Thông tin

ẤN ĐỘ QUA NHẬT KÝ CỦA NHÀ SƯ MINH TỊNH

ẤN ĐỘ QUA NHẬT KÝ CỦA NHÀ SƯ MINH TỊNH

DƯƠNG HOÀNG LỘC


Tranh vẽ nhà sư Minh Tịnh

I. Tiểu sử nhà sư Minh Tịnh

Hòa thượng Minh Tịnh (1889-1951) thế danh là Nguyễn Tấn Tạo, quê quán tại làng An Thạnh, quận Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (nay là thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Trước khi xuất gia tu học, ông là một công chức y tế, có vốn hiểu biết rộng, thông hiểu các thứ tiếng Hán, Pháp, Anh và nghiên cứu Phật học từ năm 16 tuổi. Sau một thời gian tu học, Sư Minh Tịnh phát tâm muốn tìm hiểu giáo lý và chiêm bái Phật tích ở Ấn Độ. Sư đi hành hương sang Ấn Độ, Né - pal và đặt chân đến vùng đất Tây Tạng vào những năm từ 1935 đến 1937. Đặc biệt, tại kinh đô Tây Tạng thời bấy giờ - Lhasa, ông được đức Nhiếp Chính vương Tây Tạng thời đó là Re-Ting Rinponche tiếp đón, khen ngợi và ban pháp hiệu Thubten-Osall Lama. Đây là một niềm vinh dự lớn mà ít ai có được. Trong thời gian ở lại Tây Tạng, ngài còn có dịp học hỏi, tìm hiểu văn hóa và Phật giáo Tây Tạng, hành trì pháp tu Mật tông. Tháng 6-1937, Sư Minh Tịnh về lại Việt Nam. Về nước, ngài trở thành một vị cao tăng được kính nể ở vùng đất Thủ. Ông lập chùa Thiên Chơn, được thỉnh làm trụ trì chùa Bửu Hương và sau đổi tên chùa này thành chùa Tây Tạng nhằm kỷ niệm chuyến đi hành hương của mình. Ngày 17/5/1951, hòa thượng viên tịch và được lập tháp thờ tại chùa Thiên Chơn ở Búng (nay là thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Hai tác phẩm mà Ngài để lại cho hàng đệ tử là quyển Nhật ký tham bái Ấn Độ - Tây Tạng và bản dịch bộ kinh Lăng Nghiêm Tông thông(1). Quyển Nhật ký tham bái Ấn Độ - Tây Tạng là những ghi chép của ngài suốt toàn bộ chuyến đi này và chứa đựng nhiều tư liệu quý, góp thêm sự hiểu biết về các quốc gia mà nhà sư Minh Tịnh đã đặt chân đến, nhất là đất nước Ấn Độ.

Chùa Tây Tạng

II. Nội dung của quyển Nhật ký tham bái Ấn Độ, Tây Tạng

Nhật ký tham bái Ấn Độ, Tây Tạng của nhà sư Minh Tịnh là những ghi chép của ông về chuyến hành trình từ Việt Nam đến Ấn Độ, Né - pal, Bhutan và Tây Tạng trong thời điểm từ năm 1935 đến 1937. Quyển nhật ký này được lưu giữ từ nhiều năm nay tại chùa Tây Tạng (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) và lưu hành trong phạm vi nội bộ nhà chùa. Nhật ký dài hơn 300 trang với những ghi chép tỉ mỉ về chuyến đi xuất dương cầu đạo của tác giả. Thiền sư Minh Tịnh ra đi để tìm hiểu và chiêm bái Phật tích bằng ý chí và lòng phát nguyện của mình với bối cảnh Phật giáo cả nước trong cao trào bừng dậy công cuộc chấn hưng. Ngài nghĩ muốn chấn hưng Phật pháp(2) phải biết cội nguồn của Phật pháp. Vì vậy, khi đã hội đủ cơ duyên: “Nghĩ rằng: Tiền lo cũng vừa đủ đủ, tham học cũng vừa thông thông. Nay cũng nên nhất định, bèn làm đơn trình quan chủ tỉnh, xin giấy xuất dương. Sự tích Tây du Phật quốc sơ dẫn vậy”(3). Ngày 17 tháng 4 năm 1935, ngài lên tàu bắt đầu chuyến hành trình tìm về đất Phật. Chuyến đi này của Hòa thượng Minh Tịnh là cuộc hành trình về đất Phật, đến Tây Tạng - miền xứ tuyết còn rất huyền bí thời bấy giờ. Do vậy, qua quyển nhật ký không chỉ để biết được tâm trạng và suy nghĩ của người viết mà còn chứa đựng khá nhiều “vĩ quặng” về tự nhiên, lịch sử, xã hội, văn hóa ở những miền đất mà nhà sư này đến chiêm bái.

Đọc quyển nhật ký này, điều đầu tiên thấy rằng, khi đến nơi nào, Sư Minh Tịnh đều ghi chép cụ thể về nơi đó. Điều này cũng phù hợp với đặc trưng của thể loại ký: “Trong văn học ta, ký cũng là một loại văn có truyền thống lâu đời. Ký là ghi chép, về nguyên tắc là viết về sự thật mắt thấy tai nghe, do vậy, không chấp nhận hư cấu, bịa đặt. Đó là đặc điểm chính của ký”(4). Khi đến Ấn Độ, ngài liền tìm đến sông Hằng - dòng sông linh thiêng của nước này. Những cảnh tượng kỳ lạ đã không thể không làm một nhà sư đất Việt quan tâm chú ý: “Xuống tam cấp, chen cùng họ, xem đầu này, coi chỗ nọ, nhất là tôi ham quan sát mấy chỗ của các thầy tu ngoại đạo ngồi. Họ che cái giại hay cặm cây dù lớn mà ngồi. Có đủ đồ, nào hình tượng, lư hương, son, phân tro. Mỗi cây dù và mỗi cái giại là mỗi ông sư ngoại đạo ngồi, đặng tiếp bổn đạo đi cầu nước sông Linh. Trước khi xuống múc nước hay tắm, thì bổn đạo nào tìm thấy đạo nấy mà xin phép và lễ hình tượng đạo giáo chủ rồi mới đặng xuống múc nước hoặc tắm. Mỗi đạo khác nhau chỉ dòm hình trạng ông thầy tùy cái biểu hiện vẽ nơi trán, tay hoặc có dấu riêng vật dụng, như tích trượng, chuỗi đeo cổ cùng hình tượng thờ. Khi múc nước hay tắm rồi thì lên thọ phép của thầy, hoặc phết tro, hoặc điểm son, hoặc cột niệt, đeo bùa, học chú, cầu kinh nguyện. Đoạn cúng ít xu, hột nổ, bánh trái, bông hoa rồi mới về. Kẻ múc nước, thì cũng dâng lễ vật rồi, thầy họa phù trong nước rồi đem đi về, nội nhà dùng, gọi là hạnh phúc. Tôi đi dài theo đó mà quan sát, đoạn vào chùa xem họ đi cúng, không chỗ nào là không để mắt”(5). Việc miêu tả chân thật, cụ thể và tỉ mỉ là thủ pháp đặc trưng của thể loại ký. Đồng thời, qua các ghi chép này còn cho thấy tác giả của nó là một người có óc quan sát tinh tế, rất chú ý đến những sự việc, hình ảnh mới lạ. Điều này đã được tác giả chia sẻ: “Đến xứ người, không một sự việc chi trong cảnh vật, quanh mình, dầu lớn dầu nhỏ, cũng có thể dạy ta đặng những sự ta chưa từng thấy”(6).

Không dừng lại ở đó, tác giả còn xen giữa miêu tả là giới thiệu, lý giải những điều mới lạ ấy. Có thể nói, nhà sư Minh Tịnh đã có tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán, địa dư, kiến trúc,... ở những nơi mà ông đến. Chính điều này đã làm cho quyển nhật ký còn có một ý nghĩa to lớn và quan trọng. Đó là cung cấp những tư liệu về tự nhiên cũng như lịch sử, văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ, Né-pal, Bhutan, Tây Tạng. Người đọc, bên cạnh những tư liệu liên quan đến Phật giáo, sẽ được hiểu hơn về đất nước và con người ở những miền đất này vào những thập niên 30 của thế kỷ trước. Vì vậy, quyển Nhật ký tham bái Ấn Độ - Tây Tạng của Hòa thượng Minh Tịnh mang giá trị lịch sử đối với những ai muốn tìm hiểu về những nơi này. Điều này càng phù hợp với thể loại ký: “Người ta so sánh không phải là không phải không có căn cứ thể ký với “binh chủng trinh sát” trong quân đội văn học. Thông qua tác phẩm ký có thể kịp thời ghi lại những gì có ý nghĩa đang diễn ra, và trực tiếp bày tỏ thái độ. Các tác phẩm ký cũng là một kho tư liệu dồi dào về xã hội, về con người trong một thời kỳ lịch sử nhất định”(7).

Đầu tiên, đó là những ghi chép về tự nhiên, kinh tế và xã hội ở những nơi mà ông đặt chân đến. Ngay khi quá cảnh ở Singapore, Sư Minh Tịnh đã ghi chép cảnh sầm uất của một hải cảng lớn ở Đông Nam Á thời đó: “Sigapore thì vui rồi, phố xá, lầu đài, dinh thự, ngó xán qua thì cũng biết đẹp xinh. Người Tàu ở đây đông đảo lắm. Ấy là một hải cảng to lớn... Lầu các, phố phường  cao chất ngất, trên bờ dưới nước chật tàu xe...”(8). Đến các địa phương của Ấn Độ, Né - pal, Tây Tạng, không nơi đâu mà ngài không nhắc đến, xen lẫn giới thiệu và miêu tả các nơi đó. Đặc biệt, trong quyển nhật ký, Hòa thượng Minh Tịnh rất chú trọng việc ghi chép các khung cảnh của các thành phố lớn ở Ấn Độ thời đó: Madras, Benares, Calcutta,... Vừa đặt chân đến Madras, ông tả lại khung cảnh của một thành phố cảng Ấn Độ thời đó: “Ròng là người bổn xứ, mà tôi nghĩ sao lạ quá, vì không thấy một Hoa kiều nào cả... Đụng đường lộ lớn, láng bóng, không một miếng rác. Càng đi vào thành thị càng thấy nguy nga, rẽ qua một con đường hẻm lớn, đi ngang qua một đống rác và tro...”(9). Ở một đoạn khác, ông ghi nhận cảnh sầm uất nơi đây: “Ôi thôi! Ta ngó phố phường, tiệm hãng, dinh thự, lầu đài, không mãn nhãn. Số người lại qua đếm không hết...”(10). Hành trình từ Madras đến Calcutta, điều ghi nhận của tác giả là tình hình dân cư khá đông đúc: “Từ Madras đến Calcutta  trải qua nhiều cái thành thị cũng lớn, nhơn dân chỗ nào cũng nhiều. Tôi thấy làm lạ là mỗi gare nào cũng thấy hành khách nào đông nghẹt. Không biết họ đi đâu quá vậy, ngày đêm cũng vậy...”(11). Một so sánh giữa hai thành phố Madras và Benares dưới con mắt của nhà sư ngoại quốc: “Thành thị Benares tốt đẹp hơn Madras nhiều lắm. Phần đông số là chùa của ngoại đạo, làm cho cái thành Ba La Nại đặng nguy nga, sạch sẽ hơn Madras. Các nơi bán đồ ăn, thì tôi thấy tiệm nào cũng bán Kari hàng bông, nhiều thứ bánh mứt. Tôi để ý xem mà không thấy nơi nào bán đồ mạng vật...”(12).

Trên chuyến đi hành hương này, ngài Minh Tịnh không thể không miêu tả cảnh vật, thời tiết của dãy Himalaya. Dãy núi này có nhiều ngọn núi cao, có hơn 40 ngọn cao hơn 6.000 m. Riêng đỉnh Everest cao 9.676 m. Đặc biệt, trong tâm trí người Ấn, Himalaya còn là nơi trú ngụ của thần linh, là nơi các ẩn sĩ, triết gia, nhà tu hành tìm đến để suy ngẫm và tìm tòi các đạo lý cao sâu. Trong quyển nhật ký, Hòa thượng Minh Tịnh đã nhiều lần nhắc đến phong cảnh, thời tiết khá đặc biệt của dãy núi hùng vĩ này: ”Xe chạy theo triền núi, trải qua biết bao đèo ải, núi tứ giăng. Ban đầu núi đá hòn, đá khối. Xem phong cảnh nào sơn nào thủy mỹ lệ: Có cây tòng đầy núi, có thác nước, có dây thép treo để chở lương phạn qua mấy ải sâu...”(13). Mặc dù chỉ vài dòng, nhưng cũng đủ cho thấy thời tiết nơi đó thật khắc nghiệt, nhất là một người chưa hợp phong thổ và lần đầu đặt chân đến: “Lên đèo xuống ải trống bụng qua non, miệng phà ra khói, lạnh tê tái tay chơn, mũi thở ra tiếng, trống ngực ầm ì, mệt ngất. Ngó quanh Hy Mã Lạp Sơn bao giăng, chặp chùng cao thấp, tòng reo, nước khải, gió đưa sương...”(14). Himalaya còn có nghĩa là xứ sở của tuyết. Như vậy, ấn tượng nhất của phong cảnh nơi đây là cảnh tuyết che phủ quanh năm: “Một ngày tấc đường một lên cao, tháng nực ở các xứ mà ở đây lạnh thấu xương, tuyết còn trắng núi lấp đường, hà huống là tới lập đông... Tháng này là tháng Tư mà đường núi bần đạo trải qua nhiều nơi tuyết còn cao trên thước... Đừng tưởng có mặt trời mà tuyết phải tan, bần đạo vẫn cảm thấy mặt trời chan chan nắng giọi mà tuyết vẫn trơ trơ, chỉ lần hồi bắt ở dưới đất tiêu lần ra nước rỉ rả chút đỉnh vậy thôi, chừng đủ thì giờ trời tối cũng rã tan, chẳng lựa có mặt trời. Như tại Pharijong này, cách núi tuyết chừng ngàn thước, thì ngày đêm bần đạo vẫn thấy trắng như vôi, có bữa sớm mơi ra thấy núi xanh um, chừng 10 giờ, 11 giờ thì tuyết xuống đã trắng đảnh, vậy thì biết chưa phải mặt trời làm rã nó. Nước đá đông đặc, xem khác hơn tuyết đặc... Nước suối lạnh thì có mà không đặc. Lạnh đến nỗi hớp vào thì phun ra liền mà răng ê lười quánh lận, thiệt quá đỗi lạnh...”(15). Có lẽ, những dòng ghi chép trên cũng đủ để người đọc hình dung được cảnh đồi núi chập chùng, khí hậu lạnh lẽo ở núi rừng Himalaya. Qua những ghi chép trên, có thể nói đó chính là những bức tranh được vẽ sinh động, thực tế, thủ pháp lúc gần lúc xa, chú trọng những chi tiết quan trọng - dù rất nhỏ đã làm cho tác phẩm này chứa đựng nhiều bức ký họa về đất và người ở đất nước Ấn Độ thời đó.

(Còn tiếp)


(1) Viết phần này, chúng tôi đã tham khảo từ:

1. Nguyễn Hiếu Học (2009), Dấu xưa đất Thủ, TP.Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ - Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương.

2. Huệ Thông, Minh Tịnh Thiền sư đất Thủ và cuộc hành trình Tây Trúc (thập niên 30 thế kỷ XX). Bản tin Hương Sen, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, số 12, ngày 15/7/2009.

(2) Huệ Thông, Minh Tịnh Thiền sư đất Thủ và cuộc hành trình Tây Trúc (thập niên 30 thế kỷ XX). Bản tin Hương Sen, Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, số 12, ngày 15/7/2009, trang 16.

(3) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, Nhật ký tham bái Ấn Độ, Tây Tạng, Bản photocopy do chùa Tây Tạng cung cấp, trang 7.

(4) Nguyễn Văn Hạnh - Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học vấn đề và suy nghĩ, Hà Nội, Nxb. Giáo Dục, trang 98.

(5) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 34.

(6)  Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 16.

(7) Nguyễn Văn Hạnh - Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học vấn đề và suy nghĩ, Hà Nội, Nxb. Giáo Dục, trang 101.

(8) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 15.

(9) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 16.

(10) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 20.

(11) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 24.

(12) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 13.

(13) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 49.

(14) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 49-50.

(15) Tổ sư Thượng Nhẫn Hạ Tế - Thubten Osall Lama, sđd, trang 87-88.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6126833