Thông tin

CHỮ HIẾU - NHỮNG GÓC NHÌN

CHỮ HIẾU - NHỮNG GÓC NHÌN

NGUYÊN CẨN

 

Phải chăng chữ hiếu có giá trị phổ quát?

Mọi người đểu dễ nhất trí với nhau rằng hiếu là đức hạnh căn bản  đầu tiên của con người. Trong tác phẩm “Tâm hồn cao thượng”. Edmondo de Amicis đã từng thay lời người cha nhắc nhở con về thái độ đối với mẹ, khi đứa con có những biểu hiện thiếu tôn trọng mẹ. Ông viết: “Hãy nhớ trong cuộc đời con có nhiều ngày buồn, nhưng ngày  buồn thảm nhất là ngày con mất mẹ”. Một người nếu không hiếu kính với mẹ cha thì mong gì   thân thiện với thầy cô, bè bạn  và rộng ra là những người xung quanh. Người đó cũng không thể sống hòa hợp với cộng đồng, sau này cũng khó thủy chung với vợ, trung thành với tổ chức hay tổ quốc. Hiếu kính với cha mẹ là nền tảng cho một con người trong việc xây dựng một đời sống hạnh phúc, an lạc. Ở Việt Nam, những  câu  ca dao mà ai cũng thuộc từ thưở mẹ ru con vẫn luôn khắc ghi:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước  trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Rõ ràng, tâm hồn con người được nuôi dưỡng bằng tình yêu  từ cha mẹ và sau đó là sự đền đáp lại tình yêu ấy. Hay nói cách khác, hiếu hạnh là cội nguồn của văn hóa cá nhân và cộng đồng. Kinh Thi đã viết về  “Hiếu đạo”: “Phụ hề sinh giả, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Cha sinh ta ra, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo đáp ân sâu, khác nào trời cao không lường). Cho dù bạn là nguyên thủ quốc gia hay người nông dân chân lấm tay bùn thì ai, đều phải khắc ghi  “chín chữ cao sâu” hay còn gọi là “Cù lao”: Sinh (đẻ ra), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vuốt ve), Súc (nuôi cho bú mớm), Trưởng (nuôi cho khôn lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom), Phục (xem tính tình mà bảo ban), Phúc (bảo vệ).

Thế nên, Khổng Tử từng nói: “Đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, kế đến là thờ vua giúp nước và sau cùng là lập thân”. Đó chính là con đường mà mỗi cá nhân đều phải đi qua trên hành trình lập thân, làm người của mình.

Trang Tử còn khai mở đạo Hiếu rộng ra: “Đạo Hiếu có ba: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, kế là không làm cho cha mẹ mang tiếng nhục, sau cùng mới là nuôi dưỡng”. Còn kinh Phật thì sao?

 Kinh Tăng Nhất A-hàm còn ghi lại lời dạy của Phật về công ơn sâu dày của cha mẹ thật cao hơn trời, sâu hơn biển cả, đồng thời khuyên con người phải biết tri ân và báo ân với cha mẹ: “Này các thầy Tỳ-kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa nghìn dặm, cung phụng đầy đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn đệm và thuốc thang, thậm chí cho cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các thầy phải hiểu rằng ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân khó trả. Này các thầy Tỳ-kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ”.

Những dị biệt trong quan điểm về chữ hiếu

Khi chúng ta đọc Tam quốc chí, đến đoạn Khổng Minh  biện luận trước các mưu sĩ Đông Ngô, khi nghe Lục Tích, một trong những tấm gương trong Nhị thập Tứ hiếu của Lý Văn Phức, lên tiếng chất vấn, đã quay sang mắng: “Này ông có phải là thằng bé Lục Tích ăn trộm quýt ở nhà Viên Thiệu năm xưa đó  không?”. Ông không hề có ý khen tặng mà cón trách mắng về hành vi xấu ấy, dù được nhiều người thuở ấy ngợi ca về việc ăn trộm quýt dâng cho mẹ. Tương tự, nhiều tấm gương hiếu trong quyển sách đó còn bị lên án ví dụ có những cái  hiếu “vô nhân đạo” như toan tính chôn con để đủ thức ăn cho cha mẹ (Quách Cự), hiếu “thiếu hiểu biết” như nằm cho muỗi cắn trước khi mời cha mẹ vào ngủ… (Ngô Mãnh) (!)

Xem ra chữ hiếu của Khổng giáo có nội hàm khác so với nhà Phật. Khổng giáo lúc còn hung thịnh phê phán Phật giáo khi cho rằng “Bất  hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Họ chê trách tu sĩ Phật giáo bỏ nhà đi tu không phụng dưỡng cha mẹ, không cư tang ba năm khi cha mẹ mất và không biết tưởng nhớ, đặc biệt không sinh con nối dõi tông đường, lại xúc phạm cơ thể bằng cách cạo râu cắt tóc (?)- Chữ hiếu theo Khổng giáo là phải tôn kính cha mẹ, nhất là cha, vì theo phụ quyền, thế nên “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. “Đạo trời đất, con người là quý nhất. Hành vi của con người không gì lớn hơn hiếu thảo, hiếu thảo không gì lớn hơn tôn thờ cha, tôn thờ cha không gì lớn hơn sánh cha với trời” (Hiếu Kinh 9).

Trong khi đó, theo Giáo sư Cao Huy Thuần, “Chữ hiếu trong đạo Phật trải dài vô cùng tận vì Phật giáo quan niệm bất cứ ai cũng có thể là cha mẹ mình trong một kiếp trước”. Trong kinh Tương ưng, Phật còn nói: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sinh tử”.  Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết-bàn cũng bắt đầu từ đây. Thế nên, Phật giáo không nhìn cha mẹ dưới hình ảnh phụ quyền mà dưới lăng kính từ bi. Hình ảnh rõ nhất là Mục Kiền Liên sau khi đắc thần thông, ngài nghĩ ngay đến việc cứu mẹ. Nhưng nhà Phật còn một nguyên lý tối thắng khác là nghiệp lực. Và dù có bao phép thần thông, ngài cũng không thể giúp cha mẹ vượt qua ảnh hưởng của
nghiệp lực. Nhìn mẹ ăn chén cơm hóa thành than hồng, ngài hiểu rằng chỉ có người ấy mới tự mình mở cánh cửa giải thoát cho mình mà thôi. Nếu cha mẹ làm sai thì sao? Theo Luận ngữ, “Thờ cha mẹ nên nhỏ nhẹ khuyên can, nếu thấy cha mẹ không theo ý mình thì vẫn cung kính mà không xúc phạm, tuy khó nhọc, lo buồn, xong không được oán hận” (IV. 18). Trong Lễ ký, Khổng Tử vẫn luôn dạy rằng vâng lời cha mẹ là nguyên tắc tối hậu của chữ hiếu, cho dù khuyên răn không được. Vậy cha mẹ sai quấy thì  con cái cứ phải phục tòng (!). Hơn nữa, nhà  Phật không chủ trương tạo Nghiệp, nhất là nghiệp ác. Không hề có tư tưởng báo thù cho cha mẹ như trong các truyện hay phim Trung Quốc thường được đề cao dưới cái nhìn Nho giáo.

Giáo lý nhà Phật dạy rằng: Đạo hiếu chính là lòng từ bi. Đạo hiếu của người Việt từ xưa có nét đặc thù riêng được đề cập trong Lục độ tập kinh, hiếu đâu phải chỉ thương cha, thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo của một con người, mà còn phải hướng cha mẹ về đường ngay nẻo chánh, giúp cha mẹ vượt qua sai lầm, giúp nghèo cứu đói, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của trăm hạnh. Sự đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ không gì hơn là phải thực thi năm điều mà kinh Thi-ca-la-việt ghi, 5 điều bao gồm: 1. Cung kính và vâng lời cha mẹ, 2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, 3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình, 4. Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại, 5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời. Ngoài ra, đức Phật còn đề cập bốn trách nhiệm để hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo Chánh pháp: 1. Nếu cha mẹ không có niềm tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo, 2. Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ phát tâm bố thí, 3. Nếu cha mẹ làm ác thì khuyên cha mẹ hướng tâm làm việc thiện, 4. Nếu cha mẹ theo tà kiến thì khuyên cha mẹ theo chánh kiến. Đây chính là “hiếu dưỡng mẹ cha là điềm lành tối thượng” trong sự thực thi đời sống hạnh phúc, an lạc mà bất cứ ai là Phật tử đều mong chờ.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, con nuôi cha mẹ, bằng những thứ này: cam lộ trăm mùi, để thỏa miệng Người, mọi tiếng thiên nhạc, để thích tai Người, áo đẹp tuyệt vời, rực rỡ thân Người, hai vai cõng Người, chu du bốn biển, trả ơn dưỡng dục đến hết đời con, gọi là hiếu chăng?”.                                                                                                              

Các vị Tỳ-khưu, bạch đức Phật rằng: “Lạy đức Thế Tôn, gọi là đại hiếu, còn gì hơn nữa?”.

Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, tuy được như thế, chưa phải là hiếu, cần phải thực hành: Cha mẹ ngu tối, không kính Tam bảo; hung ngược, tàn ác, lạm trộm phi lý, dâm dật ngoại sắc, nói dối phi đạo, say sưa hoang loạn, trái lẽ chân chính, hung nghiệt như thế, con hết lòng can, để khai ngộ Người. Nếu còn mê muội, chưa biết tỉnh ngộ, liền đem nhân nghĩa, khai hóa dần dần; hoặc dẫn Người xem lao ngục nhà vua, dẫn giải thí dụ về những hình lục của những tù nhân, thưa cha mẹ rằng: “Những tù nhân này không theo pháp luật, nên thân phải bị mọi sự khổ độc, tự mình vời lấy, mất thân mệnh mình. Mệnh mất, Thần đi, giam vào Thái sơn chịu tội nước, lửa, muôn thứ khổ độc, một mình kêu gào, không ai cứu vớt, vì theo làm ác, phải trọng tội ấy”. Ví dù chưa chuyển, khóc lóc kêu van, tuyệt không ăn uống. Hành động như thế, Người tuy chẳng minh, nhưng hẳn đau xót, vì tình thương mến, sợ con mình chết, sẽ gượng nhẫn nhục, nén lòng sùng đạo… Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, đời chưa có gì đáng gọi là hiếu. Làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù rằng buổi sớm vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam bảo, rất mực khai hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu.”(Kinh Hiếu tử - Bản Việt dịch của HT. Thích Tâm Châu)

Thế Tôn đã là một tấm gương về thân giáo khi người đi bộ, vượt ngàn dặm đường hiểm trở để trở về thăm phụ hoàng, khi sắp lâm chung, Người  vượt đường xa để đến bên cạnh vua cha và tự khiêng một góc linh sàng của cha đến tận nơi hỏa táng. Với kế mẫu, người luôn tỏ lòng từ hiếu. Trong những lần gặp gỡ phụ thân và kế mẫu, Ngài đã thuyết pháp để độ cả hai chứng đắc quả A-la-hán, với mẫu hậu Ngài đã ngự lên cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ. Chữ hiếu được Ngài thể hiện với tất cả bà mẹ đang  cư ngụ tại thế gian, trên thiên giới hay đang thọ nghiệp nơi các cõi dữ. Ngài đã phương tiện thuyết pháp, đưa họ từ nơi tối tăm đến nơi ánh sáng, từ chốn khổ đau đến nơi bình an hạnh phúc.

“Các ngươi nghĩ như thế nào, này các Tỳ khưu? Cái gì là nhiều hơn? Sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển? Cái nầy là nhiều hơn, này các Tỳ-khưu, tức là sữa mẹ các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển”.

Chặng đường gian nan mà ngài Mục Kiền Liên phải trải qua để đánh thức lòng từ bi của mẹ ngài đã lưu truyền ngàn năm trong Phật pháp. Chúng ta thấy Vu lan là một nét văn hóa Đông phương kết hợp chữ hiếu theo nghĩa hẹp và lòng từ bi khi được gọi là ngày  xá tội vong nhân. Hình ảnh ông Trời thay bằng hình ảnh Bồ tát hiện thân cứu người giúp đời. Xuyên suốt trong câu chuyện là nguyên lý Nhân quả và nghiệp lực. Nghiệp lực là sợi chỉ xuyên suốt chữ Hiếu của đạo Phật trên nền tảng từ bi. Nó rộng hơn nhiều so với cách hiểu hạn hẹp của Nho giáo.

Có nên luật hóa chữ hiếu Việt Nam?

Cách đây vài năm, có lần chúng tôi đã đề cập đến Luật Hiếu khi nhà nước Singapore và cả Trung Quốc ban hành chính thức, quy định cụ thể nghĩa vụ của con cái và quyền lợi của cha mẹ. Nhiều ý kiến phê phán cho rằng đây là một sự sỉ nhục đối  với văn hóa Á Đông nhưng cũng có ý kiến tán thành vì tình trạng bất hiếu ngược đãi cha mẹ vẫn xảy ra. cá biệt có những án mạng giết cha giết mẹ đã diễn ra những năm gần đây. Việt Nam không là ngoại lệ. Nên nhớ rằng trong lịch sử, từ thời Lê Sơ, đạo hiếu được quy định rõ trong Bộ Luật Hồng Đức chia ra 10 loại tội ác (Thập ác), trong đó  Điều 7 nói về tội bất hiếu: “Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi”. Người phạm tội bị phạt đồ hình, đày đọa làm việc nặng nhọc, bắt làm khao binh vụ cho lính ở chiến trường, và trước khi đưa đi đày, kẻ bất hiếu bị đánh 80 trượng trước xóm làng để răn đe thói hư bất hiếu.

Các luật gia cho rằng không cần thêm Luật Hiếu vì ta có thể xử theo “Luật Hôn nhân và gia đình”, trong đó ghi rõ: “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, ốm đau. Nghiêm cấm ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông bà, cha mẹ...”!

Chúng tôi cũng biết có những đạo luật dù có ban hành mà người ta không thực thi tự giác thì cũng rất khó. Nhất là môi trường luật pháp trong hoàn cảnh Việt Nam còn nhiều điều bất cập. Ví dụ có ai phạt kẻ hút thuốc, xả rác, phóng uế nơi cộng cộng đâu dù đã có quy định? Có bao nhiêu ông chồng chi trả  tiền chu cấp cho con vị thành niên sau khi tòa tuyên bố ly hôn hay ly dị? Hành vi đánh đập, mắng chửi, đày đọa, ngược đãi ông bà, cha mẹ đều là hành vi trái pháp luật. Nhưng những kẻ vi phạm “bổn phận” trên, nếu chưa gây tội hình sự, chỉ có thể bị xử phạt hành chính, nghĩa là không đủ độ ràng buộc, răn đe cần thiết, mà có khi chỉ đưa ra phường làm kiểm điểm là xong. Vì thế, hay nhất và thiết thực nhất vẫn là giáo dục lòng hiếu thảo. Điều này còn thiếu trong các chương trình giáo dục mầm non và tiểu học.

Giáo dục hiếu hạnh từ tấm bé cho đến khi trưởng thành là  không chỉ phụng dưỡng song thân đầy đủ vật chất mà còn tìm cách hướng cha mẹ mình đến với Phật pháp, hướng đến mục đích thoát khổ, mang đến hạnh phúc, sự an lạc thật sự, vững bền cho mình, cho người khác ngay trong hiện tại và trong tương lai lâu dài.         

Hãy nhớ lời Phật dạy:

          “Người nào theo thường pháp

           Nuôi dưỡng mẹ và cha,

           Chính do công hạnh này,

           Đối với cha và mẹ,

           Nhờ vậy, bậc hiền thánh,

           Trong đời nầy tán thán,

           Sau khi chết được sanh

           Hưởng an lạc chư thiên”.

Chúng ta đến với đạo Phật, tìm hiểu và hành trì theo những điều Thế Tôn chỉ dạy, chúng ta được may mắn, được phần nào hưởng được hương vị Chính pháp thì lẽ nào lại không dành cho  cha mẹ mình điều tốt đẹp đó sao. Món ăn ngon ta còn dâng lên cha mẹ, huống chi đây lại là Pháp lạc cao quý nhất trong những điều cao quý.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6796235