Thông tin

BỐN Ý CHÂN THẬT NHẤT TRONG NỘI TÂM

 

VU GIA

 

Tinh thần “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông được sống lại khi đấtnước bị họa xâm lăng, và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thể hiện rõ nét nhất.

Lịch sử Phật giáo qua hơn 2.500 năm tồn tại và phát triển là nhờ vào các sứ giả Như Lai tùy duyên hóa độ, dùng đèn trí tuệ từng bước phá tan đám mây đen hắc ám vô minh của chúng sinh với tinh thần mang lại hạnh phúc cho mọi người là mang lại hạnh phúc cho mình. Đức Thích Ca từng dạy: “Có bốn vô lượng. Hỡi các tỉ-khâu, một người tràn đầy tâm từ (bi, hỉ, xả) sẽ phóng tâm đó đi một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, rồi phía trên, phía dưới, xung quanh mình. Người đó phóng tâm đi khắp thế giới, chiếu rọi khắp nơi với tâm từ (bi, hỉ, xả), tâm thức vô lượng vắng bóng sân hận và phiền não”. Do đó, tùy vào hoàn cảnh, tùy vào nghiệp duyên trên bước đường hoằng hóa của các sứ giả Như Lai mà Phật giáo có nhiều tông phái, hệ phái ra đời, và ở Việt Nam cũng thế.

Tinh thần yêu nước trong mỗi con người

Sau Pháp nạn 1963, các tông phái, hệ phái Phật giáo ở miền Nam tiến hành vận động thống nhất để chánh pháp được trường tồn, và năm 1964 đã hình thành nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Thời điểm này, cuộc chiến tranh ở miền Nam đã bước vào giai đoạn khốc liệt hơn. Chính trường miền Nam rối ren, hết cuộc đảo chánh quân sự này tới cuộc đảo chánh quân sự khác. Quân đội Việt Nam Cộng hòa từng bước bị đẩy khỏi nhiều vùng nông thôn, lui về phòng ngự co cụm ở các vùng đô thị.

Tới năm 1964, trước việc chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày càng lâm vào thế yếu và có nguy cơ sụp đổ bất chấp sự hỗ trợ khổng lồ của Hoa Kỳ. Đặc biệt là, việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hỗ trợ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam về mọi mặt, khiến Mỹ phải đề ra một chiến lược mới – Chiến tranh cục bộ. Mỹ trực tiếp đem quân viễn chinh tới Việt Nam để tham chiến, chấm dứt sự can thiệp hạn chế ở mức cung cấp viện trợ và cố vấn như trong các giai đoạn trước đó.

Lúc này, nhân dân Việt Nam càng thấy rõ hơn ý đồ xâm lược của ngoại bang. Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc được viết từ thế kỷ XI khi đánh quân Tống xâm lược, đã khẳng định: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Nước Nam đã có vua rồi/ Đã định đành rành ở sách trời), và cảnh cáo bọn người xâm lược:“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư”(Bọn giặc cớ sao xâm phạm tới/ Rồi đây bây sẽ bị tơi bời). Và lời hịch xuất quân trong lễ “thệ sư”, tiến quân ra Bắc đánh bọn giặc Thanh xâm lược của Hoàng đế Quang Trung trong đêm trừ tịch năm Mậu Thân (1788), cứ như vang vọng trong trí não nhiều người: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri, Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”(Đánh để vẫn giữ được phong tục tập quán (được để tóc dài, được nhuộm răng đen. Đánh cho nó, một chiếc xe để chạy về nước cũng không có. Đánh cho nó, một mảnh giáp cũng chẳng còn. Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng là có chủ).

Tinh thần “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” bàng bạc trong máu thịt của mỗi người dân Việt. Nhiều tu sĩ của nhiều tôn giáo nghe theo tiếng gọi non sông đã vào cứ, vào bưng biền tham gia đánh giặc cứu nước.

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền ra đời lúc nào?

Theo Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX (T.1, Thành hội Phật giáo TPHCM ấn hành, 1995), Thích Đồng Bổn cho biết: “Năm Kỷ Dậu (1969), hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử hợp thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, để huy động lực lượng đảm nhiệm vai trò mới”1.

Trang mạng Phật giáo – Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viết: “Năm 1969, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN) được thành lập, Đại hội Đại biểu GHPGCT Việt Nam đã suy cử Hòa thượng Thích Minh Đức làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Chùa Thiên Tôn là trụ sở của T.Ư GHPGCTVN”2.

Trang mạng Phật giáo Long An, ngày 04-01-2017, có bài trả lời câu hỏi của bạn đọc: “Xin cho biết về Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử”, như sau:

“Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ra đời vào năm 1952 do Hòa thượng Thiện Tòng chùa Trường Thạnh (quận 1) làm tăng trưởng. Đây là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa Liên Xã (1920). Tại Nam Bộ, Tăng sĩ yêu nước có hoài vọng tập họp “chư sơn thiền đức”, mục đích của giáo hội nhằm tập họp tăng sĩ vào một tổ chức để duy trì nền tảng Phật giáo cổ truyền, sống theo 6 phép Lục Hòa của tinh thần Phật giáo. Điều 2 của Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam cho biết nguyên nhân thành lập giáo hội nhằm “duy trì nền tảng cổ truyền và thực hiện nền giáo dục Phật lý để dìu dắt nhân sinh sống theo 6 phép Lục Hòa mà nghìn xưa Đức Phật đã dạy”. Mặt khác, còn một mục đích quan trọng hơn, chính là do tình hình giặc Pháp lúc bấy giờ khủng bố mạnh, một số tăng sĩ về phụ trách Phật giáo cứu quốc trong Mặt trận Liên Việt các tỉnh, nên lập Giáo hội Lục Hòa Tăng chính là nhằm để giữ vững tổ chức và người, nhằm đối phó với âm mưu lợi dụng tôn giáo của Pháp. Hòa thượng Bửu Ý, vị tăng sĩ tham gia trong phong trào kháng chiến chống Pháp, cho biết “Sở dĩ giáo hội ra đời là vì năm 1949 Ban chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng xét thấy tình hình khó khăn do giặc Pháp khủng bố, lúc bấy giờ tôi là Ủy viên phụ trách Phật giáo cứu quốc Sài Gòn – Gia Định, bấy giờ quý cụ như Hòa thượng ở chùa Trường Thạnh, Phật Ấn, Long An, Long Quang, Giác Viên… âu lo, âm thầm lặng lẽ hoạt động cốt yếu là giữ tổ chức, và người…”.

Đến năm 1957, giáo hội mới chính thức được chính quyền chấp thuận và có điều lệ. Văn phòng giáo hội đặt tại chùa Trường Thạnh. Giáo hội cũng có một trường học mang tên Phật học đường Lục Hòa, được xây dựng cạnh chùa Giác Viên (quận 11) do Thượng tọa Huệ Chí làm giám đốc và một tạp chí lấy tên là Phật học tạp chí, tòa soạn đặt tại chùa Phật Ấn (quận 1) do Hòa thượng Thành Đạo làm chủ nhiệm và Thượng tọa Huệ Chí làm chủ bút.

Bên cạnh tổ chức giáo hội dành cho Tăng sĩ, Hội cũng thành lập thêm một tổ chức của cư sĩ Phật tử, đó là Hội Lục Hòa Phật tử vào năm 1954, trụ sở đặt tại chùa Long Vân (Gia Định). Mục đích chính của Hội nhằm chăm lo tốt đời sống các Phật tử có tuổi, giúp đỡ họ được chu tất khi qua đời. Hội cũng có một nghĩa trang tại Gò Dưa (Thủ Đức).

Năm 1963, sau cuộc đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử và nhân dân lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Hòa thượng Huệ Thành, chùa Long Thiền (Đồng Nai) đã đứng ra hợp nhất hai tổ chức này lại thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Văn phòng giáo hội đặt tại chùa Giác Lâm (quận Tân Bình).”3

Qua ba tài liệu trích dẫn này, không biết tài liệu nào đúng nhất. Nhưng có thể khẳng định một điều là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền được thành lập sau Pháp nạn 1963.

Tinh thần “Cư trần lạc đạo

Theo trích dẫn ở trên: “Năm Kỷ Dậu (1969), hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử hợp thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, để huy động lực lượng đảm nhiệm vai trò mới”. Vậy “vai trò mới” là vai trò gì?

Trí Bửu, nguyên thị giả, đồng thời là Thư ký của Hòa thượng Bổn sư Thích Bích Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo giáo hội phật giáo cổ truyền việt Nam theo hầu hòa thượng bổn sư, đã nhiều lần làm việc, hội họp cũng như hầu Hòa thượng Thích Minh Đức, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại chùa Thiên Tôn trong khoảng thời gian 1969 đến ngày Hòa thượng Thích Minh Đức viên tịch (1971), kể:

“Theo thư tịch: Chùa Thiên Tôn ngày xưa là chùa Giác Hoàng, do Hòa thượng Thích Minh Đức (1903-1971), đệ tử của Tổ Huệ Đăng, khai sơn vào năm 1947, tại bến đò Cây Keo, Bến Hàm Tử, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 5, quận 5, TPHCM.

Năm 1952, chùa Giác Hoàng dời về số 9 đường An Bình (địa chỉ hiện nay là số 117/3/2 đường An Bình), phường 6, quận 5, TPHCM. Năm 1954, nhân dịp lễ lạc thành và an vị Phật, Tổ khai sơn an danh là chùa Thiên Tôn.

Điểm đặc biệt của chùa Thiên Tôn là trong hai thời kỳ kháng chiến đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, chùa Thiên Tôn luôn đồng hành cùng dân tộc, là cơ sở an toàn của Đặc Khu ủy Sài Gòn – Gia Định.

Chùa có phòng thuốc nam từ thiện để chữa bệnh cho dân và che mắt địch. Chùa xây hầm bí mật và tổ chức bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng về ăn ở, hội họp và làm việc, như ông Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam), ông Huỳnh Tấn Phát, ông Võ Văn Tuấn, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (cố Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVM), Hòa thượng Thích Thiện Hào… Chùa cũng là cơ sở của Ban Trí vận Khu ủy, tiếp đón ông Nguyễn Hữu Thọ và các nhà trí thức yêu nước.

Năm 1960, cơ sở bị địch lục soát, theo dõi gắt gao, Đặc Khu ủy Sài Gòn – Gia Định và Ban Trí vận Khu ủy được dời đi nơi khác. Tuy vậy, chùa Thiên Tôn vẫn là cơ sở hoạt động cách mạng. Hòa thượng Thích Minh Đức – trụ trì chùa, tham gia Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo lãnh đạo các phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm, tiếp tục vận động tài chính, thuốc men, vật dụng chuyển vào chiến khu ủng hộ kháng chiến. Chùa còn là cơ sở nòng cốt, tích cực ủng hộ tài chính cho Liên quận 5, quận 7 và quận 8. Thượng tọa Thích Nhật Quang tiếp tục quản lý phòng thuốc nam từ thiện để chữa bệnh cho dân nghèo, đồng thời làm bình phong che mắt địch, tạo điều kiện thuận lợi giúp cán bộ cách mạng lui tới hoạt động”4.

Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX (T.1) còn cho biết “vai trò mới”, khi Hòa thượng Thích Minh Đức cùng với các pháp lữ thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là “Cùng năm này (1969), tại chùa Thiên Tôn, ngài mở ra Phật học viện Minh Đức và tổ chức Đại hội thành lập Tổng Đoàn Thanh niên Tăng Ni. Trụ sở được đặt tại chùa này cho đến năm 1975. Tổng Đoàn này trực thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền, có nhiệm vụ “chống Mỹ cứu nước””5.

Qua những thông tin này, không ít người không mấy đồng tình, vì cho rằng tôn giáo đã xen vào chính trị. Nhưng với tôi, đây là tinh thần “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Như chúng ta đã biết Trần Nhân Tông (lên ngôi 1278-1293, nhường ngôi cho con (Trần Anh Tông), làm Thái Thượng hoàng cho đến lúc mất - 1308). Ông đã 2 lần trực tiếp lãnh đạo và mặc chiến bào đánh thắng giặc Nguyên Mông (lần thứ hai: 1285, lần thứ ba: 1287-1288). Sau khi nhường ngôi cho con, ngài xuất gia đầu Phật, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm, nhưng vẫn không “cắt ái lìa gia”. Mùa hạ, ngày 12 tháng 4 năm Kỷ Hợi (1290), ngài âm thầm trở về kinh sư, chỉ mấy cung nhân biết mà theo hầu hạ. “Các quan trong triều không ai biết cả, vua thì uống rượu xương bồ say khướt. Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện, từ giờ Thìn đến giờ Tỵ”6.

Tỉnh rượu, vua Trần Anh Tông nghe cung nhân tâu lại mới hốt hoảng, vội vã chạy đến dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng bảo với vua: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”7.

Đó là việc nhà, còn việc nước thì tháng 8 năm Giáp Ngọ (1294), “Thượng hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt người và súc vật nhiều không kể xiết”8. Công trạng lớn nhất đối với dân tộc của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã làm trong những năm cuối đời là giúp dân tộc mở mang bờ cõi về phương Nam không phải bằng xương máu mà bằng tấm lòng Bồ tát. Mùa hạ, tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), “gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân. Trước đây, Thượng hoàng vân du sang Chiêm Thành đã hứa gả rồi”9. Và mùa xuân, tháng giêng năm Đinh Mùi (1307), nhà Trần “đổi hai châu Ô, Lý (đất sính lễ - V.G) thành châu Thuận và châu Hóa. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó”10.

Một khi đã bước vào cửa Không thì không phải ai cũng “Cư trần lạc đạo” như Trần Nhân Tông được, bởi muốn làm được điều ấy phải là người có đại nghị lực, đại trí tuệ. Hầu hết, những người xuất gia đầu Phật đều cắt ái lìa gia, cố gắng giữ vững bản tâm mặc dòng đời biến động, bởi dẫu sao trời cũng trời này, đất cũng đất này, thế gian cũng thế gian này,… nhưng dòng máu Lạc Hồng vẫn luân lưu trong huyết quản, nên tính dân tộc luôn cuộn trào trước họa xâm lăng.

Sinh đã tận, lậu đã tận…

Kinh Dược Sư (Tuệ Nhuận dịch), có viết khi Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai còn đương hành đạo Bồ tát, ngài đã phát ra 12 đại nguyện, khiến cho hữu tình cầu gì cũng được, trong đó:

“NGUYỆN LỚN THỨ MƯỜI

Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, nếu những hữu tình bị pháp luật bắt trói buộc, đánh đập, giam cầm lao ngục hoặc bị tử hình, và còn rất nhiều tai nạn khác nữa lấn hiếp nhục nhã lo sầu nung nấu, thân tâm chịu khổ, nếu mà được nghe danh hiệu của ta, được giải thoát hết thảy đau khổ”11.

Nhưng Pháp nạn 1963, nếu không có các tu sĩ cùng Phật giáo đồ xả thân cho đạo pháp, không có sự ủng hộ của các tôn giáo bạn, thì chính thể Đệ nhất cộng hòa không thể nào bị lật đổ, và thực sự “được giải thoát hết thảy đau khổ” dưới chế độ độc tài gia đình trị.

Trong Kinh Dược Sư, Đức Phật xác nhận 12 đại nguyện ấy của ngài Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, và còn nói với Man Thù Sư Lợi: “Nếu có nước khác xâm lấn quấy rối, giặc cướp phản loạn thì người cung kính niệm Đức Phật kia, cũng đều giải thoát”12.

Sự “giải thoát” ở đây là muốn nói người cung kính niệm Phật Dược Sư sẽ được giải thoát về thế giới Tịnh Lưu Ly của ngài, hay đất nước bị xâm lấn sẽ giành được độc lập tự do, bọn giặc xâm lấn, giặc cướp phản loạn tự dưng tan rã?

Chắc với suy nghĩ ấy, nên không ít tu sĩ Phật giáo thời kỳ này tiếp tục giúp đỡ cách mạng cùng chống xâm lăng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập.

Nhìn chung, tinh thần “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông được sống lại khi đất nước bị họa xâm lăng, và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thể hiện rõ nét nhất. Đức Phật từng dạy: “Đạp mây uống nước cam lộ cũng tại các ngươi; mà đào sâu hố thẳm địa ngục cũng chính tại các ngươi chứ không do ai khác”, và chúng sinh nói chung, những người con Phật nói riêng “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, chứ không cầu nhờ ai khác. Ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế, kẻ mạnh là kẻ mạnh, kẻ yếu là kẻ yếu; nếu kẻ yếu muốn thành kẻ mạnh thì phải nỗ lực hơn người và phải tỏ rõ thực lực chứ không phải qua miệng lưỡi. Với suy nghĩ này, tôi cầu mong các ngài được như lời Phật dạy: “Sinh đã tận, lậu đã tận, gánh nặng đã để xuống, những việc nên làm đã làm; từ nay không còn trở lại sinh tử nữa”. Tu ở đạo nào cũng là tu chân ngã, bản ngã, là bổn ý chân thật nhất trong nội tâm chứ không phải cái áo khoác bên ngoài, hay những lời sáo rỗng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, NXB KHXH, H, 2004

2- Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ 20, T.1, Thành hội Phật giáo TPHCM ấn hành, 1995.

Dẫn theo http://cusi.free.fr/lsp/danhtvn/danhtang1-giaidoan4-46.htm

3. Trí Bửu, Chùa Thiên Tôn – gốc nôi Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, ngày 18-8-2015, https://phatgiao.org.vn/chua-thien-ton--goc-noi-phat-giao-co-truyen-viet-nam-d19109.html.

4. “Xin cho biết về Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử”, https://phatgiaolongan.org/xin-chobiet-ve-giao-hoi-luc-hoa-tang-va-hoi-luc-hoa-phat-tu/

 


1.http://cusi.free.fr/lsp/danhtvn/danhtang1-giaidoan4-46.htm

2. https://phatgiao.org.vn/chua-thien-ton--goc-noi-phat-giao-co-truyen-viet-nam-d19109.html

3. https://phatgiaolongan.org/xin-cho-biet-ve-giao-hoi-luc-hoa-tang-va-hoi-luc-hoa-phat-tu

4. https://phatgiao.org.vn/chua-thien-ton--goc-noi-phat-giao-co-truyen-viet-nam-d19109.htm

5. http://cusi.free.fr/lsp/danhtvn/danhtang1-giaidoan4-46.htm

6. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, NXB KHXH, H, 2004, trg 80.

7. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trg 81.

8. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trg 77.

9. Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trg 96.

10.Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trg 97.

11. https://loiphatday.org/kinh-duoc-su/

12. https://loiphatday.org/kinh-duoc-su/

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6919989