Thông tin

BẢN SẮC KHOA HỌC TRONG PHẬT GIÁO

LIÊN QUAN ĐẾN TỨ DIỆU ĐẾ (Catu Ariya Saccāni)

 

TUỆ LẠC

 


 

Kỳ này, chúng tôi xin trình bày về những “đặc điểm KHOA HỌC” trong giáo lý nhà Phật, liên quan đến Tứ Diệu Đế, hay liên quan đến Bốn Sự Thật Siêu Việt. - TỨ DIỆU ĐẾ (- Tiếng Pāḷī “CATU ARIYA SACCᾹNI”) trước tiên là NỀN TẢNG TƯ DUY (Patiṭṭhānasassa saṅkappa) của người theo đạo Phật. - Cần nhấn mạnh rằng, Tứ Diệu Đế hay Bốn Sự Thật Siêu Việt (còn gọi là 4 CHÂN LÝ) không phải là những “GIÁO LÝ HUYỀN BÍ”, mà loài người không thể tìm hiểu, phân tích hay suy luận về NGUỒN gốc của THỰC TẠI.

Xưa nay, những “lời tiết lộ” của một giáo chủ, thường nặng về THẦN HỌC (théologie), thiên về MẶC KHẢI. Và các vấn đề then chốt được một giáo chủ thốt ra, đều thuộc về lãnh vực SIÊU HÌNH, nằm ngoài sức hiểu biết của con người. Nói chung, trong hầu hết các tín ngưỡng ngoài Phật giáo, NIỀM TIN phải là điều tiên quyết, bất khả tranh luận hay từ chối… vì lý do gì.

Nhưng Phật giáo thì khác, nhất là “Đạo Phật Nguyên thủy” do Đức Thích-ca Mâu-ni lưu lại, NIỀM TIN trong đạo Phật, là một “biểu lộ của ý thức chấp nhận hợp lý”. Ngày xưa, chính đức Phật đã “phản đối” sự bất công, sự phân biệt giai cấp, “đả phá” mọi tình trạng mê tín (= ngu dân), trong xã hội Bà-la-môn (Brahamanisme). - Nói rõ hơn, NIỀM TIN trong đạo Phật, vốn đến từ tính soi sáng, hay KHAI TRÍ. Nó không phải là hậu quả của áp đặt “Phật quyền”.

NIỀM TIN ấy phải là “dấu hiệu” của TỰ NGUYỆN HƯỚNG THIỆN, hoàn toàn nằm trong “khả năng tri kiến” của con người (dù cho còn phàm). - Thiết nghĩ, chúng tôi nêu ra loạt bài “BẢN SẮC KHOA HỌC TRONG ĐẠO PHẬT”, chẳng những đã không quá đáng, mà còn là một đóng góp thiết thực vào nền văn minh nhân loại! - Mục đích chính là để “đánh tan” một số “lầm tưởng”, cho rằng “đạo Phật cũng nghịch chiều khoa học, như những tín ngưỡng khác”!

Để chứng minh điều đó, chúng tôi xin nhắc lại 1 trong 3 từ ngữ (tham sân si), rất thường nghe trong ngôn ngữ nhà Phật, là… SI. Và theo “Phật học A-tỳ-đạt-ma” (Abhidhamma), thì tật “SI” (moha) vốn phát sinh từ tình trạng “VÔ MINH” (avijjā), - mà trong tiếng Pāḷī, chữ có nghĩa “đối nghịch” với VÔ MINH” (avijjā), là “MINH” (dịch ra Pālī là “VIJJᾹ”).

Chúng ta có thể viết ra “sự tương phản” ấy bằng “công thức” như sau:

VÔ MINH (avijjā) > < MINH (vijjā).

Rồi “hiển nhiên hơn nữa”, là khi tra cứu… chúng ta thấy trong tự điển PALI-ENGLISH, của 2 học giả nổi tiếng về Pāḷī-Saṅskrit, là 2 giáo sư T.W. RHYS DAVIDS và WILLIAM STEDE, Đại học Oxford, Anh Quốc, phát hành (trang 617), chữ “VIJJᾹ” được dịch ra Anh ngữ là “SCIENCE”, tương đương với danh từ “KHOA HỌC” trong “Hán Việt”.

Còn một tự điển khác là cuốn ENGLISH-PALI của Ngài A.P.Buddhadatta Mahāthera, cao tăng xứ Phật giáo Tích-lan (ở trang 486) cũng dịch chữ “SCIENCS” (= KHOA HỌC) ra tiếng Pāḷī là “VIJJᾹ”. Chưa kể, từ ngữ “VIJJᾹ” (= Minh hay Anh Minh) cũng có nghĩa trong tiếng Anh là “highest knowledge”, kiến thức cao nhất.

Từ đó, “Công thức” trên được bổ túc, thành:

VÔ MINH (avijjā) > < MINH = KHOA HỌC (vijjā), và

MINH = “VIJJᾹ” = KHOA HỌC = KIẾN THỨC CAO NHẤT.

Vả lại, không bắt buộc phải dựa vào kinh điển “PHẬT GIÁO NAM TRUYỀN” (dùng cổ ngữ Pāḷī hoặc Saṅskrit) để chỉ ra “Bản Sắc Khoa Học trong đạo Phật”, mà ngay cả căn cứ vào kinh điển “PHẬT GIÁO BẮC TRUYỀN”, dùng chữ “Hán” (= Phồn thể), thì các ĐOẠN KINH nói về “BÁT-NHÔ cũng đều được các nhà nghiên cứu Phật học danh tiếng (truyền thống Trung Hoa) xưa nay, nhìn nhận là “GIÁO LÝ CỐT LÕI SOI SÁNG” của nhà Phật.

“BÁT-NHÔ (Paññā = Prajña) ở đây, ám chỉ cái “TRI KIẾN TUYỆT LUÂN, HOÀN TOÀN” của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammāsambhuddhañāna). - Nếu chúng ta không muốn xem BÁT-NHà là “Bản Sắc Khoa Học” trong Phật giáo, thì chúng ta gọi ẤY là gì ? Như vậy, nhóm từ được dùng để đặt tên cho loạt bài này… quả thật không nên bị hiểu lầm là “phóng đại”!

Lại nữa, trong lập trình của “THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN”, mà chúng tôi đã đề cập trong “Bài trước, VÔ MINH (Avijjā) chính là “khoen đầu”, khởi động vòng luân hồi. Thay vì gọi là “vô minh”, chúng ta có thể dựa vào các tra cứu nói trên, thay thế 2 chữ “vô minh” bằng 3 chữ RÕ NGHĨA hơn là “phản khoa học”. - Từ đó, chúng ta quy nạp rằng, “nếu ngược lại, sự khởi đầu ấy là MINH (VIJJᾹ = đúng khoa học, ANH MINH), thì BẢN CHẤT ĐÓ vốn triệt tiêu các khoen tương tác tiếp theo, để tất nhiên không có “duyên khởi luân hồi”. - Phật học còn gọi MINH hay “ANH MINH” (Vijjā) là “thuận pháp” (= dhammena), tức là CÓ PHẨM CÁCH SIÊU THOÁT đối trị hẳn “VÔ MINH” (Avijjā) hay “nghịch pháp” (adhammena).

- Và để cho đề tài được “sống động”, chúng tôi đề nghị quý vị, hãy xem TỨ DIỆU ĐẾ, hay Bốn Sự Thật Siêu Việt như một “bức tranh triết luận”, và hãy xem “BẢN SẮC KHOA HỌC trong NHÀ PHẬT” là “trật tự sắp đặt” của những nét trình bày “hữu minh” trên “bức tranh triết luận” ấy, để có sự “mạch lạc hóa” cái TÍNH TƯƠNG QUAN, của toàn bộ Phật giáo (Buddhassa desana), trong tiến trình GIÁC NGỘ (Bodhi).

Nghĩa là ba chân lý, gồm KHỔ, TẬP, DIỆT, phối hợp với chân lý thứ tư (BÁT CHÁNH ĐẠO = sống sáng suốt theo phạm hạnh), phải nằm trong cái khung có “phân bổ khoa học”, để cho CHÂN LÝ NÀY được chứng minh rằng “NÓ vừa là nhân vừa là quả (liên quan) của CHÂN LÝ KIA”, trong vận hành THUẬN DUYÊN, khi cả hai nhất thời tương tác, và trong vận hành NGHỊCH DUYÊN, khi cả hai nhất thời không tương tác… NHẤT THỜI nói đây ám chỉ THỰC TẠI.

- Chỉ có Bản Chất Khoa Học trong Đạo Phật, mới có thể giúp cho TỨ DIỆU ĐẾ được người đời nghiên cứu, một cách thông thoáng. Nếu không, “Tứ Diệu Đế”, sẽ bị coi là một “lý thuyết thuộc về siêu nhân” (Thánh đức). Còn những hạng “phàm phu tục tử” thì “chân lý cứu cánh” trong TỨ DIỆU ĐẾ sẽ tỏ ra rất mơ hồ và xa vời, hoàn toàn nằm ngoài tầm tri thức của thực tại con người. - Xin bắt đầu theo thứ tự:

Liên quan đến CHÂN LÝ hay SỰ THẬT THỨ I,

“KHỔ ĐẾ”(Dukkha Ariya Sacca)

Tiếng Pālī của Phật gọi “SỰ THẬT THỨ NHẤT”(Pathama Sacca) là “Dukkha Ariya Sacca”. Hai chữ “Ariya” và “Sacca” nằm ở vị trí thứ 2 và thứ 3 trong nhóm chữ này. Chiếu theo tự điển, thì chúng có nghĩa là “sự thật cao thượng” hay “chân lý cùng tột” (= DIỆU ĐẾ: Ariya Sacca). Nhưng quay sang “khái niệm” về 2 chữ ấy trong tư tưởng của chúng ta, thì không khéo chúng có thể bị xem là “có nội dung biệt lập”, tách khỏi vận hành tương tác chung, khó thấy mối quan hệ đến sự SOI SÁNG trong tri thức… của trung đạo. - Vả lại, chính chữ “DUKKHA” mới là “phần nòng cốt” trong nhóm từ này, cần đến KHOA HỌC TRUNG ĐẠO.

Nếu chúng ta không chú ý đến nội dung sâu sắc của NÓ trong bài kinh CHUYỂN PHÁP LUÂN (Dhammacakkappavattana sutta), thì “ý nghĩa” của NÓ, sẽ dường như chỉ là “KHỔ”, theo cách nói chung chung. - Nhưng quả thật, nội dung của từ ngữ “DUKKHA” ở đây không giản dị. Đó là một “luận đề” phải gắn liền với KHOA HỌC TRUNG ĐẠO. Nếu không thì “Ý NGHĨA KHỔ” sẽ trở thành “méo mó”, có thể bị hiểu sai cách!

Vì khi “phân tích trên bề mặt chữ nghĩa” và “xuôi theo cảm giác đại cương”, thì từ ngữ “DUKKHA” chuyên chở cái “nghĩa nôm na” là đau đớn, khó chịu, bất toại nguyện, một tri giác tiêu cực tổng quát (một “nội dung” mà bất cứ sinh vật nào cũng cảm nhận được). - Hóa ra đệ nhất đế để “tiết lộ” cái “CHÂN LÝ CÙNG TỘT”, chỉ “đại khái” như thế thôi ư?! - Ngược lại, nếu ẤY là “PHÁP GIÁC NGỘ RỐT RÁO”, không có pháp nào hoàn hảo hơn, thì NÓ (= DUKKHA) phải có một CHIỀU SÂU RẤT MINH TRIẾT. - Do đó, người học Phật cần phải cẩn thận khi tìm hiểu chữ “DUKKHA”, hầu “khám phá” được Ý NGHĨA CHÂN ĐẾ của nó!

Và để xác nhận “nội dung” của chữ “DUKKHA” chuyên chở “Phật học giác ngộ cùng tột như thế nào”, chúng ta phải khách quan tìm hiểu “chiều sâu” của NÓ, qua cả hai phương diện tích cực (thuận) lẫn tiêu cực (nghịch). Vì dịch thuật với chữ “KHỔ” đã phổ biến xưa nay, có thể che khuất mặt “tích cực”, một nửa “SỰ THẬT” (Saccatharu) còn lại… bị “bỏ quên”, - không được hiệu lực của TRUNG ĐẠO soi sáng. Đây mới là điểm “then chốt”!

- Cũng vì dịch thuật “DUKKHA” là “KHỔ” này, mà ngày nay nhiều người trong chúng ta, đã lầm tưởng rằng “đạo Phật là tôn giáo nhìn đời toàn ĐAU KHỔ”!

Và nhắc đến “KHOA HỌC TRUNG ĐẠO” là nhắc đến tính thiết thực của TRI KIẾN TRÒN ĐẦY trong đạo Phật. Nghĩa là, chúng ta phải nhìn vấn đề qua BẢN SẮC KHOA HỌC, để “khám phá” trọn vẹn NỘI DUNG của chữ “DUKKHA”, không vội vã chấp nhận cái cảm tính bề mặt, bỏ qua sự soi sáng của phẩm Giác Ngộ, rằng “đạo Phật hằng làm cho nhân sinh thấy đúng, hiểu đúng, và nghĩ đúng, như một “lối sống đầy xác nghiệm chính đáng”, để tin đúng, hành động đúng, và sống đúng (= LẠC QUAN)!

- Chắc quý vị cũng ngạc nhiên khi thấy chúng tôi thỉnh thoảng viết 2 từ ngữ “khoa học” và “trung đạo” thành “một nhóm”(!) - Lý do? - Vì “TRUNG ĐẠO” mà không có “KHOA HỌC” kèm theo, thì người ta sẽ hiểu lầm là “TRUNG ĐẠO chỉ là con ĐƯỜNG GIỮA cố định”. - Rồi khi chấp vào “CON ĐƯỜNG ĐÓ”, người ta sẽ mất trung đạo và phản khoa học, không còn là “bản sắc đưa đến BÁT-NHÔ trong Phật giáo nữa.

Thực ra, “Ý NGHĨA GIÁO HÓA” của chữ “DUKKHA” ám chỉ rõ ràng rằng, “kiếp người vốn nằm giữa 2 tình trạng thuận và nghịch, khổ và vui”. Đức Phật đã thuyết kinh CHUYỂN PHÁP LUÂN, để đưa ra một PHÉP SỐNG ĐÚNG CÁCH, đầy hiệu lực hóa giải khổ vui, hóa giải thuận nghịch. Do đó, người học Phật phải tìm hiểu đầy đủ “nội dung” của chữ “DUKKHA”, để không vướng vào cái lưới “nghĩ theo phần đông”, mà xưa nay dịch thuật DUKKHA là “KHỔ” đem lại.

- Khi nhìn theo khía cạnh “UYÊN NGUYÊN” của chữ “DUKKHA”, và với “chỉ quán thanh tịnh”, chúng ta thấy đó là tình trạng “KHUYNH ĐỘNG BẤT KỲ” trước khi VŨ TRỤ thành hình. Vì thuở đầu, tức là sau cuộc nổ lớn (Big Bang), tất cả chỉ là “MANG MANG VÔ CỰC”. Thực trạng ấy gọi là “tập khí khởi tích lũy” (pathama khandha) của MỌI VẬN HÀNH HIẾU ĐỘNG (saṅkhāra kamma), gồm các yếu tố tạo ra “NHẤT UẨN” (sơ cấu), rồi trải qua một thời gian vô cùng dài… về sau trở thành “ĐA UẨN” (đa cấu), gia tăng chồng chất tập ấm từ 1 đến 2 - 3 - 4 - 5, gọi chung là NGŨ UẨN (= sắc, thọ, tưởng, hành, thức), để “hình thành” toàn thể chúng sanh “vô tình” (asaññāsatta) lẫn “hữu tình” (saññāsatta) chịu luân hồi sau này.

- Và hai thế lực “THUẬN lẫn NGHỊCH” thoạt đầu chưa có nội dung “ĐỐI KHÁNG” với nhau, xem là “KHỔ”. Chúng vốn đã “ngẫu nhiên”, nên cần được tạm gọi là “tính CHỊU ĐỰNG” (= dukkha). Ấy là THÁI CỰC DUY TÁC (Kiriya).

Lúc nhìn vào chữ “DUKKHA”, chúng ta thấy có vần “DU”, liên tưởng đến “biến cách” của NGÔN NGỮ HỌC (philologie), chúng ta liền tìm ra “lập nghĩa”… là “hàng hai”, “đi đôi”, hay “song đối”. Rồi “khoa học quan sát”, trở thành “triết lý phát biểu” rằng, “hễ có cái này thì có cái kia”. - Cuộc sống tương giao trên địa cầu và bầu khí quyển là một cảnh giới chứa “vạn vật khi đã hiện hữu, thì tự nhiên vận hành từng cặp, song song, đối xứng… thuận và nghịch, hợp và tan xoay vần…”. - Tức là “LƯỠNG NGHI”: I biến thành II (I=>II), hay I khác II (I=>II), rồi phân đôi (I=/=II), tạo thành 2 VẾ.

Vả lại, chúng ta tra cứu âm “DUK” trong tiếng Magadhì (Ma-kiệt-đà) hay Pàlì (ngôn ngữ của kinh đô “Hoa-thị-thành” (Pātalīputta=Pālī) thời đức Phật, thì “DU” cũng có nghĩa là “hai”, tương đương với các chữ “dvi”, “dvà”, “dve”. - Và điều “trùng hợp lý thú” hơn nữa, là trong một số ngôn ngữ gốc “La-tinh”, như Anh, Pháp, Ý v.v… các chữ “dualité” và “duality” cũng đều ám chỉ VẬN HÀNH CĂN BẢN từ “từng cặp”, còn được diễn dịch là “nhị biên”, “song đối” hay “lưỡng diện”, TƯƠNG HÀNH.

Như vậy, chữ “DUKKHA” trong kinh Phật, ngoài cái nghĩa tiêu cực, được tạm dịch xưa nay là “KHỔ”, nó còn hàm ý của “SỰ CHỊU ĐỰNG” 2 tình trạng đối nghịch, - chẳng hạn như hài lòng và bất mãn, dễ chịu và khó chịu, hạnh phúc và khổ đau, tối tăm và trong sáng, đẹp đẽ và xấu xa, nặng nề và nhẹ nhàng, thấp bé và cao lớn, ngon và dở v.v… (có vô số từ ngữ, không thể nào kể xiết)…

Như vậy chữ “DUKKHA” không ám chỉ duy nhất một mặt tiêu cực, là KHỔ!

Nếu xét lại “tính nghiệm chứng” từ “KHOA HỌC TRUNG ĐẠO”, chúng ta còn nhận thấy rằng, đức Phật dùng chữ “DUKKHA” trong cái nghĩa “CHỊU ĐỰNG nhị biên”, hơn là thu hẹp nội dung vào một mặt là MANG LẤY CÁI KHỔ. Vì bất cứ ám chỉ nào thuộc về “biên kiến”, cũng luôn luôn chuyên chở một phía, hay “phân nửa”, một cách phiến diện, không trọn vẹn.

- Người ta vẫn thường nói, “50% của sự thật không phải là sự thật”. Và nhất là cái phân nửa kia của sự thật, dù đã bị bỏ quên (hay che khuất), vẫn là “yếu tố then chốt” của “VẤN ĐỀ”, cần đến “2 chìa khóa” để khai mở, chứng minh một cách đầy đủ. Và theo KHOA HỌC, thì “cái phần thật ẤY vẫn ở đó, chỉ chờ được khám phá, công bố”.

Mặt khác, phải chăng sự VÔ THƯỜNG (aniccà = impermanence) cũng hằng xác định VẠN VẬT LUÔN LUÔN THAY ĐỔI (!?). Nghĩa là cái “thực tại khổ” kia… sẽ biến đổi, để dẫn đến một “thực tại mới”, khác hẳn trước (hay ngược lại), tạm gọi là “TẬN”, (tận khổ = vui). - Rồi sau đó, cái “vui” khi cuối đà, chấm dứt sẽ đưa đến cái “khổ”, cứ thế xoay chiều liên tục. Và chính trong sự hoán vị xoay chiều tương đối ấy, một động từ TỰ MÌNH có thể trải nghiệm, khi áp dụng đúng PHÁP (khoa học trung đạo) của Bậc Giác Ngộ, để hóa giải thực tại nhị biên và tiến hóa, chứ không nhất thiết chỉ TRÁNH tâm trạng KHỔ hay TÌM tâm trạng VUI… một cách lẩn,. - CỐ CHẤP!

* Và thái độ gọi là “lạc quan” (sabbasubhava) trong nhà Phật, nếu được biểu lộ… thì đó chính là lúc có SỰ HIỂU BIẾT ĐÚNG ĐẮN (chánh kiến) và SỐNG TRẢI NGHIỆM LÀNH MẠNH (trung đạo), chứ không phải “sản phẩm của tưởng tượng” (ảo kiến). Ngoài ra, TÍNH VÔ CHẤP trong nhà Phật còn cảnh báo rằng, “coi chừng LẠC QUAN MÙ QUÁNG cũng là một tác hại khác của lòng THAM!”.

Nghĩa là, không nên mắc dính vào cặp từ “LẠC QUAN”, kiểu “quá đơn giản”, là “tránh hẳn 2 thái cực”, rồi nghĩ rằng, “phần đầu của bài kinh CHUYỂN PHÁP LUÂN chỉ nhằm mục đích phủ nhận 2 hành động “khổ hạnh” và “lợi dưỡng” (= sống hành xác hay hưởng thụ), để ĐÓNG KHUNG “con đường giữa” một cách cứng ngắc! Tức là rơi vào thành kiến chật hẹp, KHÔNG THẤY ĐƯỢC hiệu lực thật của TRUNG ĐẠO trong Bản Sắc Khoa Học của nhà Phật. Và đương nhiên không xác nhận được Bản sắc đó CHÍNH LÀ “khả năng” giúp chúng ta hóa giải các bế tắc, nhất là vấn đề “dịch thuật cổ điển” (đến từ Phật giáo phương Bắc, có thể làm cho các đời sau hiểu lầm “đạo Phật chỉ nói về khổ”, khiến cho con người rơi vào “sương mù” của chữ nghĩa, của cảm giác bất lực (= định nghiệp), tiêu cực nhìn đời một cách tuyệt vọng, “thả trôi theo giòng quả báo”… - Từ đó, tính TỰ LỰC NÒNG CỐT trong mỗi cá nhân sẽ tan rã, làm giảm thiểu duyên lành đối với Phật giáo.

Khi đọc Phật ngôn “Dukkha Ariya Sacca”, chúng ta nên nhớ rằng, sự thật muôn đời của kiếp người (nói riêng), và của chúng sanh hữu tình (nói chung) là chịu đựng nhị biên đối đãi (?!). - Nghĩa là CHỊU ĐỰNG cả khổ lẫn vui, cả hài lòng lẫn bất mãn, cả hạnh phúc lẫn đau khổ, cả thành công lẫn thất bại v.v… một cách tương đối, - chứ không phải duy nhất là CHỊU ĐỰNG KHỔ trong mọi trường hợp… một cách phiến diện (= Tiền đề của sợ sệt).

Bởi THỰC TẠI nào cũng bao gồm cả nghịch lẫn thuận, hài lòng lẫn bất mãn hay khổ lẫn vui… mà mỗi chúng sanh phải trải nghiệm, nên “CHỊU ĐỰNG” mới là từ ngữ tròn đủ nghĩa lý, để chúng ta dùng ám chỉ một cách phương tiện, cho cả hai trạng thái tạo ra luân hồi, hàm chứa trong ĐỆ NHẤT ĐẾ Phật giáo (Buddhasàsanassa Pathama Dukkha Ariya Sacca).

- Từ đó, chúng tôi đề nghị gọi ĐỆ NHẤT ĐẾ (Pathama Ariya Sacca) là “CHÂN LÝ CHỊU ĐỰNG nhị biên”, thay vì quen gọi một cách “phiến diện” là KHỔ ĐẾ.

Và phải chăng vì “quá bị ám ảnh” bởi cái “KHỔ” (Dukkha), mà người thiếu tự tin “CHẲNG MÀNG” đến cái “VUI” (Sukha), nên đa số người đã mất bình tĩnh, quên hẳn rằng “TẤT CẢ đều TƯƠNG ĐỐI”. Rồi tư duy của họ dần dần trở thành sai lệch về ĐỆ NHẤT ĐẾ trong “giáo lý đức Phật”. Trầm trọng hơn nữa là họ vội vã kết luận rằng, “đạo Phật là tôn giáo nguyền rủa niềm vui”, ngay cả NIỀM VUI THANH BẠCH! - Hiện tượng “tiêu cực” vô cùng đáng tiếc!

- Đã từ lâu, chúng tôi vẫn tự hỏi “tại sao một giáo lý tuyệt vời” của Đức Phật, một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammā Sambuddha) lại… chẳng những đã không soi sáng, khai thông… thức tỉnh cho con người, trong cảnh CHỊU ĐỰNG triền miên THUẬN NGHỊCH (khổ - vui), mà còn “gây hiểu lầm”, là học thuyết tiêu cực, làm cho người đời “chán nản, buông xuôi” (?!). - Hiện tượng này, nếu không đến từ “DỊCH THUẬT” và “DIỄN GIẢNG” phiến diện, THIẾU KHOA HỌC… thì không còn lý do nào khác!?

Mỗi khi nhớ đến hai chữ TRUNG ĐẠO trong kinh CHUYỂN PHÁP LUÂN, chúng tôi chợt nhận ra rằng, sự diễn giải “đóng khung giáo lý”, chấp cứng vào văn tự dịch thuật, hay vào thành kiến tông phái, “ngu tín” của một số người nhân danh “Phật học”… đã làm cho chúng ta ngày hôm nay, không hiểu đúng Phật ngôn, không làm tròn bổn phận “người theo đạo Phật”. Nhất là trong thời đại VĂN MINH LÝ HÓA chi phối tất cả sinh hoạt.

Nói tóm lại, Chân Lý Thứ Nhất hay “DUKKHA ARIYA SACCA” ám chỉ sự thật CHỊU ĐỰNG khổ vui trong CẢ HAI trạng thái đối nghịch, bất luận là trạng thái nào xảy ra trước. Và tất cả vận hành (bao gồm khổ vui) đều có điểm bắt đầu và có điểm chấm dứt (tùy độ dày của nghiệp quả, phối hợp với cơ duyên hiện tại (có thể khuyến thiện), chứ không duy nhất phải CHỊU ĐỰNG quả báo định mệnh… một cách bất khả hóa giải, để chỉ gọi tổng quát trên bề mặt, là “KHỔ ĐẾ” (hay khổ là thật muôn đời)! - Và như thế thì “LUẬT VÔ THƯỜNG không vận hành, không tuần hoàn, không biển đổi hay sao?”!

Vả lại, pháp NHỊ BIÊN SONG ĐỐI (dualité), há đã chẳng cho chúng ta biết rằng, xuyên qua một kiếp sống, có bao nhiêu cái “khổ”, thì cũng có chừng ấy cái “vui” tương đối, xen kẽ. Và KHỔ lẫn VUI của người nào thì “đè nặng” lên THÂN lẫn TÂM chính người ấy, chứ sự CHỊU ĐỰNG KHỔ VUI không chọn lựa riêng rẽ “đối tượng duy nhất” là thân xác hay tinh thần.

“Tiền đề trung đạo” của bài kinh CHUYỂN PHÁP LUÂN có thể thức tỉnh chúng ta, tránh được thiên kiến “đánh giá thấp sự hữu dụng của vật chất”, và “chỉ đề cao giá trị tinh thần”.

- Nhiều đoạn trong kinh… Phật đã khuyên chúng ta rằng, “THÂN TÂM luân hồi này tuy là kho chứa của những tật xấu, nhưng nó cũng là PHƯƠNG TIỆN CẦN THIẾT, để tu hành tiến hóa, khởi sinh, nuôi dưỡng và tích tụ tánh tốt, đức lành”.

Nếu chúng ta có thể phạm nhiều tội lỗi, với THÂN TÂM này, thì chúng ta cũng có thể tạo nhiều phúc đức với NÓ, xuyên qua ý thức hướng thiện TRUNG ĐẠO… không rơi vào BIÊN KIẾN, sống giảm thiểu nghiệp xấu, phát triển nghiệp tốt. Từ đó, chúng ta biến THÂN TÂM này thành một kiếp sống, hay “ngũ uẩn” (với 5 tập khí SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC) tươi tỉnh, quân bình, thanh tịnh và vị tha.

Sự HIỂU ĐÚNG Chân Lý Thứ Nhất trong chữ “DUKKHA”, sẽ đưa chúng ta ra khỏi THÀNH KIẾN bạc nhược, tối tăm, cuồng tín, bế tắc… không vùi dập kiếp sống trong KHỔ HẠNH, không say sưa đắm chìm trong LỢI DƯỠNG (đầu hàng lòng tham), mà sáng suốt sống hợp lý với an vui lành mạnh của thể xác, và không cực đoan rèn luyện tinh thần một cách đui mù, vì VÔ MINH vi tế… như CÁI GƯƠNG đạo sĩ Tất-đạt-đa đã khổ hạnh cùng cực suốt sáu năm trường, một cách vô ích, trước khi áp dụng TRUNG ĐẠO và thành Phật!

Hai tình trạng KHỔ (Dukkha) và VUI (Sukha) đều nằm trong mỗi con người phàm tục. Chúng ta KHÔNG NÊN tin rằng “xem đời tuyệt đối là bể khổ, thì có nhiều hy vọng thành Phật”, hay “thấy đời có niềm vui thì có ít hy vọng Giác Ngộ, rồi tiếp tục sinh tử, luân hồi”. Và đừng quên rằng kinh Phật có bộ JᾹTAKA (“Túc Sinh Truyện” nói về TIỀN THÂN BỒ-TÁT = Bodhisatvā), ghi lại khá nhiều giai thoại, khuyên người đời thường xuyên làm lành, tạo PHƯỚC (kusala kamma, puñña). - Mà “tạo phước là gì, nếu không phải xây dựng niềm vui!?”.

Nói về “KHỔ ĐẾ”, chỉ liên quan đến 50% của SỰ CHỊU ĐỰNG bất mãn (hay KHỔ) - và 50% “hài lòng” (VUI) còn lại không được nêu ra… thì đã có quá nhiều sách vở gọi là “Phật giáo” thường xuyên mô tả rồi. - Đại khái như “sanh-lão-bệnh-tử là khổ”, “thương mà phải xa, ghét phải gần là khổ”, “muốn mà không được, được mà không muốn là khổ” v.v...

Nhưng trên thực tế, chúng ta thấy - “THƯƠNG nếu có phước thì cũng được GẦN”, - “GHÉT nếu hữu phước thì cũng được TÁCH XA”, -”MUỐN GÌ lắm khi CÓ PHƯỚC cũng đạt được”, hoặc - “KHÔNG MUỐN thì nhiều lúc vẫn không bao giờ thấy” v.v… chứ không phải luôn luôn cố định! - Chưa kể, trước các pháp nhị biên thế gian, như thịnh và suy, khen và chê, giàu và nghèo, đẹp và xấu, mạnh và yếu, hòa bình và chiến tranh, yên ổn và sóng gió, TẤT CẢ ĐỀU CÓ 2 MẶT để cho con người CHỊU ĐỰNG thuận lẫn nghịch một cách xen kẽ, tương đối.

- Nhưng chữ “KHỔ” (= bất mãn) xưa nay vốn được “phóng đại”, từ MỘT NỬA tiêu cực của sự CHỊU ĐỰNG thành TOÀN BỘ bất hạnh trong cuộc đời. Còn nửa kia là cái “VUI” (hài lòng), là nhân DUYÊN tích cực, vẫn rất cần thiết cho sự sống… lại bị “dịch thuật” bỏ qua, nếu không muốn nói là “nhân danh Phật giáo ruồng bỏ”… thì thật là đáng tiếc!

Chưa kể, “LUẬT VÔ THƯỜNG (aniccà niyama) luôn luôn không cho phép bất cứ vật gì giữ nguyên trạng, tuyệt đối không thay đổi”. - Và ĐẠO GIÁC NGỘ (Phật áp dụng) chính là giải pháp khoa học nhất, để CÙNG VỚI luật vô thường “khai thông tri kiến”, giúp người hướng thiện có thể tiến hóa, kể từ đơn vị nền tảng là cá nhân, trước khi “xây dựng xã hội”.

- Ví như trong một bức tường, mà từng viên gạch đã tốt, thì toàn thể có thể xem là rắn chắc. Ngược lại, một tấm vách dù bề ngoài trưng ra có vài phần đẹp đẽ, “hợp lý” đến đâu, cũng không thể gọi là bền bỉ, nếu các khuyết điểm bên trong mỗi viên gạch… chưa được kiện toàn!

Nói tóm lại, ĐỆ NHẤT CHÂN LÝ (Pathama Ariya Sacca), tạm gọi là “khổ đế” (DUKKHA) trong nhà Phật, cần phải được phân tích tận cùng, trưng bày hết cái CHIỀU SÂU (fonde, subtilité) của NHỊ BIÊN (dualité), qua ánh sáng của TRUNG ĐẠO, để sự “hiểu biết phiến diện” xưa nay, phải được điều chỉnh một cách xây dựng (= minh bạch), vì đạo Phật là một “tôn giáo” vốn có “BẢN SẮC KHOA HỌC”.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 93
    • Số lượt truy cập : 6127060