Thông tin

BUÔNG

BUÔNG

MINH NGỌC

 

Toàn bộ giáo lý của đức Phật dạy, mục đích không ngoài hai chữ “Giải Thoát”, hay một chữ gọi là “Xả”. Nhưng trên thực tế chúng ta phải hiểu một cách “chánh kiến” nghĩa ấy như thế nào để không dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc, hành động tiêu cực, vô trách nhiệm, thái quá, nhắm mắt buông xuôi …

Thông thường người ta vẫn nói “Buông xả đi”, gần như hiểu Xả là Xả bỏ, Rũ bỏ, Vất bỏ, Trốn bỏ, Chạy bỏ, Ghét bỏ… nhưng tôi lại hiểu đó là Buông chứ không phải Bỏ. Vì sao? Bởi lẽ đức Phật cho đến các bậc Thầy Tổ xưa nay suy cho cùng chưa hề dạy chúng ta bỏ một cái gì để nắm bắt một cái gì khác, “Phật pháp bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ đề tức như cầu thố giác” (Phật pháp không rời bỏ thế gian để giác ngộ, rời bỏ thế gian tìm quả vị Bồ đề, giống như đi tìm sừng thỏ) mà chỉ dạy chúng ta buông nó xuống, sửa sang nó lại cho đẹp hơn, tốt hơn, hoàn thiện hơn để rồi xử dụng nó, lại gánh nó trên vai với một tâm thái không chấp trước, tự tại “ buông thỏng tay đi vào chợ”, mà có khi dùng hai cánh tay ấy sẵn sàng giúp một bà cụ già bán xôi đỡ gánh nặng xuống, hoặc dắt một ông lão mù đi qua đường, hoặc dìu một cô bé chợt té trên vũng lầy… mà đôi tay không nhận bất cứ một sự trả ơn, hay lấy những vật phi nghĩa… chứ không phải chặt bỏ hai tay để đi vào chợ! “hành nhi tắc dụng, khí nhi tắc tàng” (khi cần làm thì hữu dụng, khi không cần thì ẩn mình). Cũng chính là cái mình đã buông xuống chứ không phải vất bỏ nó đi một cách không thương tiếc. Kinh Kim Cang nói: “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” Nếu thấy các tướng không phải là tướng tức thấy Như Lai. Hay trong Chứng Đạo Ca, Thiền sư Huyền Giác đã dạy: “Vô minh thật tướng tức Phật tánh, Ảo hóa không thân tức Pháp thân”, tướng thật của vô minh tức tánh Phật, cái thân giả tạo, phù du này lại chính là Pháp thân bất diệt; hay “Phiền não tức Bồ đề, Sanh tử tức Niết bàn” v.v.. mà chúng ta thường nghe. Buông nó ra để mài giũa, chứ không vất bỏ nó đi tìm một cái khác ngoài nó.

BUÔNG CÁI GÌ?

Buông đi cái Tôi, hay còn gọi là Ngã. Thật vậy, theo truyền thuyết lịch sử đức Phật, ngay khi mới lọt lòng, Ngài đã cất tiếng nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn” (Khắp đất trời này còn cái gì vượt hơn cái Ngã). Đây là đối tượng ràng buộc lớn nhất cần phải rốt ráo buông để được giải thoát và cũng chính là cái đích cuối cùng đạt được, đó là Ngã một trong bốn đức tánh cao quý nhất của Niết-bàn là Thường-Lạc-Ngã-Tịnh. Cho nên đức Phật nói Vô ngã là Niết-bàn.

TÔI LÀ AI?

Nhiều nhà triết học cổ đại, tri thức của nhân loại từ những ngàn năm trước khi đức Phật Thích-ca ra đời thậm chí đến nay vẫn mãi loay hoay “Tôi đi tìm Tôi”, Tôi là ai, mà Tôi lại có một sức chi phối, quyết định ghê gớm đến vậy. Đau khổ vì Tôi. Sung sướng vì Tôi. Hận thù vì Tôi. Yêu thương vì Tôi. Say đắm vì Tôi. Chán ghét vì Tôi. Hi vọng vì Tôi. Tuyệt vọng vì Tôi…Tất cả, tất cả cũng vì cái Tôi.

Theo định nghĩa kinh điển Phật giáo, không có một cái Tôi nào cả, không có một cái Tôi lớn (Đại Ngã) thuần khiết, toàn bích như Thượng đế, Phạm thiên, Chúa tể…có khả năng tạo dựng, quyền lực ban thưởng, trừng phạt, ân sủng cứu rỗi ai; cũng chẳng có cái Tôi nhỏ (Tiểu Ngã) tội lỗi, khiếm khuyết hứng chịu đọa đày như những sinh linh hiện đang có, bị áp đặt, an bài, chi phối bởi thế lực nào đó rồi phải tự hành hạ, ép xác, khổ hạnh, tế lễ, cầu khẩn… phục tùng bằng đủ mọi hình thức cho cái Tôi lớn, mong ngày nào đó được về kề cận hầu hạ, hay hòa nhập vào cái Tôi lớn mà mình chưa bao giờ được thấy, được sờ, được nắm… Cái Tôi chẳng qua chỉ tạm hiểu là một tổ hợp gồm năm yếu tố gọi là ngũ uẩn, đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó sắc là vật chất tức thân xác chúng ta, và thọ, tưởng, hành, thức, thuộc về tâm. Chúng không do ai sáng tạo, hoặc hủy diệt, không tồn tại mãi hay mất đi hẳn mà theo một quy tắc Pháp nhĩ như thị (pháp vốn như vậy): “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt” Khi năm yếu tố này đầy đủ nhân duyên hội tụ thì có cái Tôi, khi tách rời ra thì chẳng thấy cái Tôi, cho nên nói Tôi ấy chỉ là cái Tôi giả tạm, không thật.

Cũng bởi cho cái Tôi là có thật, nên chấp giữ, tham ái, nuôi dưỡng, bảo vệ nó kéo theo bề bộn lỉnh kỉnh chung quanh đủ thứ linh tinh mà kinh điển gọi là Ngã sở (những thứ thuộc về Tôi).

NHẬN DIỆN TÔI

Ngay khi năm uẩn bắt đầu hội tụ tức thân xác và tâm thức phôi thai thì cái Tôi đã bắt đầu hiện hữu: hành động thúc, đạp phản kháng trong bụng mẹ khi còn là bào thai …rồi oe oe tiếng khóc, hai bàn tay nắm chặt lúc mới chào đời, tiếp xúc với một môi trường không phải của Tôi đã lãnh nhận trong chín tháng… cho đến những giọt lệ cuối cùng, ánh mắt yếu ớt nhìn người thân như muốn níu kéo cái Tôi ở lại, của một người trước lúc lâm chung. Cứ thế, cái gốc cây Tôi bén rễ dần, đứng vững, bám chặt trên mảnh đất phì nhiêu hoặc thiếu thốn vật chất cung dưỡng nó, bồi bổ ý thức chấp giữ nó phát triển, từ những thứ đơn giản của đứa bé cần thiết như bình sữa, núm vú, thức ăn, đồ chơi… phức tạp dần đến học hành, làm việc, sự nghiệp, danh vọng, địa vị, tiền của, tình yêu, thù hận, lo sợ, đau khổ, hạnh phúc v.v…của tuổi trưởng thành, già nua, tất cả những thứ thuộc về Tôi ấy càng nhiều, càng lớn, càng dễ làm cho hiểu lầm cái Tôi càng sai, càng lệch, và hẳn càng bị Tôi trói buộc, xiết chặt hơn cho đến lúc buông tay nhắm mắt tạm biệt kiếp sống này, vẫn chưa chịu buông tha.

 Một đứa bé khóc thét lên khi mất một món đồ chơi, nó bực tức, giận dỗi, nằm vạ ra đất, quăng ném đồ đạc lung tung… hoặc xịu mặt bị la rày… những hành động phản kháng có thể, khi bị xúc chạm đến cái Tôi, của Tôi, nhưng cũng dễ dàng bỏ qua, quên mất vì hồn nhiên như trẻ thơ; mà khi lớn lên, nhiều nhận thức suy nghĩ thì cùng những mất mát, xúc chạm ấy nhưng hành động phản kháng mãnh liệt hơn nhiều, có kẻ thương nhớ cả đời không quên “người đi một nửa hồn Tôi mất, một nửa hồn kia bỗng dại khờ”, có người căm hận, hẹn ước “mười năm trả thù chưa muộn”… bởi vẫn luôn luôn giữ mãi cái Tôi, của Tôi không buông.

Lúc chưa có địa vị, bằng cấp người khác gọi là thằng, mày, anh, chị, cô, cậu…hoặc lỡ lời thì trong lòng cũng hơi buồn, giận nhưng chẳng sao bởi cái Tôi lúc ấy còn nhỏ, chưa có vầng hào quang khoa bảng, chức quyền…bao phủ, nhưng lúc có bằng này bằng nọ, chức này chức kia thì người khác lỡ xưng hô với mình không đúng, hoặc thiếu thì đỏ mặt tía tai, căm giận, bởi cái Tôi hiện nay không phải trước đây. Hễ ai đụng đến cái Tôi, vật của Tôi cho dù đó là cái thùng rác, cũng là thùng chứa rác của Tôi, không ai được bỏ rác vào; xấu của Tôi, đẹp của Tôi...nói chung mọi thứ đã là của Tôi thì Tôi là chủ, là quyết định, trên hết. Cái Tôi khác nào quả bong bóng, nó được thổi lớn bằng luồng hơi danh vọng, tiền tài, sắc đẹp, hưởng thụ ăn, ngủ..mà đạo Phật gọi là ngũ dục lạc.

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thấy, cũng vì cái Tôi mà người ta phải lao tâm khổ trí, hành hạ thể xác cũng như tinh thần, thủ đoạn giành giựt không lúc nào ngơi, thậm chí si mê đến mất mạng. Chỉ vì tiếc túi tiền của Tôi trên tầng lầu một tòa nhà đang cháy, mà chạy trở lại lên lấy khiến phải chết, tiếc cái nón hàng hiệu của Tôi đội rớt giữa đường rồi vội quay xe lấy khiến phải bị tai nạn, hận người Tôi yêu đã quay lưng ngoảnh mặt làm ngơ để rồi quyên sinh tự vẫn, hay “từng thu chết, từng thu chết, vẫn giữ trong Tôi bóng một người” v.v..cũng từ cái Tôi, của Tôi mà ra. Hoặc có những người lúc chưa học Phật thì khiêm cung, hạ mình học hỏi, nhưng đến khi có chút hiểu biết thì lại huênh hoang tự đắc cho mình là đủ, là đúng, cố chấp bảo thủ cái Tôi của mình, miệng thì nói huyên thuyên vô ngã vị tha, mà lòng thì chấp thủ ích kỉ vì Tôi. Thế nên cổ đức mới có câu rằng: “Khẩu đầu thuyết tận thiên ban sự, cước hạ nan ly nhất điểm trần” nghĩa là “cửa miệng nói đủ huyên thuyên sự, dưới chân khó bỏ hạt bụi trần” Có thể nói đây là cái Tôi phàm phu.

Thế nhưng, cũng vì cái Tôi mà có những bậc xuất trần thượng sĩ, mong tu hành chứng đắc quả vị giác ngộ cứu cánh, đức Phật Thích ca chúng ta nếu chán ghét, xả bỏ cái Tôi khi quan sát bốn cửa thành thấy cảnh sanh già bệnh chết là thế, thì thà không có thân này còn hơn, như “Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân, ngô nhược vô thân hà hoạn chi hữu” (ta có họa lớn vì ta có thân, nếu ta không có thân thì làm gì có họa) của Lão tử, ngày nay làm sao nhân loại có được những lời dạy bảo khuôn vàng thước ngọc, nương theo đó mà sống an vui thoát khỏi khổ đau? Cũng vì cái Tôi muốn đem tất cả những gì Tôi đã chứng ngộ, chỉ dạy cho mọi người cùng chứng ngộ như Tôi, mà đức Phật Thích-ca khi thành đạo đã không nhập Niết-bàn diệt độ ngay, không ẩn mình trong núi cao, rừng vắng tận hưởng thú tiêu dao thiền định, quay lại vườn Nai độ năm anh em Kiều-trần-như, trở về hoàng cung độ cho cái của Tôi là cha, dì, vợ, con và dòng họ Thích, và tất cả những người hữu duyên với Ngài. Cũng vì lẽ này trong Kinh Pháp Hoa đức Phật thường trách các hàng Thanh văn là hạng người cầu Tịch, thú Tịch, những Duyên giác Bích chi Phật chỉ là những “Ông Phật cô đơn” (Độc giác Phật), sau khi chứng ngộ con người là Vô ngã, vạn pháp là duyên sanh như mây trôi, lá rụng… rồi nhập Niết bàn, chẳng giúp ích gì cho ai! Phải biết Hóa thành chỉ là những nơi trung chuyển tạm dừng rồi lại đi tiếp đến Bảo sở, đừng ham nghỉ ngơi lâu mà quên đi sứ mạng giáo hóa độ sanh, đó không phải là đích đến của đạo Phật.

Cũng vì cái Tôi mong muốn tất cả chúng sanh cùng được giác ngộ, hạnh phúc mà A-nan tuy chưa chứng quả đã thổ lộ những lời tâm huyết trước Phật: “Như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê-hoàn” (Nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật, con quyết không chứng nhập Niết-bàn), hoặc “địa ngục vị không thệ bất thành Phật” (địa ngục chưa hết, thề không thành Phật) của Bồ tát Địa Tạng, hoặc nghe kêu cứu khổ liền đến giúp ngay, của Bồ tát Quán Thế Âm.. và rất nhiều những cái Tôi đang ẩn mình hoặc hóa hiện…giúp đời. Đó là cái Tôi Thánh Hiền. Ngoài ra cũng còn rất nhiều ở thế gian, bằng hình thức này, hình thức khác đã, đang, sẽ đem cái Tôi cho vui, cứu khổ khắp mọi loài.

SỬA CÁI TÔI

Một khi đã nhận diện mọi cái Tôi đều cùng trong một tổ hợp ngũ uẩn này, thì chúng ta sẽ buông cái Tôi thấp hèn lấm lem xuống, cọ rửa bằng chất tẩy Giới, Định, Tuệ để trở thành cái Tôi Hiền Thánh; buông cái Tôi tham lam, sân hận, si mê xuống, lau chùi bằng nước sạch bố thí, nhẫn nhục, chánh niệm tỉnh giác; buông cái Tôi ngã mạn, ích kỷ xuống, xông ướp bằng hương thơm khiêm tốn, nhẫn nhục, vị tha…chứ không phải chán ghét, hận bỏ, hủy diệt hoặc thao túng cái Tôi này…mong lấy một cái Tôi từ chổ khác đến thay vào.


Rất nhiều người hiểu sai về chữ Xả trong đạo Phật, cứ tưởng xả bỏ cái Tôi tức chán ghét cái thân xác, tâm hồn hiện đang đau khổ vì vật chất, tình cảm, trói buộc, phiền phức, nhiễu loạn để rồi hủy diệt, phủi tay trốn bỏ, đi tìm một cái Tôi ở chổ khác bằng việc gửi gắm yên thân thu mình ở chùa, hang động, núi cao, rừng vắng, cách xa chốn hồng trần náo nhiệt làm cứu cánh. Ngay thời đức Phật còn tại thế cũng đã xảy ra trường hợp nhiều đệ tử Phật sau khi đến nơi không có bóng người, gò mả, rừng tử thi (Thi lâm), quán tưởng thân này chỉ là khung xương, hộp sọ, trương phình, hôi thối, nhơ uế…(cửu tưởng quán), rồi chán ghét cái thân bẩn thỉu này, dẫn đến quyên sinh, cuối cùng Phật phải dạy quán cái Tôi đang hiện hữu trong hơi thở: Tôi thở vào Tôi biết Tôi thở vào, Tôi thở ra Tôi biết Tôi thở ra v.vv..để thấy rõ cái Tôi này là vô thường, mong manh theo hơi thở như thế, đừng chấp đắm, chứ không phải vất bỏ cái Tôi này. Đành rằng đức Phật vẫn dạy A-lan-nhã là chổ tốt nhất để người xuất gia tu hạnh giải thoát, nhưng đó chỉ là phương tiện trên lộ trình tu sửa, chứ không phải là trú xứ cuối cùng để an hưởng thanh nhàn, ruồng bỏ thế gian! Đức Phật chỉ con đường giải thoát cái Tôi, phải từ bỏ đời sống gia đình ràng buộc, bởi không có tù ngục nào khốc liệt, kiên cố, dai dẳng bằng tù ngục vợ con, gia đình, nó nhốt chúng ta chẳng những kiếp này mà còn triền miên nhiều kiếp, không hẹn ngày ra được; nhưng Phật cũng dạy phải trang trải lòng thương đến mọi người sống chung quanh ta, xem nhỏ tuổi là con, em, bằng tuổi là bạn, lớn tuổi là anh chị, cô dì, chú bác, cha, mẹ…là quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp của ta mà xẻ chia, cứu khổ chứ không phải đoạn tuyệt hẳn mọi mối tương quan gia đình, xã hội vô cảm như gổ đá. Đức Phật dạy người tại gia phải trọn đủ bổn phận làm con, chồng, vợ, cha mẹ, bạn bè…theo tinh thần từ bi và trí tuệ  như trong Kinh Lễ Sáu phương nói, chứ không dạy xả bỏ, quên mất cội nguồn, trốn chạy những trách nhiệm cần có. Với tinh thần ấy, sửa cái Tôi ở bất cứ thời gian, không gian nào chúng ta đều làm được chứ không phải cầu khẩn van xin chờ đợi kiếp sau hay kiếm tìm chổ thích nghi vừa ý. Đó mới là tính cao đẹp, tích cực, triệt để của đạo Phật.

LÀM THẾ NÀO BUÔNG CÁI TÔI TRỌN VẸN?

Như trên đã trình bày, mục đích cuối cùng của đạo Phật là buông cái Tôi để rồi chứng đắc cái Tôi trong bốn đức của Niết-bàn, vậy làm thế nào để buông, để chứng?

Dựa trên kinh điển đức Phật dạy, chỉ có đời sống tịnh hạnh, ly dục mới có thể Vô ngã, Niết-bàn. Đó là người sống với thân, miệng, ý nghĩ thanh tịnh, không chấp trước nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng mà như Kinh Kim cương, Phật đã nói. Một tiến trình thực hành như vậy, nhưng bắt đầu là Giới. Giới là nền tảng chính xây dựng nên đời sống giải thoát cái Tôi. Giới trong rất nhiều kinh luật, vẫn được ví như là cái phao để qua sông ái dục, quan trọng như tròng mắt, như của báu, như bờ đê ngăn chặn nước lũ phiền não tràn dâng v.vv..muốn giải thoát phải nương vào Giới. Đời sống thanh tịnh, đạm bạc trong chốn Thiền môn, ba y, một bát, …cộng trú ở Tăng đoàn, hạn chế đến mức có thể, mọi sinh hoạt, phương tiện phục vụ bản thân sẽ giúp cho người tu sĩ xuất gia diệt dần tham ái cái Tôi, cho đến mức triệt để. Nhìn vào trong những giới điều Phật dạy cho các hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Phật, đều không ngoài đoạn trừ cái tham ái về Tôi, tất nhiên có mức độ từng phần hay trọn vẹn giữa xuất gia và tại gia. Vì sao? Vì tất cả những điều kiện vật chất phục vụ cho bản thân càng nhiều thì tâm lại càng dễ tham ái cái Tôi, tư hữu càng nặng, khiến buộc dính vào để hưởng thụ, quên đi cái hại đứt lưỡi khi liếm mật trên đầu mũi dao, mà trước khi diệt độ, Phật đã răn nhắc. Cái Tôi như một cái cây to với đầy những cành lá xum xuê, che phủ, muốn một nhát rìu có thể đốn ngã là điều không thể, ngoại trừ là bậc thượng căn thượng trí “phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”, mà phải trước hết tỉa dần cành, nhánh, lá cho gọn nhẹ rồi cuối cùng đốn đến tận gốc. Mọi danh vọng, địa vị, tiền của, sắc dục, uống ăn, ngủ nghỉ…của thế gian chính là những cành, nhánh, lá ấy, người xuất gia phải như “thấy lợi thấy danh như dính bụi trong mắt, gặp thanh gặp sắc như trên đá trồng hoa” mà Thiền sư Phù Dung đã nói, hay xem như là đàm dãi, đã nhổ ra thì không thể nuốt lại được nữa. Có như vậy, họa chăng mới có thể buông cái Tôi một cách trọn vẹn. Ngoài ra, sau khi đoạn trừ tham ái cái Tôi, thì sẽ không còn chấp thủ, cho rằng có thật; cái Tôi lúc ấy không là của riêng mà là của chung vì Vô ngã, chung mà là riêng vì Vị tha, đó mới thật sự đạt được lý tưởng cứu cánh “một là tất cả, tất cả là một”, cũng là chứng đắc cái Tôi thường trú Niết-bàn, vẳng lặng.

ỨNG DỤNG BUÔNG CÁI TÔI TRONG ĐỜI SỐNG

Như chúng ta biết, cái Tôi có mặt trong tổ hợp năm uẩn này bất cứ lúc nào, trong từng hơi thở, sát na khó thể nào buông nó được một cách dễ dàng ngoại trừ phải thực tập buông nó dần trở thành một thói quen sống trong “chánh niệm tỉnh giác”, chưa kể nhu cầu bản thân, luôn khiến cho con người ta thỏa mãn không biết chán đủ. Chính vì vậy, đức Phật dạy nhất là các đệ tử xuất gia nên xem mọi tứ sự cung dưỡng như là vị thuốc để chữa thân bệnh, mà đã là thuốc thì không ai tham uống thuốc làm gì! Thân đủ sức để mà tu hành đoạn trừ ái dục là căn bản sanh tử, chứ không phải bồi bổ đắm chìm trong ngũ dục!

Đối với hàng đệ tử Phật tại gia, theo thiển ý của người viết phải thực hành những điều sau:

1- Tập đời sống giản dị, ít tham muốn: Nên hiểu giản dị chứ không phải đơn giản; giản dị thì dễ dàng thích nghi mọi hoàn cảnh, còn đơn giản lại hay đưa đến sự cố chấp, phát triển cái Tôi mạnh hơn.

2- Không nên sống khép kín, lập dị, mà thường thân cận mọi người, bất kể người ấy nhỏ, lớn, trí, ngu, nghèo, giàu, cao, thấp, khác tư tưởng, tôn giáo v.v..để tập sự không phân biệt, không chấp trước, làm giảm cái chấp Tôi. Theo Phật gia gọi là “hòa quang đồng trần”; hòa nhưng không tan theo, vẫn giữ bản chất; lâu dần ngã mạn tự sẽ dẹp bỏ.

3- Thường quan sát mọi sự vật chuyển biến từ mình đến chung quanh rất là Vô thường: nay thế này mai thế khác; là Khổ: vui đó mà ngắn ngủi không bền chắc; là Không: có đó rồi mất đó; là Vô ngã: chẳng thể tính trước chắc chắn một việc gì vì do nhân duyên sanh. Nhìn những hình ảnh này rồi quy chiếu về bản thân thấy là giả tạm, huyễn hóa để giảm dần ái chấp cái Tôi, của Tôi.

4- Học theo gương Bồ-tát Thường Bất Khinh, luôn nhắc nhở trong tâm câu nói: “Tôi không dám khinh các người, vì các người đều có Phật tánh”

5- Đời sống thiên về hướng nội tự tu, tự cảnh tỉnh hơn là hướng ngoại về vật chất, vì vật chất làm cho dễ bị tha hóa, ràng buộc vào cái Tôi. Hơn nữa, thường trải lòng thương, tha thứ thay vì ghét bỏ, bảo thủ.

6- Cuối cùng thường lễ lạy chư Phật, chư Bồ-tát như trong mười nguyện hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền, để giải trừ nghiệp chướng trong cái Tôi.

Đây cũng là những kinh nghiệm thô thiển của người viết mong được chia xẻ, trao đổi với những bạn đồng tu. Tất nhiên những việc làm trên đều phải thực hiện trên nền tảng Giới-Định-Tuệ. Kính mong!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6059080