Thông tin

CHÙA VIÊN GIÁC VỚI PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

 

NGUYỄN HỮU LỘC*

 

Những hiện vật đang bảo lưu tại chùa Viên Giác rất đa dạng, một mặt là những cổ vật phản ánh nét văn hóa Phật giáo truyền thống của người Việt tại Nam Bộ, mặt khác là hiện vật gắn với phong trào chấn hưng và sự nghiệp, hành trạng của tổ Khánh Hòa.

Vào đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh thực dân Pháp đang ra sức khai thác thuộc địa thì tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam cũng có nhiều biến động, trong đó có cả Phật giáo nước nhà. Trước tình cảnh đó, công cuộc chấn hưng Phật giáo đã ra đời tại Nam Bộ, sau đó nhanh chóng phát triển thành một phong trào có sự ảnh hưởng sâu rộng trong cả nước. Đây là một cuộc vận động lớn cho sự phục hưng Phật giáo nhằm tìm lại các giá trị truyền thống, qua đó tạo nền tảng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Người có vai trò tiên phong trong phong trào này chính là Hòa thượng Như Trí - Khánh Hòa (1877-1947) và vùng đất Bến Tre cũng là một trong những nơi chứng kiến phong trào này hình thành và phát triển từ buổi sơ khai.

Tại Bến Tre, nhiều ngôi tự viện đã hưởng ứng phong trào này từ rất sớm, trong đó có chùa Viên Giác. Đây là một ngôi chùa cổ nổi tiếng và vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích gắn với Hòa thượng Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi quan tâm khảo sát về lịch sử truyền thừa, giá trị kiến trúc cùng những hoạt động hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo bằng nguồn tài liệu mà chùa còn lưu giữ1. Qua đó, nhằm nêu bật giá trị kiến trúc và giá trị lịch sử của chùa Viên Giác trong văn hóa Phật giáo của vùng đất Bến Tre.

Lịch sử truyền thừa chùa Viên Giác

Theo tài liệu lưu trữ của chùa thì thoạt tiên, nơi đây vốn là một ngôi chùa của người Khmer được xây dựng từ năm 1870. Tuy nhiên, có lẽ không hội đủ nhân duyên nên các nhà sư Khmer không ai trụ lại được lâu dài, về sau chùa bị hoang phế, không người coi sóc. Dấu vết của thời kỳ đầu là các bức tượng bằng đồng mang phong cách mỹ thuật Khmer vẫn còn được thờ tại chùa. Có lẽ lúc bấy giờ, hương chức làng An Hội đã đứng ra quản lý và ngôi chùa Khmer từ đó đã trở thành ngôi chùa của làng An Hội. Qua phong cách chế tác của một số hoành phi, liễn đối trong khoảng thời gian này và đặc biệt bộ tượng thờ cũ có kích thước nhỏ đã cho phép chúng ta hình dung ngôi chùa lúc bấy giờ có quy mô rất khiêm tốn. Căn cứ theo các tư liệu Hán Nôm trên bài vị của chư Tổ thì có thể phác họa lại lịch sử truyền thừa tại chùa như sau:

- Hòa thượng Tâm Quang (1877-1944): Ngài có tên là Lê Văn Đức, xuất thân trong một gia đình hào phú và có truyền thống Phật giáo. Ông nội, thân phụ, anh em của ngài đều là những vị sáng lập và kế thừa trụ trì chùa Kiến Phước (Vĩnh Kim, Tiền Giang). Thuở thiếu thời, ngài được cho quy y với Hòa thượng Nhất Bổn - Thông Nam ở chùa Bửu Lâm (Mỹ Tho, Tiền Giang)2, được đặt pháp danh Thiện Niệm, húy Tâm Quang, nối pháp dòng Trí Huệ. Bên cạnh đó, qua thông tin trên bài vị và bia tháp còn cho biết Hòa thượng cũng truyền thừa theo bài kệ của thiền sư Đạo Mẫn – Mộc Trần với tên húy là Kiểu Ninh3. Với đức độ tu hành nên vào năm Canh Tý (1900), tổ Tâm Quang đã được bổn đạo và hương chức làng An Hội thỉnh về làm trụ trì chùa Viên Giác và được xem là tổ khai sơn. Khi về chùa, tổ đã làm được nhiều công tác Phật sự, trong đó đáng kể nhất là công cuộc đại trùng tu ngôi Tam bảo kéo dài từ năm 1915 đến 1921. Kết quả của đợt trùng tu này chính là kiến trúc hiện tồn của chùa Viên Giác với phong cách đình chùa truyền thống Nam Bộ. Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng có nhiều đóng góp trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Những đóng góp này chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau.

- Hòa thượng Chí An (1895-1960): Ngài tên là Lê Văn Đáng, xuất gia từ thuở nhỏ và là Trưởng tử của Hòa thượng Tâm Quang, được đặt pháp danh Chí An, húy Nguyên Pháp. Khi Hòa thượng bổn sư viên tịch, ngài chính thức kế thế trụ trì chùa Viên Giác. Với oai nghi điềm đạm, khiêm tốn, ngài đã dốc sức lo cho Phật sự tỉnh nhà như việc khai mở giới đàn cho giới tử tu học. Ngoài ra, ngài cũng thường xuyên chăm lo tu bổ thêm cho ngôi cổ tự Viên Giác. Bên cạnh đó, ngài còn nối tiếp chí hướng của bổn sư, ủng hộ thành lập Giáo hội Lục hòa rồi Giáo hội Tăng già tỉnh, với uy tín cao trong tăng chúng nên ngài đã được suy cử vào hàng Tăng trưởng.

- Hòa thượng Giác Thanh (1924-1998): Ngài tên là Nguyễn Văn Chỉ sinh trưởng trong một gia đình trung nông. Ngài là Phó Trưởng tử của Hòa thượng Chí An, được đặt pháp danh Giác Thanh, húy Quảng Ngộ, về sau nhận lãnh trụ trì chùa Viên Giác. Lúc bấy giờ, nhận thấy ngôi cổ tự đã xuống cấp khá nhiều nên ngài đã phát nguyện trùng tu. Công cuộc trùng tu được thực hiện từ năm 1964 kéo dài cho đến năm 1991. Trong suốt thời gian đó, ngài đã tu sửa lại những phần hư mục trong chánh điện, giảng đường, xây mới mặt tiền, dựng đài Quan Âm, xây thêm nhiều công trình phụ trợ phục vụ cho việc tu học của tăng ni như: Nhà thiền nữ, Liêu phòng, nhà Giảng mới... Có thể nói, cơ ngơi và diện mạo của chùa Viên Giác huy hoàng như ngày hôm nay phần lớn là những công trình mang dấu ấn của ngài.

Hiện nay, chùa Viên Giác do Thượng tọa Thích Huệ Đức trụ trì, ngài là Trưởng tử của Hòa thượng Giác Thanh. Trong công tác Phật sự, Thượng tọa đã ra sức tu bổ làm cho ngôi cổ tự ngày một khang trang. Thượng tọa còn tham gia công tác ở Giáo hội, giảng dạy Trường Trung cấp Phật học Bến Tre và là Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre.

Nếu tính từ thời điểm năm 1900, khi Hòa thượng Tâm Quang về trụ trì cho đến nay thì ngôi cổ tự Viên Giác đã trải qua 4 đời trụ trì. Tất cả các đời đều truyền thừa theo thiền phái Lâm Tế, dòng Trí Huệ với bài kệ của thiền sư Trí Bản – Đột Không, hiện nay đã truyền đến chữ “Tục”:

Trí tuệ thanh tịnh,

Đạo đức viên minh.

Chơn như tánh hải,

Tịch chiếu phổ thông.

Tâm nguyên quảng tục,

Bổn giác xương long.

Năng nhơn thánh quả,

Thường diễn khoan hoằng.

Duy truyền pháp ấn,

Chánh ngộ hội dung.

Kiên trì giới định,

Vĩnh kế tổ tông.

Phổ hệ truyền thừa chùa Viên Giác

Thế hệ

Thiền sư

Thời gian trụ trì

Đời 40

Tâm Quang - Thiện Niệm

1900 - 1944

Đời 41

Nguyên Pháp - Chí An

1944 - 1960

Đời 42

Quảng Ngộ - Giác Thanh

1960 - 1998

Đời 43

Tục Lập - Huệ Đức

1998 - nay

 

Kiến trúc và bài trí của chùa Viên Giác

Chùa Viên Giác hiện ở tại số 71C đường Hoàng Lam, phường 5, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Chùa tọa lạc trên một mặt bằng rộng thoáng và có cảnh quan đẹp, mặt tiền hướng ra con rạch hiền hòa, tạo nên thế “Minh đường tụ thủy” cho ngôi chùa. Trong khuôn viên sân trước nổi bật tôn tượng Quan Âm Bồ tát cầm bình tịnh thủy đứng trên tòa sen. Ngôi chùa có nhiều công trình được xây dựng và hoàn thiện qua các thời kỳ. Trừ những phần được xây thêm bằng vật liệu hiện đại thì phần kiến trúc có giá trị nhất của ngôi chùa chính là ba tòa nhà: Tiền điện, Chánh điện và Giảng đường nằm trên một trục dọc. Đây là những công trình đã được xây dựng từ năm 1915-1921 dưới thời của Hòa thượng Tâm Quang. Riêng phần mặt tiền thì được tu sửa lại dưới thời Hòa thượng Giác Thanh với dạng thức thượng lầu hạ hiên. Về cấu trúc thì các tòa nhà vẫn còn bảo lưu kiến trúc truyền thống của dạng thức chùa cổ Nam Bộ: Bộ khung được làm bằng gỗ theo kiểu xuyên trính, với các cây cột trụ bằng danh mộc kê trên đá tảng có nhiệm vụ chống đỡ hệ thống kèo xà, rui mè đều bằng gỗ, mái lợp ngói.

Tiền điện là tòa nhà dạng ba gian hai chái, sát vách trái và phải có bàn thờ Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ. Đây là hai pho tượng cổ được chế tác bằng gỗ, đường nét chạm khắc rất mỹ thuật. Chắn ở gian giữa của Tiền điện là một bàn thờ lớn, bày trí các bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; Quan Thánh và hai vị trong bộ Thập điện Diêm vương là Diêm La vương (ngũ điện) và Chuyển Luân vương (thập điện). Các pho tượng này cũng được làm bằng gỗ và chạm khắc theo những quy chuẩn riêng biệt. Đặt phía sau còn có bộ tranh thờ Thập bát La hán bằng gỗ làm năm Mậu Ngọ (1918). Có thể nói, đây là một hiện vật rất đặc biệt, không giống với những tranh thờ cùng loại ở những ngôi chùa khác trong tỉnh. Trang trí tại Tiền điện còn có 3 bức hoành phi: 佛日增輝 “Phật nhật tăng huy”, 法輪常轉 “Pháp luân thường chuyển”, 恩弘利濟 “Ân hoành lợi tế” được chế tác vào các năm Tân Mão (1891) và Đinh Dậu (1917). Trên các cột cũng treo 2 câu đối, một câu có nội dung như sau:

雙懸日月照蘭軒全憑造化

四面山川扶紫閣為作良圖

Phiên âm: Song huyền nhật nguyệt, chiếu lan hiên toàn bằng tạo hoá;

Tứ diện sơn xuyên, phù tử các vi tác lương đồ.

Tạm dịch:

Nhật nguyệt treo cao, chiếu sáng hiên lan sánh ngang tạo hoá;

Núi sông bốn phía, che chở gác tía đích thị lương đồ.

Chánh điện hay Đại Hùng bảo điện là tòa nhà rộng nhất được xây theo dạng tứ trụ với 4 cột cái ở giữa. Tại gian chánh trung là nơi thờ Phật với bàn thờ cao ba tầng: Tầng trên cùng là bộ Di Đà Tam tôn với Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng giữa là bộ Địa Tạng vương Bồ tát; tầng dưới cùng là Thích Ca sơ sinh, hai bên có tượng Thiện Hữu, Ác Hữu. Hai gian bên đều phối thờ tôn tượng Phật Thích Ca vốn có nguồn gốc từ chùa Linh Sơn (Sài Gòn) và được thỉnh về chùa Viên Giác dưới thời của tổ Tâm Quang. Hệ thống tượng thờ tại Chánh điện đều làm bằng gỗ và là hiện vật cổ gắn liền với các giai đoạn lịch sử của chùa. Trang trí quanh án thờ Tam bảo vô cùng mỹ thuật và lộng lẫy với chiếc bao lam chạm trổ đề tài Cửu long, cặp liễn đối chạm chữ Hán trên nền rồng mây rất công phu nghệ thuật. Đây là tặng phẩm của hai nữ tín chủ giàu có nổi tiếng tại Bến Tre là Cô Ba Lê Thị Ngỡi và bà Phạm Thị Quý. Thêm vào đó, giá trị của cặp liễn này còn ở chỗ dùng nghệ thuật quán thủ xuyên tâm tên chùa Viên Giác để nói về triết lý sâu sắc của Phật giáo:

圓機超十地圓滿六通圓成十號

覺道越三祇覺空五蘊覺了三乘

Phiên âm:

Viên cơ siêu thập địa, viên mãn lục thông, viên thành thập hiệu,

Giác đạo việt tam kỳ, giác không ngũ uẩn, giác liễu tam thừa.

Tạm dịch:

Căn tánh tròn đầy qua thập địa4, viên mãn lục thông5, vẹn thành thập hiệu6,

Chánh giác đại đạo vượt tam kỳ7, sạch không ngũ uẩn8, thông hiểu tam thừa9.

Đặc biệt, phía trên án thờ Phật còn có một hiện vật vô cùng giá trị nữa, đó là bức hoành phi do tổ Khánh Hòa tặng cho chùa. Nội dung đầy đủ của bức hoành như sau:

黃金寶殿.龍飛定九年甲子吉日造. 仙靈寺和尚黎慶和奉供.

Phiên âm: Hoàng Kim bửu điện. Long phi Khải Định cửu niên Giáp Tý cát nhật tạo. Tiên Linh tự hòa thượng Lê Khánh Hòa phụng cúng.

Tạm dịch: Bửu điện Hoàng Kim. Hòa thượng Lê Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh10 phụng cúng vào ngày tốt năm Khải Định thứ 9, Giáp Tý (1924).

Cùng với bức hoành trên, Chánh điện còn có 3 hoành phi khác, trong đó có bức mang tên chùa:圓覺寺 “Viên Giác tự” làm năm Đinh Dậu (1897), và 2 bức cuốn thư khắc bài thơ chữ Hán. Tất cả đều là những hiện vật điêu khắc gỗ rất đáng chú ý.

Phía sau Chánh điện là Tổ đường, được thiết kế theo dạng “Tiền Phật hậu Tổ”, đây là nơi đặt thờ hình ảnh và bài vị của chư vị tổ sư tiền bối. Bài trí tại đây có 3 án thờ: Gian giữa là một khám thờ bằng gỗ do tổ Tâm Quang tạo tác năm Ất Sửu (1925), bên trong tôn trí tượng Đạt Ma Tổ sư và Lục Tổ Huệ Năng. Gian bên trái là nơi thờ bài vị các Hòa thượng có liên quan đến chùa Viên Giác như: Tổ Bửu Châu (chùa Bửu Hưng), tổ Nhất Bổn (chùa Bửu Lâm), tổ Chánh Hậu (chùa Vĩnh Tràng), tổ Chánh Thiện (chùa Kiến Phước) và các tổ trong phong trào chấn hưng: Tổ Khánh Hòa (chùa Tiên Linh), tổ Từ Phong (chùa Liên Trì). Gian bên phải là nơi thờ các vị Hòa thượng đã trụ trì, hoằng hóa tại chùa Viên Giác. Hệ thống hoành phi tại tổ đường cũng mang ý nghĩa ca tụng công đức của tổ sư như: 燈傳續焰 “Đăng truyền tục diễm” (Nối lửa truyền đèn), 德普 “Đức phổ” (Đức rộng), 洪恩 “ Hồng ân” (Ân to) được làm vào các năm Quý Tỵ (1893) và Giáp Ngọ (1894).

Nối tiếp Tổ đường là nếp nhà thứ ba có dạng ba gian hai chái được sử dụng làm giảng đường hay Bát Nhã đường. Bài trí tại đây với án thờ Chuẩn Đề ở giữa, dọc hai bên hành lang là bàn thờ bá tánh. Phần diện tích còn lại là 3 dãy bàn ghế phục vụ cho việc tiếp khách, đãi khách vào các dịp lễ lớn và giảng dạy giáo lý. Giảng đường còn lưu giữ nét cổ kính qua cách trang trí với bàn ghế cổ, đèn chùm kiểu xưa, hệ thống hoành phi và biển liễn được sơn thếp rực rỡ. Trong số các đó có 2 bức mang giá trị mỹ thuật nổi bật là: 圓覺寺 “Viên Giác tự” có niên đại năm Khải Định thứ 9 (1924) và 般若堂 “Bát Nhã đường” có niên đại năm Bảo Đại nguyên niên (1926). Cùng với hệ thống hoành phi còn là 4 cặp liễn được treo dọc trên các thân cột. Trong đó có câu đối vừa quán thủ tên Viên Giác, vừa ca tụng việc trao truyền đạo pháp:

圓悟一乘佛法僧宏傳不謝

覺同無上經律論永繼長興

Phiên âm: Viên ngộ nhất thừa, Phật pháp tăng hoành truyền bất tạ,

Giác đồng vô thượng, kinh luật luận vĩnh kế trường hưng.

Tạm dịch: Thấu hiểu phép nhất thừa11, Phật pháp tăng cùng truyền chánh giáo,

Giác ngộ đấng vô thượng, kinh luật luận mãi nối dài lâu.

Phía sau Giảng đường là những khu nhà được dựng thêm từ thời tổ Giác Thanh như: Nhà thiền, nhà giảng mới, nhà khách, nhà tăng… Tuy được xây dựng sau với vật liệu hiện đại nhưng vẫn có kiến trúc hài hòa, không phá vỡ cảnh quan vốn có của ngôi cổ tự. Góp phần tăng thêm nét đẹp cho ngôi chùa là các tháp tổ được đặt ở sân vườn. Tại đây, có tháp của các vị trụ trì chùa Viên Giác và một số tu sĩ khác. Mỗi tháp đều có kiến trúc riêng như: Tháp tổ Tâm Quang mang kiểu thức truyền thống và được xây cao nhất; tháp tổ Chí An được thiết kế theo kiểu tháp Khmer rất đặc sắc; một số tháp khác lại có kiến trúc, họa tiết hoàn toàn mang dáng dấp Tây Phương.

Chùa Viên Giác trong phong trào chấn hưng Phật giáo

Phong trào chấn hưng Phật giáo ra đời vào những năm đầu thế kỷ XX nhằm khơi dậy Phật giáo chánh tín, mang âm hưởng dân tộc và trên hết là phát huy tinh thần yêu nước cho tăng sĩ, Phật tử trong giai đoạn thực dân Pháp đô hộ. Hòa thượng Khánh Hòa đã nhận xét rằng: “Phật pháp suy đồi, tăng đồ thất học và không đoàn kết cho nên muốn chấn hưng Phật giáo phải thực hành ba việc là: Chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch và xuất bản kinh sách ra Việt ngữ”12. Tuy vậy, ngay từ trước đó, đã có rải rác nhiều thiền sư vẫn duy trì việc giảng dạy Phật pháp tại các tự viện như thiền sư Từ Phong ở chùa Giác Hải (Chợ Lớn), Tâm Thông ở chùa Trường Thọ (Gò Vấp), Huệ Quang tại chùa Long Hòa (Trà Vình)…13. Và tại chùa Viên Giác vào năm 1924, tổ Tâm Quang cũng đã cho khai mở trường Gia giáo, thu hút 100 tăng ni theo học. Sự hiện diện của bức hoành phi “Hoàng Kim bửu điện” mà tổ Khánh Hòa đã tặng cho chùa Viên Giác năm 1924 nhân sự kiện này đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa hai chùa, hai vị Hòa thượng từ rất sớm.

Phong trào chấn hưng chính thức được bắt đầu vào năm 1923 khi Hội Lục hòa Liên hiệp được thành lập. Vào giai đoạn này thì chưa có nhiều tự viện hưởng ứng, riêng ở Bến Tre thì ngoài chùa Tiên Linh thì chỉ có vài chùa tham gia như: Viên Giác, Liên Trì, Bửu Sơn. Lúc bấy giờ, việc diễn dịch kinh sách ra Việt ngữ là công việc được các tổ rất quan tâm vì đây là một nhu cầu cấp thiết để phổ cập giáo lý trong tăng chúng. Năm 1927, tổ Khánh Hòa đã quyết định bán gỗ Chánh điện chùa Tiên Linh cho hương chức làng Ba Tri thu về số tiền 1.000 đồng để có kinh phí hoạt động. Số tiền đó đã được giao cho tổ Tâm Quang và tổ Từ Phong (chùa Liên Trì) quản lý. Sau đó, hai vị còn đi vận động thêm được nhiều Phật tử và tín chủ nhiệt tâm đóng góp, trong đó có bà Lê Thị Ngỡi góp thêm 100 đồng. Tất cả số tiền này về sau đã được sử dụng để xây cất Thư xã, trường Phật học và thỉnh kinh sách14. Đến năm 1928, tổ Khánh Hòa cùng một số vị tăng sĩ có cùng chí hướng như: Huệ Quang, Tâm Quang, Từ Nhẫn, Chơn Huệ… đã tổ chức tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn) một Thích học đường và một Phật học Thư xã15, đây là những cơ sở quan trọng trong công cuộc chấn hưng.

Không dừng lại ở đó, năm 1929, tổ Tâm Quang cũng đóng góp tịnh tài tịnh vật cho phong trào chấn hưng thông qua việc cúng dường huê lợi từ 3,38 ha ruộng tại làng Hương Mỹ, tổng Minh Quới cho chùa Tiên Linh. Giấy tờ lưu trữ tại chùa cũng xác nhận điều này: “Mỗi năm đến tháng hai An Nam16 thì chúng tôi phải chở đến chùa Tiên Linh mà đóng đủ số lúa ruộng là một trăm tám chục thùng quan và lúa quạt sạch…”. Số gạo này đã phần nào hỗ trợ lương thực trong hoạt động của công cuộc chấn hưng. Một số đất đai của chùa Viên Giác cũng được ủy quyền cho tổ Khánh Hòa khai báo với chính quyền, văn bản và họa đồ các khu đất cònlưu bút tích của tổ viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ ghi rõ: “Điền viên lưỡng tự - Thích Như Trí bút ký” (Ruộng vườn của hai chùa Viên Giác và Tiên Linh - Thích Như Trí ký tên).

Năm 1931, tổ Khánh Hòa lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học cũng đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, Hội đã cho xuất bản tạp chí Từ bi âm vào đầu năm 1932 để truyền bá chánh pháp17. Tổ Tâm Quang cũng là thành viên của Hội và thường xuyên qua lại chùa Linh Sơn. Chính vì mối liên hệ đó nên ngài đã thỉnh được hai tượng Thích Ca mang về tôn trí tại Chánh điện chùa Viên Giác.

Do một số nguyên nhân khách quan khiến việc chấn hưng diễn ra chậm trễ nên năm 1933, tổ Khánh Hòa tiếp tục lập Liên đoàn Phật học xã đặt trụ sở tại Trà Vinh. Đây là một Phật học đường lưu động, cứ ba tháng sẽ thay đổi địa điểm. Khóa đầu tiên được tổ chức tại chùa Long Hòa (Trà Vinh), khoá thứ hai ở chùa Thiên Phước (Trà Ôn), khoá thứ ba tổ chức tại chùa Viên Giác (Bến Tre). Sau chùa Viên Giác, khóa học không còn được tổ chức nữa vì các chùa không đủ kinh phí để đài thọ toàn khóa học trong suốt thời gian 3 tháng18. Sau đó, Lưỡng Xuyên Phật học ra đời năm 1934 nhằm bảo trợ cho Phật học đường. Tổ Tâm Quang tiếp tục được tổ Khánh Hòa mời làm cố vấn cho Ban Trị sự Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Phật học đường Lưỡng Xuyên cũng đã đào tạo được nhiều danh tăng về sau như: Hòa thượng Thiện Hoa, Thiện Hòa, Huyền Quang, Hành Trụ…19

Qua những đóng góp của Hòa thượng Tâm Quang đã cho thấy tổ là bậc chân tu đức hạnh, có trách nhiệm đối với đạo pháp và dân tộc. Sau khi tổ viên tịch, hàng pháp tử, pháp tôn của ngài cũng đã tiếp nối chí hướng của tổ sư với những hoạt động mang âm hưởng của cuộc chấn hưng: Hòa thượng Chí An đã đứng ra tổ chức Hội Tăng già tỉnh Bến Tre, cho mở giới đàn vào năm 1958 cho các tăng ni trẻ có cơ hội tu học đạo pháp20, năm 1970, Hòa thượng Giác Thanh tiếp tục cho cho mở giới đàn Sadi thu hút 50 tăng chúng theo học. Có thể nói, những hoạt động hưởng ứng phong trào của các thế hệ tăng sĩ chùa Viên Giác đã biến ngôi chùa này trở thành một di tích quan trọng trong cuộc chấn hưng Phật giáo tại Nam Bộ.

Tóm lại, chùa Viên Giác vừa là một ngôi chùa cổ lại vừa là một di tích quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Bến Tre. Những hiện vật đang bảo lưu tại đây cũng rất đa dạng, một mặt là những cổ vật phản ánh nét văn hóa Phật giáo truyền thống của người Việt tại Nam Bộ, mặt khác là hiện vật gắn với phong trào chấn hưng và sự nghiệp, hành trạng của tổ Khánh Hòa. Tất cả đã góp phần tạo nên giá trị cho ngôi Viên Giác cổ tự trở thành một di tích lịch sử - văn hóa quan trọng trong tiến trình lịch sử của Phật giáo Bến Tre.

 


* Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Tài liệu có liên quan do Thượng tọa Thích Huệ Đức - trụ trì chùa Viên Giác cung cấp. Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

2. Tiểu sử Hòa thượng Tâm Quang: trên trang http://vienchuyentu.com/tieu-su-hoa-thuong-tam-quang/ (truy cập ngày 09/9/2017).

3. Bài kệ của thiền sư Đạo Mẫn - Mộc Trần:

Đạo bổn huyền thành Phật tổ tiên,

Minh ư cảo nhật lệ trung thiên.

Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ,

Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền.

Theo Trần Hồng Liên trong Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, tr. 24-25 thì: Bài kệ trên về sau có thay đổi một số chữ: “Huyền” thành “Nguyên”, “Ư” thành “Như”. Riêng chữ “Cảo” (Kiểu) về sau đổi thành “Hồng” nhưng khi được truyền vào Nam Bộ lại kỵ húy vua Tự Đức là Hồng Nhậm nên trên thực tế đời thứ 40 vẫn dùng chữ “Kiểu”.

4. Theo: Kim Cương Tử (chủ biên) (2008), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 1215:Thập địa của Bồ tát Đại thừa gồm: Hoan hỉ địa, Li cấu địa, Phát quang địa, Diệm tuệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa và Pháp vân địa.

5. Theo: Kim Cương Tử (chủ biên) (2008), sđd, tr. 693-694: Lục thông là 6 loại thần thông mà các bậc Thánh giả Tam thừa chứng được: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mệnh thông, Thần túc thông, Lậu tận thông.

6. Theo: Kim Cương Tử (chủ biên) (2008), sđd, tr. 1218-1219: Thập hiệu là 10 danh hiệu của Đức Phật: Như Lai, Ứng cúng, Chính biến tri, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật thế tôn.

7. Theo: Kim Cương Tử (chủ biên) (2008), sđd, tr. 1088: Tam kỳ hay Tam A tăng kỳ kiếp: Chỉ thời gian tu hành của Bồ Tát để được thành Phật.

8. Theo: Kim Cương Tử (chủ biên) (2008), sđd, tr. 820-821: Ngũ uẩn gồm: Sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn hiệp thành thân tâm con người.

9. Theo: Kim Cương Tử (chủ biên) (2008), sđd, tr. 1133: Tam thừa là ba cỗ xe chuyên chở, tức ba khoa giáo, gồm Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ Tát thừa (Đại thừa).

10. Vào giai đoạn này, chùa Tiên Linh vẫn chưa đổi tên. Trên các lạc khoản, bài vị và giấy tờ hiện lưu trữ tại chùa Viên Giác được viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ đều ghi là Tiên Linh tự. Theo Địa chí Bến Tre, tr. 1293 thì: Năm 1930 nhân dịp trùng tu thì tổ Khánh Hòa mới chính thức đổi tên Tiên Linh thành Tuyên Linh.

11. Theo: Kim Cương Tử (chủ biên) (2008), sđd, tr.874: Nhất thừa là giáo pháp duy nhất để thành Phật.

12. Chùa Phước Hậu (1968), Tháp Đa Bảo và tiểu sử 5 vị tổ - Dẫn theo: Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.50.

13. Nguyễn Lang (2010), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I-II-III, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 756-757.

14. Lê Quốc Sử (2002), “Giai đoạn chấn hưng Phật giáo 1920 - 1930”, trong: Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 191.

15. Nguyễn Lang (2010), sđd, tr. 760.

16. Tháng 2 An Nam là tháng 2 âm lịch.

17. Nguyễn Lang (2010), sđd, tr. 760.

18. Nguyễn Lang (2010), sđd, tr. 773-774.

19. Tiểu sử Hòa thượng Tâm Quang: trên trang http://vienchuyentu.com/tieu-su-hoa-thuong-tam-quang/ (truy cập ngày 09/9/2017).

20. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 179.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6059252