Thông tin

CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU VỚI CÔNG ĐỨC

MỞ MANG BỜ CÕI PHƯƠNG NAM

 

THÍCH THIỆN NHƠN*

 

  • Lối vào

Sau 10 năm chiến tranh gian khổ, trường kỳ kháng chiến đánh đuổi quân Minh, năm 1428 chiến thắng hoàn toàn, quân Minh không còn hiện diện trên đất nước ta, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi, là Lê Thái Tổ, đóng đô ở Đông Đô (Thăng Long cũ), lấy hiệu là Thuận Thiện, đặt tên nước là Đại Việt, mở đầu triều đại Hậu Lê (1428 - 1527).

Năm Đinh Hợi (1527), An Hưng Vương Mạc Đăng Dung cướp ngôi của vua Lê Cung Hoàng, chấm dứt triều đại Hậu Lê, lập nên nhà Mạc (1527 - 1593).

Khi ấy, Nguyễn Kim đang giữ chức Hữu vệ điện tiền tướng quân của vua Lê, đem binh sĩ bỏ trốn sang Sầm Châu (Sầm Nứa) – nước Lào ngày nay, chờ thời cơ phục hồi nhà Hậu Lê. Ngài đã tìm được con của vua Lê Chiêu Tông, là Lê Duy Ninh, tôn làm vua, là Lê Trang Tông (1533 - 1543). Vua Lê Trang Tông phong cho Nguyễn Kim làm Thái sư tước Hưng Quốc Công, giao toàn quyền quyết định về dân và quân.

Năm 1543, vua Lê Trang Tông đem quân về nước chiếm lại Tây Đô (Thanh Hóa) do quân nhà Mạc chiếm cứ. Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc – Trung hậu hầu Dưỡng Chấp Nhất đầu độc chết. Vua Lê Trang Tông phong cho con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm làm Thái sư thay thế. Phong cho con trưởng Nguyễn Kim là Nguyễn Uông tước làm Quận Công, và con thứ là Nguyễn Hoàng tước Hạ Khê Hầu, sau là Đoan Quận Công.

Năm 1549, Thái sư Trịnh Kiểm phát quân chiếm lại được xứ Thuận Hóa – Quảng Nam do quân nhà Mạc chiếm cứ.

Năm 1556, vua Lê Trang Tông băng hà, không có con nối ngôi nên Trịnh Kiểm muốn lên làm vua, nhưng sợ quần thân, dân chúng không phục nên sau đó tìm được Lê Duy Ban cháu 4 đời của Lam Quốc Công Lê Trừ anh của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) rước về Tây Đô tôn lên làm vua, là Lê Anh Tông (1557 - 1573).

Dưới triều vua Anh Tông (1557 - 1573), Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng nghe lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm người Hải Dương, qua câu nói: “Một dãy Hoành sơn có thể dung thân được muôn đời” (Hoành sơn nhất đái, vạn dại dung thân). Nguyễn Hoàng xin anh rể là Thái sư Trịnh Kiểm để được vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Năm Canh Ngọ (1570), Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cử trấn thủ cả hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam và toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến dân, quân.

Năm Quý Tỵ (1593), Tiết chế Trịnh Tùng đánh bại quân nhà Mạc, khôi phục lại Đông Đô (Kinh đô Thăng Long cũ), rước vua Lê Thế Tông trở về cố đô. Nguyễn Hoàng đem cả gia đình ra Thăng Long triều kiến và chúc mừng đức vua phục hồi cơ đồ nhà Hậu Lê.

Năm Canh Tý (1600), vua Lê Thế Tông băng hà, không đồng ý với Bình An Vương Trịnh Tùng đưa con thứ vua là Lê Duy Tân mới 12 tuổi lên làm vua, là vua Lê Kính Tông, Thái úy Nguyễn Hoàng dùng thuyền đưa cả gia đình, thủ hạ về lại Thuận – Quảng, cát cứ vùng đất này thành lập một lãnh thổ riêng, không chịu phục tùng Bình An Vương Trịnh Tùng, đưa đến thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, hay còn gọi là Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đàng Ngoài là Vua Lê – Chúa Trịnh; Đàng Trong là Chúa Nguyễn Hoàng, lấy sông Linh Giang (sông Gianh) thuộc tỉnh Quảng Bình, là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (Thanh Hóa là Tây Đô của thời Hậu Lê, nhà Mạc, chúa Trịnh…).

Từ Phủ chúa, nhìn về phương Nam, lãnh thổ Đàng Trong hay Nam Hà, lúc đầu chỉ có hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam nhỏ hẹp. Phía Bắc là lãnh thổ Đàng Ngoài hay là Bắc Hà, từ sông Linh Giang (sông Gianh) thuộc Vua Lê, Chúa Trịnh. Với xu thế phát triển đất nước, các Chúa Nguyễn tiến về phía Nam. Cuộc Nam tiến được bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và kết thúc vào thời Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát, hoàn thành cuộc Nam tiến, khi tiến đến Mũi Cà Mau, Hà Tiên.

Cuộc Nam tiến không gặp sự kháng cự nào, trước khi các Chúa Nguyễn đến xứ Đồng Nai, thì bắt đầu từ năm 1611 đã có lưu dân Thuận Quảng, người Hoa sinh sống tại Đồng Nai. Năm 1623, chúa Sãi dã xin vua Chân Lạp Préas Cheychesda đặt đồn thu thuế tại Prei-Nokor (Chợ Lớn - Phú Thọ), Kras Krobes (Bến Nghé - Sài Gòn), địa điểm là Cầu Ông Lãnh ngày nay.

Khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cát cứ Thuận Hóa – Quảng Nam, lãnh thổ chỉ tới đèo Cù Mông (ranh giới Bình Định và Phú Yên).

Năm 1611, tiến đến núi Thạch Bi, lấy vùng đất nầy lập thành Phủ Phú Yên, trực thuộc Dinh Quảng Nam (gồm Tuy Hòa và Sông Cầu).

Năm 1629, đổi Phủ Phú Yên thành Dinh Trấn Biên.

Năm 1648, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cho dân vào khai khẩn vùng đất mới, cứ 50 dân lập thành một ấp mới là Khánh Hòa ngày nay.

Năm Quý Tỵ (1653), Chúa Hiền tiến tới sông Phan, lấy đất Phú Yên đến sông Phan Rang, lập Dinh Thái Khang (Khánh Hòa), gồm hai Phủ Ninh Hòa và Diên Ninh (Diên Khánh).

Năm 1693, Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu tiến tới Tam Phan – Phan Rang, Phán Rí, Phan Thiết, thành lập Trấn Thuận Thành, sau đổi thành Dinh Bình Thuận.

  • Tiếp tục từng bước mở mang bờ cõi phương Nam

Chúa Nguyễn Phúc Chu, con của Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn, sinh năm 1675, lên ngôi chúa năm 1691. Năm 1694, chúa sai hai người buôn thân tín là Nguyễn Thiêm Quan và Trần Tả Quan mang Quốc thư của Chúa Nguyễn và thư của Quốc sư Quả Hoằng sang Trung Quốc thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong hoằng đạo. Năm 1695, khi Hòa thượng Thạch Liêm sang, chúa Nguyễn Phúc Chu đã thọ Bồ tát giới với Hòa thượng Thạch Liêm, có pháp danh là Hưng Long, đạo hiệu Thiên Tung Đạo nhân, thuộc Tông Tào Động đời thứ 30. 

Năm 1693, vua Chiêm là Bà Tranh làm phản, gây hấn, họp quân nổi loạn, cướp của, giết dân Phủ Diên Ninh (Diên Khánh – Khánh Hòa). Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh, lấy Văn Chức Nguyễn Đình Quang làm tham mưu, lấy quân Chính dinh (Phú Xuân), Bình Khang (Khánh Hòa) và Quảng Nam đi đánh dẹp. Bắt được Bà Tranh, chúa Nguyễn không giết, chỉ hỏi tội rồi đem về giam giữ tại núi Ngọc Trản (Điện Hòn Chén, Thuận Hóa).

Chúa Nguyễn phong cho Kế Bà Tử làm Khám Lý (Tri phủ). Ba người con của Bà Ân vợ vua Chiêm làm Đô đốc, Đề Lãnh, Cai phủ, để vỗ về dân chúng Bình Thuận yên dạ làm ăn, sinh cơ lạc nghiệp. Tất cả những chiến lợi phẩm thu được, chúa Nguyễn Phúc Chu đều trả lại, đem về Thuận Thành lưu giữ.

Sau khi chiến thắng, Chúa Nguyễn Phúc Chu đổi tên Chiêm Thành là Trấn Thuận Thành sau đổi là Trấn Bình Thuận. Sai Nguyễn Hữu Cảnh trấn giữ miền đất mới, chiêu mộ lưu dân đến lập nghiệp. Tuy nhiên, tình hình Bình Thuận không yên, dân tình ly tán, nhiều loạn lạc. Theo ý của Nguyễn Hữu Cảnh qua lời tâu của Khám lý Kế Bà Tử là do đổi tên Trấn Thuận Thành rồi đến Bình Thuận nên lòng dân không an, do đó chúa Nguyễn đã dùng lại tên cũ là Thuận Thành. Phong cho Kế Bà Tử tả tướng của vua Chiêm Bà Tranh chức Tả Đô đốc, lo việc cai trị dân trong trấn. Sau đó, phong cho Kế Bà Tử làm Phiên Vương Trấn Thuận Thành, chỉ nộp thuế hàng năm.

  • Mở đất phương Nam

Từ năm Kỷ Mùi 1679, một số tướng sĩ nhà Minh cùng với gia đình không thuần phục nhà Thanh đã bỏ Trung Quốc sang Đại Việt được chúa Nguyễn cho định cư đất phương Nam. Nhóm quân sĩ của Tổng binh Trần Thượng Xuyên định cư Bến Gỗ, Cù Châu, Bàn Lâm tức là Cù Lao Phố (Biên Hòa). Nhóm quân sĩ Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến vào cửa Đại, cửa Tiểu sông Tiền, định cư Mỹ Tho. Cả hai nhóm dân nầy đều dâng lễ triều cống chúa Nguyễn hằng năm.

Để mở mang bờ cõi phương Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Kinh Lược sứ, Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh lầm thống xuất kinh lý vùng đất Thủy Chân Lạp, xứ Nông Nại, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập Dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn lập huyện Tân Bình, dựng Dinh Phiên Trấn, thuộc Phủ Gia Định. Phủ Gia Định thời Nguyễn bao gồm vùng lãnh thổ Dinh Trấn Biên (Biên Hòa, miền Đông), Dinh Phiên Trấn (Sài Gòn, Chợ Lớn), Dinh Trường Đồn (Tân An, Mỹ Tho), Dinh Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang, Trấn Hà Tiên), tại mỗi dinh đặt ra chức Lưu Thủ, Cai Bạ, Ký Lục, và các cơ đội, thuyền bè, thủy bộ tinh binh phòng thủ.

Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ dân chúng từ Thuận Quảng vào lập nghiệp canh tác. Đồng bào người Hoa đã lập nghiệp từ lâu, được chia thành hai làng Thanh Hà – Trấn Biên (Biên Hòa) và làng Minh Hương – Phiên Trấn, tiến hành làm sổ hộ tịch để thống nhất về mặt quản lý dân cư. Đây cũng là điều kiện để bà con người Hoa bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc của họ trong cộng đồng các dân tộc Đại Việt.

  • Bình yên bờ cõi

Tháng 10 năm Kỷ Mão (1699), Nặc Thu (Ang Saur) nước Chân Lạp làm phản, đắp các Lũy Bích Đôi và Nam Vang, Cầu Nam để chống cự quân nhà Nguyễn, cướp bóc dân buôn, Long môn tướng quân Trần Thượng Xuyên đóng giữ ở Doanh Châu (Vĩnh Long) đưa tin báo về Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Suất, Cai bạ Phạm Cẩm Long làm tham mưu, lưu thủ Trấn Biên Nguyễn Hữu Khanh làm tiên phong, lãnh hai đạo quân thuộc dinh Bình Kháng (Khánh Hòa), Trấn Biên, 7 thuyền thuộc Dinh Quảng Nam cùng tướng sĩ Doanh Châu đi đánh.

Tháng 2 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh đem các đạo quân tiến vào Chân Lạp, đánh thẳng vào Lũy Bích Đôi và Nam Vang (Phnom Penh). Nặc Thu hoảng sợ, bỏ thành chạy trốn. Nặc Yên, con thứ hai Nặc Nôn ra hàng. Nguyễn Hữu Cảnh vào thành vỗ về, phủ dụ dân chúng an tâm sinh hoạt. Nặc Thu xin hàng. Nguyễn Hữu Cảnh báo tin về Phú Xuân, xin chúa Nguyễn Phúc Chu tha tội và được chúa chấp thuận, phong cho làm vua nước Chân Lạp. Nguyễn Hữu Cảnh lui quân về đóng ở Lao Đôi (nay thuộc Rạch Giá), Bãi Sao, Chợ Mới An Giang (nay là Cù lao Ông Chưởng), chia quân trấn giữ các làng biên ải, giáp giới Chân Lạp, đồng thời chiêu mộ dân chúng đến sinh cư lạc nghiệp.

  • Làm nghĩa vụ Quốc tế

Năm Ất Mão (1705), con Nặc Thu là Nặc Thâm (Thommo Rèachea) nối ngôi cha, nghi ngờ Nặc Yêm (Ang Em) con thứ hai vua Nặc Nôn đã băng hà muốn cướp ngôi, nên đem binh đánh Nặc Yêm, nhưng sợ khó tiêu diệt nên nhờ vua Xiêm can thiệp. Nặc Yêm sợ vua Xiêm nhân cơ hội lấy luôn đất Chân Lạp, nên chạy sang Dinh Phiên Trấn (Gia Định) cầu cứu chúa Nguyễn Phúc Chu. Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Cửu Vân làm Chánh thống lĩnh quân thủy bộ Gia Định tiến đánh Nặc Thâm để ngăn chặn âm mưu chiếm đóng Chân Lạp của vua Xiêm. Nhưng khi quân Cửu Vân tiến đánh thì quân Xiêm đã tiến đến Sầm Khê (Rạch Gầm - Mỹ Tho), hai bên giao chiến, quân Xiêm chống cự không nổi, thua to, kéo đại binh lui về nước. Nặc Thâm và Nặc Tân bỏ chạy sang Xiêm chờ cơ hội phục thù. Nặc Yêm trở về Chân Lạp như xưa.  

  • Đất Hà Tiên góp phần hình thành chữ S đất nước Đại Việt

Năm 1680, Mạc Cửu, người Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc, một di thần nhà Minh, vì bất phục tùng nhà Thanh, bỏ nước qua ở xứ Chân Lạp, làm chức Ô Nha, mở sòng bạc, thu thuế. Sẵn có tiền của, Mạc Cửu thuê dân phiêu bạt tứ xứ người Việt, Khmer, Hoa lần lượt mở mang phần đất hoang vu, lập ra các xã Hà Tiên (Tà Ten), Rạch Giá, Cần Vọt, Cà Mau, Phú Quốc, Trũng Kè, Vũng Thơm… Tên vùng đất Hà Tiên, tương truyền có nàng tiên xuất hiện đi lại trên sông, nên gọi là Hà Tiên.

Năm 1708, Mạc Cửu dâng biểu lên Chúa Nguyễn xin phong chức Hà Tiên trưởng. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã chấp thuận và phong chức Tổng binh Trấn Hà Tiên tước Cửu Ngọc Hầu và kể từ đó, Hà Tiên là phần lãnh thổ cuối cùng ở phương Nam của Tổ quốc Đại Việt.

Năm 1711, Mạc Cửu đến Phú Xuân, để tạ ân chúa Nguyễn và tặng bảo vật lưu niệm, đồng thời thể hiện sự trung thành và hợp nhất dưới sự lãnh đạo của nhà Nguyễn và đã được chúa Nguyễn khen ngợi, ân thưởng trọng hậu. Năm 1735, Mạc Cửu mất, năm 1738 chúa Nguyễn Phúc Khoát đã phong cho con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích làm Đại Đô đốc Trấn Hà Tiên để tiếp tục quản lý, trị an vùng đất tận cùng của Tổ quốc Đại Việt.

  • Lưu dấu ngàn thu

Sau 34 năm tại vị, chúa Nguyễn Phúc Chu là một vì vua mở nước, bình định bờ cõi, làm cho đất nước ngày càng mở rộng, thanh bình thịnh trị. Có thể nói, trong thời gian trị vì của Chúa Nguyễn, nhờ đạo đức Phật giáo Từ Bi Hỷ Xả, hấp thụ từ các bậc Thầy như Tổ Quả Hoằng, Tổ Thạch Liêm, Tổ Nguyên Thiều, hơn nữa với cương vị là một cư sĩ, pháp danh Hưng Long, hiệu là Thiện Tung đạo nhân, mà ân đức đượm nhuần cõi phương Nam, dùng đức từ cải hóa nhân quần, dùng Tứ nhiếp pháp thu phục nhân tâm. Do đó, các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm chung sống hòa bình, cùng phát triển, độc lập, tự cường. Có thể nói, thời gian cai trị của chúa Nguyễn Phúc Chu, Đàng Trong, ổn định, do đó có cơ hội phát triển về mọi mặt: tôn giáo, văn hóa, giáo dục, quân sự, xã hội, ngoại giao càng có hiệu quả nhất định. Tạo được thế đứng vững vàng cho Đại Việt, đối với các lân bang. Rồi cuối cùng, khi sứ mạng đã hoàn thành, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ra đi vào thế giới thường hằng, bất diệt cả hai về mặt tinh thần, góp phần viết nên những trang sử vàng của dân tộc. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã băng hà ngày 24/4 năm Ất Tỵ (1725), thọ 51 tuổi, an táng tại xã Kim Ngọc, huyện Hương Trà, Thuận Hóa.

Tóm lại, từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, Quảng Nam (1558 - 1613) và Chúa Nguyễn đã bắt đầu mở mang bờ cõi phía Nam, theo thời gian, trãi qua các Chúa: Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635), Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tấn (1648 - 1687), Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691), có cả gần 100 năm, nhưng biên giới phía Nam chỉ đến Khánh Hòa. Vùng Tam Phan có sự để ý quản lý của Chúa Nguyễn nhưng vẫn còn là đất Chiêm Thành, triều cống, thần phục Chúa Nguyễn. Đồng thời, Chúa Nguyễn có lúc cũng đã gửi quốc thư ngoại giao cho vua Chân Lạp Préas Cheychesda để xin được thành lập hai đồn thu thuế dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) là  Prei Nokor (Chợ Lớn - Phú Thọ) và Kras Krobes (Bến Nghé - Sài Gòn), nhưng thực sự chưa phải là phần lãnh thổ thực thụ của Chúa Nguyễn. Đến thời Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), thời gian trị vì chỉ 34 năm mà đã mở rộng bờ cõi đến tận Mũi Cà Mau. Do đó, tưởng niệm công đức của tiền nhân, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam là điều căn bản,  không gì khác hơn là cần phải hết lòng bảo vệ những thành quả của cha ông đã dày công xây dựng và phát triển. Đó là trách nhiệm và bổn phận của con cháu đối với tiền nhân.



* Hòa thượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6798609