CÁI KHÔNG TRONG PHẬT GIÁO
CÁI KHÔNG TRONG PHẬT GIÁO
NGUYỄN ĐỨC TIẾU sao lục
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có có không là vầy.
Từ Đạo Hạnh - Tam tổ Huyền Quang (dịch)
ﻫﻫﻫ
Trong văn học Bát nhã, cái không ấy tức là cái không của kho Như Lai:
“Không Như Lai tạng”
Tuy nhiên, đã dùng chữ nghĩa thì ít nhiều gì cũng mắc vào sắc tướng “có không” của luận lý học, nên cổ nhân phải thêm rằng tuy không mà chẳng phải không:
“Bất không Như Lai tạng”
Ngôn ngữ Bát nhã là vậy, toàn là điên đảo thị phi cốt chặt đứt tất cả thức tình trí xảo. Đã thế, nếu ai còn cố biện luận về bồn thể của cái không ấy thì đây là mệnh đề thứ ba dứt khoát, chặt vào khối óc thông minh của loài người: Chẳng phải không mà không:
“Không bất không Như Lai tạng”
Đó là tam đoạn luận Bát nhã.
ﻫﻫﻫ
Cư sĩ Duy Ma bệnh, Bồ tát Văn Thù và các bậc La hán đến vấn an. Trong khi Văn Thù và Duy Ma luận đạo thì có một Thiên nữ rắc hoa cúng dường. Hoa rơi trên mình Bồ tát Văn Thù thì rơi luôn, còn hoa rơi đến các vị La hán thì dính cứng lại, các ngài dùng hết thần lực phủi hoa mà hoa vẫn không rớt. Thiên nữ thấy vậy hỏi La hán Xá Lợi Phất: “Sao ngài phủi hoa?”.
- Vì hoa này không “như pháp” nên phải phủi.
Thiên nữ đáp: Chớ bảo hoa này là không như pháp, vì chính các ông phân biệt, chớ không phải hoa phân biệt. Xem như Bồ tát Văn Thù đó, hoa có dính áo đâu. Vì quý ông sợ sanh tử nên sắc thanh hương vị xúc mới thừa cơ xâm nhập; ví lìa hết sợ sệt thì năm món dục làm chi đặng. Do tập khí kiết sử chưa dứt nên hoa mới mắc nơi thân, còn người hết kết tập thì hoa mắc vào đâu được?
(Theo kinh Duy Ma Cật)
ﻫﻫﻫ
Trong đạo Phật, cái không thường được các họa sĩ hình dung bằng một vòng tròn, vẽ bằng một nét bút vạm vỡ, liền tay, không đồ, không sửa chữa. Hình tròn ấy tượng trưng cho thế giới tuyệt đối của tâm linh trong ấy mảy vật cũng không còn huống nữa là những khái niệm nhị nguyên đối lập về tâm và vật, ta và người, mê và ngộ. Họa sĩ Thanh Cư, tác giả “Thập mục ngưu đồ”, mô tả trạng thái ấy bằng bài tứ tuyệt như sau:
Người, trâu, chẳng thấy bặt mù tăm
Trăng lạnh muôn trùng cảnh vật không
Ví hỏi vì sao như thế ấy
Hoa đồng cỏ nội mọc um tùm.
Câu nói đầu tiên của Huệ Năng là câu nói về cái “không”, coi như bổn thể của muôn vật. Đó là câu:
Bổn lai vô nhất vật.
Cái “vô nhất vật” ấy được sau coi như căn bản của pháp Thiền. Tuy nhiên nếu cứ ý theo chữ nghĩa thì dễ rơi vào hư vô luận nên hàng cổ đức đề phòng trước cái không chướng ấy, và xác định:
Không một vật mà có tất cả
Có hoa có nguyệt có lâu dài.
ﻫﻫﻫ
Quốc sư Nam Dương Huệ Trung nổi tiếng ở đời nhà Đường về đạo hạnh cẩn nghiêm và tinh thần cao khiết. Ngày kia có Pháp sư Đại Nhĩ Tam Tạng ở Ấn Độ qua Trung Hoa tự xưng có con mắt huệ tha tâm, nghĩa là đọc được tư tưởng của người. Vua Đường cho thỉnh Pháp sư và Quốc sư đến thí nghiệm. Sau lễ ra mắt, Quốc sư hỏi Pháp sư: “Nghe đồn ngài được phép tha tâm thông, thật vậy chăng?”.
Đáp: Không dám.
Hỏi: Ngài thử nói hiện giờ (tâm trí của) lão tăng đang ở đâu?
Đáp: Đường đường là một vị Quốc sư sao ngài còn đi Tây Xuyên coi đua thuyền?
ﻫﻫﻫ
Hỏi: Còn bây giờ lão tăng ở đâu?
Đáp: Đường đường là một vị Quốc sư sao ngài còn đi cầu Thiên Tân coi hát khỉ?
ﻫﻫﻫ
Quốc sư lập lại lần thứ ba câu hỏi như trước (sau khi nhập “không” tam muội). Pháp sư Đại Nhĩ lắng hết tâm thần hồi lâu không biết Huệ Trung đi đâu hết. Quốc sư quát: “Loài hồ tinh! Tha tâm thông của ông đâu mất rồi?”. Pháp sư lặng im, không đáp.
ﻫﻫﻫ
Trong khi tôn giả Tu Bồ Đề ngồi tịnh trong núi, nhập vào cảnh giới “không” tam muội thì Vua trời Đế thích rắc hoa cúng dường.
Tôn giả hỏi: Rắc hoa khen tặng ta là ai đó vậy?
Đáp: Ta là Đế thích.
Hỏi: Ông khen tặng gì tôi?
Đáp: Ta trọng Tôn giả khéo nói pháp Bát nhã Ba la mật.
Hỏi: Ta ở nơi Bát nhã chưa hề nói một tiếng, vậy ông khen tặng gì?
Vua trời đáp: Tôn giả không nói, Đế tôi không nghe; không nói không nghe là Chân Bát nhã.
Sau khi ngộ đạo, Hòa thượng Quy Tông Chí Chi kết cỏ làm am trên đỉnh núi Lô. Sau đây là tâm trạng “không” của Sư thể hiện qua cái có của am cỏ, của mây trăng, của vũ trụ:
Chót vót đầu non một am cỏ
Nửa phần mây ở nửa phần Sư
Đêm qua mây biến theo mưa gió
Rốt cuộc thanh nhàn chi sãi tôi.
ﻫﻫﻫ
Và đây là nhân sinh quan “không” của người đắc đạo:
Đản nguyện không chư sở hữu
Thận vật thực chư sở vô
Hảo trụ thế gian
Giai như ảnh hưởng.
Bàng Cư sĩ
Chi nguyện làm không những cái có,
Giữ đừng làm có những cái không.
Đứng yên trong cõi đời
Hệt như tiếng vang, như bóng dáng.
Trích Tạp chí Từ Quang năm thứ XX – Số 223-224 Tháng 3 và 4 năm 1971 ( P.L. 2.514)
Tin tức khác
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
Bình luận bài viết