Thông tin

CÁC CHÚA NGUYỄN VÀ PHẬT GIÁO

 

VÕ PHƯƠNG LAN*

 

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NAM TIẾN CỦA DÒNG HỌ NGUYỄN

Các chúa Nguyễn cát cứ  Đàng Trong    

Năm 1558, đời vua Lê Anh Tông, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) được Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa. Năm 1570, được kiêm trấn cả Thuận Hóa và Quảng Nam.

Năm 1593, nhà Lê Trung Hưng chiếm lại Thăng Long. Nguyễn Hoàng đưa quân ra Đông Đô, phò vua Lê, giúp họ Trịnh.

Năm 1600, Nguyễn Hoàng theo đường biển trở về Thuận Hóa. Để yên lòng họ Trịnh, ông để con trai và cháu nội ở lại Bắc (làm con tin), gả con gái là Ngọc Tú cho con trai Trịnh Tùng là Trịnh Tráng. Về giữ Thuận Hóa, ông sai con trai là Phúc Nguyên vào trấn Quảng Nam, dựng kho tàng, tích trữ lương thực, xây dựng lực lượng quân sự. Từ đấy Nam - Bắc phân biệt, bên ngoài thì như hoà hiếu, bên trong thì lo phòng bị nhau.

Hơn nửa thế kỷ thời Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) xã hội Đàng Trong yên ổn, kinh tế khá phát triển, lòng người thuận hợp. Đó là nhờ những động tác ngoại giao khôn khéo tránh đối đầu với chính quyền Đàng Ngoài để tự bảo toàn, đồng thời là các chính sách đối nội phát triển hợp lòng dân “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, nhẹ xâu thuế, lòng người mến phục theo về”. Có thể nói, Nguyễn Hoàng đã dụng công xây dựng những cơ sở vật chất và tinh thần đầu tiên cho “nghiệp lớn” của dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong.

Kế nghiệp chúa Tiên, Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi, 1613 - 1635) tiếp tục chính sách từng bước thoát khỏi sự kiểm soát của triều đình Lê - Trịnh. Việc đầu tiên là vào các năm 1614, 1615 chúa Sãi bãi bỏ hoàn toàn bộ máy quan chức của triều đình Lê - Trịnh. Đổi trấn thành dinh, tự đặt ra bộ máy hành chính, quy định chức vụ quan lại tại Thuận Hóa là và các địa phương Đàng Trong khác. Bộ máy chính quyền Đàng Trong đã được chuyển đổi căn bản từ một chính quyền cấp địa phương miền biên viễn nội thuộc trung tâm Đông Đô Bắc Hà sang một chính quyền riêng của họ Nguyễn với trung tâm là Thuận Hóa, bao quát toàn xứ Đàng Trong và vận hành hoàn toàn độc lập với Đàng Ngoài[1]. Chính sách ly khai tiếp tục, không nộp thuế, không về chầu, trả lại sắc, đắp luỹ Trường Dục, Nhật Lệ (1630, 1631)... đồng thời đối nội, thi hành những chính sách chính trị, kinh tế, quân sự phù hợp, bộ máy điều hành năng động hiệu quả đã khiến Đàng Trong ngày càng mạnh lên về mọi mặt.

Khi Đàng Ngoài giải quyết xong họ Mạc quay về phương Nam thì Đàng Trong đã trở thành thế lực cát cứ mạnh không thể thôn tính. Cuộc ly khai lên đỉnh cao khi chúa Sãi Phúc Nguyên đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của Trịnh Tráng vào năm 1627, đó cũng là thời điểm mở đầu cuộc “Trịnh – Nguyễn phân tranh” kéo dài 45 năm (1627 - 1672) với bảy chiến dịch lớn (vào các năm 1627, 1630, 1633, 1648, 1655, 1661, 1672) trải qua ba đời chúa là chúa Sãi Phúc Nguyên 1613 – 1635), chúa Thượng Phúc Lan (1635 - 1648), chúa Hiền Phúc Tần (1648 – 1687)[2]. Không đủ sức thôn tính lẫn nhau, hai bên Trịnh - Nguyễn bèn lấy sông Linh Giang phân biên giới Đàng Ngoài và Đàng Trong. Tình trạng cát cứ đó kéo dài đến hơn một trăm năm sau (1672 - 1777). Rảnh tay phía Bắc, họ Nguyễn tập trung lo mở đất về phương Nam.

Các chúa Nguyễn lấn đất Chiêm Thành, Chân Lạp

Năm 1611, Chiêm Thành xâm lấn biên giới, Nguyễn Hoàng sai đem quân đi đánh, lấy đất lập ra phủ Phú Yên.

Năm 1653, chúa Hiền Phúc Tần mở rộng đất đến Phan Rang, đặt phủ Diên Khánh (Khánh Hoà), bắt vua Chiêm giữ lệ cống.

Năm 1692, vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản. Chúa Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính đem quân đi đánh, bắt vua Chiêm về Phú Xuân. Năm 1693, xứ ấy lại nổi loạn. Nguyễn Hữu Kính đem quân dẹp yên. Cho đất ấy được làm phiên vương, bắt cống nộp. Đến năm 1697, bỏ nước Chiêm, đặt phủ Bình Thuận. Đến đây nước Chiêm Thành mất hẳn.

Tại cực nam bán đảo, nước Chân Lạp, vùng hạ lưu sông Mê Kông, nhiều sông ngòi, đầm lầy, dân cư thưa thớt, đất rộng phì nhiêu. Dân Việt từ trước đó đã có người vào khẩn đất hoang, trồng lúa nước.

Đầu thế kỷ 17, chúa Sãi Phúc Nguyên gả con gái (công chúa Ngọc Vạn) cho vua Chân Lạp. Năm 1623, chúa cho sứ sang Chân Lạp xin cho người Việt đến làm ăn và lập cơ sở quan thuế ở Prey Kor (Sài Gòn). Mở đầu việc bang giao với Chân Lạp và gây dựng những cơ sở đầu tiên của chúa Nguyễn trên đất Nam Bộ...

Thế kỷ 17, 17I, các vương triều Chân Lạp đầy phân hoá và liên tục nội loạn. Hoàng tộc chia phe phái, vì tranh quyền mà đánh lẫn nhau. Các phe đối địch, bên cầu cứu chúa Nguyễn, bên cầu viện Xiêm La. Đối với Chân Lạp, như vai trò một nước bảo hộ, các chúa Nguyễn thi hành chính sách tích cực can thiệp, luôn đưa quân binh giúp dàn xếp các cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ của họ, rồi bắt chính quyền mới đó phải phụ thuộc (định ngôi cho vua, bắt triều cống, dâng đất...).

Năm 1698, chúa Phúc Chu sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược Chân Lạp. Hữu Cảnh phân chia địa giới hành chính, đặt quan cai trị, xác lập chủ quyền chính thức của Đại Việt trên vùng Đông Phố mà người Việt đã đặt chân đến trước đó ngót trăm năm. Họ Nguyễn đã xuống đến vùng Đông Nam bộ phì nhiêu.

Thế kỷ 17I, với chính sách can thiệp chính trị Chân Lạp bằng quân sự, đồng thời với công cuộc đưa dân Việt đến định cư, lập làng, cày cầy, khai phá những vùng đất mới ở Nam bộ, thế lực chúa Nguyễn ngày càng gia tăng tại vùng cực Nam.

Nói đến việc khai phá Đàng Trong, không thể không nói đến tộc người Hoa. Thế kỷ 17, Trung Hoa có cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai vương triều Minh, Thanh khiến cho vùng Hoa Nam biến động. Suốt thế kỷ 17, 17I, nhiều đợt người Hoa đã di cư về phương Nam. Nổi bật nhất là vào năm 1679, các tướng cũ nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đem hơn 3.000 quân và 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng xin tỵ nạn. Chúa Hiền Phúc Tần nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, bèn cho vào ở đất Đông Phố (Gia Định). Bọn Ngạn Địch chia nhau ở đất Đồng Nai, Biên Hòa, Mỹ Tho. Họ cày ruộng, làm nhà, buôn bán, lập ra phố phường. Dần dần người tứ xứ: Tây phương, Nhật Bản, Chà Và... đến buôn bán tấp nập.

Về người Hoa còn có dòng họ Mạc đất Hà Tiên. Mạc Cửu người Quảng Đông, khi nhà Thanh lên thay nhà Minh, ông bỏ sang Chân Lạp buôn bán, chiêu mộ lưu dân lập ra bảy xã Hà Tiên. Năm 1708 ông xin được nội thuộc chúa Nguyễn, dâng đất Hà Tiên và đảo Phú Quốc, được chúa phong chức Tổng binh trấn nhậm đất Hà Tiên. Khi Mạc Cửu mất (1735), chúa Nguyễn phong cho con ông là Mạc Thiên Tứ làm đô đốc Hà Tiên. Thiên Tứ mở rộng đất đai, đắp thành xây luỹ, lập chợ, làm đường, mời thầy dạy Nho học để khai hoá, đất Hà Tiên trở nên phồn thịnh. Nhờ họ Mạc mà vùng đất cực Nam phía vịnh Xiêm La được nhập vào Đàng Trong.

Về phía biển đảo, Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi lại vào năm 1754 rằng: Từ buổi quốc sơ đã đặt đội thuyền Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh, Quảng Ngãi sung vào. Hàng năm, tháng ba đi thuyền ra Hoàng Sa thu nhặt sản vật, tháng 8 trở về nộp cho chúa. Năm 1711, chúa Phúc Chu cho đo đạc bãi cát Trường Sa, vẽ quần đảo Hoàng Sa.

Cuộc Nam tiến của dân Việt kể như được cơ bản hoàn thành vào đời vị chúa thứ tám, Võ vương Phúc Khoát (1738 – 1765). Tính từ năm 1611 đến giữa thế kỷ 17I, ngót nghét một thế kỷ rưỡi, toàn bộ nam Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp đã nhập vào Đàng Trong Đại Việt.

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO

Nguyễn Hoàng mở đầu chính sách bảo hộ Phật giáo

Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa ban đầu chỉ với tư cách một tướng đi trấn nhậm vùng biên ải. Theo như những ghi chép trong sách Đại Nam thực lục tiền biên từ năm 1558 đến 1600, ông hoàn thành nghĩa vụ đối với vua Lê: bảo vệ biên cương, ổn định đời sống người dân và nộp cống phẩm đầy đủ cho triều đình.

Năm 1593, Trịnh Tùng đánh bại họ Mạc chiếm lại Thăng Long, Nguyễn Hoàng đưa quân ra Đông Đô tám năm, phò vua Lê, giúp họ Trịnh đánh dẹp dư đảng nhà Mạc. Ông tham gia hữu hiệu vào chính sự, các công vụ ngoại giao, việc khoa cử ... của triều đình. Không việc gì mà ông không hoàn thành xuất sắc. Có thể cho đến lúc bấy giờ ông vẫn mong nối chí người cha khôi phục nhà Lê. Nhưng cảnh chúa Trịnh lộng hành, các vua Lê yếu đuối dần khiến ông thất vọng. Hơn nữa, Trịnh Tùng có ý đề phòng kiềm chế ông, giữ không cho thoát về Nam. Có lẽ trong thời gian này ông đã suy nghĩ và quyết định ly khai, bắt đầu một cơ đồ riêng cho họ Nguyễn.

Nguyễn Hoàng hiểu rất rõ rằng muốn dựng nghiệp phải có nhân lực, nhân tài, nhân tâm. Trong đó yếu tố nhân tâm, nếu quy tụ được sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần bảo đảm thành công nghiệp lớn. Phải có một ý thức hệ hoặc một niềm tin tôn giáo chung làm điểm tựa tinh thần, cố kết cộng đồng.

Thường thì các nhà nước phong kiến Nho giáo sử dụng giá trị đạo đức hiếu trung của Nho gia để hướng lòng người về mình. Đương nhiên, Nguyễn Hoàng không thể bỏ qua ý thức hệ Nho giáo. Họ Nguyễn, họ Trịnh đều là bề tôi vua Lê, nhân danh lòng trung thành với vua Lê mà cát cứ, gây chiến với nhau. Họ Nguyễn đưa một bộ phận dân Việt tiến về phương Nam. Không phải tha hương mà là một cuộc hành trình mở cõi. Cắt đứt khỏi cội nguồn Đại Việt đối với cộng đồng người ra đi sẽ là một sự hụt hẫng lớn về tinh thần. Giữ lòng trung với triều Lê, luôn ghi nhớ là con dân Đại Việt dường như là một tín ước lớn gắn kết họ Nguyễn với lưu dân Việt tại vùng đất mới xa lạ. Đây là một nguyên tắc được gìn giữ suốt thời kỳ mở đất của các chúa Nguyễn. Niên hiệu nhà Lê vẫn được dùng chính thức ở Đàng Trong từ ly khai cho đến năm 1802, khi Nguyễn vương Phúc Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất toàn cõi. Miếu thờ vua Lê Thánh Tông, Lê Thái Tổ được dựng và thờ phụng ở kinh đô Đàng Trong không chỉ trong suốt thời kỳ các chúa mà tận đến khi họ Nguyễn lên ngôi vua[3].

Nhưng Nho giáo thôi là chưa đủ, bởi lòng trung Nho gia trước tiên dành cho vua Lê, biểu tượng của quốc gia Đại Việt. Chính họ Nguyễn cũng phải thực hiện nghĩa vụ đó với tư cách bề tôi. Lòng trung theo tinh thần Nho giáo đối với chúa Nguyễn chỉ là thứ cấp. Trong khi Nguyễn Hoàng lại cần lòng người hướng về mình như một một lãnh tụ, vị chúa một phương, địa vị ít nhất cũng phải ngang với chúa Trịnh chứ không phải chỉ là một tướng nhận lệnh họ Trịnh ra trấn nhậm vùng biên. Nho giáo là chưa đủ. Chúa thực sự cần thêm một tâm thức thiêng chung tôn vinh sứ mệnh của mình. Là nhà chính trị già dặn, Nguyễn Hoàng đã nhận ra vai trò quan trọng và bền lâu của Phật giáo trong cuộc sống tinh thần người Việt. Dù bản thân không mấy hâm mộ đạo Phật[4], nhưng ông đã chọn cho họ Nguyễn vai trò bảo hộ Phật giáo, dùng Phật giáo để tuyên ngôn sứ mệnh, cậy vào Phật giáo để quy tụ lòng người trong công nghiệp lớn của dòng họ.

Từ Đông Đô trở về năm 1600, Nguyễn Hoàng đã bắt đầu ngay những hoạt động ráo riết rà soát, củng cố lực lượng. Đầu tiên ông cho dời dinh sang phía đông Ái Tử (dinh Cát). Tiếp theo là các cuộc kinh lý khắp vùng Thuận Quảng, xem xét địa thế và cho tăng cường trấn dinh, xây dựng đồn luỹ, kho tàng... Đó là những động thái về mặt thế tục. Về tâm linh, đồng thời với những cuộc “dạo chơi” như vậy các ngôi chùa đã được dựng lên. Đầu tiên là chùa Thiên Mụ, cùng một huyền thoại về một Bà Trời (Thiên Mụ) nói lời tiên tri về sự xuất hiện của một vị Chân chúa.

Tân Sửu (1601) Bắt đầu dựng chùa Thiên Mụ. Bấy giờ chúa dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng bằng ở xã Hà Khê (thuộc Hương Trà) nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thế hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng. Tục truyền rằng: Xưa có người đêm thấy một bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng: “Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch”. Nói xong bà già ấy biến mất. Chúa cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ.[5]

Thâm ý của Nguyễn Hoàng đã rõ: họ Nguyễn, vị “Chân chúa” tiền định đã xuất hiện, xây chùa để “tụ khí thiêng, cho bền long mạch”. Sứ mệnh của chúa đã được một nữ thần bản địa tuyên ngôn một cách linh thiêng nơi một ngôi chùa Phật giáo. Tín ngưỡng thần linh bản địa được phối hợp với đạo Phật linh thiêng hoá sứ mệnh của chúa, nâng cao vị thế tinh thần của dòng họ Nguyễn trong lòng dân. Chính quyền Nguyễn từ đây chính thức bảo trợ Phật giáo, đứng ra chăm lo cho đời sống tâm linh của dân chúng. Chùa Thiên Mụ trở thành đại danh lam hàng đầu của Phật giáo Đàng Trong, cũng là chùa hoàng gia, là nơi thờ phụng tổ tiên dòng họ Nguyễn Phúc. Các ngôi chùa khác lần lượt được dựng, sư tăng được mời, đàn chay được lập. Rất khéo léo, đất Thuận Hóa là trung tâm, chúa xây hai chùa Thiên Mụ và Sùng Hóa; Hải Vân là nơi tiếp giáp quan yếu giữa hai vùng Thuận Hóa và Quảng Nam đặt chùa Long Hưng; Quảng Bình và Quảng Nam mỗi xứ cho xây một chùa.

Nhâm Dần (1062) Mùa thu, tháng 7, sửa chùa Sùng Hóa. Chúa nhân tiết trung thu đến chơi chùa Thiên Mụ, lập đàn chay làm lễ bố thí. Khi thuyền qua sông xã Triêm Ân (huyện Phú Vang) nhìn bờ sông phía đông bắc, cây cối um tùm, chim chóc tấp nập, xem rất thích, chúa cho dừng thuyền ngắm xem. Nhân thấy chỗ ấy có nền chùa cũ, liền sai sửa lại, gọi là chùa Sùng Hóa... Đi chơi núi Hải Vân, thấy một giải núi cao giăng dài mất trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất hiểm yếu của miền Thuận Quảng”, liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (Duy Xuyên) xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu (Phúc Nguyên) trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn.[6]

Đinh Mùi (1607) Dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu (Quảng Nam)[7]

Kỉ Dậu (1609) Dựng chùa Kính Thiên ở phường Thuận Trạch (Lệ Thủy, Quảng Bình)[8] 

Nguyễn Hoàng mất năm 1613. Khi mất ông căn dặn Phúc Nguyên:

Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết phải thân yêu nhau. Mày mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì.” Lại nói: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dạy của ta.”[9]

Lời di chúc thể hiện rõ quyết tâm dựng nghiệp lớn cho dù thời gian có dài lâu bao nhiêu. Thực sự, họ Nguyễn Phúc với chín vị chúa đã hoàn thành công nghiệp đó trong hai thế kỷ rưỡi, làm nên cuộc di dân mở đất lâu dài và vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam.

Để trở thành chủ nhân phương Nam, họ Nguyễn phải trải qua cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn 45 năm. Cho đến khi sông Linh Giang được lấy làm ranh giới Nam - Bắc (1672), thì Đàng Trong đã thực sự trở thành lực lượng cát cứ ngang bằng về mọi mặt khiến họ Trịnh không dám xâm phạm trong hơn một thế kỷ. Rảnh tay phía Bắc, các chúa Nguyễn lo xây dựng Đàng Trong vững mạnh và mở cõi về phương Nam.

Các chúa Nguyễn và Phật giáo

Trước năm 1306, tức là trước khi hai châu Ô Lý, do cuộc hôn nhân của công chúa Huyền Trân nhà Trần, mà chính thức thuộc về Đại Việt, Phật giáo đã có mặt[10]. Dân Việt từ đó bắt đầu đến định cư. Người Việt gắn bó lâu dài với Phật giáo, chắc chắn đã mang theo Phật của mình khi đi về phương Nam. Theo sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An, trước khi Nguyễn Hoàng vào Nam (1558), xứ Thuận Quảng dân đã đông, có chùa chiền và các sinh hoạt Phật giáo. Đó có thể là các dòng Phật giáo bình dân theo chân di dân Việt hoà lẫn nền Phật giáo đã có mặt trước đó của dân Chiêm Thành.

Thế kỷ 17, Trung Hoa có cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai vương triều Minh, Thanh khiến cho vùng Hoa Nam Trung Hoa đầy biến động. Suốt thế kỷ 17, nhiều đợt người Hoa đã di cư về phương Nam, các thiền sư thuộc dòng Lâm Tế, Tào Động nam Trung Hoa cũng theo đó đến hoằng hóa tại Đàng Ngoài, Đàng Trong Đại Việt.

Trước năm 1601 (năm Nguyễn Hoàng dựng chùa Thiên Mụ), Phật giáo Đàng Trong phát triển tự nhiên ngoài ảnh hưởng của chính quyền. Khi chúa Tiên quyết định chọn Phật giáo thì tình hình khác đi. Phật giáo vùng trung tâm Thuận Hóa dần dần nằm dưới sự bảo hộ của các chúa (cả về cơ sở lẫn nhân sự). Các khu vực xa hơn, Phật giáo tuy không hoàn toàn bị kiểm soát nhưng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những rung động từ trung tâm. Từ đây, bức tranh Phật giáo Đàng Trong thay đổi không chỉ do những biến động nội tại trong bản thân tôn giáo này mà còn bị tác động bởi các động thái chính trị của nhà cầm quyền.

Thời các chúa Nguyễn, sự vận động của Phật giáo Đàng Trong là sự tích hợp, tiếp nối, thay thế và bổ sung nhau giữa các dòng phái: phái Hương Hải, phái Lâm Tế, Tào Động từ Trung Hoa và sau đó là chi phái Liễu Quán phát sinh từ Lâm Tế và truyền thừa rộng rãi gồm nhiều nhà sư  người Hoa và người Việt.

Tình hình Phật giáo Đàng Trong khoảng hạ bán thế kỷ 17 như sau: từ  Quảng Nam về phía Bắc là khu vực ảnh hưởng của thiền sư Minh Châu - Hương Hải[11] với Thiền Tịnh viện ở núi Qui Cảnh (Núi Linh Thái, cửa biển Tư Dung) do chúa Hiền Phúc Tần dựng lên để thiền sư hoằng hóa. Thiền sư Hương Hải có ảnh hưởng rất lớn không chỉ trong dân chúng mà cả giới quan lại, quý tộc. Từ Bình Định về Nam là khu vực ảnh hưởng của phái Lâm Tế đứng đầu là thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch[12] đến từ Triều Châu, Quảng Đông với chùa Thập Tháp – Di Đà là trung tâm.

Năm 1682 do những nghi ngờ về chính trị của chúa Hiền, thiền sư Hương Hải bỏ ra Bắc. Nguyên tướng Trịnh Gia Quận công là tù binh, nhưng được vào dạy học ở phủ chúa. Ông này mộ đạo Phật nên hay tìm thiền sư Hương Hải đàm đạo. Việc tiếp xúc thường xuyên giữa ông với Hương Hải làm nảy sinh dư luận cho rằng cả hai có âm mưu trốn ra Đàng Ngoài. Chúa cho bắt giữ cả hai để điều tra nhưng không có bằng chứng, phải thả. Tuy nhiên, chúa không cho thiền sư Hương Hải được ở Thiền Tịnh viện trên núi Quy Cảnh nữa mà bắt phải vào Quảng Nam. Năm 1682, thiền sư Hương Hải đã cùng 50 đệ tử dùng thuyền theo đường biển bỏ ra Đàng Ngoài.

Sự kiện này đã dẫn đến tình trạng thiếu người lãnh đạo tinh thần và khủng hoảng tăng chúng sâu sắc ở vùng Thuận Hóa. Chúa Hiền phải mời thiền sư Nguyên Thiều từ chùa Thập Tháp (Quy Nhơn) ra Thuận Hóa hoằng hóa. Thiền sư Nguyên Thiều đến phủ thành, lập chùa Phổ Thành (Hà Trung, 1683) và sau đó khai sơn chùa Vĩnh Ân (phía nam phủ thành Phú Xuân, sau đổi tên là Quốc Ân).

Vì tình trạng thiếu sư tăng nên chúa Nghĩa Phúc Trăn khi lên ngôi (1687) phải nhờ thiền sư Nguyên Thiều về Trung Hoa thỉnh sư tăng cùng kinh sách, pháp tượng, pháp khí... một số đông các nhà sư Trung Hoa thuộc dòng Lâm Tế  và Tào Động đã đến Đàng Trong. Chúa Nghĩa cho mở Đại Giới đàn tại chùa Thiên Mụ, cử tổ sư Nguyên Thiều làm Hòa thượng Đường đầu. Với Đại Giới đàn này, kể như phái Lâm Tế được trọng dụng, phát triển tại trung tâm Đàng Trong. Một số thiền sư thuộc phái Hương Hải còn ở lại, muốn tiếp tục hoằng hóa cũng phải thọ giới đàn này.

Năm 1691, chúa Minh Phúc Chu (Quốc chúa) lên ngôi, vẫn trọng dụng thiền sư Nguyên Thiều, cho trụ trì chùa Quốc Ân và kiêm quản chùa Thiên Mụ.

Nhưng những rắc rối về chính trị vẫn chưa hết. Năm 1693, người Hoa là A Ban lôi kéo người Chiêm ở Thuận Thành làm phản, thanh thế rất lớn, phải một năm trời mới dẹp yên. Tiếp đến năm 1694 các chưởng cơ là Huệ và Thông mưu phản, âm mưu bại lộ nên đều bị giết. Những kẻ nổi loạn, mưu phản này đều là tín đồ trong vùng ảnh hưởng của thiền sư Nguyên Thiều. Những sự kiện chính trị đó đã khiến Quốc chúa không còn tin tưởng người Hoa nữa. Thiền sư Nguyên Thiều bị đưa ra khỏi phủ thành Phú Xuân, ra trụ trì chùa Hà Trung.

Phái Lâm Tế không còn được sủng ái. Chúa quay sang dòng Tào Động, trọng dụng thiền sư Hưng Liên chùa Tam Thai (Quảng Nam) thuộc dòng Tào Động. Tình thế chính trị buộc Tổ sư Nguyên Thiều cùng một số thiền sư Lâm Tế phải bỏ Phú Xuân vào Đồng Nai. Khi các thiền sư đứng đầu các dòng phái di chuyển, thì tăng đoàn cũng biến động theo. Chính nhờ sự kiện này mà dòng Lâm Tế di chuyển về Nam, bắt đầu phát triển ở Đồng Nai và từ đó toả rộng ra vùng đất Nam Bộ.

Tình hình khiếm khuyết nhân sự Phật giáo ở Thuận Quảng khiến chúa Minh phải theo lời giới thiệu của thiền sư Hưng Liên (bấy giờ là Quốc sư) mời Hòa thượng Thạch Liêm[13] dòng Tào Động, Quảng Đông Trung Quốc đến Đàng Trong vào năm 1694. Sách Đại Nam thực lục tiền biên có nói đến Hòa thượng Thạch Liêm trong hai sự kiện năm 1702 và 1714 thời chúa Minh Phúc Chu:

Vào năm 1702, chúa sai người đi cầu phong với nhà Thanh:

Sai bọn Hoàng Thần, Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm (...) sang Quảng Đông để cầu phong (Thần và Triệt người Quảng Đông, theo Hòa thượng Thạch Liêm đến yết kiến, nhân đó sai đi. Bấy giờ, thuyền đi cống của Xiêm La bị gió đậu ở hải phận ta, ta sửa sang thuyền lái và giúp đỡ lương thực cho họ, rồi sai bọn Thần Triệt đáp đi). Vua Thanh hỏi, bầy tôi đều nói rằng: “Nước Quảng Nam hùng thị một phương, Chiêm Thành và Chân Lạp đều thôn tính, sau tất sẽ lớn. Duy nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được”. Việc phong bèn thôi. (thuyền Thanh thường đến buôn ở Quảng Nam, nên gọi Đàng Trong là nước Quảng Nam)[14].

Vào năm 1714, chúa cho trùng tu chùa Thiên Mụ:

Mùa hạ tháng 5, trùng tu chùa Thiên Mụ... Chúa thường ra chơi. (Bấy giờ có nhà sư Chiết Tây tên là Đại Sán, tự là Thạch Liêm, vì thiền mà được yêu dùng, sau về Quảng Đông, lấy những gỗ quý chúa ban cho mà dựng chùa Trường Thọ, nay di tích hãy còn)[15].

Sách Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thạch Liêm (Quốc chúa Phúc Chu đề tựa sách) cho thấy chuyến đi đó là một sự kiện rất trọng đại trong đời sống xã hội Đàng Trong thời bấy giờ.

Hòa thượng Thạch Liêm đến Đàng Trong vào mùa xuân năm 1695 và trở về Trung Quốc vào mùa thu năm sau, được đón tiếp cực kì long trọng. Tại Phú Xuân, ngài cư trú tại chùa Thiền Lâm và sau đó là ở chùa Thiên Mụ. Vào ngày lễ Phật Đản năm 1695, một Đại giới đàn đã được mở tại chùa Thiền Lâm. Chúa ra lệnh cho tất cả các tăng sĩ Đàng Trong phải về Phú Xuân để thọ giới dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thạch Liêm, để được cấp độ điệp và miễn sưu thuế. Giới đàn này có đến ba ngàn giới tử, trong đó số xuất gia lên tới 1.400 vị vừa tỳ kheo vừa sa di. Giới điệp có đóng kềm ấn của chúa. Một giới đàn khác cũng được tổ chức vào mùa thu năm 1695 tại chùa Di Đà ở Hội An, trên ba trăm người đã xin thụ giới. Hòa thượng còn làm lễ trao Bồ Tát giới cho chúa, hoàng gia và quan lại. Thiền sư nhiều lần đăng đàn thuyết pháp. Ngoài ra ngài còn có những cuộc đàm luận, hướng dẫn về Phật pháp, thảo luận về chính trị, trao đổi thơ văn cùng chúa, cùng các nhân vật có ảnh hưởng thuộc giới quý tộc, quan lại.

Hòa thượng Thạch Liêm lưu lại Đàng Trong hơn một năm, nâng cao đáng kể ảnh hưởng của dòng Tào Động ở vùng Thuận Quảng, đặc biệt là trong giới quý tộc, quan chức. Hòa thượng nhận chúa là đệ tử truyền thừa đời thứ 30 của dòng Tào Động, pháp danh là Hưng Long, đạo hiệu là Thiên Túng Đạo nhân (Từ đây trở đi các chúa đều có đạo hiệu mang mầu sắc Đạo giáo này)

Hòa thượng Thạch Liêm rất có ảnh hưởng đến tư tưởng của chúa Minh. Tuy nhiên, sau khi Hòa thượng Thạch Liêm về nước, thì dòng Tào Động không tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, và nhất là sau khi chúa Minh Phúc Chu mất (1725), thì Tào Động mất vị trí hàng đầu tại vùng trung tâm. Bởi bản thân tư tưởng Phật giáo của Hòa thượng Thạch Liêm cũng không thuần tuý là Tào Động mà có sự pha trộn Tào Động, Lâm Tế và cả pháp môn Tịnh Độ, yếu tố Mật tông... Hòa thượng Thạch Liêm cũng là một chuyên gia về Đạo giáo. Nhưng quan trọng hơn cả là sự hoằng hóa của Hòa thượng không hướng về phía quần chúng mà chỉ giới hạn ở tầng lớp trên.

Chúa Minh mất năm 1725, con là Phúc Trú (Ninh vương) lên thay, phái Lâm Tế được trọng dụng trở lại, thiền sư Minh Giác - Kỳ Phương, là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều đang trụ trì tại chùa Thập Tháp - Di Đà ở Quy Nhơn được mời về trụ trì chùa Thiên Mụ, kiêm quản chùa Quốc Ân. Chúa cũng cho phép đồ chúng của Tổ sư Nguyên Thiều lập tháp vọng cho Tổ ở chùa Hà Trung và ban cho bài minh viết lên tháp năm 1729 (Thiền sư Nguyên Thiều viên tịch tại chùa Kim Cang Đồng Nai năm 1728, thọ 81 tuổi).

Đầu thế kỷ 18, Đàng Trong nổi lên một thiền sư xuất sắc người Việt, kế tục dòng Lâm Tế đời thứ 35, tạo nên một chi phái Lâm Tế mới mang màu sắc Việt, phái Liễu Quán.

Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán người Phú Yên. Ông đắc pháp với Hòa thượng Tử Dung (người Quảng Đông, đời 34 dòng Lâm Tế) chùa Ấn Tôn (nay là chùa Từ Đàm) Thuận Hóa. Thiền sư Liễu Quán rất nổi tiếng về đạo hạnh cũng như công phu thiền định. Năm 1708, thiền sư Liễu Quán lập am tu trên núi Thiên Thai, sau này thành chùa Thiền Tông. Năm 1722, chúa cho trùng tu chùa này, thiền sư Liễu Quán trụ trì. Từ đó, việc hoằng dương Phật pháp của phái Liễu Quán phát triển mạnh. Năm 1747 (thiền sư Liễu Quán viên tịch đã được 5 năm), chùa Thiền Tông được chúa Võ vương Phúc Khoát ban biển ngạch (sắc tứ). 

Thiền sư Liễu Quán có nhiều đạo tràng: chùa Thiền Tông, Viên Thông (Thuận Hóa) chùa Hội Tông, Cổ Lâm và Bảo Tịnh (Phú Yên). Các chúa Phúc Trú, Phúc Khoát đều rất hâm mộ thiền sư, nhiều lần mời thiền sư vào phủ nhưng thiền sư luôn từ chối, các chúa phải thân chinh tới chùa (Thiền Tông, Viên Thông) để thăm hỏi và tham vấn Phật pháp.

Liền trong 3 năm từ 1733 đến 1735 do yêu cầu chư tăng và tín đồ, trong đó có các vương hầu, quan lại triều đình, thiền sư Liễu Quán chủ tọa 4 giới đàn lớn. Do sự hâm mộ của giới Phật tử, nên năm 1740 thiền sư lại được thỉnh cầu chủ tọa giới đàn Long Hoa. Năm 1742, tuy đã 72 tuổi, thiền sư vẫn phải làm Hòa thượng Đường đầu của giới đàn tổ chức tại chùa Viên Thông. Đệ tử thụ giới của thiền sư kể cả xuất gia và tại gia có tới 4 ngàn người.

Trong cuộc đời mình, thiền sư Liễu Quán đã vân du hoằng hóa ở nhiều nơi, từ Phú Xuân đến Phú Yên, thiền sư có rất nhiều đệ tử, trong số đó nhiều người được truyền tâm ấn, trở thành những khuôn mặt lớn của Phật giáo thời bấy giờ. Môn phái mở rộng phạm vi hoằng dương Phật pháp về phương Nam, ra phía Bắc. Cho đến cuối thời các chúa Nguyễn, phái Lâm Tế Liễu Quán được truyền bá khắp lãnh thổ Đàng Trong, từ bờ nam sông Gianh đến tận cực nam Nam Bộ và truyền thừa cho đến ngày nay.

Những sự kiện Phật giáo từ đời chúa Hiền Phúc Tần đến Võ vương Phúc Khoát cho thấy đời sống Phật giáo Đàng Trong biến chuyển sôi động. Những động thái đối với Phật giáo có nguyên nhân chính trị từ phía nhà chúa khiến các vị đứng đầu các môn phái được sủng ái hay bị thất sủng, gây không ít hệ luỵ. Các môn phái cũng vì đó mà thay bậc đổi ngôi, di chuyển địa bàn, thay đổi ảnh hưởng tại các vùng miền khác nhau, kéo theo sự thay đổi trong toàn cảnh bức tranh Phật giáo Đàng Trong thời mở cõi. Chính sách bảo trợ Phật giáo của chính quyền Nguyễn đã mang lại những hệ quả: Phật giáo vùng Thuận Hóa phát triển mạnh mẽ. Các môn phái Phật giáo từ đó mà có cơ hội phát huy ảnh hưởng tại trung tâm. Điển hình nhất là dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán: du nhập từ Trung Hoa, rất nhiều khi đã được các chúa Nguyễn sủng ái đã gây được ảnh hưởng rất lớn trong tín đồ. Ngay ở thế hệ thứ hai, dòng đã có những khuôn mặt truyền thừa sáng giá người Việt. Dòng Lâm Tế nguồn gốc Trung Hoa đã Việt hoá để thích nghi và phát triển rực rỡ.

Sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép không nhiều những sự kiện Phật giáo, tuy nhiên tập hợp tất cả những dòng ngắn ngủi cũng cho thấy được phần nào sự bảo hộ  Phật giáo từ phía chính quyền, sự sùng mộ Phật giáo của các chúa.

Về đời chúa Hiền Phúc Tần

Ât Tỵ (1665), ... mùa thu tháng 7, sửa lại chùa Thiên Mụ.[16]

Đinh Mùi (1667), ... Trước là chúa đi chơi cửa Tư Dung, thấy núi Quy Sơn (Linh Thái) phong cảnh đáng yêu, trên đỉnh núi có cây tháp cổ, nổi tiếng linh thiêng, sai thủ hạ Trần Đình Ân đốc suất quân dân dời cây tháp ấy đi nơi khác để lấy đất dựng chùa Phật, công việc xong, gọi tên là chùa Hoa Vinh. Đến đây, chúa ra chơi, mở hội chùa lớn 7 ngày đêm.[17]

Về đời chúa Nghĩa Phúc Trăn

Mậu Thìn (1688), ...  Mùa hạ tháng 5, dựng chùa Thuận An.[18]

Về đời Quốc chúa Phúc Chu

Canh Dần (1710), Đúc chuông chùa Thiên Mụ (nặng 3.285 cân), chúa thân làm bài minh khắc vào chuông.[19]

Giáp Ngọ (1714), Mùa hạ tháng 5, trùng tu chùa Thiên Mụ... Quy chế thì bắt đầu từ cổng chùa rồi đến điện Thiên vương, điện Ngọc hoàng, điện Đại hùng, nhà thuyết pháp, lầu Tàng kinh, hai bên thì lầu chuông lầu trống, điện Thập vương, nhà Vân thủy, nhà Tri vị, nhà Thiền đường, điện Đại bi, điện Dược sư và phòng tăng nhà thiền có tới vài mươi sở, mà đằng sau các nơi phương trượng trong vườn Côn gia cũng không kém vài mươi sở, đều là rực rỡ chói lọi, làm tới một năm mới xong. Chúa thân chế bài văn bia để ghi. Sai người sang nước Thanh mua kinh Đại tạng cùng luật và luận hơn nghìn bộ để ở tự viện. Đằng trước chùa kề sông, dựng đài câu. Chúa thường ra chơi.[20]

Mùa thu tháng 7, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ. Chúa ăn chay ở vườn Côn gia một tháng, phát tiền gạo chẩn cấp cho người nghèo thiếu. Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà tử cũng đem con và tướng tới hội, chùa ban yến rất hậu, phong cho ba người con là Phù Xác, Phác Xác và Tỳ Thôn phù tước hầu.[21]

Bính Thân (1716), ... Mùa thu tháng 8, sửa chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch... ban cho hoành phi câu đối ngự chế.[22]

Tân Sửu (1721), mùa xuân tháng giêng, dựng chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ (thuộc huyện Phong Điền. Hiền Sĩ xưa có chùa, nổi tiếng linh ứng, chúa bèn nhân nền cũ, gọi thợ xây dựng, gọi tên là chùa Hoàng Giác, chế biển vàng ban cho.[23]

Về đời Ninh vương Phúc Trú

Giáp Dần (1734), ... mùa thu tháng 8, ban biển ngạch cho chùa Hộ Quốc. Chùa này ở phía nam sông Phúc Giang (thuộc Biên Hòa) do thống suất Nguyễn Cửu Vân dựng khi đánh Chân Lạp. Chúa nhớ công của Vân mới đặt tên chùa ấy là chùa Hộ Quốc và viết biển ngạch ban cho (bấy giờ gọi là chùa sắc tứ) [24]

Những ghi chép ít ỏi về Phật giáo trong Đại Nam thực lục tiền biên có thể thấy vào đời chúa nào chính quyền cũng xây dựng, sửa chữa chùa chiền. Đặc biệt là chùa Thiên Mụ. Là chùa hoàng gia, nơi thờ Phật và thờ cúng tổ tiên không chỉ trong thời gian họ Nguyễn làm chúa Đàng Trong mà đến cả vương triều Nguyễn sau này nữa.

Các tư liệu khác cũng cho thấy việc quy y, lập chùa thờ Phật là việc hay làm của Quý tộc và quan lại thế kỷ 17, 17I ở xứ Đàng Trong. Mẹ và các con của chúa Hiền Phúc Tần đều quy y thiền sư Hương Hải; công tử Nguyễn Phúc Hiệp (1653 - 1675) làm Tiết chế đánh quân Trịnh (1672) rồi từ chức về lập am thờ Phật; Trần Đình Ân (1625 - 1706) làm quan to, khi trí sĩ cùng vui với Thiền học ở chùa Bình Trung; Nguyễn Hữu Hào, khi bị cách chức dựng thảo am tu Phật...

Đến đời Quốc chúa Phúc Chu, người sùng mộ Phật giáo nhất trong các chúa, chùa Thiên Mụ được trùng tu lại với quy mô rộng lớn, cực kì lộng lẫy. Trước đó, chúa còn cho đúc một quả chuông cực lớn (nặng 3.285 cân), thân làm bài minh khắc trên chuông. Chúa Phúc Chu còn thỉnh kinh Phật từ Trung Hoa cả ngàn bộ về cất giữ ở chùa Thiên Mụ vào các năm 1706 và 1714.

Nhà chúa đã vậy thì chắc việc dựng chùa trong dân không phải là ít. Các chùa ban biển ngạch (sắc tứ), bài minh, câu đối, đề hoành phi cho các chùa do quan dân dựng nên. Số chùa được như vậy chắc phải nhiều hơn những gì được ghi lại trong sách Đại Nam thực lục tiền biên rất nhiều.

Tầng lớp trên đã vậy, dân chúng theo Phật đi tu cũng nhiều. Hòa thượng Thạch Liêm nhận xét trong kỷ sự của ông:

Nay ta xem người bản quốc, có lòng tin rất kiên cố, chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn, há phải thiếu kẻ tu hành có căn tính linh lợi[25] ...

Nhìn lại lịch sử một thời của nước nhà, chúng ta dễ dàng nhận thấy Phật giáo gắn bó với người Việt, là tôn giáo đồng hành với lịch sử Việt. Với người dân, tôn giáo là nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm linh; với nhà cầm quyền, tôn giáo đôi khi đáp ứng được những yêu cầu chính trị cần phải nhờ cậy. Nguyễn Hoàng đã chọn Phật giáo làm một trong những điểm tựa tinh thần gắn kết cộng đồng trong công cuộc mở cõi về Nam. Sự lựa chọn ngay từ ban đầu này đã khiến sự gắn bó với Phật giáo (bảo trợ Phật giáo) trở thành đặc điểm của dòng họ Nguyễn trong suốt thời gian tồn tại về mặt chính trị. Như một chính sách khi họ Nguyễn làm chúa Đàng Trong. Khi trở thành một vương triều phong kiến với ý thức hệ chính thống Nho giáo, thì Phật giáo vẫn rất được triều đình quan tâm, đặc biệt tại kinh đô Huế. Việc họ Nguyễn bảo hộ Phật giáo thời mở cõi ảnh hưởng lên toàn cảnh biến động của tôn giáo này tại Đàng Trong và đặc biệt là khu vực Thừa Thiên Huế. Huế trở thành một trung tâm Phật giáo lớn. Các bậc cao tăng thạc đức hàng đầu của các dòng phái lớn từng thời kỳ dài đến hoằng hóa khiến cho tăng đoàn nơi đây có trình độ cao, cư sĩ tín đồ đông đảo và nhiều cơ sở thờ phụng tốt. Lối sống Phật giáo rất phổ biến ở tầng lớp quý tộc quan lại, sự sùng mộ Phật giáo trong dân là một trong những nhân tố tạo nên bản sắc Huế trầm mặc, sâu xa và tinh tế hơn hẳn các vùng miền khác.

Hà Nội tháng 5 năm 2011.



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

[1] Trong khu vực, về đối ngoại, chúa Sãi Phúc Nguyên tự xưng là An Nam Quốc vương, quan hệ với các nước phương Nam khác như vị quân vương của một quốc gia độc lập.

[2] Đàng Ngoài cuộc phân tranh trải hai đời chúa là Trịnh Tráng và Trịnh Tạc với 5 đời vua Lê là Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Thần Tông (làm vua lần 2), Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông.

[3] Trong cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh,  Đàng Ngoài họ Trịnh thực sự nắm trọn quyền lực quốc gia, có thể phế bỏ, thậm chí giết vua, nhưng không một vị chúa nào dám ngồi lên ngai vàng. Đàng Trong dù độc lập về mọi mặt, tự xưng Quốc vương với các nước lân bang, nhưng không bỏ Niên hiệu vua Lê.

[4] Theo Nguyễn Khoa Chiêm: Nguyễn Hoàng từng rất ghét đạo Phật: “Ngày trước, khi còn ở Trung đô, một hôm giả vờ ốm mệt đi dạo chơi ở ngoài, bị một gã thầy chùa làm nhục. Từ đó ôm hận nhà chùa, hễ khi có việc chay đàn sám nguyện cầu phúc thường chỉ chuộng dùng đạo sĩ, không dùng tăng thích. Các nhà sư sợ đều lánh xa, không ai dám đến hầu”.

[5] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 42.

[6] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 42.

[7] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 43.

[8] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 43.

[9] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr.44.

[10] Sử Đại Việt ghi: Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chămpa, bắt về nhiều dân Chăm và lính Chăm, trong số đó có nhà sư Thảo Đường, thuộc phái Thiền Tuyết Đậu Minh Giác từ Trung Hoa đến Chămpa. Khi biết thiền sư, vua Lý kính trọng, cho sư trụ trì chùa Khai Quốc ở Thăng Long. Thiền sư là người sáng lập nên dòng Thiền Thảo Đường Đại Việt. Sự kiện cho thấy thời Lý, và có thể trước đó nữa, đất Chămpa đã có nhà sư (Trung Hoa và Ấn Độ) đến truyền giáo và các tín đồ.

[11] Thiền sư Minh Châu – Hương Hải, còn gọi là Tổ Cầu (1627 - 1715) vốn người Nghệ An Tổ tiên theo Nguyễn Hoàng vào Nam. Năm 1652 làm tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Trong thời gian làm quan, ông theo học Phật pháp với thiền sư Viên Cảnh – Lục Hồ và  thiền sư Viên Khoan - Đại Thâm. Sau ba năm từ quan, xuất gia thọ giới với thiền sư Viên Cảnh – Lục Hồ với pháp danh là Minh Châu – Hương Hải. Thiền sư cùng đệ tử tu hành và hoằng hóa ở đảo Bút Tiêm La (Cù Lao Chàm) hơn 8 năm, đạo hạnh cao, gần xa đều ngưỡng mộ. Chúa Hiền nghe tin cho sứ thỉnh thiền sư về Phú Xuân, lập Thiền Tịnh viện ở núi Qui Cảnh (Núi Linh Thái, cửa biển Tư Dung) để thiền sư hoằng hóa (khoảng năm 1667).

[12] Thiền sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch (1648 - 1728), pháp tự Hoán Bích. Họ Tạ, quê ở Triều Châu, Quảng Đông, xuất gia năm 19 tuổi, tu ở chùa Báo Tư, thọ giáo với ngài Bổn Khoan Khoán Viên Hòa thượng. Năm 1665 theo tàu buôn sang An Nam, trú ở phủ Quy Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp - Di Đà, mở trường truyền dạy, sau ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung, rồi lên kinh lấp chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng ...

[13] Hòa thượng Thạch Liêm (1633 - 1704) hiệu là Đại Sán hay Hán Ông, người Giang Tây, chùa Trường Thọ. Học vấn uyên bác, thông thạo Tam giáo (Nho, Phật, Lão), lại giỏi cả văn chương, chính trị, thiên văn, địa lý, dịch số; các môn thư pháp, hội hoạ đều tinh xảo.

[14] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr.158, 159.

[15] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 177, 178.

[16] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 110.

[17] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 111.

[18] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 135.

[19] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 171.

[20] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 177, 178.

[21] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 178.

[22] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 185.

[23] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 187.

[24] Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, tr. 198.

[25] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963, tr . 46.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6798491