Thông tin

ÂN ĐỨC CAO DÀY CỦA PHỤ MẪU QUA LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT

ÂN ĐỨC CAO DÀY CỦA PHỤ MẪU

QUA LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT

TUỆ ÂN tổng hợp

 

Có hai bậc ân nhân công lao trời bể với mỗi chúng ta là Mẹ và Cha. Trong bộ kinh Majjhimanikāya Mulapaññāsaka, đức Thế Tôn có dạy rằng: "Này các Tỳ khưu, cha mẹ là đấng có tâm rất lành đối với con, bắt đầu từ khi vừa biết thọ thai, mẹ hết sức lo bảo vệ thai bào, cha thì lo thang thuốc cả mười tháng như vậy. Các Tỳ khưu này, bà mẹ hết sức lo và cố gắng săn sóc con, không nài cực nhọc, không một việc nhỏ nhen nào mà bà không quan tâm tới, chính bà là người san sớt máu cho con, chẳng những lo cho con khi còn trong thai, mà mãi đến khi vừa sinh ra cho đến lớn khôn, mẹ và cha lo cho đến khi nào họ từ bỏ cõi đời này".

Mẹ và cha khi biết mình đã có con, thì lo tiết kiệm tiền của để cho con, lắm khi vì lòng thương con mà dám làm tội ác, để có tiền nuôi con, hoặc để dành cho con về sau. Khi nào con đi đâu về trễ, cha mẹ đều lo sợ, nhất là cha mẹ dựa cửa ngóng trông, sợ con gặp tai nạn.

Vì vậy, đức Phật dạy: Cha mẹ đối với con có bốn đức, là Từ, Bi, Hỉ, Xả.

Lại có câu kệ ngôn dạy rằng: "Ubhopi ce te brahmāpubbadevā pubbacāryā ahuneyyati ca vuccati".

Nghĩa là đối với hai đấng đại ân nhân ấy, đức Phật có ban cho bốn hồng danh là:

1. Phạm thiên;

2. Chư thiên thuở đầu;

3. Vị tôn sư trước nhất;

4. Bậc đáng cúng dường.

1 - Hồng danh thứ nhất: Phạm thiên có nghĩa là cao quý, ý nói cha mẹ nuôi dưỡng con được hoàn toàn không quản khó nhọc, vì cha mẹ có tứ vô lượng tâm, nghĩa là tâm cao quý không lấy gì đo lường được;

Bốn tâm ấy là:

1 - Mettā: Từ

2 - Karunā: Bi.

3 - Muditā: Hỉ.

4 - Upekkhā: Xả.

Bốn tâm này giờ phút nào cũng ở trong cha mẹ và hằng ban bố đến con, mặc dù con đã lớn khôn, trưởng thành, Cha mẹ cũng như Phạm thiên, bao giờ cũng niệm tứ vô lượng tâm không ngừng nghỉ. Vì lẽ ấy, nên đức Phật mới cho cha mẹ hồng danh làm Phạm thiên.

Bốn tâm vô lượng ấy phát sinh đến cha mẹ từ bao giờ?

- Tâm Từ phát sinh đến cha mẹ, kể từ khi mẹ biết mình thụ thai. Ngay từ khi ấy, cha mẹ lo lắng mong thấy mặt con, muốn biết xem con ấy là trai hay gái, đẹp hay xấu, có tật bệnh gì không. Suy tư như thế gọi là tâm từ đã sinh khởi.

- Tâm Bi có từ khi mẹ vừa sinh con ra khỏi lòng. Mặc dù trong khi ấy mẹ còn đau đớn cực nhọc, nhưng khi nghe tiếng con khóc, mẹ lo nghĩ đến con, thương con và lo sợ cho sức khỏe của con. Lòng thương con không biết bờ bến nào mà kể.

- Tâm Hỉ có từ khi con vừa biết đi đứng cho đến khi lập gia đình, vẫn đến khi cha mẹ chết. Cha mẹ thấy con càng an vui, càng mừng và càng cầu nguyện cho con thêm, không bao giờ cha mẹ biết ganh tị với con về hạnh phúc của con. Mặc dù con có nuôi cha mẹ hay không, cha mẹ cũng không đòi hỏi và cũng không than vãn phiền trách.

- Tâm Xả phát sinh lên, khi con khôn lớn có gia đình, giàu hay nghèo chẳng hạn, mà không lo phụng sự hoặc giúp đỡ cha mẹ, cha mẹ cũng không bao giờ buồn và không đòi hỏi gì ở con. Mặc dù con có lầm lỗi phạm thượng, cha mẹ vẫn vui lòng tha thứ, không có oán như người dưng kẻ lạ.

2 - Hồng danh thứ nhì: Đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên thuở đầu, bởi cha mẹ là người duy nhất gắng hết tâm lực đem hạnh phúc lại cho con, không bao giờ cố chấp lỗi lầm nào của con, không muốn con mình bị tai nạn.

Thời kỳ đức Phật còn tại thế, người thời ấy chỉ biết tin ở một đấng siêu việt có thể tiếp độ chúng sinh về thiên giới, mà người thời ấy gọi là chư thiên, vì lẽ ấy nên đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên của con.

3 - Hồng danh thứ ba: Đức Phật gọi cha mẹ là vị tôn sư trước nhất, bởi cha mẹ là thầy tổ dạy con đủ mọi việc, từ đi, ăn, ngủ đến đạo lý luân thường, trước hơn tất cả các vị tôn sư sau này.

4 - Hồng danh thứ tư: Đức Phật gọi cha mẹ là bậc xứng đáng thọ nhận sự cúng dường, vì chỉ có cha mẹ đáng thọ lãnh tất cả mọi vật của con đem đến dâng cúng.

Lòng thương và lo cho con của cha mẹ không bờ bến như thế, nên bổn phận làm con có phận sự phải phụng dưỡng cha mẹ cho tròn chữ hiếu. Người con nào không lo tròn hiếu trước, thì người ấy không phải là một người đáng làm bạn, mà cũng không xứng đáng làm chồng hay vợ, mà cũng không thể làm một người tốt.

Trong bài kinh Brahmasutta, đức Thế Tôn có dạy rằng, cha mẹ là hai đấng có công ơn vô lượng vô biên đối với con. Nếu người con nào có hiếu thu phục năm châu bốn biển để cho cha mẹ cai trị, hưởng sự an lạc như thế, là cùng tột rồi, nhưng cũng chưa gọi là đáp đền được công ơn sinh thành dưỡng dục. Chỉ người ấy chỉ lo phần vật chất của cha mẹ thôi, hay có thể nói theo Phật giáo, chỉ lo cho cha mẹ kiếp hiện tại thôi. Phàm người con có hiếu thì phải cố gắng làm sao cho cha mẹ biết tu tập để giải thoát, hay làm sao cho cha mẹ có bốn pháp này trong tâm, nghĩa là thực hành bốn pháp:

1 - Saddhā (đức tin): Nghĩa là tin Tam bảo, tin nơi nghiệp.

2 - Cāga (bố thí): Hay dứt bỏ, tức là dứt bỏ lòng tham lam, biết bố thí, cúng dường (để được hưởng phước trong ngày vị lai).

3 - Sīla (trì giới): Là giữ cho thân, khẩu được an tịnh, không phạm vào năm điều tội ác.

4 - Pañña (trí tuệ): Nghĩa là trí tuệ để quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã, nghĩa là có minh sát tuệ để quán tưởng thấy chán ngán thân này, không còn quyến luyến thương tiếc mọi việc đời.

Nếu cha mẹ đã quá vãng thì bổn phận làm con nên cố gắng làm mọi việc lành, rồi hồi hướng đến cha mẹ hàng ngày. Người con nào làm được như thế mới gọi là con có hiếu và đáp đền được công ơn sinh dưỡng trời bể của cha mẹ.

Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhân trong nhà vậy. Đức Thế Tôn dạy rằng cha mẹ có thể sánh với chư thánh nhân, bởi vậy cúng dường đến cha mẹ có phước vô lượng vô biên, cũng như cúng dường cho các bậc A la hán vậy.

Phàm người biết công ơn cha mẹ thì phải lo cách đáp đền bằng vật chất và bằng tinh thần.

Đền đáp công ơn bằng vật chất phải thực hành như thế này:

1 - Phải hết lòng cung kính cha mẹ, không bao giờ dám nói một lời nào vô lễ, làm trái ý.

2 - Phải lo phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp vật thực, thuốc uống, áo quần và chỗ ở. Phải quạt nóng đắp lạnh, sớm thăm tối hỏi cha mẹ, cũng như khi ta còn nhỏ cha mẹ lo cho ta.

3 - Phải lo chăm nom săn sóc cha mẹ khi có bệnh.

4 - Phải bỏ việc gia đình của mình để làm việc cho cha mẹ trước, và không bao giờ nghĩ đến việc riêng của mình khi chưa làm xong công việc của cha mẹ.

Đền đáp công ơn cha mẹ về tinh thần:

1 - Gắng hết sức giữ gìn thanh danh của gia đình, không để cho người đời khinh bỉ, hơn nữa gắng làm sao thanh danh của gia đình càng ngày càng được mọi người ca tụng.

2 - Gắng làm cho mình ra người đáng thọ hưởng gia tài của cha mẹ để lại.

3 - Khi cha mẹ ta không có đức tin với Tam bảo, không thọ tam quy ngũ giới, tự mình cố gắng khuyên; nếu không được, thì gắng nhờ các bậc trí thức giảng giải hộ mình hoặc chư Tăng hay các bậc đại đức thuyết pháp độ cha mẹ.

4 - Ít lắm ta cũng phải làm sao thuyết phục được cha mẹ thọ tam quy ngũ giới.

5 - Dẫn dắt cha mẹ vào chùa nghe pháp, bố thí và học minh sát tuệ. Người làm tròn được những đều trên đây mới gọi là con biết yêu thương cha mẹ và báo đền được công ơn cha mẹ.

Phần người con biết đền đáp công ơn cha mẹ, thì được những sự hạnh phúc:

1 - Không bị mất sự lợi ích.

2 - Sẽ được thoát khỏi những điều kinh sợ.

3 - Sẽ thoát khỏi được tất cả tai nạn.

4 - Sẽ được lợi lộc do các bậc trí thức hay vua chúa ban cho.

5 - Sẽ được quyền cao chức lớn.

6 - Nhận được sự ngợi khen của hàng đại chúng ở mọi nơi và mọi trường hợp.

7 - Sẽ thoát khỏi sự ám hại của kẻ bất lương.

8 - Khi có bị tai nạn cũng có chư thiên đến cứu.

9 - Sau khi chết được sinh về cõi trời.

10 - Sẽ có cơ hội đạt được đạo quả Niết bàn.

11 - Đi theo con đường của chư Bồ tát và chư thánh nhân.

Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhân trong nhà vậy. Làm phận con phải gắng hết sức để phụng dưỡng cha mẹ, hãy gắng báo hiếu công dưỡng dục sinh thành của mẹ cha ngay khi phụ mẫu còn tại tiền, như thợ bắn cung vẫn nhìn thấy bia để ngắm mà bắn trúng, đừng đợi khi cha mẹ đã khuất núi vào cõi hư vô rồi mới tìm cách báo hiếu thì có khác chi giương cung ngắm đích hư vô? biết cha mẹ ở cõi nào mà báo hiếu?

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ khưu! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là Cha và Mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:

- Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo.

- Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.

- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.

- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.

Phụng dưỡng đầy đủ về vật chất đã tốt rồi. Nhưng nếu con cái có học đạo của Đấng Từ phụ mà về giảng giải duyên lành về vô thường - khổ - vô ngã cho cha mẹ hiểu thì đó mới là sự báo hiếu tròn đủ, để khi cha mẹ thanh thản lìa bỏ cõi tạm, ra đi mà vững tin nơi Tam bảo, được con cái quây quần tụng kinh hộ trì cho cha mẹ, cầu xin chư Thiên đến dắt tay cha mẹ đi cảnh tốt thì quý hóa biết nhường nào.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6116535