Thông tin

CÓ CHĂNG MỘT PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT PHẬT TÍCH

 

TS. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG*
TS. NGUYỄN NGỌC QUỲNH*

 

Có một phong cách gọi theo tên của ngôi chùa – chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Đây không phải là thuật ngữ mà chúng tôi dùng mà là của học giả L.Bezacier viết sau nhiều năm khai quật tại chùa Phật Tích.

Theo báo cáo của L.Bezacier, các cuộc khai quật Phật Tích dựa chính vào các công trình tu sửa tại chùa này bắt đầu từ năm 1937 đến năm 1944. Và ngay khi khai quật năm 1944 tại Phật Tích về, ông đã viết một chuyên khảo có tên là Nghệ thuật Việt Nam, ấn hành tại Hà Nội năm 1944 và tái bản có bổ sung tại Paris năm 1955.

Trong phần nghiên cứu các giai đoạn lịch sử nghệ thuật Việt Nam, L.Bezacier có nhắc tới một giai đoạn lịch sử nghệ thuật Đại La. Đại La là tên gọi của Thăng Long - Hà Nội sau này, có trước khi trở thành kinh thành Thăng Long dưới triều các vua Lý.

Có thể do tư liệu lúc đó còn hạn chế nên chúng ta nhận thấy sự lúng túng trong cách đặt tên của L.Bezacier cho các giai đoạn phát triển của lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Có lẽ, L.Bezacier là người may mắn góp mặt trong các cuộc khai quật tại Phật Tích nên những di vật mà ông nhặt được có thể là thuộc phong cách Đại La (chính xác hơn là các di vật thu được tại Quần Ngựa, theo cách hiểu của chúng tôi, nghệ thuật Đại La trùng với nghệ thuật thời Lý - Trần có muộn sang đầu thế kỷ XV đôi chút).

Những di vật thu được trong các cuộc khai quật ở chùa Phật Tích có thể còn sớm hơn cả giai đoạn nghệ thuật Đại La nên ông đã viết: Ở thế kỷ VIII, xứ Bắc Kỳ ngày nay nằm dưới quyền đô hộ của nhà Đường, bắt đầu từ năm 679. Các quan Tàu thay phiên nhau đứng đầu chính quyền đô hộ, kể từ năm đó cho đến thế kỷ thứ X, đã cho tiến hành hoặc những công trình công trình xây dựng mới, hoặc những việc tu tạo quan trọng trong nội thành Đại La, là kinh đô của Đô hộ phủ, do Kinh lược của Trương Bá Nghi cho xây dựng năm 767. Đến năm 824, Đô hộ sứ mới là Lý Nguyên Gia, di chuyển vị trí thành Đại La đi một chút, theo tài liệu của Pla-li-ô, do những nguyên nhân phong thuỷ, địa lý và xây dựng phủ thành mới trên bờ sông Tô Lịch. Sau cùng vào khoảng 866 hay 867, sau khi đã chiến thắng quân Nam Chiếu, một tộc ở Vân Nam đã sang xâm chiếm xứ Bắc Kỳ, tướng Tàu là Cao Biền bèn khôi phục lại thành cũ do Lý Nguyên Gia cho xây trước đây, Đại La được coi là phủ thành mãi cho đến 939, tức là khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán rồi xưng vương và đóng đô ở Cổ Loa, cố đô ở An Dương Vương, thành Đại La bị bỏ phế cho mãi đến khi thành lập triều đại nhà Lý, sau gần hai năm đóng đô ở Hoa Lư, do Đinh Bộ Lĩnh, tức là Đinh Tiên Hoàng sau này, thiết lập làm kinh đô đã thiên đô ra đất Phú Thành cũ là Đại La và đổi tên là Thăng Long. Căn cứ vào thư tịch Việt Nam thì dường như địa điểm đóng đô mới của Lý Thái Tổ cũng tương ứng với vị trí mà sau này nhà Lê, rồi đến Gia Long năm 1805, cũng xây thành. Qua việc tóm tắt quá ngắn ngủi và những cuộc viễn du của cố đô xứ Bắc Kỳ, ta thấy rằng những di vật phát hiện được ở vùng Quần Ngựa có lẽ thuộc về một thời kỳ khá xưa, có thể trước năm 939, là thời kỳ thành Đại La bị thay thế bởi Cổ Loa, sau nữa là Hoa Lư. Tuy nhiên, không có điều gì có thể cho phép ta khẳng định rằng những ngọn tháp xây bằng gạch có những hình trang trí bằng đất nung lại không dựng lên, dưới triều Lý ở vùng lân cận thành Thăng Long, sau khi Đại La bị suy sụp. Rất có thể, nếu không phải là chắc chắn, rằng chính loại hình kiến trúc ấy đã được xây dựng dưới đời Lý. Duy chỉ có việc nghiên cứu đối chiếu những hoa văn trang trí trên các mảnh đất nung tìm thấy ở vùng phụ cận là một với hình trang trí trên những mảnh phát hiện được ở những nơi khác và có mang niên đại khác nhau, sẽ cho phép ta xác định được chính xác niên đại của những mảnh đất nung ấy. Dù sao thì chắc chắn chúng cũng không thể thuộc về giai đoạn sau thế kỷ XI hoặc đầu thế kỷ XII được, như ta vừa thấy, nếu như việc định niên đại chắc chắn cho những vết tích của Đại La còn rất khó khăn, thì kể từ 1944, ta đã có thể biết được thể thức trang trí Việt Nam ở các thế kỷ IX và XI nhờ những hiện vật phát hiện được trong mấy năm sau đây, vào dịp khai quật nền nhà ở chùa Phật Tích.

Tôi đã dành cả một chương nói về ngôi chùa này, trong đó tôi đã vạch rõ niên biểu của các kiến trúc đã được xây dựng kế tiếp nhau trên đồi Lạn Kha, có ngôi chùa ngày nay dựng ở sườn đồi, và tôi đi đến kết luận như sau: Tại địa điểm này, cố nhiên rất quan trọng về mặt tôn giáo, tướng Cao Biền đã cho xây dựng, sau khi chiến thắng quân Nam Chiếu, tức vào khoảng 868 đến 870, một ngôi chùa bằng đá mà một số bộ phận kiến trúc cũ đã tìm thấy được. Biến cố gì đã xảy ra ở ngôi chùa cổ này? chúng ta không rõ. Song có một điều chắc chắn là không dễ thường chúng ta có thể khẳng định cả quyết như vậy đâu, nên chúng tôi lợi dụng dịp may mắn này để phát  biểu. Chính vua Lý Thánh Tông, năm 1057 đã cho dựng cung tại địa điểm này một ngọn tháp mới, lần này xây bằng gạch mà dáng dấp cũng tương tự như tháp Bình Sơn, hiện nay còn tồn tại, hoặc cũng giống như chiếc mô hình tháp trong bộ đồ sưu tập Đỗ Đình Thuật. Ngọn tháp này cùng với niên đại xây dựng của nó được xác định bởi những văn tự in trên mỗi viên gạch dùng để xây tháp.

Về ngôi chùa đầu tiên dựng ở trên ngọn đồi này, hay ít ra cũng là ngôi chùa được coi là ngôi đầu tiên, năm 1994, tôi đã khai quật được một số hình chạm khắc trên đá, tình trạng còn tương đối tốt. Chính những bức phù điêu và tượng này hiện nay được xác nhận một cách chắc chắn là những vết tích cổ nhất của nghệ thuật Việt Nam.

Như tôi vừa nói ở trên, chúng ngược về trước tới khoảng 867 - 870 và thuộc về nhọn tháp cổ do Cao Biền cho xây dựng. Ba hình tượng điêu khắc trong số đó là hộ pháp (Lokepala), người chim (kinnary) và kim cương (Vajapani) chỉ rõ, chẳng những có chịu ảnh hưởng Trung Quốc thời Đường mà nhất là ảnh hưởng Ấn Độ đưa tới xứ Bắc Kỳ, hiện nay chưa biết một cách chính xác là bằng những đường nào, song trong số đó thì miền Trung Á là một chặng đường không phải là kém quan trọng.

Những đường xắn ốc trên mặt ngoài đôi cánh của người chim (Kinnari), cũng như những vạch khắc sâu trên đường viền của đôi cánh, chân, bụng và đuôi chim là những hình trang trí rất hay gặp trong nghệ thuật Đại La. Những mô típ này nếu ở trên đá thì chạm nổi và ở trên các bộ phận bằng đất nung thì khắc chìm, và còn tồn tại mãi cho cuối thế kỷ XIV. Một đặc điểm, có thể nói là chủ yếu thấy trên các hình tượng điêu khắc này là những hình hoa nhỏ có năm, sáu, bảy hay tám cánh chạm rải rác mình tượng. Cũng như hình hoa nhỏ, nhưng to hơn thì trang trí trên búi tóc của đầu "Người Chim" và còn kết thành một giải hoa để giữ lấy món tóc trên trán đó là đặc điểm nhận thấy trên nhiều hình tượng điêu khắc và hội hoạ của miền Trung Á. Cũng đặc điểm đó còn thấy trên một chiếc đầu bằng đất nung tìm được ở vùng Quần Ngựa, Hà Nội. Ở đây, cái rải buộc trên đầu khắc rất rõ, hiện tượng có thể là do sự  khác nhau ở chất liệu sử dụng. Vì rằng "nếu như nghệ thuật có khả năng chế ngự được chất liệu, thì trong điều kiện tồn tại của nó, nghệ thuật không vì thế mà kém phần gắn bó với chất liệu" (bayre). Và trong việc tìm hiểu bước tiến hoá của một phong cách nghệ thuật, cần phải chú ý đến nghệ thuật này. Chắc chắn là khi sử dụng đá hay đất, người nghệ sĩ không thể đòi hỏi ở hai loại chất liệu đó cùng một cách diễn cảm như nhau; kỹ xảo của người khắc hay chạm sử dụng dao khắc (siseau) hoàn toàn khác với kỹ xảo của người nặn tượng dùng dao nặn gọt (ebauchoire).

Ảnh hưởng này của miền Trung Á gặp gỡ ảnh hưởng của một số hình tượng điêu khắc khác ở các hang động Vân Cương, thể hiện trên các đường diềm có các hình nhạc công và các vũ nữ trang sức cho một vài chân cột của chùa Phật Tích, cũng thuộc về cuối thế kỷ IX như các bộ phận điêu khắc vừa nói trên. Trên đường riềm đó, cũng có những vạch những đường xoắn ốc như thế và cả chiếc trống cơm đeo ở cổ  “người Chim”, nhất là cùng những hình hoa nhổ chạm rải rác trên áo các nhạc công. Nhưng những cánh hoa đó còn thể hiện rõ hơn nhiều ở trên áo của pho tượng hộ pháp (Loka-pâla) tìm thấy ở Phật Tích năm 1948. Bút pháp Ấn Độ thể hiện rõ rệt trên pho tượng rất đẹp này, cả cách vặn mình và dáng dấp của nửa thân trên cũng cho ta hình dung khá rõ nét dáng dấp của tượng mẫu điển hình. Sau cùng đến chiếc vòng đeo ở cổ trang sức bằng những vật đeo lủng lẳng cũng kết bằng những cánh hoa giống như ở trên áo cũng là một mô típ trang sức thường gặp trên những hình tượng điêu khắc và hội hoạ của miền Trung. Trái lại, những chiếc xà cạp bó lấy bắp chân, không ăn khớp với đường nét nhẹ nhàng của toàn thân, biểu thị một ảnh hưởng Trung Quốc xuất hiện từ thời Đường. Đáng tiếc là không tìm thấy đầu pho tượng, nếu không ta có thể chẳng những biết rõ xuất xứ của nó hơn, mà còn có thể minh định được một cách chắc chắn nguồn gốc tượng mẫu điển hình của nó, có thể đã được thể hiện ở một ngôi chùa nào đó ở miền Trung Á, như pho tượng Kim cương tìm thấy ở Phật Tích đã chỉ rõ, trên áo cũng có những hình hoa nhỏ lốm đốm như thế. Pho tượng này bị sứt  mẻ, cụt đầu và mất chân, nhưng chúng ta có thể hình dung được đúng nguyên dạng của nó,  nhờ có những tượng Kim cương hiện còn dựng đầu tường hai dãy nhà ngang, nơi thể hiện những cảnh địa ngục ở chùa Long Đội, tỉnh Hà Nam, cả thẩy có tám pho tạc bằng đá, cùng một thể thức như pho tượng ở Phật Tích; song đáng tiếc là người ta đã đem quét sơn hay đúng hơn là đem bôi bác lên đủ các màu sắc. Cũng kiểu áo giáp với những hoa văn trang trí hình xoáy trôn ốc ở trên ngực, cũng kiểu lá chắn ở bụng, cũng kiểu áo dài hết thân, tỷ lệ của tay và cánh tay cho đến thanh kiếm cũng y hệt như vậy cả. Chỗ giống nhau giữa các hình tượng điêu khắc của chùa Long Đội và chùa Phật Tích, không chỉ biểu thị trên các nhân vật mà cả trên những đường viền của nền đá chạm gắn liền với các pho Kim cương. Những hoa văn hình dây leo này, bên trong kết thành những hình hoa sen hay hoa cúc, nối với nhau bằng một hình  "phỗng" nhỏ, khoả thân, đang  múa nhảy. Cũng cách bố cục thế còn thấy trên một bộ phận kiến trúc phát quật ở Phật Tích: Các hình người nhỏ bé đó cũng dùng để nối liền các dây hoa leo với nhau. Động tác của những nhân vật này cũng giống hệt như động tác của những nhạc công mà chúng ta vừa xem trên chân cột.

Những dây hoa leo trang trí bộ phận đầu cột ấy, hình hơi bầu dục, gồm có một nhánh cây mảnh dễ tận cùng bằng một đoá hoa sen hay hoa cúc, cả hai đều có vẻ đẹp tự nhiên, nhưng đến thế kỷ XV, trong nghệ thuật thời Lê, chúng sẽ được cách điệu hoá tới mức hình hoa sen chuyển hoá thành hình mây. Những chiếc lá hình dấu móc rất quen thuộc trong nghệ thuật Đại La cũng biến dạng đi, to hơn, rộng hơn và trở thành những hình xoắn ốc hay những chiếc lá hình mũi giáo. Sự chuyển hoá đó đã thấy lộ ra trên nhiều di vật của ngệ thuật Đại La, đặc biệt trên một viên gạch lát và nhất là trên chiếc bát nhỏ bằng vàng tìm thấy ở vùng Quần Ngựa, ở đấy đã bắt đầu thấy xuất hiện những lá dài hình mũi nhọn sau này sẽ trở thành loại mô típ điển hình Việt Nam, gọi là hình ngọn lửa.

Cần chú ý một dạng cuối cùng của dây hoa leo trông tựa như hoa thị thấy trên một mảnh bệ đá tìm được ở Phật Tích. Thường khi, chỉ riêng mình nó tạo thành mô típ chủ yếu của nhiều viên gạch lát Đại La, hình hoa thị này, nói chung ở đây cũng như trên các viên gạch, gồm nhiều bông hoa cúc kết hợp với vô số những hình móc câu nhỏ. Hình con linh điểu (garuda) hai cánh tay tựa như đỡ lấy góc chiếc bệ, còn hai chân thì đạp lên một bông hoa sen chạm nổi cao, trông thật gần gũi với những hình tượng "garuda" Chàm mà hẳn nó có chịu ảnh hưởng, hình trang trí trên mặt nó và các đường viền tạo thành bởi những nét gạch trông cũng phảng phất như hình trang trí và đường viền thấy trên hình tượng"người chim" (kinnari).

Với hiện vật cuối cùng này và trước khi đi xa hơn nữa, tôi tưởng đã  tới lúc cần nêu rõ những đặc điểm chủ yếu của cái mà tôi sẽ mệnh danh là Phong cách Phật Tích,  là di tích đã cung cấp hầu hết những hình tượng điêu khắc mà chúng ta vừa xem”[1].

Tác giả còn viết khá nhiều nữa chỉ nhằm chứng minh cho một luận điểm của mình đó là một nền nghệ thuật Đại La (tên của thành Thăng Long sau này) nhằm vào khoảng Lý - Trần. Còn những di vật khai quật được tại chùa Phật Tích thì tác giả vẫn còn lúng túng mặc dù cho rằng tôi sẽ gọi là Phong cách Phật Tích. Song phong cách Phật Tích ở đây là gì? Niên đại của phong cách này ra sao? Phong cách nghệ thuật này có trước nghệ thuật Đại La hay nằm trong nền nghệ thuật Đại La? Chúng ta lại tiếp tục những ghi chép của tác giả: “Thể thức tiếp sau đó bao trùm một phần lớn của nghệ thuật Đại La và gồm có nhiều mảnh tìm thấy ở địa điểm này cũng như các mảnh ở bộ phận kiến trúc của các tháp cổ bằng gạch dựng ở Phật Tích, năm 1057 và ở Long Đội sơn, năm 1121, ngoài ra, có thể bổ sung thêm những mảnh khá hiếm hoi tìm thấy ở chùa Cói, Đông Viên, Cổ Tích, Đa Giá... Phong cách thứ hai mà tôi gọi là Phong cách Lý, là vì các vua của triều đại này đã khuyến khích việc xây dựng nhiều ngôi  tháp bằng gạch ở vùng châu thổ Bắc Kỳ, hẳn là kéo dài từ thế kỷ X, chắc chắn có trải qua thế kỷ XI và vắt cả sang hơn hai chục năm đầu thế kỷ XII. Tháp Bình Sơn có thể là một trong những công trình cuối cùng tiêu biểu cho phong cách đó”[2].

Nếu chỉ dừng ở đây, chúng ta có thể tạm nhận thấy như sau: Theo L.Bezacier thì Nghệ thuật Đại La có 2 phong cách nối tiếp nhau:

- Phong cách Phật Tích có thể trước thế kỷ X;

- Phong cách Lý là những di tích thu được tại Phật Tích, tại Long Đội sơn và một số nơi khác và có thể Tháp Bình Sơn (Phú Thọ) là niên điểm kết thúc của phong cách Lý (Thế kỷ XI – XII)

Tác giả viết tiếp: “Từ giữa thế kỷ XII trở đi, nghệ thuật Đại La biến mất dần. Tuy nhiên, những nét hồi tưởng còn xuất hiện trở lại vào khoảng giữa và cuối thế kỷ  XV đặc biệt trên tấm bia còn ghi lại vào năm 1331, mà chúng ta vừa xem, cũng như ở trên những tượng cung điện của thành nhà Hồ, năm 1397. Nghệ thuật đời Trần, kế tiếp nghệ thuật Đại La, bắt đầu từ khoảng giữa thế kỷ XII và kết thúc vào cuối thế  XIV, có lẽ là một nền nghệ thuật quá độ thì đúng hơn”[3].

Sau nhiều hiện vật được xem xét nghiên cứu trong công trình của mình L.Bezacier trong giai đoạn từ trước thế kỷ X cho đến đầu thế kỷ XV, qua các di vật ở Phật Tích, Long Đội, Tức Mặc, Lam Sơn. Tác giả đã chia Nghệ thuật Việt Nam thành nhiều thời kỳ với tên gọi khác nhau như:

- Nghệ thuật Đại La

- Nghệ thuật quá độ

- Nghệ thuật muộn….

Trong Nghệ thuật Đại La, tác giả chia thành 2 phong cách:

- Phong cách Phật Tích có niên đại trước thế kỷ X

- Phong cách Lý, từ thế kỷ XI - XII.

Riêng nghệ thuật trang trí thời Trần thì tác giả gọi là nền nghệ thuật quá độ.

Trong bài này chúng tôi chỉ góp bàn về phong cách Phật Tích.

Theo L. Bezacier thì Phong cách Phật Tích là những hiện vật ông tìm thấy hoặc thấy ở chùa gồm nhiều loại hiện vật như tượng đá, gạch, chân móng tháp… đều có niên đại trước thế kỷ X. Có thể do tư liệu lúc đó còn chưa nhiều nên những chứng cứ mà ông đưa ra gồm sử liệu, hiện vật cũng mới chỉ là ước đoán. Dẫu sao cũng phải cám ơn ông về cách gọi tên Phong cách Phật Tích. Đây là một cách gọi tên khoa học rất khách quan vì những hiện vật này ông tìm thấy đầu tiên tại Phật Tích. Chỉ có điều tư liệu có thể tìm thấy nhiều những cách chọn mẫu đưa ra nhằm thuyết phục cho một phong cách nghệ thuật trước thế kỷ X còn quá ít nên khó thuyết phục người đọc. Có thể vì vậy mà sau tác phẩm này của ông, chúng ta không thấy các học giả khác gọi tên phong cách này? Hoặc giả sau này do chiến tranh, do nhiều những lý do bất khả kháng mà người ta không còn nghiên cứu Phật Tích cũng như không đi sâu vào phong cách này nữa?

Lý do nào cũng xác đáng, song không phải vì chiến tranh mà người ta không nghiên cứu chùa Phật Tích nhất là những pho tượng tròn còn để lại trong ngôi chùa này.

Chùa Phật Tích là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu Pháp như L.Bezacier trong Nghệ thuật Việt Nam 1944; 1955 và Le VietNam năm 1964 tại Pháp; của H. Maspero 1918; L. Madrol 1936, H. Parmentier năm 1959… Còn tới thời chúng ta, Phật Tích cũng luôn là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu nhiều lĩnh vực như Sử học, Nghệ thuật, Văn hóa học, Khảo cổ học, Bảo tàng học… Đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu đã công bố trên các phương tiện thông tin khoa học cũng như đại chúng… Song chúng tôi chưa thấy ai đặt lại vấn đề có một phong cách nghệ thuật Phật Tích như L. Bezacuier đã đặt ra.

Hôm nay, trong Hội thảo Phật Tích trong tiến trình lịch sử, chúng tôi sau khi xem xét lại tư liệu của L.Bezacier, xem xét lại những tư liệu mà chúng tôi đã tiến hành khai quật về Nhạn Tháp (Nam Đàn - Nghệ An); khu mộ táng thời Bắc thuộc ở Mạo Khê (Quảng Ninh); ở Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An); Tháp Linh Nga ở Hà Tĩnh và nhiều di tích khảo cổ học khác ở Hà Nam, Thanh Hóa… cho chúng ta một vài nhận xét sau:

- Về nghệ thuật Đại La mà L.Bezacier đề cập chính là nghệ thuật thời Lý như cách gọi của chúng ta ngày nay.

- Các di vật khảo cổ học cho phép chúng ta kết luận có một nền nghệ thuật thời Trần đích thực chứ không phải là một nền nghệ thuật quá độ như L. Bezacier đã gọi.

- Riêng về Phật Tích, đúng là ngôi tháp được xây dựng từ đầu thời Đường nhưng không phải do Cao Biền xây dựng mà được dựng dưới thời Lưu Phương khoảng đầu thế kỷ VII sau Công nguyên. Ngôi tháp này được trùng tu nhiều lần song tiếc rằng những ghi chép lại quá ít nên chúng ta không hiểu lắm những lần trùng tu dưới thời phong kiến đã làm gì, làm như thế nào. Có một câu hỏi được đặt ra sau khi chúng tôi nghiên cứu Tháp Nhạn và chùa Dâu là: Dưới thời phong kiến, khi tu sửa chùa Phật Tích người ta có phát quật chân móng và lòng tháp hay không? Cuộc khai quật thực sự mà người Pháp đào diễn tiến như thế nào, thu được bao nhiêu hiện vật? Chúng ta thực sự thiếu những thông tin quan trọng ấy. Nên nếu chỉ dựa vào các hiện vật còn lại ở chùa thì niên đại của chúng ở trước thế kỷ X là đúng, nhất là nếu chứng minh được pho tượng đá A Di Đà hiện nay khác với chân bệ đá đang để tượng có niên đại được tạc vào thời Lý thì một niên đại có thể còn rất sớm. Sớm hơn cả niên đại xây dựng tháp ở thế kỷ VII sau Công nguyên?

Chùa Phật Tích sau đó được tu sửa lớn ở thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn và gần đây (năm 2008) chúng ta lại một lần nữa phát lộ lại chân tháp mà người Ta, người Tây đã làm. Chỉ tiếc rằng với ngần ấy hiện vật, Phật Tích không thể điển hình hơn Tháp Nhạn, một ngọn tháp được xây dựng cùng thời với Phật Tích và nguyên vẹn hơn Phật Tích mà chúng tôi đang có tư liệu trong tay[4]. Theo suy nghĩ của chúng tôi, khó có thể coi Phật Tích là một phong cách nghệ thuật tiêu biểu cho nghệ thuật Việt Nam trước thế kỷ X.

Đây cũng mới chỉ là suy nghĩ của riêng chúng tôi. Rất mong nhận được những đóng góp quý báu của các nhà khoa học. 



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1] Xem thêm L.Bezacier: L’art des Annam. IDEO Hnoi 1944. Bản dịch Nghệt huật Việt Nam do cụ Lê Tư Lành dịch hiện lưu tại Phòng tư liệu Bảo tàng Lích sử Việt Nam, phần IX viết về nghệ thuật Việt Nam.

[2] L.Bezacier: đã dẫn…

[3] L.Bezacier: đã dẫn….

[4] Xin xem them: Nguyễn Mạnh Cường – Trần Anh Dũng: Báo cáo khai quật Nhận Tháp (Nghệ Tĩnh) năm 1985 – 1986. Tài liệu lưu tại Thư viện Viện Khảo cổ học.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6114187