Thông tin

CẢM NHẬN VỀ NĂNG LỰC VÀ TÍNH CÁCH

CON NGƯỜI BẾN TRE

 

TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN*

 

Địa lý nhân văn nghiên cứu về mối quan hệ giữa yếu tố địa lý tự nhiên với năng lực và tính cách của cư dân - là chủ nhân lâu đời của từng vùng đất. Trên phạm vi toàn thế giới, giữa các châu lục có sự khác nhau khá rõ về văn hóa - bao gồm năng lực và tính cách của con người.

Riêng ở Việt Nam, giữa các vùng miền cũng dễ nhận thấy những thiên hướng, đặc trưngkhác nhau về năng lực và tính cách con người. Người miền Bắc thiên về khoa học xã hội, chính trị... tính cách và lối sống tinh tế đến mức khách sáo. Người miền Trung thiên về năng lực vượt khó và nghề đi biển, nhiều tài năng quân sự... tính cách dữ dội, phân biệt đen trắng rõ ràng... Người miền Nam thiên về năng động trong hoạt động kinh tế, tính cách bộc trực, hào sảng... Ở mỗi vùng miền lại có những "tiểu vùng" địa lý nhân văn.Những thiên hướng, đặc trưng ấy đều phản ánh sự khác nhau về điều kiện địa lý tự nhiên và hệ sinh thái...

Cảm nhận về năng lực và tính cách con người Bến Tre

Nói về năng lực người Bến Tre, nhiều người cho là: người Bến Tre có mặt ở nhiều cơ quan chính quyền của các tỉnh, là cán bộ của nhiều ngành, nhiều cơ sở kinh tế, xã hội...nói cách khác là "diện phủ sóng" công việc của người Bến Tre rộng hơn khá nhiều so với các tỉnh thành khác-điều đó chứng tỏ trình độ chuyên môn và tinh thần làm việc là thế mạnh và là năng lực "nổi trội" của người Bến Tre... Vì thế, có người đã so sánh dân Bến Tre giống dân Do Thái trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2 - có mặt ở hầu khắp các châu lục và có nhiều tài năng vượt trội...Sự so sánh đó không chỉ căn cứ vào hiện tượng người Bến Tre có mặt ở nhiều nơi, trên nhiều vùng miền của đất nước, mà bao hàm cả ý nghĩa là mảnh đất Bến Tre đã sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng ở rất nhiều lĩnh vực. Thời phong kiến có Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Tấn Bửu, Phan Văn Trị... Về quân sự có đến 18 vị tướng, trong đó có những người rất nổi tiếng như: Dương Văn Dương, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định... và trong cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân đế quốc, nhiều người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Bến Tre cũng là nơi có nhiều tu sĩ tinh thông Phật pháp và có tầm ảnh hưởng trên cả nước, tiêu biểu như Hòa thượng Lê Khánh Hòa - người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo trên quy mô toàn quốc. Những tên tuổi ấy là những biểu tượng về tài năng được sản sinh trên cái nền địa lý nhân văn của vùng đất Bến Tre.

Nói về tính cách người Bến Tre, cũng nhiều người cảm nhận đó phải là những con người có lòng nhân ái, chân thành mới có thể hòa nhập được với văn hóa và cuộc sống ở nhiều vùng miền khác nhau. Nhiều người còn nhận thấy người Bến Tre có tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao...nên có lẽ Bến Tre là một trong những tỉnh có nhiều hội đồng hương ở nhiều tỉnh thành khác. Tinh thần đoàn kết của người Bến Tre thể hiện rất rõ trong thời kháng chiến - không phải ngẫu nhiên mà Bến Tre là ngọn cờ đầu trong phong trào Đồng khởi, vì ở đó có hàng trăm, hàng ngàn người sát cánh bên nhau trong các cuộc đấu tranh chính trị, khởi nghĩa vũ trang chống lại cường quyền bạo lực của quân đội và chính quyền Ngô Đình Diệm.

Thế nhưng phải chăng tính cố kết cộng đồng ấy phát phát huy trong những điều kiện nhất định của thời bình lại có thể biến thành tính cục bộ? Chắc không phải vô cớ mà có những cán bộ người Bến Tre đã từng nói "đã qua bến phà Rạch Miễu thì khó trở về...". Có lẽ vì thế mà trong không khí vui vẻ của một bữa tiệc sau cuộc hội thảo, một cán bộ nghiên cứu không phải người Bến Tre đã nói vui: Tôi thấy dân Bến Tre giống dân Do Thái ở chỗ có rất nhiều người tài giỏi và đi khắp nơi... nhưng khác là: sau chiến tranh, Do Thái tìm mọi cách hút người tài trở về xây dựng đất nước... nhưng tại sao bến phà Rạch Miễu lại vắng người trở lại, thậm chí còn có những người muốn lên chuyến phà ra đi... Sự so sánh hài hước ấy không biết có khiến nhiều người Bến Tre phải suy nghĩ?

Nguồn gốc năng lực và tính cách con người Bến Tre

Có giả thuyết cho rằng do yếu tố địa lý: Bến Tre gồm ba cù lao hợp thành, ngăn cách với bên ngoài bởi những con sông lớn nên có nếp sống khép kín, biệt lập, cùng với tinh thần cộng đồng rất cao đã tạo ra nét tâm lý gần như tính cục bộ... Nhưng cũng có cách lý giải khác là: phần lớn cư dân Bến Tre xưa là từ Quảng Ngãi di cư vào trong quá trình khai phá vùng đất phương Nam từ thời các chúa Nguyễn, nên về tính cách và năng lực có nhiều nét tương đồng với người Quảng ngãi. Có lẽ cả hai giả thuyết trên đều có cơ sở thực tiễn để kiểm chứng:

Nét tương đồng thứ nhất là Quảng Ngãi cũng có nhiều danh nhân nổi tiếng ở nhiều thời như: Trương Định, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Sỹ... và đặc biệt cũng có rất nhiều tài năng quân sự, chỉ riêng huyện Sơn Tịnh đã có 11 vị tướng rất nổi tiếng như: Trần Văn Trà, Nguyễn Chánh, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt...

Điểm tương đồng thứ hai là ý chí kiên cường, đi đầu về hoạt động vũ trang: Nếu ở Quảng Ngãi có khởi nghĩa Ba Tơ diễn ra trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 và kháng chiến chống Pháp, thì Bến Tre là quê hương đi đầu trong phong trào Đồng khởi - thực chất là khởi nghĩa vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ.

Tính cách con người Quảng Ngãi rất cương trực, quyết liệt, không nhượng bộ với kẻ thù... có lẽ chính vì thế mà khi tiếp xúc với tính cách ấy, quân Mỹ đã bị hoảng loạn về tinh thần và dẫn đến những hành động như những kẻ mất trí khi thực hiện vụ thảm sát thường dân ở Sơn Mỹ - tháng 3 năm 1968... và đến tháng 2 năm 1969, quân Mỹ lại thực hiện cuộc thảm sát dân thường ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre... Dường như hai cuộc thảm sát của quân Mỹ diễn ra ở hai nơi, hai thời điểm khác nhau nhưng có một điểm chung là tinh thần bất khuất của người dân Quảng Ngãi và dân Bến Tre đã làm cho kẻ thù mất trí và hành động của kẻ hèn nhát khi thảm sát những người dân thường trong tay không có vũ khí.

Nếu cho rằng tính cách kiên cường, quyết liệt của người Quảng Ngãi là do yếu tố địa lý rừng núi và điều kiện sống khó khăn tạo thành, thì tại sao các thế hệ sau khi vào đến vùng sông nước Bến Tre - có điều kiện địa lý khác hẳn - mà tính cách ấy hầu như không thay đổi nhiều. Điều đó, chứng tỏ sự tương đồng về năng lực và tính cách của con người Bến Tre và Quảng Ngãi có cơ sở khoa học về tính bền vững của những giá trị truyền thống như những "gien văn hóa" đã được thử thách và kiểm chứng bằng thực tế lịch sử.

***

Bến Tre ngày nay không còn là ba cù lao biệt lập mà đã có những cây cầu hiện đại như Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên... kết nối Bến Tre với miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Những cây cầu ấy sẽ giúp cho Bến Tre hòa nhập và phát triển kinh tế, xã hội nhanh hơn, đồng thời cũng là những cây cầu hấp dẫn hơn, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng để Bến Tre thu hút nhân tài tìm đến và trở về góp phần xây dựng quê hương giàu truyền thống nhân văn.

 


* Trung tâm NCPGVN Viện NCPH Việt Nam

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6116458