CHÙA CHÍ LINH, CHÙA DIỆC NHỮNG CÔNG TRÌNH
KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO ĐẶC SẮC Ở NGHỆ AN
TS. PHAN XUÂN THÀNH*
Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên, trực tiếp là từ Nam Ấn, theo hệ thiền của Long Thọ, nhưng ảnh hưởng sâu rộng đến nước ta nhất là thời kỳ Lý –Trần thế kỷ XI –XIV. Trên đất Nghệ An vào thế kỷ XVII –XVIII đã xuất hiện các chùa chiền như chùa Bột Đà ở chân núi Bột Đà xã Phật Kệ huyện Lương Sơn (Đô Lương hiện nay). Chùa được Lý Đạo Thành xây dựng từ thời Lý, trùng tu vào các thế kỷ sau. Chùa Hương Lãm ở xã Nội Hồ, chùa Đại Tuệ ở xã Nam Anh (Nam Đàn). Chùa Yên Quốc ở núi Hùng Sơn xã Nghĩa Liệt huyện Hưng Nguyên, chùa Linh Vân ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc...Những ngôi chùa này có phong cảnh nên thơ, tĩnh mịch. Phật giáo mang trong mình một tinh thần hướng thiện, trải qua hàng ngàn năm tồn tại, đã ăn sâu bám rễ trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân.
Nhân dịp hội thảo khoa học “Văn hóa phật giáo xứ Nghệ – Quá khứ, hiện tại và tương lai” do Viện nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam cùng các sở ban ngành phối hợp tổ chức, chúng tôi xin đề cập đến vấn đề: Chùa Chí Linh, Chùa Diệc một trong những công trình kiến trúc phật giáo đặc sắc trên đất Nghệ An.
Chùa Chí Linh ở làng Kẻ Gám xóm 7, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành và chùa Diệc ở tổng Yên Trường nay là phường Quang Trung, thành phố Vinh. Cả 2 di tích này mặt hướng về phía Nam. Từ chùa Chí Linh phóng tầm mắt qua đồng ruộng phì nhiêu nhìn ra xa là núi Hai Vai (núi Di Lặc). Bên trái là sông Dinh, phía tây là rú Gám. Thời xưa ở đây còn có ao sen thơ mộng, làm cho không khí ngôi chùa thêm mát mẽ linh thiêng. Khu vực chùa Chí linh có 2 công trình: Đền Xuân Nguyên thờ thần Cao Sơn Cao Các, chùa Chí Linh thờ Thích Ca Mầu Ni Phật, Tam Thế Phật và Quan Thế Âm, tất cả được xây dựng vào thế kỷ XVIII, nâng cấp, tu sửa vào các năm 1909, 1923 và 1928.
Chùa Diệc được xây dựng vào năm 1742, lúc đầu lợp tranh đơn sơ. Truyền thuyết dân gian kể rằng: Thuở xưa trên vùng đất Yên Trường có nhiều ao chuôm, bỗng một năm hạn hán khô cằn, nhưng sau một đêm ngủ dậy dân làng thấy hàng đàn Diệc bay về. Trời nắng chang chang bổng tối sầm lại, mưa xối xả. Nông dân phấn khởi kéo nhau ra đồng, nhưng mọi người đau lòng thấy hàng trăm con Diệc chết la liệt. Ai cũng bảo những con Diệc này thật linh thiêng do nhà trời sai xuống giúp dân làm mưa. Họ bàn nhau nhặt xác Diệc đắp thành gò nhỏ, các lão nông có ý định xây trên gò một thảo am.[1] Đến năm 1873 chùa được tướng công Đức Cửu cho lợp ngói thay tranh, sau Nguyễn Tướng Công Đăng Giai cho trùng tu, đặt tên là chùa Diệc cổ, bắt đầu có sư trụ trì. “Đến khi có hội Cẩm Trà nghe biết đến chùa có thương nhân Thanh Hóa người Đông Hồi Đại Yên, Nam Định dòng dõi thế tộc gửi mình vào cửa Không từ nhỏ, tuân theo chính tông Lâm Tế làm pháp tự của tôn sư Quảng Thọ, Thanh Hóa luôn đi lại với chùa. Từ đó trên quan tỉnh Huấn Đại Thần, dưới đến quan thân Tín Thiện đều có lòng quyến ái với chùa”[2]. Đến năm 1914 chùa Diệc được trùng tu tôn tạo lớn, do nhiều người hảo tâm cúng tiền xây dựng.
Ở khu vực chùa Chí Linh có đền Xuân Nguyên với nhà bái đường và thượng điện. ở cột hiên nhà bái đường có đôi câu đối:
Cao Sơn Cao các vị lúc uy linh
Thượng Thượng Đẳng Thần tôn nghiêm miếu
Còn chùa Chí Linh có kiến trúc chữ Khẫu: Nhà tiền đường, tả vu, hữu vu và thượng điện. Nhà tiền đường (hạ điện) dài 14,4m, rộng 8m với 5 gian 6 vì kèo. Tại gian giữa có tấm biển sơn son thiếp vàng bằng chữ Hán Chí Linh Tự (chùa Chí Linh). Hai cột hiên phía trước nhà tiền đường có đắp hình hoa sen và hai câu đối:
Phượng Sơn Tây Phục hướng Minh Đường
Dinh thủy đông hồi nhiên Quang Vụ
(Phía Tây núi Phượng Sơn (rú Gám) hướng vào chùa
Phía Đông sông Dinh hồi về uốn khúc)
Á vũ âm phong kim thế giới
Từ bi phổ cứu thiện quần sinh
(Mưa gió thuận hòa vạn vật sinh sôi
Từ bi cõi Phật cứu muôn loài)
Nhà thượng điện dài 12,6m, rộng 7,05m với 3 gian 4 vì hai hồi văn. Nhà tả vu hữu vu kết cấu đơn giản với chiều dài mỗi nhà 5,2m, rộng 1,95m. Chùa Chí Linh không đồ sộ như chùa miền Bắc, nhưng nho nhã thanh cao mang đậm đặc trưng của con người xứ Nghệ, toàn bộ chùa bằng gỗ lim, mái lợp ngói vảy. Trong chùa Chí Linh ở nhà tiền đường (hạ điện) có tượng Cửu Long diễn tả phật Thích Ca lúc mới sinh một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, vây quanh có 9 con rồng đang phun nước tắm cho phật Thích Ca. Hai bên tả, hữu có tượng phật Hộ Pháp (kim cương). Ở thượng điện thờ tượng Quan âm Chuẩn Đế, Nam Tào Bắc Đẩu, Tam thế Phật, tượng Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh chất liệu bằng sứ.....
Tại chùa Diệc, theo nhà nghiên cứu Trần Sâm, chùa được tu sửa năm 1914 có thượng điện, hạ điện. Nhà thượng điện (tức nhà tổ đường) dài 13,6m, rộng 8,61m với 7 gian. Nhà hạ điện dài 10,6m, rộng 8 m. Trong chùa có 17 pho tượng phật, hai chuông đồng, 3 lư hương bằng sứ, tổng thể chùa có hình chữ đinh. Vườn chùa cây cối tốt tươi, sân chùa có 2 cây hoa ngọc lan thơm ngát mùi hương. Phía trong các bức đại tự có hình lưỡng long triều nguyệt, câu đối sơn son thiếp vàng. Chùa từng có các vị sư trụ trì: Nhà sư Thanh Vinh, Thanh Loan, Thanh Trình, Thanh Đăng, thanh Khai, Thanh Tâm....Cảnh quan ngôi chùa rất đẹp “ Người đi lễ trông vào ngỡ là cảnh Tây thiên cực lạc, khách ngoạn cảnh cảm thấy thích thú thoải mái, cho nơi đây là chùa vàng đất đế đô. Vào mùa hè năm 1930, các danh thần vẫn còn quan tâm công đức cho chùa: Phụ chình đại thàn thái tữ thiếu phó cần chính Đại học sỹ phù quang hầu tôn thất Tướng Công; Công sứ bản tỉnh La Đại Nhân; Đô đốc tả quân Đô Thống Phủ Phạm Đại Nhân.”[3]
Cũng như nhiều ngôi đình, chùa xứ Nghệ có kiến trúc đẹp, chùa Chí Linh, chùa Diệc cũng được hưởng một nền điêu khắc độc đáo trên chất liệu gỗ, chất liệu đá. Tại đền Xuân Nguyên có hình chạm khắc long, ly, quy, phượng, hình hoa sen hoa lá, hổ phù ngậm chữ thọ. Chùa Chí Linh còn thể hiện nghệ thuật điêu khắc hình bóng con người. Trên quê hương xứ Nghệ chỉ có đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, đình Đông Viên (Nam Đàn) xây dựng thế kỷ XVIII là có điêu khắc sỹ tử xem bảng vàng, nông dân cày ruộng, đốn cũi, mẹ cho con bú....Điều này được các học giả PGS Ninh Viết Giao, PGS – TS Trịnh Cao Tưởng khảo sát kỹ và đã phát biểu trong một số công trình nghiên cứu về đình làng.
Tại chùa Chí Linh, mặt trước nhà tiền đường (hạ điện) ở ván ấm (ván lá gió) nghệ nhân dân gian chạm trổ tỉ mỉ và tài hoa. Chạy dài suốt 5 gian nhà là đề tài rồng, phượng, cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa rồng. Trên bức chạm phía Tây dài 1,5m, rộng 0,3m là hình núi non trùng điệp, ẩn hiện trong đó là chiếc cầu đá uốn công, trên lợp ngói mũi hài. Hình tượng hai người con gái thôn quê gánh hàng đi bán, nét mặt vui tươi phấn khởi. Cạnh đó có một chàng trai trẻ cưỡi voi, con voi hiền lành bước đi khoan thai với cái vòi lủng lẳng phía trước. Một người nông dân vác cày, chân tay lấm bùn đang trên đường về làng. Dưới cầu là hình tượng chiếc thuyền nan có người đang cố sức vươn lên phía trước chèo thuyền, nước ùa vào mạn thuyền gợn sóng lăn tăn. Cạnh đó có chàng trai nơm cá, con cá đang quẫy mạnh nước bắn vào chân cầu. Mảng bên kia có một mái đình, trong đó có người múa hát, người cuốc đất trồng rau, người đang lợp nhà (đình).
Bức chạm trước hành lang: Ngoài mô típ rồng dương vi, vị tướng cưỡi ngựa phi nước đại, các vũ công múa hát còn thể hiện các nhà sư đang tĩnh tâm, có mây vờn bay trên đầu.
Mảng chạm phía Đông, kích thước bằng bức chạm phía Tây: Có hình khắc trên gỗ hình ảnh hai nhà sư tay cầm tràng hạt, một sư cưỡi mây, phía sau có con vật cầm long đao đi theo bảo vệ. Theo nhà sư trụ trì ở chùa thì đây là hình khắc sỹ, nông, công, thương và thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh.
Còn tại chùa Diệc cổ: Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chùa bị hư hỏng, chỉ còn cổng tam quan và hai tấm bia đá. Trên lầu gác chuông chùa Diệc còn rõ 4 chữ Hán: Chùa Diệc phật cổ. Hai tấm bia đặt trong chùa, một tấm cao 1,9m, rộng1,1 m, gần cổng tam quan được che chắn cẩn thận. Trán bia hình vòng cung, giữa có mặt hổ phù. Mép bia rộng 0,9m, có trang trí hoa văn hoa lá và thư kiếm, bên mép dưới thư kiếm là đuôi rồng, bia hai mặt đặt trên đất, có lẽ phần dưới là đáy bia. Bia ghi lại quá trình xây dựng và những người có công đóng góp tu sửa chùa. Một tấm bia khác là “Bia chùa Diệc cổ trùng tu” năm 1914 để sau am nhỏ mới dựng sau này. Bia này hiện bị chôn một phần xuống đất (khoảng 20- 30 cm). Chiều cao còn lại trên mặt đất của bia là 110 cm, chiều rộng 100 cm, bề dày 15cm, lề bia xung quanh là 7,5cm, hoa văn ở rìa bia khắc hình lá đề. Bia không có trán chỉ có một mặt. Mặt sau bia bị nứt thủng nhiều chỗ. Mặt trước, một phần chữ bị lấp đất, nhiều chữ mờ do để ngoài trời lâu ngày. Nội dung bia có hai phần: Phần trên chép ngày tháng lập bia: “ Hoàng triều Duy Tân bát niên tuế tại Giáp Dần, Xuân chính nguyệt, thập ngũ nhật” (Triều vua Duy Tân năm thứ 8, năm Giáp Dần [1914], mùa xuân, ngày 15 tháng Giêng. Phần 2, chép tên những người có công trùng tu chùa: Hội Bảo Tín cúng 70 đồng bạc, Hội Kim Cương cúng 370 đồng, Đàn Tín cúng 820 đồng, quyền tổng đốc An Tĩnh Đào Đình Nhàn cúng 120 đồng, phu nhân Trần Thị cúng 50 đồng, án sát Hoàng Xuân Sinh, vợ là Lê Thị Công Tôn Nữ Y Thị cúng 30 đồng (bạc Đông Dương) và gần 120 người cúng tiền cho chùa.
Hàng năm tại chùa Chí Linh lễ hội diễn ra vào ngày rằm tháng 7(AL). Sau lễ là các trò chơi dân gian như cướp rằm, ai giành được nhiều phần quà sẽ gặp may mắn. Ngoài ra còn có lễ Phật đản 15/4; Lễ tạ trời đất 15/10 và lễ tế Thần Nông 15/11(AL). Còn tại chùa Diệc có lễ Phật đản, lễ Phật niết bàn, ngày giổ sư cụ Thích Trí Hoán (cụ Thanh Hoán), trong đó lễ Phật đản là lớn nhất, còn như ngày nào cũng có người đi lễ chùa, viếng cảnh.
Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vào ngày 7/11/1930 tại chùa Chí Linh dưới sự lãnh đạo của huyện Đảng Bộ Yên Thành, nhân dân tổng Quan Hóa tuần hành biểu dương lực lượng qua chùa, đánh trống tập hợp mọi người đi đấu tranh. Trong những năm đầu thế kỷ XX, chùa Diệc là một trong những nơi hoạt động bí mật của nhà yêu nước nhiệt thành Phan Bội Châu. Khi cụ Phan Chu Trinh mất, công nhân, nông dân, tiều thương, học sinh tuần hành qua các phố rồi tập trung về chùa dự lễ truy điệu vào ngày giổ đầu của Cụ – ngày 27/3/1927. Đồng chí Nguyễn Tiềm, tháng 3/1930 được cử làm bí thư tỉnh ủy khi vừa tròn 18 tuổi, anh hòa mình vào phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng, cũng có lúc anh ẩn náu ở chùa Diệc cổ tránh sự truy lùng của mật thám Pháp.
Trong những năm chiến tranh, chùa Diệc bị máy bay Mỹ ném bom làm xiêu đi một số nhà, đổ ngói vào năm 1968. Đến năm 1972, chùa bị trúng bom Mỹ đợt 2 làm đổ chùa. Hai quả bom chưa nổ nằm trong khu vườn và nhà. Đến năm 1978 sau khi chiến tranh kết thúc, do yêu cầu phải xử lý bom, để đảm bảo an toàn cho người dân, một số đồ tế khí phải chuyển lên chùa Sư Nữ. Hiện nay chùa Diệc không còn nữa, nhưng di tích còn lại là cổng chùa, hai bia đá và một số phật tử dựng am nhỏ trong khuôn viên, ngày rằm, mồng một hàng tháng vẫn có người đi hành lễ.
Xứ Nghệ một vùng non nước hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Ông cha ta đã xây dựng nên những công trình kiến trúc kỳ vĩ trong đó có chùa Chí Linh, chùa Diệc, chùa Đại Tuệ, chùa Bột Đà....Hiện nay chùa Chí Linh đã được tỉnh, hội phật giáo tu sửa khang trang đẹp đẽ, chùa Đại Tuệ đang trên đường nâng cấp khôi phục. Còn chùa Diệc một công trình kiến trúc tôn giáo phản ánh bề dày văn hóa với những phong tục tập quán tín ngưỡng của người dân trong một giai đoạn lịch sử đã bị hư hỏng. Mong rằng một ngày không xa, ngôi chùa từng tồn tại trên 270 năm sẽ được trả lại vẽ đẹp cổ kính và đáp ứng nguyện vọng hưởng thụ văn hóa tâm linh của người dân trên vùng đất văn vật quê hương.
* Hội khoa học lịch sử Nghệ An
[1]. Theo tạp chí văn hóa Nghệ An số 68 (tháng 1/2006) trang 8
[2]. Văn bia Nghệ An( Hội VNGD – PGS Ninh Viết Giao chủ biên). NXb Nghệ An năm 2004 trang 417-527.
[3]. Văn bia Nghệ An (Hội VNGD – PGS Ninh Viết Giao chủ biên), NXb Nghệ An năm 2004 trang 417-527.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết