Thông tin

BÀN THỜ PHẬT LỚN TRONG SÂN CHÙA HAY TƯỢNG ĐÀI?

BÀN THỜ PHẬT LỚN TRONG SÂN CHÙA HAY TƯỢNG ĐÀI?
CUỘC ĐẤU TRANH GIỮA PHẬT GIÁO CÚNG BÁI/
PHẬT GIÁO TU HỌC, HOẰNG HÓA

 

MINH THẠNH

 

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở Chùa Phật học Xá Lợi có chiều cao 8 m (tính luôn đế),
mặt hướng ra ngã ba đường Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu

 

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trong một cuộc đối thoại trước đây về đề tài xây dựng tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm ở chùa Xá Lợi, Minh Thạnh đã có đề cập đến việc xây dựng tượng đài Phật, Bồ tát phản ánh cuộc đấu tranh giữa Phật giáo cúng bái và Phật giáo tu học hoằng hóa trong Phật giáo Việt Nam hiện đại. Tại sao ông cho rằng đã có cuộc đấu tranh này? Có lẽ cần thận trọng khi nói rằng trong lòng Phật giáo Việt Nam đã có một cuộc “đấu”. Trong các suy nghĩ về Phật học của ông luôn có những quan điểm “mâu thuẫn”, “đấu tranh”… Có lẽ, ông bị ảnh hưởng của triết học Mác khi tìm hiểu những vấn đề Phật giáo?

MINH THẠNH: Câu hỏi có quá nhiều ý. Tôi cố gắng trả lời với mục tiêu phục vụ chủ đề chính là việc xoay mặt tượng Bồ tát Quan Thế Âm đang xây dựng ở chùa Xá Lợi theo hướng nào, vào trong sân chùa hay ra mặt tiền?

Triết học Mác được giảng dạy bắt buộc tại các trường đại học ở Việt Nam, nên đối với người đã học qua đại học tại Việt Nam không thể không ảnh hưởng, tuy có khác biệt ở từng người.

Triết học Mác có những nội dung chủ yếu là mâu thuẫn và đấu tranh, nhưng không phải vì thế mà đối lập với Phật học.

Câu nói nổi tiếng của Đức Phật: “Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất” (Kinh Pháp Cú) thể hiện ý chí đấu tranh mãnh liệt.

Trong khi đó, những người theo đạo Phật lệch lạc, bi quan, tiêu cực, yếm thế, cứ nghe đến mâu thuẫn, đấu tranh, chiến thắng… là kinh sợ, lẩn tránh, cho rằng đó không phải là đạo Phật.

Tu là một quá trình đấu tranh không mệt mỏi với chính mình và với hoàn cảnh.

Đức Phật diễn tả tu là một quá trình đấu tranh bên trong, là “tự thắng mình”. Quá trình đó là trong mỗi con người, trong chính đạo Phật, giữa những nhận thức khác nhau, những xu hướng khác nhau, những giải pháp khác nhau.

Xin nhấn mạnh, Phật nói là đấu tranh trong chính mỗi con người, chứ không phải chỉ là một đám đông bất đồng, cãi vã với nhau.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng tượng Phật quay ra mặt tiền hay nhìn vào sân chùa thì cũng đều là Phật?

MINH THẠNH: Một thời gian dài, tôi cũng nghĩ như ông vậy, miễn có Phật là được, cho đến khi tôi bắt đầu làm việc trong ngành truyền hình.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Truyền hình có liên quan gì đến tượng Phật?

MINH THẠNH: Liên quan ở chỗ số người được tác động đến. Thời gian tôi làm việc hầu như chỉ có truyền hình công ích, các chuyên gia kỹ thuật truyền hình thúc đẩy việc tăng công suất máy phát, gia tăng số panel anten phát, gia tăng độ cao anten phát, định hướng anten phát tập trung vào khu đông dân cư, chỉ với mục tiêu sao cho nâng số lượng người thu sóng truyền hình tốt nhất. Trong thiết kế, người ta tính toán rất chi tiết, cụ thể, phức tạp.

Từ đó, tôi ngộ ra, dựng tượng Phật cũng vậy. Vấn đề không phải ở tượng Phật mà là không gian được tác động từ tượng Phật và số người được hưởng sự tác động từ tượng Phật.

Đối với vấn đề không gian và số người được tượng Phật tác động, hiện nay, đang có nhiều xu hướng khác nhau. Những xu hướng đó đối kháng nhau, loại trừ nhau, phủ nhận nhau, nên tôi cho là “đấu tranh” với nhau. Xu hướng này được chọn thì xu hướng kia bị bác, nói đấu tranh là vì vậy. Xin lặp lại điều đã được nhấn mạnh: việc chọn lựa và loại bỏ đó diễn ra gay trong mỗi Phật tử, tạo thành những nghịch lý.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ý ông muốn nói đến những tượng Phật khổng lồ được kiến tạo ở những nơi hoang vu, hẻo lánh?

MINH THẠNH: Đúng vậy. Tôi từng đã phải leo lên ngọn núi vài trăm mét, để đến tượng Phật vĩ đại giữa một rừng cây, số người được chiêm ngưỡng từ vài chục đến vài trăm người mỗi ngày, như trường hợp tượng Phật ở núi Tà Cú, Bình Thuận.

Để đến tượng Phật vĩ đại trên đỉnh núi Cấm, An Giang, tôi phải qua những đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đã từng xảy ra tai nạn, sạt lở, vùi lấp. Số người đến tượng Phật này tuy vậy nhiều hơn tượng Phật ở Tà Cú, Bình Thuận. Trong những chuyến đi như thế, tôi đều nghĩ tới tượng Đức Mẹ nhiều trăm ngàn lượt người nhìn thấy mỗi ngày ở Công trường Hòa Bình, trung tâm TP.HCM. Từ tượng Đức Mẹ này, người ta tính cự ly Sài Gòn đi các tỉnh: Đó là tâm điểm của Thành phố.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông nghĩ sao khi những tượng Phật vĩ đại nơi hoang vu, hẻo lánh vắng vẻ như vậy được tạo ra ở những thời kỳ mà đạo Phật hưng thịnh? Nếu đạo Phật suy thoái thì làm sao thời kỳ đó Phật tử tạo tác nên những tượng Phật vĩ đại?

Không lẽ, trong thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, cuộc đấu tranh mà ông nói thắng thế với những tượng Phật vĩ đại nơi rừng núi hoang vu?

MINH THẠNH: Tưởng có vẻ như thế, nhưng không phải. Những tượng Phật vĩ đại tạc vào núi đá ở Afganistan đã bị Taliban đặt mìn phá hủy nằm trên Con đường Tơ lụa xuyên Á, một tuyến giao thông liên lục địa quan trọng, nơi những thương nhân thường xuyên qua lại.

Sự vĩ đại của pho tượng đó phù hợp với sự vĩ đại của con đường. Đó là biểu hiện của một Phật giáo hưng thịnh, phát triển, tác động đến số đông. Đến khi Con đường Tơ lụa lụi tàn thì người ta có cảm giác tượng Phật tọa lạc ở nơi hoang vu.

Không loại trừ việc ngay trong thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, người ta lại đi xây tượng Phật ở nơi hoang vu, hẻo lánh. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo ở thời kỳ tiếp sau đó. Bởi lẽ đơn giản, Phật giáo nằm trong tầm quyết định của những người thiếu cân nhắc, và tất cả tinh thần, năng lực, của cải của người theo đạo Phật dồn hết vào những việc làm thiếu hiệu quả đó.

Chúng ta đã có dịp so sánh ảnh hưởng tượng Phật với việc phát sóng truyền hình. Một đài truyền hình không khán giả, ít khán giả thì sẽ lãng phí, kiệt quệ, phá sản.

Cho nên, khi đọc những đề án truyền hình mang tính luận chứng kinh tế kỹ thuật, với những số liệu tính toán cụ thể, tôi nghĩ là việc dựng tượng Phật cũng phải được tính toán, cân nhắc đến hiệu quả. Mục tiêu trên hết không phải là tự thân bức tượng, mà là tác động của bức tượng đến con người, là hiệu quả của bức tượng đó. Nói theo cách nói nhà Phật, là gieo rắc sự an lạc, phước lành đến với số đông.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Hoạt động truyền hình là kinh doanh, là dịch vụ. Trong khi đạo Phật là tâm linh, tôn giáo sao ông lại đi so sánh?

MINH THẠNH: Hoạt động truyền hình ở đây mà tôi lấy ví dụ cho dễ hiểu cơ bản là hoạt động công ích, quảng bá. Từ quảng bá trong nó có nét nghĩa tương đồng với một phần nội hàm từ hoằng hóa trong Phật giáo, có nghĩa là phải tối đa hóa đối tượng phục vụ.

Ông nghĩ là giúp cho số đông chiêm ngưỡng tôn tượng Phật và Bồ tát không phải là hoạt động tâm linh hay sao? Trong tâm linh cũng phải nghĩ đến số đông chứ?

Ví dụ của tôi nhằm mục tiêu chỉ ra rằng, việc tiếp nhận hình ảnh Đức Phật ở từng người và đối với số đông mới là quan trong, còn tượng Phật chỉ là phương tiện giúp cho việc tiếp nhận đó. Cho nên, việc đặt tượng Phật ở đâu, quy mô ra sao, hướng nhìn thế nào, hình thành không gian thế nào phụ thuộc vào việc hoằng hóa đến số đông, lợi ích cho số đông.

Lợi lạc cho số đông là một trong những tinh thần cơ bản của kinh Phật.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Vậy, ông nghĩ sao trước hiện tượng ở tất nhiều chùa có tượng Phật lộ thiên quay vào trong sân không?

MINH THẠNH: Do có hiện tượng như thế mới hình thành nên điều mà tôi gọi là cuộc đấu tranh giữa đạo Phật cúng bái và đạo Phật tu học, hoằng hóa.

Đạo Phật cúng bái, người theo đạo Phật chỉ ở đốt nhang, lạy Phật, cúng hoa trái, cúng cơm, có thể tụng kinh niệm Phật, niệm chú mà không cần biết đến giáo lý. Đây là xu hướng chính của Phật giáo Việt Nam trước chấn hưng Phật giáo. Đạo Phật cúng bái không quan tâm đến việc tu học, hoằng hóa.

Theo xu hướng này, thì tượng Phật lộ thiên chỉ là một loại hình bàn thờ Phật mở rộng từ nội thất chùa ra ngoài sân chùa.

Từ sau chấn hưng Phật giáo, có lẽ là từ khi chất liệu xi măng cốt thép trở nên thông dụng, ở xu hướng Phật giáo cúng bái mới xuất hiện bàn thờ Phật trong sân chùa, tức là tượng Phật lộ thiên.

Những tượng Phật trong sân chùa theo xu hướng Phật giáo cúng bái có thể nhìn ra mặt tiền, có thể nhìn vào trong sân đưa lưng ra ngoài, điều đó không quan trọng đối với những người theo đạo Phật cúng bái, vì những người đó chỉ cần chỗ đốt nhang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của riêng họ. Dù có nhìn ra mặt tiền, những tượng Phật như vậy cũng được thiết kế trong không gian nội bộ, không hướng đến không gian công cộng.

Đúng như ông nói, dạng tượng Phật lộ thiên như vậy rất nhiều, gồm cả những tượng Phật mới xây dựng. Lại rất nhiều trong số đó là những tượng Phật rất lớn khuất sâu bên trong chùa, cắt rời không gian bên ngoài, hàng ngày chỉ vài chục lượt người đến vài trăm người hoặc hơn một chút, vào trong sân chùa mới nhìn thấy.

Có tượng dựng sát đường lộ nhưng quay lưng ra ngoài đường, chẳng hạn như tượng Phật Thích Ca trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM.

Một số tượng Phật danh tiếng có giá trị mỹ thuật cao cũng rơi vào dạng này như tượng Phật ở Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu; tượng Phật Thích Ca ở Phật học viện Huệ Nghiêm, quận Bình Tân, TP.HCM; tượng Bồ tát Quan Âm ở chùa Huê Nghiêm, Quận 2, TP.HCM;, tượng Phật A Di Đà ở Đại Ninh, Lâm Đồng…

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tượng Phật lộ thiên ở chùa nào cũng như vậy hết?

MINH THẠNH: Không. Trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, đã nảy sinh xu hướng tượng Phật nơi công cộng. Có thể kể đến tượng Phật ở Dốc 47, Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu; tượng Bồ tát Quan Thế Âm trên đường Hậu Giang, đoạn lên cầu Phú Lâm, Quận 6, TP.HCM; tượng Bồ tát Quan Thế Âm trên Quốc lộ 1A đoạn trên tỉnh Long An, hướng về Tân An.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Sao nói chỉ là chạm đến ngưỡng tượng đài?

MINH THẠNH: Hiện nay, tượng Phật được coi là tượng đài, nhưng chỉ những tượng Phật đặt ở nơi công cộng, Phật giáo Việt Nam mới chạm đến ngưỡng tượng đài (tức tượng Phật lộ thiên đặt ở không gian công cộng). Nói chạm đến ngưỡng vì không gian công cộng vì ở đây tượng Phật chỉ đặt trên đường giao thông.

Trong khi đạo Gia-tô La Mã đã đặt tượng Đức Mẹ trên quảng trường trung tâm Thành phố Sài Gòn.

Gần đây, tượng Bồ tát Quảng Đức ở ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM là một tượng Bồ tát ở không gian công cộng, nhưng lại do chính quyền xây dựng và cũng chỉ ở mức giao lộ.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: So với xu hướng đặt tượng Phật trong sân và giới hạn trong không gian sân, thì xu hướng không gian công cộng như ông nói quá thấp?

MINH THẠNH: Ông đừng nghĩ xu hướng đặt tượng Phật ở không gian công cộng chỉ giới hạn ở mức đặt tượng Phật trên đường giao thông mà thôi. Một số ít vị tôn đức đã có tầm nhìn rất xa, là đặt tượng Phật lớn trên đỉnh núi gần đường giao thông. Lúc này, không gian công cộng của tượng Phật mở rộng ra phạm vi hàng chục km, và như thế số người nhìn thấy cũng là hàng trăm ngàn lượt mỗi ngày.

Thí dụ, tượng Phật Thích Ca ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa; tượng Phật Thích Ca ở Định Quán, Đồng Nai…

Đây có thể so sánh như là những máy phát truyền hình công suất lớn, vùng phủ sóng rộng.

NGƯƠI ĐỐI THOẠI: Thực tế là có những xu hướng đặt tượng Phật khác nhau, vị trí hướng nhìn khác nhau, dẫn đến số lượng người có phước duyên chiêm ngưỡng tượng Phật khác biệt. Nhưng khác nhau đâu có nghĩa là “đấu tranh” với nhau?

MINH THẠNH: Khi có nhiều xu hướng, nhưng chỉ có một lựa chọn, thì những xu hướng đó loại trừ nhau, do đó đấu tranh là tất yếu.

Để xây dựng một tượng Phật, tăng ni Phật tử phải đầu tư nhiều tâm lực, công sức, tiền bạc. Khi tượng Phật đó trở thành tượng thờ trong sân chùa, thì tất nhiên, pho tượng đó không thể trở thành tượng đài công cộng.

Đối với người trong đạo Phật, cuộc đấu tranh đó rất khó nhận thấy. Nó diễn ra mà người trong cuộc không hề hay biết. Cũng như rất khó để vận dụng lời Phật để mà “tự thắng mình”.

Diễn đạt bằng lý luận thời nay, thì có thể nói là TƯỢNG PHẬT THỜ TRONG SÂN CHÙA và TƯỢNG ĐÀI PHẬT CÔNG CỘNG “xung đột” với nhau. Nhưng tượng Phật không thể xung đột, mà thực ra hai xu hướng xung đột.

Nhân dịp này, xin bàn sâu một chút về mặt lý luận, điều mà chúng ta đã nói qua ở lần đối thoại trước về đề tài này.

Cần thấy ở đây xung đột về lợi ích. Khi theo xu hướng bàn thờ Phật trong sân chùa, người dựng tượng chỉ thấy lợi ích cá nhân. Có được tượng thờ trong khuôn viên chùa, thì lợi ích, nhu cầu cầu khấn, cúng bái của cá nhân đã được thỏa mãn. Trong tầm nhìn đó, lợi ích của chúng sinh, của toàn xã hội, của toàn cộng đồng không có chỗ đứng.

Chính từ xung đột lợi ích này dẫn đến xung đột về quan điểm. Xu hướng đưa tượng Phật ra nơi công cộng được coi là trần tục hóa, thế gian hóa, làm mất thanh tịnh của tôn tượng, nên bị cho là chỉ để nhìn, không thể cúng bái.

Đối với tượng Phật được dựng nơi công cộng, những người theo xu hướng ngược lại coi như không có quyền sở hữu. Điều đó, đương nhiên vì lẽ đặt dựng tượng Phật không phải là đất nhà chùa. Trong thực tế, điều này đúng, qua quá trình mở rộng, nâng cấp đường phố, một số tượng Phật công cộng không còn, như tượng Phật trên đường Hậu Giang, TP.HCM; tượng Phật ở dốc 47 Quốc lộ 51.

Mâu thuẫn quan điểm giữa TƯỢNG PHẬT CHO NHỮNG NGƯỜI TRONG CHÙA CÚNG và TƯỢNG PHẬT CHO NGƯỜI ĐỜI NHÌN là một khía cạnh, một biểu hiện của xung đột ĐẠO PHẬT XUẤT THẾ và ĐẠO PHẬT NHẬP THẾ.

Nhập thế và xuất thế là hai hướng đi khác nhau và loại trừ nhau. Không thể vừa đi tới lại vừa đi lui, không thể vừa bước sang phải, vừa bước sang trái.

Điều mà bây giờ gọi là đạo Phật nhập thế, theo tôi, chỉ là hạn chế dần hướng xuất thế của đạo Phật.

Trong xung đột xuất thế/nhập thế đó, đặt tượng Phật quay lưng ra đường phố hay ngược lại, đặt tượng Phật trong sân chùa hay nơi công cộng là một quá trình diễn biến nội tâm tinh tế và phức tạp của mỗi tăng ni Phật tử.

Xung đột đó lại là một chiều kích của một cuộc xung đột lớn hơn, đó là xung đột giữa ĐẠO PHẬT CÚNG BÁI và ĐẠO PHẬT TU HỌC, HOẰNG HÓA. Thực chất, đây chỉ là một biểu hiện khác của những xung đột mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên.

Ở Việt Nam, hơn nửa thế kỷ chấn hưng Phật giáo là một cuộc đấu tranh giữa Phật giáo tu học, hoằng hóa phát triển và Phật giáo cúng bái, trì trệ, thủ cựu. Tầm nhìn chấn hưng Phật giáo là hướng tới số đông. Còn tầm nhìn Phật giáo cúng bái là “bổn đạo” trong chùa.

Đạo Phật bổn đạo chỉ cần quan hệ giữa bổn đạo và Phật, bấy nhiêu đó là đủ. Hệ quả tất yếu là bàn thờ Phật sân chùa. Trong khi đó, chấn hưng Phật giáo tìm kiếm mối quan hệ giữa Phật với toàn xã hội, với hệ quả tượng Phật là phương tiện tạo ảnh hưởng đến toàn xã hội. Chỉ ở chấn hưng Phật giáo, Phật giáo mới dành cho số đông, vì vậy nên có tượng Phật cho số đông. Còn ở Phật giáo cúng bái thì không tồn tại vấn đề số đông hay thiểu số, mặc nhiên cũng chỉ sẽ rơi vào việc đáp ứng nhu cầu cúng bái thiểu số.

Vấn đề còn là XUNG ĐỘT GIỮA TRÌNH ĐỘ TƯ DUY CỦA NGƯỜI THEO ĐẠO PHẬT.

Giới Phật giáo có trình độ trí thức thì nhận thức được tác động cần có của đạo Phật đối với xã hội, trong đó việc dựng tượng Phật nơi công cộng là một trong biểu hiện. Việc gia tăng ảnh hưởng của đạo Phật đối với xã hội là nhu cầu thường xuyên.

Còn người theo đạo Phật có trình độ hạn chế, thì nhận thức vấn đề chỉ tới cửa chùa, hàng rào chùa.

Chúng ta cũng có thể nói đến xung đột giữa ĐẠO PHẬT Ở CẤP TÍN NGƯỠNG VÀ MỘT ĐẠO PHẬT Ở CẤP TÔN GIÁO.

Ở cấp tín ngưỡng, Phật và Bồ tát là những thần linh. Mà thần linh thì không thể đem ra nơi công cộng, không thể công cộng hóa.

Thần linh phải ở trong không gian đèn nến, khói nhang, nếu có mở rộng thì là không gian gốc đa, không gian mái cong đình chùa. Dứt khoát không thể tách thần linh ra khỏi không gian đó.

Còn ở cấp độ tôn giáo, người theo đạo Phật sẽ có cái nhìn cục diện tôn giáo, có nhu cầu quảng bá biểu tượng tôn giáo, mà đối với đạo Phật, tượng Phật là biểu tượng tôn giáo điển hình và tập trung hơn cả.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Bao giờ, trong xung đột, đấu tranh thì cũng có thỏa hiệp. Theo ông, trong vấn đề mà chúng ta đang bàn luận đây, đã có sự thỏa hiệp nào không?

MINH THẠNH: Theo tôi, sự khác biệt giữa hai khuynh hướng có mức tương phản cao, hoàn toàn đối lập.

Khi đã có nhận thức về tượng Phật công cộng, tác động đến toàn xã hội, thì lập tức, tư duy cúng bái, tư duy “bổn đạo” bị vứt bỏ.

Ở những nơi như Định Quán, Nha Trang, tượng Phật lớn trên đỉnh núi cao, dù dựng trong đất chùa, nhưng nhận thức công ích, hướng tới số đông vẫn là chủ đạo. Đối với những tượng Phật lớn mới xây dựng trong những sân chùa ở ngoại vi thành phố Đà Nẵng gần đây, người xây dựng đều có nhận thức là cố gắng để từ thành phố nhìn thấy và ngoài yếu tố kích thước, nhà chùa chú trọng việc chiếu sáng.

Nhân việc ông hỏi đến khả năng “thỏa hiệp”, tôi nghĩ đến hình thức tượng Phật vẫn dựng trong khuôn viên chùa, nhưng do hướng đến khai thác mặt tiền, có thể tượng đài hóa, công cộng hóa tượng Phật ở cấp độ công viên, như đề xuất đối với tượng Bồ tát Quan Thế Âm đang xây dựng ở chùa Xá Lợi. Như vậy, đó vẫn là bàn thờ Phật trong sân chùa đồng thời vẫn là một tượng đài công cộng. Sẽ là tuyệt vời khi tượng Phật có kích thước lớn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6800360