CƠ QUAN VỊ GIÁC (LƯỠI)
Quả lành có năm giác quan kỳ diệu
(Kusalaphalànam pañca savimhaya dvàrà) (tt)
Bài 5: CƠ QUAN VỊ GIÁC (LƯỠI)
TUỆ LẠC – NGUYỄN ĐIỀU
Lưỡi là “địa điểm” để các thức ăn và vật uống được tiếp xúc với cơ quan vị giác. Phật giáo gọi địa điểm nầy là Thiệt căn (Jìvhà dvàra hay “cửa nhận vị”), và gọi cái nó cho con người biết về khẩu vị là Thiệt thức (Jìvhà Viññàna). Nó là cơ quan dẫn vào não bộ sáu loại khẩu vị khác nhau từ ngoại trần. Ðó là mặn, ngọt, chua, chát, cay, và đắng.
Theo nhân thể học thì lưỡi là một miếng thịt hơi giống “hình thang” (trapèze), mà chiều đáy kết dính vào cuốn họng, do một màng niêm dịch gọi là “hàm thiết”. Nó có dạng một thớ thịt thăng (nhô lên), và trải dài trong miệng từ “đốc họng” ra tới răng cửa. Mặt dưới, ở chính giữa, nó được nối liền với nền miệng, bởi một lớp “võng mô” có nhiều hạch nước miếng, chỉ chừa đầu lưỡi và xung quanh một khoảng nhỏ, để nó được cử động thuận tiện, dễ dàng theo “ý muốn”.
Lưỡi đóng hai vai trò quan trọng trong sự sống, là làm việc phát âm và ẩm thực. Vai trò thứ nhất: Khi tạo ra tiếng nói nơi miệng, thì lưỡi rất mềm dẻo… đưa lên, hạ xuống, cong vào, duỗi ra, lắc qua, hất lại…, phối hợp với những dây âm thanh và hốc mũi, cùng sức ép từ dưới bụng đẩy lên. Ðồng thời, mặt ngoài lưỡi còn có đôi vành môi và hai xương hàm hỗ trợ.
Những diễn viên “nói trong bụng” (ventrilogue) tuy không cần đến đôi môi và cử động xương hàm, nhưng những bộ phận phát âm khác, tiếp cận với lưỡi bên trong, cũng đủ sức giúp lưỡi phát ra tiếng nói. Nghệ thuật nầy không phải ai cũng làm được, mà chỉ có rất ít người thực hiện được thôi.
Người câm mang khuyết tật trong lưỡi và khẩu âm, tuy không nói được, nhưng họ vẫn ăn uống bình thường.
Vai trò thứ hai và cũng là vai trò tối cần thiết, là lưỡi tiếp xúc với thức ăn hay đồ uống, để “thông báo” cho bộ óc biết các thực phẩm ấy thích hợp với sự sống hay không, trong sự duy trì sinh mạng. Nhà Phật chú trọng vai trò nầy, nên gọi nó là Thiệt căn, và nó mang lại cái biết gọi là Thiệt thức.
Theo quan sát khoa học, trên mặt lưỡi có một lớp “niêm mạc” (musqueuse) phủ toàn diện. Nhờ lớp niêm mạc nầy mà lưỡi tập trung được nửa triệu tế bào “mầm vị giác” (bourgeon du goût), trình bày dưới dạng một “rừng gai lưỡi”, và có những đường gân (nerfs) ăn thông với mũi và tai, để chạy vào não bộ. Lưỡi có khả năng phản ứng (báo động) cấp tốc khi chạm với những vật không thích hợp trong miệng, như nóng lạnh, ung thối, hay bén nhọn, v.v… Trường hợp đụng phải các vật như thế thì nó lập tức “nhợn” ra.
Do sự cấu tạo khá máy móc, mà khi tiếp thu những vật thực khô dày, lưỡi chưa “cảm xúc” được tinh vị của chúng, cũng như không thể đưa chúng vào thực quản, thì lưỡi một mặt tiết ra niêm dịch làm trơn loãng, một mặt “trộn trạo” rất khéo léo, sao cho những vật thực dày cộm kia tuần tự xê dịch, nằm đúng giữa hai hàm răng, để răng nghiền nhỏ tất cả, trước khi chúng được lưỡi vo tròn, trộn với nước miếng, đưa vào cổ họng.
Có ba loại “gai lưỡi”. Hai loại đầu là “gai chỉ” (hình sợi), và “gai nấm” (hình nấm) nằm ở đầu và ở giữa lưỡi. Còn loại thứ ba gọi là “gai vòng” (hình dạng giống như nếp vải xếp uốn cong), nằm tận phía trong cùng của lưỡi, tiếp giáp với thực quản, để đẩy thức ăn vào bao tử, và che đậy mùi bên trong, không cho thoát ra ngoài.
Vị giác của bộ máy phức tạp ấy (hay thiệt căn) bắt đầu từ khi thực phẩm được ngâm trong nước miếng. Vì vậy, nếu lưỡi bị khô thì chúng ta không thể nếm biết gì cả. Ngoài ra, phía nóc trên miệng và vùng bao quanh lưỡi còn có những “tấm gai vị giác” (papilles gustatives).
Toàn thể các tấm gai “thu vị” ấy đều chứa những vi mao truyền cảm rất mịn (microvillasités), giao thông với não bộ bằng một hệ thống đường gân và thần kinh, chạy thẳng vào “trung ương vị giác”. Não bộ sau khi phối trí những “thông tin” rồi, thì nó tổng hợp, “xác nhận” chúng lại, để làm thành vị giác thường trực.
Trong sáu khẩu vị phổ thông nói trên, có bốn khẩu vị căn bản là mặn, ngọt, chua, và đắng. Mỗi vùng gai cảm giác trong miệng có một phần hành riêng biệt. Chẳng hạn như vùng gai nằm ở đầu lưỡi chuyên biết hai vị mặn và ngọt. Vùng gai ngang hông lưỡi thì biết được vị chua. Còn vùng gai nằm gần cổ họng thì biết được vị đắng. Riêng vùng gai ở giữa lưỡi thì độ nhạy cảm thua xa những vùng gai kia.
Vị chua cao độ (thường là của các chất độc) được vị giác phát hiện nhanh hơn hết, làm thành sự bảo vệ cho sinh mạng. Cho nên các chất cường toan (như acid chẳng hạn) khi vô ý chạm vào miệng, thì được lưỡi phản ứng phun ra liền, để tránh bị ngộ độc nặng.
Vị giác cũng có tính cách cá nhân. Người ưa vị nầy, kẻ thích vị kia, vì phản ánh nghiệp thức của hàng triệu chúng sinh vốn khác nhau, đồng loại có, khác loại có. Nó là một khía cạnh của ái dục (hay lòng tham) trong sự sống con người.
Theo các nhà khoa học, thì vị giác và khứu giác là hai giác quan thiên về “hóa chất”, tức là tiếp xúc với ngoại trần, qua tiến trình hóa hợp. Trong khi đó thì thị giác và thính giác thuộc về vật lý. Nghĩa là chúng rất nhạy cảm đối với các luồng sóng của ánh sáng và tiếng động. Riêng xúc giác thì làm môi giới cho bốn giác quan kia. Khi tìm hiểu tỉ mỉ năm cơ quan cảm giác nơi một con người, chúng ta mới xác nhận được việc “Phật giáo cho rằng tâm thức vừa nằm trong ngũ căn, vừa nằm ngoài ngũ căn” là đúng.
Tưởng cũng nên biết thêm:
Những tinh chất của các món ăn, thức uống, chỉ phát hiện đúng khẩu vị tự nhiên, khi chúng vừa được để vào miệng, vị giác mới nhập cuộc. Nhưng sau đó thì những tinh chất ấy lại được thưởng thức dưới một “hỗn hợp mùi vị” khác. Giai đoạn nầy thuộc về “tập vị” hay “cá vị”, tức là có sự xen vào của khứu giác và xúc giác của mỗi cá nhân, để biến những tinh chất ấy ra một thứ vị mới, không còn giác vị đầu tiên nữa.
Ðây là lý do cùng một món ăn, mà hai người sau khi ăn, có thể khen chê khác nhau. Và khi các thực phẩm đã qua khỏi cổ họng, di chuyển trong thực quản rồi, thì chúng không còn mùi vị gì nữa. Có thể nói lúc ấy, các món ngon hay dở, dữ hay hiền, lành hay độc… tất cả đều như nhau.
Một số người cho vị giác không có hình ảnh tinh thần, là họ đứng về mặt vật chất mà nói. Nhưng theo đạo Phật, lưỡi làm “cửa” cho sự hiểu biết thuộc khẩu vị, thì nó cũng làm gốc cho sự ham ăn, háu uống, và do đó nó là “môi trường” của các vọng tưởng, mong cầu, khát khao hướng về khoái khẩu.
Khi ý thức được những món ăn nào đó là quý trọng, hay ngon bổ, thì lòng tham cầu “cung dưỡng”, qua hưởng thụ phát sinh, dẫn đến quan niệm “sống là để ăn, để uống”, hay “phần chính của hạnh phúc trong đời, đến từ hai việc ăn uống”, chứ không phải đến từ một chân lý cao thượng nào khác. Như các đại hiền triết xưa nay vẫn khuyên rằng: Trong khi ẩm thực, chúng ta cần quán tưởng “ăn uống chỉ là để sống lành mạnh”, hầu quân bình sức khỏe, tu luyện thân tâm mà thôi.
Và vì tham cầu cung dưỡng mà con người trở nên hèn hạ, hung dữ, sẵn sàng thực hiện mọi hành động độc ác, để về phương diện thể xác, thõa mãn cho sự khoái khẩu, và về phương diện tinh thần, tự biến tâm tánh mình thành thú vật. Kết quả là khi hết tuổi thọ làm người, vì di tồn nhiên lực, kẻ ấy sẽ hiện ra sự sống mới trong kiếp sa đọa thú vật. - Như loài heo chẳng hạn!
Trong kinh Di Giáo Tóm Tắt (Buddhasàsana Sankhepa Sutta), đức Phật đã dạy “Ðừng ham mê ăn uống, hãy biết thanh tịnh bằng sự tri túc”. Nghĩa là ăn đủ để sống, để quân bình sức khỏe, và chỉ ăn món nào trong sạch, lành mạnh, không đến từ nguồn gốc tội lỗi mà thôi.
Mặt khác “trà đạo” của Nhật Bản cũng là một “phương tiện” dùng lưỡi trong “thanh tịnh” tâm thức. - Thiền pháp!
Cử chỉ ăn uống tuy là những động tác bình thường, nhưng nó biểu lộ khá nhiều tính tình của con người. Vì vậy, một triết gia nổi tiếng thời cổ Hy Lạp, ông Platon (427-347 trước Công nguyên), đã viết một cuốn sách, nhan đề là “Bữa tiệc” (Le Banquet), để diễn tả cái tư cách (tâm tánh) “trầm tĩnh, cao quý” của nhà đại hiền triết Socrate (470-399 trước Công nguyên) mà ông rất ngưỡng mộ, tôn làm thầy. “Le Banquet” hiện nay là một trong những "tài liệu đầu giường” của các sinh viên ngành triết học, trường phái Tây phương, Âu - Mỹ.
Ngoài ra, lưỡi cũng là cơ quan dự phần trong việc gây ra khẩu nghiệp, gồm có hai loại thiện và ác. Khẩu nghiệp thiện thì mang lại bình an, cao thượng cho mình và cho người. Còn khẩu nghiệp ác thì tạo ra xung đột, chia rẽ, hận thù, tai ương, và gây bệnh tật tinh thần.
Danh ngôn người xưa cũng truyền tụng những câu đầy ý nghĩa sâu sắc, và thực dụng như sau:
“Bệnh tùng khẩu nhập.
Họa tùng khẩu xuất”, hay:
“Bệnh do miệng lưỡi đưa vào.
Họa do căn lưỡi bày lời vô ra”.
Nói tóm lại, lưỡi là cơ quan “dễ bị” say sưa, lạc đường (qua vị giác), và rất thường phạm tội (qua ngôn ngữ). Châm ngôn Tây phương cũng có câu “Trước khi phát biểu chuyện gì, người nói nên uốn lưỡi bảy lần” hẳn không ngoài mục đích khuyên chúng ta phải thận trọng, đắn đo những điều cần nói. Vì lời nói một khi đã ra khỏi miệng rồi, thì ảnh hưởng của nó thật vô chừng, rất khó bắt lại để chữa được. “Khó bắt” đến độ mà người phương Đông đã ví nó nhanh hơn bốn con ngựa: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”(!).
Và theo nhà Phật, muốn chỉ huy tính ham ăn, háu uống, và muốn cải thiện lời lẽ giao dịch giữa mình với người, phương pháp hữu hiệu nhất là phải luôn luôn cảnh giác, chánh niệm (tức định trí tỉnh thức, quán chiếu nơi thân tâm mình, để từng giây từng phút, chúng ta phải tự biết nơi nội ý, sắp sửa phát ra hành vi xấu hoặc tốt gì, và tư tưởng mình đang ở trong trạng thái nào, hầu hành động sao cho thiện nghiệp được gia tăng, và tránh trước hành vi phạm vào ác nghiệp.
Cảnh giác hay chánh niệm trong nhà Phật vốn là “phép vệ sinh” tối cần thiết, để “thanh lọc” tinh thần. Và gìn giữ sự dinh dưỡng lành mạnh của tinh thần chính là có niềm tin lành mạnh. Phật giáo gọi niềm tin lành mạnh là chánh tín. “Chánh” ở đây có nghĩa là vô hại, cởi mở, hướng thượng, chứ chánh không phải “chánh đối với tà”. Và nếu chánh tín thường xuyên được chánh niệm yểm trợ, thì tinh thần sẽ khỏe mạnh minh mẫn, sáng suốt. Tương tự như thế, sự dinh dưỡng đối với thân thể, nếu các thức ăn uống hay vật chất mà tươi tốt, sạch sẽ, và hợp vệ sinh, thì thể xác mới tráng kiện, vui tươi, dẻo dai, linh hoạt.
Nhắc đến Chánh tín (Samma Saddhà) trong nhà Phật, chúng tôi xin mạn phép rút từ kinh điển Pàlì, ghi ra bốn chi pháp căn bản, lập thành chánh tín, như sau:
1/ Tin nghiệp: Tin rằng mọi khởi niệm trong tâm tư con người, nếu sau đó biến thành hành vi qua ba nơi thân, khẩu, và ý, thì đó chính là nghiệp thân, nghiệp khẩu, hay nghiệp ý, và nó chắc chắn sẽ chuyên chở một trong ba “đặc tính” là thiện, ác, hay vô thiện vô ác.
2/ Tin quả: Tin rằng tất cả hành vi đều đem lại hậu quả. Hậu quả ấy luôn luôn vận hành bằng hai pháp, là ngoại tướng (thân thể) và nội tướng (tâm tư) trong chính tác nhân (biệt nghiệp), và trong quan hệ với tha nhân (cộng nghiệp).
3/ Tin rằng tất cả chúng sinh chỉ có nghiệp là duyên mệnh duy nhất (hay tạo hóa) của chính mình. Nghiệp của chúng sinh nào là “nguồn gốc” luân hồi đảo điên (thăng hay đọa) của chúng sinh đó.
4/ Tin Phật là bậc đã giác ngộ hoàn toàn chân lý giải thoát. Ngài đã tìm ra cái “căn nguyên thứ nhất” là vô minh trong vô số vòng sinh tử luân hồi. Và giáo pháp soi sáng, hay Thánh đạo ấy, là khả năng diệt tận vô minh, không để dư sót, đã được đức Phật thanh tịnh phổ biến, từ bi lưu lại trên thế gian. Nếu chúng ta tin tưởng, rồi hành đúng theo, thì chắc chắn chúng ta sẽ giải thoát, nhập vào Thánh giới và thành Phật.
Khi niềm tin của chúng ta, thiếu một hay bốn chi pháp trên đây, thì nó sẽ trở thành bất tịnh hay “khiếm khuyết”, chứ không phải là “toàn vẹn” hay chánh tín, dù cho chúng ta có đi chùa và cúng bái rất nhiều đi nữa.
Chưa kể niềm tin nào không có 4 chi pháp nêu trên thì thuộc hẳn về “tà tín” (miccha ditthi). Như vậy, muốn có chánh tín thì mỗi người cần cố gắng, làm sao cho niềm tin nơi tâm tư mình phải hội đủ bốn yếu tố căn bản vừa nói.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết