Thông tin

BẢN SẮC KHOA HỌC TRONG ĐẠO PHẬT:

LIÊN QUAN ĐẾN “TRUNG ĐẠO”

(MAJJHIMAPAṬIPADÀ)

(Tiếp theo Từ Quang 40)

 

TUỆ LẠC

 


 

Chúng TRÀN NGẬP như thế nào?

Khi phàm nhân tham muốn sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) mà đạt được, thì tâm tục lụy HÀI LÒNG (= chịu đựng cái VUI), rồi phát sinh thêm một lớp bụi SI MÊ, phủ lên tinh thần và kiếp sống. Còn khi phàm nhân tham muốn sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) mà không đạt được, thì tâm tục lụy BẤT MÃN (= chịu đựng GIẬN, BUỒN), cũng phát sinh thêm một lớp bụi SI MÊ, phủ lên tinh thần và kiếp sống.

Nhưng cái RẮC RỐI của “mê hồn trận” trong lục đạo luân hồi là như sau: Tuy THAM có “mặt thật” là SI, nhưng NÓ lại là động cơ chính của tất cả sinh hoạt sống giữa biển luân hồi. Và THAM đồng thời cũng là nguồn gốc phát sinh BẢN NGÃ (attā = atmā).

Nói theo “năng lực” của 3 pháp “NHÂN DUYÊN QUẢ” trong nhà Phật, thì xuyên qua sáu nẻo luân hồi (= lục đạo), nếu THAM có thể kéo sinh linh xuống THẤP, sa đọa (vì phạm tội), thì THAM cũng có thể đẩy sinh linh lên CAO, thiên giới (nhờ làm lành).

Và hiển nhiên, kẻ phàm phu khởi đầu “hành động thiện” chỉ vì “tham phước”, là một điều không ai có thể chối cãi, hay biện bác vào đâu được.

Trình bày Bản Sắc Khoa Học trong đạo Phật ở đây, là xin nói thẳng rằng, TRUNG ĐẠO mà Bậc Giác Ngộ (Buddha) “đã nêu ra” hằng giúp chúng ta nhận thức và hóa giải các RẮC RỐI trong “mê hồn trận luân hồi” như thế! Nếu cố chấp vào 2 cụm từ có nội dung đề cao “diệt tham” và “diệt ngã”, thì người muốn sống thiện sẽ không tránh khỏi bị mâu thuẫn và bế tắc.

Với tư tưởng quyết định “BỎ HẾT LÒNG THAM” và “TUYỆT ĐỐI VÔ NGÔ thì một người phàm có thể làm thiện được gì, để “thăng hoa”, hay chỉ là trở thành bất lực, buông xuôi, cố ý bi quan, vô trách nhiệm (tôi là “con số không” mà)?!

Xem ra những người đang “giúp đời” vì tham danh trong hiện tại, trước khi hành động, dù họ đã không có “chánh kiến”, chẳng biết “vô thường (thịnh suy) đưa đến KHỔ” là gì...! Nhưng sự “đóng góp” của họ vẫn mang lại niềm vui cho một số người tiếp nhận sự giúp đỡ.

Và theo TRUNG ĐẠO, đây chính là “duyên khởi lành” (kusala paccaya) trong cuộc sống cộng nghiệp phức tạp. Chúng tôi tự hỏi “chúng ta NÊN hay KHÔNG NÊN” gọi “ấy” là “điểm tích cực” của lòng tham và bản ngã, trong “mê hồn trận” luân hồi!?

Nghĩa là “khoa học trung đạo” cần thiết trước mọi đối tượng, cho mọi căn cơ, vì nó có “khả năng” giúp chúng ta chấp nhận thực tại, rồi tạm thời “định hướng” cả lòng THAM lẫn BẢN NGÃ nghiêng về NẺO LÀNH (kusala magga)... hầu sau cùng chính mỗi cá nhân hành thiện sẽ khám phá ra, cái “hiệu quả kỳ diệu” của Pháp Phật.

Riêng... những người thuở đầu làm lành vì tham danh, nếu được định hướng đúng, họ sẽ dần dần có chánh kiến và chánh tư duy, để tiếp tục “sống thiện”. Và HIỆU QUẢ KỲ DIỆU là tật tham và bản ngã của họ sẽ bị “giũa mòn”, duyên theo ngày tháng họ làm TỐT. Rồi trong phần tư cuối cùng của cuộc đời, họ sẽ nhận ra “nguồn gốc THỰC của bình an cho kiếp người là PHẢI SỐNG HỮU DỤNG (vì xã hội) như thế nào!”.

Đây là một kết quả rất khoa học (nếu không muốn nói là “thần bí”), trong giáo lý NHÂN DUYÊN QUẢ của nhà Phật. Nếu muốn kiểm chứng, một cá nhân PHẢI thực hành, mới có thể trải nghiệm được. Còn khi chỉ “BIẾT LÝ THUYẾT” mà CHƯA TỰ THÂN THỰC HÀNH, thì đó vốn là một “mớ lời lẽ đạo đức”, chủ trương tuyên truyền thuyết phục cả mình lẫn đám đông, biến tất cả thành những kẻ “tự kỷ ám thị”, để dần dần “thuộc lòng kịch bản” (bị nhồi sọ), như một thứ “bệnh tinh thần”, biểu lộ bằng thái độ CỰC ĐOAN, không ngừng ca ngợi bằng miệng “tiêu diệt tham lam và bản ngã”.

Nghĩa là nhờ TRUNG ĐẠO trong Phật giáo đinh hướng “lòng tham” và trách nhiệm hóa “bản ngã”, theo tiến trình nhân duyên quả, mà người con Phật LÀM NHIỀU HƠN NÓI, không cho phép tật cực đoan phát sinh. Cách diệt tham và diệt ngã nầy (theo gương bậc Giác Ngộ) chính là mở đầu của sự giải thoát!

Quy nạp:

Người “ĐA VĂN” (= nghe hay đọc nhiều) và “ĐA TƯ” (suy xét hay bàn luận nhiều), dù sắc bén, thâm sâu, lỗi lạc đến đâu... mà không có ĐA TU (hay tự thân im lặng thực hành, trải nghiệm) thì không thể biết được CHIỀU SÂU của hiệu lực TRUNG ĐẠO.

Càng không nên áp dụng “thực hành trung đạo trong tiêu chuẩn cộng đồng”, vì sẽ không tránh khỏi sự “so sánh kết quả” và tranh luận... có thể bị “sở tri chướng”, do trình độ của các cá nhân có những “tài sản”, “bằng cấp”, hay “danh tiếng” khác nhau trong xã hội... đánh lừa!

Tất nhiên, điều này không bao gồm sự khiêm nhượng chia xẻ và chân thành hướng dẫn của thầy tổ hay các bậc đàn anh xứng đáng, vốn đã dày công phu hành đạo, theo GIỚI-ĐỊNH-TUỆ.

“TRUNG ĐẠO trong GIỚI”

Trong một đoạn trước, chúng tôi đã mạn phép nhắc đến 2 phẩm cách CHÁNH KIẾN (Sammā Diṭṭhi) và CHÁNH TƯ DUY (Sammā Saṅkappo) từ Bát Chánh Đạo (Atthaṅgika magga), cũng như “đề cập” đến PHÁP HÀNH TRUNG TRỰC qua Bản Sắc Khoa học trong Phật giáo, chế ngự được 2 ác tật tham lam và ngã mạn trong mỗi con người, để sự sống thiện của họ, được thông thoáng ra sao, bằng cách nêu ra câu chuyện “thanh niên con nhà Phật, sống trong thời loạn lạc chiến tranh do ngoại xâm, phải biết cách hành xử để... không bế tắc hay mâu thuẫn”.

Nếu giới SÁT SINH được TRUNG ĐẠO soi sáng như thế nào, thì các GIỚI KHÁC cũng có thể được hướng dẫn như thế ấy, hầu giúp chúng ta gìn giữ một cách “khế lý khế cơ” những điều Phật dạy. Đến đây, chúng tôi thiết nghĩ không cần dài dòng về những giới còn lại, choán nhiều thì giờ của quý vị.

“TRUNG ĐẠO trong ĐỊNH”

ĐỊNH là một từ ngữ khá chuyên biệt. Nó vừa là “tên riêng” của “pháp tu THIỀN căn bản” trong nhà Phật (đi sau GIỚI), vừa là “tên chung”, ám chỉ cái “khả năng bí ẩn của tinh thần”, mà mọi tôn giáo, mọi người “duy tâm”... đều tương đối biết.

NỘI DUNG của “ĐỊNH”, thông thường có thể xem như sự chăm chú, hay “tập trung tư tưởng” để làm một việc gì đó, với nhiều yếu tố thành tựu, trong đời sống phàm phu hằng ngày. Tất nhiên, “ĐỊNH” trong Phật giáo không giống như “ĐỊNH” trong đời sống của hầu hết chúng sinh hữu tình (= biết cảm xúc, suy nghĩ).

Và nếu trong đời sống văn minh khoa học (sattha), “ĐỊNH” luôn luôn phải có kỹ thuật (pakàra), thì trong đời sống soi sáng giác ngộ trong nhà Phật, “ĐỊNH” cũng không thể tách rời khỏi pháp hành thuận duyên (trung đạo), mà chư Phật đã truyền lại. Lắm khi công phu ĐỊNH ấy còn tinh vi hơn một kỹ thuật khoa học rất nhiều. Phẩm cách TINH VI (Gambhīra) ở đây ám chỉ cái THÔNG SỐ TINH THẦN (parametre spirituel) đưa đến khai thông bế tắc, để đạt tới mục đích, gọi là TRUNG ĐẠO (Majjhimapaṭipadà).

Nói cách khác, TRUNG ĐẠO là “duyên hành tuyệt đối” (saṅkhāradhammena), vì không trung đạo thì “không chấm dứt bế tắc và không có kết quả!”. Tất nhiên, “ĐỊNH” nhờ TRUNG ĐẠO trong Phật giáo, không chuyên chở cái hiệu lực “thông thường”. Chúng tôi phải cố gắng trình bày, phần NỘI DUNG “chuyên biệt” của ĐỊNH theo nhà Phật, nhất là dựa trên Phật học ứng dụng và dấn thân, trong một bài khác.

*Theo VI DIỆU PHÁP hay “A-tỳ-đạt-ma” (Abhidhamma) trong Phật giáo, ĐỊNH là kết quả của THIỀN (Bhàvanà). Nếu truy tầm xuyên qua lịch sử đạo Phật, thì sau khi Bậc Đại Giác khuất bóng, THIỀN PHÁP đã xuôi dòng thời gian, xuyên qua hơn 2.600 năm, trong thân tâm của những bậc PHẠM HẠNH, đa số ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc, thỉnh thoảng mới thấy họ xuất hiện ở thị thành. THIỀN là một “tiềm lực huyền diệu” của tâm linh, hay là một “bảo vật” quý giá trong tinh thần. Nhưng xưa nay có rất ít sách vở nào nói về THIỀN một cách phổ thông, bình dân, giản dị, dễ hiểu, “dung hành” cho đại chúng.

Nghĩa là THIỀN được gắn liền với các giá trị siêu nhiên, trong văn minh nhân loại. Từ đó, “hiệu lực hóa giải khổ đau” của THIỀN (theo nhà Phật) đã đa phần bị che khuất, trở thành “pháp hành huyền bí”. Cứ thế, THIỀN (bhāvanā) đã bị “cuốn theo” các kiến thức mơ hồ (= xa rời trung đạo) giữa cuộc đời. NÓ “mặc nhiên nổi trôi” với sự thăng trầm của đạo Phật. Chưa kể lắm trường hợp “thiền” đã trở thành nguồn gốc của “bùa chú”!

Cần nhấn mạnh rằng, “cốt lõi” ở đây là TRUNG ĐẠO, chứ không phải duy nhất là “thiền”, cái PHÁP HÀNH sinh ra ĐỊNH. “Thiền học” thực ra đã có mặt rất lâu, trong nền “văn minh tâm linh” cổ Ấn Độ, trước khi Thái tử Sĩ-đạt-ta (Siddhatta) ra đời, hay trước khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni Buddha) ban bố “giáo lý thanh lọc thân tâm” của bậc Giác Ngộ. Nhưng rất tiếc, tỷ lệ giữa “hành thiền” (có kết quả) và “đạt đạo” (giải thoát), cả xưa lẫn nay, đều đã RẤT chênh lệch (cực hiếm), KHÓ KIẾM như “mò trăng đáy giếng”. Và nếu có... thì “thành công”, ấy chỉ là “hiện tượng hi hữu”, không hội đủ các “yếu tố cụ thể”, như PHẠM HẠNH hay PHÚC ĐỨC, đủ khả năng “thuyết phục” nhân gian, để tiếp độ chúng sanh...

Tuy nhiên, không biết kể từ lúc nào, THIỀN HỌC nói chung, và thiền học theo kinh điển Pāḷī (Phật giáo Nguyên Thủy) nói riêng, bỗng được một phần nhân loại, đặc biệt “chú ý”. Nhất là các “xã hội văn minh lý hóa”, tân tiến như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Úc, Nhật v.v... Họ càng lúc càng gia tăng nghiên cứu, khai thác... nên ngày nay, các trung tâm THIỀN, đặc biệt là MINH SÁT (Vipassanā) đã mọc lên nhiều nơi, dưới nhiều dạng khác nhau. Có tổ chức đã xem THIỀN như một “phương y liệu”, chữa trị một số bệnh tinh thần, và “nhược điểm tâm lý”.

Ngoài ra, trong một số “sắc thái thoát tục” của cái gọi là “đời sống văn hóa cao” trên thế giới ngày nay, tại các nước Nhật Bản, Cao Ly, Trung Hoa hay Việt Nam (trước năm 1935), ở Phương Đông, - còn ở Phương Tây thì có Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý... “THIỀN” đã “hóa thân” để trở thành “nét thanh tao, minh triết” ngự trị trong tư tưởng những ai, chưa khuất phục trước SỨC MẠNH VẬT CHẤT.

THIỀN đã “ẩn dạng và đồng hóa” trong nhiều sinh hoạt nghệ thuật, như hội họa, âm nhạc, viết văn, điêu khắc, uống trà, trồng hoa, ngắm cảnh, luyện võ v.v... Và trước con mắt của một số “triết gia” sống trong “tự kỷ ám thị” (auto suggestion), muốn đạt đến “trình độ truyền thần”, thì mỗi cử chỉ, mỗi tạo tác của họ đối với “hoàn cảnh xung quanh” phải có... “THIỀN”. Nếu không như thế, thì NHÂN VẬT trong “thực tại” sẽ không “đạt được” đẳng cấp thanh cao của nếp sống! Tuy trong “hiện tượng xã hội” nầy “THIỀN” không được nghiệm chứng rõ rệt, nhưng “NÓ” là cái “phẩm giá” của “trình độ uyên thâm” quy cho “cốt cách độc lập”, hay “phong thái siêu thoát”, nếu không muốn nói là “lãng mạn triết học”, một thứ “nghi thức” tin là... có thể đưa tâm tư con người vào một cảnh giới “khinh an, hóa lạc...”, chẳng khác gì “Cần-sa”, “Opium” hay THUỐC PHIỆN!

Và mỗi TRÍ THỨC đang mệt mỏi với vật chất quay cuồng ngày nay, đều... “săn đón”, ngây ngát với loại “THIỀN” đó, để xoa dịu phần nào sự BẤT MÃN do cuộc đời gây ra.

Họ quả thật đã “cực đoan”, vì không biết “TRUNG ĐẠO trong THIỀN” của đạo Phật.

Là người hướng đến giác ngộ, chúng ta thử quay lại, để xác định một cách khoa học, mục tiêu cụ thể của THIỀN (Bhāvanā) là gì, trong đời sống hằng ngày. Chúng ta tạm gác lại, “cứu cánh cuối cùng” (= DIỆT KHỔ), đòi hỏi nhiều kiếp tu hành, tích tụ công phu để triệt tiêu vòng sinh tử luân hồi! Mục tiêu cụ thể ấy phải chăng là sự tái lập quân bình THÂN TÂM trong THỰC TẠI, chấm dứt bấn loạn tinh thần, và an trú tâm tư nơi đối tượng lành mạnh, nói vắn tắt là ỔN ĐỊNH SỰ SỐNG!

Và cái tiến trình phạm hạnh, hay THÔNG SỐ (paramètre) để thực hiện, vẫn phải là trung đạo (giải pháp đối trị cực đoan). Vì TRUNG ĐẠO (theo đức Phật) có khả năng thích ứng một cách hợp lý trong mọi trường hợp, mà không lôi cuốn con người rơi vào cảnh buông lung mờ mịt, hoang tưởng, và cũng không chấp cứng vào nguyên tắc. Đây là cách duy nhất (ekayana) để thanh lọc thân tâm, an trụ tinh thần, tăng cường tri thức, phát quang “nhân điện” đến tối đa... hướng đến trí tuệ siêu phàm (BÁT-NHÃ = Prajña).

Chừng đó, hành giả mới “khám phá được” “hiệu lực quý báu” của THIỀN qua TRUNG ĐẠO.

Trái lại “hiệu lực THIỀN” do TRIẾT CẢM thúc đẩy “tự kỷ ám thị”, xuyên qua lý thuyết của một số người, với dụng tâm ca ngợi công thức “vô hành hữu đạt”, sẽ trở thành “bánh vẽ”, hay biểu tượng của “duy tâm cực đoan”, có thể đưa “tín đồ” vào cảnh tẩu hỏa nhập ma, vô tình gián tiếp xuyên tạc, làm suy đồi thiền học đích thực. Và đáng tiếc thay, không phải chỉ ngày hôm nay, mà ngay cả ngày xưa... Chính đạo sĩ Tất-đạt-đa (Siddhatra), “được un đúc” trong văn hóa đa giai cấp “Bà-la-môn” (Brahmanisme) cũng đã từng lầm lạc suốt 6 năm trường, khổ hạnh vì mù quáng!

Nghĩa là, nếu muốn cho “cây CHÁNH THIỀN” phát triển tươi tốt, trổ ra “HOA CHÁNH ĐỊNH” xinh đẹp, thì TRUNG ĐẠO phải là chất nước duy nhất, mà hành giả phải thường xuyên tưới lên “tác phẩm” của mình.

Lại nữa, không có hành giả nào tu thiền, mà không cố gắng để sớm đắc ĐỊNH. Rồi một khi đã đạt ĐỊNH, thì không có “cá nhân” nào, mà chẳng “thỏa thích” với kết quả thu hoạch, vì hoan hỷ trước thành công, là một điều tất nhiên. Nhưng “vui sướng một cách tràn ngập để trở thành công cụ” lại là một “cản trở” lớn.

Thiền học gọi ẤY là TRIỀN CÁI (= nìvarana), hay “chướng ngại” (= THAM LUYẾN) rất khó vượt qua. Và không khéo vì THAM LUYẾN, mà thành công kia có thể trở thành “mê vật” làm cho hành giả “say sưa”, “ôm cứng”, cố chấp... vướng mắc trong “chấp thủ”.

Xin nói rõ ở đây rằng, “quả thiền” nói chung tự nó là thiện pháp, nhưng khi bám giữ, ích kỷ... thì nó trở thành “ác pháp”. ĐẮC ĐỊNH do đó... ví như vừa rèn được như một “thanh gươm”. Kẻ nào ôm chặt lưỡi gươm vào mình, thì sẽ bị nó làm hại. Trái lại, “chủ nhân cây gươm” cứ ung dung, để lưỡi gươm bên cạnh, thì nó sẽ giúp ích cho họ rất nhiều! Nhất là lúc họ phải băng qua rừng dày đầy gai, hay đối diện với “địch thủ”. Phát rừng với gươm bén thì không có gì bằng. Địch nhân thấy gươm báu thì nhiều khi lo sợ, tự rút lui. “Ngụ ngôn” về hiệu quả tốt của THIỀN là như vậy!

Và sự SẮC BÉN của “lưỡi gươm quý” có thể ví như mức độ ĐỊNH THẦN sâu (gambhìra) hay cạn (uttàra) trong thiền. Một lưỡi gươm (khagga) càng bén thì sự hữu dụng lẫn sự nguy hiểm của nó càng cao. Người sở hữu lưỡi gươm mà tâm tư quân bình, ung dung... không ôm chặt gươm vào người, thì NÓ sẽ trở thành vật hộ trì vô cùng đắc lực.

Trong THIỀN HỌC (Bhàvanà), có một chứng nghiệm rất siêu việt (ariya vindana), gọi là TÍNH TOÀN XẢ (Upekkhà sabhāva). Đây là cảm giác “hết ràng buộc” (vimutti), hay còn gọi là “tuyệt quân bình” có thể giúp cho “tịnh nhân” triệt tiêu vướng mắc, khi đối diện với các “quả thiền” (jhàna vipàka), dù cho nó quan trọng cỡ nào.

Theo VI DIỆU PHÁP (Abhidhamma) trong nhà Phật, lúc hành giả đạt đến “đệ ngũ thiền sắc giới” (upekhekaggatà pañcamajjhàna), tâm toàn xả (upekkhà citta) sẽ tự động phát sinh, hóa giải các ranh giới của đề mục (kammaṭṭhāna) nơi tưởng uẩn (saññā khandha). Do đó, tâm sở THỦ hay vướng mắc (bhavataṅhā, vibhavataṅhā) không thể xuất hiện để bám giữ. Và TRUNG ĐẠO mà đức Phật đã nêu ra ở đoạn đầu bài kinh Chuyển Pháp Luân, chính là tính toàn xả nầy.

Như vậy, “TRUNG ĐẠO trong ĐỊNH” mà chúng tôi trình bày ở đây, là một Phật pháp vốn khả thi (kàtabbà-dhammà), mà xuyên qua sự tiến bộ tu tập, mỗi hành giả, sẽ biết rõ nhờ thực hành và trải nghiệm, chứ không phải nhờ lý thuyết suông, hay “thường xuyên tư duy sắc bén theo sách vở bàn về tác phong thiền”.

Nói tóm lại, QUẢ THIỀN (Jhàna vipàka) tự ổn định trong tâm hành giả bao lâu, tùy theo mức độ THANH TỊNH (Visuddhi), thấm nhuần hỷ xả... liên tục như thế nào, và nhất là hành giả KHÔNG VƯỚNG MẮC (nissaṅga) vào quyền năng, danh vị nhất thời của “quả thiền”, chứ nó không phải kéo dài, nhờ lòng ngưỡng mộ, hay tôn thờ (paṇnāma) phẩm cách thành tựu, và hảnh diện (màna) với công phu đạt được!

Xin nhắc lại, hiện tượng “tà thiền” hay “tẩu hỏa nhập ma” từng xảy ra trên thế gian, trong giới đạo sĩ “tu luyện” xưa và nay, xem ra không gì khác hơn là do lòng ngưỡng mộ hay tôn thờ mù quáng trở thành cực đoan. Nếu do lòng THAM mà hành thiền thì có hại... là như vậy!

“TRUNG ĐẠO trong TUỆ”

Trước khi bàn sâu vào TRUNG ĐẠO trong TUỆ, thiết nghĩ chúng ta nên đánh tan một thắc mắc nhỏ. Đó là câu hỏi, “đã gọi là tuệ hay sáng suốt, thì trung đạo được bao gồm trong ấy rồi, nêu thêm trung đạo vào nữa, có phải là chuyện thừa chăng?!” Xin thưa: Mục đích chính cần “nhấn mạnh” của chúng tôi ở đây là “pháp hành trung trực” được thực hiện bởi người hiền. Và “tuệ quả phát sinh từ định” của “thiền giả” còn phàm, chỉ là “cái sườn của con thuyền”, chứ không phải “con thuyền”, có thể đưa hành giả qua “giòng sông loạn động” (= ám chỉ tâm phóng túng, lang thang).

Hơn nữa, chữ “TUỆ” cũng chỉ là một từ ngữ quy ước. Nó không ám chỉ “TUỆ BÁT-NHÔ (Prajña) của các Thánh nhân đã hoàn toàn giải thoát, hay của chư Phật.

Chưa kể, một phàm nhân rất ít hy vọng có thể diễn tả đúng THÁNH TUỆ của Phật, ngoại trừ vị nào là “siêu nhân”, ẩn danh trong cõi đời phàm tục, thì chúng tôi xin được tha thứ. Đây là lý do, phần chính của đoạn nầy cần phải được nêu rõ, là “TUỆ phải được sinh ra trên đất TRUNG ĐẠO”, và xem đó là một THÔNG SỐ cần thiết, để SỰ SOI SÁNG không bị “hạn chế” trong “biển pháp mênh mông”, chứa đầy ngôn ngữ nhị biên, đa nghĩa.

Đọc trong kinh điển Việt ngữ xưa nay, chúng ta thấy:

Hai từ ngữ Hán Việt “TRÍ TUỆ” và “TUỆ” từ trước đến giờ... đã không có “ký hiệu chú giải” giúp cho người đời phân biệt sự ám chỉ một cách mạch lạc. Nhưng trong tiếng nói của Phật tổ Thích-ca Mâu-ni (Pālī hay Saṅskrit), chúng ta thấy có 2 dạng viết khác nhau, có thể xem là “tương dương” với 2 từ ngữ “TRÍ TUỆ” và “TUÊ” ấy, để chuyên chở 2 PHÁP NGHĨA minh bạch. Đó là 2 chữ “ÑÀNA” và “PAÑÑÀ” (hay “PRẠJÑᾹ”). Xin trình bày như sau:

- Dạng “ÑᾹNA” được “tăng cường” theo quy luật văn phạm, bởi “tiếp đầu ngữ” “PA” hay “PRA”, để biến thành “PAÑÑA” hay “PRAJÑA”. Chữ mới nầy chuyên chở một hàm nghĩa “uyên bác”, “toàn thông”, và “cao tuyệt”... được bổ túc vào nghĩa gốc là “SÁNG SUỐT”.

Chữ “ÑÀNA” ám chỉ sự “NHẬN THỨC ANH MINH do TU THIỀN ĐẮC ĐỊNH”, tròn đủ sáng suốt về một nội cảnh (ajjhattārammaṇa) hay một ngọai cảnh (bahiddhārammaṇa), khi thân tâm “tiếp xúc” (phassa) với cõi trần (xuyên qua 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý), mà “phản ánh của hiện nghiệp” (hay hoàn cảnh thực tại) không làm cho sai lệch.

Ví dụ:

Một người bình tâm chăm chú vào một đối tượng bên ngoài, thông thường gọi là “nhìn một mục tiêu”. Nhưng trong THIỀN nhà Phật, thì “mục ttiêu ấy” phải được chọn đúng cách (tên gọi là ĐỀ MỤC = Kammaṭṭhāna). Còn tâm chăm chú nhờ tu thiền thuần thục được gọi là “an trú nơi đề mục”. Sự AN TRÚ (appanā) nầy dĩ nhiên đã hoàn toàn hội đủ 5 yếu tố thiền, là tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), và nhất tâm (ekaggatā), hay định (= CHỈ). Có sách gọi “yếu tố thiền” là “chi thiền”.

TIỀM LỰC của yếu tố then chốt sau cùng “nhất tâm”(ekaggatā), còn gọi là “ĐỊNH” hay “CHỈ” (Samādhi), có khả năng “phát quang” (obhāseti), nên NHẬN THỨC của tâm hành giả lúc ấy trở nên anh minh, trong sáng, chính xác. Tiếng Phật gọi “NHẬN THỨC MINH MẪN” kia là “ÑᾹNA”, (tạm dịch là “TUỆ TRI”).

NHẬN THỨC MINH MẪN nầy, nếu quá thuần thục và tự động diễn ra, song song với tất cả 4 oai nghi chính cũng như phụ, thường xuyên trong đời sống hằng ngày, tiêu biểu là đi-đứng-nằm-ngồi, ở bất cứ đâu và vào bất cứ giây phút nào... thì thiền học gọi là “NHẬN THỨC VÔ NGẠI”, hay “MINH SÁT”.

Tiếng Phật gọi “NHẬN THỨC VÔ NGẠI”, hay “MINH SÁT” nêu trên là “Vipassanā”. Từ ngữ Pāḷī “VIPASSANᾹ” dịch ra Hán- Việt là “minh sát”, tuy không chuyên chở trọn vẹn ý nghĩa gốc, nhưng nó “tạm đủ” để chúng ta dùng.

Tức là “MINH SÁT” ám chỉ “quan sát xuyên thấu và thấy rõ thực tại”. Một số nhà nghiên chứu THIỀN HỌC còn dịch “VIPASSANᾹ” là “QUÁN”. Chúng tôi không dám “phê phán” chữ “QUÁN”, chỉ xin lưu ý rằng “đừng hiểu lầm quán là suy tư, hay quán xét, phân tích”.

Vì sao ? Vì suy tư, quán xét hay phân tích là một “hành động” (karma) của tưởng uẩn (saññakhandha = tập ấm chất chứa sự nhớ lại và so sánh, phân biệt). Còn MINH SÁT (Vipassanā) là pháp hành thanh tịnh của thức uẩn (viññāna khandhadhammā), thấy biết như thị. TƯỞNG UẨN và THỨC UẨN vốn là 2 danh pháp khác nhau!

***

Nhân tiện, chúng tôi cũng xin nói sơ về dị biệt của “THIỀN CHỈ” (Samatha) và “THIỀN QUÁN” (Vipassanā) theo Phật học. Hai loại THIỀN nầy tuy khác hẳn nhau, nhưng “TUYỆT ĐỐI CẦN THIẾT”, không thể tách rời. Vì có đạt cái nầy thì mới đạt cái kia. Và sự THÀNH CÔNG (Vipāka) của cả hai loại đều gọi là ĐỊNH (Ekaggatā). - Còn “năng lực” thì:

Nội dung của ĐỊNH trong THIỀN CHỈ thì hạn chế thời gian, nên gọi là THỜI ĐỊNH (Parichinna ekaggatā), nghĩa là ĐỊNH trong một kỳ hạn nào đó, tối đa 7 ngày.

Nội dung của ĐỊNH trong THIỀN QUÁN thì không hạn chế thời gian, nên gọi là THƯỜNG ĐỊNH (Nicca ekaggatā), nghĩa là ĐỊNH “toàn thời”, lúc nào cũng ĐỊNH, hay Ý THỨC CẢNH GIÁC liên miên, bất tuyệt, không ngừng (Vipassanā = Mindfullness). Có sách gọi THƯỜNG ĐỊNH là “định liên tục từng sát-na”.

Thử mô tả:

Thành công của ĐỊNH trong THIỀN CHỈ, luôn luôn giúp cho người hết phóng tâm, với THÂN THỂ đạt thăng bằng thuần thục. Họ ví như một “nghệ nhân”, có thể ung dung bước lên đứng vững trên một sợi dây căng... giăng trên cao, mà hoàn toàn không nghiêng ngã. Nhưng họ không di chuyển được. Đây là sự hạn chế.   

Còn thành công của ĐỊNH trong THIỀN QUÁN ví như người (dĩ nhiên cũng hết phóng tâm), THÂN THỂ đã đạt thăng bằng thuần thục. Họ chẳng những có thể ung dung đứng vững trên một sợi dây căng... giăng trên cao, hoàn toàn không rung động mà họ còn có thể bước tới đi lui một cách dễ dàng, từ đầu nầy sang đầu kia của sợi dây, không trở ngại, vô hạn chế.

Sách NGỮ LỤC nhà THIỀN có viết đại ý:

Năm chi của THIỀN CHỈ, gồm tầm, tứ, hỷ, lạc, định có thể ví như 5 yếu tố hợp thành cái đèn. Đó là 1/ bình đựng dầu, 2/ số lượng dầu, 3/ tim bấc khô, 4/ vật che gió, và 5/ bộ đá lửa. Khi 5 vật nầy hội đủ và được vận hành đúng cách thì có NGỌN ĐÈN cháy sáng.

Ngọn đèn SÁNG ví như TÂM ĐỊNH phát quang, kết quả của THIỀN CHỈ (Samatha). Nó chỉ cháy sáng, và soi rõ mọi vật với điều kiện phải ở trong một căn phòng, có 4 bức tường bảo vệ. Đây gọi là soi sáng có hạn chế, vì khi ra ngoài gặp “gió trần” thổi mạnh... thì nó có thể chao đảo, không soi rõ... nhiều khi phải tắt. “ĐÈN SÁNG nầy” tượng trưng cho THỜI ĐỊNH.

Nhưng cũng ngọn đèn ấy, nếu người sử dụng (đã thành công tuyệt mức) muốn mang nó đi mọi nơi, thì họ lại biết dùng ống che trong suốt bằng thủy tinh (ám chỉ pháp XẢ = Upekkhā), chụp quanh ngọn lửa để ngăn gió. Và ngọn đèn vẫn cháy sáng ở bất cứ đâu, không bị hạn chế. “ĐÈN SÁNG nầy” tượng trưng cho THƯỜNG ĐỊNH.

THỜI ĐỊNH là hiệu quả của THIỀN CHỈ (Samatha), diệu dụng của NÓ là pháp hành của ngọn đèn mô tả ở giai đoạn I, trong căn phòng (bị hạn chế).

THƯỜNG ĐỊNH là hiệu quả của THIỀN QUÁN (Vipassanā), diệu dụng của NÓ là pháp hành của ngọn đèn ấy, nhưng ở giai đoạn II, tùy tiện mang đi khắp nơi (không bị hạn chế).

Từ đó suy ra:

* Không có “NGỌN ĐÈN CHỈ” thì chẳng bao giờ có “ NGỌN ĐÈN QUÁN”. Bất khả phân.

* Một người không hành thiền chỉ, mà hành thiền quán, ví như người không có kính hiển vi mà đòi xem vi trùng. Nếu người ấy bảo họ thấy những con vật cực nhỏ, thì đó là tưởng tượng.

* Thí dụ khác, một kẻ thường đọc sách bơi lội, mà không bao giờ xuống nước thực tập thuần thục, ví như người đôi chân không đi không vững mà đòi bơi đua. Nếu kẻ ấy bảo “tôi biết lội nhanh”, thì đó là lời nói láo. Và suốt đời kẻ ấy phải nhờ thuyền bè, mới có thể qua sông được.

***

Quay lại chuyện ĐỊNH và TUỆ:

Cả hai phẩm cách ĐỊNH và MINH SÁT hay CHỈ và MINH SÁT, đều có khả năng làm cho “tâm phát quang thăng hoa”, nghĩa là trở thành TINH ANH TRONG SÁNG, thiền học nhà Phật gọi là “TUỆ TRI” (Ñāna).

Và khi “TUỆ TRI” (Ñāna) đạt đến tuyệt bậc thượng thừa, thì gọi là “TUỆ BÁT-NHÔ = “Pañña” hay “Prajña”. Tuyệt bậc thượng thừa ở đây ám chỉ một thực tại tâm thức, vừa cực kỳ SÁNG SUỐT, vừa hoàn toàn THANH TỊNH và TUYỆT XẢ.

Nhưng người xưa không thể dịch “PAÑÑᾹ” hay “PRAJÑA” ra “Hán Việt”, nên đã tùy tiện viết theo âm thanh của tiếng đức Phật “PAÑÑᾹ” hay “PRAJÑA” thành ra “BÁT-NHÔ.

Rồi tiền nhân còn cẩn thận hơn, sợ các thế hệ sau không hiểu, họ lại thêm vào một chữ “TRÍ”, để “gợi nghĩa” dành cho người mới học Phật. Từ đó, chúng ta có 2 từ ngữ “BÁT-NHÔ và “TRÍ BÁT-NHÔ cùng ám chỉ một “phẩm cách”, là cái “TOÀN TRI VÔ SONG” của Phật.

Nghĩa là TÂM PHẬT nhìn thấy vạn pháp NHƯ THẬT, vô ngăn ngại.

BÁT-NHÔ và “TRÍ BÁT-NHÔ cũng chuyên chở phẩm cách TUYỆT MINH (Ariya Vịjjà), tức là cái phẩm cách ngược lại với tình trạng U TỐI (hay vô minh = Vijjā), tìm thấy trong kinh ThậpNhị Nhân Duyên, tượng trưng cho vòng sinh tử luân hồi.

Bậc có TRÍ BÁT-NHÃ thì biết hết nguồn gốc tiến trình, nhân quả của vạn vật hữu tình lẫn vô tình, cụ thể lẫn trừu tượng, gần lẫn xa, hiện hữu lẫn biến mất. Ấy là TOÀN GIÁC.

Kinh sách nhà Phật xưa nay, còn gọi BÁT-NHÃ là “trí kim cương” hay TRÍ PHẬT (Toàn Giác), và không có pháp gì dù tinh vi đến đâu đối diện với NÓ mà bị NÓ thấy sai khác! Nghĩa là chữ BÁT-NHÃ (Prajña) đề cập ở đây, ám chỉ phẩm cực kỳ SÁNG SUỐT và hoàn toàn thanh tịnh, tuyệt xả, không bị pháp giới đa biên làm cho sai lệch.

Có người sẽ đặt câu hỏi “TUỆ BÁT-NHÃ đại diện cho tâm linh cực kỳ sáng suốt và hoàn toàn thanh tịnh, mà còn phải duyên vào TRUNG ĐẠO nữa sao?”. Dựa theo quyển “PHÁP-TỤ A-tỳ-đạtma”(Abhidhammasaṅganī), chúng tôi xin thưa rằng:

Chừng nào thân Thánh nhân (hay Phật) chưa hết tuổi thọ, chừng đó “TRÍ BÁT-NHÔ vẫn tự nhiên vận hành trong TRUNG ĐẠO. Vì dù tâm Phật không cực đoan, nhưng trần gian (lục đạo) vẫn là cõi cực đoan (extremist), đóng khung bởi “nhị biên” (duality), đa dạng... Và quả lành tròn đủ của ba-la-mật (paramattha pāramī) của các Ngài không để cho thân Thánh nhân (hay thân Phật) gặp “khó khăn” lẫn “nghịch cảnh” trong suốt thời gian chưa viên tịch, nên “TRÍ BÁT-NHÔ theo TRUNG ĐẠO tự nó “phát tác”.

Đó là đối với các bậc đã chấm dứt chủng tử tái sinh luân hồi. Còn các hàng “phạm hạnh” hay “bồ-tát” đang tiến hóa trên con đường hành thiện, mà chưa bước vào Thánh lưu (kể từ Tu-đà-hoàn đạo = Sotāpattimagga), thì dù “tuệ tâm” có “cao siêu” đến đâu, cũng phải nương nhờ TRUNG ĐẠO. Vì xa trung đạo là tách rời phẩm cứu cánh giải thoát!

TRUNG ĐẠO giúp “nắm bắt” THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

Tuy “THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN” là một đề tài khác, đã được đề cập trong bài trước, nhưng nhân tiện chúng tôi cũng xin “gợi nó” lên đây, để làm “phần kết thúc” cho bài nầy, rằng:

Nhờ TRUNG ĐẠO mà chúng ta có thể hiểu được thập nhị nhân duyên, xuyên qua THUẬN PHÁP hoán vị tương tác (= nhân cũng là quả và quả cũng là nhân, không chấp nhân, không chấp quả), hơn là xem 12 nhân duyên theo một chiều vĩnh cố định viễn, đóng khung rằng cái trước tuyệt đối phải sinh ra cái sau... một cách cứng ngắc, khiến cho người nghiên cứu đạo Phật cảm thấy bế tắc, mó hồ, mờ mịt... trước cả 2 đầu thời gian, QUÁ KHỨ và TƯƠNG LAI, trong một tình trạng “phiêu lưu tri kiến”!

Với “CON MẮT TRUNG ĐẠO”, người học Phật sẽ thấy thập nhị nhân duyên là 1 tiến trình xoay vòng (parihārapatha = circular line, như 12 con số trên mặt đồng hồ), chứ không phải là “đường thẳng” (ujurekhā). Mỗi KHOEN đều có thể là “điểm chấm dứt” và cũng có thể là “điểm bắt đầu”, nên vấn đề phiêu lưu tri kiến sẽ tự hóa giải! Tiến trình xoay vòng nầy chính là NỀN TẢNG của luật nhân quả. Người duy vật (đoạn kiến) tin hay chẳng tin sự tái sinh luân hồi... vốn không thay đổi cái vận hành tự nhiên đó. LUẬT NHÂN QUẢ luôn luôn vẫn là SỰ THẬT, như một định luật trong tam giới! Chỉ có quả báo lộ ra nhanh hay chậm mà thôi!

Nhóm chữ “hoán vị tương tác” trên đây chính là PHƯƠNG PHÁP, dùng để tháo gỡ hữu hiệu “VÔ SỐ THẮC MẮC” trong “nhị biên hệ luận” mà muôn đời người ta không thể nhận ra “hai mặt tương quan thật” của vạn vật trong vũ trụ như thế nào!

Tóm lại, TRUNG ĐẠO không đơn giản chỉ là con đường nằm giữa, mà là GIẢI PHÁP HỮU HIỆU, đối phó với các BIÊN KIẾN (= cố chấp), “nhị lập” hay “đa lập”, tạo DUYÊN khắc phục bế tắc, mâu thuẫn... để TIẾN HÓA!

BẢN SẮC KHOA HỌC trong PHẬT GIÁO liên quan đến TRUNG ĐẠO xin tạm ngưng ở đây. Vì “văn từ nan tận ý”. Bài thứ ba sẽ nói về BẢN SẮC KHOA HỌC trong PHẬT GIÁO sẽ “Liên quan đến TỨ DIỆU ĐẾ” (Catu Ariyasaccāni).

Pháp quốc, Paris 20/6/2021
(Ghi lại tri kiến... phát sinh nhờ CHỈ QUÁN trong mùa “tịnh thất”)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 145
    • Số lượt truy cập : 6794118