Thông tin

CHÙA NHẪM DƯƠNG XỨ ĐÔNG – DI TÍCH VĂN HÓA QUÍ HIẾM

 

NGÔ ĐĂNG LỢI*

 

Trường Phật học Hải Phòng khởi thủy do Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Mẫn làm Hiệu trưởng đã chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, lập Tiểu ban nghiên cứu gồm các giảng sư của trường: Thích Quảng Tùng, Thích Thanh Giác, Ngô Đăng Lợi. Chương trình nghiên cứu đầu tiên là Phật giáo xứ Đông mà Nê Lê tên cũ của Đồ Sơn là nơi đầu tiên Phật giáo Nam Tông du nhập, từ Nê Lê truyền lên Dâu tức Luy Lâu huyện Thuận Thành xứ Bắc; từ Luy Lâu truyền sang Bành Thành và Lạc Dương Trung Quốc. Căn cứ vào thư tịch cổ Trung Quốc, học giả M.Durand ở Viện Viễn Đông Bác cổ cùng các phát kiến của nhóm nghiên cứu trường Phật học Hải Phòng về địa điểm chùa Hang, chùa Vân Bản có một nhà sư Thiên Trúc dân gọi là sư Bần trụ trì, rồi viên tịch ở đây. Ở Đồ Sơn còn dấu tích chùa do vua A Dục (Asoka) dựng… Thần tích trang Hán Nam nay là thôn Hán Nam, thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng có chùa do Đào Tiên nương người trang này, mồ côi mẹ được dì ruột nuôi dạy; một hôm hai dì cháu vãn cảnh non thiêng Yên tử gặp vua Hùng thứ 6 (Nghị vương) – Nhà vua thấy Đào Tiên nương tài sắc hơn người liền nạp vào cung. Vì không sinh con, khi cao tuổi xin về quê cũ dựng chùa thờ Phật. Vua bằng lòng, sau hóa tại chùa. Ở trang Cốc Liễn, cạnh sông Sàng, theo đường thủy cách Đồ Sơn chỉ dăm cây số, có miếu Đông An thờ Chử Đồng Tử, sau khi đắc pháp đã cứu sống con trai độc nhất của bà mẹ đơn thân Thị Đa, nhớ ơn mẹ con bà Đa lập miếu thờ. Miếu nổi tiếng linh thiêng, dân đến lễ bái rất đông, nhiều triều đại ban sắc phong. Sắc từ đời  Lê Trung Hưng đến Nguyễn Khải Định còn giữ đủ. Trang Dõi nay là thôn Kinh Lương, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng có chùa cổ, thường gọi là chùa Đót, tên chữ là Đốt Sơn tự tạo dựng thời nhà Lương đô hộ nước ta, bia trùng tu chùa tên: Hoàng Đồ Củng Cố Đốt Sơn Tự Di Đà Phật Bi ( Kí hiệu thư viện Viện Hán Nôm: N0 9571 – 72 )tạo năm Nhâm Dần Lê Quang Thuận hiện còn. PGS.TS Đỗ Thị Hảo đã biên khảo, dịch chú thích in trong tập Văn bia Tiên Lãng (NXB Khoa học xã hội 2009 ) Chùa còn cây đề cổ thụ lớn, truyền ngôn do một cao tăng Ấn Độ đến thăm trồng. Cây đã được công nhận cây Di sản quốc gia. Cuối dòng sông Thái Bình có trang Úm Mạt, tên nôm xã Cổ Am ngày nay có dấu tích chùa do Đinh Liễn, công chúa Không Hoàng, con Đinh Bộ Lĩnh dựng để kỷ niệm những ngày khó khăn, ba cha con phải đến cửa Bo (Bố Hải khẩu) nương nhờ Sứ quân Trần Lãm. Chùa đổ từ lâu, dân Cổ Am rước công chúa Không Hoàng về thờ chung ở miếu Cây Xanh. Chùa cổ Mỹ Cụ, nay thuộc xã Chính Mỹ huyện Thủy Nguyên, Hưng Ninh vương Trần Tung (đạo hiệu Tuệ Trung Thượng sĩ, anh ruột Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) có thực ấp và trường học ở đây, hiện còn di tích. Nhà cách mạng lão thành Hoàng Ngọc Lương, thường gọi sư Lương cùng Ngô Đăng Lợi đã nghiên cứu kĩ di tích này, đề nghị Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Tạp chí Xưa Nay vận động đúc tượng đồng Tuệ Trung Thượng sĩ tặng nhân dân xã Chính Mỹ; tượng hiện nay đặt tại khu trường học của Ngài.

Hòa thượng Kim Cương Tử trong Bút ký của mình cho biết: Cha mẹ Lê Hoàn hiếm hoi đã đến cầu tự ở chùa Mỹ Cụ sinh ra Ngài, nên khi lên làm vua đã ban cho chùa nhiều ruộng đất. Còn non thiêng Yên Tử là trọng tâm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã nhiều lần khảo sát, ngay từ ngày còn hoang phế. Sau Thành hội Phật giáo Hải Phòng được Nhà nước, Giáo hội Phật giáo VN cho phép đã tích cực vận động tăng ni Phật tử, nhân dân tham gia xây dựng chùa cảnh Trúc Lâm Yên Tử, chốn tổ của Phật giáo VN do Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Trần Nhân Tông – Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất tổ khởi dựng, truyền bá. Nhiều nước trên thế giới có Viện, có học giả quan tâm nghiên cứu.

Chùa Nhẫm Dương – Thánh Quang tự - tọa lạc ở làng Nhẫm Dương, huyện Kinh Môn đạo Hải Đông, thường gọi là xứ Đông. Chùa dựng từ đời Trần (1225 – 1400), chắc chắn thuộc tổ đình Yên Tử.

Sau phát kiến khảo cổ học quần thể hang động chùa Nhẫm Dương của PGS.TS. Nguyễn Lân Cường thu thập được rất nhiều hiện vật vô cùng quý hiếm, tôi cùng giảng sư Thích Thanh Giác mới quan tâm, tìm hiểu chùa Nhẫm có ni cô Thích Đàm Mơ- đệ tử của thầy ThíchThanh Giác trụ trì. Lúc ấy, chùa chỉ còn một phần nhỏ, nhưng nền móng của tòa chính điện, nhà tổ, nhà tăng… vẫn còn, chứng tỏ đây là một chốn tổ lớn. Vườn chùa còn nhiều cổ thụ, đặc biệt có một cây thị già, chỉ ra những quả thị sáp ruột toàn hạt. Tư liệu về chùa không còn mấy, chỉ biết tổ Thủy Nguyệt, pháp hiệu Thông Giác sinh năm 1637, người làng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, xứ Sơn Nam Hạ, nay là thôn Thanh Triều thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ngài dòng dõi nhà Nho mến mộ đạo Phật nên tìm đến chốn tổ Nhẫm Dương xuất gia đầu Phật. Không rõ Ngài được sư tổ nào ở chùa Nhẫm Dương cho thụ giới. Sau ngài sang núi Phượng Hoàng Hồ Châu bên Trung Quốc tầm sư học đạo, được Tổ đời thứ 35 phái Tào Động truyền dạy. Học xong, Ngài về nước, trụ trì chùa Hòe Nhai, phố Hàng Than Kinh đô Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình thành phố Hà Nội. Ngài cũng truyền Phật ở chùa Thanh Triều quê mình và chùa Hổ Đội huyện Thụy Anh cùng xứ (nay thuộc xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Di tích chùa tỉnh Thái Bình chỉ ghi về chùa Thụy Lương, huyện Thái Thụy do Phò mã Phùng Thế Kỳ và công chúa Thiên Hương lánh nạn Hồ Quý Ly về khai khẩn vùng đất ven bể, dựng chùa Đông Linh. Năm 1592 đời Lê Thế Tông, vương phi Mai Thị Nga Miêu đạo hiệu Minh Tín cho sửa chùa. Khoảng niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705) Lê Dụ Tông, tổ Trâu Diễn thuộc phái Tào Động sửa lại chùa và làm thêm chùa Cả. Tổ Trâu Diễn thọ 100 tuổi viên tịch tại đây, di hài được ướp đặt ở nhà tổ chùa Đông Linh. Năm 1960 bệ mục, tượng bị đổ, Phật tử hỏa táng đặt vào tháp Đông An. Năm 2015, Thành hội Phật giáo tỉnh Thái Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm Thiền phái Tào Động.

Hòa thượng Kim Cương Tử cho biết, tổ Thủy Nguyệt còn hoằng dương Phật phái Tào Động và độ tăng ở Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn (Non Đông)… đều thuộc huyện Đông Triều… Chúng tôi đã tìm hiểu một vài chùa trên, nhất là các chùa do Thánh tổ Non Đông, thế danh Vương Huệ khai sáng, nhưng không tìm được cứ liệu.

Điều cần chú ý, khi Thiền phái Tào Động truyền vào nước ta, chốn tổ Hòe Nhai, đô thành Thăng Long được phủ chúa cùng nhiều quan lại, sĩ phu tán thán ủng hộ, nhưng lúc ấy, Thiền phái Trúc Lâm Đại Việt vẫn luôn giữ vị thế chủ đạo, chốn tổ chùa Nguyệt Quang xã Đông Khê, huyện An Dương, phủ Kinh Môn xứ Đông do Tổ Như Hiện ở ngôi Pháp chủ vẫn liên tiếp giương cao ngọn đèn Phật pháp Trúc Lâm Yên Tử.

Như vậy, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Từ bi Trí tuệ Hỉ xả Lục hòa của Phật tổ, Phật giáo nước Việt ta sẵn sàng tiếp nhận các Thiền phái ngoại nhập như Lâm Tế, Tào Động nhưng vẫn giữ bản sắc riêng độc đáo của mình.

 


Tài liệu tham khảo chính

1. Hòa thượng Kim Cương Tử - Bút tích – Chùa Trấn Quốc Hà Nội ấn hành, 1990

2. Nguyễn Lang - Việt Nam Phật giáo sử luận – NXB Văn học,1992

3. Nguyễn Quang Ân – Nguyễn Thanh (Chủ biên) – Từ điển Thái Bình - NXB Văn hóa Thông tin, 2010



* Trường Trung cao Phật học Hải Phòng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 49
    • Số lượt truy cập : 6794452