Thông tin

CAO HUY THUẦN “NGƯỜI KHUÂN ĐÁ”

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

 

Cao Huy Thuần, vẽ bởi Đỗ Hồng Ngọc (2014)

 

Đọc Cao Huy Thuần lúc nào tôi cũng thấy sảng khoái. Mới lướt qua, cứ tưởng anh kể chuyện tào lao trên trời dưới đất, đông tây kim cổ cho vui, nhưng không, đằng sau đó là tầng tầng lớp lớp những ẩn nghĩa, ẩn dụ… được giấu nhẹm bên trong. Cứ như có một cái kho tàng bí mật, nếu chịu khó khui ra từng lớp, từng lớp mới à há! Vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vậy. Cho nên đọc Cao Huy Thuần đừng vội. Cứ nhởn nhơ. Cứ nhâm nhi. Ngâm, rồi ngẫm, rồi ngấm.

Tôi đọc Người Khuân Đá của anh với một thứ cảnh giác cao độ! Cái ông Giáo sư đại học kiêm “thầy giáo làng” này tính cái gì đây với Người Khuân Đá nhỉ? Ai khuân, khuân đi đâu, khuân để làm gì? Dã tràng xe cát biển đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì ư? Sao biết? Chỉ có dã tràng mới biết. Cũng như chỉ có Phật với Phật mới biết nhau, không cần phải nói ra lời. Ông Bồ-tát Duy Ma Cật làm thinh, tưởng bí, mà Văn Thù vỗ tay ca ngợi hết lời. Cái sự làm thinh đó mới đáng sợ. Dã tràng có nói gì đâu. Thiên hà ngôn tai. Ai biết Dã tràng kia đã làm cái trò gì, xe cát hẳn phải có lý do gì chớ, cũng như con bọ hung kia hùng hục chui vào đống phân trâu bò vo tròn từng cục lớn cục nhỏ, hì hục lăn về ổ là để chuẩn bị thức ăn cho vợ đẻ con đó thôi. Nó vậy là nó vậy. Cứ hỏi Như Lai thì biết.

Rồi tự dưng một ông giáo hơn 80 tuổi đầu, bỗng cao hứng nói về tình yêu, về hạnh phúc, về cái chết về lẽ sống…

Có tình yêu nào mà không đau khổ

Có tình yêu nào mà chẳng xót xa

Thì ra vậy. Ông dẫn bằng một bài thơ của Aragon: “Il n’y a pas d’amour heureux”.

Rồi ông mượn cả Platon, Aristote, Spinoza… Rồi kết: tình yêu cần phải “thiếu” mới hạnh phúc. Hèn chi mà Mỹ nói: I miss you, nghĩa là Tôi “thiếu” em!

“Phải nhìn thấy cái khổ của thiếu để biết hạnh phúc của cái đủ. Thì ra “Khổ, Tập, Diệt, Đạo” đó mà!

Rồi Cao Huy Thuần đọc thơ cả với Freud. Hình như ông ráng moi bên dưới tiềm thức của Freud còn có cái gì khác nữa không? Có đó. A-lại-gia-thức hay Tàng thức đó mà Freud chưa nhận ra hết. Chỉ cần A-lại-gia thức chuyển thành Đại viên cảnh trí thì xong… Mạt-na thức lúc đó đã chuyển thành Bình đẳng tánh trí, không cần phải đắn đo, toan tính, phân biệt chi nữa cho mệt!

Nhưng bởi Cao Huy Thuần không phải là Camus. Anh là một người học Phật, một người hành thiền. Anh biết Vô minh, anh biết Ái, Thủ, Hữu… tại sao, thế nào, nên anh… thoát: “Tôi không đối kháng tôi với cuộc đời. Tôi không vướng bận gì với Thượng đế như Camus”, ông nói. “Không còn ý thức về vô lý nữa mà ý thức về vô thường”. Và ý thức về vô thường cũng có nghĩa là ý thức về vô ngã. Niết bàn ở đó. Sisyphe cứ khuân đá, vừa đi vừa thở vào thì biết mình thở vào, thở ra thì biết mình thở ra. Một người thiền hành. Một khi “Sisyphe cứ bước như một người thiền hành” thì Sisyphe hết càu nhàu, Sisyphe trở nên tếu. Cười chứ. “Để lại thiên thu hình dáng nụ cười” (Trịnh Công Sơn) mà!

Trong “Khoảnh khắc và vô tận” ông dẫn Nietzsche: “Tình yêu không muốn một quãng thời gian, nó muốn khoảnh khắc và vô tận”. Và đây là một câu rất hay của Cao Huy Thuần, một câu như thơ: “Tôi thấy vô tận trong khoảnh khắc muốn khóc ấy”. Có không một khoảnh khắc muốn khóc? Có đó. Nó chính là một sát-na của Phật. Nơi không có thời gian lẫn không gian. Một sát-na là một khoảnh khắc? Hay là vô tận? Hay vừa khoảnh khắc vừa vô tận. Phải “sống” trong sát-na đó thì mới biết.

Ở “Sợi Tơ Nhện” thì khác. Là đường bay của hạnh phúc. Sợi Tơ Nhện tưởng là sợi tơ nhện mà không phải. Giữa mùa Vu Lan, đọc Sợi Tơ Nhện để rùng mình, “hãy có một chút rùng mình khi mặt trời chìm trong nước biển, khi con chim thốt nhiên vẫy cánh kêu lên một tiếng trước hoàng hôn…”.

Cao Huy Thuần giăng một sợi tơ, chỉ là cái cớ kéo ta vào đường bay của hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc lấp lánh ánh vàng.

Anh nói về cái Chết, về Tình yêu. Bởi hai cái đó vốn là một. Không thể có cái này mà không có cái kia. Trong tình yêu cũng như trong cái chết thì người ta mới nhận ra “vô ngã”. Mà vô ngã là Niết bàn.

Đọc Cao Huy Thuần sảng khoái, như phát hiện giữa những trang sách một kho tàng bí mật, lấp lánh ánh vàng, bởi đó là những lời Phật dạy. Anh làm tour-guide, người dẫn đường, khai thị. Anh nói về cái chết, về linh hồn. Anh dẫn các triết gia đông tây kim cổ để rồi kết luận không có cái chết, cũng chẳng có linh hồn nào bất tử! Trịnh Công Sơn cũng bảo “Không có đâu em này không có cái chết đầu tiên/ và có đâu bao giờ đâu có cái chết sau cùng…”. Tuệ Sỹ cũng viết: “Cái tử chỉ là sự chấm dứt của một giai đoạn tạm thời cũng như cái sinh là khởi đầu của một giai đoạn tạm thời khác”.

Cao Huy Thuần luận về chữ “còn” trong câu thơ Nguyễn Du “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. “Còn” thế nào được cơ chứ? Hoa đào năm ngoái rụng sạch hết trơn rồi. Hoa đào này là của năm nay đó chứ. Nhưng với chàng Kim Trọng, nhất định hoa đào năm ngoái vẫn còn đó, còn đó vì vẫn còn thấp thoáng bóng nàng Kiều. Nhưng đừng tưởng Cao Huy Thuần bàn chuyện tình của chàng Kim nàng Thúy. Anh mượn chữ “còn” để luận thời gian. Thời gian của quá khứ hiện tại và tương lai. Luận một lúc, thì ra chả có quá khứ hiện tại vị lai gì cả. Chỉ có cái khoảnh khắc ở đây và bây giờ thôi.

Rồi anh lại bàn về chữ “còn” khác: Thác là thể phách còn là tinh anh. Dẫn từ Socrate tới Sartre, từ Lamartine tới Marcel Proust đến Nguyễn Du… Cái gì còn? Còn cái gì? Tưởng là linh hồn mà không phải. Không có một cái linh hồn bất biến nào cả. Cao Huy Thuần nói đến tiền kiếp, đến nghiệp, nhân quả, duyên sinh…

“Linh hồn của Socrate đã bay rồi! Linh hồn bay như một cỗ xe có cánh do hai con ngựa kéo…”? Cao Huy Thuần nhắc lời Phật: hãy niệm tử. Hãy nhớ đến cái chết. Cái chết không xa lạ. Nó thân quen và gần gũi xiết bao. Nhiều điều trong cuộc sống không thể biết chắc nhưng cái chết thì biết chắc, lúc nào đó, cách nào đó. Phật dạy phải niệm tử. Và nói thêm: Ai làm bạn với Thần chết thì Thần chết chẳng làm khó dễ mình! Đã là bạn bè, ai nỡ làm khó dễ nhau chứ? Bây giờ y học cũng nói đến không chỉ “Chất lượng cuộc sống” mà cả “Chất lượng cuộc chết” rồi đó! Chết sao cho “có chất lượng” quả là không dễ.

Đọc Bướm bay tưởng Cao Huy Thuần nói chuyện bay bướm, chuyện ái tình chi chi đó bởi trong bức thư mở đầu khá ướt át: “Em chưa quen của tôi… rồi Em bắt đầu quen của tôi và rồi Em đã quen và thương mến của tôi…”, cứ tưởng anh đang tán tỉnh một cô nàng tuổi ba mươi nào đó như ông lão André Maurois viết cho người đàn bà không quen biết (Lettres à l’inconnue) ngày nào, nhưng không! Đó là chuyện những cánh bướm… chập choạng chết hàng loạt, sẽ có ngày tuyệt chủng vì hóa chất, vì các thức ăn đã bị cấy ghép gene diệt bướm!…”Giận con người đã làm thương tổn thiên nhiên. Con người quá thông minh… chỉ muốn vắt sữa thiên nhiên, hút máu thiên nhiên, cuồng bạo trước thiên nhiên. Con người không biết đọc lời kinh chép trên cánh bướm”.

Đọc tập tản văn mới nhất của Cao Huy Thuần Sen thơm nắng hạ quê mình, tôi thấy hay nhất là Người đưa đò - câu chuyện của Lucien de Samosate (120-180), gần 2.000 năm trước được tác giả chọn dịch và “sáng tác” thêm phần “ngoại truyện”.

Tác phẩm là cuộc trao đổi giữa thần Mercure và Charon - người đưa đò, chở người chết qua sông chia cách âm dương đôi ngã… Charon than phiền có những xác chết nặng chình chịch, làm đò chìm, người chết phải rơi vào địa ngục và có những xác chết nhẹ tênh… Mượn chuyện xưa nói chuyện nay là tài của Cao Huy Thuần. Người đời có hai hạng, hạng sống mà không thấy “người đưa đò” Charon lúc nào cũng đứng chực sẵn một bên, nên đầy tham sân si, lúc chết cũng ôm theo quá nặng, làm đò chìm nghỉm. Chỉ một số ít người khác thì nhẹ tênh, nhờ thấy cái gì trên đời cũng nhẹ nhàng, cũng đẹp, cũng đáng ngạc nhiên, nhìn đâu cũng thấy ân huệ của cuộc sống…

Tôi thấy hơi tiếc một chút: giá mà anh dịch theo giọng xưa của 20 thế kỷ trước thì nỗi đau sẽ càng đau hơn, nhưng anh có lý của anh, dùng ngôn ngữ hiện đại cho ai cũng hiểu.

Trong nhiều tản văn đầy tính triết học uyên thâm, Giao thừa, Chữ của tôi, Trí tuệ và lòng tin, Sóng và biển, Mẹ tôi, Thúy Kiều và… tôi… là những trang viết ấn tượng; riêng Thì thầm bàn về “Bát Nhã”, “Bát bất”, về “Có Không” viết rất khéo, rạch ròi và thuyết phục, thấm đẫm “Trí bất đắc hữu vô/ Nhi hưng đại bi tâm” (Trí chẳng đắc có không/ Mà hưng khởi tâm đại bi).…

Nhưng Quả trứng mới đúng là Cao Huy Thuần. Như một gởi gắm, một tạ từ, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội…”.

“Xa xôi, lữ thứ, cuối đời nghĩ lại quả trứng ngày xưa, cái hạnh phúc vô biên được cắn vào quả trứng đầu tiên trong đời nghèo khó, mơ màng tưởng như cắn cả buổi trưa, cắn cả phố chợ, cắn cả nguồn cội, cắn cả quê hương…”.

Bởi từ những ngày thơ dại ai mà chẳng nghêu ngao Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng… Thế rồi khi dấn bước vào đời ta đã quên bài học cũ, mải mê tìm kiếm một búp sen vàng, sen bạc rực rỡ hào quang ở tận chân trời góc biển. Cho đến một hôm giật mình: thì ra cái Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng kia rốt cuộc cũng chỉ là Nhị vàng bông trắng lá xanh đó thôi. Chẳng thêm chẳng bớt. Đóa sen của thiên thu vẫn lung linh giữa gió và nước, giữa đất và bùn, vẫn tủm tỉm cười, vẫn ngát hương thơm…

Cao Huy Thuần viết: “Tôi tương tư mùi đất ruộng. Tôi tương tư làng tôi. Tôi tương tư nước tôi. Càng già, càng trở về với quả trứng. Càng thấy mình mắc nợ với đứa bé ngày xưa, với gốc gác của nó. Một món nợ không trả được vì nó đã cho mình tất cả, từ trái tim đến máu thịt. Nó cho cả hơi thở, vì đôi lúc một làn gió vô tình thoảng vào mũi mùi gì như mùi lúa nảy đòng đòng. Xa làm sao được quê hương?”.

“Cho nên tôi yêu, như đã yêu từ trong trứng, mọi cái tầm thường. Cho nên tôi thấm đạo. Hạnh phúc, đâu phải tìm ở đâu xa. Nó ở ngay nơi mọi cái tầm thường xung quanh tôi. Và nếu mọi cái tầm thường làm nên cái hằng ngày của ta, thì ngày nào chẳng là hạnh phúc?” (Quả trứng).

May cho anh, không như Thôi Hiệu “Nhật mộ hương quan hà xứ thị” bởi anh còn có Quả trứng.

Quả trứng của Âu Cơ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6129570