Thông tin

BIA THÁP MỘ THIỀN SƯ AN TẢO Ở CHÙA NON ĐÔNG

BIA THÁP MỘ THIỀN SƯ AN TẢO Ở CHÙA NON ĐÔNG

PHẠM THỊ CHUYỀN *

 

Trong một lần đến chiêm bái chư Tổ ở chùa Non Đông, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, hồi đầu tháng 11 năm 2015, chúng tôi nhìn thấy mấy tấm bia tháp mộ đặt rải rác ở sau khu điện Tam bảo. Trong đó có một bia dựng năm Tân Tị (1881), niên hiệu Tự Đức thứ 31, đời Nguyễn.

Bia bị mờ mất phần trán bia, nên hàng chữ ghi tên bảo tháp cũng bị mất, do vậy chúng tôi dành tên gọi làng quê của Sư tổ là làng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, để gọi tên Sư tổ là Thiền sư An Tảo. Văn bia có kích cỡ khá lớn khoảng 84 cm x 62 cm, toàn văn viết bằng chữ Hán theo lối chữ chân dễ đọc, gồm 16 dòng, ước chừng 360 chữ Hán. Nguyên văn như sau:

夫塔者惟記本師修行之公案也。

恭聞春雷弄玉楞伽明釋之爐火裏蓮禪門息野狐之熊雖住世而出於世譬如聖果不落塵埃生泥不染於記喻若蓮花無著水心珠影現智鏡常光仰觀翠堵之功寔乃緇流之德。欽惟。

尊師貫在快州府金洞縣安早社生在良家父母早亡童子出家。先投黃觚寺,后從灵光寺圓覺和尚於乙卯年垓受具從眾十夏本師示寂後從扶郎和尚參禪三年咱楞伽會。後登安子山花寺禅定礼拜结足安居十二夏。後受僧眾請主夏雷音寺二年。後回東山祥光寺。自壬申癸酉結夏安居报圡期圓浮機告畢萬緣都放下一念不中生覺婆城非是久居知安養真為極樂。至庚辰年十一月初二日良辰捨幻皈西。銘曰:

快州金洞縣

安早社投机

維嶽神灵降

篤至大德師

祈稟柔和性

出家少小峕

精嚴其戒律

整肅具威儀

心每依菩薩

口不離阿弥

作福弘施济

度眾廣慈悲

至美其如許

追思而祀之

百年磨不派

千載仰恭惟

皇朝嗣德三十四年歲次辛巳正月吉日辰塔文。

Mở đầu tấm bia tháp này là dòng chữ Hán ghi “Phù bi giả duy ký bản sư tu hành chi công án dã”. Nghĩa là “Ôi! Cái gọi là bia tức là thứ chỉ dành để ghi chép sự tích tu hành của bản sư vậy”. Đây cũng có thể xem là hàng chữ ghi tên bia tháp mộ của Thiền sư An Tảo. Tiếp đến là ba dòng văn bia tán thán công đức của chư Phật và giảng giải ý nghĩa của việc xây dựng bảo tháp. Từ hàng thứ năm trở đi văn bia ghi lại sự nghiệp tu hành của Thiền sư. Nội dung văn bia viết: Tôn sư được sinh ra trong một gia đình nề nếp gia giáo tại làng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu. Thủa nhỏ mồ côi cha mẹ, nên Sư sớm phải bươn chải làm ăn lam lũ. Cảnh ngộ ấy đã xô đẩy cậu bé non nớt ấy có được cơ duyên đồng chân xuất gia. Lúc mới nhập đạo, sư theo hầu sư tổ chùa Hoàng Cô. Dân làng Tà Xuyên, huyện Kinh Môn, trấn Hải Dương còn lưu truyền một huyền thoại rất cảm động lòng người. Huyền thoại kể rằng Thánh tổ ở chùa Non Đông này lúc nhỏ cũng cơ cực khốn khổ, hằng ngày cậu bé phải ra đồng mò cua bắt ốc. Một lần sau khi lặn ngụp cả buổi ngoài đồng, cậu ta mang đầy mộ giỏ cua về nhà cho mẹ. Đến khi dốc cả giỏ cua vào chậu để làm cơm bữa chiều, thì lạ chưa đàn cua nằm im trong chậu, con nào con ấy đều trào tuôn nước mắt. Dòng nước mắt tràn trề của chậu cua vàng óng ấy trào dâng làm lung lay trái tim cậu bé. Đàn cua như đang khóc, cậu bé cũng nghẹn ngào nấc lên, rồi vội vã đem đàn cua vàng đó thả ra ngoài đồng. Thế rồi cậu bé liền gom góp gia sản dựng một chiếc am nhỏ để tu tập. Sau này đắc đạo thành Thánh tổ chùa Non Đông, dân gian gọi đó là chùa Cua Vàng, khi viết thành chữ Hán là Hoàng Cô tự.

Khi đã trưởng thành, Thiền sư An Tảo theo Hòa thượng Viên Giác ở chùa Linh Quang. Đến năm Ất Mão, ngài được trao cho cụ túc giới. Sư đã ở tổ đình Long Quang hòa hợp cùng tăng chúng đèn hương thờ Phật đủ mười hạ lạp thì Hòa thượng Viên Giác đã viên mãn trần duyên trở về Tây Phương đất Phật. Do vậy, Tôn sư An Tảo liền quy theo Hòa thượng Phù Lãng, tham thiền học đạo, dự học Lăng già vừa đủ ba năm. Bấy giờ nhận lời thỉnh mời đến tu thiền ở chùa Hoa (Yên) núi Yên Tử. Tại đây, Ngài chuyển tu thiền định đã mười hai năm, thì được thỉnh về chùa Lôi Âm để trông coi Phật sự. Đến thời gian này, Tôn sư An Tảo tuổi tác đã cao, tự thấy nếu ở trên núi cao mãi thì không tiện cho việc tu tập, đến năm Nhâm Thân (1872) Ngài xuống núi đến tu ở chùa Tường Quang, núi Đông Sơn (Non Đông). Từ đó, Ngài ở luôn đây cho đến lúc viên tịch.

Văn bia có đoạn tán thán:

Báo độ kỳ viên,

Phù cơ cáo tất.

Vạn duyên đô phóng hạ,

Nhất niệm bất trung sinh.

Giác Bà thành phi thị cửu cư,

Tri an dưỡng chân vi Cực lạc.

Nghĩa là:

Thân báo độ cầu mong viên mãn,

Kiếp phù sinh hẳn đã tan đi.

Ngàn vạn nhân duyên đều dứt bỏ,

Từng ý niệm con chẳng hề sinh.

Cõi Ta bà này chẳng nên ở mãi,

Nước Cực Lạc kia mau hãy tìm sang.

Thế là đến ngày mồng 2 tháng 11 năm Canh Thìn (1880) Thiền sư An Tảo liền thị tịch quy Tây. Cuối bia là bài minh văn viết theo thể thơ ngũ ngôn, tán thán công đức của Ngài:

Khoái Châu Kim Động huyện,

An Tảo xã thụ cơ.

Duy nhạc thần giáng linh,

Đốc chí đại đức sư.

Kỳ bẩm nhu hòa tính,

Xuất gia thiết tiểu thì.

Tinh nghiêm kì giới luật,

Chỉnh túc cụ uy nghi.

Tâm mỗi hoài Bồ tát,

Khẩu bất li A Di.

Tác phúc hoằng tri tế,

Độ chúng quảng từ bi.

Chí mỹ kỳ như hứa,

Truy tư nhi tự chi.

Bách niên ma bất dẫn

Thiên tải ngưỡng cung duy.

Dịch nghĩa:

Tôn sư sinh ra ở xã An Tảo,

Huyện Kim Động, phủ Khoái Châu.

Tinh anh từ núi non giáng xuống,

Là bậc cao tăng đại đức ở chùa.

Ngài từ nhỏ vốn hiền hòa,

Xuất gia từ khi còn niên thiếu.

Chuyên tâm giữ đúng giới luật,

Lại có uy nghi thực trang nghiêm.

Lòng luôn ao ước thành Bồ tát,

Miệng không dừng câu A Di Đà.

Làm việc tế độ ban phúc,

Mở lòng từ bi giúp chúng dân.

Công đức ngài lớn như thế,

Hãy nhớ đến mà phụng thờ.

Trăm năm còn mãi không mất,

Ngàn năm cung kính tôn sùng.

Bia tháp này là một trang sử đá rất có giá trị đối với việc nghiên cứu về Thiền sư An Tảo – một nhà tu hành chuẩn mực của Thiền phái Tào Động ở Việt Nam. Hẳn là Ngài đã thấy có sự ưu việt của tu thiền định cho nên đã có quyết định chuyển sang tu theo pháp tu này. Vì thế, đây cũng là một tài liệu góp phần nghiên cứu về sự chuyển đổi phương thức tu của tăng sĩ người Việt.


* Thạc sĩ Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6059176