Học

Ý nghĩa Thập thiện giới và Bồ tát giới tại gia

Ý NGHĨA THẬP THIỆN GIỚI VÀ BỒ TÁT GIỚI TẠI GIA

THÍCH ÐỨC TRÍ

06 Mot thuo no 02

I. Mục đích thọ giới:

Mục đích Đức Phật chế giới luật để giúp cho hàng đệ tử tại gia cũng như xuất gia ngăn ngừa các hành động xấu ác, làm mọi điều thiện để có được cuộc sống an vui lợi lạc. Nếu không hiểu ý nghĩa của giới luật, xem giới luật là sự ràng buộc hay vì lòng hiếu kỳ mà thọ giới thì đó là điều sai lầm. Bản chất của giới luật là đạo đức, kính trọng người giữ giới là kính trọng đạo đức. Giới là nếp sống thanh tịnh, là nền tảng của sự giác ngộ giải thoát. Do vậy, người học Phật đầu tiên phải học giới luật để cho mọi hành động trong cuộc sống của chúng ta đúng theo lời Phật dạy. Nếu đã thọ giới rồi, hành vi ngang ngược trái với đạo lý, vô tình làm mọi người xem thường bản thân mình, chẳng những không giúp ta thoát khổ đau trong hiện tại và tương lai mà còn mang nhiều lỗi lầm thật đáng tiếc. Bài viết này trình bày ý nghĩa và nội dung căn bản của Thập Thiện giới và Bồ Tát giới tại gia.

II. Giới luật theo tinh thần Phật Giáo: 

Giới tiếng Phạn là Sila, có nghĩa là quán hạnh, được hiểu là xem xét và ngăn ngừa hành vi bất thiện của thân khẩu ý. Giới trong giới bổn gọi là Ba La Đề Mộc Xoa cũng có nghĩa là biệt giải thoát (Pratimoksa), tức giữ giới nào là được giải thoát giới đó. Có 2 loại giới: Thanh văn thất chúng biệt giải thoát giới và Đại thừa Bồ Tát giới. Thanh văn thất chúng biệt giải thoát giới thiên về yếu tố tự lợi, lấy mục tiêu cầu thoát khổ và giải thoát cho mình mà giữ giới.

Bảy chúng đệ tử của Phật đều thọ giới này:

1- Ưu Bà Tắc giới là giới của nam Phật tử,

2- Ưu Bà Di giới là giới của nữ Phật tử,

3- Sa Di Tăng giới,

4- Sa Di Ni giới,

5- Thức Xoa Ni giới tức là nữ Sa Di chuẩn bị bước lên Tỳ Kheo Ni giới,

6- Tỳ Kheo Tăng giới,

7- Tỳ Kheo Ni giới.

Đại thừa Bồ Tát giới là gồm Thất Chúng giới đã nói trên, như gồm Tam Quy giới, Ngũ giới, Bát giới, Thập Thiện giới, Tỳ Kheo giới và Tỳ Kheo Ni giới (theo ngũ bộ đại luật). Nội dung của Bồ Tát giới dựa vào các kinh “Anh Lạc kinh”, “Phạm Võng Bồ Tát kinh”, “Địa Trì kinh”, “Du Già Sư địa luận”, “Bồ Tát Giới kinh”. Các vị tổ sư đã trích thành văn mà kết thành Bồ Tát giới bổn. Cơ bản của Bồ Tát giới là gồm Tam Tụ Tịnh giới và Thập Thiện giới. Tam Tụ Tịnh giới là:

1. Nhiếp luật nghi giới: Bồ Tát giới là thâu nhiếp tất cả giới luật, tức bao gồm giới tại gia và xuất gia như: Ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Thập Thiện giới và Cụ Túc giới.

2. Nhiếp thiện pháp giới: Bồ Tát giới lấy tất cả các điều lành làm giới.

3. Nhiêu ích hữu tình giới: Bồ Tát lấy mục đích làm lợi ích cho tất cả chúng sanh làm giới, không xả bỏ tất cả chúng sanh mà cứu độ chúng sanh làm mục đích tu tập và cầu giác ngộ.

III. Tu Thập Thiện giới:

Người học Phật, xuất gia hay tại gia nên hiểu rằng Thập Thiện giới là con đường tu học thực dụng trong các phần giới, đó cũng là ý nghĩa của chánh đạo. Ở kinh Tạp A Hàm quyển 29, Đức Phật có dạy: “Thế nào là chánh đạo? Đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không ỷ ngữ, không tham lam, không sân hận, không tà kiến”. Đó là ý nghĩa Thập Thiện giới cũng là chánh đạo, là con đường thành tựu Giới-Định-Tuệ. Vì muốn vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau trong luân hồi sanh tử, thoát khỏi cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì nên tu tập Thập Thiện giới. Nội dung thực hành có 2 bước: Chỉ và Hành. Chỉ là dừng mọi hành động xấu ác có hại đến mình và chúng sanh. Hành là làm việc lành, giữ đúng giới luật, đem lại lợi ích cho mình và chúng sanh. Nội dung mười điều thiện:

1. Không sát sanh: không sát hại tất cả chúng sinh mà còn tu pháp phóng sanh.

2. Không trộm cắp: không trộm cắp tài vật của người khác mà còn làm việc bố thí giúp đỡ người nghèo khổ.

3. Không tà hạnh, tà dâm: không tà hạnh mà còn làm thanh tịnh phạm hạnh.

4. Không vọng ngữ: không nói dối với người mà còn nói lời chân thật.

5. Không nói lưỡi đôi chiều: không ở bên này nói xấu bên, ở bên kia nói xấu bên này, sinh mâu thuẫn trong lòng người khiến phát sanh xung đột và đấu tranh. Phải nói lời hòa hợp lợi ích.

6. Không nói lời hung ác: không nói lời thô bạo độc ác hay sỉ nhục người khác mà còn nói lời nhu nhuyến nhẹ nhàng- ái ngữ.

7. Không ỷ ngữ: không vì quyền lợi riêng mình mà nói hoa mỹ hoặc dùng lý lẽ ngụy biện bóp méo sự thực.

8. Không tham dục: không tham trước tình dục trần cảnh, nuôi lớn tâm thanh tịnh phạm hạnh.

9. Không sân hận: không phẫn nộ oán giận người mà luôn luôn hiền từ nhẫn nại.

10. Không tà kiến: không nên bảo thủ chấp trước mà luôn luôn tu tập chánh kiến.

Đó là nội dung thực tiễn của tu Thập Thiện giới. Tầm quan trọng của Thập Thiện giới, người Phật tử sau khi quy y Tam Bảo nên thọ Thập Thiện giới, vì Thập Thiện giới là căn bản các thiện pháp căn bản Bồ Tát giới mà Chư Phật ba đời đều khen ngợi. Bồ Tát thị hiện độ đời lấy Thập Thiện giới để thực hiện sự giáo hóa chúng sanh. Đức Phật có đề cập rõ ý nghĩa này: “Này Xá Lợi Phất, ông nên nỗ lực hoằng dương đạo Pháp, khai mở Pháp môn Yết Ma thọ Thập Thiện giới để phá trừ mười điều bất thiện nghiệp” (Thọ Thập Thiện Giới Kinh). Trong lục độ Ba La Mật của Bồ Tát hạnh, yếu tố trì giới tức là thực hiện trọn vẹn ý nghĩa của Thập Thiện giới. Trong Luận Đại Trí Độ cuốn 46 có dạy: “Thập Thiện, hữu Phật vô Phật thường hữu”, nghĩa là Thập Thiện giới lúc có Phật tại thế hay lúc Phật không tại thế, Thập Thiện giới đều vĩnh viễn có.

IV. Bồ Tát giới tại gia: 

Bồ Tát giới phạm vi rất rộng, tư tưởng vô cùng khoáng đạt, vượt thoát mọi chấp thủ và ước lệ đời thường, nó thuộc về thông giới. Ngoài thất chúng đệ tử ra còn có quỷ thần, Bát bộ và những chúng sanh nào hiểu được ý nghĩa của Pháp sư thuyết giới mà hành trì thì đắc giới. Trong Bồ Tát giới kinh dạy rằng: “Lục đạo chúng sanh thọ đắc giới, đản giải ngữ đắc giới bất thất”, nghĩa rằng chúng sanh trong lục đạo chỉ cần nghe hiểu lời Pháp sư truyền giới Bồ Tát giới mà trì giới thì được đắc giới. Do vậy, mọi người nam nữ, già trẻ và tất cả chúng sanh, trừ thành phần phạm bảy trọng tội (1- Giết Cha; 2- Giết Mẹ; 3- Làm thân Phật ra máu; 4- Giết A La hán; 5- Giết Hòa Thượng; 6- Phá Hòa Hiệp Tăng; 7- Giết Thánh Nhơn) đều có thể thọ Bồ Tát giới. Có hai trường hợp mất giới Bồ Tát: Tội thứ nhất là cố sát nhân không biết hổ thẹn sám hối; Tội thứ hai là xả Bồ đề tâm, ví dụ nói : “Tôi không tin việc làm Phật , không tin Tam Bảo và không phát Bồ Đề tâm nữa”. Ở trong “Phạm Võng Bồ Tát kinh” có thuyết gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh, đối với hàng xuất gia, tại gia cần tuân thủ. Nhưng trên thực tế tùy theo hoàn cảnh, phong tục mà nội dung Bồ Tát giới tại gia có giảng lược một số giới điều để người thọ giới dễ thích ứng và vận dụng. Hiện nay, nội dung giới văn Bồ Tát tại gia gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh (có giải thích rõ từng giới điều) mà được phổ biến trong các giới đàn truyền thọ, chúng tôi trích ra để Phật tử đọc dễ hiểu ý nghĩa từng giới :

Sáu giới trọng là:

1. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được sát sanh.

2. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được trộm cắp.

3. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được tà dâm.

4. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được nói dối.

5. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được nói lỗi của người tại gia và xuất gia.

6. Từ thân này đến thân thành Phật, ở trong khoảng giữa không được bán rượu, nấu rượu.

Hai mươi tám giới khinh như sau:

1. Không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

2. Say đắm rượu chè, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

3. Cố ý gớm ghê không chăm sóc người bệnh khổ, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

4. Gặp người hành khất, không nhiều thì ít, phải tùy tâm mà bố thí, nếu để người hành khất về không, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

5. Nếu thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Trưởng lão, bậc Tôn Đức, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di… không đứng dậy nghinh tiếp hỏi thăm, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

6. Nếu thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di hủy phạm giới đã thọ, sinh tâm kiêu mạn, rồi nói rằng: Ta hơn người kia, người kia không bằng ta…, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

7. Trong mỗi tháng có sáu ngày trai, nếu không đi thọ Bát quan trai giới, không cúng dường Tam Bảo, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

8. Trong khoảng tám mươi dặm, nơi có thuyết pháp mà không đến nghe, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

9. Thọ dụng vật của Thường trụ Tăng như ngọa cụ, giường, tòa ngồi, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

10. Nghi trong nước có vi trùng nhưng vẫn tùy tiện dùng, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

11. Không có bạn mà vẫn một mình đi vào nơi hiểm nạn, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

12. Một mình ngủ lại tại chùa Ni nếu là Ưu Bà Tắc, hoặc chùa Tăng nếu là Ưu Bà Di, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

13. Vì của cải, thân mạng mà đánh mắng người giúp việc, trẻ con hầu hạ hoặc người ngoài…, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

14. Nếu đem thức ăn dư thừa dâng cúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni hoặc cung cấp cho người đồng giới, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

15. Nếu nuôi những loài ăn thịt như mèo, chồn…, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

16. Có các loài vật như voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà… nếu không làm phép tịnh thí mà cho những người chưa thọ giới, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

17. Nếu không sắm cất các thứ y bát tích trượng ngọa cụ (để phòng khi cần cúng dường cho vị xuất gia thọ Bồ Tát giới), đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

18. Nếu vì nuôi thân mạng mà cần làm ruộng, nhưng không tìm nước trong (để tưới..) và đất ruộng cũ (để trồng trọt), đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

19. Nếu vì nuôi thân mạng mà mở phố buôn bán, cân đong hàng hóa; không được đã thỏa thuận giá cả rồi lại đem bán cho người trả giá cao hơn; cân đấu dùng để cân đong hàng hóa phải đúng mức quy định, nếu chưa đúng mức phải bảo sửa chữa lại, không làm như vậy, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

20. Nếu không phải chỗ, không phải thời mà hành dục, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

21. Nếu vì sinh sống mà buôn bán đem giá lên xuống, mua rẻ bán quá đắt, gian lận, trốn thuế, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

22. Trái phạm luật pháp nhà nước, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

23. Nếu có lúa mới, hoa trái, dưa rau các thứ đầu mùa, không hiến cúng Tam Bảo mà thọ dụng trước, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

24. Nếu chúng Tăng không chấp thuận mà vẫn tự mình thuyết pháp, tán thán quan điểm riêng của mình, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

25. Trên đường đi mà dành đi trước Tỳ Kheo, Sa Di, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

26. Khi dọn thức ăn ở giữa Tăng chúng nếu vì thiên vị thầy mình mà lựa chọn các thứ ngon lành dâng cho nhiều hơn các vị khác, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

27. Nếu nuôi tằm, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

28. Trên đường đi gặp người bệnh tật mà không dừng lại chăm sóc, làm các phương tiện, như dặn bảo những người khác chăm sóc, đó là Bồ Tát tại gia phạm tội thất ý.

Thọ Bồ Tát giới là đi trên con đường cao thượng, nuôi lớn lòng đại bi, thương chúng sanh chìm nổi trong sanh tử tạo vô lượng ác nghiệp, thọ vô lượng tội báo mà xả thân cứu độ. Đây là chánh nhân tu học để thành Phật đạo. Phát bồ đề tâm, hành Bồ Tát đạo là công đức và phước báu to lớn nhất. Lấy đại bi tâm làm chủ, lấy bồ đề tâm dẫn đạo, thực hiện lý tưởng Đại thừa là điểm then chốt của người học Phật cần khắc cốt ghi tâm.

V. Lời kết: 

Tam Tụ Tịnh giới và Thập Thiện giới là nội dung cơ bản của Bồ Tát giới. Nhiều kinh luận đề cập tầm quan trọng của Thập Thiện giới, xem đó là cái nhân lành tu phước báu nhân thiên. Tuy vậy, ngay cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát xem Thập Thiện giới là pháp tu học thực tiễn. Luận Đại Trí Độ có dạy: “Thập thiện đạo tắc nhiếp nhất thiết giới”. Tức là Thập Thiện giới thâu nhiếp tất cả các giới. Đối với Phật tử tại gia phát tâm thọ trì Thập Thiện và Bồ Tát giới đó là nhân duyên hiếm có trên cuộc đời. Tuy cuộc sống thế tục còn bị ràng buộc gia đình, công việc làm ăn và giao tế xã hội, v.v.. , cũng nên nhận thức cuộc đời là huyễn mộng, phát Bồ Đề tâm thọ giới pháp của Phật để cầu giải thoát khổ đau cho mình và mọi người. Từ đó gặt hái được giá trị thiết thực của Pháp vị, để thăng hoa đời sống con người. Vấn đề khi Phật tử đã thọ giới rồi, điều quan trọng là trì giới thanh tịnh mới đắc giới, tức là thành tựu Giới-Định-Tuệ và giải thoát và giải thoát tri kiến; đó là mục đích và ý nghĩa của việc thọ giới.Hoa sen ket bai new

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6796807