BỐI CẢNH LỊCH SỬ VIỆT NAM
GIAI ĐOẠN PHÁI TÀO ĐỘNG RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN
CÙNG ĐẶC ĐIỂM TƯ TƯỞNG CỦA PHÁI TÀO ĐỘNG
Ở VIỆT NAM (ĐÀNG NGOÀI)
PGS.TS. TẠ NGỌC LIỄN*
1. Bối cảnh lịch sử
1.1. Giới hạn thời gian
Lấy mốc từ năm 1600 đến năm 1730, tức là trong khoảng thời gian Đệ nhất Tổ Nguyệt Thủy (họ Đặng) sinh (1636), học hành, thi cử, đi tu, sang Trung Quốc học Đạo, về nước, truyền thừa cho Tông Diễn, Tông Diễn hoằng đạo rồi viên tịch, tổng cộng 130 năm.
1.2. Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, tinh thần, tư tưởng
1.2.1. Tình hình chính trị
- Năm 1600, Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng, xây dựng một vương quốc riêng, thoát khỏi ràng buộc của vua Lê, chúa Trịnh.
- Ở Đàng Ngoài, từ sau khi Trịnh Tùng đánh bại nhà Mạc, lấy lại Thăng Long, khôi phục vương triều Lê năm 1592, quyền lực điều hành đất nước trên thực tế nằm trong tay các chúa Trịnh [Trịnh Tùng (1570-1623), Trịnh Tráng (1623-1657), Trịnh Tạc (1657-1682), Trịnh Căn (1682-1709), Trịnh Cương (1709-1729)]. Vua Lê chỉ làm vì.
- Cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài 45 năm, từ 1627 đến 1672.
- Những cuộc chống phá của dư đảng họ Mạc.
Tất cả các biến cố chính trị được tóm lược trên, đã tác động vào tư tưởng, tâm lý mọi tầng lớp nhân dân đương thời, nhất là đối với tầng lớp quan liêu, trí thức, mà vấn đề nổi lên khiến người ta suy nghĩ nhiều nhất, có lẽ là “đạo trung quân” và ý nghĩa cuộc đời.
1.2.2. Tình hình kinh tế:
Vào thế kỷ XVII-XVIII, ở Đàng Ngoài kinh tế công thương nghiệp phát triển mạnh. Việc khai thác các mỏ đồng, bạc, thiếc, vàng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Các nghề thủ công (nhà nước và dân gian) phát triển sôi động. Việc giao lưu buôn bán gồm nội thương, ngoại thương rất sầm uất. Các đô thị Thăng Long, Phố Hiến (Hưng Yên) là trung tâm thương mại hàng đầu ở Đàng Ngoài.
1.2.3. Đời sống tinh thần, tư tưởng:
- Nho giáo: Vẫn là hệ tư tưởng chính thống của vương triều. Con đường tuyển chọn quan chức vào bộ máy chính quyền chủ yếu vẫn thông qua khoa cử với các khoa thi, được tổ chức theo chế độ của nhà Lê trước.
- Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng thờ Thành hoàng:
Xã hội nước ta thời Lê Trung hưng nhìn chung đã dần đi vào ổn định và sự phát triển kinh tế khá thịnh vượng đã có tác động tích cực đối với đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện rõ ở việc xây dựng, tu bổ chùa, quán, đình, đền diễn ra khắp nơi, để lại dấu ấn đậm nét qua nhiều thắng tích, nhất là qua văn bia, chuông, khánh thời Lê – Trịnh còn giữ được đến ngày nay.
Nếu thống kê số lượng văn bia ghi về việc tu bổ, tân tạo chùa chiền từ năm 1600 đến năm 1730, có khoảng 400 tấm bia (ở Đàng Ngoài) mà đại bộ phận là văn bia ở thế kỷ XVII[1]. So với thế kỷ XV-XVI, số lượng văn bia chùa ở thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, nhiều gấp bội.
Muốn tạo một tấm bia chùa thì phải có tiền của mua đá, vận chuyển về nơi dựng bia, thuê thợ khắc chữ, trang trí… Rõ ràng đời sống kinh tế có sung túc mới làm được công việc đó.
Khi nói đến sự hưng thịnh của Phật giáo ở thế kỷ XVII-XVIII, không thể tách khỏi sự phát triển kinh tế đương thời.
Kinh tế phát triển, Phật giáo phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh, trước hết là tôn giáo, tín ngưỡng, một hiện tượng văn hóa luôn song hành với con người.
Phái Thiền Tào Động đã được đưa về Việt Nam trong bối cảnh lịch sử như vậy.
2. Thử nhận diện đặc điểm tư tưởng của tông Tào Động Việt Nam từ Nguyệt Thủy đến Tông Diễn
Theo Thiền Uyển kế đăng lục và Tào Động Nam truyền Đệ nhất Tổ sư ngữ lục thì Hòa thượng Thủy Nguyệt Thông giác được Hòa thượng Nhất Cú Trí Giáo, Tổ của Tào Động tông Trung Quốc truyền cho làm Tổ chính tông Tào Động và trở về nước khai đạo, mở ra phái Tào Động ở Việt Nam (Đàng Ngoài). Vì vậy khi nghiên cứu tư tưởng của Tào Động Việt Nam thì cần hiểu biết về nguồn gốc Tào Động Trung Hoa ở phương diện triết học.
2.1. Tư tưởng của Tào Động Trung Hoa
Khi nghiên cứu tư tưởng triết học của Tào Động Trung Hoa tính từ Thanh Nguyên Hành Tư (học trò Lục Tổ, tức Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa) đến Nhất Cú Trí Giáo (thế kỷ XVII), các học giả Trung Quốc đều nêu lên hai điều cốt lõi:
2.1.1. Tông Tào Động có phương thức thuyết giáo là “Ngũ vị quân thần” (五 位 君 臣):
- Chính trung thiên (正 中 天): quân vị (君 位)
- Thiên trung chính (天 中 正): thần vị (臣 位)
- Chính trung lai (正 中 来): quân thị thần (君 视 臣)
- Thiên trung chí (天 中 至): thần hướng quân (臣 向 君)
- Kiêm trung đáo (兼 中 到): quân thần hợp (君 臣 合).
Mối quan hệ “Ngũ vị quân thần” nếu phân tích, giải thích thì thấy nó rất phức tạp, thần bí, khó hiểu.
Các học giả Trung Quốc cho rằng, trong “Ngũ vị quân thần”, bản thể của tinh thần là “quân” (thể 体) và “bản thể” hiển hiện ra hiện tượng (ảo tướng, giả tướng) được gọi là “thần” (dụng 用).
2.1.2. Tào Động là một trong 5 phái Thiền tông. Tư tưởng triết học của Tào Động căn bản vẫn là tiếp thu tư tưởng của Thiền tông, phủ nhận sự tồn tại của thế giới vật chất, coi mọi sự vật chỉ là “ảo tướng”, đề cao thực thể tinh thần, chỉ thừa nhận Phật tính, Chân như, xem đó là căn nguyên của “vạn pháp”.
2.2. Đặc điểm của tư tưởng phái Thiền Tào Động Việt Nam
2.2.1. Tư tưởng của Tổ thứ nhất: Hòa thượng Nguyệt Thủy:
Hòa thượng Nguyệt Thủy sang tận Trung Quốc (năm Ất Tỵ 1665 đến Hồ Châu) học đạo với Tổ thứ 35 của tông Tào Động là Nhất Cú Trí Giáo và được kế đăng trở về nước thành Tổ sư của tông Tào Động Việt Nam (Đàng Ngoài). Vì vậy, tìm hiểu tư tưởng của ngài chính là tìm hiểu tư tưởng của tông Tào Động Việt Nam.
Theo sách Tào Động Nam truyền Đệ nhất Tổ sư ngữ lục, thì Hòa thượng Nguyệt Thủy vốn xuất thân Nho học, đã thi đỗ Hương cống (thời Nguyễn gọi là Cử nhân), sau bỏ nghiệp Nho, theo đạo Phật, đi tu. Năm 28 tuổi, ngài xuất ngoại thụ nghiệp ở Hòa thượng Nhất Cú Trí Giáo.
Trong tờ Khải gửi lên Nhất Cú Trí Giáo để xin được thụ giáo, Hòa thượng Nguyệt Thủy có viết: “Cử bổng hồi đầu nhi kiến tính. Đắc chứng ngộ Bồ Đề chi quả” (Quay đầu lại thấy tính, chứng ngộ được Chính giác).
Như vậy, trước khi học đạo với Nhất Cú Trí Giáo, Hòa thượng Nguyệt Thủy đã nắm được yếu chỉ Kiến tính thành Phật của Thiền tông ở Việt Nam, thịnh vượng nhất vào đời Trần với Thiền phải Trúc Lâm Yên Tử.
Trong bài Kệ trình lên Nhất Cú Trí Giáo, nói lên kết quả tu nghiệp của mình, Hòa thượng Nguyệt Thủy viết:
“Viên minh thường tại thái hư trung,
Cương bỉ mê vân võng khởi lung
Nhất đắc phong suy vân tứ tán
Hằng sa pháp giới chiếu quang thông”
(Vầng tròn sáng trong thường ở giữa trời
Tri giác như đám mây mù lầm tưởng dấy lên từ cái lồng cứng kia
Một trận gió thổi mây tan ra bốn phía
Chiếu sáng suốt cả muôn vàn bản tính chúng sinh).
Cũng như các nhà Thiền học khác, Hòa thượng Nguyệt Thủy đã dùng ngôn ngữ hình tượng văn học so sánh tình huống “vân tứ tán” để khẳng định đã đạt được tới “không còn cảnh giới”, “không còn người”, nghĩa là đã hoàn toàn phóng bỏ nhị chấp “ngã”, “pháp”.
Theo rõi lộ trình của Hòa thượng Nguyệt Thủy khi đã về nước, thấy ngài từng đến Côn Sơn, nơi Tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Huyền Quang khai hóa, có lúc lên núi Yên Tử để ngồi Thiền, có lúc đến chùa Quỳnh Lâm giảng luật. Và cuối cùng Hòa thượng Nguyệt Thủy về Nhậm lĩnh, tức chùa núi Nhậm (Nhẫm) Dương, rồi hóa ở đó. Chùa Nhậm (Nhẫm) Dương (có tên Thánh Quang) được xây dựng thời Trần.
Qua đây chúng ta có thể nói tư tưởng cũng như hành trang của Hòa thượng Nguyệt Thủy trước sau vẫn gắn bó chặt chẽ với Thiền môn truyền thống Việt Nam, đặc biệt là dòng Thiền Trúc Lâm đời Trần.
Thiền tông Việt Nam đời Trần vốn mang cả ảnh hưởng của yếu tố Lâm Tế với phương pháp giác ngộ bằng quát hét, nhưng là chịu ảnh hưởng gián tiếp. Hòa thượng Nguyệt Thủy lặn lội sang tận Trung Quốc theo học trực tiếp Tổ của Tào Động rồi đưa Tào Động về nước, lập thành môn phái riêng:
“Sơn thủy thanh hề, cảnh thắng hề
Nam thiên biệt chiếm nhất Tào Khê”
Chúng ta đã biết tông Tào Động có nguyên tắc (hoặc phương thức thuyết giáo) riêng là “Ngũ vị quân thần”, tức là mối quan hệ giữa “thể” (bản thể, chân như) và “dụng” (hiện tượng).
Các nhà nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Trung Quốc chia những người học Thiền Tào Động làm bốn hạng khác nhau theo khả năng:
- Hạng thừa nhận bản thể (chân như) nhưng lại không rõ về hiện tượng (sự vật, dụng), Tào Động gọi là “chính trung thiên”, yêu cầu người học từ thể dựng lên dụng.
- Hạng thừa nhận hiện tượng là giả, song lại không rõ được, qua hiện tượng tiến tới tìm bản thể (chân như) của Phật, Tào Động gọi là “thiên trung chính”, yêu cầu người học từ dụng trở về thể.
Hai hạng người này ở giai đoạn bước đầu nhập môn học Phật.
- Hạng người thừa nhận có bản thể (chân như) rồi tự mình khai mở, nỗ lực từ thể đến dụng, Tào Động gọi là “quân thị thần” (“chính trung lai”).
- Hạng người thừa nhận hiện tượng là giả và tận lực qua ảo tướng đi tìm bản thể tinh thần, Tào Động gọi là “thần thị quân” (“thiên trung chí”).
Hai hạng người này ở giai đoạn khá cao sau khi nhập môn học Phật. Nhưng cả bốn hạng người nêu trên đều mang tính phiến diện. Chỉ có được lý tưởng chính xác khi nắm được mối quan hệ đối đãi giữa hiện tượng và bản thể, Tào Động gọi là “kiêm trung đáo”, nghĩa là “quân thần hợp”.
Sau những năm tháng học tập Phật pháp theo tông Tào Động, Hòa thượng Nguyệt Thủy đã nắm trọn được tính toàn diện, đạt tới giai đoạn cao nhất về nhận thức “quân thần hợp” và được sư Tổ Nhất Cú Trí Giáo khen: “Đây là con cháu giỏi của gia phong Tào Động, cho người pháp danh là Thông Giác nối dòng chính của ta” (Thiền uyển kế đăng lục).
Ở Việt Nam, khi biết Hòa thượng Tông Diễn đã nắm được muôn pháp, Tổ Nguyệt Thủy bảo: “Tông Tào Động hợp với quân thần, nối hưng thịnh dòng pháp ta, vì thế đặt cho ngươi là Tông Diễn”.
Đây là câu phát ngôn duy nhất về “Ngũ vị quân thần” của Đệ nhất Tổ Tào Động Nam truyền. Nói chung, nguyên tắc “Ngũ vị quân thần” của Tào Động không thấy được luận bàn ở nước ta, kể cả Đệ nhị Tổ Tông Diễn.
2.2.2. Tư tưởng của Tổ thứ hai Tào Động Việt Nam: Hòa thượng Tông Diễn.
- Tư tưởng triết học của Hòa thượng Tông Diễn căn bản vẫn là tư tưởng Thiền tông, thể hiện rõ nhất ở bài Kệ trình lên Tổ Nguyệt Thủy:
“Ưng hữu vạn duyên hữu
Tùy vô nhất thiết vô
Hữu, vô câu bất lập
Nhật cảnh bản đương bô”
(Thiền uyển truyền đăng lục)
Có thể diễn giải ý tứ bài Kệ của Tông Diễn như sau: Nếu bằng lòng “hữu” thì sẽ có vạn mối ràng buộc, nương nhờ. Nếu theo “vô” (không có tồn tại của sự vật) thì hết thảy là “vô”. “Hữu” và “vô” đều không đứng được. Khi mặt trời sáng vốn là đang xuống chỗ hang buồn thảm.
Đây là sự phủ định triệt để cả “hữu” và “vô” của triết học Thiền Tông. Tư tưởng Thiền ở Tông Diễn còn được phản ánh qua việc ngài chuyên tâm giảng Kinh Kim Cương, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa.
- Nói đến Hòa thượng Tông Diễn có lẽ phải nói tới công lao của ngài trong việc phát triển, mở rộng ảnh hưởng tông phái Thiền Tào Động ở nước ta: Thuyết pháp giảng kinh trong cung vua, phủ chùa, tu bổ xây dựng chùa chiền, san khắc Kinh…
Dấu ấn hoằng pháp của Đệ nhị Tổ Tông Diễn tại Thăng Long rất sâu đậm, trong đó có việc ngài vâng lệnh triều đình sùng tu chùa Hồng Phúc, tức chùa Hòe Nhai.
Tương truyền, chùa Hồng Phúc có từ thời Lý, tọa lạc ở phường Hòe Nhai nên có tên gọi là chùa Hòe Nhai. Từ sau khi Hòa thượng Tông Diễn đứng ra điều hành công việc tu sửa Hồng Phúc tự, nơi đây trở thành thiền viện chính của phái Tào Động.
Theo văn bia chùa Hòe Nhai thống kê các vị sư Tổ của tông Tào Động, tính từ Tổ thứ nhất là Hòa thượng Nguyệt Thủy và Tổ thứ hai là Hòa thượng Tông Diễn trở đi, có 46 vị Tổ và 1 vị Hòa thượng thứ 47.
Nhìn lại hành trạng Hòa thượng Tông Diễn trong cuộc đời ngài, có thể so sánh ngài với Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa trong sự nghiệp quảng khoát Phật pháp đời Trần.
Trước khi kết thúc bản tham luận này, tôi muốn nói đến một sự kiện ghi trong Tào Động Nam truyền đệ nhất Tổ sư ngữ lục: Vào năm Vĩnh Trị (1676-1680, đời vua Lê Hy Tông), có lệnh triều đình, tất cả các phủ, huyện, châu, quận, ở đâu có tăng ni trụ trí thì đều đuổi hết vào rừng.
Tôi đã đọc lại Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… chưa tìm thấy ở đâu nói tới chuyện này. Đây cũng là vấn đề cần xác minh thêm. Nhưng như tôi trình bày ở phần trên vào thế kỷ XVII, số chùa chiền được tu tạo nhiều nhất trong thời Lê. Nghĩa là trên thực tế, vào giai đoạn này Phật giáo phát triển mạnh mẽ khắp nơi ở Đàng Ngoài, không hề bị ngăn cấm, nhất là ở Thăng Long, các ngôi chùa nổi tiếng đều có đóng góp của giới hoàng tộc (đặc biệt người họ Trịnh) trong việc trùng tu, tân tạo, như chùa Báo Thiên, chùa Khán Sơn, chùa Trấn Quốc…
Một nhận định khác về vai trò, vị trí của Tào Động cũng cần được xem lại, đó là ý kiến cho rằng: “Tào Động là Thiền phái của bình dân. Thiền Tào Động được thâm nhập vào đại đa số dân chúng, nên gọi là thứ dân Thiền…”[2].
Chúng ta đều biết triết học Thiền rất cao siêu, chuyên luận về bản thể, về thế giới tinh thần… không hề dễ hiểu. Nguyên tắc “Ngũ vị quân thần” trong Thiền Tào Động cũng hết sức thần bí. Người bình dân không tiếp thu được như tiếp thu Tịnh Đậu Tông.
Nhìn vào quá trình hoằng pháp của Đệ nhị Tổ Tào Động Tông Diễn sẽ thấy rõ, ngài giảng Kinh, luật cho vua, chúa, quan liêu trong triều đình nghe, những năm tháng ở Thăng Long ngài gắn bó với cung đình, lưu trụ ở các ngôi chùa mang dấu ấn quốc gia như chùa Khán Sơn, chùa Báo Thiên… Sau khi viên tịch, Hòa thượng Tông Diễn được ngự ban tên thụy Đại Thừa Bồ Tát. Lễ tang được tổ chức long trọng, sá lỵ được đưa về một tháp ở đỉnh núi Nhẫm Dương, một tháp ở núi Hạ Long.
Tất cả những điều đó minh chứng Thiền Tào Động là một Thiền phái trí thức cao siêu, không phải ai cũng nhập Thiền môn này được.
* Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXHVN.
[1]. Theo “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam”. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
[2] Vài nét về Thiền phái Tào Động trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”. Wesite Trái tim từ bi.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết