Thông tin

CÁI THIÊNG CỦA NGƯỜI VIỆT

CÁI THIÊNG CỦA NGƯỜI VIỆT

 

LƯƠNG THỊ THU (Pháp danh Ngọc Trực)

Lớp CHTXII Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM

 

 

Đình làng Đồng Kỵ, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn

 

Trước hết, làm thế nào để chúng ta xác định một thế giới THIÊNG (sacré/ sacred)? Ít nhất có ba dấu hiệu: Siêu nhiên, Siêu nhân, Thần linh. Siêu nhiên là vượt ra khỏi tự nhiên, đó là Thượng đế, Thiên chúa,... Các hiện tượng tự nhiên trong hình dung của con người vượt ra khỏi tự nhiên. THIÊNG với từ loại tính từ, tức tính THIÊNG nằm ở trong nội tâm của con người hay từ bên ngoài tác động vào?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng đến với làng cổ Đồng Kỵ, có tên Nôm là Cời (Kẻ Cời), nằm ở hữu ngạn sông Ngũ Huyện Khê, sát đỉnh thứ 2 (Cổ Loa, Đông Anh) của tam giác châu thổ sông Hồng, nay thuộc phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn. Làng cổ Đồng Kỵ vừa mang nét văn hóa chung của vùng châu thổ sông Hồng, vừa mang bản sắc của vùng Kinh Bắc xưa. Các di tích đình, đền, chùa nơi đây với những giá trị nghệ thuật và tâm linh đặc sắc kết hợp lại thành một cụm kiến trúc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa năm 1988. Theo như thần phả, thần tích mà làng còn giữ lại, đình Đồng Kỵ là nơi thờ đức thánh Thiên Cương (tức Hùng Huy Vương), một vị tướng giỏi của Vua Hùng thứ 6, có công theo Thánh Gióng đánh giặc Xích Quỷ, giặc Ân xâm lược 1. Cũng như bao ngôi đình khác trên khắp ba miền Bắc Trung Nam, đình làng Đồng Kỵ là ngôi nhà chung để người dân hội họp, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và tế lễ thờ cúng các vị thần đã có công giúp nước hộ dân. Hội làng diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng. Trong những ngày này, ngày mùng 4 được coi là ngày quan trọng và náo nhiệt nhất, vì nó diễn ra lễ hội rước pháo để tưởng niệm công trạng của vị Thành Hoàng làng khi xưa. Những nét đẹp mang tính chất truyền thống hay các lễ tiết được thể hiện rõ trong hương ước của làng được người dân gìn giữ, coi trọng. Có thể nói, đình Đồng Kỵ là một trong những đình làng cổ hiếm hoi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và nghệ thuật độc đáo, là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại hiện còn đến ngày nay trên đất Bắc Ninh.

Một nghiên cứu khác của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo), làng này có thờ một vị thánh “gắp phân” gọi là Thiên Cương Đế. Xuất phát từ việc hình thành tên làng một cách dân dã “cời” trong Kẻ Cời có nghĩa là vật, xương trâu, hốt phân. Theo nghiên cứu của Nguyễn Quốc Tuấn, “Cời” có nhiều lớp nghĩa chồng lên nhau cần xem xét về tính chất ngẫu nhiên. Ngoài Bắc, có nhiều vị thần ngẫu nhiên. Tất cả cái phi thường diễn ra đều có khả năng trở thành thần. Phù Đổng cũng vậy, một vị Thánh vừa sinh ra ăn hết ba nong cà, ba nong cơm, mặc áo giáp sắt đi đánh giặc. Trong hình dung của con người thì có rất nhiều vị thần gắn liền với những địa danh lịch sử, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử. Sự hòa huyện đan xen với huyền sử là một nếp nghĩ có khi lại chất phác thô sơ, có khi lại vượt qua ngưỡng hiện thực một cách phi thường và sức sống của mảng này ngày nay trở thành rất nhiều lễ hội văn hóa, đặc biệt là ở miền Bắc nước ta. Cho nên có một lằn ranh rất mỏng từ truyền thuyết đến thần thoại. Từ những câu chuyện có dính líu đến yếu tố lịch sử đến cái thế giới thiêng, cái phi thường mà thần thoại làm nhiệm vụ giải thích từ vô lý thành cái có lý nhất. Khắp nhân loại đều có thần thoại, sách kinh thánh Ki Tô giáo, phần đầu tiên là Sáng Thế ký. Đó là chúa Trời, người đã nghĩ ra cách tạo lập vũ trụ trong 6 ngày: lấy đất hà hơi vào làm thành đàn ông; lấy xương sườn đàn ông tạo ra phụ nữ... Sáng Thế ký nằm ở Do Thái giáo truyền qua Ki Tô... Có thể nói, thần thoại là một nấc tư duy để con người hình dung về vũ trụ. Và qua những vị thần của con người, niềm tin được truyền bá bằng miệng hay bằng chữ viết, bằng tất cả những câu chuyện, những thần thoại, mà toàn bộ chúng hợp thành thần thoại học. Các thần thoại này rất khác nhau nhưng một số trong những chuyện thần thoại ấy có mặt ở nhiều tôn giáo: thần thoại về sự sáng tạo đầu tiên của loài người, thần thoại về Lạc Viên... Qua đó, chúng ta thấy thế giới thiêng có cả nhân thần, vật thần, nhiên thần... trải qua tầng bậc tư duy và kinh nghiệm sống của con người theo thời gian, không gian mà có những cấp độ, phương diện khác nhau.

Tính chất THIÊNG còn thể hiện ở cấp độ gần gũi hơn với đời sống thường nhật của người Việt Nam, đó là thờ người đã khuất và trong tiềm thức những người còn sống, có mặt trên thế gian này thì những người sau khi từ biệt cõi đời này đã bước sang một thế giới khác đó là thế giới THIÊNG. Vì thế người còn sống có quan hệ huyết thống sẽ tôn thờ và cúng bái vì nhiều lẽ gọi là thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên cũng là một phong tục của người dân Việt xuất hiện từ trước khi có các tôn giáo ngoại sinh du nhập. Khi các tôn giáo lớn vào Việt Nam, tất nhiên với sự chất phác và dung dị của người Việt xưa kia đã tạo môi trường thuận lợi cho sự tương tác với tín ngưỡng bản địa vốn có, trong đó cũng đã tạo ra sự ảnh hưởng lớn đến việc thờ cúng tổ tiên. Phật giáo (Bắc truyền, Kim Cang thừa), Đạo giáo, Công giáo, Tin Lành cũng có các loại hình thờ cúng truyền thống, do vậy tạo nên sự giao thoa văn hóa thờ cúng.

 

 

Chẳng hạn tư tưởng của Khổng giáo là đề cao chữ hiếu, là nền tảng đạo đức. Sự sống của mỗi người gắn liền với sự sống của cha mẹ; sự sống của cha mẹ gắn liền với sự sống của ông bà và cứ như vậy, thế hệ sau là sự kế tiếp của thế hệ trước. Vì thế, sự biết ơn là đạo lý và một trong những biểu hiện biết ơn là sự thờ cúng tổ tiên một cách nghiêm túc. Đạo giáo sau này xây dựng viễn cảnh thần tiên và trường sanh bất lão cũng là đối tượng hướng đến trong một góc khuất khát khao thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc. Và Đạo giáo lại củng cố niềm tin vào một năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mã, đốt vàng mã. Cũng vậy, Phật giáo đến Việt Nam cũng đã phần nào được bản địa hóa, cho nên dù đạo Phật cho rằng không có kiếp sống đầu, kiếp sống cuối, nhưng sau khi chết, con người sẽ được tái sinh và đầu thai một kiếp khác cho thấy thuyết luân hồi là có ảnh hưởng khá đậm nét mặc dù chúng ta đang tái sinh từng giây từng phút.

Có thể nói những tư tưởng cơ bản của các tôn giáo du nhập Việt Nam có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển niềm tin vào thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam.

Sở dĩ, các vị thánh thần trong các đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão cũng như các vị có công với đất nước, với làng, với nhà... trở thành biểu tượng thờ cúng thiêng liêng và thực hành lễ bái có lẽ vì trong mỗi chúng ta đã và đang ngầm thỏa thuận với nhau có một  điều gì đó “THIÊNG” khi chúng ta buộc miệng nói “Hồn thiêng sông núi” hoặc “Địa linh nhân kiệt” trong dòng chảy của sự suy tôn. Như vậy, không chỉ có nhân thần mà còn có nhiên thần nữa. Lý Công Uẩn khi vừa mới lên ngôi đã nghĩ đến việc dời đô về Hoa Lư. Trong “Thiên đô chiếu”, ngài nhận định thành Đại La là nơi có cái thế “Rồng cuộn hổ ngồi”, xem xét khắp đất Việt không có nơi nào là thắng địa, cho thấy sự giao hòa giữa đất trời, khí hậu, cây cỏ, vạn vật là điều thiêng liêng của người dân Đại Việt lúc bấy giờ. Cho đến ngày nay, sức sống của niềm tin vẫn luôn trôi chảy trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam. Chung một nhịp đập của suy nghĩ này không chỉ là số ít mà là cả cộng đồng người Việt Nam. Mới thấy cái gọi là phàm/ thế tục (profane) và thiêng (sacré/ sacred) bao giờ chúng cũng hòa quyện vào nhau, chỉ sắc thái đậm nhạt tùy bối cảnh lịch sử, tùy nhận thức của con người trong sự giao thoa về niềm tin ở nhiều tôn giáo tại Việt Nam như hiện nay.

Đặc biệt, cái gọi là tín ngưỡng dân gian mà cụ thể là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam dù không xét trên bình diện tôn giáo với cái mẫu chung của tôn giáo, chúng ta có thể nói với nhau rằng dù chưa có một hệ thống giáo lý chính thức bằng văn bản như các tôn giáo khác nhưng từ gia phả, từ nghi thức lời khấn cầu đến những dòng chữ được khắc, được in, được vẽ được đặt trên bàn thờ... vẫn chứa đựng một không gian thiêng trong đó. Dù chưa có một giáo chủ lãnh đạo tinh thần của tập thể để định danh về mặt truyền thông nhưng nó đã định danh về mặt truyền thống trong mỗi con người Việt Nam có quê cha, có đất Tổ, có lịch sử thờ phụng. Chính sự kính ngưỡng của cộng đồng trải qua nhiều thế hệ, nhiều biến đổi thăng trầm của cuộc sống thì cái “THIÊNG” đó vẫn tồn tại trong con người Việt Nam. Mặt khác, một sự kiện trong nhận thức quan phương về lễ hội ở Việt Nam trong năm 2007 chính là quyết định quan trọng của Quốc hội và nhà nước Việt Nam là công nhận ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm, ngày giỗ các Vua Hùng, trở thành ngày đại lễ của quốc gia mà trước đây nhiều chục năm bị coi là một lễ hội có tính cách địa phương. Sự trở lại với những biểu tượng linh thiêng của dân tộc và quốc gia là một sự trỗi dậy sau một nhiều năm tháng tiềm tàng, bị khuất bóng dưới sự sai lệch ảnh hưởng nhận thức tôn giáo phương Tây.
Cụ thể, Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng về hiện tượng xã hội thờ cúng tổ tiên không thể bị hạ xuống là tín ngưỡng mà phải xem đó là một tôn giáo dân tộc, có mặt ở cả ba cấp độ Nhà - Làng - Nước của người Việt. Ở cấp độ Nhà là thờ ông bà, tổ tiên đã khuất. Ở cấp độ Làng là thờ những bậc tiên hiền, hậu hiền, những thành hoàng, những tổ sư, hay những người có công với làng với nước. Ở cấp độ nhà nước là thờ các vị Vua Hùng đã có công dựng nước. Tuy nhiên, chúng tôi không bàn về tiêu chí để xếp vào tôn giáo hay tín ngưỡng mà chỉ đề cập đến tính THIÊNG đối với tất cả đối tượng thờ cúng có mặt trong ba cấp độ này.

 

 

Có thể nói những thực thể THIÊNG tồn tại kể trên đã và đang có sức sống tiềm tàng trỗi dậy với giá trị mới hơn khi mà văn minh vật chất khá đầy đủ thì đời sống tinh thần là một nhu cầu không thể thiếu. Trong tâm hồn của phần lớn người dân Việt đang có những bước khởi sắc tìm về nếp cũ. Biểu hiện từ vật chất đến tâm linh, ngay trong ngôi nhà ở hiện đại vẫn có chỗ để dành phỏng theo không gian làng quê Việt Nam với những vật dụng tre nứa, một loại trang phục truyền thống, và đặc biệt nơi thờ tự là sự biểu hiện kính ngưỡng mang màu sắc của sự dung hợp văn hóa thờ Phật với thờ cúng tổ tiên. Bởi con người đã ý thức ngày càng đúng đắn hơn về giá trị cái “THIÊNG” trong cuộc sống hiện đại dù có tôn giáo để tựa nương hay không tôn giáo cũng vậy! Tóm lại, chúng tôi cho rằng: THIÊNG có từ nội tâm kết hợp với không gian, biểu tượng, sự kiện và nhu cầu thỏa mãn tâm linh trong từng hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh tâm lý cụ thể và được nuôi dưỡng từ niềm tin của cả cộng đồng dân tộc.

Ngày 20 tháng 10 năm 2018

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6114271