BIỂU HIỆN TÍNH NỮ QUA HÌNH TƯỢNG QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT TRONG ĐIÊU KHẮC VIỆT NAM
BIỂU HIỆN TÍNH NỮ QUA HÌNH TƯỢNG
QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT TRONG ĐIÊU KHẮC VIỆT NAM
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Vốn đủ hạnh nguyện để thành Phật, nhưng Quán Thế Âm với tâm từ bi chưa vào cõi Niết bàn. Người quay trở lại nhân thế để cứu vớt chúng sinh. Người ta thường nói rằng Bồ tát Quán Thế Âm có những mười một bộ mặt,
nghìn mắt nghìn tay, một trăm lẻ tám hồng danh, rằng Người sở trường phép tu Tam muội (Samadhi), phép tu thiền bậc cao, mà kết quả là trạng thái cả thân thể lẫn tâm trí không bị xao động, xa lìa mọi tà loạn...
Trong Phật điện các chùa Bắc tông, hàng thứ hai từ trên xuống là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, gồm đức Phật A Di Đà ở giữa, Quán Thế Âm Bồ tát ở bên phải, Bồ tát Đại Thế Chí ở bên trái để cùng tiếp dẫn chúng sinh vào cõi Cực lạc.
Quán Thế Âm cũng thường được thờ riêng, và được người đời quan tâm nhiều, bởi đặc tính cứu khổ cứu nạn của Người.
Ở Việt Nam, tượng Quan Thế Âm Bồ tát được thờ ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Ví dụ: Ở Hà Nội có: Phật Bà Quan Âm (PBQA) chùa Hương Tích, Mỹ Đức; Quan Âm Thị Kính chùa Mía, Sơn Tây; Mã Đầu Quan Âm chùa Vĩnh Phúc, Hoài Đức; Thập Nhất Diện Quan Âm, chùa Linh Thông, Cầu Giấy. Bắc Ninh có: Quan Âm Thiên Thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp; Quan Âm Chuẩn Đề chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang. Tượng Quan Thế Âm đặt ngoài trời ở chùa Quan Âm Phật đài, thị xã Bạc Liêu; chùa Long Thiền, Đồng Nai; chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Đà Nẵng…
Theo Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết thì Quán Thế Âm Bồ tát ở Trung Quốc có 11 hình tượng khác nhau, nhưng sách Quán Thế Âm và Lục Quán Âm chỉ đưa ra 6 hình tượng.
Còn ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu thống kê và chia thành 6 nhóm phổ biến ở các ngôi chùa cổ: 1) Thánh Quan Âm; 2) Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn; 3) Quan Âm Chuẩn Đề; 4) Quan Âm Tống Tử; 5) Quan Âm Nam Hải; 6) Quan Âm Tọa Sơn.
Phật sử cho biết: Mặc dù truyền thống thờ Quán Thế Âm đã xuất hiện lâu đời ở nước ta, nhưng những pho tượng cổ thuộc mô típ này hiện còn lưu giữ ở miền Bắc lại có niên đại muộn hơn nhiều, như pho tượng Quán Thế Âm sớm nhất được biết đến hiện nay là tượng Quan Âm Nam Hải ở chùa Cung Kiệm (Hưng Phúc tự), huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, có niên đại 1449. Kế đến là những pho tượng Quan Âm Nam Hải có niên đại thế kỷ XVI, hiện còn lưu giữ ở chùa Đào Xuyên, huyện Gia Lâm, chùa Nga My, quận Hoàng Mai, chùa Bối Khê, huyện Thanh Oai đều thuộc Hà Nội; chùa Thượng Trưng ở Phú Thọ; chùa Hạ, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc; chùa Động Ngọ, huyện Thanh Hà, Hải Dương; tượng Quan Âm Tọa Sơn ở chùa Đại Trà, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng; tượng Quan Âm Cứu Độ ở chùa Phổ Minh. Thành phố Nam Định. Từ thế kỷ XVII trở đi, hệ thống tượng Quán Âm ngày càng nở rộ, muôn hồng ngàn tía. Tượng Quán Âm được sáng tác với hình tượng Phật Bà có ngàn tay và ngàn mắt; ngàn mắt biểu trưng cho Đại trí tuệ, ngàn tay biểu trưng cho Đại từ bi. Đặc sắc nhất phải kể đến những pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Bút Tháp và tượng Quan Âm Chuẩn Đề ở chùa Tam Sơn, thị xã Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh vào thế kỷ XVII, chùa Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, Hà Nội đều có niên đại vào thế kỷ XVIII...
Pho tượng được coi là kiệt tác nghệ thuật bậc nhất trong nghệ thuật tạc tượng Việt Nam là pho Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn của chùa Bút Tháp ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tượng cao 370 cm, vành hào quang rộng 210 cm và bệ tượng dày 115 cm. Phật được tạc trong dáng nữ giới với khuôn mặt đôn hậu, điềm tĩnh siêu thoát. Tượng làm từ gỗ mít, sơn son thếp vàng, nghệ nhân Trương Thọ tạc vào mùa Thu năm Bính Thân triều Lê trung hưng (1656) cung tiến lên chùa. Đủ 1.000 bàn tay tạo cảm giác trùng trùng điệp điệp, ngoài đôi tay chính, là 998 bàn tay được gắn lên một giá đỡ hình đĩa rất lớn, đường kính 210cm, giá đỡ bố trí sát ngay phía sau thân tượng.
Một dạng đặc biệt nữa là tượng Quan Âm Tống Tử mà dân gian quen gọi là Quan Âm Thị Kính, ở chùa Tây Phương, chùa Mía, Hà Nội và các chùa khác có niên đại thế kỷ XVIII. Hình thức pho tượng này có thể xem là việc đổi mới tượng Quan Âm Tọa Sơn. Pho tượng Quan Âm Tống Tử thuộc loại đẹp nhất là ở chùa Mía, thị xã Sơn Tây. Tượng to vừa phải bằng người thực, mang dáng thôn nữ hiền thục, phúc hậu ngồi trên mỏm núi, chân co, chân duỗi rất tự nhiên, hai tay đỡ một chú bé.
Trong bố cục của tượng Quan Âm Tống Tử còn có một con vẹt đậu bên cạnh. Hình thức trên đã bám sát tích truyện Quan Âm Thị Kính, song em bé còn được xem là hiện thân của chúng sinh trong cõi đời trần tục cần được chở che. Quan Âm Tống Tử hòa nhập với Quan Âm Thị Kính là một sáng tạo độc đáo của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Tượng Quan Âm Tọa Sơn thường được đặt ở gian bên của Phật điện, đăng đối với Quan Âm Tống Tử ở gian bên kia, có ở hầu hết các chùa làng Bắc Bộ. Đây cũng là một dạng của Quan Âm đã Việt hóa với tích truyện tu ở động núi chùa Hương Tích. Tượng này bao giờ cũng được đặt ngồi trên mỏm núi, dáng tự nhiên, một chân co chống và một chân buông thõng, hai tay để trên hai đầu gối, các vạt áo chảy lan xuống vách núi. Trên vách núi có khi chạm một số sinh vật như khỉ, hổ, cá sấu, chim vừa gợi thiên nhiên hùng vĩ còn hoang sơ, vừa tạo vẻ hoành tráng với không gian mênh mông.
Trong những hiện vật chạm khắc ở động Hương Tích ở chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, giá trị hơn cả về mặt điêu khắc là pho tượng Phật Bà Quan Âm tọa lạc chính giữa tòa Tam bảo bằng đá xanh tạc vào năm Cảnh Thịnh thứ hai (1793). Tượng có dáng vẻ thon thon, khuôn mặt trái xoa thanh tú, đầu đội mũ Tỳ Lư có tóc mai và búi tóc, sau lưng có hai lợn tóc buông xuống, ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên bông sen nở, chân phải co, đặt trên bông sen. Ngày nay, trong dân gian vẫn lưu truyền tích Phật Bà Quan Âm chùa Hương với câu:
Rằng trong cõi nước Nam ta,
Bể Nam có đức Phật Bà Quan Âm.
Là tích nói rằng ngài tu ở động Hương Tích thành Phật có Thiên Thủ Thiên Nhãn.
Quan Âm Chuẩn Đề, là một trong sáu ứng thân của Quan Âm, dùng phép Chuẩn đề hiệu nghiệm nhất để cứu vớt chúng sinh. Chuẩn đề có nghĩa là “Tịnh Khiết”. Chuẩn Đề vẫn được hiểu là một pháp ấn được thể hiện bằng hai bàn tay chắp vào nhau đưa lên trước ngực, 2 ngón tay giữa dựng thẳng (tạo thành mũi nhọn của vajra - kim cương), các ngón còn lại đan vào nhau và quặp xuống, 2 ngón cái hoặc chắp dính vào nhau hoặc đan chéo nhau và gập lại. Theo kinh sách, ngài có hình tướng 3 mắt, 18 tay, là đóa hoa sen chưa nở. Trên tinh thần đó, trong nhiều ngôi chùa ở Việt Nam có tượng Quan Âm Chuẩn Đề nhiều tay, ngồi hoặc đứng trên tòa sen, có hình tướng nữ, khối nuột nà.
Pho tượng Quan Âm Chuẩn Đề ở chùa Phẩm (chùa Động Ngọ, Hải Dương) có niên đại 1582. Tượng ở tư thế ngồi cao 78 cm trên tòa sen (có nghĩa bằng tầm thước phụ nữ Việt Nam), cả bệ là 130 cm. Tượng có dáng một thôn nữ dáng hình thon thả, miệng trái xoan, mũi dọc dừa, mắt đăm chiêu, tai đeo hoa, đầu đội mũ nhưng để tóc mai chảy qua tai xuống vai phủ lên áo, 12 tay.
Tượng Chuẩn Đề chùa Hiển Lâm, tỉnh Đồng Nai có chiều cao 0,74 m, đôi tay trước chắp lại, 4 cánh tay hai bên chắc khỏe và hơi thô, đầu đội mũ ni, khuôn mặt hao hao giống nữ thần của tín ngưỡng thờ mẫu, ngài đứng trên đôn thay vì đứng trên tòa sen hay mình rồng. Quán Âm Chuẩn Đề chùa Tân Quang, chùa Thiên Long, tỉnh Đồng Nai nét mặt trông rất giống những tượng Bà của Việt Nam.
Tượng Quan Âm Nam Hải ở chùa Động Lâm (Hội Hạ tự) hay gọi là chùa Hội Hạ, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Tượng tạc ở thế ngồi tọa thiền cao 180 cm, lại được đặt trên bệ và tòa sen cao 147 cm nữa, đưa tổng chiều cao cả bệ lẫn tượng là 327 cm, Tượng có 42 tay xếp từng đôi đăng đối nhau. Hai tay chính kiết ấn liên hoa trước ngực, hai tay để trong lòng trước bụng và 38 tay chia từng cặp tỏa sang hai bên; nhiều đôi tay cầm những vật báu nhà Phật như mặt trời, mặt trăng, bảo tháp… hoặc các loại pháp khí khác nhau. Thân tượng khoác áo tạo thành mảng vuông trước ngực và bụng với những nếp chảy song hành, lại như đối lập với khối đùi bè vững chãi. Mặt tượng bầu bĩnh, phúc hậu, trán nở rồi thuôn dần xuống cằm, tai dài đeo hoa, mắt đăm chiêu như đang ưu tư và đồng cảm với nỗi khổ của thế nhân, mũi đầy đặn, miệng chúm lại, cổ ngắn. Tạo hình của tượng dựa trên vẻ đẹp khỏe mập của người phụ nữ nông thôn, mộc mạc, rất người, rất Việt Nam.
Một trong những mô típ tạo hình Quán Thế Âm độc đáo nhất, hiếm thấy ở nước ta là pho tượng Mã Đầu Quán Âm ở chùa Vĩnh Phúc, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Hình tượng Mã Đầu Quán Âm được nhắc tới trong sách Quán Thế Âm và Lục Quán Âm bên Trung Quốc, phong cách đặc trưng là có 3 đầu hai tay, hoặc ba mặt tám tay. Trên đỉnh của ba mặt đều mang hình đầu ngựa, hóa thân này là của đức Quán Âm bởi tâm đại bi, không đi vào Niết bàn mà trụ lại trong cảnh giới vô minh để cứu độ những ác thú. Tượng được làm bằng gỗ, đặt trên bệ cũng bằng gỗ. Tượng tạc một người phụ nữ ở tư thế ngồi trên ngọn núi, gương mặt tươi tắn, hiền hậu, đầu đội mũ làm theo kiểu nhọn dần lên phía trên. Hai chân buông thõng, một tay để vào nếp áo trước bụng, tay kia ôm con ngựa trắng, ngựa nép sát người, chỉ nhìn thấy một chân phía trước, đầu ngựa tỳ vào vai Quán Âm. Niên đại tượng vào khoảng thế kỷ XIX, cao 113 cm, ngang vai 27 cm. Tượng Mã Đầu Quán Âm chùa Vĩnh Phúc có nhiều nét khác biệt với mô típ của Trung Quốc được mô tả trong sách Quán Thế Âm và Lục Quán Âm.
Tượng Thánh Quán Âm khắc họa hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm khoác áo cà sa, tay cầm bình ngọc cắm cành dương liễu, trong bình đựng nước cam lồ. Pho tượng tái hiện truyền thuyết rằng, một năm trời đại hạn, nông dân khổ sở vì thiếu nước cày cấy, nên cầu khẩn Bồ tát. Ước vọng của dân chúng thấu đến Quán Âm, Ngài cưỡi mây thị hiện, cầm nhành liễu chấm vào nước cam lồ, hướng về các thửa ruộng ở bốn phương Đông Tây Nam Bắc phất tay rảy nước. Lạ thay, mây mù tụ họp trong không trung, một cơn mưa lớn như xối đổ xuống không ngừng trong cả tiếng đồng hồ, sau đó mây mới tan và mưa mới ngừng. Nhờ cơn mưa rào trừ được nạn hạn hán mà cứu trăm họ trong một vùng đất rất lớn khỏi cảnh thiên tai. Tượng Quan Âm cầm bình nước cam lồ không những được đặt trong Thượng điện, mà người ta còn đặt bên ngoài khuôn viên kiến trúc chùa, không có mái che. Thông thường, khi bài trí lộ thiên bên ngoài chùa, người ta thường sơn tượng màu trắng, để Thánh Quán Âm quay mặt ra hồ, sông, ao trước chùa.
Qua những pho tượng cổ nói trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng mỗi biểu tượng hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm đều có những nét đặc trưng riêng. Và cũng từ đây dân gian đã quần chúng hóa hình tượng ngài bằng nhiều phương cách khác nhau. Nhưng xu hướng càng về sau thế kỷ XIX tới nay, họ ít chú trọng đến tinh thần giải thoát của Phật giáo mà chỉ quan tâm đến lợi ích thiết thực với suy nghĩ Quán Thế Âm Bồ tát sẽ cứu khổ cứu nạn, đem lại hạnh phúc cho cuộc sống của con người. Chính vì những quan điểm đó mà quần chúng tạo nên một Quán Thế Âm của mọi người mà không chỉ dành riêng cho Phật giáo. Vì vậy mà hình tượng Quan Thế Âm Bồ tát ở Việt Nam tuy được người đời sau dùng nghệ thuật thể hiện ngài qua những hình dáng khác nhau, nhưng trên hết là sự xuất hiện hình tượng của ngài như là một ước mơ và khát vọng muôn đời của nhân loại, mong được thoát khỏi bể khổ bằng tinh thần “nghe tiếng kêu khổ đau của cuộc đời liền đến cứu”. Sự khát vọng đó tạo nên một tín ngưỡng Quan Âm mang tinh thần Phật giáo đi vào cuộc đời để xoa dịu nỗi đau thương mất mát mà con người đang gánh chịu, tín đồ Phật tử Việt Nam quen gọi ngài là “Mẹ hiền Quan Âm”. Điều này cho thấy vai trò của yếu tố nữ - vai trò của Mẹ trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam là vô cùng phong phú.
Rõ ràng, hình tượng Phật Bà Quan Âm trong điêu khắc cổ và cả ngày nay thể hiện đậm nét tính nữ trong Phật giáo Việt Nam.
Tin tức khác
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
Bình luận bài viết