Thông tin

BA NHÀ SƯ BA TÂM TRẠNG

BA NHÀ SƯ BA TÂM TRẠNG

                                                  

NGUYỄN ĐỨC TIẾU

 

 

Tự thời xa xưa, đời hậu Lê và đời Nguyễn, khi văn hóa nước ta chuyển theo chiều “Nho giáo độc tôn” thì cửa thiền mang nhiều tạp sắc khó tả. Có những vị tăng thuần túy tăng, tưởng như mình đang sống ở đời Đinh, đời Lý thấm nhuần tinh thần “Phật giáo độc tôn”. Có những vị tăng “phi tăng phi đạo diệc phi nho”, tung hoành tự tại giữa bụi trần như một tượng sống của lý tưởng “tam giáo đồng nguyên”. Có những vị tăng bất đắc dĩ, lớp áo cà sa không che nổi cái chí bình trị tẩy trời. Có tăng… và có tăng…

Có tăng như sư cụ trụ trì chùa Thiện Tượng ở miền Hồng Lĩnh, vốn là chỗ tâm giao của nhà nho Nguyễn Công Trứ. Cốt nho, sư hay chữ đến cụ Trứ cũng phải nể vì. Nhưng chừng như mồi duyên thiền chưa được thắm nên tuy ở cửa không mà sư vẫn ngông nghênh và ngạo mạn như ngày nào xông xáo giữa trận bút trường văn. Ngày kia, sư miệt thị thiên hạ bằng một vế đối dán trước cổng chùa:

Đọc ba trăm năm sáu quyển kinh, không thần thánh phật tiên nhưng khác tục”.

Vế xướng/ xuất đập vào mắt nhà nho họ Nguyễn cũng là một tay ngông nghênh, ngạo mạn trong đời. Cụ Trứ bèn cất bút mắng càn:

Hay tám vạn ngàn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người”.

Quả là kỳ phùng địch thủ! Và cũng huyền diệu thay ma lực của văn chương: hai cụ không vì đó mà xa nhau, lại càng khắng khít nhau hơn trong mối nợ văn duyên Phật.

Có tăng rất mực khoan hòa, trọng mình quý người - nhất là quý người - như nhà sư đi chung đò với anh học trò Lương Hữu Khánh nhằm đời Lê - Mạc.

Lương nghèo, hay chữ và mạnh ăn, rất mạnh ăn. Ngày kia, tình cờ Lương có việc đi chung đò với một ông sư làm đám về, tay nải đầy nhóc chuối. Lương kêu đói bụng, sư tặng cho nải chuối, nhưng Lương khoát tay, cười mà nói rằng: “Hàn Nho đang cơn đói may gặp Bồ tát tưởng được bố thí lớn thế nào kia chớ ngần ấy chưa đủ để tráng miệng”. Sư nghe lạ, mỉm cười mà rằng: “Nếu hàn sĩ quả là tay hảo hớn thì tăng nảy dám tiếc đâu chút của mọn của nhà chùa. Vậy xin hảo hớn cho bà con nghe thử một bài thơ đầu đề ra là “Nho Tăng cùng thuyền”. Lương bèn ứng khẩu đọc ngay trước khi đò cập bến:

Nho Tăng cùng thuyền

Một bồ kinh sử, nếp Kim Cang

Người tớ chung cùng một chuyến ngang

Đám hội đàn chay người đủng đỉnh

Sân Trình cửa Khổng tớ nghênh ngang.

Sao người chẳng nhớ lời Hàn Dũ?

Đây tớ còn căm chuyện Thĩ Hoàng!

Một chốc lên bờ rồi tiễn biệt

Người thì nên Phật, tớ vinh quang.

Mọi người đều phục tài Lương, thơ mẫn tiệp thêm khí phách ngang tàng. Nhà sư hết lời khen tặng, và biếu cho hết chuối trong tay nải. Lương ăn một lúc hết ráo. Đến bờ, sư còn tặng thêm tiền và nói rằng với khẩu khí ấy Lương sẽ làm nên chuyện lớn. Trước khi chia tay, sư dặn dò: “Nhà thầy sẽ có dịp tung mây cưỡi sóng, vậy có điều này xin nhớ giùm cho là trong cơn binh cách, nhà thầy ráng tránh giùm cho nhà thiền khỏi lây họa khói lửa”.

Quả nhiên, sau Lương Hữu Khánh làm đến Binh bộ Thượng thư giúp vua Lê đánh Mạc. Nhớ chuyện sang đò, ông cầm quân mà hễ thấy địch đóng gần chùa là chịu thua chớ không hề dám khai chiến.

Đẹp thay lòng kẻ sĩ!

Có tăng rất hào hoa, sống như đùa giỡn với đời với người. Đói thì ăn, khát thì uống, vui thì ở buồn thì đi, họ không bám níu vào bất cứ gì, cả đến sự sống. Họ đến đâu là tràng mở ở đó, chùa cũng được, mà gốc cây, hè phố cũng chả sao.

Đó là tâm trạng của nhà sư Tết đến cầm chổi quét nước vôi trước cổng chùa. Sư cứ thuận tay đưa ngọn chổi chạy dài trên tường. Sư đang mải miết làm cái việc phủ phàng đó không ngờ sau lưng mình có khách đứng coi. Khách cảm thấy khó chịu, lòng như se lại trước mớ chữ thánh hiền lần lượt bị vùi chôn sau lớp vôi bạc. Khách khẽ ngâm:

Tăng nhân cố ý mai sanh tự

 (Nhà sư cố ý chôn chữ sống)

Nhà sư cứ quét, quét, thản nhiên như không, chừng như đoán biết khách thuộc hạng người nào, tuy tình cảm có tinh tế thiệt đấy, song còn bám víu nhiều quá, bám níu chữ nghĩa, sách vở, thánh hiền… Cả sự sống này, cả cái tâm này, và “cả cái pháp kia còn phải xả thay huống nữa là không phải pháp”, huống nữa là mớ chữ vô thường?

Sư ngừng tay, đáp lại ông bạn thơ cuối năm:

Quá khách vô tình khốc tử thi

(Khách qua đường vô tình khóc thây chết)

Trích Tạp chí Từ Quang

Năm thứ XIV- Số 149 Tháng 1 năm 1965 ( P.L. 2.508)

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6057582