Thông tin

CÓ THỂ CHUYỂN NGHIỆP ĐƯỢC KHÔNG?

CÓ THỂ CHUYỂN NGHIỆP ĐƯỢC KHÔNG?

 

MINH NGỌC

 

 

Theo Phật giáo, mỗi loài chúng sanh hữu tình khi sanh ra đời vốn đã mang theo một phần nghiệp từ nhiều kiếp trước. Nghiệp đó do chính hữu tình tạo ra, gọi là nghiệp nhân và tự mình phải nhận lấy gọi là nghiệp quả. Tuy nhiên, khi sanh ra nhận lấy nghiệp đó không phải là định mệnh trói buộc như một số phận, hay do thượng đế an bài, bắt buộc mãi mãi phải chịu, mà trong kiếp sống này hữu tình đó vẫn có thể chuyển nghiệp quả mà mình đã nhận, từ nặng thành nhẹ, từ nhẹ thành hết tùy theo nỗ lực ý chí và chánh kiến thực hiện.

Trong bài kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt số 135 Trung Bộ Kinh, đức Phật dạy: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”.

Nếu không có nghiệp nhân của mỗi loài đã tạo ra nhiều đời trước, thì sao có hữu tình (người) sống rất thọ, kẻ chết non, hoặc vắn số yểu mệnh; có kẻ khỏe mạnh, ít bệnh, kẻ ốm yếu bệnh tật liên miên, kẻ hình dung đẹp đẽ, kẻ xấu xí tật nguyền, kẻ khờ khạo điên khùng, người thông minh sáng suốt, kẻ giàu sang từ trong trứng nước, kẻ đói khổ bần hàn khi mới chào đời, v.v…
Chắc chắn rằng hữu tình ấy phải có nghiệp tạo tác từ trước, theo luật nhân quả, khi mới sanh ra đã nhận lấy những nghiệp quả sai biệt ấy. Nếu không, khi mới sanh ra đã làm gì nên tội, mà phải nhận lấy những hậu quả đáng thương? Chẳng lẽ tạo hóa lại bất nhẫn an bài như thế sao?

Mặc dù đức Phật nói các loài hữu tình là thừa tự của nghiệp, tức có tiếp nối do nghiệp nhân quá khứ nhưng Ngài không cho rằng nó quyết định toàn bộ cuộc sống sau khi sanh ra. Vì sao? Vì chúng sanh cũng là chủ nhân của nghiệp, làm chủ những tạo tác trong đời sống hiện tại. Hơn nữa, còn có khả năng chuyển đổi nghiệp quả của mình đáng phải nhận một cách nặng nề, thành nhẹ nhàng như không. Nếu không như thế, tạo nghiệp nhân gì buộc phải nhận nghiệp quả ấy, không thể chuyển đổi, thì đời sống này hành thiện nghiệp, tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ để làm gì?

Cho nên, trong bài Kinh Diêm Dụ số 99 Tăng Chi Bộ Kinh II, đức Phật dùng thí dụ hình ảnh hạt muối để diễn giải về sự chuyển nghiệp, mà vẫn không trái với định luật nhân quả. Người tạo nghiệp bất thiện, nhận lấy nghiệp quả xấu, như người bỏ nắm muối vào trong ly nước, nước ấy rất mặn không thể uống được. Nếu như trong đời sống hiện tại này người ấy có tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, mở rộng tự ngã, sống đời vô lượng, thì ví như người bỏ nắm muối vào sông Hằng, vị muối loãng nhạt, có thể uống được. Muối là nghiệp nhân ác, còn nước là nghiệp thiện tức tu thân, giới, tâm, tuệ và mở tâm rộng rãi, sống đời vô lượng. Nước càng nhiều, muối càng loãng cho đến vị mặn còn rất ít, không đáng kể. Cho nên muốn chuyển đổi nghiệp quả xấu, đức Phật dạy hãy tinh cần nỗ lực tu thiện, chứ không phải cầu khẩn lễ lạy van xin để được chư Phật, Bồ tát giảm tội cho. Vì Phật và Bồ tát chỉ là người dẫn đường chứ không phải thánh thần ban phước, giáng họa.

Thông thường, con người khi lâm phải bệnh tật, ốm đau nặng hay đổ thừa cho nghiệp nhân quá khứ, ít xét thấy nghiệp nhân hiện tại. Thí dụ, người đang bình thường tự nhiên tai biến, tiểu đường, thấp khớp, tim mạch, một số bệnh hiểm nghèo khác, thậm chí ung thư gan, phổi, đường ruột v.v… Với con mắt tuệ, phải nhận rõ đó không phải hoàn toàn thuộc nghiệp nhân đời trước, mà tác nhân chính là ở lối sống hiện tại, trong đó có cả yếu tố cộng nghiệp di truyền từ huyết thống tổ tiên, cha mẹ. Vậy muốn chuyển được nghiệp quả, Phật dạy phải nỗ lực tinh tấn tu sửa đều cả mọi mặt mà trước hết là phải tu thân. Thay vì phải tích cực điều trị thân một cách khoa học, không mê tín,  ăn uống hợp vệ sinh, cân bằng chất và lượng, điều tiết chế độ nghỉ ngơi hợp lý, sống gần gũi thiên nhiên, thể dục dưỡng sinh v.v. thì lại cho rằng đây là “nghiệp” phải chịu do “kiếp trước đã vụng đường tu, kiếp này ắt phải đền bù mới xong” cho nên nghe lời thầy, bà…  không thèm chữa trị, xem thường cái thân, chỉ ăn uống chay lạt khổ cực, lo ngày đêm niệm Phật cầu “vãng sinh”, sáng tối trì chú để diệt trừ “tội chướng”, chẳng làm gì cả, hoặc phóng sanh thiệt nhiều để trả bớt nợ nần “oan gia trái chủ” hay những việc từ thiện khác… Những việc thiện này đều có công đức và có người cũng được tai qua nạn khỏi, nhưng đó là do phước duyên biệt nghiệp của chính mỗi người đến kỳ cảm ứng, không phải ai cũng được. Vì sao? Vì cách tu này gọi là tu phiến diện, không đúng như lời Phật dạy. Ăn chay là để nuôi dưỡng lòng từ bi; niệm Phật là để an tâm chánh niệm; trì chú là để trợ duyên chánh định; phóng sanh là để tăng trưởng lòng thương yêu sự sống; bố thí từ thiện là để dẹp trừ tâm tham lam bủn xỉn… còn thân nếu có nghiệp bệnh thì phải tu thân là chính, còn những việc kia là hỗ trợ thêm.

Tương tự, làm ăn thất bại nghèo khổ, không hạnh phúc gia đình, cuộc sống kém may mắn, yểu thọ… cũng đổ thừa cho “nghiệp quá khứ”, và cũng cho rằng cứ nỗ lực siêng năng ăn chay, niệm Phật, trì chú… là sẽ qua. Đức Phật dạy ngoài tu thân còn phải tu giới, tu tâm, tu tuệ… mới có thể chuyển được nghiệp quả. Tu giới là tu sửa theo 5 chuẩn mực đạo đức của người, tức là tinh tấn thực hành theo 3 chi: Chánh nghiệp, Chánh ngữ và Chánh mạng. Không sát sanh hại người hại vật, tôn trọng sự sống của muôn loài, xây dựng môi trường sạch xanh nuôi dưỡng sự sống, bảo vệ sự sống hài hòa với thiên nhiên. Không tà dâm, luôn thương yêu chung thủy vợ chồng, không phá hoại hạnh phúc gia đình người, tạo cầu nối xây dựng nối kết yêu thương với mọi lứa đôi, trên tinh thần “hiểu và thương”. Không xâm phạm tài sản sở hữu của người khác, tôn trọng và giữ gìn tính trong sạch bản thân trên tinh thần “đói cho sạch, rách cho thơm”. Không nói dối trá, ly gián, độc ác, thêu dệt, nên nói chân thật, hòa nhã, có ích, yêu thương. Không sử dụng những chất say nghiện, độc hại tổn thương đến sức khỏe, thân mạng, trí tuệ và tuổi thọ. Ngoài ra, nên chọn nghề nghiệp chính đáng, hoặc chuyển nghề cho dù nghề đó là truyền thống dòng tộc để lại, nhưng đó là những nghề phải trực tiếp hoặc gián tiếp vi phạm đến 5 điều Đạo đức của người Phật tử (Ngũ giới). Đồng thời phải tu Tâm, tu Tuệ. Tức là tu 4 chi: Chánh niệm, Chánh định, Chánh tư duy, và Chánh kiến. Giữ tâm ý trong sạch, không dao động trước những cám dỗ tham dục, tham ái, tham danh, tham của, tham hưởng thụ; những bực tức hận thù, ích kỷ, hơn thua; những tà kiến cố chấp không tin nhân quả. Luôn suy tư quán sát học tập theo những kiến thức của các Thánh nhân; người có trí tuệ, chân lý, xây dựng cho mình một quan niệm sống đúng đắn vì lợi ích hạnh phúc mọi người. Cuối cùng là với tâm tự ngã rộng lớn, sống đời vô lượng, tức mở rộng bốn tâm vô lượng Từ Bi Hỉ Xả luôn yêu thương không thù hận, luôn giúp đỡ mọi người không ích kỷ bủn xỉn, luôn hoan hỷ vui cười không đố kỵ nhỏ nhen, luôn thản nhiên tự tại không dính mắc chấp trước.

Phải biết đời sống hiện tại chúng sanh là một phần quả tiếp nối của nhân quá khứ, đan xen với phần nghiệp quả của nhân hiện tại, đồng thời làm nghiệp nhân cho quả tương lai. Chúng chằng chịt như lưới trói buộc chúng sanh. Cho nên, Đức Phật dạy không nên đầu tư mệt mỏi truy tìm quá khứ hay ước vọng tương lai. Vì quá khứ đã qua, mà tương lai chưa đến. Hãy nhìn lại chính mình ngay đây và bây giờ. Nếu bây giờ có nhận lấy nghiệp quả xấu, thì bằng con mắt tuệ, sáng suốt nhận rõ nguyên nhân của nó phát xuất từ bao giờ, kiếp này hay nhiều kiếp trước chứ không phải mọi thứ đều đổ thừa cho quá khứ, dẫn đến đánh mất sự nỗ lực vươn lên hay mù quáng chấp nhận. Rồi cuối cùng than thở “đều do nghiệp cả”. Hoặc như hiểu thật sự đó là những nghiệp quả nặng nề trên thể xác hay tinh thần khó thể chuyển đổi, thì cũng an nhiên vui vẻ trả cho xong “nợ”, có đâu mà “than trời trách đất” làm chi! 

Tóm lại, để chuyển những nghiệp quả xấu đang nhận, sẽ nhận… cũng như tạo nghiệp nhân tốt cho quả phước tương lai,  hãy bình tĩnh, sáng suốt thực hành theo lời Phật dạy trong bài Kinh Diêm Dụ này, đó là tinh cần nỗ lực, thực hành tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, mở rộng tự ngã, sống đời vô lượng, chứ đừng hồ đồ “chuyển nghiệp” theo tà kiến, thiên kiến, mê tín, hoang tưởng như cho rằng: “Chỉ một câu niệm Phật diệt tội hà sa” hay “Một câu thần chú tiêu tai tam kỳ nghiệp chướng” tu ít mà được quả nhiều, thì quả vị giải thoát của chư Phật cũng chẳng có giá trị gì lớn, và Phật cũng chẳng khổ công một đời thuyết pháp độ sanh làm gì!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6061178