Thông tin

CHỈ NHỚ TRÊN ĐẦU MỘT CHỮ NHƯ

CHỈ NHỚ TRÊN ĐẦU MỘT CHỮ NHƯ

       

MINH NGỌC

 


 

Trong Thiền môn, nhiều người đều biết đến bài kệ nổi tiếng và khá đặc biệt của Tổ Phước Hậu:

“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư

Học hành không thiếu cũng không dư

Năm nay nghĩ lại chừng quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.”

Cái trước tiên nhớ chữ Như tức là nhớ Như Lai, hầu như ai cũng nghĩ vậy. Như Lai chính là Thầy của mình. Học trò không nhớ Thầy là vô ân. Mà là Thầy gốc. Thầy xưa. Thầy đầu tiên dẫn dắt mình đi trên con đường Thánh thiện. Đó chính là Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Vị Thầy đó nếu quên, thì cho dù học nhiều học giỏi, học nữa, học mãi đến đâu cũng vô ích mà thôi.

Nhớ Thầy là nhớ đến cuộc đời của Thầy đã từ bỏ tất cả ngai vàng quốc thổ, vợ đẹp con xinh, quyền lực đế vương, hưởng thụ dục lạc mà dấn thân đi tìm con đường cứu chúng sanh thoát khỏi cảnh mê lầm, đau khổ. Nhớ những tháng năm Thầy nhịn đói nhịn khát miệt mài khổ hạnh để suy tầm chân lý. Nhớ Thầy tình thương rộng lớn thương chúng sanh mà rày đây mai đó dạy bảo và hóa độ. Nhớ Thầy trước khi mất còn căn dặn những người học trò thân thương rằng các con phải ráng giữ gìn Giới luật, vì đó chính là Thầy. Thầy sẽ mãi mãi bên cạnh các con. Và nhớ… Nhớ nhiều lắm… hơn cả cuộc đời của Thầy!

 Nhớ rồi mới thấy thương. Thương Thầy, cũng thương lấy mình. Thương mình sanh ra đời thì Thầy đã mất, không gặp được Thầy. Thương mình sao đã được học lời dạy của Thầy mà cứ mãi còn đắm đuối lưu luyến ở chiếc bè, ở ngón tay, ở phương tiện, ở tín ngưỡng Thần linh… Xem Thầy như một vị Thần có thể cho mình hạnh phúc giàu sang sung sướng? Rồi bày ra đủ nghi lễ van cầu xin xỏ.

Thương mình rồi lại giận mình. Giận tại sao đã biết rằng mình đang lạc vào mê cung “phương tiện”, may có bạn tốt dẫn ra khỏi trận đồ “ngũ dục, bát phong” sao không mau chóng chạy ra, mà còn nấn ná chần chừ bịn rịn? Vô thường chợt đến, thì mọi chuyện chấm dứt tại đây. Nhưng nào có chấm dứt ở nơi kia. Chết không phải là hết. Mà là bắt đầu một cái sống mới. Tiếp tục ngoi lên hay hụp xuống trong dòng đời ô trược? Hay phải mang lông đội sừng trả nợ cho đời? Hay “Mãi mãi làm khách phong trần, lang thang đất khách xa dần cố hương”? (Trần Nhân Tông).

Cái thứ hai nhớ Như, là nhớ Như Lai, tức Chân như thực tướng của các pháp, là tính Phật, là Bồ đề tâm. Như Lai ấy không đản sinh ở thành Ca tỳ la vệ, cũng không nhập diệt ở Sa la song thọ. Bất sanh bất diệt. Không phải của riêng ta mà là của tất cả chúng sanh. Là tri kiến Phật. Mỗi mỗi chúng sanh đều bình đẳng có. Học nhiều chỉ nhớ chữ nghĩa để biện bác thao thao, hí luận chẳng thôi, mà không nhớ tính Phật, nhớ Bồ đề tâm trong mình, thì mọi thực hành theo đó đều trở thành tà vạy. Tính Phật là vô lượng tâm từ bi hỉ xả. Bồ đề tâm là tự lợi lợi tha, là lục độ vạn hạnh gồm đủ từ bi trí tuệ. Chỉ bấy nhiêu nhớ để mà hành là đã không thiếu, không dư lắm rồi.

Cái thứ ba nhớ Như, tức là nhớ đến Như thị. Hòa mình trong đời với cái nhìn Như thị. Tức nhìn như vậy. Nhìn như vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mới chính là như vậy. “Nếu thấy các tướng không phải tướng tức thấy Như Lai” (Kinh Kim Cang). Nhìn Chánh kiến. Nhìn đúng như thực tướng của nó, như nó đang là. Nhìn cuộc đời này là không thường còn, là thay đổi, mà chính sự không thường, còn, thay đổi ấy lại là cái thường, là chân lý. “Vô thường thị thường”. Nhìn chúng sanh tuy đồng có một Như Lai Phật tánh, nhưng cũng muôn vạn loại sai biệt “từ tâm của chúng sanh tùy theo nghiệp mà phát hiện, khắp cả pháp giới” (Kinh Lăng Nghiêm). Đó là “Tướng như vậy. Tính như vậy. Thể như vậy. Lực như vậy. Tác như vậy. Nhân như vậy. Duyên như vậy. Quả như vậy. Báo như vậy. Và từ đầu đến cuối thảy đều như vậy”. (Kinh Pháp Hoa). Có cái “nhìn như vậy” nên có trí Bát nhã, “quán sát tự tại, không dao động trở ngại trước thuận cảnh, không sợ hãi nghịch cảnh, không mơ mộng viễn vông, không hoang tưởng điên đảo, cho đến đạt được tâm thái an vui Niết bàn giải thoát”(Bát nhã Tâm Kinh). Chỉ một chữ Như mà đã bao hàm trọn đủ tinh yếu những lời Phật dạy.

Cái thứ tư nhớ Như, tức là nhớ đến chữ NHƯ 如 được chiết tự từ hai chữ NỮ 女 và KHẨU 口. Tổ muốn răn đe các đệ tử hai thứ: Nữ là nữ sắc. Khẩu là cái miệng gồm ăn và nói.

Nữ sắc là thứ dục mạnh nhất mà đức Phật đã từng dạy trong kinh Tứ thập nhị chương: “Sự thèm muốn không gì hơn sắc đẹp. Sự thèm muốn sắc đẹp, ngoài nó không gì lớn bằng. Cũng may chỉ có một mình nó mà thôi, chứ có cái thứ hai bằng nó thì người khắp trong thiên hạ không ai có thể hành đạo được vậy”.Nhớ đến nữ nhân để người tăng sĩ với tâm nguyện xuất gia nối dõi dòng Thánh, độc thân phạm hạnh, cầu giải thoát luôn nhắc nhở cẩn trọng chớ để buông lung. Đối với hàng Phật từ tại gia cũng cẩn trọng trong việc giữ gìn 5 giới mà giới thứ ba là không được tà dâm, để tránh đổ vỡ hạnh phúc thế gian.

Miệng là một trong sáu căn dễ phạm lỗi. Ăn thô nói tục. Ăn bậy nói bạ. Cái gì cũng ăn. Vì ăn mà giết hại sinh linh. Ăn tươi nuốt sống tạo nhiều nghiệp ác. Bạ đâu nói đó. Nói thêu dệt. Nói ly gián. Nói độc ác. Nói dối gian. Trong Luật dạy: “Trong miệng con người ta có lưỡi búa…” không những chém người mà còn chém mình. Trong Bát Chánh đạo Phật dạy Chánh ngữ hàng thứ ba sau Chánh kiến, Chánh tư duy. Trong Tứ Nhiếp pháp của Bồ tát đạo, Ái ngữ đứng thứ hai sau Bố thí. Không những phúc mà họa cũng đều từ cái miệng. “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”.

Hơn nữa, Tổ cũng muốn dạy thêm, mặc dù đạo Phật chú trọng thực hành “đến để mà thấy” nhưng lý thuyết cũng rất nhiều, không đạo nào có kinh điển nhiều hơn Tam tạng. Đọc không hết, nói vô cùng. Nói có cũng trúng, nói không cũng chẳng sai. “Lìa tứ cú, tuyệt bách phi”. “Bất khả thuyết, bất khả tư nghì”. Nói hoài nói mãi cũng chẳng hết. Vì thế, e rằng Tăng sĩ, Cư sĩ sau này học nhiều học cao chỉ để nói hay, viết giỏi mà hành dở, nói nhiều mà hành ít. Chính vì vậy chữ Khẩu 口 ghép bên chữ Nữ 女 tạo thành chữ Như cũng là cách phương tiện thiện xảo ẩn ý nhắc nhở mọi người phải luôn luôn cảnh giác đề phòng hai món đó.

Xưa kia, đức Phật nói pháp ròng rã suốt bao nhiêu năm, cuối cùng Ngài tuyên bố “thẳng” suốt bao nhiêu năm ta chưa từng nói một chữ. Cầm đóa hoa sen chỉ mỉm cười. Còn Tổ là đệ tử Phật, không bằng Phật nên phải học, mà học Phật “không thiếu” tức nhiều lắm, và không học những thứ không cần thiết cho nên “không dư”. Để rồi cuối cùng chỉ còn nhớ vỏn vẹn một chữ NHƯ.

Chỉ nhớ một chữ NHƯ, tức chữ NHƯ đã chứa đựng đủ lời Phật dạy. Nhớ nhiều cũng trật, nhớ ít cũng sai. Chỉ nhớ đúng là đủ. Vì đúng không phụ thuộc nhiều ít thiếu dư. Ngoài ra, Tổ muốn nhắc nhở các hàng đệ tử xuất gia, và tại gia muốn học gì thì học, tam tạng nội điển, hay thiên kinh vạn quyển thế gian, học trong nước, ngoài nước, bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ v.v. trong Phật giáo hay ngoài thế gian đi chăng nữa, phải luôn luôn nhớ đến Như, và cuối cùng cũng phải bỏ hết chỉ cần nhớ đến Như là cần thiết và đủ rồi, không thiếu mà cũng không dư!

Hàng đệ tử Phật chúng ta ngày nay, học rồi để quên, quên đi để mà nhớ. Nhớ cái gì? Có gì đáng nhớ hơn chữ NHƯ. Có phải vậy không?! Vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà chính là vậy. Đó mới đúng là tinh thần học Phật: Một là tất cả, Tất cả là một, như kinh Hoa Nghiêm, Phật đã nói vậy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6115444