Thông tin

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO

TRONG THỜI ĐẠI CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU

 

BAN THIỀN HỌC*

 

Theo dòng lịch sử chúng ta thấy các đời vua chúa, quan lại, Hoàng thân quốc thích nhà Nguyễn thường rất sùng mộ và không ngừng hộ trì Phật pháp, nhất là từ đời chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) trở đi, Phật giáo Đàng Trong dần dần hưng thịnh. Mặc dù đạo Phật có từng bước thăng trầm theo quy luật phát triển, tuy nhiên, lòng người Việt Nam đã thấm nhuần giáo lý từ bi hỉ xả, sống tốt đời đẹp đạo… Từ ngàn xưa, cội rễ đạo Phật đã nảy mầm trong lòng dân tộc. Mặt khác, vua quan nhà Nguyễn nhiều đời ủng hộ, chuộng mến và tạo tiền đề không nhỏ để Phật giáo Việt Nam lớn mạnh như hôm nay. Nói cách khác là Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đối với Đàng Trong. Các ý nêu trên đều được bộc lộ qua những văn bia do vua chúa, quan lại, Nho sĩ… triều Nguyễn soạn.

I. LÝ DO PHẬT GIÁO ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỜI ĐẠI CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU:

a. Nho giáo chưa có điều kiện khẳng định vị trí như ở Đàng Ngoài:

Kể từ Nguyễn Hoàng vào Nam, các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cảm thấy cần phải có một chỗ tựa tinh thần cho những người Việt di dân về phương Nam được ổn định về mặt tâm lý. Không thể sử dụng Khổng giáo, vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình. Tuy nhiên, họ Nguyễn lại không dám đi quá xa và không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn khác biệt với truyền thống của người Việt ở phía Bắc. Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại Thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng đọng các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị. Về phía nhân dân, phần lớn là di dân từ Đàng Ngoài vào, gặp lúc chúa Nguyễn xiển dương những tư tưởng phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết của Phật giáo Đại Thừa. nên họ nhanh chóng tiếp nhận trào lưu này.

b. Đàng Trong có thành phần nông dân nghèo khổ rất đông:

Quá trình tạo lập xứ Đàng Trong cũng là quá trình liên tục tổ chức khẩn hoang. Lực lượng khẩn hoang đông đảo nhất chính là những người nông dân nghèo khổ. Họ không có điều kiện để cho con em tới trường, và với số ít ỏi có điều kiện thì đạo thánh hiền mà Nho gia rất mực tôn kính, trong họ cũng đã dần dần bớt thiêng. Họ tìm đến những gì phù hợp hơn, thiết thực vỗ về và an ủi họ khi đối mặt với vùng đất mới bao la và dữ dội. Họ cần trước hết là những bài học về đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số những triết lý cao siêu. Và, Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành giàu nhiệt huyết nhập thế một cách tích cực đã mau chóng đáp ứng được điều này. Ở đâu có đất mới được mở ra là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với một xã hội trong giai đoạn văn hóa còn chưa mở mang.

c. Phật giáo đã từng có ảnh hưởng lâu dài:

Trước khi các chúa Nguyễn đặt chân đến phương Nam (từ Bình Thuận trở xuống là vùng đất của người Chăm và Chân Lạp), thì đạo Phật đã là tôn giáo chính của các dân tộc này. Thêm vào đó, Phật giáo Đại Thừa có những sự tương đồng trong việc thờ tự của người Chăm nên họ không cảm thấy bỡ ngỡ khi tiếp cận. Qua đây, ta thấy các chúa Nguyễn dựa vào Phật giáo để trị nước là hoàn toàn phù hợp.

Bằng vào tâm đạo của mình, các bậc cha ông của chúa Nguyễn Phúc Chu đã trùng kiến và xây dựng rất nhiều chùa trên hai xứ Thuận-Quảng. Năm 1601, chúa Tiên-Nguyễn Hoàng cho trùng tu chùa Thiên Mụ. Năm 1602, khi đi lạc thành chùa Thiên Mụ, chúa lại phát nguyện trùng tu chùa Sùng Hóa. Năm 1607, chúa lập chùa Bửu Châu ở Quảng Nam. Năm 1609, chúa lập chùa Kính Thiên ở xã Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy-Quảng Bình.

Năm 1665, chúa Hiền-Nguyễn Phúc Tần trùng tu chùa Thiên Mụ. Năm 1667, Chúa lại cho xây dựng chùa Vĩnh Hòa ở cửa biển Tư Dung. Tại lễ khánh thành này, chúa cho mở đại hội Du Già bảy ngày đêm để tạ ơn Tam Bảo và siêu độ vong linh.

Năm 1688, chúa Nghĩa-Nguyễn Phúc Trăn cho trùng tu chùa Vĩnh Hòa. Đồng thời, chúa còn nhờ thiền sư Nguyên Thiều về Trung Hoa thỉnh cao tăng, pháp tượng, pháp khí sang hoằng hóa tại Đàng Trong.

Đó chính là những nguyên nhân đã khiến Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến thời đại chúa Nguyễn Phúc Chu.

II. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN THỜI ĐẠI CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU:

1. Ảnh hưởng trong việc trị nước:

Chúa Nguyễn Phúc Chu rất mộ đạo Phật. Năm 1695, sau khi thiền sư Nguyên Thiều tịch, ông mời thiền sư Thạch Liêm từ Quảng Ðông qua để dạy đạo cho quan và dân và cũng để ông quy y thụ giáo. Một bữa nọ thấy Thạch Liêm trì chú mà trời đang mưa nhiều ngày bỗng tạnh, ông liền nài nỉ học cho được những bài chú. Thạch Liêm nói rằng quan trọng không phải là ở bài chú đó mà là ở người trì chú; người trì chú có thanh tịnh và đức độ thì trì chú mới linh nghiệm. Rồi thay vì truyền cho ông bài chú, Thạch Liêm đưa cho ông một bản điều trần mười tám điểm về việc trị nước theo tinh thần Phật giáo, ý nói rằng làm đúng được nhiều điều kia thì phong điều vũ thuận, cũng linh nghiệm bằng sự trì chú.

Một lần khác, ông thỉnh Thạch Liêm và chư tăng chùa Thiền Lâm khai đàn tụng thần chú Ðại Bi, và muốn tự mình trai giới thanh tịnh để được tham dự. "Trai giới" ở đây có nghĩa là không ăn thịt và không gần gũi nữ nhân. Hỏi ý Thạch Liêm nên làm như thế nào, thì thiền sư nói rằng sự trai giới của một ông vua không thể giống như người thường dân. Thiền sư nói: "Trai giới không phải chỉ để cho sạch miệng sạch mình và sạch tư tưởng mà thôi đâu. Trai giới là làm cho quốc gia từ trên tới dưới được thanh lý chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào chẳng giải quyết thỏa đáng: Làm cho được như thế mới là sự trai giới viên mãn của một ông vua". Rồi Thạch Liêm đề nghị ông trai giới bằng cách: trả tự do cho những người bị giam cầm oan ức, phóng thích bớt những tù nhân trong ngục thất, chẩn cấp cho kẻ nghèo đói, tháo gỡ cho những người bị đè nén ép uổng, bãi bỏ bớt những luật lệ quá nghiêm khắc, dễ dãi cho người buôn thúng bán bưng và cho thợ thuyền. Có lẽ đây là công trình giáo hóa to lớn nhất của vị trú trì chùa Trường Thọ, bởi vì chúa Nguyễn Phúc Chu đã nghe lời ông. Có một lần Thạch Liêm nghe nói đến một lối hình phạt được sử dụng tại Ðàng Trong gọi là tượng hình: bắt tù trọng phạm giao cho voi quật. Voi nhồi phạm nhân lên cao mấy trượng, rồi lấy ngà xốc đỡ, ngà voi đâm thủng gan ruột, phạm nhân chết liền. Ông bèn khuyên chúa Nguyễn bỏ hình phạt ấy. Chúa Nguyễn chấp thuận yêu cầu này.

Khi mớí đặt chân đến Thuận Hóa, sư dâng lên cho chúa bản “Điều trần về việc của nước Đại Việt có những điều như:

- Đặt đồn thú để củng cố biên thuỳ.

- Thương yêu quân sĩ để cổ võ lòng trung dũng.

- Mở mang trường học để giáo dục nhân tài…

Qua những lời dạy này, chúng ta thấy chúa Nguyễn Phúc Chu vâng theo và thực hiện đã nói lên được chúa sẵn có chủng tử Bồ đề cùng thấm nhuần tinh thần trí huệ từ bi của đạo Phật.

2. Ảnh hưởng đến quyến thuộc nhà Chúa:

Hồi Thạch Liêm dự định về nước, mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu là Tống Thị dọn cơm chay cúng dường, tỏ ý buồn rầu vì sự thầy trò xa cách. Ngài khuyên bà niệm Phật: “Sự hội họp chia lìa của con người không phải ở nơi hình hài. Nếu quốc mẫu thường xuyên làm việc lành và nhất tâm niệm Phật không chút gián đoạn thì đó là thầy trò được gần gũi mãi mãi. Còn nếu tâm niệm thường theo đuổi việc trần thì dù lão tăng có ở đây hàng ngày đối diện cũng xa cách ngàn dặm, rốt cuộc cũng không có ích gì". Quốc mẫu nghe mấy câu trên lấy làm mừng rỡ, cầu xin ông chép lại ý ấy bằng giấy mực mà ngày đêm tuân hành. Sau bữa trai tăng, ông về chùa Thiền Lâm viết một bài kệ ngắn cho bà, tựa đề là: "Nói về Phật A Di Ðà của tự tính" (Tự tính Di Ðà thuyết). Bài này có lẽ đã được quốc mẫu giữ gìn thận trọng lắm. Nay nhờ có sách Hải ngoại kỷ sự mà ta còn đọc được trọn bài. Giáo lý Tịnh Ðộ ở đây được diễn tả bằng ngôn ngữ Thiền học: "Vì tôi muốn trở về chùa cũng nên quốc mẫu xin một vài lời lưu lại để trọn đời thọ trì, nguyện đời đời kiếp kiếp thường được thân cận. Cho nên tôi viết những lời sau đây: "Trong các con đường tắt để tu hành, không con đường nào bằng niệm Phật. Niệm Phật cốt ở chỗ dứt bỏ được duyên lự, chỉ nhớ tới sáu chữ, tâm không tán loạn, niệm phải tinh thành, sáng niệm, chiều niệm, niệm cho đến đến chỗ bất niệm, niệm cho đến chỗ vô niệm, niệm niệm không ngừng, niệm cho thành một khối đạo hợp thể đồng, cùng cao với trời, cùng dày với đất, cùng sáng với nhật nguyệt tinh tú; với sông núi, cây cỏ, nhân, vật, quỷ thần, cùng chung kiếp vận họa phúc, sang hèn, nam nữ, xa gần, qua lại, đói ăn mệt ngủ, hỷ nộ ái lạc... Khi đã cùng vạn vật nhất thể thì nguồn suối Di Ðà không còn là của riêng ai nữa mà sẽ từ tâm ý bất loạn của chính mình chảy ra. Ai nói Di Ðà ở Tây Phương, lão tăng ở Quảng Ðông và quốc mẫu ở Ðại Việt? Khi nhất niệm đã bất sinh thì chân thể toàn nhiên hiển hiện vậy. Nếu tán loạn một chút thì xa cách Di Ðà mười vạn tám ngàn dặm, cách xa lão tăng bốn mươi lăm ngày đường. Ðiều đó nếu xảy ra là do quốc mẫu ở bên kia đại dương trên bờ Khước Nguyệt, để cho mây lục căn lay động che mờ bản tâm vậy. Căn cứ vào đây mà bàn chuyện hợp tan thì thấy rằng cái thấy cái nghe của ta chỉ là giả hợp vậy. Ví như trước mặt ta đây có vườn rừng, trúc biếc hoa vàng, đó là vì con mắt chạm sắc trần mà có nhận thức vậy. Như gió lay nước chảy dưới hồ sen kia. Ta cho là có gió lay nước chảy, đó là vì lỗ tai chạm thanh trần mà có thinh thức vậy. Bốn thức khác là tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng vậy. Ðiều cốt yếu là thấy sắc không nhiễm, nghe thanh không đắm, hai tướng động và tĩnh dứt bặt không sinh. Khắp cõi hư không đều là Tịnh độ duy tâm, tận cùng pháp giới đều là Di Ðà tự tính. Di Ðà đã là tự tính chung thì lão tăng có bao giờ xa {quốc mẫu} đâu? Cho nên biết rằng: khi nhất niệm đã bao trùm thì trong vô lượng kiếp, không có sự tới, đi, cũng không có sự ở lại. Lúc ấy {quốc mẫu} chỉ cần nhớ đến lão tăng thì mười phương hư không tự nhiên đều đáp ứng, đâu cần phải đợi có lão tăng {ngồi trước mắt} để nói dông dài. Thế giới nhiều như vi trần. Lúc đó không còn cách nhau mảy may nào nữa. Chỉ sợ ta thiếu đức tin thôi. Vì quốc mẫu đã có đức tin này và như kinh Hoa Nghiêm nói "đức tin là nguồn của đạo, là mẹ của các công đức, nuôi dưỡng tất cả các pháp lành" cho nên lão tăng tặng cho quốc mẫu pháp danh Hưng Tín và viết cho quốc mẫu một bài kệ để chứng thực cho niềm tin ấy.

Trên có mây bay, dưới có đất

Trong nước Ðại Việt có quốc mẫu

Một tiếng gọi một tiếng ứng

Tây thiên Ðông độ còn tổ nào

Chẳng thấy Tần quốc phu nhân Bàng Ðạo Bà

Vỗ tay không dùng đến tay múa?

Chẳng thấy trên lầu Hoàng Hạc tên nghìn Phật.

Thôi Hạo đề thơ, Trương Chuyết bổ?

Nếu chẳng như vậy, tam muội người, ta biết đâu?

Hai chức Trịnh Từ cũng khôn rõ.

Di Ðà với ta chẳng đồng thời.

Vậy mà ngồi nằm không xa nhau

Nếu bảo xa nhau mất nhau mãi

Cây cung vua Sở ai tìm lại?

Câu hỏi nằm nơi câu trả lời

Câu trả lời nằm nơi câu hỏi

Tam thân cùng chung, khách chủ hai

Ði Nam về Bắc cũng là đây

Nếu biết ngày nay là ngày nào

Thì rõ năm sau là năm trước".

3. Ảnh hưởng đến việc tu thân của chúa Nguyễn Phúc Chu:

Trong phần đầu của lá thư "Hộ Pháp Kim thang" mà Hòa thượng Thạch Liêm viết tặng chúa Nguyễn Phúc Chu ngày chúa thọ giới Bồ Tát:

"Con đường thế gian và xuất thế gian không có hai nẻo. Bên Nho giáo, Ðường Ngu thì nói trung, Khổng Tử thì nói nhất, sách Trung dung thì nói thành. Danh từ bất đồng mà cội nguồn là một. Nhất là gì? Là tâm mà thôi vậy. Ðược cái nhất ấy mà tâm được chính, rồi lấy đó mà tu thân thì thân được tu, lấy đó mà tề gia thì gia được tề, lấy đó mà trị quốc thì quốc được trị. Không những thế mà bất cứ trong công việc nào, từ việc dùng người cho đến việc hành chính, quân sự, hình luật, lễ nhạc... từ việc nhỏ đến việc lớn, không có việc gì mà không hiểu biết một cách minh bạch và không được xử sự một cách thỏa đáng. Trời nhờ nhất mà trong, đất nhờ nhất mà yên, vua nhờ nhất mà thiên hạ thái bình, đó là con đường kia vậy”.

Chẳng những Chúa có quá trình tu thân như Nho giáo chủ trương như trên mà còn tiến sâu vào việc tu tâm nữa.

Trong thư, Hòa thượng cũng đề nghị chúa tham thoại đầu Ai là chủ nhân của ta (như hà thị ngã chủ nhân công) như sau:

“Ðức Thế Tôn Ðại Hùng của chúng ta vì một đại sự mà con người chưa có thể giải quyết được cho nên mới thiết lập giáo pháp đặc biệt của Ngài: đó là phương pháp bỏ hết căn trần, không lập văn tự, chỉ thẳng lòng người, thấy tính thành Phật, lấy tâm ấn tâm. Cho nên ở Tây Thiên và Ðông Ðộ có chia ra làm năm tông phái, các thế hệ đã kế tiếp nhau mà ấn chứng, không ngoài mục đích giải quyết đại sự đó.

"Lão tăng không có phương pháp gì xảo diệu, chỉ mời quốc vương tham khảo thoại đầu Ai làm chủ nhân của ta? Tham khảo mà đừng mộng tưởng, đừng lấy ý thức mà trắc độ, đừng đem nghĩa lý mà thuyên giải. Cứ đưa thoại đầu không mùi vị không công phu ấy lên đặt trong tâm mình, ngày ba lần, đêm ba lần, miệng lẩm nhẩm, quyết tìm cho ra ý chỉ. Bất luận khi chủ tọa triều chính hay lúc đốt trầm lạy Phật, cho đến những lúc uống trà, ăn cơm, khi mừng, khi giận, khi cùng quân thần tiếp kiến, lúc hầu hạ mẫu thân, khi gặp mặt vợ con, lúc đi đứng ngồi nằm, khi gặp cảnh ưa ghét, lúc ngồi nhà một mình... không khoảnh khắc nào được buông lơi thoại đầu... Chớ nói rằng thoại đầu không có ý vị. Chính trong thoại đầu không có ý vị ấy mà có thể tìm ra ý vị tuyệt hảo. Chớ cho thoại đầu ấy là không có công phu: chính nơi chỗ không có công phu kia mà có công phu tuyệt hảo. Khán đi, khán lại, lâu ngày chầy tháng, một buổi kia bỗng rơi ầm xuống đất một tiếng, sờ lại thấy lỗ mũi do cha mẹ sinh ra, mới biết từ xưa đến nay nó vẫn trên mặt mình".

Ở đây, chúng ta thấy một vị cư sĩ thọ giới Bồ tát đúng nghĩa, chúa Nguyễn Phúc Chu đã được thiền sư Thạch Liêm hướng dẫn một phương pháp tu tập để đạt được cứu cánh như một người xuất gia. Việc này chúa đã làm tròn, nên mới được xếp vào bảng truyền thừa là truyền nhân đời thứ hai của tông Tào Động ở Đàng Trong. 

III. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG:

1. Ở Ðàng Trong, người đầu tiên truyền bá thiền Tào Ðộng có lẽ là thiền sư Hưng Liên. Sư lập đạo tràng ở chùa Tam Thai - Quảng Nam và được tôn làm quốc sư. (Chùa Tam Thai bị đổ vỡ hủy hoại trong cuộc chiến tranh vào cuối thế kỷ thứ mười tám. Chùa này được trung tu năm 1825 đời vua Minh Mạng.). Theo lời đề nghị của quốc sư Hưng Liên, chúa Nguyễn Phúc Trăn đã hai lần mời thiền sư Thạch Liêm sang Ðại Việt.

Thiền sư Thạch Liêm hiệu Ðại Xán Hán Ông, người Giang Tây, sinh năm 1633, xuất gia hồi thiếu niên ở chùa Thượng Lam, theo hầu thiền sư Giác Lãng. Năm sư mười sáu tuổi, thiền sư Giác Lãng qua đời, không biết sư đã được tiếp tục và thụ giới với vị nào. Sau sư nhập chúng làm giảng sư chùa Trường Thọ ở Quảng Ðông do thiền sư Thực Hành trú trì. Sau khi Thực Hành mất, sư được thừa kế trú trì chùa Trường Thọ. Nhờ tài hội họa và kiến trúc sẵn có, Thạch Liêm đã biến chùa Trường Thọ thành một nơi danh thắng ở Quảng Ðông.

Mãi đến năm 1694, khi chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sang mời sư mới quyết định ra đi. Cùng đi với sư có độ một trăm người, trong đó hơn phân nữa là tăng chúng. Ðoàn người đi trên hai chiếc thuyền buôn mang theo rất nhiều pháp khí kinh tượng để tổ chức giới đàn. Thuyền của sư tới đảo Tiêm Bút La vào ngày 27 tháng giêng năm Ất hợi (1695). Chúa Nguyễn Phúc Chu cho thuyền đi đón, rước về định cư ở chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa. Khoảng một ngàn người thợ làm việc trong ba ngày đêm, cất mười gian phương trượng và lưu xá cho đoàn tăng khách tạm trú.

Trong những công tác mà sư Thạch Liêm đã thực hiện được trong thời gian lưu trú tại Ðàng Trong, có thể nói rằng công tác quan trọng nhất là tổ chức giới đàn Thiền Lâm. Giới đàn này tổ chức từ mồng một đến ngày mười hai tháng tư năm Ất hợi (1695). Giới đàn có đến ba ngàn giới tử trong đó số giới tử xuất gia lên tới 1.400 vị vừa tỳ khưu vừa sa di.

Trong giới đàn, khi Hòa thượng Thạch Liêm thượng đàn thuyết pháp, có chúa và các quan đến nghe. Quốc mẫu và vương huynh thiết lễ trai tăng cúng dường các vị tăng sĩ mới thụ giới, và ghi chép lời pháp ngữ của Thạch Liêm.

- Ngày mồng tám tháng tư, Phật đản, làm lễ trao Bồ Tát giới cho chúa Nguyễn Phúc Chu, quốc mẫu, công chúa và những người quyến thuộc trong nội cung. Lễ truyền giới được tổ chức ở chùa Giác Vương Nội Viên trong phủ chúa. Thạch Liêm viết cho chúa một bức thư dài, chỉ bày cách tu tập, gọi là Hộ pháp kim thang thư. Buổi chiều, lễ truyền giới Bồ Tát cho các vương huynh là Lệ Truyền Hầu và Thiều Dương Hầu cùng một số các quan được tổ chức tại chùa Thiền Lâm.

- Ngày mồng chín tháng tư, lễ truyền giới Bồ Tát cho chư tăng được cử hành tại chùa Thiền Lâm. Các vương huynh công chúa cúng dường trai tăng và thỉnh Thạch Liêm thuyết pháp, rồi ghi chép pháp ngữ.

- Ngày mười hai tháng tư, Thạch Liêm và Quốc sư Hưng Liên thống suất hai dãy tân giới tử, tất cả một ngàn năm trăm vị tăng đều mang bình bát, chống tích trượng làm lễ "cổ Phật khất thực" trong thành phố, và đến phủ chúa tạ ơn chúa Nguyễn đã thành tựu công đức cho đại giới đàn. Lễ cúng dường cơm chay được thiết lập tại phủ chúa. Giới đàn bế mạc chiều hôm ấy.

Trong giới đàn này, giới điệp cấp phát cho giới tử đều có đóng kèm ấn của phủ chúa.

Giới đàn Thiền Lâm có một tầm quan trọng lớn. Đó là một giới đàn tổ chức cho cả nước; các tỉnh đều có giới tử về thụ giới. Thiền sư Liễu Quán cũng đã từ Phú Yên ra để thụ giới sa di ở giới đàn này. Phái Tào Ðộng trước kia chỉ có ảnh hưởng ở Quảng Nam, nay đã lan ra khắp xứ.

Một giới đàn khác sau đó đã được tổ chức tại chùa Di Ðà ở Hội An ngày mồng bảy âm lịch năm ấy. Khoảng trên ba trăm người đã xin thụ giới. Giới đàn ở đây được tổ chức rất đơn giản, nhưng giới điệp cũng được đóng kèm ấn chúa.

2. Theo lời khuyên của Thạch Liêm, chúa Nguyễn Phúc Chu để ý nâng đỡ cao tăng ở các tỉnh và ban biển ngạch sắc tứ cùng câu đối cho rất nhiều chùa. Những biển ngạch này thường được ký "Thiên Túng Ðạo Nhân".

Năm 1710, chúa cho đúc chuông chùa Thiên Mụ. Trên chuông có khắc những dòng sau đây:

"Quốc chúa Ðại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào Ðộng chánh tông đời thứ ba mươi, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung này nặng 3.285 cân, an trí ở chùa Thiên Mụ Thiền Tự để vĩnh viễn cung phụng Tam Bảo. Cầu nguyện gió hòa mưa thuận quốc thái dân an, chúng sinh trong pháp giới đều hoàn thành đại viên chủng trí. Năm Vĩnh Thịnh thứ sáu, ngày Phật đản tháng tư Canh Dần".

Năm 1714, chúa trùng tu chùa Thiên Mụ. Chưởng cơ Tống Ðức Ðại được ủy thác việc trùng tu lớn lao này. Công việc xong xuôi, chúa mở đại hội, ở lại chùa một tháng ăn chay, phát chẩn tiền và gạo cho người nghèo. Phiên Vương Chiêm Thành là Kế Bà Tử cùng hoàng gia và triều thần cũng có qua dự hội.

Một bộ Ðại Tạng Kinh được thỉnh về từ Trung Hoa và cất giữ ở Tàng Kinh Lâu.

 Chúa Nguyễn Phúc Chu có cho khắc một bài minh vào năm Ất Mùi (1715):

Ðất Việt phương Nam chừ, có nước có non

Bảo sát tráng lệ chừ, mặt trời chiếu rạng

Tự tính thanh tịnh chừ, suối tuôn một ngọn

Quốc gia an ổn chừ bốn canh u nhàn

Tâm thiền trị nước chừ Nho Thích cùng ban

Ghi cảnh đẹp này chừ, nhân quả tuần hoàn

Dựng bia lưu dấu chừ, chính giữ tà an.

(Việt chi Nam hề trú thủy trú sơn

Bát sát chi tráng hề nhật chiếu thiền quan

Tính chi thanh tịnh hề khê hướng sằn sằn

Quốc chi điện an hề tứ canh u nhàn

Vô vi chi hóa hề Nho Thích đồng ban

Ký tư thắng khái hề nhân quả bồi hoàn

Kiến tiêu lập đích hề thành tồn tà nhàn)

3. Từ tâm đạo của chúa Nguyễn Phúc Chu, Phật giáo tiếp tục phát triển:

Những đóng góp của chúa Nguyễn Phúc Chu đối với Phật giáo Đàng Trong đã làm cho những thế hệ các chúa kế thừa tiếp nối sự nghiệp hộ pháp. Với sự ủng hộ của phủ chúa, các vị cao tăng đã xuất hiện và hình thành những dòng thiền nổi tiếng:

Thiền sư Nguyên Thiều (1648 - 1728):

Sư họ Tạ, pháp danh Nguyên Thiều, hiệu Hoán Bích, quê ở Trình Hương, Triều Châu, Quảng Đông, xuất gia năm mười chín tuổi, tu ở chùa Báo Tư, thọ giáo với Hòa thượng Bổn Khoan Khoáng Viên.

Niên hiệu Cảnh Trị thứ ba đời Lê Huyền Tông (năm Ất Tỵ, đời chúa Nguyễn Phúc Tần thứ mười bảy - 1665), sư đi theo tàu buôn sang An Nam, trú ở Qui Ninh (Bình Định), lập chùa Thập Tháp Di-đà mở trường truyền dạy. Sau, sư ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung (thuộc huyện Phú Lộc, nay hãy còn), rồi lên Xuân Kinh (Huế) lập chùa Quốc Ân và lập tháp Phổ Đồng.

Sau, sư lại phụng mệnh chúa Anh Tông (Nguyễn Phúc Trăn 1650-1691) trở về Trung Quốc tìm mời các danh tăng và cung thỉnh pháp tượng, pháp khí.

Chúa Nguyễn Phúc Trú (1697-1738) ban thụy hiệu là Hạnh Đoan thiền sư và làm bài minh khắc vào bia tán thán đạo đức của sư:

Bát-nhã ưu ưu
Phạm thất rỡ rỡ
Trăng nước ngao du
Giới luật nghiêm mật.
Lặng lẽ riêng vững
Đứng thẳng đã xong
Quán thân vốn không
Hoằng pháp lợi vật.
Mây từ che khắp
Tuệ nhật chiếu soi
Nhìn Ngài xét Ngài
Thái Sơn cao ngất.

Sư là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Trung Việt đầu tiên. Chính sư đã thành lập nên các dòng truyền thừa theo phả hệ Thập Tháp và Quốc Ân. Những vị đồng tông Lâm Tế ở Trung Hoa sang Việt Nam dưới sư một đời, như Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Tri và các đệ tử của sư đồng truyền bá tông Lâm Tế ở đây.

-Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung và Thiền phái Liễu Quán:

Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung (đời thứ 34 dòng Lâm Tế) khai sơn chùa Ấn Tông (nay là chùa Từ Đàm ở Huế). Không biết sư tịch lúc nào, chỉ biết sư truyền tâm ấn cho thiền sư Liễu Quán. Chính vị này  là người làm nổi bật tông Lâm Tế ở Đàng Trong. 

 Thiền sư Liễu Quán (1670- 1743): Sư tên Lê Thiệt Diệu, quê làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (Sông Cầu bây giờ). Lúc sáu tuổi, sư mồ côi mẹ, cha đem đến chùa Hội Tôn thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên (người Trung Hoa). Được  bảy năm thì Hòa thượng tịch, sư ra Thuận Hóa xin học với Giác Phong lão tổ (người Trung Hoa) và ngài Tử Dung ở chùa Báo Quốc. Ở đây được một năm, nhằm năm Tân Mùi (1691), sư phải trở về phụng dưỡng cha già, lấy nghề kiếm củi độ nhật. Qua bốn năm thân phụ mất, nhằm năm Ất Hợi (1695), sư lại trở ra Thuận Hóa thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm. Năm Đinh Sửu (1697), sư lại thọ giới Cụ túc với Lão hòa thượng Từ Lâm (người Trung Hoa) ở chùa Từ Lâm. Sư là truyền nhân của tông Lâm Tế đời pháp thứ 35.

Chỗ hóa duyên của sư rất rộng, thường ra vào Huế, Phú Yên để giáo hóa luôn, không nề khó nhọc.

Năm Quý Sửu (1733), Giáp Dần (1734) và Ất Mão (1735), sư nhận lời thỉnh của chư tăng trong tông môn, cùng các tể quan, cư sĩ ở Huế, dự bốn lễ đại giới đàn. Qua năm Canh Thân (1740), sư tấn đàn Long Hoa phóng giới, rồi trở về chùa Thiền Tông.

Thời ấy, chúa Nguyễn Phúc Khoát rất Quý mến đạo đức của sư, thường mời vào phủ đàm đạo, nhưng sư vẫn từ chối không vào.

Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742), sư lại dự lễ giới đàn ở chùa Viên Thông.

Đến ngày 22 tháng 2 năm 1743, buổi sáng, sau khi dùng trà cùng các đồ đệ hầu chuyện và làm lễ xong, sư hỏi giờ gì, các môn đồ thưa: “Giờ Mùi”, sư liền vui vẻ thị tịch.

Vua nghe tin, sắc ban bia ký và tứ hiệu là Đạo Hạnh thụy Chánh Giác Viên Ngộ hòa thượng. Sư là Tổ khai sơn chùa Thiên Thai Thiền Tông ở Huế.

Tăng đồ và tín đồ miền Trung và miền Nam hiện nay hầu hết là thuộc dòng Lâm Tế, mà người có công khai hóa hơn hết chính là sư. Vì thế mà thành một nhánh lớn gọi là Liễu Quán. Sư là sư tổ trong phái này.

Thiền Sư Minh Hải và thiền phái Chúc Thánh:

Thiền sư Minh Hải (1670-1746) thế danh Lương Thế Ân, Ngài là người con thứ hai trong gia đình.

Năm Mậu Ngọ (1678), khi vừa lên 9 tuổi, Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Phước Kiến. Sau một thời gian dài tu học, khi tuổi tròn 20, Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo. Như vậy, Ngài nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của ngài Vạn Phong-Thời Ủy.

Năm Ất Hợi (1695), Ngài cùng với các ngài Minh Vật-Nhất Tri, Minh Hoằng-Tử Dung, Minh Lượng-Thành Đẳng v.v… trong hội đồng thập sư cùng Hòa thượng Thạch Liêm theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu sang An Nam truyền giới. Phái đoàn xuống thuyền tại bến Hoàng Phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Sau đó, đoàn ra Thuận Hóa, được chúa Nguyễn Phúc Chu đón tiếp trọng thể và thỉnh về ngụ tại chùa Thiền Lâm.

Sau khi ngài Thạch Liêm về nước, một số vị trong phái đoàn ở lại An Nam trác tích khai sơn hoằng hóa như ngài Minh Hoằng-Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa, ngài Minh Lượng-Thành đẳng khai sơn chùa Vạn Đức-Hội An và ngài Minh Hải-Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô-Hội An.

Từ những ngày đầu tiên ở nơi mảnh đất đầy cát bụi này, Ngài chỉ lập một thảo am để tịnh tu phạm hạnh. Dần dần hương giới đức của Ngài lan tỏa khắp mọi nơi, ảnh hưởng đạo đức đến người dân phố Hội và các vùng phụ cận nên đồ chúng ngày một quy ngưỡng tham học.

Sau khi quyết định trụ lại Hội An để hoằng hóa, tổ Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh để việc truyền thừa có quy củ dài lâu. Sau gần 50 năm sang An Nam hoằng hóa, đến ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Ngài thâu thần thị tịch, trụ thế 77 tuổi. Đồ chúng cung thỉnh nhục thân Ngài nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Chúc Thánh.

Thiền phái Chúc Thánh là lấy theo tên ngôi chùa Chúc Thánh do tổ sư Minh Hải khai sơn. Từ đây, sữa Pháp lại được khơi dòng tại đất Quảng, lan tỏa khắp các tỉnh thành, góp phần rất lớn trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp.

IV. KẾT LUẬN

Với tâm đạo nhiệt thành của mình, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã tham thiền tu học giống như một người xuất gia thật sự theo lời dạy của thiền sư, cho nên ông còn có danh xưng là Bồ-tát và là truyền nhân của tông Tào Động ở Đàng Trong thuộc đời thứ hai. Đồng thời, ông áp dụng đạo lý mà mình đã thể hội được vào việc chăn dân trị nước khiến cho nhân dân sống một cuộc đời an ổn, đát nước thanh bình thạnh trị…  Từ những nhân tố tích cực này đã khiến cho Phật giáo đứng vào một vị trí ưu thế để rồi truyền bá rộng khắp. Phật giáo Đàng Trong vừa có cả Nam truyền lẫn Bắc truyền, nhưng về sau thì Bắc truyền phát triển mạnh, ảnh hưởng của Nam truyền dần dần bị thu hẹp. Chính vì khó tìm được những dữ liệu của phái này, nên chúng tôi chỉ trình bày về ảnh hưởng của Phật giáo Bắc truyền trong thời đại chúa Nguyễn Phúc Chu, nhất là Thiền tông.

Thiền viện Thường Chiếu, ngày 05 tháng 07 năm 2011



* Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 69
    • Số lượt truy cập : 6131565