Thông tin

BS-NGND TRẦN HỮU NGHIỆP

VỚI TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VĂN HÓA BẾN TRE

 

ThS. DƯƠNG HOÀNG LỘC
& TRẦN KIỀU LAN*

 

Hồi ký Thời gian trong mắt tôi là một đóng góp về văn hóa của Trần Hữu Nghiệp cho quê hương của mình với những khám phá, nhận định lý giải về lịch sử, văn hóa hết sức sâu sắc, từ những truyền thống đến các phong tục, giao tiếp, ẩm thực của con người Ba Tri cách nay một thế kỷ…

Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp

Bác sĩ, nhà giáo nhân dân (BS-NGND) Trần Hữu Nghiệp (1911- 2006) sinh ra tại làng Tân Thủy, nay là xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Thời đó, đây là mảnh đất còn nghèo khó, cằn cỗi và nằm giáp với biển Đông. Ông xuất thân trong một gia đình trung nông, đặc biệt ông ngoại của bác sĩ là một nhà nho bất đắc chí. Gần trọn cả cuộc đời, ông đã hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc, cùng với công việc chữa bệnh cứu người, nhất là đào tạo được nhiều thế hệ bác sĩ giỏi cũng như lãnh đạo cho ngành y tế nước nhà. Vì vậy, có thể nói rằng, BS-NGND Trần Hữu Nghiệp đã làm rạng danh và tỏa sáng thêm cho vùng đất Ba Tri nói riêng và Bến Tre nói chung, từ trước đến nay nổi tiếng là vùng địa linh nhân kiệt.

Năm 10 tuổi, ông học tiểu học ở Ba Tri. Sau đó, vì tham gia vào lực lượng học sinh, sinh viên tổ chức Lễ tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, nên ông phải lên Sài Gòn học tiếp. Chàng thanh niên Trần Hữu Nghiệp được cấp học bổng vào học Trường Chassseloup Laubat. Năm 1931, ông đỗ Tú tài, tiếp tục ra Hà Nội thi và đỗ vào Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội, sau đó được sang Pháp tu nghiệp từ năm 1937-1939. Ông trở về nước, mở phòng khám bệnh tại thị xã Mỹ Tho. Ông trở thành một bác sĩ nổi tiếng, không chỉ chữa bệnh giỏi và giàu lòng nhân ái. Tháng 8/1945, theo lời gọi của Hồ Chí Minh, ông tham gia cướp chính quyền rồi từ bỏ sự nghiệp, bí mật rời gia đình, thoát ly tham gia kháng chiến. Trong những năm kháng chiến chống Pháp ác liệt, BS-NGND Trần Hữu Nghiệp từng tham gia đoàn cán bộ tỉnh Bến Tre vượt biển ra Hà Nội để xin cấp vũ khí cho chiến trường miền Nam rồi trở vào Nam thành lập Sở Y tế Quân Dân Y Nam bộ với nhiệm vụ là Phó Giám đốc. Ngoài ra, ông còn trực tiếp đào tạo, huấn luyện rất nhiều cán bộ y tế để phục vụ công cuộc kháng chiến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, phân công làm thầy thuốc riêng cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Năm 1956, ông giữ trọng trách Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế Trung ương (Bộ Y tế) để chuẩn bị đào tạo lực lượng y tế cho chiến trường miền Nam. Nhưng tấm lòng hướng về miền Nam ruột thịt thân yêu lúc nào cũng nung nấu trong ông. Đến năm 1965, BS-NGND Trần Hữu Nghiệp được Đảng và nhà nước cử vào chiến trường miền Nam, công tác tại Ban Dân Y, sau đó được phân công làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ Y tế Trung Cao cấp miền Nam, tham gia chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng, Trần Nam Trung,…

Sau ngày giải phóng đất nước, ông trở về Sài Gòn sinh sống, tham gia dạy học và viết nhiều cuốn sách về giáo dục sức khỏe, truyền thống đấu tranh cách mạng có giá trị cao: Thời gian trong mắt tôi, Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài, Nói chuyện với người uống rượu, Nuôi con, Chữa bệnh cho con, Nói chuyện với người hút thuốc lá, Sanh khỏe đẻ vui,…

Trong hồi tưởng và nhận định của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những thế hệ học trò, BS-NGND Trần Hữu Nghiệp là một người bình dị, cởi mở và thẳng thắn, lối sống cần kiệm, liêm khiết. Đồng thời, ông còn là một thầy thuốc giỏi, nhân ái và yêu thương người bệnh, luôn giúp đỡ người nghèo khó. Trần Hữu Nghiệp còn là người đọc nhiều hiểu rộng, luôn tâm huyết với nghề dạy học, ưu tư vấn đề đào tạo nhân tài để phục vụ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, ông là một trí thức dám hi sinh, dũng cảm dấn thân để cứu nước, cứu dân, luôn nặng lòng với quê hương Bến Tre nói riêng cũng như người dân Nam bộ nói chung.

Với những đóng góp lớn lao đó, vào năm 1988, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Năm 2006, ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh và đưa đi an táng ở Nghĩa trang thành phố trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình lẫn các đồng nghiệp, đồng chí và nhất là những thế hệ học trò đang công tác trong ngành y trên khắp mọi miền đất nước.

Phải chăng để làm nên một Trần Hữu Nghiệp với sự nghiệp lớn lao, tỏa sáng một nhân cách lớn chính là được hun đúc từ truyền thống lịch sử-văn hóa của quê hương Bến Tre-nơi đã sinh ra ông?

Con người được hun đúc từ những truyền thống lịch sử văn hóa Bến Tre

Với các vị danh nhân, trí thức, họ thường biểu hiện rất rõ những giá trị văn hóa tinh hoa của một vùng đất, nơi mà họ được sinh ra và trưởng thành. BS-NGND Trần Hữu Nghiệp cũng vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, đã cho thấy những giá trị văn hóa tốt đẹp của mảnh đất Ba Tri, đó là tinh thần hiếu học, con người nghĩa khí, anh dũng và đậm đà lối sống đầy nghĩa tình, đậm nhân văn. Ba Tri từ lâu là đất học nổi tiếng của Bến Tre mà đại diện là tấm gương hiếu học của cụ Phan Thanh Giản. Ngay khi đặt chân đến xứ này, người Pháp đã ghi nhận có rất nhiều lớp học đang tồn tại ở đây. Nhiều lớp lưu dân từ miền Trung với tinh thần quả cảm, cần cù, mạnh mẽ vượt biển, rồi theo dòng Hàm Luông, Ba Lai đi vào đất liền khẩn hoang, lập ấp và mở mang cơ nghiệp. Nhưng may mắn thay cho Ba Tri, mảnh đất nghèo khó, thời kì đầu Pháp xâm lược, đây là vùng tị địa của nhiều nhà nho, chí sĩ yêu nước mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là người tiên phong tiêu biểu.

Hài cốt của vị danh Nho, bậc sư biểu của đất Gia Định thưở trước là cụ Võ Trường Toản đã được môn sinh đưa về đây cải táng và chính điều này đã hun đúc thêm tinh thần hiếu học, đạo nghĩa của con người Ba Tri nói riêng và Bến Tre nói chung, xưa cũng như nay.

Người dân Ba Tri, Bến Tre đời này nối tiếp đời kia vẫn ngâm nga truyện thơ Lục Vân Tiên để truyền nhau đạo lý, nhân nghĩa ở đời và ngợi ca về những áng thơ, văn bất hủ, cuồn cuộn tấm lòng yêu nước của cụ Đồ Chiểu. Ngay từ thuở thiếu thời, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là người thừa hưởng những cốt cách tinh thần đó của quê hương. Trong hồi kí Thời gian trong mắt tôi, ông đã nhắc lại: “Phải chăng bởi trên mảnh đất khô cằn nghèo khổ này còn vang lên, đời con nối tiếp đời cha, những chuyện kể về Phan Thanh Giản, về Nguyễn Đình Chiểu… Gió biển Đông thổi vào còn lan tỏa khắp nơi hương thơm tinh thần Nguyễn Đinh Chiểu một ngôi sao càng nhìn lâu càng sáng cho ai muốn ngẩng đầu lên”. Và những giá trị này đã chảy vào trong huyết quản của ông. Thời đó, ở vùng đất Ba Tri mà thi đỗ vào Đại học Y Dược khoa Hà Nội là cực kì hiếm có. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, Trần Hữu Nghiệp được cấp học bổng đi tu nghiệp tại Pháp. Về nước, ông trở thành một vị bác sĩ giỏi và nổi tiếng với đức tính giản dị, gần gũi, tận tâm với người bệnh và là một trí thức lớn. Những năm tháng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi ở chiến khu, với thương bệnh binh, ông đã tận tình cứu chữa, giúp đỡ họ mà không hề ngại khó, sợ khổ. Vì vậy, các đồng nghiệp và các thế hệ học đã cảm phục, ca ngợi và tôn vinh ông là một con người tài năng nhưng rất bình dị, cần kiệm, liêm khiết, đạo đức trong sáng. Giữa cảnh sống danh vọng giàu sang, nhưng vì nghĩa lớn của dân tộc, ông đã từ bỏ tất cả để bước vào con đường đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược với nhiều vất vả, hi sinh như bao người con khác của đất Bến Tre là Giáo sư Ca Văn Thỉnh, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt,… Khi chiến trường miền Nam ngày càng khốc liệt, BS Trần Hữu Nghiệp xin phép vượt Trường Sơn vào Nam để trực tiếp đào tạo đội ngũ y bác sĩ và tham gia chữa trị thương tật cho đồng bào, chiến sĩ mà khi đó ông đã bước vào tuổi 55. Việc bác sĩ vào Nam chiến đấu là một sự lựa chọn đúng đắn của người trí thức trước vận mệnh của dân tộc. Có được phẩm chất này, một phần là nhờ ông đã chịu ảnh hưởng và biết kế thừa những truyền thống tốt đẹp của quê hương xứ dừa, của vùng đất Ba Tri. Có hiểu về vùng đất Ba Tri thì mới có thể hiểu rõ về vị bác sĩ tài năng và đức độ này.

Đánh giá những đóng góp của BS-NGND Trần Hữu Nghiệp với Ba Tri nói riêng và với tỉnh Bến Tre nói chung thì cần có một cái nhìn toàn diện, khoa học và khách quan, bởi những cống hiến của ông đã thuộc về những điều rộng và to lớn hơn, đó là dân tộc và lịch sử, chứ không chỉ là quê hương bản quán. Cuộc đời ông đã đi trọn hai cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc và ông đã có một phần đóng góp trong sự cống hiến chung đó. Với ông, Bến Tre và quê hương Ba Tri, làng Tân Thủy vẫn mãi là những kỉ niệm đẹp, không thể nào quên. Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến quyển Hồi kí Thời gian trong mắt tôi của BS-NGND Trần Hữu Nghiệp. Đây là quyển hồi kí về cuộc đời của ông, trong đó miền quê Ba Tri được ông viết bằng một văn phong, giản dị với lòng yêu quê hương da diết và sâu sắc. Cho đến nay, đây là một tư liệu rất quý, có giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội về Ba Tri những năm đầu thế kỷ XX. Đây là một đóng góp về văn hóa của Trần Hữu Nghiệp cho quê hương của mình với những khám phá, nhận định lý giải về lịch sử, văn hóa hết sức sâu sắc, từ những truyền thống đến các phong tục, giao tiếp, ẩm thực của con người Ba Tri cách nay một thế kỷ… Trong lịch sử phong trào cách mạng ở xứ Đồng Khởi, BS-NGND Trần Hữu Nghiệp đã góp công góp sức ngay trong những ngày đầu. Và một vinh dự cho mảnh đất này, trong đó có cá nhân ông, bởi ông là một trong những thành viên tham gia đoàn cán bộ của tỉnh Bến Tre vượt biển ra Hà Nội để xin cấp vũ khí cho chiến trường miền Nam, cùng với ông Nguyễn Văn Khước (Bí thư tỉnh ủy), giáo sư Ca Văn Thỉnh, nữ tướng Nguyễn Thị Định. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, một niềm tự hào về tinh thần quả cảm, sáng tạo, nhiệt huyết cách mạng của con người Bến Tre mà ông có phần đóng góp không nhỏ.

Vấn đề phát huy di sản Trần Hữu Nghiệp ở Bến Tre hiện nay

Giờ đây, BS-NGND Trần Hữu Nghiệp tuy đã đi xa, nhưng để lại cho Bến Tre một di sản tinh thần rất lớn, quý báu. Để tưởng nhớ ông, có lẽ nên có một bệnh viện, một trường học, một con đường mang tên ông ở ngay tại quê hương Ba Tri này là một việc làm cần thiết và rất hợp đạo lý. Thiết nghĩ, đây cũng là cách để giáo dục lớp cháu con biết tự hào về cha ông, lấy đó làm gương để không ngừng phấn đấu nhằm tiếp nối, phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, anh dũng kiên cường, cũng như phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương Bến Tre thân yêu, giống như trước đây chính BS-NGND Trần Hữu Nghiệp được kế thừa từ các bậc tiền nhân trên mảnh đất này.

Đặc biệt, tháng 10 năm 2015, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tri và Ban Liên lạc đồng hương Ba Tri tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học BS-NGND Trần Hữu Nghiệp sống mãi với thời gian tại Ba Tri. Tọa đàm có sự tham dự của nhiều thế hệ học trò của ông, tiêu biểu có nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân Tạ Thị Chung,… Đồng thời, có các vị lãnh đạo tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri và các nhà khoa học, nhân sĩ trí thức của Ba Tri cũng như từ thành phố Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh đến trao đổi, phát biểu. Tất cả đều đánh giá cao về ông: Đó là sự khâm phục tài năng của một nhà trí thức lớn, lòng ngưỡng mộ một nhân cách sáng ngời. Vì thế, buổi tọa đàm đã đi đến đúc kết quan trọng: Cần phải phát huy di sản Trần Hữu Nghiệp ngay trên quê hương Bến Tre.

Trên tinh thần đó, năm 2016, tại quê nhà của ông, Trường Trung học Cơ sở Tân Thủy đã chính thức đổi tên thành Trường Trung học Cơ sở Trần Hữu Nghiệp để thể hệ trẻ hiểu, học tập và tiếp nối sự nghiệp tiền nhân, nhất là nỗ lực phấn đấu trên con đường học vấn để mai này đóng góp cho quê hương, đất nước.

Hơn thế nữa, Ban Liên lạc Đồng hương Ba Tri tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị với các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh để đổi tên Trường Cao đẳng Y tế Bến Tre thành Trường Cao đẳng Y tế Trần Hữu Nghiệp, Bệnh viện Ba Tri thành Bệnh viện Trần Hữu Nghiệp.

Ba năm trở lại đây, Quỹ Học bổng Trần Hữu Nghiệp do gia đình ông quản lý đã hỗ trợ nhiều y sĩ trẻ của Bệnh viện Ba Tri học tập nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ nhân dân địa phương. Điều này, đúng với tâm nguyện của BS-NGND Trần Hữu Nghiệp - một con người luôn nặng lòng với quê hương Bến Tre vốn còn nhiều khó khăn. Đồng thời, điều này còn giúp cho người dân Ba Tri và Bến Tre hiểu về ông nhiều hơn.

Huyện ủy - Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tri và gia đình BS-NGND Trần Hữu Nghiệp nên phối hợp tái bản lại quyển hồi ký Thời gian trong mắt tôi của ông viết để cho người dân Ba Tri, nhất là thế hệ trẻ, biết thêm về mảnh đất Ba Tri của 100 năm về trước.

 


* Ban Liên lạc đồng hương Ba Tri tại Tp.HCM.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 6
    • Số lượt truy cập : 6126901