Thông tin

CHÍNH SÁCH AN DÂN TỪ NIỀM TIN MỘ PHẬT

DƯỚI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN

 

NGUYỄN HỮU THÔNG

 

I. KHÁI LUẬN

Không phải bỗng dưng mà Trịnh Kiểm dâng biểu lên vua Lê Anh Tông với lời lẽ đầy tính thuyết phục: Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biên đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan Quốc Công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì đỡ lo đến miền Nam.[1], bởi vì, đằng sau quyết định ấy là một kịch bản tế nhị, phức tạp, từ mối quan hệ Lê- Trịnh- Nguyễn. Đó cũng chính là tiền đề hình thành nên một xứ Đàng Trong, và sự phân cách hai miền với nhiều điều cần thảo luận trong lịch sử.

Bi kịch thời Lê -Trịnh đã dẫn đến một quyết định táo bạo và đầy thách thức, liên quan không chỉ cá nhân Nguyễn Hoàng và dòng họ Nguyễn, mà còn tạo nên sự chuyển mình của cả vận nước. Chúng ta thường né tránh cụm từ nội chiến dưới thời Trịnh -Nguyễn, nhưng, chính sự kiện ấy đã thúc đẩy thế lực Đàng Trong có những  bức phá mạnh mẽ trong công cuộc kiến tạo và khai thác nguồn lực phương Nam, nhằm tạo nên sự đối trọng với Đàng Ngoài để tồn tại. Vô hình trung, lớp hậu thế đã thừa hưởng một di sản về đất đai và tiềm lực kinh tế hùng hậu, không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực đương thời.

Nếu xét trên góc độ cá nhân Nguyễn Hoàng hay những vị chúa khai nghiệp xứ Đàng Trong, chúng ta không thể không cảm thông với họ những tâm sự ngổn ngang của một Nho thần ly khai. Cho dù, trong tình thế nào của bi kịch gia đình, thì việc chống lại Trịnh cũng đồng nghĩa với việc ly khai nhà Lê. Việc mưu đồ thiết lập một cơ ngơi riêng của Chúa Nguyễn tách khỏi triều đình Lê, dù với lý do chính đáng đi nữa (xảy ra từ sự chuyên quyền của nhà Trịnh), thì vẫn không tránh được mối liên tưởng đến luân lý Nho học, hay miệng thế gian như một phản thần nổi loạn. Đối diện với chính mình trong tình huống ấy, không thể không tạo nên sự bất an trong chính tâm trạng người thủ lĩnh.

Việt Nam từ giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18 đã được các nhà sử học đánh giá dưới rất nhiều góc cạnh và quan điểm không giống nhau. Sự nhập nhằng giữa công và tội, luôn là đề tài chiếm không ít bình luận, khi đề cập đến những người lãnh đạo thời bấy giờ ở xứ Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.

II. CÁCH CHỌN CHỦ TRƯƠNG AN DÂN CỦA CÁC CHÚA NGUYỄN

Cùng với quyết định ly hương và dự tính tạo nên một cơ ngơi riêng của chúa Nguyễn Hoàng, là hàng loạt những dòng người Nam tiến theo chân Chúa. Vùng đất họ đến trước tiên được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, một chốn lạ lẫm và đầy thách thức; nơi mà những người tiên phong “nghe con chim kêu cũng sợ- con cá vùng cũng lo”. Tất nhiên, trước tình cảnh ấy, người dẫn dắt đoàn lưu dân, không thể không chọn cho mình kế hoạch an dân, như một việc tiên quyết để an cư: điều kiện mở đầu và quyết định cho mọi dự tính lâu dài.

Vùng đất Ái Tử (Quảng Trị) nắng gió, tài nguyên nghèo nàn, dân cư thưa thớt, đồng ruộng hạn hẹp, chỉ giàu rừng và cát trắng, nhưng không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Hoàng chọn làm điểm dừng chân đầu tiên[2]. Nơi đây, ngoài  những đặc thù về vị trí địa - chính trị[3], còn tiềm ẩn những yếu tố địa linh, như một nhà nghiên cứu nước ngoài đã liên tưởng: Dải đất hẹp này hình như cứ xô ra biển, có vô số dòng sông rạch ngang dải đất này..., là xứ sở có nhiều bãi cát trắng và nhiều vách đá  tầng bậc, đây là xứ sở của truyện cổ tích và vô số vị thần linh huyền bí [4]

Tất nhiên, đối diện bước đầu với vùng đất mới trong tình cảnh như thế, rất dễ tạo nên sự xáo trộn lòng dân, cho nên, chính sách an dân trong tình huống này đối với bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng phải được đặt lên hàng đầu, và, đối với Nguyễn Hoàng, điều ấy lại càng mang tính quyết định đến sự mất còn.

Con đường chọn lựa của Nguyễn Hoàng được nhiều nhà nghiên cứu phân tích như là phương cách dùng sức mạnh của đức tin tâm linh từ thần linh bản địa để an dân. Phương thức ấy là điều mà Keith.W.Taylor gọi là “Các giai thoại ghi lại sự gặp gỡ giữa Nguyễn Hoàng với thần linh địa phương và thiết lập nơi thờ cúng, gợi cho ta thấy việc áp dụng một phương thức đặc biệt Việt Nam trong sự thiết lập một địa điểm mới của quyền lực hợp pháp, lần đầu tiên tại vùng đất mới phương Nam[5]

Đức tin ấy được cấy vào lòng dân bằng nhiều giai thoại, truyền thuyết, thể hiện sự ủng hộ và tán thành của thần linh bản địa, đối với thiên chức lãnh tụ của Nguyễn Hoàng.

Ngay từ khi mới vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã rất khôn ngoan tạo ra sự thừa nhận và ủng hộ của các vị thần bản địa đối với ông. Ở Ái Tử ông được thần sông báo mộng và bày cách để đánh bại Lập Bạo;đến Huế ông lại tự coi mình là chân chúa theo lời truyền của bà Tiên quần xanh áo đỏ hiện hình trên đồi Hà Khê, để từ đó mà khởi dựng chùa Linh Mụ...[6]Sự hiện hữu cạnh mình trong từng bước di chuyển như Qua Qua phu nhân,cô gái áo xanh giúp Nguyễn Hoàng thắng giặc, Bà Tiên (Bà Trời) áo đỏ giúp việc chọn điểm dung thân, đều là những động thái hiệu quả để ổn định dân tình.

Có thể dẫn chứng rất nhiều trường hợp tương tự trong dụng ý này của các chúa Nguyễn, như quá trình Việt hóa Bà Dàng (Yang), Dương phu nhân, Thiên Mụ… Trong đó, trường hợp điển hình nhất là quá trình Việt hóa Thần nữ có vai trò đặt biệt quan trọng với cư dân phương Nam: Thiên Y Ana. Từ bà mẹ xứ sở Chămpa  (Poh Nagar) đến nữ thần bản địa Việt, là một quá trình tạo nên không chỉ sự dung hòa với người tiền trú, mà còn là chất keo kết dính họ lại với nhau trên nền tảng đức tin, nhằm thắng vượt mọi gian lao, xoa dịu nỗi buồn xa xứ, mà quan trọng là làm lu mờ những động cơ cát cứ của người thống lĩnh mình dưới cách lý giải nặng chất Nho học.[7]

Dẫn dắt con dân trên bước đường ly hương theo Chúa về phương Nam, liều thuốc đắc dụng mà kẻ dẫn đầu sử dụng trong tình huống này, chính là việc cùng mọi người nhìn về một hướng, thay vì nhìn nhau, để tự vấn về nguyên nhân và hiện trạng cuộc sống đang đối diện.

Vấn đề vận dụng và thiêng hóa nhiều hiện tượng nặng chất tâm linh trong buổi đầu dẫn dắt đoàn lưu dân xuôi Nam của các Chúa Nguyễn, là điều mà nhiều học giả đồng tình trong nhận định. Tuy nhiên, điểm khác biệt cũng dễ nhận ra ở đây trong nhiều ý kiến nhận xét, đó là sự vận dụng, cũng như thái độ thừa nhận một cách chính thống của tầng lớp lãnh đạo về những yếu tố ấy, trong điều hành và duy trì giềng mối sinh hoạt tinh thần của xã hội đương thời.

Theo ý kiến của Li Tana [8], các Chúa Nguyễn chọn lựa nhanh chóng một sức mạnh hỗ trợ từ lĩnh vực tâm linh, như một động thái vừa bảo đảm, củng cố đời sống tinh thần dân Việt, vừa tránh sự giao lưu lấn át và ảnh hưởng của những tín ngưỡng tôn giáo người Chăm, vốn cắm rễ khá vững trên vùng đất này. Tuy nhiên, cũng không thể thay vào ngay hệ tư tưởng Khổng giáo, khi ý đồ ly khai của các Chúa bị coi là sự nổi loạn với triều đình. Phật giáo đại thừa trong trường hợp này, đóng vai trò là một liệu pháp phù hợp tình huống trong hoàn cảnh đặc biệt thời bấy giờ.

Trong lúc ấy, có một số ý kiến khác[9]  khá gần gũi, đồng tình với Li Tana, nhưng lại được diễn dịch theo một cách khác. - Trong đẳng thức đối sánh giữa hệ tư tưởng chính thống của Đàng Ngoài và Đàng Trong, có thể khái quát: Đàng Ngoài = Nho giáo + Phật giáo + Lão giáo; Đàng Trong = Hindu (Ấn Độ giáo) + Islam (Hồi giáo) + Phật giáo. Cho nên, điều có thể làm nền tảng cho sự hòa hợp chính là  mẫu số chung cho hai vế đối sánh ấy. Đó chính là Phật giáo.

Nhìn chung, có không ít sự thừa nhận vai trò của Phật giáo mà các Chúa Nguyễn đã xiển dương ở xứ Đàng Trong. Điều ấy đã được chỉ ra ở các tài liệu, văn bản, bi ký, hiện vật, cũng như nhiều di tích liên quan đến Phật giáo từ thời các Chúa, vẫn còn lại cho đến ngày nay, trên nhiều địa điểm ở nơi này.

III. DUNG HÒA LINH HOẠT ĐỜI SỐNG TÂM LINH: MỘT ĐỘNG THÁI HIỆU QUẢ TRONG CHÍNH SÁCH AN DÂN VÀ ỔN ĐỊNH XÃ HỘI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN

Bất cứ cuộc viễn chinh hay di dân nào trong lịch sử giữ nước và dựng nước, chiến công đầu tiên mà người lãnh đạo phải đạt được để có thể tính đến thắng lợi cuối cùng, đó là ổn định quân tình và dân tình. Trong sự kiện dẫn dắt đoàn lưu dân xuôi Nam của các chúa Nguyễn, lại tiềm ẩn nhiều tình tiết tế nhị và quyết liệt, liên quan đến sự sống còn không chỉ kẻ lãnh đạo, mà còn cả gia tộc và sinh mạng của nhiều người liên quan. Chính vì thế, Nguyễn Hoàng đã có những bước đi từ tốn, tỉnh táo, chủ động và dứt khoát trong quá trình hành xử với phủ chúa Trịnh và vua Lê.

Chủ đích ly khai, hay cát cứ và lập nên một giang sơn riêng ở xứ Đàng Trong, không hề mảy may bộc lộ dưới bất kỳ tình tiết nào trong mối liên hệ giữa chúa Tiên và Đàng Ngoài trong giai đoạn đầu. Đó chính là thời gian cần thiết để chuẩn bị cho những dự tính chiến lược. Và, có lẽ điều mà các Chúa Nguyễn ưu tiên hàng đầu chính là dân tình và ổn định xã hội.

Chính vì Nguyễn Hoàng trong thời kỳ trấn nhậm hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, chưa hề bộc lộ một cách công khai ý đồ thành lập một vương triều tách khỏi Lê - Trịnh, cho nên, đã có lập luận mang tính khẳng định rằng: 55 năm trong vai trò lãnh đạo hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam, gọi chung là Thuận-Quảng hay Đàng Trong, Nguyễn Hoàng chưa một lần cải đạo. Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời ông, Nguyễn Hoàng vẫn là một tín đồ kiên cường của Nho giáo[10]. Cùng với lập luận trên, Nguyễn Đức Cung[11] cũng đã dành hẳn một chương (Chương V) để tranh luận với Li Tana, Trần Gia Phụng với nhận định không đồng tình, khi hai tác giả ấy cho rằng: Nguyễn Hoàng đã tín mộ Phật giáo Đại thừa trong vai trò thay thế ý thức hệ Nho giáo.

Nếu chỉ dừng lại ở giai đoạn trấn trị của Nguyễn Hoàng (1558-1613), thì tính thuyết phục của một cuộc thay đổi triệt để ý thức hệ, cũng như đời sống tâm linh của xã hội xứ Đàng Trong, thật ra vẫn chưa hoàn toàn mang tính xác quyết. Chưa lúc nào trong suốt thời đại cầm quyền của các Chúa Nguyễn, Phật giáo hoàn toàn đóng vai trò khuynh loát các luồng tư tưởng khác, hoặc, vì hiện tượng ấy mà tín ngưỡng dân gian, Nho giáo hay Lão giáo bị triệt tiêu hay phủ nhận.

Sự thuyết phục và ảnh hưởng của tinh thần Phật giáo đối với xứ Đàng Trong là một quá trình, một sự thẩm thấu toàn diện và từ tốn trong một diễn trình được khởi đầu từ Chúa Tiên. Bởi, không thể có sự đột biến từ một trọng thần của nhà Lê, thấm đẩm ý thức hệ Nho giáo, lại có thể gội mình nhanh chóng để trở thành một con người mới toàn diện về mặt nhận thức.

Nhưng, theo chúng tôi, xu hướng tìm đến Phật giáo đã hình thành từ những ngày đầu vào Nam của Chúa Tiên bởi nhiều nguyên nhân: Trong tình huống tế nhị và khó xử của mối quan hệ giữa Lê - Trịnh và Nguyễn, Chúa Tiên với tầm nhìn linh hoạt của một nhà lãnh đạo có tầm, không thể để xã hội quy chuẩn từ đạo đức Nho giáo, khi nhận thức về quyết định ly khai của ông. Cho nên, Phật giáo lan tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ lúc này sẽ làm nhẹ đi tâm trạng ngổn ngang trong mối quan hệ bất thường của Chúa với nhà Lê. Mặc khác, Phật giáo là mảnh đất dễ tìm được sự dung hòa với những tín ngưỡng bản địa tiền trú, cũng như không phải là một luồng tư tưởng lạ lẫm, như Nho giáo hay Lão giáo, khi đứng trên mảnh đất đã có hàng ngàn năm ảnh hưởng Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Bởi vì, chính trên mảnh đất mới ấy, Phật giáo cũng đã từng có chân đứng vững chải, thậm chí vào triều đại Indrapura (cuối thế kỷ 9 đến cuối thế kỷ 10) Phật giáo gần như là quốc giáo ở vùng đất này[12].

Sự biểu lộ mang tính dè dặt và từ tốn ảnh hưởng của Phật giáo vào giai đoạn đầu, là sự chuyển động của quá trình với nhiều điều tế nhị trong một thời điểm cụ thể. Sau đó, khi ý định tách hẳn khỏi Lê - Trịnh đã rõ, các Chúa kế tục đã tiếp nối, phát huy và khẳng định vai trò của Phật giáo một cách mạnh mẽ trong đời sống tinh thần từ phủ Chúa đến thần dân. Chính giai đoạn trị vì của Chúa Nguyễn Phúc Chu đã phản ánh trọn vẹn hiện tượng này. Không những thế, sử liệu, văn bản, bi ký, di tích các danh lam đương thời... đã tự nói lên điều ấy, thiết nghĩ cũng không ai phản đối.

Trong những năm gần đây, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã tập trung sưu tầm những di tích hiếm hoi còn lại về mộ bia thời các Chúa Nguyễn trên đất miền Trung (hiếm hoi bởi chúng đã bị san bằng hầu hết trong cuộc thanh trừng của phong trào Tây Sơn), chúng tôi bước đầu đã thống kê miêu tả và nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình trong giai đoạn này, nhằm góp phần phục dựng một khoảng trống trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Giai đoạn mà chúng tôi cho rằng, chúng sẽ là điểm phản ánh một phong cách tổng hòa giữa việc tiếp nối truyền thống Việt ở cố hương đất Bắc, nhưng, đồng thời cũng cố tình biểu hiện cái riêng để khẳng định mình trước Đàng Ngoài, và cùng lúc, lại không tránh khỏi hiện tượng giao lưu tiếp biến với sắc thái văn hóa của cư dân tiền trú. Chúng tôi cho rằng, đây chính là nét đặc thù đáng ghi nhận nhất, khi bàn về văn hóa nghệ thuật thời các Chúa ở Đàng Trong.

Sau khi thu thập và đứng trước tư liệu có được từ nghiên cứu điền dã, những gì liên quan đến bia mộ thời các Chúa, vốn khuất khỏi tầm ngắm của cuộc thanh trừng của Tây Sơn, đang tồn tại ở những nơi xa xôi hẻo lánh, chúng tôi nhận diện được ngay chủ đề thể hiện trong mọi đồ án thiết kế trang trí ở các di tích này là hoa sen. Hoa sen hiện hữu bằng thủ pháp tả chân, cách điệu, ẩn dụ, biểu trưng... trong nhiều góc nhìn khác nhau. Tầng suất lập lại dày đặc của đề tài này, đã khiến chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh hệ bia tháp của những vị thiền sư, thấm đẩm tinh thần tinh tấn và thanh thoát của tư tưởng nhà Phật.



[1] Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 1, NXB. Giáo Dục, H, 2001, tr 28

[2] Quân đội Mông Cổ đã đi qua con đèo này để đến đất Chămpa, Khmer và Lào vào năm 1282. Người Việt cũng đã sử dụng con đường này để vào Khmer và Lào. Người Pháp sau này cũng ưu tiên bình định vùng đất cư trú của người Bru nơi đây từ năm 1897. Nguyên nhân lớn nhất là Pháp muốn thiết lập một con đường đến Lào xuyên qua con đèo này… ( Michael C. Howard & Kim Be Howard, Textiles of the Central Highland of Vietnam. White Lotus Press, Bangkok. Thailand, 2002, tr 37)

[3] Cửu châu ky my nằm ở địa bàn tây Quảng Trị là điểm được nhà Nguyễn đặc biệt chú trọng trong chiến lược kiểm soát đường thượng đạo huyết mạch để bảo toàn an ninh lãnh thổ. Con đường 9 hiện nay cũng có một vị trí quan trọng không kém, trong nhiều lĩnh vực liên quan đến an ninh và phát triển mối quan hệ khu vực. 

[4] Jean Yves Claeys, Hành trình vào sự nghiên cứu nước An Nam và nước Chămpa(1934), in trong Những người bạn Cố đô Huế ( BAVH), tập XXI, NXB. Thuận hóa, 2007, tr 9

[5] Keith Weller Taylor, The Birth of Viet Nam, University of California Press, 1983, tr 180

[6] Phan Thanh Hải, Vai trò thủ phủ đói với sự ra đời, phát triển của Đàng Trong, NXB. Thế giới, H, 2008, tr 45

[7] Xem thêm Nguyễn Hữu Thông (cb), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam. NXB. Thuận Hóa, Huế, 2001.

[8] Li Tana , Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế-Xã hội Việt Nam trong thế kỷ 17 và 18 (Nguyen Cochinchina, Southern Vietnam in Seventeeth and Eighteenth Centuries) (bản dịch Nguyễn Đình Đầu), NXB. Trẻ, TPHCM, 1998.

[9] Trần Gia Phụng, Những câu chuyện Việt sử, Tập 4, NXB. Văn mới, Gardena, California, 2005.

[10] Hoàng Đình Hiếu, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) Sáng tổ vương quốc Đàng Trong, Tủ sách Sông Gianh- Quê hương Bọ Mạ XB, 1992, tr 198

[11] Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình, chín trăm năm nhìn lại 1075-1975, NXB. Nhật Lệ, 2006, tr 211-268

[12] Nguyễn Hữu Thông, Về triều đại Indrapura trên dải đất miền Trung,  Thông tin Khoa học, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật VN tại Huế, số tháng 9-2003, tr 5-12

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 54
    • Số lượt truy cập : 6129523