BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ PHẬT GIÁO NGHỆ AN
QUA MỘT SỐ DI TÍCH
NGUYỄN VĂN THANH*
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghệ An là một tỉnh có diện tích tự nhiên rộng 16.370km2. Phần lớn lãnh thổ nằm trong hệ thống uốn nếp Trường Sơn, với 2/3 là núi, đồi và trung du, có đỉnh Pu-Lai-Leng cao nhất của hệ Trường Sơn (2711m). Địa thế thoải dần từ Tây sang Đông hình thành nên hệ thống sông ngòi tương đối dày đặc mà lớn nhất, dài nhất là sông Cả (sông Lam). Sông Lam bắt nguồn từ thượng Lào đến Việt Nam, với 2 nhánh Nậm Nơn, Nậm Mộ ở huyện Kỳ Sơn chảy qua nhiều huyện và đổ về biển qua cửa Hội (Đan Nhai). Nghệ An cũng là tỉnh có bờ biển dài với nhiều cửa biển như cửa Cờn, cửa Quèn (Quỳnh Lưu), cửa Diễn Hải (Diễn Châu), Cửa Lò (Thị xã Cửa Lò), Cửa Hội (Nghi Lộc). Điều kiện tự nhiên có biển, có sông trở thành yếu tố thuận lợi cho giao thương nội địa cũng như giao thương quốc tế phát triển. Đây cũng là điều kiện quan trọng để Phật giáo sớm từ Ấn Độ theo các thuyền buôn du nhập vào Nghệ An.
II. PHẬT GIÁO NGHỆ AN QUA MỘT SỐ DI TÍCH
Đạo Phật được hình thành từ đất nước Ấn Độ, sau đó truyền đi khắp châu Á và thế giới trong đó có Việt Nam, các tài liệu lịch sử Phật giáo của Việt Nam đã đề cập Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm[1]. Phật giáo theo các nhà buôn vượt biển Đông vào sông Hồng - ban đầu hình thành nên vùng Phật giáo “Luy Lâu” ở Bắc Việt Nam rồi theo sông Hồng truyền bá Phật giáo sang Trung Quốc.
Hiện nay chúng tôi chưa có cứ liệu để khẳng định Phật giáo du nhập vào Nghệ An từ bao giờ, căn cứ vào tư liệu ở một số di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Phật, bước đầu chúng tôi có một số nhận định về Phật giáo Nghệ An như sau:
1. Vào đầu thế kỷ VII, Nghệ An đã là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của đất Giao Chỉ. Điều này đã được minh chứng qua kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Tháp Nhạn năm 1986 của Viện Khảo cổ học. Di chỉ khảo cổ học này nằm trên địa phận làng Nhạn Tháp, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách bờ sông của hạ lưu sông Lam khoảng 500m về phía Đông, cách làng Sen quê Bác 4km về phía Tây, cách huyện lị Nam Đàn 7km về phía Nam và cách Thành phố Vinh 17km về phía Tây Nam. Những phát hiện cơ bản tại các đợt khai quật Tháp Nhạn cho thấy Tháp Nhạn là một công trình Phật giáo[2] có kiến trúc chân móng và tầng đế tháp hình vuông, đây là phong cách kiến trúc thường xuất hiện ở thời nhà Đường (thế kỷ VII). Cũng tại Tháp Nhạn các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều loại gạch dùng để xây tháp khác nhau, trong đó có gạch trang trí tượng Phật ngồi trên tòa sen. Các vị Phật được trang trí chìm trong vòm cuốn nhỏ, được đặc tả dưới dạng phù điêu với tư thế ngồi xếp chân bằng tròn trên một tòa sen cách điệu, hai bàn tay lồng vào nhau để ngửa trước bụng, thân tượng khoác y phục, hai mép áo bắt chéo trước ngực tạo thành hình chữ X. Khuôn mặt tượng đầy đặn với vầng hào quang đang tỏa chiếu trên đầu. Phía trên trán tượng có dấu chấm tròn. Dựa vào các đặc điểm nêu trên giúp ta nhận biết đó là tượng A-di-đà. Đặc biệt, tại Tháp Nhạn này các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những viên gạch xây tháp có hình vuông và có chữ “Trinh Quán lục niên”. Những viên gạch này đã được các nhà khảo cổ học xác định là được chế tác vào thời Đường, có niên hiệu Trinh Quán năm thứ 6 (tức năm 623 SCN).
Nằm dưới móng Tháp Nhạn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một đoạn thân gỗ dâu chôn đứng. Thân cây rỗng, bên trong chứa than tro lẫn đất. Bên trong đặt một hộp xá lỵ, xá lỵ được chứa đựng trong lòng một hộp kim loại gồm có than tro của xác người được thiêu. Hộp xá lị bằng kim loại có 2 lớp, bên ngoài là kim loại đồng, bên trong kim loại vàng. Đánh giá qua khai quật Tháp Nhạn cho chúng ta nhận biết đây chính là một trong những ngôi mộ tháp cổ đặc biệt quý hiếm được xây dựng trên đất Giao Chỉ ở những năm đầu thế kỷ VII. Điều này còn cho thấy sự có mặt từ rất sớm của yếu tố Tịnh độ giáo trong Phật giáo Nghệ An.
Bên cạnh di chỉ khảo cổ học Tháp Nhạn ở hạ lưu sông Lam, trên đất Nghệ An hiện còn lưu giữ được một di tích có kiến trúc tương tự như Tháp Nhạn, đó là Tháp Xốp Lợt ở thượng lưu sông Cả (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) – cách di chỉ khảo cổ học Tháp Nhạn khoảng 200km về phía Tây. Tháp này cũng có kiến trúc xây dựng kiểu tháp ChamPa như Tháp Nhạn và cùng có chung đặc điểm của Phật giáo Ti-Ni-Đa-Lưu-Chi thuần Ấn độ. Từ những di vật phát hiện được ở di chỉ khảo cổ học Tháp Nhạn năm 1986 như đã nêu trên, và từ sự hiện hữu của Tháp Xốp Lợt ở thượng lưu sông Cả, cho phép chúng ta khẳng định ít nhất vào đầu thế kỷ VII, Nghệ An đã là một trung tâm Phật giáo rộng lớn, đồng thời đã có sự phát triển rộng khắp từ đồng bằng, trung du đến miền núi cao của tỉnh.
2. Sau khi du nhập vào Việt Nam nói chung, xứ Nghệ nói riêng Phật giáo đã nhanh chóng phát triển cực thịnh vào những thế kỷ tiếp theo và trở thành Quốc giáo vào thời Lý Trần. Thời kỳ này các vị vua đều là những người sùng bái Phật giáo, thậm chí có người còn trở thành giáo chủ của một thiền phái lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như Trần Nhân Tông. Phát triển Phật giáo thành Quốc giáo để thống nhất về mặt tư tưởng, củng cố quyền thống trị của nhà nước phong kiến mới giành được độc lập sau một nghìn năm Bắc thuộc, xác lập sự độc lập về tư tưởng của một chỉnh thể quốc gia và làm nền tảng cho việc xác định về việc giải quyết các mối quan hệ giữa các giai cấp các tầng lớp, đồng thời giải quyết các mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt vùng biên viễn của xứ Nghệ, vùng đất xa cách triều đình nên các nhà nước phong kiến càng sử dụng yếu tố Phật giáo để tập hợp các tầng lớp nhân dân, xác lập từng bước vững chắc quyền chuyên chế của chế độ nhà nước phong kiến tập quyền tạo nên sức mạnh góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước đương thời. Khi Phật giáo vào vùng đất xứ Nghệ trong bối cảnh Nho giáo chưa thưc sự phát triển, các nhà Nho chưa trở thành một lực lượng trong xã hội nên yếu tố Nho giáo chưa có ảnh hưởng thật sự đến đời sống xã hội. Do đó, thiền học là nhân tố quan trọng trong việc truyền dạy chữ Hán và tri thức Nho học, điều kiện này được diễn ra trong các chùa và thực hiện bởi các nhà sư, và điều hiển nhiên Phật giáo trở thành nhân tố thống lĩnh về tư tưởng, tạo điều kiện cho môi trường Phật giáo phát triển ở Nghệ An. Thời kỳ Phật giáo trở thành quốc giáo, Phật giáo Nghệ An cũng giữ một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ vùng đất biên viễn này. Tuy hiện nay không có tài liệu nào ghi chép về những đóng góp cụ thể của Phật giáo với vùng đất Nghệ An trong giai đoạn này, nhưng qua nghi lễ rước Đức Thánh Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (988 – 1057)- vị tri châu đầu tiên của xứ Nghệ, từ đền Qủa Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) về tạ ơn Bà Bụt tại chùa Bà Bụt (xã Lam Sơn, Huyện Đô Lương) trong lễ hội đền Qủa Sơn hàng năm, đã phần nào phản ánh được vị trí, vai trò của Phật giáo Nghệ An trong đời sống chính trị cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ vùng đất này dưới triều Lý.
Ở thời Trần, cũng như Phật giáo cả nước, Phật giáo Nghệ An vẫn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của tỉnh, vì vậy mà có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra trên đất Nghệ An trong thời gian này đã được gắn liền với Phật giáo, như sự kiện Hồ Qúy Ly cho xây chùa Đại Tuệ trong khu vực Thành nhà Hồ trên núi Đại Huệ (huyện Nam Đàn), sự kiện Trương Phụ - tướng của nhà Minh đưa sứ thần Nguyễn Biểu đến chùa Yên Quốc (huyện Hưng Nguyên) để hành quyết ...
Ở thời Lê và thời Nguyễn, tuy không còn giữ được vị thế có tính chính trị như ở thời Lý Trần, nhưng trong đời sống xã hội, Phật giáo Nghệ An đã trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa làng xã. Theo tài liệu kiểm kê di tích năm 1996 của tỉnh, ở thời Nguyễn trên đất Nghệ An có 350 ngôi chùa. Số chùa này tương đương với số làng trong toàn tỉnh lúc bấy giờ. Như vậy có nghĩa là xưa, trên đất Nghệ An, quân bình mỗi làng có một ngôi chùa. Điều này đã phản ánh một thực tế là dưới thời Lê, Nguyễn, Phật giáo Nghệ An đã phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh và tín ngưỡng thờ Phật đã trở thành tín ngưỡng phổ biến ở mọi làng quê của vùng đất này.
3. Tuy khởi nguồn là Tì ni đa lưu chi, người Ấn Độ nhưng hệ thống chùa ở Nghệ An còn lại đều có kiến trúc theo thiền phái Đại thừa. Chính điều này đã tạo nên những đặc điểm riêng trong kiến trúc của các ngôi chùa ở Nghệ An là thường có nhiều hạng mục công trình và được xây dựng dàn trải theo chiều rộng của không gian (Các chùa theo phái Tiểu thừa ở phía Nam thường chiếm lĩnh chiều cao không gian).
4. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là do phải tập trung sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, phần do thiên tai, bão lụt, chiến tranh tàn phá, phần do sự vô thức, vô thần của một bộ phận cán bộ và nhân dân đã dẫn đến một hệ quả là phần lớn các ngôi chùa trên đất Nghệ An đều bị bỏ hoang phế, hư hỏng, hoặc tháo dỡ để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau... Năm 1997, trên cơ sở kết quả kiểm kê di tích trên địa bàn toàn tỉnh các năm 1993, 1996, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa 59 ngôi chùa đã được phát hiện trong các đợt kiểm kê này vào danh mục phân cấp quản lý, kèm theo Quyết định 1306 năm 1999 của tỉnh. Đây là 59 ngôi chùa còn giữ được nhiều yếu tố nguyên gốc cả về kiến trúc cũng như tượng pháp và đồ tế khí.
Từ khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh số 14/LTC/HDNN ngày 03/3/1984 về việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đã tạo điều kiện cho công tác quản lý và phát huy giái trị của di tích trong đó có các chùa, nhưng thực tế trong giai đoạn này vấn đề Phật giáo chưa có những chuyển biến tích cực theo đúng yêu cầu phát triển như là một sự chấn hưng Phật giáo. Cả một giai đoạn dài hàng chục năm, nhưng chỉ vài công trình chùa được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, chùa tồn tại nhưng phần lớn không tổ chức hoạt động theo đúng nghĩa vì thiếu nhà sư và ít Phật tử. Năm 2001, Luật Di sản văn hóa được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho một giai đoạn mới để Phật giáo Nghệ An từng bước được phục hồi. Đặc biệt là từ khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh Tôn giáo thì số lượng Phật tử trên địa bàn của tỉnh phát triển với tốc độ rất nhanh, nhu cầu đến chùa để làm lễ tâm linh, tụng kinh niệm Phật ngày càng lớn. Chủ trương xã hội hóa công tác bảo tồn phát huy giá trị Di sản Văn hóa của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu này. Nhiều ngôi chùa đã được các tổ chức, cá nhân, phật tử đầu tư tu bổ, nhiều ngôi chùa đã được phục dựng. Tính đến năm 2011, số chùa trên đất Nghệ An đã được nâng lên đến con số 75, phân bố cụ thể như sau: Thành phố Vinh có 9 chùa; Hưng Nguyên có 13 chùa; Nam Đàn có 13 chùa; Thành Chương có 4 chùa; Đô Lương có 11 chùa; Thị xã Cửa Lò có 2 chùa; Nghi Lộc có 8 chùa; Diễn Châu có 4 chùa; Yên Thành có 4 chùa; Quỳnh Lưu có 3 chùa. Tuy số lượng chùa được phục hưng khá nhanh nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn chậm, nhỏ lẻ, mang tính cục bộ, tự phát, chưa có kế hoạch và lộ trình dài hơi. Do đó các ngôi chùa ở Nghệ An hiện nay có một hạn chế chung là quy mô nhỏ và không hoàn chỉnh từ kiến trúc đến cảnh quan, đặc biệt hiện có nhiều ngôi chùa được phục dựng mang tính tạm bợ, sơ sài và thiếu sự tôn nghiêm cần thiết. Trong những năm qua, nhằm tạo cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy tác dụng lâu dài cho các ngôi chùa, Ban quản lý Di tích – Danh thắng tỉnh đã có sự khảo sát, lựa chọn và đã lập hồ sơ xếp hạng cho 12 ngôi chùa, trong đó có 4 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, 8 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Dự kiến trong những năm tới Ban quản lý Di tích – Danh thắng tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ xếp hạng cho những ngôi chùa có đủ tiêu chí xếp hạng còn lại.
III. MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VÀ ĐỀ XUẤT
1. Một số nhận định và đánh giá
Từ những nội dung đã nêu trên, có thể rút ra một số nhận định về Phật giáo Nghệ An như sau:
- Nghệ An là nơi có lịch sử du nhập Phật giáo từ rất sớm và đã, đang trở thành một vùng đất có tín ngưỡng Phật giáo sâu rộng và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội của nhiều tầng lớp nhân dân ở khắp các vùng miền.
Qúa trình hình thành, phát triển Phật giáo Nghệ An đã hình thành một hệ thống chùa với số lượng lớn và thuần nhất theo tông phái Đại thừa, hoạt động của Phật giáo có sự quản lý của các vị sư trụ trì, hướng Phật tử hành đạo theo đúng triết lý nhà Phật đã góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương xứ Nghệ.
- Do những điều kiện lịch sử đã làm cho Phật giáo Nghệ An chìm lắng một thời gian khá dài, thực trạng đó đang đi vào quá khứ kể từ khi nhà nước có những chính sách mới tạo điều kiện cho Phật giáo Nghệ An đang từng bước được phục hồi, phát triển đúng hướng.
- Phật giáo Nghệ An có cơ sở, có truyền thống hàng ngàn năm qua, trong điều kiện của một tỉnh có diện tích rộng và dân số đông với hơn 3 triệu người, nhân dân giàu truyền thống trọng đạo nghĩa, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn... những truyền thống ấy rất gần với các giáo lý của đạo Phật, đó là môi trường thuận lợi cho các giáo lý của Phật giáo đến với con người xứ Nghệ.
- Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách đúng đắn để tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển nói chung, trong đó có vùng đất xứ Nghệ nói riêng. Lâu nay, quản lý hoạt động Phật giáo do Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh chỉ đạo và sự tham gia của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Hiện nay tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban Trị sử Phật giáo đây là tổ chức quan trọng, chủ yếu để xây dựng và phát triển Phật giáo Nghệ An.
- Những năm gần đây, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam đã phong các Thượng tọa, Đại đức trụ trì trực tiếp tại các chùa trọng điểm trên đất Nghệ An, đây là nhân tố tạo niềm tin mới của phật làm cho Phật tử đến chùa tăng lên, lễ hội sinh hoạt tâm linh và Phật sự được duy trì bài bản để từng bước xây dựng Phật giáo Nghệ An sớm ổn định, phát triển, hướng Phật tử góp tâm đức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.
2. Một số đề xuất
- Hiện nay, nhu cầu đến chùa tụng kinh niệm phật và học tập giáo lý của đạo Phật của nhân dân Nghệ An là rất lớn, nhưng có một thực tế là hầu hết các di tích gắn với tôn giáo này đang có quy mô rất hạn chế, nhiều nơi phải dựng lán mang tính tạm bợ để Phật tử có nơi hành lễ. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng, ban trị sự Phật giáo Nghệ An cần có những giải pháp kịp thời để huy động các nguồn lực vào việc nâng cấp các cơ sở phật giáo, tạo điều kiện cho không gian thiêng gắn với tín ngưỡng thờ Phật trên đất Nghệ An được tôn nghiêm, trang trọng hơn.
- Các vị sư trụ trì tại các ngôi chùa có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, xây dựng các ngôi chùa cũng như trong giáo hóa phật tử theo đúng giáo lý cao cả của Phật giáo, vì vậy trong những năm tới cần tăng cường mạnh việc bổ nhiệm các sư trụ trì cho các ngôi chùa, phấn đấu mỗi ngôi chùa trên đất Nghệ An có một vị sư trụ trì.
- Nói đến Phật giáo là nói đến tín ngưỡng thờ Phật tại các ngôi chùa, hay nói cách khác là Phật giáo và di tích là hai bộ phận không thể tách rời của một di sản văn hóa. Để bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị của di sản Phật giáo trên đất Nghệ, công tác quản lý, tổ chức hoạt động cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan và tổ chức liên quan.
* Ban quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An
[1] Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang – XB năm 2000 – trang 25
[2] Báo cáo khai quật Tháp Nhạn – năm 1986 của Nguyễn Mạnh Cường – Võ Văn Tuyển lưu tại Bảo tàng Nghệ An
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết