Tạng thư sống chết - 8
TẠNG THƯ SỐNG CHẾT
(The Tibetan Book Of Living And Dying)
Nguyên tác: SOGYAL RINPOCHE
Ni sư THÍCH NỮ TRÍ HẢI dịch
8. ĐỜI NÀY: CÕI BARDO TỰ NHIÊN
Ta hãy thám hiểm Bardo đầu tiên, Bardo tự nhiên của cuộc đời, cùng những hàm ẩn của nó, rồi sẽ tiếp tục thám hiểm baBardo kia theo thứ tự và thời gian thích hợp. Bardo tự nhiên của cuộc đời này trải dài suốt cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Giáo lý về Bardo làm ta hiểu rõ tại sao đời này lại là một cơ may quý báu, được làm người có nghĩa gì, và gì là điều quan trọng nhất, cốt yếu nhất ta nên làm đối với tặng phẩm vô giá này, nghĩa là một đời người.
Những bậc thầy cho ta biết có một khía cạnh làm nền tảng căn để của tâm ta, gọi là “nền tảng của tâm thường ngày.”Longchenpa, bậc thầy Tây Tạng thế kỷ thứ mười bốn, mô tả nó như sau:
- Đó là một trạng thái trung tính, không giác ngộ, thuộc về tâm và tâm sở, đã trở thành nền tảng cho mọi hành nghiệp và dấu vết của sinh tử và niết bàn.
Nó có nhiệm vụ như một cái nhà kho, trong đó những dấu ấn của các hành vi quá khứ do cảm xúc tiêu cực gây ra được tích chứa lại như những hạt giống. Khi những điều kiện thích hợp phát sinh, chúng nẩy mầm và biểu hiện thành hoàn cảnh của đời ta.
Hãy tưởng tượng cái nền tảng của tâm ấy giống như một ngân hàng trong đó nghiệp được gửi vào kể như những dấu ấn của khuynh hướng thói quen. Nếu ta có thói suy nghĩ theo một mẫu mực đặc biệt nào đó, tiêu cực hay tích cực, những khuynh hướng ấy sẽ bị kích động dễ dàng, cứ trở lại và tiếp tục trở lại. Với sự lặp đi lặp lại ấy, những khuynh hướng và tập quán của ta càng ăn sâu, tăng trưởng, thêm năng lực, ngay cả khi ta ngủ. Đây là cách những thói quen, khuynh hướng ấy định đoạt đời ta, cái chết và tái sinh của ta.
Chúng ta thường tự hỏi: “Tôi sẽ như thế nào khi tôi chết?” Câu trả lời là, như cái tâm trạng mà hiện thời ta đang là, loại người mà ta đang là:
- Ta sẽ như thế ấy khi ta chết, nếu ta không thay đổi. Đấy là lý do tại sao thực quan trọng để xử dụng cuộc đời hiện tại của mình để thanh lọc luồng tâm thức, và do đó thanh lọc con người và tính tình ta, trong khi ta còn có thể làm việc ấy.
CÁI THẤY DO NGHIỆP LỰC
Tại sao chúng ta sinh làm người? Tất cả hữu tình có nghiệp giống nhau sẽ có một cái thấy giống nhau về thế giới xung quanh, toàn bộ thấy biết mà họ cùng có ấy gọi là “cái thấy do nghiệp.” Sự tương ứng mật thiết giữa nghiệp chúng ta với hoàn cảnh ta gặp, cũng giải thích được sự xuất hiện những hình tướng khác nhau: Chẳng hạn bạn và tôi là những con người, là do cái nghiệp căn để chung mà chúng ta cùng san sẻ. Tuy nhiên ngay trong thế giới người, chúng ta còn có mỗi người một nghiệp riêng. Chúng ta được sinh ra trong những xứ sở khác nhau, đô thị, gia đình khác; mỗi người hấp thụ một nền giáo dục khác, có những ảnh hưởng và niềm tin khác, tất cả những thứ này gồm chung lại thành nghiệp riêng của mỗi người. Mỗi chúng ta là một tổng thể những thói quen và hành động quá khứ, do vậy chúng ta chỉ có thể nhìn thấy sự vật bằng cái lối nhìn riêng biệt độc đáo của ta. Con người có vẻ giống nhau nhưng nhìn sự vật với cách hoàn toàn khác nhau, mỗi người sống trong một thế giới độc đáo của riêng mình. Kalu Rinpoche nói:
- Một trăm người chiêm bao, thì có trăm cảnh mộng khác nhau. Có thể nói mọi giấc mộng đều thực, nhưng thật phi lý nếu cả quyết rằng chỉ có một của một người là cảnh thực, những cảnh mộng khác đều sai sự thật. Mỗi người thấy sự thực tùy theo nghiệp chi phối những nhận thức của họ.
LỤC ĐẠO
Đời người chúng ta không phải là nghiệp cảnh duy nhất. Phật giáo phân biệt sáu cõi hiện hữu: Trời, a tu la, người, súc sinh, quỷ đói, địa ngục. Mỗi cõi là hậu quả của một trong sáu cảm xúc tiêu cực chính yếu: Kiêu mạn, ganh tị, dục vọng, ngu si, thèm khát và giận dữ.
Sáu cõi ấy có thực sự hiện hữu bên ngoài không? Chúng quả có thể hiện hữu vượt ngoài tầm nghiệp thấy của ta. Đừng bao giờ quên: “Cái gì chúng ta thấy chỉ là do nghiệp, thấy của chúng ta khiến cho thấy, không gì khác.” Cũng như trong hiện tại, với nhận thức bất tịnh, chưa tiến hóa của chúng ta, chúng ta chỉ biết được vũ trụ này, một con vi trùng cũng thế, có thể thấy một ngón tay của ta như cả một phong cảnh. Chúng ta kiêu căng tới nỗi chỉ tin rằng “thấy là tin tưởng” (nghĩa là, có thấy mới tin.) Nhưng những giáo lý cao của Phật thường nói đến vô lượng thế giới trong nhiều chiều không gian khác nhau – có thể có nhiều thế giới rất giống với thế giới chúng ta – và nhiều nhà thiên văn hiện đại đã có những giả thuyết về sự hiện hữu những vũ trụ song hành với vũ trụ này. Làm sao ta có thể cả quyết cái gì hiện hữu hay không hiện hữu ở bên kia giới hạn tri kiến hẹp hòi của chúng ta?
Nhìn vào thế giới xung quanh ta, và vào tâm ta, ta có thể thấy quả thực có sáu cõi luân hồi. Chúng hiện hữu khi chúng ta vô tình để cho những cảm xúc tiêu cực nơi ta chiếu ra và kết tinh thành những hoàn cảnh sống (cõi, hay y báo), và để cho những cảm xúc ấy định đoạt mẫu mực, hình dạng, hương vị và toàn thể đời ta trong những cõi ấy. Sáu cõi cũng hiện hữu trong tâm ta dưới dạng những hạt giống và khuynh hướng tiêu cực luôn sẵn sàng để nẩy nầm và tăng trưởng, tùy theo ảnh hưởng bên ngoài và lối sống của ta.
Ta hãy nhìn xem một vài cõi như thế đã được phản chiếu và cô đọng lại trong thế giới quanh ta như thế nào. Đặc tính chính của cõi trời chẳng hạn, là vắng bóng khổ đau, một cõi có sắc đẹp bất biến và mê mẩn theo dục lạc. Hãy tưởng tượng những vị thiên thần cao ráo, tóc hung đang tản bộ trên bờ biển, trong những khu vườn ngập nắng, đang lắng nghe bất cứ bản nhạc nào họ ưa thích, đang say sưa với đủ mọi thứ kích thích, hăng say học yoga thiền định, luyện thân thể, và tìm đủ cách để cải thiện chính mình, nhưng không bao giờ động não, không bao giời xúc chạm một sự rắc rối nào, một hoàn cảnh đau khổ nào, không bao giờ ý thức đến tính bản nhiên của họ, bị “gây mê” đến độ họ không bao giờ ý thức được tình huống đích thực của mình.
Nếu một vài vùng ở California hay úc châu hiện lên trong tâm ta như cõi thiên giới, thì bạn cũng có thể thấy cõi tu la có lẽ diễn ra hàng ngày trong sự cạnh tranh mưu mẹo ở vùng Wall Street hay trong những hành lang của Washington và Tòa Bạch ốc. Còn cõi ngạ quỷ ở đâu? Nó hiện hữu ở bất cứ nơi nào mà con người, dù đã giàu có vô tận, cũng không bao giờ thỏa mãn, muốn chiếm lấy công ti này, công ti nọ, hoặc tỏ lòng tham không đáy của họ tại các vụ án tòa. Hãy bật truyền hình lên bất cứ đài nào, bạn sẽ đi vào ngay cái thế giới của tu la và quỷ đói.
Tính chất cuộc đời trong cõi chư thiên có vẻ như thư thản hơn thế giới chúng ta, nhưng các bậc thầy lại bảo đời người là vô vàn quý báu hơn. Tại sao? Vì chính cái sự kiện rằng chúng ta có tỉnh giác và thông minh, những nguyên liệu cho giác ngộ. Và vì sự đau khổ lan khắp cõi người ta chính là cái bàn đạp để cho ta làm cuộc chuyển hóa tâm linh. Sự đau đớn, buồn phiền mất mát, và đủ thứ bất mãn vô tận ở trong cuộc đời, thực sự chỉ có một mục đích đáng kể duy nhất là: Đánh thức chúng ta tỉnh dậy, giúp ta có thể - gần như bắt buộc ta - phải bứt ra khỏi chu kỳ sinh tử và nhờ thế bung ra được ánh quang vinh đang bị vây hãm trong ta.
Mọi truyền thống tôn giáo đều nhấn mạnh rằng đời người là cơ hội duy nhất, và có một tiềm năng ghê gớm mà thường ta không ngờ tới. Nếu ta để lỡ cơ hội mà cuộc đời này cống hiến cho ta tự chuyển hóa, thì có thể một thời gian vô cùng tận nữa ta mới có được cơ hội khác. Hãy tưởng tượng có một con rùa mù bơi trong đại dương bát ngát. Trên mặt biển có một cái vòng bằng gỗ nhấp nhô theo sóng. Cứ một trăm năm con rùa mới ngoi lên mặt biển một lần. Theo ví dụ trong Phật giáo, được sinh làm người còn khó hơn là con rùa nổi lên và chui được cái đầu của nó vào chiếc vòng gỗ ấy. Và trong số những người được sinh làm người, thì những kẻ may mắn được gặp nền giáo lý này cũng rất hiếm; và những người thực sự để tâm đến giáo lý và thể hiện giáo lý trong đời sống lại càng hiếm hoi, quả vậy, “như sao mọc ban ngày.”
CÁNH CỬA NHẬN THỨC
Như tôi đã nói, cách chúng ta nhìn thế giới tùy thuộc hoàn toàn vào nghiệp của ta. Những bậc thầy có ví dụ sáu loài chúng sinh nhìn dòng sông. Loài người thấy con sông là nước, để tắm rửa hoặc để uống; loài cá thấy đó là nhà ở của chúng; loài trời trời thấy đó là vị cam lồ đem lại phúc lạc; loài tu la thấy đó là khí giới của chúng, loài quỷ đói thấy ra máu mủ tanh hôi; còn loài địa ngục thì thấy là nước đồng sôi. Nước chỉ có một, nhưng được trông thấy nhiều cách khác nhau, nhiều khi hoàn toàn trái ngược.
Sự nhận thức theo nhiều kiểu đa dạng như thế chứng tỏ rằng tất cả cái thấy do nghiệp đều là ảo tưởng; vì nếu một chất mà có thể được thấy ra nhiều cách như thế, thì làm sao có thứ gì thực sự có được một thực hữu nội tại? Và nó cũng cho ta thấy rằng có thể một vài người cảm thấy thế giới này là thiên đường, vài người khác cho là địa ngục.
Giáo lý cho ta biết cốt yếu có ba loại thấy: “Cái thấy bất tịnh, do nghiệp” của phàm phu; “Cái thấy do kinh nghiệm,” mở ra cho những người hành thiền, mà là con đường siêu việt; và “Cái thấy thuần tịnh” của những bậc giác ngộ. Một vị Phật hay người đã giác ngộ, sẽ thấy thế giới này toàn hảo một cách tự nhiên, một cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh sáng chói. Vì đã tịnh trừ những nguyên nhân gây nên cái thấy đầy nghiệp chướng, nên họ thấy mọi sự trong vẻ thiêng liêng nguyên ủy giản đơn của nó.
Sở dĩ thấy mọi sự quanh ta theo kiểu ta thấy bây giờ, là vì ta luôn luôn củng cố kinh nghiệm về thực tại bên trong và bên ngoài cùng một cách ấy đời này sang đời khác, và điều này đưa ta đến nhận thức sai lầm rằng cái gì ta trông thấy là thực hữu một cách khách quan. Kỳ thực, khi ta đi sâu hơn vào sự tu tập, ta dần biết cách làm việc thẳng với những nhận thức cố chấp của ta. Mọi khái niệm sai lầm cũ của ta về thế giới, về vật chất và về chính ta, đều được lọc sạch, tan rã, và một cái thấy hoàn toàn mới, gần như thiên nhãn mở ra, như Blake nói:
- Nếu cái cửa nhận thức được lọc sạch
Thì mọi sự sẽ xuất hiện nguyên vẹn bao la
Tôi không sao quên được lúc thầy Dudjom Rinpoche cao hứng thân mật bảo tôi qua giọng nói cao và khàn của thầy:
- Này, con biết chứ, thực sự mọi vật chung quanh ta đang biến mất, biến mất...
Nhưng với phần đông chúng ta, nghiệp và những cảm xúc tiêu cực cứ ngăn che chúng ta không cho thấy bản chất nội tại tự nhiên của mình, và bản chất sự vật. Kết quả là ta bám lấy hạnh phúc và đau khổ cho là thực có, và một cách ngu si ta cứ tiếp tục gieo hạt giống cho đời sau của ta. Những hành nghiệp cứ trói buộc chúng ta vào chu kỳ tiếp nối của sinh tử bất tận. Bởi thế mọi sự đang bấp bênh, tùy thuộc cách ta sống hiện giờ, ngay giờ phút này. Ta đang sống như thế nào bây giờ, có thể ảnh hưởng toàn thể tương lai ta.
Đấy là lý do cấp thiết thực sự khiến ta phải chuẩn bị để gặp gỡ cái chết với thái độ thông minh, để chuyển hóa nghiệp vị lai của ta, tránh cái thảm kịch cứ bị rơi trở lại vào trong vô minh vọng tưởng và lập lại chu kỳ sống chết khổ nhọc. Cuộc đời này là thì gian và nơi chốn duy nhất cho ta chuẩn bị, và ta chỉ có thể thực sự chuẩn bị nhờ tu tập tâm linh. Đây là thông điệp không thể tránh của đời này, một giai đoạn trung gian tự nhiên. Padmasambhava nói:
- Khi Bardo đời này xuất hiện với tôi.
Tôi sẽ từ bỏ lười biếng vì cuộc đời ngắn ngủi
Đi vào con đường thấy, nghe, nghĩ, quán tưởng không xao lãng
Lấy tâm và nhận thức làm con đường, để thực hiện ba thân: tâm giác ngộ.
Bây giờ một khi tôi đã được thân người
Không có thì giờ cho tâm lang thang trên đường nữa.
TUỆ GIÁC VÔ NGÃ
Đôi khi tôi tự hỏi một người nhà quê ở Tây Tạng sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn thình lình đưa họ đến một đô thị tân tiến với đủ thứ kỹ thuật tinh xảo. Có lẽ người ấy sẽ tưởng mình đã chết và đang ở trong trạng thái Bardo, sẽ há hốc miệng ra, đầy ngờ vực, mà nhìn những chiếc phi cơ bay trong bầu trời trên đầu y, hoặc ngắm một người đang nói chuyện bằng điện thoại với một người khác ở bên kia thế giới. Y sẽ cho rằng mình đang chứng kiến những phép thần thông. Thế mà tất cả điều đó dường như rất tự nhiên đối với người sống trong thế giới tân tiến, được nền giáo dục Tây phương giải thích từng bước một.
Cũng giống như thế, trong Phật giáo Tây Tạng, có một nền giáo dục tâm linh cơ bản, sơ đẳng, bình thường, một sự huấn luyện tâm linh đầy đủ về cõi trung gian là cuộc đời này, đem lại cho bạn ngữ vựng thiết yếu, ABC của tâm thức. Căn bản của sự huấn luyện này được gọi là “ba dụng cụ của trí tuệ”: Văn tuệ, biết lắng nghe; Tư tuệ, biết tư duy quán tưởng, và Tu tuệ, biết thiền. Nhờ đấy chúng ta đi đến chỗ đánh thức tự tính tâm của ta, nhờ đấy chúng ta tìm thấy được sự thật ta là ai, và thể hiện niềm vui giải thoát - gọi là trí vô ngã.
Tưởng tượng một người thình lình tỉnh dậy ở bệnh viện sau một tai nạn xe hơi, và thấy mình hoàn toàn mất trí nhớ. Bên ngoài, mọi sự vẫn y nguyên: Nàng vẫn còn gương mặt ấy, hình dáng ấy, các giác quan và tâm vẫn ở đấy, nhưng hoàn toàn không nhớ thực sự mình là ai. Cũng y hệt như vậy, ta không thể nhớ được bản lai diện mục của mình. Khinh hoàng, sợ hãi, ta nhìn quanh và đặt bày ra một lý lịch khác, một lý lịch ta bám lấy với tất cả sự tuyệt vọng của một người đang rơi vào hố thẳm. Cái lý lịch giả tạo, được bày đặt trong lúc vô minh đó gọi là cái tôi, “tự ngã.”
Vậy, ngã là sự vắng mặt tri kiến chân thực về ta là ai, cùng với những hậu quả của nó: Một sự bám víu tuyệt vọng, bằng mọi giá, vào một khối chắp vá, một hình ảnh tạm thời về cái ta, một tự ngã luôn luôn biến chuyển và phải biến chuyển để duy trì cái ảo tưởng về hiện hữu của nó. Tạng ngữ gọi ngã là dak dzin, có nghĩa “tóm lấy một cái ngã.” Ngã như vậy được định nghĩa là những di chuyển không ngừng của sự chấp thủ một quan niệm lừa dối về “tôi” và “của tôi,” tự và tha, và chấp thủ mọi khái niệm, ý tưởng, dục vọng, và hoạt động nào sẽ duy trì cái cấu trúc giả tạo ấy. Một sự bám víu như vậy là vô lối ngay từ khởi thủy, và đương nhiên phải bất mãn, vì không có cơ sở chân lý nào trong đó, vì những gì ta bám víu tự bản chất đã không thể nắm bắt. Sự kiện chúng ta cần bám víu và cứ vẫn tiếp tục bám víu, chứng tỏ rằng tự thẳm sâu trong bản thể ta, ta biết cái ngã đó vốn không có thực chất nội tại. Từ cái biết âm thầm, làm ta bực bội đó, phát sinh mọi nỗi bực bội đó, phát sinh mọi nỗi bất an lo sợ trong ta.
Bao lâu ta chưa lột mặt nạ cái ngã thi nó còn tiếp tục đánh lừa chúng ta, như một chính trị gia bịp bợm luôn luôn rêu rao những hứa hẹn giả dối, hay một luật sư không ngừng phát minh những lời nói dối và biện hộ tinh vi, hay một chuyên viên quảng cáo cứ tiếp tục ba hoa những lời thuyết phục ngọt lịm mà trống rỗng.
Nhiều đời kiếp vô minh đã đưa ta đến chỗ đồng hóa toàn diện bản thể mình với cái ngã. Chiến thắng lớn nhất của cái ngãlà thuyết phục được cho ta tin rằng lợi lạc nhất cho nó cũng là cho ta, và lại còn đồng hóa sự sống còn của ta với của chính nó. Đây là một mỉa mai to lớn, khi ta xét rằng ngã và sự chấp thủ của nó chính là gốc rễ mọi đau khổ của ta. Nhưng vì chúng ta đã bị cái ngã lừa bịp quá lâu, bị nó thuyết phục quá hay, đến nỗi nội cái ý nghĩ rằng ta có thể trở thành vô ngã làm cho ta sợ hãi. Cái ngã rỉ tai ta rằng, vô ngã là mất hết tất cả huyền thoại phong phú của con người, chỉ còn là một người máy vô vị hay một cây cỏ không óc não.
Cái ngã đánh một đòn xuất sắc vào nỗi sợ hãi căn để của ta, là sợ mất quyền kiểm soát, sợ cái mà ta chưa từng biết. Ta có thể tự nhủ:
- “Mình cũng nên buông cái ngã ra lắm chứ, mình đau khổ vì nó, nhưng nếu mình làm thế, thì cái gì sẽ xảy đến cho mình?”
Cái ngã sẽ tán đồng ngay trong một cách ngọt lịm:
- “Tôi biết đôi khi tôi cũng rầy rà thực, và thực tình tôi hoàn toàn thông cảm nếu anh muốn buông tôi ra. Nhưng có thực anh muốn như thế không nào? Ai sẽ săn sóc anh? Ai sẽ che chở và thương lấy anh như tôi đã làm bao nhiêu năm nay?”
Và ngay dù ta thấy rõ tận ruột gan những lời dối trá của cái ngã, chúng ta cũng quá sợ không dám bỏ nó, vì ta chưa biết một tí gì về tự tính của tâm ta, lý lịch chân thực của ta, nên rõ ràng ta không có cách nào khác hơn là bám lấy ngã. Chúng ta tuân theo những đòi hỏi của nó với thái độ tự khinh ghét, như bợm rượu với lấy chất uống mà y biết đang tàn phá y, hoặc như kẻ ghiền ma túy lục tìm chất kích thích mà họ biết sau một hồi “phi” ngắn ngủi sẽ đem lại cho họ sự chán chê tuyệt vọng.
CÁI NGÃ TRÊN ĐƯỜNG TÂM LINH
Chấm dứt sự chuyên chế oái ăm của bản ngã chính là lý do ta bước lên đường tu tập tâm linh, nhưng quyền năng của cái ngã hầu như vô tận, và mỗi giai đoạn nó đều có thể phá hoại và và xoay chuyển ta khỏi cái ước muốn giải thoát nó. Chân lý thật giản dị, và những lời dạy cũng vô cùng sáng sủa, nhưng nhiều lần tôi phải buồn bã mà thấy rằng, mỗi khi giáo lý bắt đầu lay chuyển được chúng ta, thì cái ngã lại cố làm cho những lời dạy trở thành rắc rối, vì nó biết nó đang bị đe dọa tận căn để.
Lúc đầu, khi chúng ta mới khởi sự say mê con đường tu tập với những khả năng của nó, thì cái ngã có thể cổ vũ ta và bảo:
Thật là kỳ diệu. Chính là điều anh nên làm. Lời dạy này hoàn toàn có lý.
Rồi khi chúng ta nói chúng ta muốn thử thực tập thiền, hay nhập thất, thì cái ngã vỗ về:
- Thật là một ý nghĩ tuyệt vời. Tại sao tôi lại không theo anh. Cả hai chúng ta có thể học được vài điều.
Suốt kỳ trăng mật của sự tu tập tâm linh, cái ngã cứ giục ta:
- Thật tuyệt, thật lạ lùng, gợi cảm hứng...
Nhưng vừa khi chúng ta đi vào giai đoạn mà tôi gọi là “thời kỳ bếp núc” của con đường tu tập, và giáo lý bắt đầu động tới bản ngã sâu xa của chúng ta, thì không sao tránh khỏi chúng ta va chạm với sự thật về bản ngã. Khi cái ngã được phơi bày, những chỗ yếu của nó bị động tới, là đủ mọi thứ vấn đề bắt đầu nổi lên. Nó như một tấm gương để ngay trước mặt chúng ta mà ta không thể tránh nhìn chỗ khác. Tấm gương hoàn toàn trong sáng, nhưng trong đó có một cái mặt xấu xí, cau có, cái mặt chúng ta, đang trừng trừng nhìn lại chúng ta. Chúng ta khởi sự nổi loạn phản kháng vì ta ghét cái gì mình không thấy; chúng ta có thể nổi giận đập vỡ cái gương, nhưng nó chỉ vỡ ra thành hàng trăm gương mặt xấu xí giống nhau, và vẫn trợn trừng nhìn lại chúng ta.
Bấy giờ là lúc chúng ta bắt đầu nổi đóa và phàn nàn một cách cay đắng:
- Thế thì ngã của ta nằm ở đâu?
Cái ngã đang đứng bên ta một cách trung thành, xúi giục:
Anh hoàn toàn đúng. Chuyện này xúc phạm quá thể chịu đựng. Đừng theo nó!
Khi chúng ta mê mẩn lắng nghe, thì cái ngã tiếp tục hô triệu đủ loại hoài nghi, cảm xúc, hốt hoảng, như đổ thêm dầu vào lửa:
Anh không thấy giáo lý ấy không thích hợp với anh à? Tôi đã bảo. Anh không thấy ông ta không xứng làm thầy của anh sao? Hãy xem: Anh là một con người tây phương thông minh, tân tiến, từng trải; còn những chuyện xa lạ như thiền, Sufi, Zen, Phật giáo Tây Tạng... thuộc về văn hóa phương đông. Một triết học ở tuốt trên dãy Hy Mã Lạp Sơn một ngàn năm về trước thì phỏng có ích lợi cho anh được?
Khi cái ngã vui mừng ngắm ta càng lúc càng bị vướng vào lưới của nó, nó còn trách móc ta về tất cả những nỗi nhọc nhằn, cô đơn, gian khổ mà chúng ta đã trải qua, khi chúng ta biết được chính mình qua lời giảng dạy, và qua bậc thầy:
- Những ông đạo sư ấy không cần biết anh đã phải trải qua những gì. Họ chỉ cốt khai thác anh. Họ chỉ xử dụng những danh từ như từ bi, sùng tín, để làm cho anh rơi vào quyền năng của họ...
Cái ngã quá khôn lanh tới độ có thể bóp méo giáo lý để xài cho mục tiêu của nó; vì “Quỷ Xa tăng có thể trích dẫn kinh thánh cho mục đích mình.” Khí giới cuối cùng của cái ngã là chỉ ngay vào mặt ông thầy và những tín đồ mà bảo:
- Không có ai ở đây sống đúng theo giáo lý ấy được cả.
Bây giờ cái ngã lại đóng vai trò trọng tài công bình cho mọi hành vi: Vị trí láu cá hơn hết, từ điểm này nó có thể phá hỏng niềm tin của bạn, và làm tiêu ma bất cứ sự sùng kính nào, sự phát nguyện tu tập nào mà bạn đã có.
Nhưng dù cái ngã cố hết sức để phá hoại con đường tu của bạn, nếu bạn thực sự tiếp tục thực hành thiền định, bạn sẽ dần nhận ra mình đã bị cái ngã gạt gẫm như thế nào: Hy vọng và lo sợ hão huyền. Dần dần bạn thấy rằng cả hy vọng lẫn lo sợ đều là kẻ thù của sự an tâm; hy vọng đánh lừa bạn, bỏ bạn thất vọng trống rỗng, còn sợ hãi thì làm bạn tê liệt trong tù ngục hẹp hòi của bản ngã giả tạo. Bạn bắt đầu thấy cái ngã đã lung lạc tâm bạn như thế nào, và trong bầu trời giải thoát mà thiền định đã mở ra, mỗi khi bạn tạm thời thoát khỏi chấp thủ, bạn hé thấy cái khoáng đạt của tự tính chân thực. Bạn nhận ra rằng trong hàng bao nay cái ngã của bạn, giống như một kẻ lường gạt bạn với đủ kế hoạch hứa hẹn mà toàn thị là láo khoét, chỉ có đưa bạn đến sự phá sản tâm linh. Khi bạn thấy điều này trong sự an tĩnh của thiền định, mà không an ủi hay muốn che đậy những gì bạn thấy, thì tất cả kế hoạch mưu đồ của ngã tự cho thấy nó trống rỗng, và bắt đầu sụp đổ.
Đây không phải là một tiền trình phá hoại thuần túy. Vì cùng với sự nhận chân đau đớn tính giả dối tội lỗi của cái ngã của bạn, và của mọi người, phát sinh một cảm thức về tầm bao la của nội tâm, một trực cảm về vô ngã và tính duyên sinh của vạn pháp, và tính hài hước độ lượng, mà chính là dấu hiệu của giải thoát.
Nhờ bạn đã tập đơn giản hóa sự sống và làm cho cái ngã bớt có cơ hội quyến rũ bạn, và nhờ bạn đã tập sự tỉnh giác của thiền định – do vậy nới lỏng kềm tỏa của tính bạo động, bám víu và tiêu cực trong bạn – mà tuệ giác từ từ có thể ló dạng. Trong ánh sáng soi cùng khắp của nó, tuệ giác này có thể chỉ cho bạn một cách rõ ràng trực tiếp, những vận hành tinh vi nhất của tâm bạn, và đồng thời, bản chất của thực tại.
HƯỚNG ĐẠO MINH TRIẾT
Hai con người đã luôn sống trong bạn suốt cả đời bạn. Một người là bản ngã, nói nhiều, đòi hỏi, nóng nảy, tính toán; người kia là con người tâm linh kỳ bí mà tiếng nói lặng lẽ minh triết của y bạn hiếm khi nghe được hoặc nghe theo. Khi bạn càng học giáo lý, quán xét, và hòa nhập giáo lý đời sống của bạn, thì tiếng nói bên trong bạn, trí phân biệt bẩm sinh của bạn được đánh thức và tăng trưởng, và bạn khởi sự phân biệt giữa sự hướng dẫn của nó với những tiếng nói của bản ngã. Kí ức về bản lai diện mục của bạn bắt đầu trở về với tất cả vẻ huy hoàng và tin tưởng.
Bạn sẽ thấy bạn đã tìm ra trong chính bạn người hướng đạo cho bạn. Vì người ấy biết rõ bạn – y chính là bạn – nên có thể giúp bạn dàn xếp mọi rắc rối của tư tưởng và cảm xúc bạn. Người hướng đạo của bạn có thể có mặt thường xuyên, vui vẻ, đôi khi chế nhạo, người luôn luôn biết cái gì là tốt hơn cả cho bạn, giúp bạn càng lúc càng tìm ra lối thoát khỏi những ám ảnh của những phản ứng do thói quen và những cảm xúc mê mờ. Khi tiếng nói của “trí phân biệt” trong bạn càng mạnh và rõ hơn, bạn sẽ phân biệt được chân lý của nó và những lừa bịp của bản ngã, và bạn có thể lắng nghe nó với niềm tư tưởng.
Bạn càng thường xuyên nghe theo người hướng đạo này, thì càng dễ dàng thay đổi được những tâm thái tiêu cực nơi bạn. Dần dần bạn sẽ thấy mình có thể thoát ra càng ngày càng nhanh hơn, khỏi những cảm xúc đen tối đã ngự trị đời bạn, và khả năng làm được việc ấy là phép lạ mầu nhiệm nhất. Terton Sogyal, nhà thần bí Tây Tạng, đã nói rằng, ngài không khâm phục gì một người có thể biến hóa được cái nền nhà thành trần nhà, hay lửa thành nước. Phép lạ đích thực theo ngài là người nào có thể giải tỏa một cảm xúc tiêu cực.
Như vậy, dần dà, thay vì nghe tiếng lải nhải của bản ngã, bạn sẽ thấy mình càng ngày càng nghe được trong tâm mình nhưng chỉ dẫn rõ ràng của giáo lý đang khởi hứng, khuyên bảo, hướng đạo, chỉ thị cho bạn ở mỗi khúc quanh. Càng lắng nghe, bạn càng nhận được những hướng dẫn. Nếu bạn nghe theo tiếng nói của người hướng đạo minh triết ấy, của trí phân biệt nơi bạn, và để cho bản ngã im tiếng, thì bạn sẽ kinh quá sự hiện diện của trí tuệ và phúc lạc mà chính thực là bạn. Một cuộc đời mới hoàn toàn khác cuộc đời trước đây khi bạn còn khoác cái lốt bản ngã, bắt đầu trong bạn. Và khi cái chết đến, thì bạn đã biết cách làm thế nào để kiểm soát những cảm xúc và ý tưởng nổi lên trong các trạng thái trung gian, những cảnh tượng mà nếu bạn không biết trước thì có vẻ thực một cách ghê gớm.
Khi bệnh mất trí nhớ của bạn về chính mình bắt đầu được chữa khỏi, cuối cùng bạn sẽ nhận ra rằng dak dzin, sự chấp thủ bản ngã, là căn nguyên mọi đau khổ của bạn. Bạn sẽ hiểu nó đã tàn hại bạn và kẻ khác đến mức nào, và sẽ thấy rằng điều cao quý nhất và lại khôn ngoan nhất để làm, là yêu thương người khác thay vì yêu thương chính mình. Việc ấy sẽ chữa lành trái tim, khối óc của bạn, và chữa lành tâm linh bạn. Điều quan trọng là luôn luôn nhớ rằng nguyên tắc vô ngã không phải là lúc đầu có một bản ngã, rồi theo Phật thì phải từ bỏ bản ngã. Trái lại, vô ngã có nghĩa là tự khởi thủy chưa bao giờ có một cái ngã, và nhận chân được điều này gọi là thấy “vô ngã”.
BA KHÍ CỤ CỦA TRÍ TUỆ
Cái cách để tìm được sự tự do giải thoát do trí tuệ vô ngã đem lại, là nhờ tiến trình lắng nghe, tư duy quán tưởng và thiền định. Các bậc thầy khuyên ta bắt đầu bằng lắng nghe giáo lý thực nhiều lần (văn tuệ), và khi lắng nghe, giáo lý ấy nhắc đi nhắc lại cho ta nhớ bản tính trí tuệ bị che giấu trong ta. Giống như thể ta là người đang nằm trong bệnh viện bị mất trí nhớ sau một tai nạn, và có người thương yêu săn sóc ta đang thì thầm trong tai ta tên thật của ta, chỉ cho ta những hình ảnh của bạn bè thân quyến ta, cố đưa ta trở về tri giác để biết mình là ai. Dần dần, khi lắng nghe giáo lý, có vài đoạn vài tri kiến trong đó tác động trên ta môt cách mạnh mẽ, những kí ức bản lai diện mục của ta sẽ bắt đầu tìm lối quay về, và một cảm giác sâu xa về một cái gì thân thiết, quen thuộc sẽ chầm chậm thức dậy trong ta.
Lắng nghe là một tiến trình vô cùng khó khăn hơn phần đông người ta tưởng, lắng nghe thực sự - theo các bậc thầy muốn nói – là hoàn toàn buông bỏ cái ta, buông tất cả thông tin, khái niệm, tư tưởng và thành kiến đã được độn đầy đầu óc ta. Nếu bạn thực tình lắng nghe giáo lý, thì những thứ ấy - vốn dĩ là chướng ngại thực sự ngăn che ta với tính bản nhiên của ta – có thể từ từ được rửa sạch.
Khi cố lắng nghe thực sự, tôi thường thấm câu nói của thiền sư Suzuki Rodhi:
- Nếu tâm bạn trống rỗng, thì nói luôn luôn sẵn sàng cho mọi sự; mở ra cho mọi sự. Trong tâm người sơ học, có thật nhiều khả năng, nhưng trong tâm của chuyên gia thì có rất ít khả năng.
Tâm người sơ cơ là một cái tâm trống rỗng, rộng mở, sẵn sàng đón nhận, và nếu ta thực sự lắng nghe với một cái tâm của người sơ học, thì ta mới có thể thực sự nghe được một cái gì. Vì nếu ta lắng nghe với một tâm im lặng, càng thoát khỏi thành kiến càng tốt, thì có thể tạo cơ hội cho sự thật của nền giáo lý xuyên thủng khối vô minh nơi ta, và làm cho ý nghĩa của sự sống chết trở nên càng ngày càng rõ rệt một cách lạ lùng. Thầy Digo Khientse Rinpoche tôi thường nói:
- Càng lắng tai, càng nghe nhiều, càng nghe nhiều, hiểu càng sâu.
Hiểu biết được sâu xa là nhờ quán xét và tư duy (tư tuệ), khí cụ thứ hai của trí tuệ. Khi ta quán xét những gì ta đã nghe, nó từ từ thẩm thấu vào dòng tâm thức ta và thấp khắp kinh nghiệm nội tâm về cuộc đời mình. Những sự cố hàng ngày bắt đầu xác chứng sự thật của giáo lý, vì sự quán tưởng dần mở ra cho ta thấy những gì ta đã hiểu trên phương diện tri thức, sự quán tưởng mang hiểu biết ấy từ đầu óc đi vào tim ta.
Khí cụ thứ ba của trí tuệ là thiền định (tu tuệ). Sau khi lắng nghe giáo lý và tư duy về những lời dạy, ta đem thực hành những tri kiến ta đã đạt được và áp dụng chúng một cách trực tiếp trong nhu cầu hàng ngày, qua quá trình thiền định.
NHỮNG HOÀI NGHI TRÊN ĐƯỜNG
Thầy Dudjom Rinpoche tôi thường kể câu chuyện ở Ấn Độ về một tướng cướp khét tiếng ngày xưa. Sau vô số lần cướp của giết người, y đâm ra hối hận vì mình đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho người khác. Y khao khát tìm cách sám hối tội lỗi y đã làm, và đến viếng một thiền sư. Y nói với Ngài:
- Con là một kẻ phạm tội, bây giờ con bị lương tâm cắn rứt ghê gớm. Có lối thoái nào không? Con phải làm gì?
Bậc thầy nhìn tướng cướp từ đầu đến chân, rồi hỏi y có được tài nghệ gì. Tên cướp trả lời:
- Không có tài gì cả.
Vị thầy hét:
- Không à? Ngươi phải giỏi một nghề gì mới được chứ.
Tên cướp im lặng một hồi, rồi cuối cùng xác nhận:
- Thực sự, có một nghề duy nhất mà con chuyên môn, đó là nghề trộm cướp.
Vị thầy cưới khúc khích:
- Tốt. Đấy chính là tài nghệ mà bây giờ ngươi cần dùng. Hãy đi đến một nơi thanh vắng, và cướp hết tất cả những ý tưởng nhận thức của người, ăn trộm hết tất cả tinh tú, hành tinh trong bầu trời, cho chúng tan mất và trong cái bụng của Chân không, không gian to rộng của tâm hồn nhiên.
Chỉ trong hai mươi mốt ngày, tên cướp đã trực ngộ bản tâm và cuối cùng trở thành một người được xem là một trong những bậc thánh vĩ đại của xứ Ấn.
Như vậy, ở thời cổ, có những bậc thầy phi thường và môn đệ nhạy bén và nhất tâm như tên cướp nọ, chỉ nhờ thực hành với niềm tin không chuyển hướng, một lời dạy duy nhất mà chứng đắc giải thoát. Ngay cả bây giờ, nếu ta để tâm thực hành một phương pháp và làm việc với nó một cách trực tiếp, thì cũng sẽ có hy vọng giác ngộ.
Tuy nhiên, tâm chúng ta thường giao động và hoang mang vì hoài nghi. Đôi khi tôi nghĩ nghi quả là một chướng ngại bế tắc tiến hóa nhân loại hơn cả tham lam chấp thủ. Xã hội chúng ta đề cao sự khôn khéo thay vì trí tuệ, và ca tụng những khía cạnh nông cạn, khó chịu và ít lợi ích nhất của trí thông minh. Chúng ta đã trở nên quá tinh khôn và loạn thần kinh đến nỗi ta xem chính hoài nghi là chân lý, và sự hoài nghi – mà chỉ là nỗ lực vô vọng của bản ngã để tự vệ - lại được thần thánh hóa xem như mục tiêu và kết quả hiểu biết. Hình thức hoài nghi nhỏ nhen thấp kém này là chúa tể thảm hại của luân hồi sinh tử, được phụng sự bởi một đám “chuyên gia” chuyên dạy cho ta không phải thứ hoài nghi rộng mở mà Phật xác nhận là cần thiết để thử nghiệm nền giáo lý, mà một hình thái hoài nghi phá hoại không chừa lại cho ta một điều gì để tin vào, không có gì để hy vọng, và không có gì để sống theo.
Như thế nền giáo dục hiện đại đã nhồi sọ chúng ta trong sự tôn vinh hoài nghi, trong đó muốn được xem là thông minh thì ta phải hoài nghi tất cả mọi sự, phải luôn luôn bới lông tìm vết và ít khi hỏi có cái gì là đúng, tốt lành; phải chế nhạo mọi lý tưởng tâm linh, mọi triết lý ta thừa hưởng, hoặc nhạo báng bất cứ gì được làm với tâm vô tư và thiện chí.
Đức Phật kêu gọi ta đến một hoài nghi khác, “như phân tích vàng, nướng nó lên, cắt, cọ xát để thử tính chất nó có thực sự là vàng ròng hay không.” Để có được thứ hoài nghi thực sự sẽ đưa ta đến chân lý ấy, muốn theo đến cùng, quả thực chúng ta không đủ tri kiến, can đảm, và cũng không được huấn luyện để làm việc ấy. Chúng ta đã được huấn luyện cho quen cái thói mâu thuẫn vẫn thường xuyên tước đoạt khỏi ta hết mọi sự cởi mở để đón nhận bất cứ một sự thật nào khoáng đạt và cao quí hơn.
Thay vì hình thái hoài nghi chấp đoạn diệt như hiện nay, tôi sẽ mời bạn đặt một nghi vấn mà tôi gọi là “hoài nghi cao cả,” một thứ hoài nghi vốn là một thành phần làm nên con đường đưa đến giác ngộ. Chân lý rộng lớn của những giáo lý mật tông được truyền lại cho chúng ta ngày nay, quả không phải là một cái gì mà thế giới đang lâm nguy hiện nay có thể bác bỏ được. Thay vì nghi ngờ những giáo lý ấy, tại sao ta không nghi ngờ chính ta: Sự ngu dốt của ta, sự hợm hĩnh tự cho ta đã hiểu biết tất cả mọi sự, thói chấp thủ và tránh né của ta, lòng say mê đối với những cái gọi là giải thích thực tại, những giải thích không giống chút nào với trí tuệ bao la khả úy mà những bậc thầy, những sứ giả của Thực tại, đã cho ta biết?
Loại hoài nghi cao cả ấy giục ta tiến lên, gợi cảm hứng cho ta, thử thách ta, làm cho ta càng ngày càng trở nên chân thực, thêm năng lực cho ta, và kéo ta lại gần từ trường của chân lý. Khi gần những bậc thầy, tôi thường hỏi đi hỏi lại những vấn đề tôi cần giải đáp. Đôi khi tôi không được những giải đáp rõ ràng, song tôi không nghi ngờ thầy, hay nghi ngờ nền giáo lý. Đôi khi tôi có thể nghi mình chưa đủ trình độ tâm linh, hoặc nghi khả năng nghe (văn tuệ) của mình chưa đủ để hiểu trọn vẹn. Và thường khi, tôi cứ tiếp tục hỏi đi hỏi lại cho đến khi có được một giải đáp rõ ràng. Và khi giải đáp ấy đến, vang lên một cách mạnh mẽ trong sáng trong trí tôi, tim tôi nhói lên một niềm tri ân đón nhận, thì trong tôi phát sinh một lòng tin kiên cố mà dù cả thế giới đầy những người nhạo báng cũng không phá hoại nổi.
Tôi nhớ một mùa đông, tôi cùng lái xe với một trong những sinh viên của tôi từ Paris xuống Ý vào một đêm trăng sáng. Bà ta là một nhà chữa tâm bệnh, và đã qua nhiều loại huấn luyện. Bà bảo tôi, điều bà nhận thấy là càng biết nhiều, ta càng nghi nhiều, và càng viện cớ để nghi mỗi khi sự thật bắt đầu động chạm đến mình một cách sâu xa. Bà bảo, bà đã cố nhiều lần để chạy trốn giáo lý này, nhưng cuối cùng bà nhận ra rằng không chạy đâu thoát được, vì thực sự là bà đang chạy trốn chính mình.
Tôi bảo bà rằng hoài nghi không phải là một cái bệnh, mà chỉ là một triệu chứng của thiếu ‘Tri kiến’, thiếu sự nhận chân về bản tính tự nhiên của tâm. Khi có Tri kiến, thì không thể nào nghi ngờ gì nữa, vì khi ấy ta sẽ nhìn thực tại với chính con mắt của thực tại. Nhưng khi ta chưa đạt giác ngộ, tôi nói, thì đương nhiên phải còn hoài nghi, vì nghi là hoạt động căn bản của cái tâm chưa ngộ. Và cách duy nhất để xử lý những hoài nghi là, không đàn áp chúng cũng không say mê theo chúng.
Cần có sự khéo léo để xử lý những hoài nghi, nhưng tôi để ý ít ai biết cách theo dõi những hoài nghi hoặc xử dụng chúng. Có phải mỉa mai chăng, trong một nền văn minh sùng thượng thế lực của sự giảm giá và hoài nghi như vậy, lại không có ai can đảm để hạ giá chính những tuyên bố của hoài nghi, để làm như một bậc thầy Ấn Độ đã nói, hoài nghi chính cái sự hoài nghi, lột mặt nạ tính đa nghi và tìm xem nó có nguồn gốc từ nỗi tuyệt vọng nào, nỗi sợ hãi gì, từ đâu tới? Khi ấy hoài nghi không còn là một chướng ngại, mà là một cánh cửa mở đến thực chứng, và mỗi khi hoài nghi xuất hiện trong trí, một người tầm đạo sẽ đón nó như một phương tiện để đi sâu vào sự thật.
Có một câu chuyện về một thiền sư mà tôi rất thích. Thiền sư này có một đệ tử trung thành nhưng rất ngốc nghếch, cứ xem ông như một vị Phật sống. Một hôm tình cờ ngồi trên một cây kim, ông la lên “Ối” rồi tung mình lên để tránh. Người đệ tử liền mất hết tin tưởng nơi vị thầy, và bỏ đi, bảo rằng anh ta rất thất vọng vì thấy thầy mình chưa chứng đạo, nếu chứng thì ông đã không nhảy lên mà la lớn như thế. Vị thầy buồn bã khi nghe người đệ tử đã bỏ đi, và bảo:
- Tội nghiệp cho y! Nếu y hiểu được rằng kỳ thực không có ta, không có cây kim, cũng không có tiếng la nào thực hữu!
Ta không nên lập lại cái lỗi của người đệ tử nọ. Đừng nên xem những hoài nghi quan trọng quá mức, để cho chúng lớn quá cỡ, hay trở nên cuồng tín về chúng. Điều ta cần học là làm thế nào dần dần chuyển được sự vướng vào hoài nghi do bối cảnh văn hóa thành ra một hoài nghi có tính chất hài hước và bi mẫn. Điều này có nghĩa hãy cho những hoài nghi có thời gian, và cho chúng ta có thời gian, để tìm giải đáp cho những nghi vấn của mình, những nghi vấn không phải chỉ có về phương diện tri thức hay triết lý, mà thực, sống, và có thể giải được. Những hoài nghi không thể tự chúng giải quyết ngay; nhưng nếu chúng ta đủ kiên nhẫn thì một khoảng không có thể được sinh ra trong nội tâm ta, ở đó những hoài nghi có thể được xem xét cẩn thận, khách quan, và do đó được gỡ rối, được giải quyết.
Không nên quá hấp tấp để giải quyết tất cả mọi vấn đề và hoài nghi của bạn; vì các bậc thầy nói, “Hãy gấp rút một cách từ từ.” Tôi luôn luôn bảo sinh viên tôi đừng có những mong đợi phi lý, vì sự tiến bộ tâm linh cần thời gian. Muốn học Nhật ngữ thật giỏi hay trở thành bác sĩ cũng phải cần nhiều năm. Làm sao chúng ta có thể hy vọng có được tất cả những giải đáp chỉ trong vài tuần, huống gì là đạt giác ngộ? Cuộc hành trình tâm linh là một cuộc học hỏi và thanh luyện không ngừng. Khi biết như vậy, bạn sẽ trở nên khiêm cung. Có một châm ngôn Tây Tạng rằng:
- “Đừng lầm hiểu với chứng ngộ, và đừng lầm chứng ngộ với giải thoát.”
Và Milapera nói:
- “Không nên hy vọng chứng đạo, mà hãy hành đạo suốt đời bạn.”
Một trong những điều tôi thích nhất trong truyền thống tôi, là sự thực tế giản dị, và ý thức mãnh liệt rằng những thành tựu lớn nhất cần có sự kiên nhẫn sâu xa và thời gian dài nhất.
Bình luận bài viết