Tạng thư sống chết - Phụ lục 1
TẠNG THƯ SỐNG CHẾT
(The Tibetan Book Of Living And Dying)
Nguyên tác: SOGYAL RINPOCHE
Ni sư THÍCH NỮ TRÍ HẢI dịch
PHỤ LỤC MỘT - NHỮNG CÂU HỎI VỀ CÁI CHẾT
Những tiến bộ trong ngành y khoa đã cứu được vô số sinh mạng và làm giảm thiểu vô số đau khổ. Nhưng đồng thời chúng cũng đưa ra nhiều ngõ bí về đạo đức tâm linh cho người hấp hối, gia đình và những bác sĩ điều trị, - những vấn đề phức tạp mà họ rất khó giải quyết. Chẳng hạn, ta có nên tiếp tục gắn dụng cụ duy trì sự sống cho thân nhân sắp chết, hay nên bỏ ra? Nên để cho bác sĩ có quyền chấm dứt sinh mạng một người sắp chết để họ khỏi đau đớn hay không? Với những người đang kéo dài cơn đau đớn của sự chết, có nên khuyên họ, ngay cả giúp họ, chấm dứt cuộc đời không? Người ta thường hỏi tôi những câu như vậy, và sau đây tôi sẽ nêu lên vài điều:
GIỮ CHO SỐNG
Bốn mươi năm trước, phần đông ngời chết tại nhà, nhưng bây giờ đa số chết ở bệnh viện và những nhà điều dưỡng. Cái viễn tượng bị giữ cho sống bằng một cái máy quả là một chuyện hãi hùng. Người ta đang tự hỏi, họ có thể làm gì để bảo đảm một cái chết đầy đủ tư cách và nhân phẩm, không để cho đời sống họ kéo dài một cách không cần thiết. Điều này đã thành một vấn đề rất phức tạp. Làm sao ta quyết định nên hay không nên bắt đầu tiếp sức sống cho một người, ví dụ sau một tai nạn trầm trọng? Và làm sao nếu người ấy bị hôn mê không nói được, hoặc bệnh quá nặng đã mất hết khả năng tinh thần? Một trẻ em bị dị tật bẩm sinh trầm trọng, hoặc não bộ đã hỏng, thì sao?
Không có giải đáp dễ dàng cho những vấn đề ấy, nhưng có vài nguyên tắc căn bản có thể hướng dẫn chúng ta. Theo giáo lý Phật, mọi đời sống là thiêng liêng, mọi chúng sanh đều có Phật tính, và sự sống cống hiến cho họ cơ hội giác ngộ. Tránh sát sinh là một trong những nguyên tắc đầu tiên của đạo đức con người. Nhưng Phật cũng mạnh mẽ bác bỏ tính cách độc đoán, giáo điều, và ở đây tôi nghĩ chúng ta cũng không thể có quan điểm cố định được, không thể có một “lập trường chính thức” hay lập nên quy luật về những vấn đề như thế. Chúng ta chỉ có thể hành động với trí tuệ của ta lúc đó, tùy theo từng tình huống. Và luôn luôn nhớ rằng mọi sự tùy thuộc vào động cơ và lòng bi mẫn của chúng ta ở đằng sau hành động.
Có nghĩa lý gì để giữ cho người ta sống giả tạo trong khi họ sẽ chết nếu không có máy móc ấy? Đức Dalai Lama đã nêu lên một yếu tố cốt tủy, đó là tâm trạng của người hấp hối. “Theo quan điểm Phật giáo, thì nếu một người hấp hối có thể có tư tưởng tích cực, phước đức, và có một mục đích, thì điều quan trọng là nên để cho họ sống thêm dù chỉ vài phút”. Ngài nhấn mạnh yếu tố gia đình trong tình huống ấy: “Nếu không có dịp cho họ có tư tưởng tích cực, và hơn nữa, gia đình đang tốn rất nhiều tiền chỉ để giữ cho họ sống thêm thì dường như là không đáng Nhưng mỗi trường hợp cần phải xét theo cá nhân, không thể quy nạp được”.
Những phương pháp phục hồi sự sống có thể gây bực bội, phiền nhiễu và tán loạn vào giờ phút cao điểm của cái chết. Giáo lý Phật cũng như kinh nghiệm cận tử đều cho thấy ngay cả những người hôn mê cũng vẫn hoàn toàn biết mọi sự xảy ra xung quanh họ. Những gì xảy ra trước khi chết, vào lúc chết, và cho đến cái lúc thần thức rời khỏi xác là những giây phút hết sức quan trọng đối với bất cứ người nào, mà nhất là với một hành giả tâm linh đang cố tu tập an trú trong tự tánh tâm.
Nói chung, cách cứu chữa chỉ để mà kéo dài tiến trình chết, có nguy cơ là nó chỉ nhen nhúm thêm sự bám víu không cần thiết, giận dữ và bất mãn nơi người hấp hối, nhất là khi đấy không phải là ý muốn của họ. Những thân quyến gặp phải khó khăn trong lúc quyết định, và cảm thấy tràn ngập trách nhiệm về cái chết của người thân, cần nên nhớ rằng nếu không có hy vọng gì qua khỏi, thì phẩm chất những giờ phút cuối cùng của người thân họ còn quan trọng hơn là chỉ giữ cho họ còn sống. Ngoài ra, vì ta không bao giờ biết được thần thức còn ở trong thân xác hay không, làm như vậy ta chỉ có bắt buộc thần thức họ bị giam giữ trong một thể xác vô dụng.
Dilgo Khientse Rinpoche nói:
Dùng máy móc để giữ sự sống khi một người không hy vọng bình phục, là chuyện vô nghĩa. Tốt hơn nhiều nếu để họ chết tự nhiên trong bầu không khí thanh tịnh, và làm những việc thiện nhân danh họ. Khi những máy móc duy trì sự sống còn đó, mà không còn hy vọng, thì rút máy ra không là một tội lỗi, vì không có cách nào người ấy sống được, bạn chỉ đang cố níu kéo sự sống của họ một cách giả tạo mà thôi.
Những nỗ lực để duy trì sự sống đôi khi có thể là vô ích và quấy rầy người hấp hối một cách không cần thiết. Một bác sĩ đã viết:
Toàn bệnh viện lăn xả vào một hoạt động cuồng nhiệt. Hàng tá người đổ xô tới giường bệnh trong một nỗ lực cuối cùng để phục hồi con bệnh. Người bệnh sắp chết được bơm đầy cả các thứ thuốc, bị đâm hàng tá mũi kim, bị co giật vì những dòng điện kích thích. Những giây phút chết của chúng ta bị ghi hồ sơ kỹ lưỡng về nhịp tim, lượng dưỡng khí trong máu, điện não đồ.v.v…… Rồi, khi bác sĩ cuối cùng đã đo đạc thỏa thích, cơn cuồng nhiệt về kỹ thuật này mới chịu chấm dứt.
Bạn có thể không muốn có những máy móc cứu chữa ấy, không muốn được cứu sống lại, và muốn để cho bạn yên một lúc sau cái chết lâm sàng. Nhưng làm sao bạn có thể bảo đảm ý muốn của bạn được tôn trọng - muốn chết trong môi trường thanh bình như các bậc thầy đã khuyên?
Ngay cả khi bạn nói rõ ý muốn của bạn, hay không muốn một loại chữa trị nào đó trong bệnh viện, thì yêu cầu của bạn cũng có thể không được tôn trọng, Nếu người thân ruột của bạn không đồng ý với ước muốn của bạn, họ có thể yêu cầu chữa trị một cách trái ý bạn, ngay cả khi bạn còn có ý thức, còn nói được. Một điều không may là các bác sĩ lại thường thể theo ý muốn của gia đình hơn là của người sắp chết. Do dó, dĩ nhiên muốn có được sự kiểm soát trong việc săn sóc về y dược, thì bạn nên chết tại nhà.
Ở vài nơi trên thế giới, có những văn kiện gọi là Di chúc sống, trong đó bạn có thể nói rõ ước muốn của bạn về sự chữa trị để phòng trường hợp bạn không còn có thể làm quyết định cho tương lai bạn. Đây là những đề phòng khôn ngoan, giúp cho bác sĩ nếu họ gặp phải trường hợp khó xử. Tuy nhiên, những giấy tờ này không ràng buộc về mặt pháp lý, và không thể biết trước tính chất phức tạp của cơn bệnh nơi bạn. Ở Hoa Kỳ, bạn có thể nhờ Luật sư làm một tờ gọi là “Quyền ủy nhiệm Săn sóc y tế dài hạn”. Đấy là cách hữu hiệu nhất để nói rõ ý bạn muốn, và bảo đảm nó được tôn trọng. Trong tờ ấy, bạn nêu tên một người đại diện hợp pháp cho bạn, hiểu được thái độ và ước muốn của bạn, người có thể làm những quyết định quan trọng thay cho bạn khi bạn gặp trường hợp đặc biệt của bệnh tật.
ĐỂ CHO CHẾT
Năm 1986, hội Y khoa Hoa Kỳ có điều luật cho phép bác sĩ cởi bỏ các phương pháp cứu sống, kể cả dưỡng chất và nước uống, từ những bệnh nhân bị bạo bệnh gần chết, và từ những người có thể kéo dài cơn hôn mê. Bốn năm sau, một trưng cầu ý kiến của viện Gallup chứng tỏ có 84% người Mỹ muốn ngưng chữa trị nếu họ chỉ còn sống nhờ máy móc duy trì, và không có hy vọng nào bình phục.
Quyết định giới hạn hay ngưng hẳn dưỡng chất và chữa trị thường được gọi là “phép an tử thụ động”. Sự chết được để cho xảy ra tự nhiên, bằng cách không dùng thuốc hay những biện pháp y học chỉ để kéo dài mạng sống một người thêm vài giờ, hay vài ngày nữa, khi tình trạng họ đã vô phương hồi phục.
Hình thức an tử thụ động này cũng xảy ra khi gia đình và bác sĩ quyết định không chữa một chứng bệnh phụ thuộc mà sẽ kết thúc bằng cái chết. Chẳng hạn, một người đang ở giai đoạn cuối của ung thư xương có thể phát ra bệnh phổi có nước, mà nếu đừng chữa thì có thể đưa tới một cái chết an ổn hơn, không kéo dài và ít đau đớn hơn.
Còn những người bệnh nặng gần chết, tự quyết định bỏ ăn uống thuốc men thì sao? Tự chấm dứt đời mình như vậy, họ có phạm tội sát sinh không? Kalu Rinpoche đã trả lời vấn đề này rất rõ ràng:
Con người nào thấy rằng mình đã đau đớn quá đủ, muốn được chết, là đang ở trong một tình huống mà ta không thể gọi là có phước hay có tội. Đương nhiên ta không thể trách cứ họ vì đã làm môït quyết định như thế. Đó không phải là một nghiệp ác. Đó chỉ là lòng mong muốn tránh đau khổ, một ước muốn tự nhiên căn bản của tất cả mọi sinh loài. Nhưng mặt khác, đó cũng không là một hành vi có công đức gì, hay phước thiện gì… Thay vì nói họ muốn chấm dứt mạng sống, đúng hơn nên nói họ muốn chấm dứt đau khổ. Bởi thế, đấy là một hành vi vô thưởng vô phạt về phương diện nghiệp.
Nếu ta đang săn sóc cho một người bệnh sắp chết, mà họ yêu cầu ngưng cung cấp dưỡng chất thuốc men cho họ thì sao? Kalu Rinpoche nói:
Chúng ta không thể cứu được mạng sống của họ. Ta cũng không thể làm cho họ bớt đau. Nhưng ta đang cố hết sức mình, được điều động bởi một động lực trong sạch nhất. Bất cứ gì ta làm, dù cuối cùng không kết quả, cũng không thể bảo là gây nghiệp xấu hay có hại.
Khi một người chữa bệnh được con bệnh yêu cầu ngưng hệ thống duy trì sự sống, thì điều ấy đặt người chữa bệnh vào một vị trí rất khó xử, vì bản năng bảo họ: “Nếu cứ để họ tiếp tục thuốc men ăn uống, họ sẽ sống. Nếu không, họ sẽ chết”. Hậu quả nghiệp này thuộc vào ý định của người chữa, vì chính người này đang lấy mất phương tiện của bệnh nhân để sống, dù việc ấy do bệnh nhân yêu cầu. Nếu động cơ chính yếu là muốn giúp đỡ cho người bệnh hết đau đớn, thì trong tâm trạng ấy có lẽ không gây nghiệp xấu nào.
CHỌN GIẢI PHÁP CHẾT
Cuộc trưng cầu ý kiến nói trên vào năm 1990 chứng tỏ có 66% người ở Mỹ tin rằng một người quá đau đớn không hy vọng khỏi bệnh, thì có quyền tự sát. Trong một xứ sở như Hòa Lan, mỗi năm có 10.000 người chọn phương pháp an tử để chấm dứt đời mình. Nhưng bác sĩ nào giúp cho bệnh nhân chết phải chứng minh được rằng con bệnh bằng lòng, rằng con bệnh đã thảo luận kỹ vấn đề với bác sĩ, và bác sĩ cũng đã bàn bạc vấn đề với một đồng nghiệp để thêm ý kiến. Ở Mỹ, vấn đề đã đi tới chỗ có một quyển sách bán rất chạy mô tả rõ ràng những phương pháp tự sát cho những người gặp chứng bệnh hiểm nghèo, và có những phong trào khởi sự hợp pháp hóa việc “an tử có tác động”, hay “giúp cho chết”.
Nhưng cái gì sẽ xảy ra nếu pháp an tử trở thành hợp pháp? Nhiều người sợ rằng những con bệnh được xem là đến thời kỳ chót, nhất là những người rất đau đớn, có thể chọn cái chết mặc dù cơn đau của họ còn có thể chữa trị, và đời sống còn có thể kéo dài. Nhiều người khác sợ rằng những người già cả có thể cho rằng bổn phận mình là phải chết, hoặc chọn cách tự sát chỉ để cứu mạng sống và tiền bạc của gia quyến họ.
Nhiều người làm việc với người sắp chết cảm thấy rằng tiêu chuẩn cao hơn trong việc chăm sóc bệnh sắp chết là giải đáp cho những yêu cầu an tử. Khi được hỏi về chuyện hợp pháp cho việc làm pháp an tử, Elizabeth Kubler-Ross trả lời: “Tôi nhận thấy thực buồn khi chúng ta phải làm ra luật lệ về những vấn đề như thế. Tôi nghĩ chúng ta nên xử dụng sự phán đoán của con người và khởi sự nghĩ đến nỗi sợ chết của chính chúng ta. Khi ấy ta có thể tôn trọng nhu cầu của người bệnh, lắng nghe họ, và sẽ không đi đến một vấn đề như vấn đề này”.
Người ta sợ rằng chết sẽ không chị nổi, sợ thình lình bị bại liệt nằm một chỗ, hoặc bị điên loạn, và những đau đớn khốc liệt, vô nghĩa. Giáo lý Phật cho ta một thái độ khác để nhìn nỗi đau khổ, đem lại cho nó một mục đích. Đức Dalai Lama nói:
Nỗi đau khổ của bạn là do nghiệp của chính bạn, và bạn phải gặt hái hậu quả của nghiệp ấy trong đời này hay đời khác, trừ phi bạn tìm cách tịnh hóa nghiệp chướng. Muốn tịnh hóa thì tốt hơn nên kinh quá nghiệp ấy trong đời người này, ở đấy bạn có nhiều khả năng để chịu đựng đau khổ hơn, nếu làm một con thú chẳng hạn.
Theo giáo lý Phật, ta nên làm bất cứ gì có thể để giúp người sắp chết đối phó với sự xuống tinh thần, nỗi đau đớn sợ hãi của họ, đem lại cho họ sự nâng đỡ đầy tình thương, làm cho đời họ kết thúc có ý nghĩa. Bà Cicely Saunders, người sáng lập Tiếp dẫn đường ở Luân Đôn, nói: “Nếu một bệnh nhân của chúng ta đòi được làm pháp an tử, điều đó có nghĩa rằng chúng ta không làm bổn phận mình”. Bà cực lực phản đối sự hợp pháp hóa giúp cho người bệnh chết theo yêu cầu họ. Bà nói:
Xã hội chúng ta không đến nỗi quá nghèo đến độ không đủ thì giờ và tiền bạc để giúp cho người ta sống cho đến khi họ chết. Chúng ta có bổn phận phải giúp họ diệt cơn đau đớn đã khiến họ sợ hãi và chua chát. Muốn làm vậy, ta không cần phải giết họ… Hợp pháp hóa việc an tử sẽ là một hành vi thiếu trách nhiệm, ngăn cản sự giúp đỡ, gây áp lực cho người đã bị tổn thương, từ bỏ sự kính trọng và trách nhiệm của ta đối với người già yếu, tàn tật và sắp chết.
VÀI CÂU HỎI KHÁC:
Cái gì xảy đến cho tâm thức một hài nhi bị sẩy thai hoặc chết non? Cha mẹ có thể làm gì để giúp hài nhi ấy?
Dilgo Khientse Rinpohe giải thích:
Thần thức của những người chết trước khi sinh, trong khi sinh, hoặc lúc còn bé, sẽ du hành một lần nữa qua các trạng thái Trung Ấm, và lấy một hiện hữu khác. Cũng có thể làm cho những vong linh này những hành vi công đức và pháp tu dành cho người chết: pháp tịnh hóa nghiệp chướng, đọc thần chú Kim cương tát đỏa, cúng đèn.v.v….
Trong trường hợp sẩy thai, ngoài những pháp tu thông thường này, nếu cha mẹ cảm thấy ân hận, họ có thể nhận lỗi, xin tha thứ, và chí thành làm pháp tịnh hóa Kim cương tát đỏa. Họ cũng có thể cúng đèn, phóng sinh, bố thí, bảo trợ một số chương trình tu tập nhân đạo để hồi hướng cho sự an lạc và giác ngộ trong tương lai của tâm thức hài nhi ấy.
Cái gì xảy đến cho tâm thức một người tự sát?
Dilgo Rinpoche nói:
Khi một người tự sát, thần thức không có chọn lựa nào khác ngoài ra đi theo nghiệp xấu của mình, và rất có thể xảy ra rằng một ác ma sẽ bắt lấy và chiếm hữu sinh lực người ấy. Với cái chết tự sát thì một bậc thầy có năng lực phải làm nhiều phép đặc biệt, như năm cuộc lễ và những nghi thức khác để giải thoát thần thức người chết.
Ta có nên hiến tặng những bộ phận trong người ta khi ta chết không? Cái gì sẽ xảy ra nếu những bộ phận này phải cắt bỏ trong lúc máu vẫn còn lưu thông hay trước khi tiến trình chết hoàn tất? Việc này có trở ngại hay làm hại tâm thức vào thời gian trước khi chết không?
Những bậc thầy mà tôi thỉnh ý việc này đều đồng ý rằng sự hiến tặng ấy là một hành động rất tích cực, vì nó phát sinh từ một mong muốn lợi lạc cho người khác với lòng bi mẫn chân thực. Bởi thế, nếu thực sự đấy là ước nguyện của người sắp chết, thì nó tuyệt nhiên sẽ không hại gì cho thần thức họ khi rời khỏi thân xác. Trái lại, hành vi bố thí tối hậu này tích lũy nghiệp tốt. Một bậc thầy khác nói rằng bất cứ sự đau đớn nào mà một người trải qua trong tiến trình hiến tặng thân phần, và mỗi một giây phút tán loạn vì đau đớn, đều trở thành một nghiệp tốt, có công đức.
Dilgo Rinpoche giải thích: “Nếu người ấy chắc chắn vài phút nữa sẽ chết, mà đã bày tỏ nguyện vọng bố thí thân phần của mình, lòng đầy bi mẫn, thì có thể lấy những thân phần ấy ngay cả trước khi tim ngưng đập”
Còn về những trường hợp đông lạnh (cryonics) thì sao? Khi thân xác một người, hay chỉ cái đầu được giữ cho đông cứng để chờ đến lúc y khoa tiến bộ sẽ sống lại?
Dilgo Rinpo che bảo chuyện này hoàn toàn vô nghĩa. Thần thức người ấy không thể trở lại cái thân xác sau khi người ấy đã thực sự chết. Sự tin tưởng rằng cái thây của người ta đang được giữ để làm sống lại trong tương lai, rõ ràng có thể gài bẫy cho tâm thức người ta càng thêm bám víu thân xác một cách bi thảm, tăng cường vô tận nỗi đau khổ của họ, và bít lấp tiến trình tái sinh. Một bậc thầy so sánh pháp đông lạnh này với sự đi thẳng đến địa ngục hàn băng mà không cần trải qua giai đoạn Trung Ấm.
Bình luận bài viết