Thông tin

CHÙA CỔ LONG BÀN

CHÙA CỔ LONG BÀN

HỮU CHÍ

Chùa cổ Long Bàn còn gọi là chùa làng Long Điền, xưa thuộc Tổng An Phú Thượng, quận Long Điền. Hiện nay, chùa thuộc khu phố Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.     

Truyền thuyết kể rằng, vùng đất Long Điền trước kia có 9 con rồng chầu. Khu đất dựng ngôi chùa là phần cuối cùng của dãy núi Thùy Vân, có nhiều tảng đá tự nhiên phẳng như bàn thạch nên dân làng đặt tên là Long Bàn.

Ngôi chùa được xây dựng trong quá trình người Việt từ vùng đất Ngũ Quảng vào xứ Mô Xoài khai sơn phá thạch vào thế kỷ thứ XVII. Trên xà ngang nhà giảng đường có ghi thời gian dân làng Long Điền trùng tu, tôn tạo chùa vào năm Thiệu Trị thứ 5 (Ất Tỵ 1845). Hai vị Hòa thượng Hải Chánh và Bảo Thanh là đệ tử của Hòa thượng Giác Ngộ, trụ trì chùa Bát Nhã trên núi Long Sơn, tỉnh Phú Yên vào trụ trì đầu tiên, được dân làng tôn làm vị tổ khai sơn.

Chùa Long Bàn tọa lạc trên một khu đất cao tương đối bằng phẳng rộng trên 3.000 m2. Trải qua hơn 170 năm nhưng chùa vẫn được giữ gìn gần như nguyên trạng.

Chùa Long Bàn cất theo kiểu thức chữ “Tam” như những chùa xưa ở miền Nam. Mặt tiền  chùa có năm gian, có kiến trúc đặt biệt: 3 gian giữa với 3 cửa cái rộng, hai bên là 2 gian có vòm cong, phía trên là lầu chuông và lầu trống nhô cao hơn mái chùa chính.

Vừa qua khỏi hành lang, bước qua cửa chùa là khoảng trống, hai bên là hai cầu thang lên lầu chuông và lầu trống.

Ngôi chánh điện năm gian rất rộng, có nhiều hoành phi, câu đối chạm trổ công phu bằng chữ Hán, sơn son thiếp vàng, treo ở các hàng cột cây tròn và to:

Bát nhã hoa khai, vạn pháp tức tâm tức Phật

Bồ đề quả thực, nhất chân phi sắc phi không

Dịch:

Bát nhã nở hoa, pháp ấy là tâm, là Phật

Bồ đề chín quả, chân kia chẳng sắc, chẳng không

……………………………..

Tạo hóa vô cùng nguyên Phật Tổ

Càn Khôn thủy điện kiến Như Lai

Dịch:

Tạo hóa vô cùng vốn Phật Tổ

Trời đất mới định thấy Như Lai

…………………………………

Thiện đạo dã tùy duyên phàm trần tiện thoát

Từ tâm phương tiến bộ, công quả do lai

Dịch:

Đạo lành tùy duyên phàm trần sẽ thoát

Từ tâm mới tiến bộ, công quả theo về

…………………………………….

Gian giữa thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm Thế Chí, Ngọc Hoàng, Di Lặc, Bồ tát. Gian bên trái thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh.  Các tượng Phật được thờ trong các khánh thờ trông thật trang nghiêm. Ngoài ra, tại đây còn có bàn thờ La hán và Thập điện Diêm vương. Phía sau chánh điện là nhà thờ Tổ, trên bàn thờ Tổ chỉ còn có hình “Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và hai long vị”:

- Tế Thượng chánh tông, tứ thập thế, húy Hải Chánh, thượng Bảo hạ Thanh, Hòa thượng Giác Linh.

-  Tế Thượng chánh tông, tứ thập thế, húy Hải Bình, thượng Bảo hạ Tạng, Hòa thượng Giác Linh.

Nối tiếp theo Chánh điện là Nhà giảng gồm 5 gian nhà rộng, hiện trống rỗng. Hai hành lang nối liền Nhà giảng là nhà ông Gíám, ở giữa là khoảng sân trống. Từ Nhà giảng có cửa hông. Nối liền Nhà giảng với Nhà khách là một hành lang có mái che rộng khoảng 3 m.


Khu nhà chánh được lợp bằng ngói ống, đầu ngói có gờ viền bằng gốm phủ men xanh. Trên đỉnh nóc trang trí tượng lưỡng long tranh nguyệt và các phù điêu cảnh vật sơn thủy, hoa lá bằng đất nung men màu. Khung chùa được làm băng gỗ quý.

Cổng chùa được xây dựng năm 1963, bằng đá xanh, bên trên có dòng chữ LONG BÀN CỔ TỰ. Trước chánh điện có ngôi nhà vuông bằng gỗ, có sàn cao, trên  có thờ tượng “Tiêu Diêu đại sĩ”. Đây là nơi nhà chùa tổ chức lễ Vu lan, cúng cô hồn hàng năm.

Long Bàn là một ngôi chùa thuộc phái Thiền tông, dòng Lâm Tế. Lễ chùa hàng năm tính theo âm lịch gồm có Rằm tháng Giêng (lễ cúng Thượng Ngươn), ngày mồng 8 tháng 4, lễ tắm Phật và ngày rằm tháng 4, lễ Phật đản. Ngày 28, 29 tháng 4 (Húy kỵ). Rằm tháng 7 (lễ cúng Trung Ngươn), Vu lan báo hiếu. Rằm tháng 10 (Hạ Ngươn).

Chùa cổ Long Bàn mang phong cách kiến trúc Á Đông. Với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã kiến tạo nên các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ tinh xảo như hệ thống bao lam chạm hình chim phụng, khám thờ chạm rồng phượng, hoành phi, câu đối, mang giá trị thẩm mỹ cao. Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều tượng Phật, Ngọc Hoàng, Quan Thánh, 18 vị La hán bằng đồng và gỗ mít, 8 khuôn in kinh khắc chữ nổi trên gỗ, 1 đại hồng chung bằng đồng cao 1,2 m có cùng niên đại cách đây trên 160 năm. Ngoài nét độc đáo về kiến trúc, về điêu khắc, chùa tọa lạc nơi cảnh trí thiên nhiên đẹp, hài hòa.

Chùa Long Bàn được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1991 theo quyết định số 680 VH/QĐ ngày 19/4/1991.

Với vẻ đẹp độc đáo về kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật, tọa lạc giữa không gian hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp, chùa Long Bàn trở thành di tích điển hình đặc trưng theo kiến trúc truyền thống chùa cổ ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6130213