Thông tin

CHỮ HIẾU ĐƠN GIẢN LẮM!

CHỮ HIẾU ĐƠN GIẢN LẮM!

 

VU GIA

 

 

Tôi không mong con cái nuôi mình, nhưng tôi rất vui khi thấy con trưởng thành. Tôi rất cám ơn con tôi đã cho tôi nhìn thấy tương lai không đen, chẳng xám, chứ không đòi hỏi con cái phải cám ơn mình. Với tôi, con cái làm cho cha mẹ vui, như thế đã tròn chữ hiếu… Đừng đòi hỏi quá cao thì sẽ thấy chữ hiếu đơn giản lắm. Khi đó, con cái lẫn cha mẹ đều thấy cuộc đời đáng yêu hơn.

Thuở nhỏ, từ nông thôn theo gia đình ra thành phố, tôi được cha mẹ đưa vào Trường Tiểu học Bồ Đề. Khi ổn định chỗ ngồi, thầy giáo vào lớp, chúng tôi tất cả đứng dậy chào thầy, sau đó cả lớp đồng thanh niệm: “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” 3 lần. Thầy vẫy tay cho phép ngồi xuống và giờ học bắt đầu. Vào năm lớp nhất (lớp 5 bây giờ) là năm chúng tôi thi lấy bằng tiểu học. Nghe lời chúng bạn, tôi cũng tới trường sớm hơn một chút, cùng lên Phật điện nguyện cầu Phật tổ phù hộ cuối năm thi đậu tiểu học (trường nằm trong khuôn viên chùa).

Không hiểu thầy giáo biết chuyện này không mà một hôm thầy kể câu chuyện có một người đến chùa lạy Phật. Sau khi lễ Bồ tát Quán Thế Âm xong, thì thấy sát bên mình cũng có người đang lạy mà người này rất giống Bồ tát Quán Thế Âm trên bệ thờ. Khi thấy người giống Bồ tát Quán Thế Âm lễ xong, người nọ mới hỏi thì nhận câu trả lời người lễ Phật bên cạnh mình chính là Bồ tát Quán Thế Âm. Đúng là chuyện kỳ quái, tại sao Bồ tát lại đi lạy chính mình? Tại sao thế? Chúng tôi đều tròn mắt nhìn thầy, chớ chẳng biết ất giáp gì.

Nhìn chúng tôi một thoáng, thầy điềm đạm cho biết câu chuyện ấy nói lên một vấn đề mấu chốt trong cuộc sống, cầu Phật là quan trọng nhưng ngàn vạn lần không nên gửi gắm toàn bộ tinh thần, số mệnh vào trên người chư Phật. Chư Phật chắc không phù hộ cho những ai không tự mình cố gắng, chỉ biết trông vào tha nhân, thiên mệnh… Làm người căn bản nhất là phải dựa vào chính mình, ngay cả Bồ tát Quán Thế Âm cũng như vậy. Hành động này của Bồ tát Quán Thế Âm là báo cho người đời biết cầu người không bằng cầu mình. Ông cha ta từng dạy: “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/ Gắng công mà học có ngày thành danh”. Do đó, các em phải gắng học. Kỳ thi sắp tới không khó, em nào chịu khó học thì chắc chắn thi đậu; em nào lười học thì dù có cầu nguyện khản họng, quỳ sưng cả gối cũng rớt, bởi chư Phật, thánh thần không thể vào phòng thi làm bài giúp các em. Nếu các em thi đậu, tương lai của các em sẽ tươi sáng hơn một đoạn; cha mẹ, người thân của các em sẽ vui, đó là các em đã báo hiếu được phần nào công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cha mẹ chịu cực, chịu khổ lo cho các em ăn học mà các em lười biếng, ham chơi hơn ham học, kết quả thi rớt thì dù các em có cho cha mẹ ăn cao lương mỹ vị, ăn vàng ăn ngọc, đêm đêm khấn nguyện chư Phật cho cha mẹ sống lâu,… cũng chưa phải là đứa con có hiếu, bởi các em đã làm cho cha mẹ buồn. Chữ hiếu đơn giản lắm! Nếu cha mẹ chịu thương chịu khó kiếm tiền cho các em học hành thì các em gắng học cho ra hình ra dáng, chư Phật sẽ chứng tấm lòng hiếu thảo của các em, chứ không cần các em suốt ngày cầu khấn.

Chúng tôi yên lặng lắng nghe, dường như cũng… hiểu. Với tôi, cố gắng học thi đâu đậu đó là báo hiếu cha mẹ. Lớn lên, áp lực việc học càng lớn, vì thi rớt là đi lính, nên năm nào cũng phải cố gắng lấy cho được tấm thẻ hoãn dịch vì lý do học vấn. Loại hoãn dịch này chỉ có giá trị đến ngày 31 tháng 12 mỗi năm. Một bài thơ không hay, không nhớ tên tác giả, đăng trên tờ báo không tiếng tăm, song vô tình đọc được khi ngồi trên xe đò, tôi còn nhớ được mấy câu, vì nó nói trúng suy nghĩ của mình: “Ai sinh con chẳng mong con mau lớn/ Mong sởn sơ và cứng cáp chân tay/ Nhưng ở trong thời buổi loạn ly này/ Chuyện chết chóc xảy ra như cơm bữa/ Nhìn con lớn, thân hình nẩy nở/ Mà nghe lòng len lỏi chút đau thương/ Lần đốt tay, mẹ tính lại tuổi trường/ Hễ thi hỏng, con không còn học nữa/ Hồi mới sinh con, mẹ đâu ngờ thế/ Nước non này đeo đẳng mãi binh đao”… Tôi nhớ đã rưng rưng nước mắt nghĩ về mẹ mình, và gắng học. Mỗi khi về nhà thấy cha mẹ vui vì mình còn được đi học, tôi lại nghĩ tới câu chuyện của thầy giáo dạy lớp nhất ngày nào với lời nói: “Chữ hiếu đơn giản lắm!”.

Hiện nay, trên thế giới, nhiều người biết đến tỷ phú Bill Gates. Ở tuổi 20, Bill Gates quyết định bỏ học, theo đuổi niềm đam mê của mình, và đã biến đổi thế giới theo cách chưa từng có trong lịnh sử của nhân loại. Giờ đây, Bill Gates dốc toàn bộ thời gian, sức lực cũng như đã cam kết tài chính nhiều hơn bất cứ ai trong lịch sử để cải thiện đời sống trên hành tinh này. Hiện nay, không có ai giàu hơn Bill Gates, và chắc cha mẹ của Bill Gates không có cuộc sống túng quẫn. Nếu nói tới lầu son gác tía, cao lương mỹ vị dành cho đấng sinh thành thì chắc không mấy người sánh được với Bill Gates. Thế nhưng, tôi đọc bài phát biểu của Bill Gates nhân ngày tốt nghiệp đại học ở Đại học Harvard hồi năm 2007, lại hiểu thêm “chữ hiếu đơn giản lắm” từng gieo vào đầu óc của tôi thuở thiếu thời.

Ước mơ của cha mẹ Bill Gates là mong con mình tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, Bill Gates vì niềm đam mê của mình mà không thực hiện được ước mơ của cha mẹ. Gần 30 năm sau, Bill Gates trở lại trường, mài đũng quần trên ghế giảng đường đại học và năm 2007 đã tốt nghiệp đại học. Trong buổi lễ tốt nghiệp, Bill Gates đại diện cho sinh viên tốt nghiệp có bài phát biểu. Lời đầu tiên, Bill Gates, nói: “Thưa Ngài Chủ tịch Bok, ngài cựu Chủ tịch Rudebstine và ngài Chủ tịch nhiệm kỳ mới Faust, các thành viên của Tập đoàn Havard, các giảng viên và phụ huynh, và đặc biệt các sinh viên tốt nghiệp, tôi đã chờ đợi hơn 30 năm để được nói điều này:Thưa cha, con luôn nói với cha rằng con sẽ quay trở lại và nhận tấm bằng tốt nghiệp của con” (tôi muốn nhấn mạnh)”. Điều này, cho thấy Bill trở lại trường “dùi mài kinh sử” nhằm lấy bằng tốt nghiệp đại học là để thực hiện ước mơ đơn giản ngày nào của cha, để làm cho cha vui.

Bây giờ, tôi đã có gia đình, có con, có cháu… Tôi không mong con cái nuôi mình, nhưng tôi rất vui khi thấy con trưởng thành. Tôi rất cám ơn con tôi đã cho tôi nhìn thấy tương lai không đen, chẳng xám, chứ không đòi hỏi con cái phải cám ơn mình. Với tôi, con cái làm cho cha mẹ vui, như thế đã tròn chữ hiếu. Đừng buộc con cái phải nuôi mình như thế này, như thế kia, bởi chúng nó đâu muốn ra đời, chỉ vì cha mẹ muốn hưởng trọn vẹn niềm vui trần thế mới có chúng nó; chúng nó còn phải lo cho gia đình chúng nó, lo phải lo không với cuộc sống bận bịu quanh chúng nó… Chúng ta phải nghĩ như thế, phải buông bỏ thói thường thì mới vui được. Buông bỏ cũng là một cảnh giới. Oán khổ, tâm hồn oán hận, đố kỵ, lòng có oán niệm, kỳ vọng không thể được đền bù,… thường làm thương tổn đến bản thân. Buông bỏ được thói thường thì đúng như thầy giáo ngày xưa của tôi đã nói: “Chữ hiếu đơn giản lắm!”. Nghĩ vậy, nên cách đây hai năm (2015), tôi hứng chí viết Di chúc, mạnh tay hạ hai câu: “Ba đi là trở lại nhà/ Không làm xấu hổ ông bà, tổ tiên”.

Gần đây, tôi có đọc một mẩu chuyện trên Tạp chí Kiến thức ngày nay. Về đại thể, câu chuyện kể rằng có một tín đồ sùng đạo, ngày ngày đều mang hoa đến cúng dường chư Phật. Một hôm, anh ta hỏi vị sư trụ trì: “Mỗi khi tôi đến lễ Phật, tâm hồn thật thanh thản. Nhưng khi về đến nhà thì lại buồn phiền. Vậy làm thế nào để giữ được tấm lòng thanh thản trong thế giới hỗn loạn này?”. Vị sư hỏi: “Vậy hằng ngày, anh giữ cho hoa được tươi như thế nào?”. Vị tín đồ sùng đạo trả lời: “Hằng ngày thay nước, cắt bỏ đoạn cuống hoa ngâm trong nước để hoa dễ hút nước, sẽ giữ được hoa tươi”. Vị sư cười nói: “Giữ cho tấm lòng trong sạch để được thanh thản cũng vậy. Hoàn cảnh sống của chúng ta giống như nước trong bình hoa và chúng ta là những bông hoa nên phải không ngừng làm sạch thể xác và tinh thần, thay đổi khí chất và không ngừng sửa chữa những thói hư tật xấu của mình. Nếu muốn có được niềm vui thì không cần phải tìm kiếm, chỉ cần không ngừng làm sạch tâm hồn, dùng tri thức để tắm gội, dùng lời nói hay để xua đi bệnh tật. Đó là không ngừng đổi mới mình”. Mẩu chuyện có lời bình nho nhỏ: “Trong lòng có thiện chí, trong mắt có cái đẹp thì cuộc sống làm sao mà buồn phiền được”.

Qua mẩu chuyện này và qua lời bình nho nhỏ kia, nếu vận vào chữ hiếu, tôi lại thấy “chữ hiếu đơn giản lắm!”. Đọc Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tôi thích nhất chữ “Vô”. Vô, chính là hết thảy chân tướng, không còn có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, không còn sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, vô nhãn giới, thậm chí còn vô ý thức giới. Không có vô minh, cũng không có vô minh tận, thậm chí không có lão tử, cũng không có lão tử tận. Tâm không trở ngại, cũng không kinh khủng… Do đó, đừng đòi hỏi quá cao thì sẽ thấy chữ hiếu đơn giản lắm. Khi đó, con cái lẫn cha mẹ đều thấy cuộc đời đáng yêu hơn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6115938