Thông tin

BÀN VỀ NHÂN GIAN TỊNH ĐỘ (tt)

BÀN VỀ NHÂN GIAN TỊNH ĐỘ(tt)

THÍCH MINH THÀNH

 

3. Trang nghiêm cõi Tịnh độ

Từ xưa chư Phật, Bồ tát ra đời giáo hóa chúng sinh với lòng bi nguyện tha thiết là đều muốn cho tất cả mọi người thoát ly cảnh giới phiền trược khổ não, đồng hưởng cảnh thanh tịnh an vui giải thoát. Thế cho nên, trong kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật quốc, nói: “Bồ tát tu Tịnh độ là bởi do chúng sinh, không lìa chúng sanh, như xây cất nhà cửa tất phải từ đất làm cơ sở. Chỉ có ở trong chúng sinh, vì lợi ích chúng sinh mà Bồ tát hay thực hiện Tịnh độ”.

Đức Phật A Di Đà chính là nhà kiến trúc vĩ đại của pháp giới. Qua sự giới thiệu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta thấy cõi Cực lạc hiện lên cảnh sắc trang nghiêm, thanh tịnh, mầu nhiệm, một thế giới kỳ vỹ siêu việt hơn cả trăm ngàn muôn ức cõi nước khác của chư Phật.

3.1- Sen nở giữa bùn nhơ.

Trong kinh A Di Đà có nói rằng: “Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: Hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sáng trắng, mầu nhiệm thơm tho, trong sạch. Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy!”.     

Hình ảnh của đức Phật và các vị Bồ tát thường được vẽ hay tạc đứng trên hoa sen chính là dùng hình ảnh biểu trưng cho sự thuần nhất thanh tịnh, không còn nhiễm ô, đạt đến chỗ hoàn hảo tuyệt đối của chân thiện mỹ. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý niệm của Phật đều ‘nở hoa’, tức là nhìn thấy chỗ tốt đẹp nhất của tất cả chúng sinh, là có khả năng thành Phật. Một cuộc sống có ý nghĩa có giá trị, có lợi ích là làm đẹp cho cuộc đời giống như là đóa hoa sen từ trong vũng bùn vươn lên, nở ra những hương thơm thanh khiết của trí tuệ, từ bi, giới hạnh, như vậy gọi là liên hoa hóa sanh.

Ở trong Mật giáo hình ảnh hoa sen búp là được biểu trưng cho trái tim của con người và cũng chỉ cho bản tâm Bồ đề thanh tịnh vốn có của chúng sanh. Cái tâm này là báu vật của Tam thiên Đại thiên thế giới gọi là Báu vật kim cương liên hoa. Tất cả chúng ta đều có một bông sen bằng kim cương ở trong tâm, đó chính là tâm Bồ đề thương xót và muốn cứu giúp cho mọi loài. Học theo gương hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm, chúng ta mở rộng tâm Bồ đề trùm khắp cả Tam thiên Đại thiên thế giới mà thực hành Bồ tát đạo để làm lợi lạc cho muôn loài.

3.2- Nước tám công đức.

Trong kinh A Di Đà có đoạn nói rằng: “Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất”.

Nước tám công đức trong ao Thất bảo ở cõi Cực lạc có tám thứ đặc tánh, công năng là lặng trong, sạch mát, ngọt ngào, mềm nhẹ, nhuần thắm, an hòa, trừ đói khát và nuôi lớn các căn.

* Lặng trong: Nước đó ở trong hồ tâm của chúng ta. Nước tâm lặng xuống thì sẽ sáng trong và có thể soi chiếu mọi lẽ thật khiến cho không còn mê lầm đắm nhiễm bám chấp vào lục trần, cho nên có khả năng làm dịu mát, trừ bỏ được sự tham muốn, sân hận và làm cho các căn lành phước báu cũng như công đức ngày đêm tăng trưởng không ngừng. Nhiếp tâm tụng kinh, trì chú, ngồi thiền, niệm Phật chính là làm cho nước hồ tâm trở nên lặng trong.

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng.

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.

Tâm có rỗng thì mới lặng và do có lặng thì mới có thể trong sáng.

* Sạch mát: Do được làm lặng trong cho nên nước tâm sạch mát. Càng tu thì tâm của mình càng mát mẻ, thanh tịnh. Không những chỉ tươi mát trong lời nói và suy nghĩ đối với những người thân thuộc gần gũi mà ngay cả những người đối xử tệ bạc hoặc có thành kiến với mình cũng đều có sự tôn trọng không khác.

* Ngọt ngào: Tự tâm thanh tịnh, trong lặng, hoan hỷ, mát mẻ sinh ra tính chất ngọt ngào của cam lồ công đức hoan hỷ.

* Mềm nhẹ: Bản tánh nguyên thủy của nước là ướt, nhẹ và mềm mại. Cũng vậy sự tu tập phải mềm nhẹ, uyển chuyển. Đức Phật dùng từ “tâm nhu nhuyến”, tức là tâm rất mềm mại dễ chịu. Càng tu thì mọi người càng mến, càng quý, càng thương là có được tính chất mềm nhẹ của nước tám công đức.

* Thấm nhuần: Công năng của nước là thấm nhuần khắp nơi để nuôi dưỡng vạn vật. Cũng vậy, chúng ta càng tu thì đức hạnh, tâm hoan hỷ, tình thương và tha thứ càng thấm nhuần những người thân trong gia đình. Tu tập bằng ánh sáng của tuệ giác, chúng ta sẽ dần có công năng thấm nhuần từ trong gia đình ra đến ngoài phố.

* An hòa: Trong cuộc sống thường ngày, hai chữ “an hòa” này mang một ý nghĩa quan trọng. “An” nói đủ là bình an là cái quả ở phía sau, muốn được an thì trước tiên cần phải có cái nhân là “hòa”, tức là sự hài hòa. Như vậy, công phu tu hành được thể hiện ở chỗ bất cứ ở đâu, với ai và làm việc gì, chúng ta đều có thể dùng tâm hài hòa để đối xử thích hợp thì mọi việc nhỏ hoặc lớn, an hay nguy đều được tốt đẹp. Đó chính là bí quyết của bình an và cũng là công đức tu tập.

* Trừ đói khát: Niệm Phật, trì chú, ngồi thiền, nghe pháp… là đang đưa các loại thức ăn đồ uống để nuôi dưỡng tinh thần và trừ bỏ tất cả các loại bệnh khổ đói khát vì phiền não sầu bi.

* Nuôi lớn các căn: Các căn bao gồm Tín, Tấn, Niệm, Định và Huệ gọi là ngũ căn. Đây là năm gốc rễ giúp nuôi dưỡng cây Bồ đề của người học Phật. Trong tâm của tất cả chúng ta đều có nụ mầm của cây Bồ đề, bây giờ chỉ cần tưới tẩm và nuôi dưỡng bằng nước tám công đức và thức ăn của năm căn Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ thì cây sẽ phát triển lớn mạnh.

Chúng ta đều có thể tạo ra và thọ dụng loại nước tám công đức này ở ngay tại thế gian, mà không đợi phải vãng sinh về cõi Cực lạc mới có. Như vậy, tất cả đều là do nơi tâm của chúng ta, nếu khéo xoay chuyển chỉnh sửa thì an lạc thanh tịnh hiện tiền, còn không khéo tu thì dù có lặn lội đi tìm hoặc mong cầu ao ước cũng chỉ thêm nhọc nhằn cực khổ.

3.3- Vạn vật thuyết pháp Hải triều âm vang vọng 37 phẩm trở đạo.

Trong kinh A Di Đà nói rằng: “Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy. Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cõi đó thường có những giống chim màu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cọng-mạng; những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã.  Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần v.v. Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!”.

Những giống chim rất là đặc biệt, ngày đêm sáu thời hót ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tức là con đường dẫn đến hạnh phúc cứu cánh, an lạc tuyệt đối. Chẳng những phương Tây nói về ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà phương Đông, phương Bắc, phương Nam, cho đến mười phương quốc độ thế giới, một tỷ hành tinh, vô lượng vô biên đức Phật ra đời cũng không nói khác ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo bao gồm: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề, Bát chánh đạo là yếu tố để giác ngộ, là điều kiện để thành công và sự thực hành không rời thân tâm.

Từ trong chánh pháp có sức chuyển hóa tất cả các tế bào, tám mươi bốn ngàn lỗ chân lông, mỗi huyết quản, kinh mạch người nghe đều chấn động bởi pháp âm vô thượng của đức Phật. Nếu khéo biết nghe, ta sẽ nghe được chỗ thâm sâu, bản thể của âm thanh và những ai khi nghe những tiếng đó điều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Không chỉ có cõi Cực lạc mới có chim thuyết pháp, gió thổi diễn bày đạo lý mà ngay tại cõi Ta bà này cũng có những việc vi diệu đó. Chỉ cần chúng ta luôn nhận biết trong chánh niệm, quán chiếu thật tướng “vô thường, khổ, không, vô ngã” của các pháp thì mỗi sự vật xung quanh như áng mây, chiếc lá, giọt sương, cành liễu… đều đang hiển bày sự thật. Như thế gọi là nước chim cây rừng đều diễn pháp âm. Điều ấy hoàn toàn rất gần gũi và dễ dàng cảm nhận, chỉ vì từ lâu đời chúng ta bỏ quên cái tâm sáng suốt thường biết ấy mà lo đuổi theo những thứ vật chất hư ảo giả tạm ở bên ngoài, cho nên mới có đau khổ.

“Xá Lợi Phất! Ông chớ cho rằng những giống chim đó thiệt là do tội báo sanh ra. Vì sao? Vì cõi của đức Phật đó không có ba đường dữ. Xá Lợi Phất! Cõi của đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim đó là do đức Phật A Di Đà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa làm ra đấy thôi”.

Những giống chim đó điều do thần lực, sức đại nguyện của ngài hóa hiện ra để làm cho tiếng pháp được tuyên lưu, pháp âm không gián đoạn ở nơi thế giới của Ngài. Nếu chúng ta thường luôn niệm pháp thì lúc nào tiếng phạm âm, hải triều âm của chân lý mãi luôn vang vọng trong tâm của mình. Biển tâm của mình luôn luôn có hải triều âm vượt hơn âm thanh của thế gian, cho nên mỗi ngày điều phải nghe pháp, để cho pháp âm được tuyên lưu bất tận không gián đoạn trong tâm của mình.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6131164