Thông tin

CHÙA PHẬT TÍCH, MỘT ĐỊA DANH MANG TÂM HỒN,

BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ SỨC MẠNH DÂN TỘC

 

TS. NGUYỄN TẤT ĐẠT*

 

1. Địa giới và địa danh chùa Phật tích

Trong lịch sử các triều đại Việt Nam thường có những thay đổi về địa danh, mốc giới, cương vực cũng như tên của các đơn vị hành chính lãnh thổ. Thời Hùng Vương, Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh, đến thời Lê Sơ, niên hiệu Hồng Đức được đổi thành trấn Kinh Bắc. Đến năm 1822, triều Nguyễn, trấn Kinh Bắc được đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Năm 1963, tỉnh Bắc Ninh sát nhập với tỉnh Bắc Giang và đổi tên thành tỉnh Hà Bắc, năm 1996 lại tách thành hai tỉnh như cũ là Bắc Ninh và Bắc Giang và huyện Tiên Du, nơi có chùa Phật tích, từ xưa đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1950, huyện Gia Lâm và Tiên Du thuộc tỉnh Bắc Ninh, nhưng đến ngày 20 tháng 04 năm 1961 thì xã Phù Đổng (huyện Tiên Du) và huyện Gia Lâm thuộc về thành phố Hà Nội. Đến năm 1963, huyện Tiên Du hợp nhất với huyện Từ Sơn thành huyện Tiên Sơn, nhưng đến ngày 09 tháng 08 năm 1999 lại tách hai huyện thành huyện Tiên Du và huyện Từ Sơn như cũ.

Chùa Phật tích được hưng công xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X, nhưng về quy mô hoàn chỉnh phải đến năm 1057. Chùa nằm ở sườn phía nam núi Lạn Kha, hay còn gọi là Non Tiên. Núi Lạn Kha hay Non Tiên có liên quan đến truyền tích về người tiều phu tên là Vương Chất, khi lên núi hái củi gặp hai vị tiên đang chơi cờ, nhưng vì mải xem mà quên mất thời gian trần thế, cho đến khi cán rìu mục nát mà không biết vì thế mới gọi là Lạn Kha (rìu mục). Hay Non Tiên là vì có tiên xuống núi chơi. Non Tiên còn liên quan đến tích truyện Từ Thức gặp tiên, truyền rằng:“ Từ Thức người Hoá Châu (Thanh Hoá). Trong thời Quang Thái, đời vua Thánh Tông nhà Trần, nhân có chân ấm sinh, được làm Tri huyện Tiên Du, cạnh huyện có ngọn chùa to, trong chùa có cây Mẫu đơn, mỗi khi mùa xuân hoa nở, khách bốn phương đến chùa xem hoa đông như hội, nhân thế gọi là Hội xem hoa. Tháng 2, năm Đinh Tỵ (1386) chính giữa hôm hội, có một cô ả nhan sắc mỹ miều, mới độ 15, 16 tuổi, son phấn điểm nhạt, mặt mũi tươi dòn đến xem hoa, nhỡ tay vịn gẫy mất một cành, bị nhà chùa bắt giữ lại. Từ Thức xẩy đi qua trông thấy, hỏi cơn cớ đầu đuôi, rồi cởi áo cẩm bào chuộc cho ả ấy đi”[1].  Hiện nay, Hội xem hoa vẫn được mở vào dịp đầu năm để thập phương du khách thưởng ngoạn phong cảnh, ngắm hoa Mẫu đơn gọi là hội Khán hoa mẫu đơn. Còn tên Phật Tích là liên quan đến sự kiện năm 1066, vua Lý Thánh Tông xây tháp cao, khi tháp đổ mới lộ ra một pho tượng Phật A Di Đà. Để ghi nhận sự tích này, dân làng đã đổi tên xóm Hoả Kê, nơi có ngôi chùa thành thôn Phật Tích, núi Phật Tích chùa Phật Tích. Đến năm 1686, vua Lê Huy Tông xây dựng chùa thêm phần quy mô và đặt tên là Vạn Phúc tự.

Chùa Phật Tích là quần thể bao gồm nhiều công trình như: Chùa chính, Tháp, Quán Âm viện, Ao, Giếng và hệ thống tượng tròn trên Phật điện, Linh thú cùng cây cối (chủ yếu là thông) và hoa (đặc trưng là hoa Mẫu đơn)…

Tất cả những công trình đó nằm trong không gian đồng bằng nhưng lại nổi lên một trái núi, trong không gian núi non đó có con người là các danh sư, có tiên, có Phật.   

2. Chùa Phật tích, tâm hồn bản sắc văn hoá và sức mạnh dân tộc

Cư dân Việt Nam từ ngàn xưa sống bằng nghề nông nghiệp mà Bắc Ninh là một tỉnh đồng bằng rất điển hình, cư dân thuần nhất là người Kinh. Cuộc sống dựa trên trồng trọt nên phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, trong nỗi lam lũ vất vả đó, người dân xứ Kinh Bắc mong muốn có một cuộc đời tốt đẹp hơn. Họ mơ đến một cuộc sống nhàn hạ, vơi bớt nỗi cơ cực nhọc nhằn của nóng bức, cơ hàn đói rét. Khát vọng của họ là được thanh nhàn thoát khỏi lao động cực nhọc chứ  không mơ đến cuộc sống vật chất dư thừa hưởng thụ. Cảnh đẹp của núi non đã gợi mở thắp sáng ước mơ của họ. Núi với rừng thông, với hoa mẫu đơn là những biểu tượng về giá trị tinh thần, không phải là biểu tượng dư dả về vật chất. Hoa mẫu đơn theo văn hoá Hán thì đó là loài hoa đứng đầu. Trong Quần phương phả, sách ghi và định ngôi thứ cho các loài hoa có chép:“Thế rồi giáng chỉ trùng tu lại Quần phương phả, lấy Mẫu đơn làm chúa tể. Từ đấy về sau phẩm giá của Mẫu đơn được đề cao, được gọi là vua của các loài hoa trong thượng uyển, từ quan đến dân đều lấy đó làm tượng trưng cho sự giàu sang”[2]. Người dân Việt đến chiêm ngưỡng hoa chứ không đến hái hoa, nếu ai muốn có cuộc sống như tiên, nghĩa là vui với đời sống tinh thần trong sự hoà nhập với thiên nhiên thì không nên hái hoa, nghĩa là không cầu cuộc sống vật chất phù phiếm. Nếu một người đã có thân phận tiên mà còn cầu cuộc sống giàu có trần thế thì dù sao cũng đã mắc lỗi, đó là trường hợp của nàng tiên du xuân đến núi Phật Tích, lỡ vin gãy hoa cũng bị trách phạt. Còn Từ Thức một người chán cuộc sống tù túng trần thế, thân làm quan nhưng tâm hồn muốn vượt qua cái tôi ngắn ngủi tầm thường của nhân gian mới cứu giúp nàng tiên, để rồi được sống cảnh tiên mà vẫn nhớ đời trần tục. Đó chính là mâu thuẫn trong đời sống nội tâm tư tưởng tâm hồn của người Việt. Một mặt, muốn vượt qua cái đời thường chật chội, ngắn ngủi để vươn lên cái tinh thần thanh cao, trường tồn. Nhưng một mặt trong sâu thẳm tâm hồn vẫn còn đọng lại tình yêu quê hương, gia đình trỗi dậy không thể lìa quên. Từ Thức nói: “Tôi vốn đi chơi, xa xôi đã lâu, khó đè nén được bụng trần, lại tưởng nhớ đến quê cũ xin hãy cho tôi về thăm quê nhà một chút”[3]. Đây là lý do Từ Thức tạm xa cõi tiên để về cõi trần chứ không phải Từ Thức còn tham mê những thú vui của trần tục mà một số quan điểm cho là Từ Thức lên cõi tiên nhưng giải thoát chưa triệt để. Yêu quê hương, nhớ nghĩa gia đình, khi thành đạt muốn về quê cũ là nét bản sắc trong văn hoá tinh thần người Việt chúng ta tìm thấy ở vùng Tiên Du, Bắc Ninh.

Chùa Phật Tích, nơi danh sư tu tập thuyết pháp, theo tư liệu cũ đã nhắc đến nhà sư Ấn Độ là Khâu Đà La đã về đây dựng chùa thuyết pháp. Năm 1633, thiền sư Chuyết Chuyết, dòng thiền Lâm Tế, Trung Quốc trụ trì hành đạo. Như thế, chùa Phật Tích là nơi hội tụ văn hoá Việt - Ấn, Việt - Ấn với Hán. Khi thưởng lãm pho tượng A Di Đà tại chùa, chúng ta lại hiểu thêm về văn hoá Việt. Đó là sự kết hợp giữa Tịnh và Thiền: “Phật A Di Đà, danh từ dịch từ âm Amita, dạng viết tắt của chữ Phạn Amitabha và chữ Amytayut nghĩa là Vô lượng quang (ánh sáng vô lượng). Tên của một vị Phật quan trọng, được tôn thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa (Mahayana), tức Phật A Di Đà được tôn xưng là giáo chủ cõi Tây phương Cực lạc. Phật A Di Đà được tôn thờ trong Tịnh Độ tông ”[4]. Tại sao Phật giáo được thịnh hành thời Lý? vì nhà Lý đang xây dựng quốc gia độc lập, vì vậy đang cần một chủ thuyết một hệ tư tưởng mà không nhờ dựa vào người Hán (quốc gia nhiều lần đô hộ người Việt), trong các chủ thuyết lưu hành lúc đó Phật giáo được các vua Lý coi trọng. Trong Phật giáo, tuy nhiều môn phái nhưng văn hoá Việt đã tích hợp cả Tịnh lẫn Thiền và cũng không bỏ qua Mật tông. Vì vậy chùa Phật Tích, sư trụ trì là thiền sư dòng Lâm Tế nhưng người Việt vẫn tụng niệm thờ cúng Phật A Di Đà thuộc Tịnh Độ tông. Điều đó nói lên người Việt không câu nệ phương tiện mà coi trọng thành quả. Các học thuyết, các pháp tu chỉ được coi là phương tiện chứ không coi là cứu cánh. Đây là bản sắc, là báu vật của người Việt cần giữ gìn. Và đây cũng là điểm tựa để học mà không bị trói buộc nô dịch cho văn hoá khác “thắt ca vát chứ không buộc thòng lọng”.

Chùa Phật Tích thờ Phật nhưng lại tồn tại các huyền tích tiên, tiên là xuất phát từ Đạo giáo của văn hoá Hán: “Đạo giáo phát triển muôn vẻ. Các đạo sĩ chuyên tâm vào bùa chú, luyện đan. Họ được gọi là phái thần tiên đan đỉnh và phù lục”[5]. Thần tích Non Tiên và câu chuyện Từ Thức là biểu thị tâm hồn người Việt về giá trị tinh thần vượt lên đời thường trần tục. Câu chuyện này là chất liệu cho ca khúc Thiên Thai của Văn Cao, một nhạc phẩm được cơ quan vũ trụ Mỹ Nasa tuyển chọn phát vào vũ trụ để tìm sự sống ở hành tinh khác. Không chỉ có Tiên Phật hoà quyện trong không gian chùa Phật Tích, mà ta còn chứng kiến diễn biến lịch sử qua sự kiện vua Trần Nghệ Tông đã chọn Phật Tích là nơi tổ chức thi Thái học sinh (thi Tiến sĩ) của triều đình, tức là địa điểm để thi Nho giáo. Yếu tố tam giáo đồng nguyên của Việt Nam không chỉ thể hiện trong đời sống tâm thức của người dân trong không gian cuộc sống mà ngay trong hành động của người đứng đầu thiết chế nhà nước phong kiến Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở đó, nếu chúng ta liên kết văn hoá vùng Tiên Du, chúng ta còn thấy truyền thuyết lịch sử Thánh Gióng cũng ở vùng đất này: “Bấy giờ ở làng Phù đổng, huyện Võ Ninh (Võ Giàng) có một ông giàu có ngoại 60 tuổi mới sinh được một con trai lên ba tuổi chưa biết nói mà chỉ nằm ngửa, không ngồi đứng lên được”[6] đứa bé chính là Thánh Gióng, một trong Tứ bất tử của người Việt. Chúng ta cũng biết rằng, phải đến năm 1961, xã Phù Đổng mới tách về Gia Lâm, Hà Nội. Như thế, chùa Phật Tích hay rộng hơn huyện Tiên Du, đồng bằng Bắc Bộ là nôi văn hoá người Việt, là nơi người Việt tích hợp văn hoá Việt, Ấn, Hán giữa đức tin Phật giáo, Lão giáo và thần đạo tổ tiên người Việt: “Về đời Hùng Vương thứ 6 thiên hạ thái bình, dân gian giàu có; vua không triều cống với nhà Ân bên Tàu. Vua nhà Ân thấy vậy giả tiếng tuần thú muốn đem quân đi cướp nước Nam. Vua Hùng lo sợ, vời quân thần vào hỏi mẹo đánh giữ, có người phương sĩ thưa rằng: Bệ hạ nên kêu khấn với Long quân, thì ngài sai thiên tướng xuống giúp mới xong”[7]. Trong lịch sử Việt Nam, Lạc Long Quân là người sinh ra các vua Hùng, người được coi là tổ tiên người Việt. Chính Lạc Long Quân đã cho thiên tướng là Thánh Gióng xuống đất Việt để giúp con dân người Việt theo lời thỉnh cầu của con cháu là vua Hùng chống giặc. Đó chính là nhờ dựa vào sức mạnh tâm linh của tổ tiên đã tạo ra sức mạnh cho người Việt kháng cự ngoại bang bảo vệ độc lập dân tộc, bờ cõi quốc gia.

Cũng tại chùa Phật Tích, ngày 16 tháng 05 năm 2009 đã diễn ra đại lễ cung nghênh tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới để nhân dân Bắc Ninh và các tỉnh khác chiêm bái. Trong năm 2010 chùa Phật Tích cũng diễn ra những sự kiến văn hoá thu hút được đông đảo nhân dân: Đó là khánh thành pho tượng A Di Đà cao 29 m đặt trên đỉnh núi Phật Tích để tôn vinh đạo Phật. Cũng trong năm 2010, tượng đức Thánh Gióng cũng được khánh thành cao 14m nặng trên 80 tấn bằng đồng đặt trên đỉnh núi Sóc, xã Phù Ninh, nơi ghi nhớ chiến công của Thánh Gióng. Đó là biểu tượng văn hoá Việt cũng như văn hoá phương Đông để nhắc nhở người Việt không được quên văn hoá của dân tộc không bị các dòng văn hoá Tây phương che mờ, cuốn chìm. Các giáo thuyết, cũng như các tôn giáo khác không có được vị trí chắc chắn trong tư tưởng người Việt nên không thấy các công trình tạc tượng lớn và hoành tráng như hai công trình trên mặc dù trên thực tế nó đang lấn lướt văn hoá bản địa.

3. Mạn đàm thay lời kết

Về với chùa Phật Tích, Non Tiên để cùng tìm hiểu cái nôi văn hoá người Việt, để tìm ra bản sắc văn hoá dân tộc. Bản sắc đó là tâm hồn người Việt thường mong cầu sự thanh cao nhàn hạ coi trọng các giá trị tinh thần bền vững. Yếu tố quê hương và gia đình là chất liệu cơ sở cho nền văn hoá Việt, thiếu nó thì dù có cuộc sống sung sướng như trong mơ vẫn coi là chưa đủ, tâm hồn vẫn trống vắng, thiếu thốn.

Chùa Phật Tích có phong có thuỷ đạt được tam giáo đồng nguyên có được trời, đất, người: thiên địa nhân đồng nhất là bản sắc người Việt. Người Việt tiếp thu các dòng văn hoá khác một cách chủ động, không khiên cưỡng, coi các nền văn hoá khác là phương tiện để vun bồi cho văn hoá Việt chứ không coi là mục đích. Chính điều đó mới làm thành nền văn hoá Đại Việt với bản sắc đa văn hoá, không bài bác nhưng không quá tôn thờ tột đỉnh, mỗi giá trị văn hoá khác khi vào đất Việt được nhào nặn hoà nhập từng phần theo nhu cầu người Việt mà tồn tại và biến thành văn hoá bản địa.

Chùa Phật Tích trong không gian chung của huyện Tiên Du, của văn hoá Kinh Bắc là một trong những cái nôi tiêu biểu cho văn hoá người Việt, trong đó thể hiện tâm tinh người Việt là đa thần, các tôn giáo đều được trọng thị nhưng không phải là tối thượng, các triết thuyết về cuộc đời về sự giải thoát đều được hoà quyện trong tâm thức tín ngưỡng tổ tiên thần linh sông núi. Về Phật Tích chiêm bái cảnh đẹp quê hương Việt Nam, và cùng tìm lại bản lai văn hoá ông cha là cần thiết cho cuộc sống hôm nay: Đó là coi trọng đời sống tinh thần, cuộc sống phải hoà với phong cảnh thiên nhiên, văn hoá là đa sắc màu, tâm linh là đa thần, triết thuyết chỉ là phương tiện, cuộc sống hôm nay bổ sung cho văn hoá xưa là yếu tố hiện đại và phát triển, vật chất cần phải được đầy đủ vì nhân bần thì trí đoản, nhưng vật chất phè phỡn quyết không phải là tất cả đối với người Việt.

Hà Nội, ngày 30/ 12/2010 



* Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Phan Kế Bính, Nam Hải dị nhân. Nxb Trẻ. TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr.143.

[2] Nguyễn Quốc Thái (biên soạn), Hình tượng cát tường, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1998, tr.175. 

[3] Phan Kế Bính, Nam hải dị nhân, Nxb trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr.146

[4] Đinh Lực, Hội thảo khoa học Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr.409.

[5] Lê Anh Dũng, Con đường tam giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIX.

[6] Phan Kế Bính, Nam hải dị nhân, sđd., tr. 126.

[7] Phan Kế Bính, Nam hải dị nhân, Sđd, tr. 125.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6058975