Thông tin

CHÉN TRÀ VÀ DÒNG KINH VÔ TỰ...

CHÉN TRÀ VÀ DÒNG KINH VÔ TỰ...

 

NGUYỄN BÁ HOÀN

     

 

Kiếp sống của một con người dù dài hay ngắn cũng đều trôi qua rất lẹ, nhất là đối với những người đứng bên ngoài đã chạm ánh mắt vào cái giới hạn của kiếp người. Và dù sống lâu trăm tuổi hay vắn số khi tóc xanh còn để chỏm, thì đương khi con người ta đang sống, đang còn yêu thương, thù hận, còn bao dung độ lượng, còn hẹp hòi ích kỷ, thì sự đời nơi mỗi phận người đều là một thiên kinh sống động ý nghĩa nhất, để con người chiêm nghiệm, trì tụng lấy.

Thật vậy, kể từ khi cất tiếng khóc chào đời, cứ mỗi ngày trôi qua là thêm một dòng kinh in đậm lên nền cuộc sống, mỗi năm tháng trôi qua lại thêm một trang kinh, mỗi đời người là một quyển kinh dày mỏng tùy theo thọ mạng ngắn dài, đặc biệt nó đều sống động, đều kham nhẫn chịu đựng như nhau cả, trong đó chứa đầy những vui buồn, sướng khổ, hoa thơm, gai góc, nụ cười, nước mắt, thiện và ác, đúng sai, phải quấy, hạnh phúc và bất hạnh. Té ra, từ khi sự sống nảy mầm, con người đã viết nên những dòng kinh thấm đẫm chất người với dẫy đầy những toan tính “Ma Ma - Phật Phật”, những dòng kinh có khi như những dòng thơ trữ tình bềnh bồng thăng hoa, cũng có khi như mang phải gáo nước đồng sôi, hòn sắt nóng, hình thành từ chất súc sanh địa ngục. Những mất mát hư hao đọng lại một cách thứ tự trong tiềm thức. Những đau khổ thì ngổn ngang, hạnh phúc thì dè chừng, thù hận và yêu thương trong dòng máu nóng và lạnh được phơi bày lên nền cuộc sống. Tất cả hiện thành từ tâm người, thông qua những suy nghĩ, nói năng, hành vi tạo tác nơi mỗi con người đã tạo nên cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, tạo nên sự vững chắc của “cái tôi” vừa đáng yêu vừa đáng ghét. Kể cũng lạ thật, khi con người mải mê tạo tác, mải mê rong chơi và mải mê đi tìm lại chính mình, đã khiến bước chân lao vút đi cuồng nhiệt. Con người đã đi ra, con người lại tìm ngõ ngách để đi vào và con người lại bỏ lại sau lưng tập đại thành tác phẩm của chính mình. Vì không đọc lại dòng kinh của ngày hôm qua, không đọc lại những trang kinh của năm kia, năm ngoái, con người đã khắc khoải và hồn nhiên quay tít theo vòng quay thế sự.

Sự sống nảy mầm hình thành nên kiếp sống, kiếp sống ngắn dài tùy theo vận mạng, xuôi theo tạo tác và trả vay nơi mỗi con người. Những kiếp sống tuần tự trôi qua, nhất thời cuốn theo vạn sự nhiễu phiền lẩm cẩm, nhưng lại chất chồng nợ nần trả vay, vay trả. Phú quý, nên hư, thành bại, lợi danh, được mất, sống còn… tuồn tuột ra đi, duy chỉ còn lại những trang kinh keo sơn trong tiềm thức là có chung có thủy. Những trang kinh im ỉm chờ thời và nhất là khi bản thân nơi mỗi người xảy ra biến cố, những trang kinh lòng mới cựa mình sống dậy. Một câu kinh của Phật gia nói rằng: “Tâm như họa sĩ giỏi”. Quả thật như vậy, mỗi con người đã vẽ nên cuộc sống với tối đa sức lực của mình cho đến khi trước mắt mịt mờ mới chịu nghe ngóng chính mình. Khi không còn sức để vẽ nên cuộc sống, con người mới ngồi lại bên chén trà mà ngẫm lại những việc mình làm, mà truy nhân chờ quả, mới chịu ngồi lại nhấp từng ngụm trà mà lần giở những trang kinh lòng để thống kê được mất, để nội soi và phán xét.

Khi hơi thở trở nên èo uột, khi việc vay mượn dưỡng khí của đất trời trở nên khó khăn, chật vật thì con người mới chịu lặng thinh và thống nhất với nhau về lý vô thường. Khi đó mới không còn hồ nghi về cái ý vị của chén trà. Khi đó mới hết thắc mắc hỏi rằng tại sao trong một chén trà lại có cả phong ba bão tố!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 87
    • Số lượt truy cập : 6367835