BÀN VỀ NHÂN GIAN TỊNH ĐỘ (tt)
BÀN VỀ NHÂN GIAN TỊNH ĐỘ (tt)
THÍCH MINH THÀNH
4. Xây dựng Nhân gian Tịnh độ
4.1- Cõi người thù thắng
Trong kinh Tăng Nhất A-hàm, có đoạn nói rằng: “Chư Phật Thế tôn đều xuất hiện ở nhân gian, không do Trời mà được”.
Đạo sư Liên Hoa Sanh nói rằng: “Chúng ta phải thực hành một giáo lý đem lại giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Nếu chúng ta không làm được điều đó, thì sẽ cực kỳ khó khăn có được một thân người với tự do và sung túc như thế này. Lý do khó khăn ấy là sáu loài chúng sanh cũng giống như một đống hạt. Các chúng sanh địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh giống như nửa ở đáy, các loài một nửa chư thiên là phần trên, và chư thiên và loài người chỉ giống như chóp đỉnh, so sánh với các loài chúng sanh khác, hầu như không thể có một thân người, hãy thử đếm số chúng sanh của sáu loài!”.
Ngài cho ta thấy về hình ảnh một đống lúa cao như núi, được so sánh rằng bao nhiêu chúng sanh trong ba đường ác: chịu khổ không cùng cực ở trong cảnh tối tăm ở địa ngục, đói khát khốn khổ trong đường ngạ quỷ, ăn nuốt lẫn nhau trong loài súc sinh và sự hơn thua tranh đấu của A-tu-la là hơn nửa đống lúa đó, còn khoảng gần đỉnh chỉ cho chư Thiên và loài người, chúng ta hiện nay đang ở trên chóp đỉnh.
Theo tinh thần kinh A-hàm, loài người là tối thượng, có khả năng ghi nhớ, chịu đựng và gìn giữ phạm hạnh thù thắng vượt hơn cả chư Thiên. Như vậy, sự có mặt của tất cả chúng ta ở trên thế gian này là một điều vô cùng mầu nhiệm, đặc biệt thù thắng và cực kỳ hy hữu. Cần phải có phước đức vô lượng vô biên được tích lũy ở trong vô số kiếp về trước, chúng ta mới có thể sinh vào trong thân thể của một con người có đầy đủ sáu căn và cũng phải có đầy đủ nhân duyên thiện căn thì ngay lúc này chúng ta mới có mặt ở trong pháp hội để nghe chánh pháp của đức Phật. Hiểu được điều này thì chúng ta mới cảm thấy được giá trị quý báu của kiếp người và muốn phát tâm xây dựng Nhân gian Tịnh độ dành cho tất cả mọi người cùng chung sống.
4.2- Phước Huệ song tu
Đức Phật sở dĩ được tôn xưng là bậc “Lưỡng Túc Tôn” là vì Ngài là bậc đáng tôn kính nhất trong thế gian đã thành tựu viên mãn hai biển cả phước đức và trí tuệ. Theo Tịnh độ Đại thừa Tư tưởng luận: “Tu phước huệ cũng là nhằm mục đích tịnh hóa chúng sinh và thế giới. Do tâm hạnh này nên đến khi thành Phật được hai điều viên mãn: Pháp thân viên mãn và Tịnh độ viên mãn”.
* Tu tập trí tuệ: Tất cả chúng sinh từ vô thủy kiếp cho đến ngày nay đều chịu vô số khổ trong biển cả sinh tử mà không thể tìm ra con đường vượt thoát đó chính là sự vô minh mê lầm không thấy rõ được sự thật. Đạo Phật là đạo nói về sự thật và nhiệm vụ chính yếu của người học Phật là can đảm nhìn thẳng vào sự thật. Tu tập Trí tuệ là nhìn thấy đúng như sự thật về các pháp, đó chính là ba Pháp ấn mà đức Phật đã chỉ bày:
Muôn vật luôn biến đổi. (Chư hành vô thường)
Vạn sự nương nhau thành. (Chư pháp vô ngã)
Tĩnh lặng vui bậc nhất. (Niết bàn tịch tĩnh)
Đây là ba sự thật vĩ đại hay còn được gọi là ba nguyên lý của vũ trụ vạn vật. Bất cứ lúc nào và ở đâu, người tu đạo cũng phải thấy rõ ba sự thật đó. Từ ba pháp ấn gom lại thành một pháp ấn là Duyên Khởi Tánh Không. Hòa thượng Ấn Thuận nhận xét rằng: “Chỉ có học thuyết Trung Quán của Ngài Long Thọ mới có thể quán triệt ba pháp ấn và một pháp ấn. Như Đại Trí Độ Luận nói: Pháp hữu vi vô thường, niệm niệm sinh diệt đều thuộc nhân duyên, không có tự tại, vì không có tự tại nên vô ngã. Do vô thường, vô ngã, vô tướng nên tâm không dính mắc, vì vô tướng không dính mắc nên tức là vắng lặng Niết-bàn. Đây thật là danh ngôn cứu xét đến tim gan của Phật pháp.
Hiện thực chỉ nằm trong một thế giới hiện tượng được tạo ra bởi các pháp hữu vi, không có bất kỳ sự tồn tại lâu dài, mà chỉ có một sự lưu chuyển liên tục không ngừng. Nương vào cái thấy của lý Duyên Khởi chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn đến tận cùng bản chất thật sự của các hình tướng ở trong thế gian này đều là do kết hợp từ nhiều thứ mà thành”.
Trong kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ I, tr. 291), nguyên lý Duyên khởi đã được Thế Tôn tóm tắt:
Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt.
Do cái này sinh nên cái kia sinh.
Do cái này diệt nên cái kia diệt.
Người thế gian làm lụng cực khổ, vất vã để cất nhà đẹp, mua xe tốt, quần áo mới… Tất cả những nhu cầu về vật chất và tinh thần ấy đều bắt nguồn từ cái tôi và của tôi. Tất cả tám mươi bốn ngàn trần lao phiền não cội nguồn cũng từ cái tôi mà ra. Nhưng thật sự cái tôi này chỉ là sự vay mượn kết hợp từ rất nhiều thứ như: cơm có cho nên mình có, cơm không thì mình cũng không; nước có cho nên mình có, nước không mình cũng không; thở có cho nên mình có, thở không thì mình cũng không; ánh sáng mặt trời có thì mình có, ánh sáng mặt trời không thì mình cũng không… Nếu để tâm quán xét cho thật kỹ, ta sẽ thấy được tính chất tương quan tương duyên của ta với mọi người, vạn vật. Như nhờ có nông dân trồng lúa, có người dệt vải, ông thợ làm nhà, mình mới có cơm để ăn, có áo để mặc, có nhà để ở. Do đó, cái gọi là của tôi đều là do muôn thứ kết hợp nên mới có. Không chỉ sự vật hay thân người có bản chất là vô ngã mà bản chất của tâm niệm cũng là vô ngã. Mới sáng thì vui vẻ cười nói, chiều gặp chuyện không vui thì sinh sầu lo, buồn phiền. Ta thấy rõ ràng không có một niệm nào là chủ cả, bảy loại tình cảm gọi là thất tình (mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn) luôn thay đổi. Nếu như cho mừng là mình thì lúc buồn là ai? Nếu thương là mình thì khi ghét là ai? Tất cả ý niệm đều vô thường sinh diệt, mỗi niệm mỗi niệm liên tục nhường chỗ cho nhau trong tâm thức. Cho nên, mở đầu Đại thừa Bách pháp Minh Môn luận là câu:“Như Thế Tôn Ngôn, nhứt thiết pháp vô ngã”, nghĩa là như lời Thế Tôn dạy tất cả từ thân tâm con người, cho đến vũ trụ vạn vật không có một cái cốt lõi chân thật, đều là nương dựa kết hợp mà thành, không có một cái gì cái tồn tại duy nhất, độc lập. Thấy được như vậy thì ta sẽ hiểu rõ sự tương quan tương duyên, tương tức tương nhập và biết tôn kính, quý trọng vạn vật, tất cả mọi người. Chính vì thế, người thấu suốt được lý vô ngã thì lấy vũ trụ vạn vật làm bàn thờ, trời đất làm một quyển kinh, thờ hết tất cả, cung kính tất cả.
Trong kinh Tạp A-hàm phẩm kinh An-na-ban-na niệm, đức Phật dạy rằng: “Quán sát vô thường, quán sát đoạn, quán sát vô dục, quán sát diệt. Khi hơi thở vào quán sát diệt, thở vào phải khéo học. Quán sát diệt khi hơi thở ra. Quán sát diệt thở ra phải khéo học, đó gọi là tu quán niệm hơi thở. Thân dừng lặng, tâm dừng lặng, có giác, có quán, tịch diệt thuần nhất, phân minh tưởng tu tập đầy đủ”. Đức Phật đã chỉ dạy chúng ta hãy quán sát sự vô thường, quán sát sự đoạn dứt, quán sát vô dục và quán sát sự diệt ở ngay nơi hơi thở vì hơi thở là căn bản của sự sống. Hơi thở vào ra là nói lên tính chất vô thường biến đổi và kết hợp của thân này. Khi hơi thở vào rồi thở ra lại không thở vào được nữa thì đó là sự đoạn diệt chấm dứt cuộc đời. Nương vào sự thực hành “Hít vào niệm thầm A Di; Thở ra niệm thầm Đà Phật”, thấy rõ mạng sống chỉ vay mượn trong từng hơi thở, chẳng có gì thật gọi là cái ta, cái của ta, tâm tham muốn sẽ giảm bớt; thân dừng lặng và tâm cũng dừng lặng. Khi thân tâm dừng lặng, thì liền có giác, có quán. “Giác” là tỉnh giác và “Quán” là quán sát, soi sáng. Khi sáng soi rồi thì không còn chạy đuổi theo cảnh ngoài sinh diệt nữa. Từ đó dẫn đến trạng thái vắng lặng, tịch diệt, thuần nhất, phân minh sáng tỏ. Thuần nhất tức là sự nhất tâm bất loạn của người tu Tịnh độ.
Như vậy, khi ta tiếp xúc với bất cứ điều gì, nghe thấy cái gì thì đều phải dùng con mắt pháp ấn Duyên khởi vô ngã để nhìn rõ bản chất của muôn sự muôn vật là luôn biến đổi, chỉ do nương tựa vay mượn mà thành. Tự nhắc bản thân đừng chạy đuổi theo những ảo ảnh đó, mà cần quay trở về cái tâm tỉnh lặng sáng tỏ mới là niềm hạnh phúc chân thật của mình, đó là chúng ta thở hơi thở của Phật, nhìn bằng con mắt của Phật, đang sống với pháp thân của Phật. Như lời Thế Tôn tuyên bố trong các bản kinh Trung Bộ Kinh I, số 28; Tương Ưng III, tr. 144 và Tiểu Bộ I, tr. 48, như sau: "Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Phật".
* Tu Phước: Chính yếu là huân tu thiện pháp, dựa trên nền tảng tu tập tứ chánh cần với nội dung: Điều thiện chưa sanh phải làm cho nó sanh khởi, điều thiện đã sanh phải tăng trưởng lên, điều ác chưa sanh đừng để nó sanh, điều ác đã sanh thì tìm cách trừ diệt. Tu tập như vậy, sẽ làm phát sinh ra công đức phá trừ hết phiền não và đồng thời quán chiếu thấy rõ tất cả vạn vật đều rỗng không, không chắc thật thì chúng ta sẽ đạt tới chỗ chí thiện, cực thiện là tâm thanh tịnh, cũng chính là đức tánh chân thật của mình.
4.3- Phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo.
Tất cả chúng sinh, không một ai mong muốn sự khổ đến với mình mà chỉ mong muốn được hạnh phúc an vui. Cho nên, chúng ta không nên làm khổ ai, phải biết tạo ra niềm vui chung cho tất cả mọi người mà không nên giành lấy niềm vui cho riêng mình. Cùng nhau tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để tạo nên cộng đồng sống tốt đời và đạo tràng tu tập làm đẹp cho đạo. Bồ tát Tịch Thiên dạy người muốn phát khởi tâm Bồ đề thì trước cần phải biết hoán đổi vị trí của mình và người khác để có thể hiểu thấu nỗi khổ và thông cảm với họ. Sự phát tâm Bồ đề của Bồ tát đạo được gọi là tinh hoa ở trong mọi tinh hoa, cốt lõi ở trong mọi cốt lõi. Điều này cũng được chư vị Tổ sư nói là: “Phát tâm Bồ đề là tinh tủy ở trong tám mươi bốn ngàn pháp môn”.
Theo tinh thần “Đại viên mãn “Tịnh độ đại thừa của Phật giáo phát triển”, chính là giúp cải thiện và xây dựng con người trở thành tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Không phải chỉ biết tu riêng cho bản thân của mình có lợi ích, mà tập mở tâm rộng ra lo nghĩ đến cái chung cho Phật giáo, cho chúng sinh giúp đưa mọi người đến chỗ hiểu đạo pháp, đó chính là những người đang thực hiện chánh nhân của Tịnh độ, biến môi trường xấu trở thành tốt, biến ô nhiễm thành thanh tịnh, biến thế giới của tội lỗi trở thành công đức. Tinh thần ấy còn thể hiện thiết thực qua việc xây dựng một thế giới cực kỳ thanh tịnh gọi là Nhân gian Tịnh độ cho mọi người cùng chung hưởng.
Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa, Bồ tát Long Thọ nói: “Để đạt đến bất thối chuyển thì Bồ tát cần tu Tứ nhiếp pháp (Bố thí, Ái ngữ, Đồng sự, Lợi hành), Lục độ (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ) và làm những việc khó làm”.
Như vậy, điều thực sự mà chư Phật muốn giới thiệu về cõi Tịnh độ chính là sự phát tâm Bồ đề và hành Bồ tát đạo, xây dựng một thế giới trang nghiêm thanh tịnh ở ngay nơi cuộc sống hiện tại. Xây dựng gia đình của chúng ta trở thành gia đình hiểu đạo và luôn sống trong chánh pháp. Tất cả mọi thứ vật chất ở trên thế gian này đều vô thường hoại diệt, chỉ có chánh pháp là vô thượng vĩnh cửu. Chúng ta dùng chánh pháp đó chia sẻ cho mọi người làm cho niềm đau nỗi khổ dần giảm bớt. Đồng thời đem hết tâm lực, sức lực và trí lực của chúng ta nương theo tinh thần xây dựng một cõi Tịnh độ trang nghiêm của đức Phật A Di Đà ngay nơi thế giới đầy đau khổ ô nhiễm này mà góp phần chuyển hóa tu sửa cho ngày càng tốt đẹp hơn nữa.
4.4- Chí tâm phát nguyện hồi hướng.
Những hành giả tu Tịnh độ, với mong muốn đi theo bước chân đại nguyện của đấng Chánh giác, nếu đã phát khởi những tâm nguyện dựa trên bản nguyện rộng lớn của chư Phật và Bồ tát, cụ thể là đức Phật A Di Đà thì chắc chắn rằng trong mỗi người chúng ta ngay từ giây phút này cho tới vô lượng vô biên đời kiếp nữa sẽ kiến tạo được một cõi Tịnh độ trang nghiêm cho riêng mình đúng theo như sở nguyện. Do đó, việc chí tâm hồi hướng phát nguyện có vai trò rất quan trọng trong việc làm động lực thúc đẩy người tu tinh tấn và thẳng tiến theo hạnh nguyện. Hạt giống Bồ đề khơi mầm và phát triển không dừng nghỉ từ khi chúng ta hồi hướng phát nguyện tu hành vì mục tiêu và lý tưởng xây dựng và làm đẹp cho con người cuộc đời, xã hội, thế giới, chúng sanh rộng ra đến pháp giới muôn loài lợi ích của chúng sinh. Đó là hành giả chân chánh với hạnh nguyện Tịnh độ Đại thừa.
III. Kết luận
Tóm lại, chúng ta muốn thực hiện ước nguyện xây dựng Tịnh độ ngay giữa nhân gian này thì từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội, chúng ta hãy đem tinh thần từ bi rộng lớn mà xây dựng thành những đạo tràng tiểu Tịnh độ, để từ đó mọi người cùng trở về tu học theo chánh pháp giải thoát của đức Như Lai. Chúng ta góp phần tô điểm thêm cho cuộc đời, làm phồn thịnh cho xã hội đất nước, làm đẹp cho nhân loại và làm lợi ích cho tất cả mọi loài chúng sinh. Đem những báu vật từ cõi Cực lạc để trang điểm làm đẹp cho cõi Ta bà. Xây dựng Nhân gian Tịnh độ bằng Trí lực, Niệm lực, Định lực, Huệ lực, Giải thoát lực, Giải thoát tri kiến lực và phát tâm Bồ đề luôn thương xót lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông, giúp đỡ; biết chịu khổ thay người, cứu giúp người lúc khổ nạn và ban vui cho mọi loài chính là việc làm chân chính của bậc Đại nhân hay còn gọi là Bồ tát Đại thừa.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
Bình luận bài viết