Thông tin

BÀN VỀ NHÂN GIAN TỊNH ĐỘ

BÀN VỀ NHÂN GIAN TỊNH ĐỘ

THÍCH MINH THÀNH

 

A/ Dẫn nhập         

Từ trước đến nay, những người tu học theo giáo lý Tịnh độ thường nghe nói về Tây phương Tịnh độ, một cõi Phật ở phương Tây cách thế giới Ta bà này mười muôn ức cõi nước, nhưng hôm nay chúng ta sẽ bàn luận về một dạng Tịnh độ mới là ‘Nhân gian Tịnh độ’. Các cõi Tịnh độ của chư Phật ở trong khắp mười phương thế giới đều không lìa ý nghĩa Nhân gian Tịnh độ này. Bởi lẽ, ở ngay tại cõi đời này, chúng ta biết ứng dụng giáo lý của đức Phật nói chung hay tinh thần của kinh A Di Đà nói riêng để tu tập chuyển hóa bản thân, thiết thực xây dựng một cuộc sống tốt đẹp thì cõi thế gian này sẽ trở thành Tịnh độ an vui. Chúng ta có thể thực tập theo hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà dùng chất liệu ở Cực lạc để xây dựng Tịnh độ tại nhân gian.Tất cả được thể hiện qua những điều bình dị ở trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, từ đó người học Phật tiến dần đến những bước cao hơn và sau cùng đạt tới những cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm của chư Phật.

B/ Nội dung

1. Kiến lập Tịnh độ ở Ta bà

Trong kinh Vô Lượng Thọ có nói rằng: “Người tu ở cõi Cực lạc một trăm năm không bằng người ở tại cõi Ta bà này tu hành trong một ngày một đêm”.

Kinh Đại Bảo Tích, phẩm Bồ tát Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký thứ 15, cũng nói: “Nếu có người ở cõi ấy tu phạm hạnh trăm ngàn ức năm chẳng bằng ở cõi Ta bà tu tập trong khoảng cái khảy móng tay. Đối với chúng sanh khởi tâm từ bi được công đức còn nhiều hơn nữa, huống là an trụ tâm thanh tịnh một ngày một đêm”.

Tại sao nói tu một trăm năm ở cõi Cực lạc không bằng tu một ngày ở cõi Ta bà này? Bởi vì ở cõi Cực lạc ngay cả danh từ tam ác đạo hay danh từ khổ cũng không hề có. Nếu không có sự khổ thì lấy gì để làm động lực thúc đẩy phát tâm từ bi cứu khổ và làm sao thực hiện được Bồ đề tâm, đại bi tâm viên mãn đạo Bồ tát? Trong khi đó, tất cả sự đau khổ của chúng sanh lại là chất liệu cần thiết của tâm Bồ đề và cũng là tư lương cho sự tu tập của bậc Bồ tát. Không có chúng sanh khổ thì không có Bồ tát xuất hiện ở nơi đời. Ở trong thế giới đầy dẫy phiền não, khổ đau này mà chúng ta có thể nhẫn chịu được những sự không thể nhẫn chịu và đồng thời còn khéo léo đem giáo pháp giải thoát của chư Phật để chỉ bày cho người khác, cho nên phước đức của việc làm đó là tối thắng và sự tu hành ở cõi này vượt hơn hẳn ở cõi Cực lạc. Chính vì thế, trong kinh A Di Đà, có đoạn nói về mười phương chư Phật hết mực khen ngợi đức Phật Thích Ca Mâu Ni: "Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm được việc rất khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta bà đời ác năm món trược: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược, mà Ngài chứng được ngôi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Ở trong cõi ngũ trược ác thế này, có biết bao nhiêu việc khó làm mà Phật Thích Ca tình nguyện đi vào làm vì lợi ích cho chúng sinh, chính chỗ đó chúng ta càng biết ơn đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhiều hơn.

1.1- Vượt qua mười muôn ức cõi để đến Cực lạc

Trong kinh A Di Đà có đoạn nói rằng: “Từ đây trải qua mười muôn ức cõi Phật về phương Tây có thế giới tên là Cực lạc. Trong thế giới đó có đức Phật A Di Đà hiện nay đương nói pháp”.

Trong Pháp Bảo Đàn kinh, tổ Huệ Năng đã giải thích về ý nghĩa của câu ‘mười muôn ức cõi nước’ này rất đơn giản là khi người tu phá được thập ác, thực hành được thập thiện chính là đã đi qua được mười muôn ức cõi để đến cõi Phật. Vượt qua được Thiên đạo của Thiên thừa và khéo phát tâm Bồ đề, thực hành Tam phước của tịnh nghiệp thì lúc đó mới thành tựu được chánh nhân Tịnh độ.

Mười muôn ức cõi nước bao gồm ba nghiệp của thân là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; bốn nghiệp của miệng là không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều và không nói lời hung ác; ba nghiệp của ý là không tham muốn, không nóng giận và không si mê. Mỗi một giới mà chúng ta giữ gìn và phát huy những phẩm đức tốt đẹp tích cực, tức là tự mình qua được một muôn ức cõi nước. Nỗ lực dừng lại mọi sự tiêu cực xấu dở và phát huy mạnh mẽ tính chất tích cực tốt đẹp của mười điều đó là cách tu hành Tịnh độ thiết thực. Như vậy, khi chúng ta dứt trừ mười điều ác thành tựu mười điều thiện, đó là chúng ta từng bước tiến dần đi đến trước cánh cửa của Tịnh độ.

1.2- “Hiện pháp lạc trú” cánh cửa Tịnh độ nhiệm mầu.

Trong quyển Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm có đoạn nói rằng: “Cứu cánh bất ly đương niệm, phân minh chỉ tại mục tiền”, nghĩa là rốt ráo không lìa một niệm hiện giờ, rõ ràng ở ngay trước mắt, đó chính là Tây phương Tịnh độ. Ngay đây, hiện giờ chính là địa chỉ của Cực lạc. Đại đa số chúng ta không chấp nhận giờ phút hiện tại với đầy đủ sự tự tại an lạc mà cứ nghĩ tưởng rằng hành trì niệm Phật là phải đợi đến khi nào chết mới đến được cực lạc và thường mang tư tưởng bi quan là phải tu hành rất nhiều năm, thậm chí là vô lượng vô biên kiếp mới thành tựu an lạc. Luôn gửi gắm bản thân của mình vào những việc sẽ xảy ra ở tương lai và cự tuyệt với giây phút hiện tại nhiệm mầu, chúng ta không ngờ rằng giờ phút hiện tại chính là chìa khóa mở cánh cửa cõi Cực lạc. Như vậy, bí quyết của sự tu hành chỉ cần buông bỏ những việc đã qua, dừng lại những ý muốn đuổi tìm việc sắp đến và tỉnh thức nhận biết trọn vẹn phút giây hiện tại là liền đến cõi Cực lạc.

Nếu không khéo rong chơi miền Cực lạc thì chúng ta sẽ bị lưu lạc mãi mãi ở miền cực khổ. Miền cực khổ không phải chỉ ở ngoại cảnh, mà chính là những vọng tưởng điên đảo. Chỉ có khéo xoay trở lại quán chiếu sự sống ngay giờ phút hiện tại mầu nhiệm thì tự nhiên được tự tại dạo chơi cõi Cực lạc.

1.3-  Đi vào Tịnh độ

Không phải đợi chết rồi mới đi vào Tịnh độ, mà bất cứ nơi nào ngay trong mỗi bước chân có chánh niệm tỉnh giác nhận biết sâu sắc giờ phút hiện tại thì mỗi một bước là có an bình hoan hỷ, có sự thảnh thơi nhẹ nhàng. Như thế là đang bước vào cõi Tịnh độ Cực lạc ở tại xí nghiệp, công ty và nơi chốn mình ở. Trong kinh Duy Ma Cật có đoạn nói về cư sĩ Duy Ma Cật từ trong chợ đi ra, mọi người nhìn thấy hỏi ngài từ đâu đi đến. Ngài đã đáp rằng là từ đạo tràng đi đến. Điều đó đã chứng minh rằng mỗi bước chân chánh niệm của mình chế tác ra an lạc, làm ra được sự giải thoát và ở bất cứ nơi đâu đều là đạo tràng tu tập, đó cũng là đang từng bước đi vào cõi Cực lạc ở ngay tại chốn nhân gian. Đức Thế Tôn mới vừa đản sanh đi tới đâu thì hoa sen nở lên. Tức là mỗi bước chân chánh niệm, tỉnh thức thì chỗ đó là nở ra chất liệu đẹp đẽ, thơm tho cho cuộc đời.

Đi kinh hành là phương pháp thực tập chánh niệm, giúp chúng ta có được những bước chân thong dong tự tại đi vào cõi tịnh. Lại việc đi kinh hành đem rất nhiều sự lợi ích thiết thực cho sự điều hòa thân tâm. Đức Thế Tôn của chúng ta ở trong kinh Tăng Chi bộ dạy các thầy Tỳ-kheo năm lợi ích của việc đi kinh hành: “Thứ nhất là kham nhẫn được đường dài. Thứ hai là kham nhẫn được tinh cần. Thứ ba ít bệnh tật. Thứ tư là đưa đến tiêu hóa tốt. Thứ năm là thiền định chứng được trong khi đi kinh hành tồn tại dài lâu”. Như vậy, bước chân kinh hành chánh niệm sẽ đưa mình vào cõi Tịnh độ trong niềm hạnh phúc, bình an tự tại.

2. Chất liệu xây dựng cõi Tịnh độ

2.1- Tịnh và lạc

Trong kinh A Di Đà, có đoạn nói rằng: “Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, cho nên gọi là Cực lạc”.

Như vậy, ở cõi Cực lạc chỉ có sự an vui không còn khổ đau. Bởi lẽ, cõi Cực lạc được xây dựng trên hai nguyên tố tịnh và lạc. Do có thanh tịnh cho nên có an lạc và ngược lại nhờ có an lạc mà thanh tịnh, cho nên người phát tâm xây dựng Nhân gian Tịnh độ cũng cần phải làm cho bản thân của mình thanh tịnh và an lạc. Để thực hành được điều đó thì việc đầu tiên của người tu học và xây dựng Nhân gian Tịnh độ là cần phải có được tiểu lạc, bước kế tiếp là có được trung lạc và bước kế nữa là phải có được đại lạc thì cuối cùng mới đạt tới cực lạc. Nếu không theo trình tự từ thấp đến cao như vậy thì sự học Phật không được xem là trọn vẹn và cũng không có được lợi ích thiết thực ngay trong cuộc sống.

* Tam lạc

Tiểu lạc là trong những lúc công phu hành trì tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền, kinh hành… tâm ý luôn chuyên nhất và nếm được hương vị an lạc thanh tịnh ở ngay nơi việc tu tập. Sự an lạc thanh tịnh đó chính là tiểu lạc. Không phải bước lên chánh điện đối diện với tượng Phật mới có được an lạc mà trong chỗ buôn bán, ngay tại công sở, cho đến như việc quét chùa, lau nhà, rửa chén, giặc đồ, nấu cơm, tiếp khách… lúc nào trong tâm cũng nhớ câu Phật hiệu hoặc sự quán xét trong mỗi hơi thở của mình đều luôn cảm nhận được niềm vui trong sự tu học.

Trung lạc là niềm vui tương đối hay vừa phải. Mỗi khi đối diện với những nghịch cảnh hay chạm mặt với những hành động trái ý nghịch lòng mà chúng ta vẫn có thể điềm nhiên, tâm không bị khổ não và vẫn giữ vững hồng danh Phật hiệu theo từng hơi thở hoặc tâm vẫn an trú vững chắc trong sự tu tập quán chiếu về lẽ thật thì ngay đó có được sự thanh tịnh an lạc gọi là trung lạc.

Đại lạc là lúc nguy cấp hoặc rơi vào những tình cảnh hiểm nghèo, thậm chí cận kề những cái chết và bị muôn thứ khổ bức ngặt mà vẫn giữ vững chánh niệm tỉnh giác trong hồng danh Phật hiệu; tâm vẫn thuần thục ở trong công phu chánh pháp mà chúng ta thường xuyên hành trì mỗi ngày. Tâm an định không hoảng loạn, không lo lắng sợ hãi chính là đại lạc. Ngoài phương pháp niệm Phật, có vô lượng pháp môn tu tập giúp cho tâm an định sáng suốt đều có thể sử dụng như quán xét hơi thở, quán chiếu về vô thường vô ngã hay an trú trong câu minh chú… Lúc sống có được đại lạc như vậy thì lúc nhắm mắt cảnh Cực lạc sẽ hiện bày.

* Tam Tịnh

Kế đến chúng ta nói về ý nghĩa chữ ‘tịnh’ trong danh từ Tịnh độ nói riêng và trong Phật giáo nói chung có vai trò cực kỳ quan trọng. Điểm trọng yếu của tất cả pháp môn tu tập đều xoay quanh vấn đề là làm cho tâm tịnh. Tịnh được tâm rồi mới đến tịnh ngữ, tịnh thân và tịnh cảnh để rồi đạt đến Tịnh độ. Phía trên đã nói về tiểu lạc, trung lạc, đại lạc và cuối cùng cực lạc là cái quả; đến đây là nói về tiểu tịnh, trung tịnh, đại tịnh rồi cực tịnh là cái nhân. Nếu ngay lúc sống tâm ô nhiễm và không có tịnh lạc, mà đến khi chết mong được về cõi Tịnh độ là một điều hết sức phi lý. Điều này đã được chư Phật quá khứ cũng như đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi thành đạo nhắc đến qua bài kệ nổi tiếng gồm bốn câu:

Không làm các điều ác

Vâng làm mọi việc lành

Giữ tâm ý thanh tịnh

Là lời chư Phật dạy.

Như vậy, chúng ta muốn xây dựng cõi Nhân gian Tịnh độ, trước tiên cần phải tự xây dựng bản thân của mình bằng cách thanh tịnh ba nghiệp ý niệm, ngôn ngữ và hành vi. Người khác khi sống gần sẽ cảm nhận được công đức ấy và phát khởi tâm tu hành. Một người tu tập có được nội tâm thanh tịnh và an lạc sẽ có được năng lực làm cho một gia đình thanh tịnh và an lạc; nhiều gia đình thanh tịnh sẽ làm cho một làng xã thanh tịnh; nhiều làng xã thanh tịnh sẽ làm cho cả tỉnh huyện thanh tịnh; nhiều tỉnh huyện thanh tịnh sẽ làm cho cả thành phố thanh tịnh và cứ như thế mà lan rộng ra đến các thành phố, đất nước và khắp thế giới đều có sự thanh tịnh và an lạc. Như vậy, muốn cho cả thế giới thanh tịnh thì trước tiên tâm của chúng ta phải hoàn toàn thanh tịnh.

Trong kinh A Di Đà mô tả cảnh giới Cực lạc đều làm bằng vàng ngọc, pha lê, mã não, trân châu, hổ phách đẹp đẽ và có nhiều loại hoa sen đủ màu, là muốn chỉ cho diệu dụng từ tâm thanh tịnh duyên khởi, mà không phải chỉ nói về nghiệp cảm duyên khởi. Tâm thanh tịnh đầy đủ Giới, Định, Tuệ. Trí tuệ, Từ bi duyên khởi ra công đức cho nên tất cả pháp đều là thiện pháp. Ngược lại, tâm ô nhiễm đầy dẫy phiền não đã khiến cho chúng ta liên tục khởi ra đủ loại thương, ghét, buồn, vui, tham, sân, si… những cái đó được gọi là nghiệp cảm duyên khởi.

Lại trong kinh Thủ Lăng nghiêm, có đoạn đức Phật dạy rằng: “Cực tịnh quang thông đạt, tịch chiếu hàm hư không”, nghĩa là cái tịnh đến chỗ cùng cực thì lúc đó ánh sáng thông suốt không còn gì chướng ngại, cho nên Phật A Di Đà gọi là Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai. Ánh sáng đó là biểu trưng cho sự tu tập từ nơi chánh kiến trong Bát chánh đạo mà thành tựu tuệ giác. Từ nơi tuệ giác đó cộng với đại Bồ đề tâm, đại bi tâm kết hợp lại với nhau tạo thành vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức. Đức Phật A Di Đà do tu tập chánh kiến trí huệ mà thành tựu được Phật quả, viên mãn đại giác và tạo lập ra y báo trang nghiêm của cõi Cực lạc.

2.2- Hòa kính - Tình thương.

Sống nhu thuận theo sáu pháp hòa kính thực hành bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả là những chất liệu quý giá để xây dựng cõi tịnh. Đem tinh thần từ bi của đạo Phật xóa tan đau khổ cho chúng sanh chính là công việc xây dựng Tịnh độ tại nhân gian. Ở trong gia đình ta cư xử một cách “hài hòa”, còn với những người đồng tu trong một đạo tràng thì dùng tâm ‘hòa kính’ để đối đãi thì cuộc sống gia đình sẽ êm ấm, sinh hoạt đạo tràng sẽ thanh tịnh.

Chư Bồ tát mở tâm từ bi ban bố tình thương cùng một thể cho khắp chúng sinh; một câu danh ngôn từ miệng của đức Thế Tôn đã làm chấn động cả thế giới suốt hai ngàn sáu trăm năm không thể thay đổi: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong giọt nước mắt cùng mặn”. Xây dựng Nhân gian Tịnh độ tức là mở tâm của chúng ta rộng ra để ban phát tình thương cho mọi người và luôn đối xử với nhau trên tinh thần "Từ nhãn thị chúng sanh”. Dùng mắt thường nhìn cuộc đời thấy rõ vạn vật vô thường, kiếp sống ngắn ngủi và cần phải sống cho thật có ý nghĩa giá trị và có lợi ích thiết thực.

Kế nữa, chúng ta học theo hạnh của Bồ tát Di Lặc dù làm việc gì và đi đến đâu luôn có cái nhìn bao dung, tâm ý buông xả nhẹ nhàng thì trên môi cũng đều nở nụ cười hoan hỷ, để cho cuộc đời thêm tươi vui an ổn. Trong tâm của chúng ta luôn nhìn cuộc đời theo hướng tích cực, luôn thấy cái hay, cái đẹp của mọi người, tâm tôn trọng quý kính những ân nghĩa và tình cảm của mọi người dành cho mình. Đó cũng chính là sự thực hành hạnh nguyện thứ nhất của Bồ tát Phổ Hiền “Nhất giả lễ kính chư Phật” mà chúng ta thường tán tụng. Luôn nhìn cuộc đời tốt đẹp như vậy thì lúc nào chúng ta cũng có thể mỉm cười. Nụ cười hoan hỷ đóng một vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày, bởi vì con người có an vui thì đất nước mới có thể giàu đẹp và toàn thể thế giới mới có thể bình an hạnh phúc.

Bên cạnh đó, dù gặp những tình huống khó khăn, không thuận lợi và bất như ý, chúng ta cố gắng luyện tập sự nhẫn nại và mở rộng tâm tha thứ bao dung để luôn có nụ cười hoan hỷ ở trên môi. Chữ “hỷ xả” có nghĩa buông xuống được mọi thứ lo lắng sợ hãi, toan tính thì mới có được hoan hỷ. Nếu mỗi người đều tu tập và thực hành hạnh hoan hỷ thì tự nhiên trong gia đình sẽ đầm ấm vui vẻ, một cộng đồng hạnh phúc an vui. Một thế giới không còn sự đau khổ và lo lắng và chỉ toàn là những điều vui như thế được gọi là cõi Cực lạc.

2.3- Cảm ơn tất cả

Tất cả mọi người dù quen biết hay xa lạ nếu xét kỹ thì đều có ơn đối với chúng ta, cho nên hằng ngày dùng tâm thái biết ơn, cảm ơn, nhớ ơn và đền ơn là một việc không thể thiếu trong công cuộc xây dựng Nhân gian Tịnh độ. Đức Đạt-lai Lạt-ma nói rằng: “Khi chúng ta sinh ra phải nhờ người khác và khi chết đi cũng phải nhờ người khác. Vậy tại sao khoảng giữa cuộc sống chúng ta không làm gì để giúp đỡ cho mọi người?”. Không những chỉ con người mới có ơn nặng đối với chúng ta mà còn có nhiều vật chất vô tri khác cũng đều có ơn với mình. Từng viên gạch, cái ghế, ngôi nhà, các loài thực vật… Nếu không có sự trợ giúp của những thứ ấy thì chúng ta làm sao có thể tồn tại và phát triển cho đến tận bây giờ?

Cuộc sống này chứa đựng vô số điều nhiệm mầu và công ơn của tất cả mọi người mọi vật. Không có một cái gì dù lớn nay nhỏ tự nhiên có sẵn, mà tất cả đều có nguồn gốc phát xuất sâu xa. Vặn vòi cho nước chảy ra để lấy nước uống và tắm rửa là một sự mầu nhiệm. Có được gạo trắng thơm để nấu cơm là một sự kỳ diệu vì chứa đựng vô số mồ hôi và nước mắt của người nông dân ở trong đó. Con đường mà hằng ngày chúng ta đi lại chứa đựng rất nhiều sự khó nhọc vất vả và thậm chí có cả xương máu đã rơi xuống ở nơi đó. Một đóa hoa, một chiếc lá, một áng mây cũng tô điểm thêm cho thế giới được tươi đẹp. Một cái áo, một đôi dép, một chiếc xe… tất cả đều có ơn nghĩa đối với chúng ta. Cho đến không khí mà chúng ta đang tạm vay mượn để tồn tại cũng có ơn rất lớn. Sống trong sự biết ơn, cảm ơn, nhớ ơn, đền ơn một cách cung kính như vậy thì tâm của chúng ta sẽ luôn dào dạt niềm hạnh phúc an lạc, lòng yêu thương của chúng ta tăng trưởng và nhờ đó mà phiền não tự nhiên tan biến, không cần phải dẹp trừ.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6345860