Thông tin

CHÙA ẤN QUANG VỚI PHONG TRÀO ĐẤU TRANH PHẬT GIÁO NĂM 1963

CHÙA ẤN QUANG

VỚI PHONG TRÀO ĐẤU TRANH PHẬT GIÁO NĂM 1963

 

THÍCH GIÁC MINH HỮU
Tịnh Xá Trung Tâm Q. Bình Thạnh

 


 

Chùa Ấn Quang với vai trò đầu não của cuộc đấu tranh Phật giáo năm 1963

Chùa Ấn Quang được thành lập bắt đầu từ năm 1948, do Hòa thượng Trí Hữu khai sơn với tên gọi ban đầu là “Am Trí Tuệ” tại ngã ba Vườn Lài, nay là đường 243 Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1950, Hòa thượng Trí Hữu cúng lại Am Trí Tuệ cho Đến năm 1950, Hòa thượng Thích Trí Hữu đã giao quyền quản lý ngôi chùa cho Hòa thượng Thích Thiện Hòa để hoằng dương Phật pháp. Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã cho xây dựng ngôi chánh điện theo kiểu chùa Từ Đàm ở Huế. Sau đó, Ngài cho xây tăng xá, giảng đường và nhà trù.

Năm 1951, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã vận động các trường Phật học Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức và Ứng Quang hiệp nhất thành Phật học đường Nam Việt. Chùa Ứng Quang được đổi tên thành Ấn Quang, được chọn làm trụ sở của Phật học đường Nam Việt và Hòa thượng Thiện Hòa được bầu làm Giám đốc. Các hoạt động của Phật học đường Nam Việt và chùa Ấn Quang càng ngày càng khẩn trương bởi sức nóng của phong trào chấn hưng đang trên đà đỉnh điểm, đồng thời các vấn đề phát sinh về cuộc đàn áp Phật giáo của Chính thể Ngô Đình Diệm càng ngày càng nghiêm trọng nên việc thống nhất Phật giáo Việt Nam là yêu cầu của lịch sử bối cảnh thời đại:“Ngày 21/4/1956, Đại hội lần thứ nhất của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại chùa Ấn Quang ở Sài Gòn. Đại Hội đã gửi văn bản yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm công nhận ngày lễ Phật Đản nằm trong ngày nghỉ lễ tôn giáo hàng năm dành cho công chức và binh sĩ” [1]. Sau khi thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam thì lúc này vẫn duy trì sáu tổ chức Phật giáo trên toàn quốc.

Ngày 8/5/1963 xảy ra vụ tàn sát Phật tử ở đài phát thanh Huế, trước sự bàng hoàng và xót xa cho sự tàn ác của nhà cầm quyền ngày 10 tháng 5 năm 1963, các bậc thưởng thủ gồm: Hòa thượng hội chủ Thích Tịnh Khiết, Thượng tọa Mật Nguyện, Trí Quang, Thiện Siêu, Mật Hiển cùng nhau bàn thảo và đưa ra bản yêu cầu thực thi 5 nguyện vọng chân chính, sáng tỏ và xây dựng của Phật giáo:

1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ cờ Phật giáo.

2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên chúa giáo đã được ghi trong Đạo dụ số 10.

3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo.

4. Yêu cầu cho tăng ni phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo.

5. Yêu cầu chính phủ bồi thường thích đáng cho những người chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải bị xét xử.

 

5 nguyện vọng

Bản Tuyên ngôn có chữ ký của thiền sư Tịnh Khiết, hội chủ của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, thượng tọa Mật Nguyện, đại diện Giáo hội Tăng Già Trung Phần, Thượng tọa Trí Quang, đại diện hội Phật giáo Thừa Thiên và Thượng tọa Thiện Siêu, đại diện Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên và kèm với bản phụ đính kèm theo giải thích 5 nguyện vọng với mục đích là:

1. Phật giáo Việt Nam không chủ trương lật đổ chính phủ để đưa người của mình lên thay thế mà chỉ nhằm đến sự thay đổi chính sách của chính phủ.

2. Phật giáo Việt Nam không có kẻ thù, không xem ai là kẻ thù. Đối tượng của cuộc tranh đấu tuyệt đối không phải là Thiên chúa giáo mà là chính sách bất công tôn giáo, đấu tranh cho lý tưởng công bằng, chứ không phải đấu tranh với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo.

3. Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ cho bình đẳng tôn giáo được đặt trong khuôn khổ của lý tưởng công bằng xã hội.

4. Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ được thực hiện theo đường lối bất bạo động.

5. Phật giáo Việt Nam không chấp nhận sự lợi dụng của bất cứ ai vào cuộc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội.

Bản Phụ đính cũng đề nghị chính quyền rút tất cả các tôn giáo ra khỏi phạm vi ràng buộc của Đạo dụ số 10, và ban hành một chế độ đặc biệt cho tất cả các tôn giáo, trong đó có Phật giáo và Gia Tô giáo. Ngày 25/5/1963, Phụ trương của Bản Phụ đính được công bố. Mục đích của văn kiện này là nhắc lại vai trò lập quốc và xây dựng nền văn hóa quốc gia trong quá trình lịch sử dân tộc của Phật giáo và nói rõ lập trường tranh đấu của Phật giáo cho công bằng xã hội [2]. Cùng thời điểm này thì ngày 9/5/1963, Ngô Đình Nhu sai Dương Văn Hiếu và Nguyễn Văn Thành Tổng giám đốc nha cảnh sát đến chùa Ấn Quang gặp quý thầy Lãnh đạo Phật giáo Miền Nam để yêu cầu trấn an dư luận nhưng đã bị các vị từ chối và cho biết đang chờ tin tức từ Huế.

 


Tăng ni ngồi xuống đường niệm Phật khi bị cảnh sát chặn bắt

 

Đến ngày 15/5/1963, phái đoàn Phật giáo Việt Nam gồm: Thượng tọa Tâm Châu, Thiện Hòa, Thiện Hoa, Thanh Thái, Đại đức Dũng Chí và cư sĩ Chánh Trí (Mai Thọ Truyền) đã diện kiến Tổng thống Diệm để trình bài về 5 nguyện vọng nhưng không đạt được kết quả nào khả quan [3] sau đó một ngày các vị lãnh đạo Phật giáo Miền Nam đã họp báo tại chùa Xá Lợi để tố cáo sự trơ trẽn của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hơn 1000 Tăng, Ni và rất đông Phật tử vân tập về chùa Ấn Quang để cầu siêu cho đồng bào Phật tử bị thảm sát ở Huế vào ngày 21/5/1963. Dù đã bị sự ngăn cản của cảnh sát, mật vụ và sự hăm dọa của chính quyền nhưng buổi lễ vẫn diễn ra trang nghiêm và sau đó rước các hương linh sang chùa Xá Lợi.

Ngày 25.5.1963, Hòa thượng Tịnh Khiết triệu tập một cuộc gặp mặt giữa các tập đoàn thuộc Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và đại diện các tổ chức và môn phái Phật giáo khác như Giáo Hội Nguyên Thủy, Thiền Tịnh, Đạo Tràng, Giáo Hội Theravada v.v. để thảo luận về kế hoạch tranh đấu. Một Ủy ban Liên Phái bảo vệ Phật giáo được thành lập để chỉ đạo cho cuộc đấu tranh Phật giáo do Thượng tọa Tâm Châu làm chủ tịch dưới quyền lãnh đạo tối cao của Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết.

Sau khi thành lập Ủy ban Liên Phái, đại diện các giáo phái có mặt tại chùa Xá Lợi ngày 25.5.1963 công bố một bản Tuyên Ngôn mang chữ ký của các vị: Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng già Việt Nam là Thượng Tọa Thích Thiện Hòa; Pháp chủ Giáo hội Thiền tịnh đạo tràng Hòa thượng Minh Trực; Tăng thống Giáo hội Phật giáo Nguyên Thủy Đại đức Bửu Chơn; Tăng trưởng Giáo hội Theravada (người Việt gốc Miên) Lục Cả Lâm Em; Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt là Thượng tọa Thích Thiện Hoa; Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam Thượng tọa Thích Tâm Châu; Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Bắc Việt (Tại miền Nam) thượng tọa Thích Thái Thanh; Hội trưởng Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam là Nguyễn Văn Hiếu; Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt là Vũ Bảo Vinh; Đại diện Phật tử Therevada (người Việt gốc Miên) Sơn Thái Nguyên; Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt là Mai Thọ Truyền [4] từ đó chùa Ấn Quang, Xá Lợi và chùa Giác Minh là các trung tâm bảo vệ Phật giáo Miền Nam Việt Nam.

Đầu tháng 6 năm 1963, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo [5]. Lúc này, các sự kiện đấu tranh của cách mạng, của nhân dân và đặc biệt của Phật giáo diễn ra dồn dập, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu tiến hành các cuộc đàn áp khắc nghiệt với Phật giáo Miền Nam bằng các thủ đoạn tinh vi và tàn khốc, từ việc bắt bớ, hăm dọa những Phật tử đến chùa Ấn Quang, Xá lợi, Giác Minh, cho mật vụ đêm đêm đến chùa bắt Tăng, Ni đi thủ tiêu nhằm mục đích triệt hạ tinh thần đấu tranh của Phật giáo Miền Nam.

Sau hơn 1 tháng đấu tranh với tinh thần bất bạo động với các cuộc tiếp xúc, biểu tình và tuyệt thực, tự thiêu cũng không làm cho chính quyền thức tĩnh cho đến ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức trụ trì chùa Quan Thế Âm, tự thiêu ở ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám) với bức tâm thư để lại [6] đã xóa tan đi sự vu khống nông nỗi của đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân. Bắt đầu từ sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã có tác động tích cực lên phong trào ủng hộ đấu tranh của Phật giáo Miền Nam Việt Nam, những chiêu trò đánh lạc hướng dư luận của chính quyền không còn tác dụng và lúc này chính vợ chồng Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu đã thâm hiểm hơn khi cố vấn trở mặt với Thông cáo chung “Trần Lệ Xuân khuyên Tổng thống không ký ngang hàng với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết mà phải ký ở trên trang nhất kèm theo câu ‘thông cáo chung này đã được tôi chấp thuận nguyên tắc ngay từ đầu’ cho thấy sự thâm hiểm muốn triệt tiêu Phật giáo của vợ chồng Nhu’’ [7].

Sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu thì chính quyền còn vận động chi tiền mua chuộc thương phế binh, cô nhi, quả phụ biểu tình và chửi bới Tăng Ni chia rẽ Tăng đoàn v.v. nhưng cũng không có kết quả, cuối cùng Ngô Đình Nhu xây dựng và thực thi kế “Hoạch nước lũ” với trọng tâm là tấn công các chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Giác Minh, Giác Sanh, Tuyền Lâm, Từ Đàm, Linh Quang, Giác Nguyên, Kim Liên và các chùa khác vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 21/8/1963, cảnh sát mặc đồ rằn ri ào ào tấn công chùa bắt người, toàn bộ ban lãnh đạo Phật giáo gồm hơn 20 người: Hòa thượng Tịnh Khiết, thượng tọa Thiện Hòa, Thiện Hoa…và cư sĩ Mai Thọ Truyền nhưng khi kiểm tra danh sách thấy thiếu Thượng tọa Trí Quang viên Giám đốc nha cảnh sát bắt cư si đi tìm, dù tất cả đều biết thượng tọa Trí Quang cũng bị bắt trong đoàn nhưng không ai khai cả, tất cả đều bị giam tại An Dưỡng Địa. Được tin Tăng Ni, Cư sĩ bị bắt, nhân dân, Phật tử hết sức lo lắng và bắt đầu có biểu tình, mở đầu là các giáo sư, sinh viên, học sinh trường Đại học Y khoa, Ở Đại học luật Giáo sư Vũ Văn Mậu, Bộ trưởng Ngoại giao lên tiếng phản đối mạnh mẽ lên Tổng thống Ngô Đình Diệm bằng cách cạo đầu và bắt đầu cuộc đấu tranh ồ ạt của giáo sư, sinh viên, sau đó đến công thương, bãi khóa biểu tình nhanh chóng lan rộng khắp Miền Nam chính quyền đã thẳng tay đàn áp và bắn chết em học sinh Quách Thị Trang đã khơi dậy nỗi đau của dân tộc đến nỗi những người Công giáo có lương tri như: Linh mục Cao Văn Luân từ chức Viện trưởng Viện Đại học Huế để phản đối sự dã man của chính quyền. Không những phong trào diễn tiến mạnh mẽ trong nước mà thế giới cũng đã bắt đầu áp lực lên nước Mỹ và Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã cử một phái đoàn về Việt Nam để điều tra cuộc đàn áp Phật giáo đến Sài Gòn ngày 24/10/1963 [8], các chính khách Mỹ cũng bị dư luận trong nước công kích mạnh mẽ và yêu cầu có hành động với chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 1/11/1963 Quân đội Sài Gòn do Mỹ dật dây đã tiến hành đảo chính và ngày hôm sau hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị giết còn Trần Lê Xuân cũng đã đi vận động dư luận quốc tế cho chính quyền Sài Gòn cũng không còn có cơ hội trở về.

 


Biểu tình của sinh viên và Quách Thị Trang bị Cảnh sát bắn chết

 

Sau khi nghiên cứu các tài liệu của những người đương thời như: Nam Thanh (Tổng thư ký - Linh sơn nghiên cứu Phật học Hội), Vũ Văn Mậu (Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Sài Gòn, Quốc Oai (Nhà nghiên cứu lịch sử đương thời. Tuệ Giác (người trong cuộc đã viết sử Phật giáo, Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) người trong cuộc viết sử đương thời, còn nhiều những trang sử của các nhân vật trong cuộc đã cho thấy, cuộc đấu tranh của Phật giáo để bảo vệ công lý và hòa bình phải trả giá bằng xương máu của Tăng Ni và Phật tử.

Sau 9 năm cầm quyền Ngô Đình Diệm đã đem lại nhiều đau khổ, tủi nhục, mất mát to lớn cả về vật chất và tinh thần cho dân tộc Việt Nam nói chung và Phật giáo Miền Nam Việt Nam nói riêng.

Sau 53 năm sự kiện đấu tranh của Phật giáo đòi quyền bình đẳng tôn giáo và phong trào cách mạng của nhân dân Miền Nam chống chính quyền độc tài dẫn đến sự sụp đổ chế độ độc tài và gia đình trị Ngô Đình Diệm (1/11/1963), là một quy luật tự nhiên.

Vai trò nòng cốt của phong trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo của các bậc tôn trưởng như: Hòa thượng Tịnh Khiết, Thượng tọa Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Quang, Thiện Minh... và các Cư sĩ như Chánh Trí, Tâm Minh v.v. đã đưa đến thắng lợi hoàn toàn trước sự tàn bạo của chính thể Ngô Đình Diệm tàn bạo.

Thắng lợi bước đầu của Phật giáo Miền Nam đã tạo ra nhiều thời cơ, góp phần thuận lợi cho phong trào cách mạng giải phóng Miền Nam tiến lên giành nhiều thắng lợi 30/4/1975.

 


Chú thích:

1. Lê Cung (2008) Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963.Nxb Thuận, Huế. Tr.134.

2. Nguyễn Lang (2009) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 3 - Chương 38: Cuộc Vận Động Chống Chế Độ Ngô Đình Diệm, Nxb Văn Học - Hà Nội, tr.792- 800.

3. Nam Thanh (1963) Cuộc đấu tranh lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Thư viện Huệ Quang ấn hành. Sài Gòn. Tr. 12.

4. Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật. Báo Nhân Dân ra ngày 13/6/1963.tr. 4.

5. https://thuviengdpt.info/kho/tai-lieu-tong-hop/tai-lieu/phat-giao-dau-su-phat-giao-viet-nam.

6. Trí Không (soạn 2009). Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ năm 1950 trở đi. ở dạng bản thảo.tr. 281.

7. Minh Không (Vũ Văn Mậu) (2003) Sáu tháng pháp nạn 1963, Nxb Giao Điểm, USA (ấn bản 1984.in Roneo. Việt Nam). Tr.279.

8. Võ Đình Cường (dịch) (1966). Vi Phạm Nhân Quyền Tại Miền Nam Việt Nam, Nxb Hùng Khanh, Sài Gòn

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6130658