Thông tin

CƠ QUAN KHỨU GIÁC (LỖ MŨI)

QUẢ LÀNH CÓ NĂM GIÁC QUAN KỲ DIỆU
(KUSALAPHALÀNAM PAÑCA SAVIMHAYA DVÀRÀ)

BÀI 4: CƠ QUAN KHỨU GIÁC (LỖ MŨI)

                                                         

TUỆ LẠC - NGUYỄN ĐIỀU

 

 

 

Nhà Phật gọi cơ quan này là tỷ căn (Ghàna dvàra hay “cửa nhận mùi”) và gọi sự hiểu biết qua tỷ căn là tỷ thức (Ghàna viññàna). Khứu giác cũng là cơ quan “nhị dụng”, đảm trách hai việc chính cùng một lúc. Sự cấu tạo của nó khá tinh vi, lẫn phức tạp, để nó vừa giao cảm với khối óc (làm ra khứu giác), vừa tương thông với buồng phổi, để dự phần vào việc hô hấp.

Hô hấp là yếu tố đứng đầu, trong hai yếu tố dinh dưỡng chính, không thể thiếu được của sự sống con người. Hai yếu tố đó là hít thở và ăn uống. Người ta có thể nhịn uống một hai ngày, nhịn ăn bốn năm bữa không chết, nhưng nếu người ta chỉ bị ngạt thở vài mươi phút hay nửa giờ, là toi mạng.

Theo khoa học, mỗi ngày mũi có thể “hóa lọc” được 14 thước khối không khí qua động tác hít thở. Mười bốn thước khối ấy tương đương với thể tích một căn phòng trung bình. Mặt trong mũi có lớp tế bào mọc lông cản bụi và tiết ra chất nhờn (kháng dịch) để làm tê liệt một số vi khuẩn (virus), bay theo luồng hơi thở. Nó còn chuyền sức ấm từ thân nhiệt vào từng phân tử, trong lượng không khí được hô hấp, để khi tiếp xúc với buồng phổi, chúng không còn hoang lạnh như lúc ở ngoài trời nữa. Nhờ nó mà buồng phổi mới có “vật liệu” để “phân hóa” tìm dưỡng khí (oxygène), sung vào huyết mạch, làm cho máu tươi nhuận, nuôi dưỡng toàn bộ tế bào.

Mũi còn chu toàn một phần hành khác rất đặc biệt, mà ít ai để ý. Ðó là nó giúp giọng nói của con người có “âm hưởng”. Nếu không có mũi thì tất cả những tiếng nói sẽ rất khó nghe, khó phân biệt, và chịu tình trạng hỗn loạn giữa âm nầy với âm kia.

Nhưng “công tác” tinh vi nhất của mũi, phải nói là hợp lực với bộ óc lập thành tỷ căn. Nó là cái máy “bắt mùi” và “xếp loại”, để cho bộ óc phản ảnh ra sự hiểu biết gọi là Tỷ thức (Ghàna viññàna). Vậy tiến trình “hoạt động” của MŨI đại khái như thế nào?

Theo các khoa học gia, thì khi con người muốn biết mùi một vật gì, họ thường hít mạnh một lượng không khí bao quanh vật ấy. Nghĩa là họ tạo một luồng gió chui thẳng vào lỗ mũi, cuốn theo mùi, lướt qua chỗ có lớp tế bào thọ cảm về mùi, nằm ở “ba ngăn” trong hốc mũi. Tại đây lập tức có nước nhờn (niêm dịch= opithélium-olfactif) tiết ra, tiếp xúc với luồng gió có mùi, rồi hóa hợp với những phân tử (molécules) trong luồng gió ấy, để tạo thành một chất xúc tác, đập vào hàng triệu những lông my cực nhỏ (micro villosités) cũng nằm trong “ba ngăn” hốc mũi, khiến cho các lông my nầy được kích thích, phản ứng ra những ký hiệu khác nhau về mùi, rồi truyền các ký hiệu ấy vô hai chùm “dây thần kinh”, nằm dưới chân chúng. Hai chùm dây thần kinh chuyên chở “ký hiệu mùi” ấy liền “thông tin” vào bộ óc, để cho con người có sự biết mùi tức khắc. Sự “thông tin” đó xảy ra cùng lúc với các hoạt động kia, nhờ vào một màng tủy vi tế (lobes temporaux), nằm trong phần xương não bộ hướng về thần kinh mũi.

Hiện tượng thần kinh mũi “tiếp nhận” các mùi nhanh chóng như thế, nên khi chữa trị một số cơ quan nhiễm độc, có liên hệ đến khứu giác, nhiều bác sĩ đã chọn cách cho bệnh nhân hít thuốc vào lỗ mũi, mà không cho họ uống. Vì qua ngả ấy, thuốc thấm vào chỗ phải đến, nhanh hơn hệ thống tiêu hóa.

Các khoa học gia cũng khám phá ra rằng: Bởi không có óc thông minh, nên các côn trùng, thú vật vì sinh tồn, tự “tiến hóa”… lắm khi mang khứu giác mạnh hơn loài người rất nhiều. Một con tằm đực đánh hơi biết được có con tằm cái, cách nó trên ba cây số. Nhưng con người thì không thể đánh hơi biết được bà xã của mình trong khoảng năm mười thước, nếu không có sự lên tiếng. Và loài người chắc chắn cũng không thể nhờ khứu giác mà tìm ra vật thực nằm ở đâu, trong khi đó thì heo rừng có thể ngửi thấy mùi “nấm củ” (truffes) mọc sâu trong lòng đất đến cả thước.

Qua nhiều giảo nghiệm, người ta còn ước định được là cái biết của khứu giác nhạy (hay mạnh) hơn cái biết của vị giác đến 1.000 lần. Nhưng hai khả năng nầy lại luôn luôn tương quan gắn liền với nhau rất chặt chẽ, không cho phép chúng ta nhận ra sự chênh lệch “cường độ” ấy. Nên thông thường trước hai đĩa đồ ăn, lúc gấp rút người ta vội ngửi để biết đó là cái gì, chứ không đủ thì giờ nếm để biết.

Ðể chứng minh điều này, chúng ta hãy quan sát trường hợp bị cảm cúm. Khi bị bệnh cúm, khứu giác của chúng ta chỉ kém đi đôi chút, mà vị giác lại yếu mất đến tám, chín phần mười. Nghĩa là dù bị cúm nặng, chúng ta vẫn ngửi thấy mùi, nhưng cái gì bỏ vô miệng, thì rõ ràng chúng ta cảm thấy gần như vô vị, chẳng rõ ràng gì cả.

Ngoài ra, đối với một số động vật, khứu giác cũng góp phần trong việc tự vệ nữa. Vì nhờ khứu giác mà chúng đánh hơi biết được “kẻ thù” từ xa, hay đánh hơi báo động những gì độc hại, nguy hiểm sắp đến, để tránh trước hầu bảo toàn mạng sống.

Cũng theo thống kê của các nhà khoa học, thì khứu giác của tất cả động vật (gồm cả loài người), có thể phân biệt đến 10.000 mùi, tốt xấu đủ loại khác nhau.

Về hình thức, mũi loài người được kiến trúc theo dạng “khối tam giác”. Chót mũi có “vách trung trực”, chia phần ngoài của “khứu quản” ra thành hai lỗ thông có lông che bụi. Sống mũi nhô lên do hai mảnh xương sụn, bên trong chứa tủy thần kinh. Phía dưới là “ba ngăn hốc mũi” được phủ bởi một lớp “Diêm mạc”, gồm nhiều gân máu li ti, đan chéo lên nhau, khi bị kích thích thì tiết ra kháng dịch, tức nước nhờn chống vi trùng, và có hóa tính hòa tan với không khí để “nhận mùi”.

Nếu cắt đôi lỗ mũi theo chiều đứng, thì thấy phần dưới sống mũi có ba “khoảng xoáy” giống hình ba cái tù-và tí hon, nằm thứ tự từ ngoài vào trong. Ba khoảng xoáy nầy có cái tên chung là “ba ngăn hốc mũi” như đã nói trên. Ðây là ba vùng “thu mùi” luôn luôn làm việc đồng loạt và bổ sung cho nhau. Chúng là “công trường” của các hệ thống “thám mùi”, do những “vi mao” mọc ra từ lớp “tế bào niêm dịch” có những đặc tính riêng biệt.

Dưới chân lớp “tế bào niêm dịch” nầy có một bộ phận gọi là “lá mía” (organe voméo-nasal). Nhiều khoa học gia cũng cho rằng: Chính “lá mía” mới là “nguồn gốc” của cơ quan bắt mùi. Nó giữ vai trò điều chỉnh và tái kích thích “nội tiết thần kinh” (neuro-endocrinienne).

Theo bác sĩ Masara, cùng bản báo cáo của hai nhà vật lý học Hoa Kỳ, tên W.L.Silver và J. R.Mason (công bố năm 1985), thì tiến trình biết được mùi của khứu giác con người, phải trải qua năm giai đoạn: 1/ Đón hơi (hít vào), 2/ Hóa hợp (với niêm dịch), 3/ Phát ký hiệu (ở chân lông truyền cảm), 4/ Định mùi (phân biệt do màng tuỷ thần kinh), và 5/ Ghi nhận. Tuy nhiên, vì cả năm giai đoạn này diễn ra quá nhanh, người ta có cảm tưởng “ngửi là biết mùi liền”.

Riêng giai đoạn thứ năm, ghi nhận (của khứu giác), cũng theo các nhà khoa học nói trên, vẫn “xảy ra” tại một vùng đặc biệt trong “trung ương” não bộ, gọi là “hippocame” (tạm dịch là “trí hà mã”). Vùng nầy nối liền với một huyệt “bí mật”, gọi là “điểm huyền hư”, nằm giữa não bộ. “Ðiểm huyền hư” chính là nơi “tàng trữ” tất cả hiểu biết cũng như cảm giác của con người. Nó vốn là “nguyên ủy” của mọi xúc động. Khoa học còn cho nó một cái tên khác là “vùng tiềm thức” (Zone de Sub-Conscience).

Các giác quan khác phải dùng con đường dài hơn để đến được “vùng xúc động và tiềm thức” của trí não, không như khứu giác đi thẳng vào vùng nầy. Do đó, khi chúng ta bắt được một không khí quen thuộc nào đó (mùi), làm cho tiềm thức kích động, chúng ta liền cảm thấy sung sướng, sống lại với những kỷ niệm vui buồn mà lòng mình hằng mong đợi, hay tâm hồn chúng ta bỗng lâng lâng nuối tiếc vì hoàn cảnh (không khí) trước mắt đã bị đổi thay.

Tuy niêm dịch đánh mùi trong thần kinh khứu giác của con người chỉ trải ra một diện tích bằng ba phân vuông, (thua niêm dịch của loài chó: 100 phân vuông), nhưng cũng đủ giúp cho trẻ sơ sinh tìm được núm vú của người mẹ, để kê miệng vào đó, mà không cần mở mắt nhìn kiếm.

Ðối với người mù thì khứu giác hợp tác trực tiếp với vùng xúc động và tiềm thức, giúp họ biết được đối tượng trước mặt họ tính khí hiền hay dữ, để họ tìm cách lánh xa hay đến gần.

Nói tóm lại, khứu giác đóng một vai trò rất quan trọng, trong đời sống con người nói riêng, và động vật nói chung. Nhờ nó mà chúng ta có thể “thưởng thức” được nhiều hương thơm, và nhận ra một số độc khí, để tìm cách khử trừ, hầu bảo vệ sức khỏe, bảo vệ mạng sống.

Theo Phật giáo, hương trần cũng là một con dao hai lưỡi. Ðối với tâm thức, nếu mùi thơm phàm tục (như mùi thức ăn, mùi thuốc phiện, mùi da thịt, mùi dầu thơm v.v…) có thể làm cho con người mê say, đắm nhiễm, thì mùi hương cửa thiền, như khói nhang trầm loang ra trong không khí thanh tịnh, cũng có thể làm cho người ta an ổn tinh thần, tạm quên đi một số phiền muộn ở đời.

Tuy nhiên, kinh “Thủ Lăng Nghiêm” (Phật giáo Bắc truyền) có đoạn còn dẫn giải rõ như sau:

“Khi ngài Hương Nghiêm Ðồng Tử bắt được mùi hương thì phát hiện ra rằng: Bản tánh của hương cũng như bản tánh của vạn vật, đều do duyên hợp mà có. Mà cái gì do duyên hợp là hư ảo, không chắc thiệt. Vì vậy mà ngài không buông lung, bỏ mặc tâm thức mắc dính với mùi hương, để dung thông được tỷ căn và tự tại nơi tỷ thức”.

Nghĩa là kinh Phật khuyên người hướng thiện không nên chấp tín trong hương trầm mà tu tập, vì hương trầm vốn cũng khi có khi không, bản tánh chẳng thường trụ (aniccà). Nếu cứ tưởng nhớ hay tùy thuộc vào nó, thì tâm tư con người sẽ bị chi phối, mắc dính vật giả hợp, mà lu mờ trí óc…

Liên quan đến việc thắp nhang và đèn nơi bàn thờ trong các chùa, thì sách vở Phật học xưa nay vẫn giải thích: Hương trầm chỉ để tượng trưng cho cái tâm thanh tịnh, tức là Tâm hương. Còn đèn tượng trưng cho ánh sáng của trí tuệ, hay tâm đăng. Nếu chúng ta dùng nhan đèn dâng cúng mà tâm bị cố chấp (cầm tù), trí bị lu mờ (mê tín), thì quả thật chúng ta đã làm ngược lại với ý nghĩa những lời Phật dạy.

Tâm hương ấy có năm phương diện là:

1/ Giới hương, hương của giới đức tinh khiết.

2/ Ðịnh hương, hương của sự thanh tịnh ý thức.

3/ Huệ hương, hương của trí tuệ trong sáng, luôn luôn quán chiếu qua chân lý.

4/ Ðoạn phiền não hương, hương của giác ngộ sự thật, tâm xa lìa, không bị nung nấu bởi tham dục.

5/ Giải thoát tri kiến hương, hương của tánh không tự tại, chẳng bị chính cái tri kiến của mình hạn chế, che mờ nữa.

Năm loại “tâm hương” nầy có thể tỏa rộng ra mười phương tám hướng, không bị ngăn ngại bởi thời gian, không gian, hay chiều gió, vật chất. Chúng chỉ được tượng trưng bằng nhang trầm để cho khứu giác tiếp nhận, đối với những người mới tìm hiểu đạo Phật. Nhưng đối với những ai đã thấm nhuần giáo lý Phật đà, thì năm loại “tâm hương” nói trên cũng có thể được “thấy” và được “nghe” bởi đôi mắt (thị giác) và lỗ tai (thính giác) tỉnh thức nữa.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6800340