Thông tin

CỔ CA MIỀN NÚI

CỔ CA MIỀN NÚI

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

Trên đỉnh Langbiang cao ngất trải dài xuống thung lũng Lâm Viên, những con đường đất đỏ uốn lượn vẽ lên một vùng đồi núi chập chùng, nhấp nhô. Thiên nhiên khéo tạo cho nơi này vẻ thướt tha, yêu kiều ẩn hiện sau bức màn sương mù che phủ. Khi người Pháp phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên, họ đã biến nó thành vùng đất của những giấc mơ. Trong quá trình xây dựng đô thị Đà Lạt, nhiều tuyến đường được mở ra nối liền với Sài Gòn, Tháp Champa…

Người K’ho là cư dân bản địa cư trú lâu đời tại cao nguyên Langbiang. Họ sống rải rác hay quần tụ suốt dọc các thung lũng, triền đồi bát ngát. Khu vực ven núi Langbiang có người Lạt, người Chill, xuống tới vùng đồi thấp hơn là Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, rồi Đinh Trang Thượng, người K’ho phân mảnh thành các nhóm Srê, Nộp, K’dòn, rồi còn làm hình thành các nhánh giao thoa giữa người Mạ và K’ho, gọi chung là K’ho Mạ, như vùng Đinh Trang Hòa… có nhóm kết hợp với người Mạ, gọi là người K’ho Mạ, như vùng Đinh Trang Thượng. Còn như người K’ho ở thị xã Sơn Điền, huyện Di Linh sống lẻ loi như một ốc đảo giữa rừng núi bao quanh. Men theo quốc lộ 20, chạy xuống thành phố Bảo Lộc, người K’ho và người Mạ sống đan xen nhau. Đây là vùng đất được mệnh danh là “Xứ sở của thần linh” trong mắt nhà dân tộc học người Pháp Jean Boulbet. Ngược lại, ngọn Langbiang như bức bình phong án ngữ cực Nam Tây Nguyên. Đây có thể coi như nóc nhà cao nhất về phía Nam hiểm trở.

Cư trú trên vùng đất bốn mùa sương giăng khói tỏa, người K’ho chất chứa trong mình tâm hồn thi ca. Họ du ca suốt chiều dài lịch sử bằng những bài hát giao duyên, bài Lờn đón khách, Luật tục lưu truyền văn hóa, lời cúng để giao tiếp với thần linh và đặc biệt là yalyao kể về huyền tích lịch sử. Trong kho tàng âm nhạc K’ho, tình ca chiếm tỷ lệ khá dồi dào. Ngay cả những bản Lờn, hát mời khách cũng thấm đẫm chất tình ca. Sở hữu một kho báu về âm nhạc dân gian phong phú, bên cạnh đàn đá, nhạc khí tối cổ thuộc họ thân vang, cồng chiêng, linh hồn của núi rừng Tây Nguyên, người K’ho còn thừa hưởng di sản không kém phần quý giá đó chính là lối hát kể Yalyao.

Yao có nghĩa là kể, yal là chuyện dài hơi (theo giải thích của nhạc sĩ Ka’plin, trưởng nhóm Những người bạn Langbiang ở xã Lát, huyện Lạc Dương). Chuyện tình Dum Lang là hát cộng với kể. Lời hát của bài lấy nội dung từ chuyện để chuyển thể! Yal yao pất là hát cộng với kể hoặc Pơrơwu (hát). Ở đây có sự phân định giữa hát và kể theo ngôn ngữ đời thường và hát với kể dùng chỉ tên thể loại. Trong Địa chí văn hóa tỉnh Lâm Đồng, Yal yao được dịch là “ngẫm ngợi chuyện xưa”. Doumes gọi nó là “Cổ ca miền núi” (theo Xứ người Mạ, lãnh thổ của thần linh của Jean Boulbet, bản dịch tiếng Việt của Đỗ Văn Anh, Nxb Đồng Nai, 1999) hay đơn giản hơn là Cổ ca, bao gồm cả Pất (Boulbet), như Yal yao pất hoặc Pơrơwu (hát), thậm chí yal yao được đồng nhất với sử thi.

Theo cách phân loại Dân ca của tác giả Ngô Siêu, người Trung Quốc trong cuốn: “Dân ca Trung Quốc” (Nhà xuất bản Triết Giang, 1996) dựa vào thể tài, có: Hát lao động, nghi thức, chính trị thời sự, sinh hoạt, tình ca, đồng dao, truyền thuyết lịch sử, cổ ca, địa phương ca, đặc sản ca, hành khất ca, thời tự ca, ca đầu… Trong đó, cổ ca nằm giao diện giữa truyền thuyết lịch sử và Sáng thế ca. Về truyền thuyết lịch sử, nội dung bài ca có thể phản ánh người thật việc thật, cũng có khi chỉ là những câu chuyện hư cấu, thêu dệt dựng lên. Đối với cổ ca, đặc trưng cơ bản bao hàm ý nghĩa sáng thế, đề cập tới quá trình sáng tạo vũ trụ, loài người, loài vật, nghề nghiệp… Bởi vậy, cổ ca là một tập hợp bao la vạn tượng những huyền tích về thế giới. 

Yal yao tập hợp nhiều chuyện kể thể hiện dưới dạng hát cộng với nói cách điệu và không có nhạc cụ đệm. Ngày xưa, môi trường diễn xướng của yal yao giới hạn trong phạm vi gia đình. Những người thân thuộc quây quần bên nhau nghe (thường là người già) kể yal yao, về những chuyện “rừng, nước, làng và miền đất”... Mỗi ngày kể một đoạn, thông qua đó nhằm mục đích giáo dục con cái cũng như lưu truyền, bảo lưu văn hóa.

Yal yao có khuôn khổ rất dài, gồm nhiều chuyện. Lời hát sử dụng nhiều từ cổ, ngày nay khó thể hiểu hết thâm ý cũng như giải thích được hàm ý, kể cả người hát và những người này đang ngày một hiếm dần.

Kể (hay hát kể) yal yao thường là những người có nhiều chuyện trong tai (ghe gen nau tam tor) hay người có cái tai biết cách ngôn (tôr gít nau gau). Người K’ho mệnh danh là dân tộc tư duy bằng tai (khác với người Việt tư duy bằng bụng hay người phương Tây bằng đầu!). Có lẽ, vì vậy mà người K’ho có thiên hướng, tố chất về âm nhạc, bên cạnh hoạt động thể thao. Các sự kiện luôn được họ gắn kết một cách dụng ý với những địa danh, tên sông, suối, cây rừng và thú vật… của hiện tại thành cốt chuyện. Theo Boulbet: “Sự vắng bóng của sách viết, sách giúp trí nhớ và ngày tháng, đã làm cho các sự kiện lịch sử có tính cách thường trực, bởi vì chúng chỉ có thể tồn tại trong con người còn sống thôi và không thể tách ra khỏi các sự kiện trước hay sau mà lại cũng tự pha trộn vào đời sống hiện tại của người kể chuyện và của thính giả của nó1.

Ký ức chính là một phần của đời sống. Những nghiên cứu về não bộ hiện đại cho thấy, ký ức đóng một phần chủ chốt làm nên “căn cước văn hóa” ở mỗi cá thể. Khi kho tàng ký ức đóng lại, câu hỏi “Ta là ai” sẽ trở nên vô nghĩa. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho văn hóa phi vật thể, nhất là những loại hình nương nhờ ký ức luôn phải đối diện trước nguy cơ mai một, thất truyền. Nguy cơ ấy không chỉ đến từ bên ngoài, mà còn đến từ bên trong xuất phát bởi cơ chế tự hủy diệt. Di sản văn hóa càng đồ sộ càng có nguy cơ thất truyền cao. Trong môi trường tôn giáo, tín ngưỡng, người ta thiết lập cả bộ máy nội vụ, như giáo hội nhằm lưu truyền văn hóa, bảo vệ kho tàng đức tin. Tôn giáo, tín ngưỡng tìm cách dựng lên bức tường ngăn cách nhằm cản trở sự tấn công từ bên ngoài, cũng như ngăn chặn những thất thoát từ bên trong. Trong khi đối với nhiều loại hình văn hóa dân gian, chúng không những rơi vào tình trạng yếm thế, thiếu sự bảo vệ bằng tập quán văn hóa mà còn thiếu hành lang đảm bảo an toàn. Nên vốn di sản này không ngừng thất thoát, mai một. Theo thời gian, cổ ca miền núi chỉ còn lại như một cái tên nhắc nhớ về miền ký ức xa xăm hay cùng lắm được ghi lại trong sách. Trong ký ức con người, cổ ca đã thuộc về miền dĩ vãng xa xôi.

Trong quá trình điền dã tại Lâm Đồng, chúng tôi sưu tầm được bảy tên gọi khác nhau về Yalyao, đa số là những mảnh vụn rời rạc về ký ức, hiếm có nghệ nhân nào nhớ một cách hoàn chỉnh. Mặc dù ở nhiều thể loại khác, như Lời cúng, Luật tục, hát ru vẫn có người biết hát, nhưng yalyao thì không. Chứng tỏ, cổ ca khó tránh khỏi nguy cơ một đi không trở lại. Công việc sưu tầm chủ yếu thông qua việc ghi chép để lưu trữ, chứ chưa có tác dụng lưu truyền. Mặt khác cũng phải thấy rằng, việc sử dụng văn tự lưu trữ, chưa hẳn đã là một phương pháp tốt trong lưu truyền văn hóa. Như chúng ta biết, đối với nhiều dân tộc vùng Trung Á cho đến hiện tại, mặc dù từ lâu họ đã sáng tạo ra văn tự, nhưng vẫn không hề dùng văn tự để viết sử. Nhiều sự kiện lịch sử lưu truyền bằng ký ức. Ký ức chính là kho chứa sự kiện, đồng thời có khả năng phục dựng trong từng thời điểm nhất định cho sự kiện của quá khứ đồng hiện trong thực tại tư tưởng. Điều này chúng ta có thể hình dung như độ dung sai giữa cuốn Từ điển và kho tàng ký ức ngôn ngữ ở từng cá nhân, cộng đồng. Từ điển chứa đựng khối lượng từ vựng phong phú, nhưng là những hóa thạch của thời gian đã mất, còn ngôn ngữ trong ký ức thể hiện ra bằng lời nói, cách điệu hóa, hình tượng hóa bằng lời ca, tiếng hát… sống động có khả năng đi vào đời sống được cơ quan thính giác nuông chiều tiếp nhận và tiếp tục tìm chốn neo đậu trong ký ức. Nghệ thuật truyền khẩu có đặc trưng ứng tác tại chỗ, có nghĩa là người nghệ sĩ dân gian thể hiện thông qua phương thức ngẫu hứng trên những mô típ được tập quán văn hóa định dạng. Mỗi lần kể, nghệ nhân lục tìm trong ký ức mô típ cụ thể, gắn thêm nội dung, tái cấu trúc nhằm tạo nên dạng thức mới. Trên cơ sở đó, nhân vật huyền sử bước ra từ cách thức hát kể, tái sinh sống động như chính đời sống. Không giống như nghệ thuật chuyên nghiệp lưu truyền bằng văn bản, cốt chuyện nhiều khi bị ràng buộc, hạn chế trong những tình huống sắp đặt. Ở văn nghệ dân gian, câu chuyện đóng mở theo cơ chế linh hoạt, năng động nhờ nghệ thuật ứng tác. Nó có thể men theo những nẻo đường lắt léo, người hát, kể cho nhân vật trải nghiệm với nhiều tình tiết bất ngờ phụ thuộc vào tâm trạng, tài năng, cách thức dẫn dắt của mình. Họ có thể dẫn nhân vật vào nhiều lối đi ngẫu nhiên, không theo lối mòn đã định, từ đó làm nền cho một thực tại luôn thay đổi, chan chứa biến số gây bất ngờ, nâng cao sức hấp dẫn.

Quá trình văn bản hóa di sản nghệ thuật truyền miệng đã tác động vào phương thức tồn tại và ngày càng tạo ra khuynh hướng lệ thuộc ngay cả đối với người đóng vai trò chủ thể nền văn hóa. Thay đổi văn hóa tiếp thêm chiều kích làm cho nhiều hiện tượng nghệ thuật mất đi môi trường sinh thái nhân văn để tồn tại. Xưa kia, môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn, đặc biệt với sự hiện diện của thần linh trong tâm tưởng thế tục đã góp phần duy trì di sản nghệ thuật truyền thống trong mối quan hệ chặt chẽ giữa bối cảnh văn hóa và thế giới vạn vật. Sự tồn tại hợp lý của thần linh có tác dụng điều tiết hành vi con người. Rừng cấm, nước đầu nguồn, lãnh thổ thần linh như những ranh giới thiêng cản trở hành động vô tri của con người. Như chúng ta biết, đa số nhân họa đều được hình thành bởi đa số vô tri cộng với thiểu số vô sỉ. Quá trình hủy hoại môi trường thiên nhiên đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường văn hóa, xã hội, đồng thời gián tiếp tác động vào hệ sinh thái nhân văn, trong đó có nghệ thuật truyền thống. Dù gì rừng Tây Nguyên giờ đã bớt thiêng. Nhiều khu rừng xưa kia chưa từng in dấu chân người thì nay trở nên hoang vu và thần linh đã đi di trú nhường lại quyền thống trị cho con người.

Liên hệ tới di sản nghệ thuật truyền khẩu, tình trạng trên cũng xảy ra  trong lãnh địa văn hóa. Yal yau sáng thế đã vắng bóng trong đời sống nghệ thuật. Loại hình di sản từng phổ biến trong quá khứ đánh dấu tư duy khởi phát của quá trình tìm hiểu, khám phá thế giới bằng nhãn quan sinh động, trực tiếp đã mất dấu trong đời sống. Theo cuốn Địa chí văn hóa tỉnh Lâm Đồng, những Yal yao dài hơi (có thể diễn ra trong ba ngày ba đêm) có: K’Jai – La Lin, Sapu mang Yu Mòng – Dòi, K’Tàng Dăm Prah. Tuy nhiên, đó chỉ là những tên gọi không chuyên chở nội dung. Yalyao sáng thế đã lùi vào dĩ vãng. Lịch sử không bao giờ tái hiện nguyên dạng trong dòng thời gian bất tận. Khi một loại hình di sản biến mất, nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh cho những ai muốn tìm về quá khứ xa xưa.


1. Jean Boubet: “Xứ người Mạ – Lãnh thổ của thần linh”, Bản dịch tiếng Việt của Đỗ Văn Anh, Phân viện Nghiên cứu Văn học Nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đồng Nai – 1999.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6057919