiên không là một tai họa, vì chính nhờ vậy bạn tìm được một chỗ trú nội tâm.

Những khó khăn và chướng ngại nếu hiểu đúng và biết vận dụng, thường có thể biến thành nguồn năng lực không ngờ. Trong tiểu sử những bậc thầy, ta thường thấy rằng nếu họ không gặp khó khăn chướng ngại, thì họ đã không khám phá được sức mạnh cần thiết để vượt qua. Chẳng hạn đời của Gesar, vị vua chiến sĩ mà những cuộc tẩu thoát đã làm nên bản anh hùng ca vĩ đại nhất của văn học Tây Tạng. Gesar có nghĩa là không ai hàng phục nổi. Từ khi ông sinh ra, người chú ác độc tên Trotungtìm đủ mọi cách để giết, nhưng càng gặp nạn Gesar càng trở nên hùng mạnh. Kỳ thực, chính nhờ những nỗ lực của chú để làm hại ông, mà ông trở thành con người vĩ đại như thế. Do đó Tây Tạng có ngạn ngữ: “Trotung tro ma tung na, Gesar ge mi sar,” có nghĩa nếu Trotung không mưu mô quỷ quyết, thì Gesar đã không lên cao như vậy.

Đối với dân Tây Tạng, Gesar không những là một chiến sĩ về quân sự mà cả về tâm linh, nghĩa là đã luyện được một thứ dũng cảm đặc biệt có tính cách thông minh thiên phú, vừa hiền hòa vừa bất khuất. Chiến sĩ tâm linh thì dù vẫn còn sợ hãi song cũng đủ can đảm để nếm trải khổ đau, nhớ đến nỗi sợ hãi căn để của mình, và rút ra được bài học từ những gian khổ nên không tránh né. Chogyam Trungpa Rinpoche nói:

- Trở thành một chiến sĩ tâm linh có nghĩa là có thể đổi sự phấn đấu cho sự bảo đảm an ninh nhỏ nhen của ta để có một tri kiến rộng lớn hơn, đầy tính vô úy, khoáng đạt và anh hùng...[3]

THÔNG ĐIỆP CỦA VÔ THƯỜNG TRONG CÁI CHẾT CÓ NIỀM HY VỌNG

Hãy nhìn sâu thêm nữa vào vô thường, bạn sẽ thấy nó có một thông điệp khác, một bộ mặt khác, đầy hy vọng lớn lao, một thông điệp làm bạn mở mắt ra trước bản chất uyên nguyên của vũ trụ, và mối tương quan kỳ diệu của ta với nó.

Nếu mọi sự là vô thường, thì mọi sự là “không” (trống rỗng), nghĩa là không có một thực hữu nội tại, chắc chắn, trường cửu. Và mọi sự, khi được thấy và hiểu trong tương quan đích thực của nó, thì không phải là những thực thể độc lập mà hỗ tương lệ thuộc với mọi vật khác. Phật so sánh vũ trụ như một cái lưới rộng lớn dệt bằng vô số hạt châu chiếu sáng, mỗi hạt có vô số góc cạnh. Mỗi hạt châu phản chiếu vô số hạt khác trong lưới, và là một với những hạt khác.

Hãy nghĩ đến một làn sóng trên biển. Nhìn một cách, thì nó dường như có một thực thể riêng biệt, có đầu có cuối, có sinh có diệt. Nhưng nhìn cách khác, thì làn sóng chính nó không thực hữu mà chỉ là một dáng dấp của nước, nó “trống rỗng” hay không có lý lịch riêng, nhưng mà “đầy” nước. Vậy khi bạn thực sự nghĩ về làn sóng, bạn nhận ra rằng nó là một cài gì tạm thời có được nhờ gió và nước, và tùy thuộc vào một loạt những trường hợp luôn luôn thay đổi. Bạn cũng nhận ra rằng mỗi làn sóng đều có tương quan với mỗi làn sóng khác.

Không một thứ gì có một hiện hữu nội tại riêng nó, khi bạn thực tình nhìn kỹ. Và sự vắng mặt một hiện hữu biệt lập ấy ta gọi là “trống rỗng”. Hãy nghĩ đến một cái cây. Khi bạn nghĩ đến cái cây, bạn ưa nghĩ đến một sự vật được xác định rõ rệt, và ở một bình diện, nó quả có thực, như làn sóng nói trên. Nhưng khi bạn nhìn kỹ hơn vào cái cây, bạn sẽ thấy cuối cùng nó cũng không có hiện hữu biệt lập. Khi ngắm nhìn nó, bạn sẽ thấy nó tan biến vào một mạng lưới tương quan vô cùng vi tế trải dài suốt vũ trụ. Cơn mưa rơi trên lá cây, gió lay cành, đất nuôi dưỡng và nâng đỡ nó, bốn mùa và thời tiết, trăng sao và ánh mặt trời - tất cả đều là một phần của cái cây. Khi bạn khởi sự nghĩ về cái cây càng nhiều hơn nữa, bạn sẽ khám phá rằng mọi sự trong vũ trụ đều phụ lực để làm cho cây trở thành cái nó đang thành, rằng không một lúc nào nó có thể tách biệt nó ra khỏi những cái khác; rằng mọi lúc bản chất nó đang thay đổi một cách tinh tế. Đây là ý nghĩa khi chúng tôi bảo mọi sự là trống rỗng, không có hiện hữu độc lập.

Khoa học hiện nay cho ta biết phạm vi rộng lớn của những tương quan trong vũ trụ. Những nhà sinh môi biết rằng một cây cháy trong rừng Amazon bằng một cách nào đó, làm thay đổi bầu không khí mà một thị dân thủ đô Ba lê đang thở, và sự rung động của một cánh bướm ở Yucatan có ảnh hưởng tới đời sống của một trang trại vùng Hebrides. Những nhà sinh vật học bắt đầu khám phá cuộc luân vũ phức tạp ly kỳ của những nhiễm thể trong tế bào tạo nên cá tính và sự giống nhau, một cuộc luân vũ trải dài rất xa về quá khứ và chứng minh rằng mỗi sự gọi là “giống nhau” gồm rất nhiều ảnh hưởng khác nhau. Những nhà vật lý học thì giới thiệu chúng ta vào thế giới của lượng tử, một thế giới giống hệt một cách lạ lùng với thế giới mà Phật mô tả trong hình ảnh cái lưới châu ngọc (Phạm võng) trải khắp vũ trụ. Hệt như những hạt ngọc trong lưới ấy, mọi phân tử đều hiện hữu kể như những phối hợp khác nhau của những phân tử khác.

Bởi thế khi ta thực sự nhìn vào chính mình cùng những sự vậy chung quanh mà ta cho là chắc chắn bền bỉ, ta đều thấy chúng không thực gì hơn một giấc chiêm bao. Phật dạy:

Hãy quán sát vạn pháp

Như ảo tượng, lầu mây

Như mộng, như hóa hiện,

Có thấy, không thực chất

            Hãy quán sát vạn pháp

            Như bóng trăng phản chiếu

            Đáy hồ nước lặng trong

            Trăng chưa từng di chuyển.

Hãy quán sát vạn pháp

Như vang của âm thanh

Tiếng nhạc và tiếng khóc

Trong vang không điệu gì.

            Hãy quán sát vạn pháp

            Như huyễn sư tạo huyễn

            Đủ thứ ngựa, xe, bò

            Chỉ có tưởng, không thực.

Sự quán tưởng tính chất mộng huyễn của thực tại không nhất thiết làm cho ta phải trở nên lạnh lùng, vô vọng hay cay đắng. Ngược lại, nó có thể mở ra trong ta một tính hài hước thân thiện, một lòng bi mẫn mà ta không ngờ mình cũng có, và do đó càng ngày tâm ta càng rộng rãi đối với mọi sự vật và hữu tình. Milarepa nói:

- Thấy được Tánh không, thì mở lòng thương xót.

Khi nhờ quán sát mà ta thực sự thấy được tánh không và tính hỗ tương lệ thuộc của mọi sự và chính mình, thì ta sẽ thấy thế giới dưới môt ánh sáng huy hoàng, tươi mát hơn, như cái lưới đan kết bằng vô số bảo châu phản chiếu nhau mà Phật đã mô tả. Khi ấy ta không cần phải tự che chở mình hay giả bộ, và ta sẽ dễ dàng thực hiện lời khuyên của một bậc thầy:

Hãy luôn nhận chân tính mộng huyễn của cuộc đời để giảm bớt ái luyến và thù ghét. Hãy có tâm tốt đối với mọi loài. Có tâm thương xót, bất kể kẻ khác đối xử với bạn ra sao. Những gì người khác làm đối với bạn không quan trọng lắm, khi bạn xem như mộng huyễn. Cái mánh là, bạn phải có những ý định tốt trong giấc mộng. Đây là điểm cốt yếu. Đây đích thực là tu tâm.

Tu tâm đích thực cũng là ý thức được rằng nếu ta có tương quan mật thiết với mọi người mọi sự, thì ngay cả một ý nghĩ, lời nói, hành động nhỏ nhất của ta cũng có những hậu quả khắp vũ trụ. Hãy ném một hòn sỏi xuống ao nước. Nó liền có một rung động trên mặt nước, những làn sóng nhỏ lăn tăn tan hòa vào nhau và tạo thành những làn sóng mới. Mọi sự đều tương thuộc một cách chặt chẽ: Chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta chịu trách nhiệm về mọi điều ta làm, nghĩ và nói, quả thế, có trách nhiệm về chính ta, về mọi người và mọi sự vật khác, cũng như với toàn thể vũ trụ. Đức Dalai Lama đã dạy:

Trong cái thế giới hỗ tương lệ thuộc mật thiết này, những cá nhân và quốc gia không còn có thể tự giải quyết vấn đề riêng của họ được. Chúng ta cần đến nhau. Bởi thế ta phải phát huy một ý thức về trách nhiệm hỗ tương... Trách nhiệm của tập thể và của từng cá nhân là bảo vệ và nuôi dưỡng đại gia đình địa cầu, nâng đỡ những thành viên yếu kém, bảo trì và săn sóc môi trường sống của tất cả chúng ta.[4]  

Vô thường đã khải thị cho ta nhiều sự thật, nhưng còn một kho tàng cuối nó đang giữ, một kho tàng mà phần lớn bị che khuất dưới mắt chúng ta, ta không ngờ và cũng không nhận ra được, song lại là của ta một cách thân thiết nhất.

Thi sĩ Rainer Maria Rilke đã nói rằng những nỗi sợ sâu xa nhất của ta giống như những con rồng đang giữ kho tàng sâu kín nhất của ta. Cái nỗi sợ mà vô thường khơi dậy trong ta, theo đó không có gì là thực, không gì trường cửu, hóa ra lại là người bạn tốt nhất của ta, bởi vì nó giục ta đặt câu hỏi: Nếu mọi sự đều hủy diệt, thay đổi, thì cái gì là có thực? Có chăng một cái gì đằng sau mọi giả tưởng, một cái gì vô biên, khoáng đạt vô cùng, làm sân khấu cho cuộc luân vũ của vô thường chuyển biến? Có chăng một cái gì ta có thể nương tựa an trú, một cái gì sống lâu hơn cái mà ta gọi là cái chết?

Để cho câu hỏi ấy xâm chiếm ta một cách cấp thiết, tư duy về nó, ta sẽ dần dần thay đổi sâu xa lối nhìn của ta về mọi sự. Với sự liên tục quán tưởng và thực hành buông xả, ta sẽ thấy hiển lộ trong chính ta “một cái gì” ta không thể gọi tên, mô tả, đặt thành khái niệm, “một cái gì” mà ta khởi sự thấy đang nằm đằng sau mọi sự biến dịch chết chóc của thế giới. Khi ấy những dục vọng và giải trí thiển cận mà ta bị trói buộc vào do chấp thủ tính chất trường cửu - khởi sự tan biến và rơi rụng.

 Khi điều này xảy đến, ta thường thoáng thấy những hàm ẩn rộng lớn ở đằng sau sự thật về vô thường. Nó giống như suốt buổi ta đã bay trong một chiếc phi cơ luồng qua những đám mây đen vần vũ, rồi bỗng dưng phi cơ vút lên trên những tầng mây, bay vào một bầu trời trong sáng bao la. Được cảm hứng, vui mừng khi ngoi lên trong chiều không gian mới đầy tự do ấy, ta dần khám phá một niềm an lạc sâu xa, một niềm tự tin làm ta đầy ngạc nhiên sung sướng. Dần dần, phát sinh một niềm xác tín rằng “một cái gì” đó trong ta không gì phá hủy được, không gì làm thay đổi được, và không thể chết. Milarepa viết:

Vì sợ chết tôi đi vào núi-

Liên tục trầm tư về tính bất định của giờ chết,

Bỗng bắt gặp thành trì bất tử, vô tận của tâm bản nhiên.

Bây giờ tất cả nỗi sợ chết đều tan biến.

Vậy, dần dần ta biết được trong ta có sự hiện diện của tự tính như bầu trời trong sáng mà Milarepa gọi là tâm bản nhiên, vốn bất tử và vô tận. Khi ý thức mới mẻ ấy trở nên sống động và gần như không gián đoạn, thì xảy ra cái mà Áo nghĩa thư gọi là “một sự xoay chiều của tâm thức” một khải thị có tính cách cá nhân, hoàn toàn không thể đặt tên, cho thấy ta là gì, tại sao ta ở đây, ta phải làm thế nào... Điều này cuối cùng, không khác gì một đời sống mới mẻ, một cuộc phục sinh.

Kỳ diệu thay, nhờ quán chân lý về vô thường một cách liên tục, không sợ hãi, mà dần dần ta thấy mình giáp mặt – trong niềm tri ân và hỉ lạc –  với chân lý về bản chất bất biến, bất tử và vô tận của tâm. 


[1] Margit Grey, Return from Death, p. 97.

[2] Dr R. G Owens and Freda Naylor, G.P. Living While Dying, p.59. Welling-borough, England, 1987.

[3] The Superhuman Life of Gesar of Ling. A. David-Neel Shambala. 1987. Introduction.

[4] Policy of kindness, 1990

(Xem tiếp tiết 4)

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 34
    • Số lượt truy cập : 6494892