Thông tin

BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

(TÂY PHƯƠNG TAM THÁNH)

 

LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC

 

     

Ban đầu, khi Phật A Di Đà còn là Chuyển luân thánh vương, thì Bồ tát Quan Thế Âm là hoàng trưởng tử của thánh vương và Bồ tát Đại Thế Chí là hoàng tử thứ hai của thánh vương. Hiện tại nơi thế giới cực lạc, thì hai vị Bồ tát này lưôn cận kề hai bên tả hữu Phật A Di Đà, suốt đời làm Bồ tát bổ xứ hầu hạ, phụ trợ Phật A Di Đà,

Đức Phật A Di Đà trụ thế chánh pháp thọ mệnh vô lượng kiếp, rồi nhập niết bàn. Sau đó rất lâu, chánh pháp suy yếu dần, đến nỗi bị diệt tận. Vào nửa đêm trước chánh pháp diệt tận, thì nửa đêm sau Bồ tát Quán Thế Âm thành Phật, có tên là Phổ Quang Công Đức Sơn Như lai, thọ trụ cùng chánh pháp, cũng đến vô lượng kiếp. Rồi cũng chờ đến nửa đêm trước chánh pháp bị diệt tận thì nửa đêm sau, Bồ tát Đại Thế Chí thành Phật, có tên là Thiện Trú Công Đức Bảo Vương Như lai. Vì thế, Phật A Di Đà là giáo chủ thế giới Tây phương cực lạc, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí làm hiếp thị (hầu sát cạnh) cho Phật, phụ trợ cho Phật A Di Đà chuyên lo giáo hóa chúng sinh.

Một vị Phật với hai vị Bồ tát ấy được tôn xưng là Tây phương tam thánh.

o0o

Bồ tát Quán Thế Âm, tên tiếng Phạn phiên âm Hán Việt là A Phược  Lư Tiếp Đề Thấp Phạt La, ngày xưa dịch là Quan Thế Âm hoặc Quán Thế Âm, dịch theo mới là Quán Thế Tự hoặc Quán Tự Tại. Truyền thuyết còn cho biết Bồ tát Quán Thế Âm là cổ Phật tái lai, vốn đã sớm tu tập thành Phật từ vô lượng kiếp trước, hiệu là Chánh Pháp Danh Như lai, nên gọi là Quán Thế Âm cổ Phật.

Nếu lấy việc Bồ tát thiết tha với chuyện tế độ chúng sinh, dốc tâm cứu khổ, bất ly tịch quang, đảo giá từ hàng, làm tả phụ cho Phật A Di Đà nơi thế giới cực lạc, lại là người đắc lực giúp Phật Thích Ca Mâu Ni nơi thế giới Ta bà, hóa độ cho lục đạo chúng sinh đều được sinh vào chốn Cực lạc. Vì các công đức ấy nên tại Trung Hoa có khẩu hiệu lưu truyền “nhà nhà Di Đà Phật, người người Quán Thế Âm”.

Ý nghĩa của danh xưng Bồ tát Quán Thế Âm có hai loại giải thích:

Thứ nhất: Kinh “Lăng Nghiêm – Quyển 6” giảng rằng phương pháp tu hành của Bồ tát Quán Thế Âm thời tối sơ là không để lọt tai tiếng bên ngoài mà hướng vào trong lắng nghe “văn tính của những gì có thể nghe được trong nhĩ căn của chính mình”. Vì thế nên đạt đến “động tĩnh nhị tướng, liễu nhiên bất sinh”. Chẳng những khác với nhĩ căn của loài người là nghe tiếng từ bên ngoài nên bị ngoại cảnh làm cho đảo điên chi phối hành động, làm nảy sinh phiền não tham sân, thọ ác, cấu thành ác nghiệp như giết người, trộm cắp, dâm dục, láo xược… sẽ bị khổ báo sinh tử luân hồi chi phối đời đời. Quán Thế Âm cũng quán sát phân tích tính hư vọng bất thực của các loại âm thanh nơi thế gian có thể không nên tiếp thu để thâm nhập vào cảnh đại giải thoát của như như bất động.

Thứ hai: Kinh “Pháp Hoa – Phổ môn phẩm” giảng:

“Có vô lượng bách thiên vạn ức chúng sinh phải chịu khổ não, họ nghe dạy là nếu dốc lòng thành gọi tên Bồ tát Quán Thế Âm thì Bồ tát quán được âm thanh ấy, tức thì họ được giải tội”.

Có nghĩa là chúng sinh nào gặp khi khổ não, chỉ cần nhớ đến Bồ tát Quán Thế Âm rồi chuyên tâm kiền thành niệm đến thánh hiệu Bồ tát thì Bồ tát nghe biết lời cầu khẩn của từng chúng sinh một và lập tức ra tay cứu tế cho từng người không bỏ một ai. Bồ tát quán triệt tất cả tiếng kêu cầu của chúng sinh nơi trần thế nên mời gọi là quán thế âm.

Kinh “Bi Hoa” cũng giảng:

“Phật Bảo Tạng thọ ký nói: Ngươi quán triệt chúng sinh, sinh đại bi tâm muốn chúng sinh cắt đứt mọi khổ não cho, muốn chúng sinh được an lạc, nay ta ban cho ngươi tên là Quán Thế Âm”.

Có thể đọc trong kinh “Hoa Nghiêm” dựa theo tự tu pháp môn quán âm mà nói thì từ Phổ môn phẩm trong kinh Pháp Hoa cho đến kinh Bi Hoa cũng đều nói rằng Bồ tát Quán Thế Âm chuyên việc hóa độ chúng sinh (độ tha).

o0o

Tại làm sao Quán Thế Âm còn gọi là Quán Tự Tại? Đó là căn cứ vào nguyên nghĩa của tên tiếng Phạn A Phược Lư Chức Thấp Để Phạt La. Từ này có nghĩa là Quán chiếu túng nhiệm hoặc có nghĩa là Quán trú, còn có nghĩa là Quán chiếu vạn pháp nhi nhiệm vận tự tại.

Đại sư Thái Hư giảng:

“Bởi vì Bồ tát Quán Thế Âm có trí tuệ bát nhã, chiếu kiến ngũ uẩn đều là không, nên có khả năng cứu khổ cứu nạn. Người bình thường vì chấp ngũ uẩn là thế giới, là ngã nên không có được khả năng chiếu kiến ngũ uẩn là không mà có tự, có tha, có ngã, có nhân. Nếu có khả năng chiếu kiến ngũ uẩn đều là không thì nhân ngã (ta, người) đều không thể tiêu trừ. Khi thực sự đạt đến độ không người không ta (vô nhân, vô ngã) thì mới có thế lấy khổ nạn của chúng sinh làm khổ nạn của mình, mới có khả năng thành được Vô ngã đại từ đại bi, mới có khả năng hình thành nhân cách vĩ đại đại công vô tư, mới phát huy được tác dụng cứu khổ cứu nạn”.

o0o

Liên quan với Bồ tát Quán Thế Âm, phần lớn trong kinh điển Phật giáo Đại thừa đều đề cập đến, kể cả trong kinh điển của cả hai phái Hiển giáo và Mật giáo, chứng tỏ cả hai phái Phật giáo Hiển giáo và Mật giáo đều coi trọng vị đại Bồ tát này. Trong thế giới Phật giáo Trung Hoa các kinh văn chữ Hán ví như “Pháp Hoa kinh - Phổ môn phẩm”“Tâm kinh”, hoằng dương và tụng trì Bồ tát Quán Thế Âm đặc biệt sâu rộng. Nội dung của “Phổ môn phẩm” trong kinh Pháp Hoa nêu trên thì viết nhiều về những chuyện thị hiện hóa tích của Bồ tát Quán Thế Âm cứu tế khổ nạn thực tế cho mọi chúng sinh bình thường trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Còn “Tâm kinh” thì viết về pháp môn tu hành của Bồ tát Quán Thế Âm, từ duyên sinh không tính của việc quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ mà chứng nhập lý thể cứu cánh, phát ra cái tâm đại từ đại bi với tinh thần cứu thế. Thậm chí trong các bảo tạng Phật giáo Trung Hoa còn lưu truyền rằng Bồ tát Quán Thế Âm sinh ra dân tộc Trung Hoa mà các nhà vua nổi tiếng, các vương cơ nổi tiếng cũng như các vị cao tăng, cũng đều là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Ban Thiền lạt ma là hóa thân của Phật A Di Đà. Đạt Lai Lạt Ma cũng là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Họ đều tin rằng thế giới như một đóa hoa sen, lạp tác tức ở trung tâm hoa sen nên có tên là Bố đạt lạp cung, là do tên tiếng Phạn văn bổ đát lạc ca mà ra. Trong nhà dân tại các địa phương có người Tây Tạng cư trú họ thờ “sáu chữ chân ngôn”“Ám ma ni bát di hồng”, họ cho rằng công hiệu của việc tụng 6 chữ chân ngôn ấy thì to lớn lắm không biết bao nhiêu mà kể. Căn cứ các sách về đạo Phật cũng như việc thị hiện sau này cho biết sách viết về Bồ tát Quán Thế Âm thi có nhiều loại. Giới thiệu chủ yếu như sau:

“Bi Hoa kinh” giảng rằng Bồ tát Quán Thế Âm là pháp thân đại sĩ ở Nhất Sinh Bổ Xứ nơi thế giới Tây phương Cực lạc, là thái tử thứ nhất trong số một ngàn người con trai của Chuyển luân thánh vương, là một vị đại Bồ tát thừa kế vị trí của Phật A Di Đà, và là Phật A Di Đà thời Nhân địa, đóng vai trò của Chuyển Luân thánh vương. Đại sĩ có danh hiệu là Bất Phi, sau khi xuất gia có hiệu là Quán Thế Âm, Bồ tát sẽ thành Phật sau Phật A Di Đà, hiệu là Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như lai. Bấy giờ Quốc thổ của Bồ tát Quan Thế Âm được gọi là “Nhất thiết trân bảo sở thành tựu thế giới”.

Các kinh từ kinh “Đại A Di Đà Phật”, kinh “Vô Lượng Thọ” cho đến kinh “Quán Thế Âm Thọ ký” đều giảng rằng Bồ tát Quán Thế Âm đứng hầu bên cạnh Phật A Di Đà thường trú tại thế giới cực lạc, tôn Phật A Di Đà làm thầy, đồng thời phụ với Phật A Di Đà giáo hóa chúng sinh..

Kinh “Quán Vô Lượng Thọ” giảng rằng Bồ tát Quán Thế Âm ở trong Bảo Quang, tôn kính Phật A Di Đà. Nếu có chúng sinh nào cầu nguyện xin được sinh vào thế giới cực lạc, thì sau khi chúng sinh ấy lâm chung sẽ được các thánh chúng là Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế Âm tay cầm đài sen tiếp dẫn chúng sinh đến thế giới ấy. Cho thấy đạo trường căn bản của Bồ tát Quán Thế Âm là thế giới cực lạc.

Trong kinh “Hoa Nghiêm” thuật chuyện đồng tử Thiện Tài trong quá trình Ngũ thập tam tham, có hỏi vị đại thiện tri thức thứ 28 về Bồ tát Quán Thế Âm thì vị đại thiện tri thức cho biết tại Nam Ấn Độ có ngọn núi tên là Bổ Đát Lạt Ca, có một vị Bồ tát ở trên đó, là Bồ tát Quán Tự Tại. Ngọn núi ấy ở ngoài biển khơi, kết thành từ nhiều loại châu báu, khắp nơi cây cối hoa quả xanh tốt sum suê, sông suối ao hồ, cảnh trí vô cùng tuyệt diệu. Bồ tát Quán Thế Âm ở đó ngồi thế kiết già, nhiều vị Bồ tát khác vây quanh ngài cung kính ngồi nghe Bồ tát Quán Thế Âm giảng pháp môn Đại từ đại bi.

Căn cứ vào ghi chép trong kinh “Thiên thủ Đà la ni”, thì Chánh Pháp Minh Như lai thuộc đời quá khứ hiện ra, là vị cổ Phật xuất hiện sớm nhất, vì hóa độ chúng sinh mà xuất hiện dưới thân một vị Bồ tát, cũng là một cách quyền biến, không phải là đạo trường cơ bản của vị cổ Phật ấy. Đức Phật Đà dùng toàn pháp giới quyền biến thập phương, thọ củng tam giới làm thể, xuất hiện Bồ tát thân là Bồ tát Quán Thế Âm.

Mật giáo hợp nhất Bồ tát Quán Thế Âm với Phật A Di Đà, cho rằng Bồ tát Quán Thế Âm là nhân tướng người của Đức Phật A Di Đà, còn Đức Phật A Di Đà là quả đức của Bồ tát Quán Thế Âm, nên tu trì theo pháp môn Di Đà. Người đời niệm công đức của thánh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, và niệm công đức của thánh hiệu A Di Đà Phật thì có thể tương phụ tương thành.

Vì hóa độ cho toàn thể rộng khắp mọi chúng sinh, Bồ tát Quán Thế Âm dùng đến 32 ứng thân trần sát. Kinh “Lăng Già – Quyển 6” viết:

“Nếu Bồ tát nào nhập Tam ma địa định, tu theo Vô lậu quả, thắng giải hiện viên, thì ta hiện ra Phật thân mà thuyết pháp, thì Bồ tát ấy mới được giải thoát. Nếu chúng sinh nào có được sở học tịch tĩnh diệu minh, thắng diệu hiện viên, thì ta đến trước mặt chúng sinh ấy, hiện tiếng nói của Thanh văn mà thuyết pháp thì chúng sinh ấy mới được giải thoát. Nếu chúng sinh nào muốn làm chủ trời thống lĩnh chư Thiên thì ta đến trước mặt chúng sinh ấy, hiện ra hình tượng của Đế Thích Thiên mà thuyết pháp thì chúng sinh ấy mới được giải thoát, mới được thành tựu. Nếu chúng sinh nào muốn thân mình được tự tại, du hành thập phương thì ta đến trước mặt chúng sinh ấy hiện ra thân Tự Tại thiên mà thuyết pháp thì chúng sính ấy mới được thành tựu. Nếu chúng sinh nào muốn thân mình được tự tại, phi hành trên không trung thì ta đến trước mặt chúng sinh ấy hiện ra thân Đại Tự Tại Thiên mà thuyết pháp thì chúng sinh ấy mới được thành tựu. Nếu chúng sinh nào ái thống quỷ thần, cứu hộ đất nước thì ta đến trước mặt chúng sinh ấy hiện ra một vị đại tướng quân mà thuyết pháp, thì chúng sính ấy mới được thành tựu”...  Căn cứ vào kinh “Pháp Hoa” bằng tiếng Phạn mới được phát hiện thì vào thời cận hiện đại chỉ có 16 ứng thân mà thôi. Số ứng thân nhiều ít khác nhau chẳng qua giữa truyền tụng và sự giản lược của người dịch thêm bớt mà ra, chẳng ảnh hưởng gì đến sự từ bi hóa hiện của Đức Quán Thế Âm. Đúng là:

“Thiên xứ kỳ cầu thiên xứ ứng

Khổ hải thường tác độ nhân chu.”

Thế cho nên, trong họa tượng Bồ tát Quán Thế Âm, phần nhiều thị hiện dưới hình tượng nữ thân.

o0o

Bồ tát Quán Thế Âm là nam hay là nữ? Đó là thắc mắc của nhiều người. Thực tế, Quán Thế Âm là nam giới. Sách “Bát thập Hoa Nghiêm” viết: “Dũng mãnh trượng phu Quán Tự Tại”. Thánh tượng Quan Âm ở Trung Hoa cũng là một vị đại trượng phu, nhưng từ thời nhà Đường trở về sau xuất hiện tượng nữ của Bồ tát Quán Thế Âm. Bồ tát Quán Thế Âm chuyên hóa độ chúng sinh thì có thể hiện các dạng người nam, và cũng có thể hiện các dạng phụ nữ. Suy cứu thì thấy rằng Bồ tát Quán Thế Âm thường thường thị hiện nữ thân vì 2 nguyên do như sau:

- Thứ nhất: Chúng sinh nào gặp nhiều khổ nạn hơn hết thì được quan tâm cứu tế hàng đầu. Trong xã hội thời phong kiến, địa vị phụ nữ rất thấp kém, phải chịu nhiều nỗi thống khổ. Bồ tát Quán Thế Âm đã lấy việc cứu vớt khổ nạn của chúng sinh làm mục đích, thì tất nhiên Bồ tát ưu tiên cứu khổ cho là phụ nữ, giới chúng sinh chịu khổ nạn nhiều nhất. Vì thế mà Bồ tát hiện thân thành một phụ nữ thì tính đồng cảm càng tác dụng nhiều hơn, mới hướng giới phụ nữ theo con đường tu học Phật pháp nhằm giải trừ các nỗi khổ mà được giải thoát vậy.

- Thứ hai: Nội tâm phụ nữ nhu hòa từ ái, Bồ tát Quán Thế Âm hiện ra dưới dạng phụ nữ đại từ đại bi, chẳng qua là dùng hình ảnh người mẹ yêu thương con cái để tịnh hóa rộng rãi khắp người đời. Người mẹ yêu thương thế gian thì rất có tác dụng, song phạm vi lại rất là nhỏ và còn bị hạn chế. Vì như, theo tục lệ lâu nay thì cha mẹ “nuôi con phòng già”, cho thấy trong  việc cha mẹ từ ái với con có vẻ vô điều kiện mà lại có điều kiện đấy thôi. Còn từ bi tịnh hóa của Bồ tát với người thế gian thì quảng đại vì từ bi với tất thảy các loại chúng sinh, chứ chẳng riêng một bộ phận chúng sinh nào, nên dưới dạng phụ nữ thì Bồ tát không bó hẹp trong tình cảm mẹ yêu con mà dùng tinh thần mẹ yêu con để từ ái với tất thảy chúng sinh đều được thoát khổ mà an lạc, đều được sinh ra mà không phải chết đi, đều được là đẳng chánh giác.

Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện dạng tướng phụ nữ, cũng là một loại tượng trưng, chứ không phải là thánh tượng của bản thân Bồ tát. Như tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn cũng là một loại thủ pháp tượng trưng. Thiên thủ tượng trưng cho đại bi nguyện lực của Bồ tát Quán Thế Âm lan tỏa khắp trong toàn vũ trụ để nhận lời cầu nguyện của tất cả chúng sinh cùng một lúc các loại cầu nguyện khác nhau. Thiên nhãn tượng trưng cho  trí tuệ vô hạn của Bồ tát Quán Thế Âm, cùng một lúc Bồ tát Quán Thế Âm biết hết những loại lời cầu nguyện khác nhau của chúng sinh trong toàn bộ vũ trụ, cũng đồng thời quyết định các phương pháp cứu tế cho mỗi loài chúng sinh khác nhau. Thế cho nên, Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn biểu trưng đại bi lựcđại trí lực của Bồ tát Quán Thế Âm. Đến lai lịch của tượng Bồ tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn, có rất nhiều loại truyền thuyết dân gian, chưa kể nghiên cứu thâm sâu của giới học thuật.

Nghiên cứu kinh “Đại bi tâm Đà la ni” thấy viết: Thời quá khứ, sau khi Bồ tát thọ trì “Đại bi chú” nơi Thiên Quang Vương Tĩnh Trú Phật thì ngài phát một đại nguyện:

“Kể từ dây, ta phải gánh vác chuyện lợi ích an lạc của tất thảy các loài chúng sinh, nguyện từ thân ta sinh ra đủ ngàn tay, ngàn mắt ngay lập tức”.

Khi phát ra đại nguyện này, quả nhiên từ thân Bồ tát sinh ra thiên thủ thiên nhãn. Quả thực đó cũng là tượng trưng của loại đại nguyện lực, đại trí tuệ vậy.

Trong trần thế, Bồ tát Quán Thế Âm linh cảm vô biên, thường xuyên ứng hiện độ hóa các loài chúng sinh. Theo lời kể, mỗi khi người ta niệm đến thánh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm thì có khi đại cảm đại ứng, có khi tiểu cảm tiểu ứng, không lần nào bỏ qua không ứng. Sách “Quán Thế Âm cảm ứng lục” viết về các việc ứng hiện của Bồ tát Quán Thế Âm gồm:

- Thứ nhất: Hiển cảm hiển ứng: Nếu người ta dốc lòng thành lễ niệm thì lập tức được phò hộ, từ hung hóa lành, từ khó thành may đến dứt hết nghiệp chướng, phước tăng trí sáng là vậy.

- Thứ hai: Minh cảm minh ứng: Nếu trong các đời kiếp trước từng dốc lòng tu hành, dù kiếp này chưa từng tu tập, nhưng nhờ đủ thiện căn thì cũng được phò hộ, chẳng biết chẳng cảm mà hết họa được phước, tiêu tận hết nghiệp chướng là vậy.

- Thứ ba: Minh cảm hiển ứng: Nếu trước kia từng lập được thiện căn, thì nay được giúp đỡ là vậy.

- Thứ tư: Hiển cảm minh ứng:  Nếu đời này dốc lòng tu tập, chẳng thấy có chuyện phò trợ, trong cõi minh minh kế thừa sức từ bi, thì hung rút đi, tốt liền đến, tiêu tận hết
nghiệp chướng là vậy.

- Thứ năm: Diệc minh diệc hiển cảm nhi hiển ứng: Nếu đời trước từng lập thiện căn, đời nay dốc lòng lễ niệm, cầu mong được phò trợ thì chuyển họa thành phước là vậy.

- Thứ sáu: Diệc minh diệc hiển cảm nhi minh ứng: Nếu đời trước từng lập được thiện căn, đời nay dốc lòng lễ niệm, trong cõi minh minh kế thừa sức từ bi thì gặt hái được các loại lợi ích là vậy.

Chính do bi nguyện rộng lớn sâu xa của Bồ tát Quán Thế Âm, cảm ứng quảng đại, cho nên trong Phật giáo sử truyền lại từ nhiều đời đến nay nhiều sự tích linh cảm và tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm được như thế không thể ghi hết được.

  (Dịch từ sách Tịnh Độ tông)

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6446857