Thông tin

CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU VỚI VĂN HỌC

 

NGUYÊN HUỆ*

 

Đến nay, các nhà viết lịch sử văn học Việt Nam hầu như chưa chú ý tới sự nghiệp sáng tác của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, nhưng những người nghiên cứu về văn học Thiền, văn học Phật giáo Việt Nam thì không thể không nhắc tới tên tuổi ông. Dựa theo nội dung nơi một số bài thơ chữ Hán của chúa Nguyễn Phúc Chu mà chúng tôi bước đầu tập hợp được, xin tạm chia ra các mảng như sau:

1. Thơ vịnh cảnh, giao tiếp:

a. Thơ viết về đèo Hải Vân:

“Việt Nam hiểm ải thử vân điên

Hình thế hỗn như Thục đạo thiên

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lãnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên”.

(Hải Vân Sơn)

(Núi này quan ải nước Nam

Khác nào đường Thục sàm nham gập ghềnh

Mây che ba ngọn núi quanh

Biết đâu người ở trời xanh mấy tầng).

(Núi Hải Vân, Thái Văn Kiểm dịch.- Dẫn theo Phạm Việt Tuyền, Văn học Miền Nam, NXB Khai Trí, S, 1965, tr. 34)

Núi - đèo Hải Vân là vùng núi đèo lớn trên con đường thiên lý Bắc - Nam, cảnh quan ở đây đẹp một cách hùng vĩ: đường đèo quanh co, núi cao chót vót, biển xanh mênh mông với sóng lô nhô lớp lớp, cây cối thì um tùm hầu như là trùng trùng điệp điệp. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của tác giả Nguyễn Phúc Chu mới chỉ là một nét chấm phá khiêm tốn, nhưng dù sao thì cũng là một thể hiện đáng trân trọng. Nơi bài thơ chữ Hán “Ức gia huynh” (Nhớ anh), thi hào Nguyễn Du (1765-1820) cũng đã nhắc tới đèo Hải Vân:

“Lục tháp thành nam hệ nhất quan

Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan

Cùng xu lam chướng tam niên thú

Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn…”.

(Quan nơi Sáu Tháp buộc ràng thân

Đá gập ghềnh đêm vượt Hải Vân

Sương gió đồn xa hiu hắt phận

Khói hoa quê cũ lạnh lùng xuân…).

(Quách Tấn dịch. Tố Như Thi, NXB An Tiêm, S, 1973, tr. 58-60)

Anh của Nguyễn Du được nhắc tới là Nguyễn Nễ còn gọi là Nguyễn Đề (1761-1805) là anh cùng cha cùng mẹ với nhà thơ, ra hợp tác với nhà Tây Sơn, bấy giờ đang trấn nhậm nơi thành Quy Nhơn (Bình Định) mà theo tác giả Nguyễn Du, vì không mấy cảm tình với triều đại ấy nên đã nghĩ đó là vùng đất quá xa xôi, hẻo lánh. Và trên quãng đường diệu vợi từ quê hương Hà Tĩnh vào Quy Nhơn, đèo Hải Vân được xem là một điểm khó khăn cần vượt qua nổi bật hơn hết. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, căn cứ theo các đồ gốm xứ do ông sưu tầm được thì bài thơ Hải Vân Sơn của chúa Nguyễn Phúc Chu gồm 8 câu, có tên là Ải Lĩnh Xuân Vân:

Việt Nam xung yếu thử sơn điên

Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.

Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết

Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền

Duy nguyện hải phong xuy tác vũ

Chính nghi thiên lý nhuận tang điền.

Dịch:

Mây Xuân Đỉnh Ải

Việt Nam hiểm trở có non này

Thục đạo nghìn trùng chót vót thay

Chỉ thấy mây che ba đỉnh lớn

Nào hay người ở mấy từng đây?

Không khe suối, cũng dầm xiêm áo

Chẳng tuyết băng sao buốt tóc mày

Gió biển nguyện xin thành mưa móc

Ruộng dâu ngàn dặm tốt tươi bày.

Trần Đình Sơn dịch (Tản Mạn Phú Xuân, NXB Trẻ, 2001, tr 46-47).

b. Thơ viết về cảnh Thiền: Cũng theo Trần Đình Sơn, căn cứ theo các đồ gốm sứ… chúa Nguyễn Phúc Chu còn là tác giả hai bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú viết về cảnh Thiền: Bài Thiên Mụ hiểu chung (Chuông sớm Thiên Mụ) và bài Tam Thai Thính Triều (Ở núi Tam Thai nghe sóng).

* Thiên Mụ Hiểu Chung:         

Ký bạch đông phương túy tích trùng     

Thự quynh tiệm dữ bách hoa nùng

Tà khan vân ảnh giang can nguyệt

Bất thính triều thanh sơn tự chung.

Độc ngã nhàn tình y phiếu miễu 

Kỷ nhân trần mộng đắc thung dung

Du du dư vận chư thiên lý

Phạn ngữ dao ưng đáp hiểu chung.

* Chuông sớm Thiên Mụ:

Biêng biếc phương trời buổi rạng đông

Trăm hoa ửng nắng sắc hương nồng

Vẳng nghe sóng dậy chuông chùa điểm

Ghé mắt, mây phô nguyệt bến lồng.

Riêng tớ, tình suông về thăm thẳm

Mấy ai, cảnh mộng tới thong dong

Mang mang dư vận từng không tỏa

Kinh Phạn hồi chuông sớm quyện lòng.

Trần Đình Sơn dịch (sđd, tr. 39).

* Tam Thai thính triều:

Kỳ tú Tam Thai tủng bích phong

Trung hư ngoại hữu bạch vân phong     

Tự lai Việt hải vân xuân lãng      

Như tại Phiên dương thính thạch chung

Bất đoạn phong thanh bôn bạch mã      

Hoàn nghi vũ sắc khởi thương long       

Dục tầm thanh mộng hà tằng khán

Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng.

* Ở núi Tam Thai nghe sóng:

Tam Thai chất ngất đỉnh non xanh

Động vắng mênh mông mây phủ quanh

Dào dạt sóng xuân trào Việt hải

Ngân vang chuông đá vọng Phiên thành

Gió reo ngựa trắng liên hồi trẩy

Mưa cuốn rồng xanh thấp thoáng đoanh

Mộng đẹp mong tìm sao chưa thấy

Rì rào vách núi cụm tùng xinh.

Trần Đình Sơn dịch (sđd, tr. 53).

Cảnh Thiền nổi bật cùng tạo sự kết hợp ở đây là tiếng chuông chùa. Cái âm thanh vô cùng quen thuộc và tuyệt vời ấy vẫn luôn tạo được sự nối kết hài hòa giữa cảnh và tâm, giữa sắc và không, giữa hư và thực, giữa trần tục và xuất thế.

c. Thơ tặng Trần Đình Ân:

“Bình sinh trì thiện tính tinh thuần

Tán phụ ngô triều tứ thế nhân

Chính nghiệp dĩ thành từ tử thụ

Đạo tâm thường hiện khước hồng trần

Hy hy hạc phát đồng Thương Hạo

Nghiễm nghiễm tiên phong diệc Hán thần

Thử khứ Quảng Bình hà sở sự

Thanh sơn lục thủy lạc thiên chân”.

(Ưa thiện bình sinh giữ tính thành

Bốn triều rõ mặt bậc tôi lành

Công to đã vẹn xa đài gác

Lòng đạo thường lo chán lợi danh

Tóc bạc phơ phơ màu ẩn sĩ

Dáng nhàn thong thả vẻ công khanh

Quảng Bình đất ấy còn chi bận?

Nước biếc non xanh mặc thỏa tình).

(Cao Tự Thanh dịch, Đại Nam liệt truyện tiền biên, NXB KHXH, 1995, tr. 219).

Trần Đình Ân (1626 – 1706) người huyện Minh Linh, Quảng Trị (huyện này trước kia thuộc Quảng Bình), là một bậc công thần nổi tiếng của chúa Nguyễn, làm quan trải bốn đời chúa: Nguyễn Phúc Lan (1601-1648), Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), Nguyễn Phúc Thái (1650-1691), Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), có tài, trung thành, thuần hậu, rất mộ Phật, năm 78 tuổi xin về hưu được chúa ban cho nhiều đặc ân và thơ tặng thể hiện lòng ưu ái của chúa đối với một lão thần đáng kính.

Lời thơ trang trọng hàm chứa những đánh giá khá chính xác về đối tượng, góp thêm tư liệu về mối tương quan tốt đẹp giữa chúa sáng - tôi hiền, vẫn là mong ước ngàn đời giữa bậc lãnh đạo và hàng ngũ cộng sự.

2. Mảng thơ tình cảm: Ở đây, chúng ta nhận thấy chúa Nguyễn Phúc Chu là một con người đa cảm. Bốn bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú thương tiếc người cung phi yêu dấu họ Nguyễn, con gái quan Tham chính Nguyễn Hữu Hợp đã thể hiện rõ:

* Bài 1:

“Vấn thiên hà sự chiết ngô phi

Hoa tạ tam cung nguyệt yến huy

Bất đặc nữ trung vong khốn phạm

Hoàn tri kỳ nội thất dung nghi

Thời đương thất tịch Ngân hà ám

Sầu ký thiên niên giới lộ hy

Man đạo tiếu nhân nhi phụ thái

Cổ kim thùy cánh thử tình vi”.

(Hỏi trời sao giết ái phi ta

Hoa rụng ba cung ánh nguyệt nhòa

Trâm xuyến đã vùi khuôn nữ tắc

Dung nghi lại mất dáng Hằng Nga

Cầu ô gãy nhịp sông Ngân tối

Cõi thế đau lòng móc hệ sa

Chớ nhạo tình người sao yếu đuối

Xưa nay chồng vợ xót nhau mà).

* Bài 2:

“Khứ niên Chúc nữ nhập song minh

Khước bị trùng vân tựu địa sinh

Chế cấm vị hoàn ty tại trục

Xuyên châm tài bãi tuyến phiêu doanh

Không hoài ngũ dạ quỳnh lâu địch

Khởi vọng song xuy ngọc điện sinh

Nhất phiến mê ly nghi thử tế

Uyên ương tú chẩm mộng nan thành”.

(Năm xưa Chúc nữ rạng bên song

Đất chợt tuôn mây tối mịt mùng

Dệt gấm chưa xong tơ cuốn dở

Xâu kim vừa dứt chỉ bay tung

Năm canh luống nhớ khi canh tận

Đôi bóng còn mơ lúc bóng chung

Mê mẩn chợt ngờ đang tối mặt

Uyên ương gối lẻ mộng không xong).

* Bài 3:

“Nội trợ tằng kinh ức ỷ ni

Duy dư đồng nhữ lưỡng nan kỳ

Phi nhân mộ sắc tiềm huy lệ

Chỉ vị tôn hiền trọng phú thi.

Việt hải tuy khoan nan tải hận

Tẩm lăng nghi cận dị quan bi

Trường đê thả mạc tài dương liễu

Hảo đãi thanh minh túng mục thì”.

(Nội trợ dung nghi cứ nhớ hình

Đôi ta thôi hết cuộc kim sinh

Lệ rơi nào chỉ thương nhan sắc

Thơ viếng còn do tiếc tính tình.

Bể rộng cũng khôn đong tủi hận

Mộ tân cho tiện viếng hư linh

Trên đê nhớ chớ trồng dương liễu

Để đến Thanh minh dễ thấy mình).

* Bài 4:

“Nhữ thọ tuy vi phúc tự trường

Nhân truyền phúc trạch Nguyễn cung hương

Phao tư kim ngọc doanh song níp

Lưu thử nhi tôn mãn nhất đường.

Đối cảnh kỷ hồi hàm biệt lệ

Lân tài nhất thế động trung trường

Kim bằng diệu pháp Không vương lực

Tiến bạt u hồn đạt thượng phương”.

(Tuổi thọ không cao phúc vẫn đầy

Đời truyền phúc trạch Nguyễn phi dày

Ngọc vàng dẫu bỏ hai rương đó

Con cháu còn lưu một lũ đây.

Mấy lúc lệ rơi vì thấy cảnh

Suốt đời ruột đứt bởi thương tài

Nay nhờ diệu pháp Như Lai giúp

Nâng đỡ hồn thơm tới cõi Tây).

(Cao Tự Thanh dịch, Đại Nam liệt truyện tiền biên, sđd, tr. 75-78)

Lời thơ chân tình, tha thiết, hai câu kết nơi bài thứ tư tạo được ấn tượng đậm cho người đọc, nhất là những người đọc theo Phật.

3. Mảng thơ liên quan đến cửa Thiền: Ngoài hai bài thơ Chuông sớm Thiên MụỞ núi Tam Thai nghe sóng đã dẫn ở trước, chúa Nguyễn Phúc Chu còn có bài Minh nơi Văn bia chùa Thiên Mụ khắc dựng năm 1715 và bài Minh truy tán Thiền sư Nguyên Thiều, người khai sơn Tổ đình Thập Tháp (Bình Định) và Tổ đình Quốc Ân (Thuận Hóa), cũng là người có công trong nỗ lực đem Phật giáo truyền bá vào Nam Hà hậu bán thế kỷ 17. Ở đây, tác giả đã kết hợp khá thành công giữa khả năng thi ca và trình độ Phật học cùng với tâm mến mộ Phật giáo của mình.

* Bài Minh truy tán Thiền sư Nguyên Thiều:

“Ưu ưu Bát nhã

Đường đường Phạm thất

Thủy nguyệt ưu du

Giới trì chiến lật.

Trạm tịch cô kiên

Trác lập khả tất

Thị thân bản không

Hoằng pháp lợi vật.

Biến phú từ vân

Phổ chiếu tuệ nhật

Chiêm chi chiêm chi

Thái sơn ngật ngật”.

(Cao vút trí tuệ

Phạm hạnh vun trồng

Giới đao một lưỡi

Trăng nước thung dung.

Ngồi đứng một thân

Trong lặng kiên cường

Hoằng pháp lợi người

Quán thân vốn không.

Mây từ che khắp

Trời tuệ chiếu cùng

Ngắm đi ngắm đi

Thái sơn oai hùng).

(Dẫn theo Việt Nam Phật giáo sử luận, T.2, NXB Văn học, 1992, tr. 190-191).

Không chỉ là một bài Minh, những lời truy tán ấy đã mang đủ vóc dáng của một bài thơ Thiền có giá trị.

* Bài Minh nơi Văn bia chùa Thiên Mụ:

“Việt chi Nam hề trú thủy trú sơn

Bảo sát chi tráng hề, nhật chiếu thiền quan

Tính chi thanh tịnh hề, khê hướng sằn sằn

Quốc chi điện an hề, tứ cảnh u nhàn

Vô vi chi hóa hề, Nho - Thích đồng ban

Ký tư thắng khái hề, nhân quả hồi hoàn

Kiến tiêu lập đích hề, thành tồn tà nhàn”.

(Đất Việt phương Nam chừ, có nước có non

Bảo sát tráng lệ chừ, mặt trời chiếu rạng

Tự tính thanh tịnh chừ, suối tuôn một ngọn

Quốc gia an ổn chừ, bốn cõi thanh nhàn

Đạo đức giáo hóa chừ, Nho - Thích cùng ban

Ghi cảnh đẹp này chừ, nhân quả tuần hoàn

Dựng bia lưu dấu chừ, chính giữ tà tan).

(Việt Nam Phật giáo sử luận, T.2, sđd, tr241)

Bài Minh góp phần khẳng định vai trò đáng kể của Phật giáo trong việc đem lại sự ổn định, thịnh trị cho đất nước thời bấy giờ, điều mà Phật giáo thời thịnh Lý thịnh Trần đã làm được.

Tóm lại, sự nghiệp văn học của chúa Nguyễn Phúc Chu chưa có gì là bề thế, nhưng vẫn là những đóng góp cần được ghi nhận. Năm 1998, TPHCM kỷ niệm tròn 300 năm tuổi, một số tài liệu vẫn ghi: “Năm 1698, chúa sai ông Nguyễn Hữu Cảnh vào chia đất Đông Phố…”, nhưng lại quên rằng chúa ở đây chính là Nguyễn Phúc Chu (trị vì từ năm 1691 đến 1725), vậy ông đúng là người đứng đầu trong việc khai sinh ra vùng đất này, và Phật giáo Nam Hà thời ấy khá phát triển, chắc chắn đã có mặt rất sớm, rất tích cực trong suốt chặng đường dài, kể cả giai đoạn cuối nơi cuộc Nam tiến của dân tộc ta. Do vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng đạo Phật có một thời rất hưng thịnh ở đất Sài Gòn như chính Trương Vĩnh Ký đã ghi nhận: “Từ cầu thứ ba tức cầu Xóm Kiệu (Tân Định) lên tới chợ Xã Tài, xưa kia là một ngôi làng lớn (Phú Nhuận), người ta đếm được 72 cảnh chùa chiền” (Nguyễn Đình Đầu dịch, Ký ức lịch sử về Sài Gòn, NXB Trẻ, 1997, tr. 28).

Nói chung, sự nghiệp văn học cùng những đóng góp cho Phật giáo và ảnh hưởng từ sự đóng góp ấy của chúa Nguyễn Phúc Chu cần được sự quan tâm hơn nữa của các nhà nghiên cứu về Lịch sử Phật giáo, về Văn học Phật giáo Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15 tháng 03 năm 2011.



* Nhà nghiên cứu, Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6116519